Chương 28. Nhất Phương Thịnh Niên, Vô Ngạn Vi Yên (一芳盛年,无岸为烟)
[♪] Nhất Phương Thịnh Niên, Vô Ngạn Vi Yên (一芳盛年,无岸为烟):
· 一芳盛年 (Nhất Phương Thịnh Niên): Gợi hình ảnh của một tuổi xuân rực rỡ, một đóa hoa xinh đẹp trong thời điểm hoàn hảo nhất, nhưng cũng mang theo cảm giác chỉ tồn tại trong khoảnh khắc.
· 无岸为烟 (Vô Ngạn Vi Yên): "Không bờ bến hóa thành khói" nhấn mạnh vào sự tan biến, trôi xa của ký ức và thời gian, tạo cảm giác vừa vô vọng, vừa nhẹ nhàng bay bổng. Khơi gợi ý niệm về sự vô bờ trước khi hóa thành khói, như một hành trình chuyển hóa.
------
Vạn Hoa Đình [万花亭], nghe qua mỹ tự, ngỡ rằng nơi đây hẳn là chốn danh lam bậc nhất, không kém cạnh Ngự hoa viên của thiên tử. Song thực tế lại chẳng phải vậy. Chỉ là một đình nhỏ nơi đầu làng, đơn sơ nép mình dưới những khóm diên vĩ e ấp, nhưng cũng chính tại đây, danh nho đại tài mang danh tự Vạn Hoa đã lưu lại một tác phẩm để đời, khúc nhạc tấu Bách Trung Thuật Man (百忠術慲), khiến nơi này được khắc ghi trong lòng người đời.
Hoa diên vĩ là loài hoa thoát tục, chỉ rực rỡ nhất vào những ngày cuối xuân đầu hạ. Dưới ánh dương trong suốt ba, bốn canh giờ, sắc hoa mới nở trọn vẹn, rực lên như dải lụa óng ánh. Nhưng thiếu ánh sáng, những cánh hoa nhanh chóng trở nên úa tàn, như một áng thơ dở dang chưa kịp thăng hoa.
Từ trên xe bước xuống, ta cảm thấy hơi ngại ngùng. Ngô Thập Nhị đã có mặt từ sớm, y chỉ mang theo một tiểu thư đồng nhỏ nhắn, dáng người gầy yếu đứng hầu bên cạnh. Dù đã cho một vài bộ khúc ở nhà để canh gác, chỉ giữ bên mình hai người, so với đoàn tùy tùng năm người ta dẫn theo, cảnh tượng trước mắt thật đối lập.
Ngô Thập Nhị lướt mắt qua, nhưng không có ý tứ dè bỉu. Ta vừa định hành lễ, đã thấy y thận trọng thi lễ trước, dáng vẻ cung kính mà không mất đi sự tự nhiên: "Thương cô nương, đã lâu không gặp. Cô vẫn khỏe chứ?"
Ta cúi đầu, đáp lời: "Đa tạ Ngô quan nhân, ta vẫn ổn! Còn ngài?"
"Rất hân hạnh được cô nương quan tâm. Mọi sự đều trôi chảy, chỉ là đôi lúc bút mực khô cạn, lời văn chẳng đắc ý, đành mượn cảnh vật mà dưỡng thần. Mong lần hội ngộ này có thể khiến cô nương lưu lại đôi chút niềm vui."
Y lời ít ý nhiều, nhưng câu nào cũng tinh tế. Sau khi trao đổi vài câu chuyện nhàn đàm, y bỗng nghiêng người nói với vẻ trịnh trọng: "Thứ lỗi vì không báo trước để cô nương chuẩn bị. Chuyện du ngoạn hồ sen mà chúng ta dự định, e rằng không thể thực hiện được nữa. Tại hạ đã viết thiếp mời bằng hữu tụ hội trên trấn. Vậy chi bằng chúng ta đổi địa điểm, ý cô nương thế nào?"
Ta không tỏ vẻ gì, chỉ nhẹ nhàng đáp lại: "Nghe theo ngài."
Thấy ta không tỏ ý ra phản đối, y thoáng chút ngạc nhiên, ánh mắt lướt qua ta rồi mới nhẹ nhàng hỏi: "Thương cô nương, chẳng lẽ không định hỏi rằng ta định ta sẽ đưa cô nương đến đâu sao?"
Ta lắc đầu. Người như y, dù đưa đi đâu, ta cũng không ngại.
Câu trả lời của ta dường như không khiến y thấy bất ngờ nữa, mà chỉ khẽ cười, vẻ mặt an lòng.
"Vậy chúng ta khởi hành thôi." Y nói bằng giọng điệu vẫn thản nhiên nhưng không thiếu phần cẩn trọng, đồng thời đưa tay chỉ về phía chiếc xe, ra hiệu mời ta lên trước. Ta gật đầu, bước lên xe. Nhưng vừa lúc đó, như chợt nhớ ra điều gì, ta quay lại, ánh mắt chạm phải ánh mắt của Ngô Thập Nhị. Thấy vậy, y mỉm cười, tay chỉ về một con ngựa đang thong thả gặm cỏ gần đó: "Ngô mỗ sẽ cưỡi ngựa."
------
"Lúc ấy, biên giới Tây Nam khói lửa triền miên, giặc cỏ nổi dậy như ong vỡ tổ. Đại tướng quân cầm quân chinh chiến, trấn áp kẻ thù, thu phục lòng dân, lập công oanh liệt tại chiến trường Thương Lĩnh."
Ngồi ở trà lâu, nghe thuyết thư tiên sinh kể chuyện, cũng không tồi mấy. Chỉ nghe tiếng ấm trà va vào nhau và giọng thuyết thư tiên sinh vang đều đặn.
Là một điển cố về một vị anh hùng đến từ phương Bắc. Một danh nhân lưu truyền thiên cổ, lập đại công nơi Thương Lĩnh Quan [蒼嶺關], dẹp loạn đảng hung tàn, bình ổn vùng Hà Nam Tây [河南西].
Truyền kỳ về người ấy không ít, nhưng có một tình tiết ta cảm thấy nghe rất quen thuộc. Câu chuyện mở đầu luôn bằng những lời ca tụng: "Kì [奇] tướng quân trí dũng song toàn, dẹp loạn phương Nam, lập đại công tại Tông Hoạt [松括], cuối cùng được triều đình ban ân sắc phong, lại thêm niềm vui lớn là sánh duyên cùng công chúa Thọ Nghi [皋興]."
Theo lời kể, sau mười năm chinh chiến nơi phương Nam, Kì tướng quân trở về kinh kỳ cùng công chúa Thọ Nghi. Triều đình ban cho ông thực ấp rộng lớn tại vùng Bạch Lưu Khê [白流川], phong làm Hộ quốc đại tướng quân. Công chúa Thọ Nghi cũng được phong tước hiệu cao quý, song cuộc hôn nhân của họ lại không có hậu duệ. Sau này, hai người nhận nuôi một vị hoàng thân xa dòng, phong làm Tuy Phong Bá (隨風伯) để nối dõi tông đường.
Dẫu vậy, vị phò mã lừng danh lại khiến người đời sau không khỏi ngạc nhiên và tiếc nuối. Sau khi lập công trở về, tính tình của ông dần thay đổi, trở nên khó gần và lạnh lùng. Dùng một câu chính là "mục chi gian" (目之艱) để bình phẩm.
Câu chuyện cách nửa đời người trước, nhưng đã để lại cho người về sau quá nhiều nghi vấn. Nhất là vụ án Khấp huyết uất (泣血苑) có liên quan đến phủ công chúa Thọ Nghi, khiến triều đình chấn động, làm dấy lên vô số lời đồn đoán trong dân gian.
Tiếp đến thuyết thư tiên sinh cẩn trọng đọc lên bài thơ "Lưu Quang Vạn Hữu", được cho là một trong những bút tích còn sót lại của vị tướng quân kia. Cuối cùng kết lại bằng một câu cảm thán đầy ý vị để chú giải: "Mười năm hữu thời một chữ vọng (妄)."
-------
Hán Việt:
Lưu Quang Vạn Hữu
Kỳ sơn tùng khoát trường,
Hà xuyên cao hưng hương.
Thiên đạo bất khả trắc,
Lưu quang y phượng phượng.
Khôi quả xuân phong chí,
Đỗ trọng ấm ý tàng.
Thương không ẩn hà nơi,
Viễn cổ vô nhân vọng.
Hán ngữ:
流光万有
奇山松括長,
河川皋興鄉。
天道不可測,
流光肄芳芳。
檰果春風至,
杜仲暖意藏。
蒼穹隱何處,
遠古無人望。
Dịch nghĩa:
Muôn Hình Ánh Sáng
Ngọn núi kỳ lạ, thông rậm mọc dài,
Dòng sông chảy qua, bãi bồi tạo làng quê.
Đạo trời không thể đoán định,
Dòng thời gian trôi qua, hoa vẫn ngát hương.
Quả đỗ trọng chín vào mùa xuân,
Dưới gió ấm, lòng đất giấu giữ bao tình thương.
Bầu trời bao la ẩn mình nơi đâu,
Từ thuở xa xưa, không ai còn nhớ nữa.
Dịch thơ:
Ánh sáng chảy muôn nơi
Núi lạ thông xanh thẳm,
Sông dài bãi mát lành.
Đạo trời ai dò thấu,
Ánh sáng nở hương thanh.
Mùa xuân mơ chín ngọt,
Đỗ trọng ấm tình xanh.
Trời rộng nơi đâu khuất,
Cổ xưa chẳng rõ hình.
(*) Cảm hứng cấu tứ từ bài Thiên Vấn (天問) - Khuất Nguyên (340 TCN - 278 TCN).
------
"Thương tiểu thư dường như rất thích nghe chuyện về Kì tướng quân?" Ngô Thập Nhị nhìn thấy ta say sưa lắng nghe thuyết thư tiên sinh kể chuyện, không khỏi lễ độ hỏi, trong giọng nói có phần tò mò. "Nếu tiểu thư muốn biết thêm nhiều điều, tại hạ có thể kể cho cô nương nghe một vài chuyện về vị ấy."
Ta quay đầu, thoáng bất ngờ trước lời hỏi, nhưng lập tức nhướng mày, đáp lại với chút đùa cợt: "Quan nhân tinh tường đến vậy ư?"
Ngô Thập Nhị lắc đầu khiêm tốn, đáp: "Không dám. Chỉ là tổ phụ của tại hạ có quen biết với ngài ấy. Lúc còn nhỏ, tổ phụ thường kể về những chuyện xưa, đôi khi những câu chuyện ấy lại có phần khác biệt so với lời đồn đại trong thiên hạ. Nếu tiểu thư có nhã ý, tại hạ xin được mạn phép thuật lại đôi điều."
"Vậy sao?" Ta mỉm cười. "Nếu vậy, ta xin rửa tai lắng nghe."
Ngô Thập Nhị nhìn ta, ánh mắt đầy vẻ tiếc nuối: "Kì tướng quân, ngài ấy không phải là kẻ như người đời vẫn nhắc tới. Dẫu tài trí vượt trội, công lao hiển hách, nhưng lại mang một nỗi oan khiên khó gột rửa. Tổ phụ của ta từng nói rằng, nếu có một ngày hậu thế hiểu thấu được lòng ngài, ắt ngài sẽ thanh thản hơn nơi chín suối." Giọng y đượm buồn, như thể đã chìm đắm trong những câu chuyện xưa về vị tướng quân mà y luôn ngưỡng mộ.
Lời vừa dứt, bỗng Ngô Thập Nhị cất giọng ngâm nga:
"Ngụp mình nơi đời mỏi,
Mãi ước mộng xa vời.
Khấp khểnh đồi heo hút,
Lòng sạch thấy rạng ngời."
(*) Cảm hứng cấu tứ từ bài Độ Thiên Đức giang (渡天德江) - Lê Quý Đôn (1726 -1784).
Hán Ngữ:
浴身勞碌世,
永姚夢幻生。
迤伏僻丘路,
淨心見瓊烜。
Hán Việt:
Dục thân lao lực thế,
Vĩnh Dao mộng huyễn sinh.
Di Phục bí khâu lộ,
Tịnh tâm kiến Quỳnh Huyên.
Câu thơ như khắc họa một tâm trạng mỏi mệt của kẻ chốn trần gian, tâm hồn khao khát tìm kiếm một nơi tĩnh lặng, một chốn bình an. Cũng không khỏi cảm nhận được sự chênh vênh trong tâm hồn người ngâm thơ, như thể tâm trạng ấy đã vươn ra ngoài thế giới vật chất.
Khi nghe xong, ta bất giác cảm thán: "Người mang tâm tư ấy, nếu biết có người thấu hiểu mình, chắc hẳn lòng đã được vỗ về rồi."
Ngô Thập Nhị thoáng mỉm cười, nhưng trong ánh mắt lại mang một tầng ưu tư khó tả. Chốc lát, y trầm giọng hỏi: "Tiểu thư có đoán được bài thơ này mang nhan đề gì không?"
"Ta không rõ. Nhưng hẳn... là một tựa đề thật thanh tao."
Ngô lang khẽ lắc đầu, dáng vẻ vừa dè dặt vừa nhã nhặn: "Vài câu thơ ngắn không đủ gọi là tác phẩm lớn lao, thực khiến người chê cười." Ngô Thập Nhị đáp thêm. "Bài này gọi là Tâm chí giữa bụi trần (悠塵之志). Nếu cô nương có hứng thú, ngày sau tại hạ sẽ sao thêm vài bài khác."
Lời y vừa dứt, ta hạ tầm mắt, nhẹ nhàng nói: "Cảm ơn ngài! Nếu có dịp, mong được lĩnh giáo."
"Thập Nhị lang!" Bẫng một lúc, chưa đầy nửa canh giờ, những bằng hữu của Ngô Thập Nhị lần lượt xuất hiện, từng bước chân như mang theo phong thái nghiêm cẩn, khí chất nhã nhặn mà tự tại.
Là ba người thư sinh nho nhã, giữ phẩm ngạch cũng không nhỏ. Phương niên diệu linh (妙齡). Trong đó, có một người còn chưa tới tuổi quán tuế (冠歲) đã đạt tới chức Hương cống (鄉貢), đủ thấy tài hoa hơn người. Tất cả bọn họ đều là bậc anh tài, thông thạo kinh sử lễ nghĩa, giỏi thi thư, lại am hiểu lễ nhạc và các môn nghệ thuật thanh nhã. Sự hiện diện của họ làm sáng bừng không gian nơi trà lâu, như gợi lại khí chất thịnh thế củavang bóng một thời đại cũ.
Người có học thức, từ lối cư xử đến tư thái (姿态) đều có sự đặc biệt. Họ cũng không chê ta là người thiển cận, phô phang, hay là kẻ nói lời không ra đâu. Như Ngô Thập Nhị từng đề cập đến, chẳng màng đến xuất thân hay những lời dèm pha nơi thế tục.
Trong số ấy, Phó Thừa Văn [傅乘聞] giữ chức Trung thư xá nhân (中書舍人), dáng dấp trầm ổn, lời nói thường kèm theo vài câu thi ý uyên bác; Thẩm Đạo Chân [沈纛振], tuổi trẻ mà giữ chức Phụng thiên thiếu doãn (奉天少尹), mỗi câu mỗi chữ đều toát lên sự điềm đạm, từng trải; Hoàng Phủ Tịnh Hậu [皇甫靜後], tuy thân làm Đại lý tự tự thừa (大理寺寺丞), phong thái nghiêm nghị nhưng lời nói lại gần gũi, mang chút cợt đùa mà không mất đi vẻ lễ giáo.
Khi ngồi xuống, họ không vội chuyện trò, mà đều dừng lại nhìn Ngô Thập Nhị, tựa như muốn nghe y dẫn dắt câu chuyện. Một trong số đó, Phó Thừa Văn khẽ cười, cất lời như thơ: "Khó có dịp gặp lại, xin mạn phép làm phiền trà thời của huynh."
Ngô Thập Nhị đáp lại bằng một cái khẽ nghiêng đầu, khóe môi nhếch nhẹ, đầy vẻ ôn hòa: "Chư vị đến, kẻ hèn này há lại coi là phiền? Trà thơm vì bạn quý, huynh đệ hội ngộ, còn gì vui hơn?"
Thẩm Đạo Chân nghe vậy, liền đưa tay nâng chén trà, khẽ lắc đầu, như thể còn điều gì muốn hỏi: "Thập Nhị Lang, nay có giai nhân ngồi bên, bọn ta liệu có làm phiền chăng?"
Ngô Thập Nhị thoáng mỉm cười, ánh mắt lộ chút khiêm nhường mà không kém phần ý vị: "Giai nhân đâu sánh được cùng lời văn ý tứ của các vị."
Thẩm Đạo Chân khẽ nâng chén trà, nhấp một ngụm, rồi chậm rãi đáp lại: "Lời ấy của Thập Nhị Lang có phần nặng quá. Nghe nói tiểu thư đây rất có lòng yêu mến những câu chuyện cổ, đặc biệt là về bậc kỳ tài. Chẳng hay có đúng chăng?"
Ta thoáng ngẩn người, nhưng lập tức cười đáp một câu không liên quan: "Người đời hay phán đoán điều mình không hiểu!"
"Thương tiểu thư quả nhiên là người hiểu sâu sắc tâm tư của bậc danh nhân." Hoàng Phủ Tịnh Hậu bật cười, quay sang Thập Nhị Lang mà nói: "Thập Nhị, hôm nay ngươi lại thể hiện tài ăn nói của mình trước mặt giai nhân rồi. Chẳng hay còn bài thơ nào tâm đắc chăng, đọc ra để tiểu thư đây cùng thưởng lãm."
Vào lúc này, ta mới chợt nhận ra, họ đều là những người đã tham gia bữa tiệc của Tô thúc, và đều có quen biết với ông ấy. Họ không ngừng khen ngợi ông, vẻ tôn kính rõ ràng trong từng lời nói.
Họ vừa chuyện trò, vừa thưởng trà. Mỗi lời thốt ra đều hàm ý sâu xa, vừa như đối đáp, lại như họa thơ, khiến lòng người phải dừng lại để ngẫm suy. Chưa đầy một lúc, từ ngoài vọng vào tiếng chuông xe ngựa leng keng, vài tiểu thư nhà quan cũng tiến đến. Trong đó, có một vị là đường muội của Hoàng Phủ [皇甫] lang, người nhỏ tuổi nhất ở đây. Thấy biểu ca mình liền tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: "Hèn chi sáng nay muội thấy huynh vội vã. Té ra là có hẹn với Thập Nhị lang. Nếu biết sớm, chúng ta đã cùng đi rồi!"
Hoàng Phủ [皇甫] lang cười cười đáp: "Ta cũng không hay muội có hẹn cùng Thương Đại nương tử đâu."
Tiểu thư Hoàng Phủ liền phụng phịu: "Mấy ngày trước muội có nói rồi, huynh không để tâm thôi!"
Hoàng Phủ lang vội vàng đáp lại, nhưng giọng điệu có phần chế giễu: "Muội nói với thúc thẩm, cùng nội tổ mẫu chứ có nói cho ta đâu!"
"Được rồi!" Một vị nương tử mặc áo hồng, nhẹ nhàng chen giữa. La thị [羅] là vị hôn thê của Hoàng Phủ [皇甫]. Nàng khẽ cười khi thấy hai huynh muội họ Hoàng Phủ đang lời qua tiếng lại: "Huynh muội ở chốn này cãi vã, thật mất mặt!"
Hoàng Phủ lang bật cười, chắp tay như xin lỗi: "Trang Nương [莊娘] nói chí phải. Ta chỉ là đôi lúc không nhịn được tiểu muội thôi."
La Trang Nương [羅莊娘] là một vị hương quân (香君), cha nàng giữ chức Quang lộc tự (光祿寺), trật phẩm chính ngũ phẩm. Người còn lại họ Đoàn [段], danh tự Như Khuê [如奎]. Đều là Tông nữ (宗女) như Thái Minh Châu, nên mối quan hệ cùng nằm trong tầm quen biết.
Các tiểu thư cũng nhanh chóng hòa vào câu chuyện, mỗi người một vẻ, nhưng đều mang phong thái cao nhã. Từ cách ngồi đến cách cầm chén trà, không một động tác nào thiếu phần đoan trang.
Mời họ vào trong nhã gian ngồi, ta liền đưa ra lễ vật tặng cho từng người. Có nghiên mực, cũng có chặn giấy, đều là những món thủ công đến từ Sung Dụ Đường. Ai nấy đều cảm động trước tấm lòng nhỏ mọn này, bèn lần lượt đáp lễ.
Hoàng Phủ Từ Thục [皇甫慈淑] trông thấy món chặn giấy, ánh mắt bỗng sáng lên, nàng cầm lên ngắm nghía mãi, miệng không ngớt lời khen ngợi: "Tỉ mỉ như vậy, quả thực hiếm thấy! Món quà này chẳng những hữu dụng mà còn tinh tế." Nàng trạc tuổi với Hồng Lăng, chỉ một thoáng chuyện trò đã thấy tâm đầu ý hợp. Hai người sau đó liền trao danh thiếp để tiện bề liên lạc, trong mắt đã ngầm định mối giao hảo khuê mật.
Khung cảnh trong nhã gian rất đỗi sinh động, tiếng trò chuyện bàn luận rôm rả khiến không khí thêm phần ấm áp. Bỗng nhiên, Phó Thừa Văn ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ: "Sao nhị huynh đệ họ Cẩm còn chưa đến nhỉ? Chẳng phải đã hẹn giờ trước rồi sao?"
Thẩm Đạo Chân thong thả tiếp lời: "Cẩm gia sắp có hỷ sự, có lỡ chút giờ, cũng là điều dễ hiểu."
Hoàng Phủ Tịnh Hậu gật đầu, đoạn khẽ cười: "Nhưng Cẩm Nhị lang đã hứa ra sớm, lần này e rằng lại để chúng ta đợi lâu rồi."
Ngô Thập Nhị mỉm cười, nhẹ nhàng xen lời, không muốn để ta lạc lõng giữa cuộc bàn luận: "Tiểu thư thấy trà lâu hôm nay thế nào? Cảnh trí này, liệu có làm thỏa lòng chăng?"
"Quả đúng như lời công tử nói." Hương trà như thơ, lời kể như nhạc, khiến người thưởng thức không khỏi tịnh tâm.
Ngô Thập Nhị khẽ cười, gương mặt đầy vẻ hài lòng: "Người biết thưởng trà, ắt là người hiểu lòng người."
Hoàng Phủ Tịnh Hậu nghe vậy, cũng liền nhập cuộc: "Ngô lang nói không sai, một lá trà nhỏ nhoi, nhưng lại là tinh hoa đất trời, từ trồng trọt, chế biến đến pha chế, đều gói gọn trong đó bao tâm huyết. Người thưởng trà, thực ra cũng là đang thưởng lòng người."
Phó Thừa Văn bật cười, tiếp lời: "Có khi nào đạo trà còn cao hơn đạo lý làm người không? Thưởng trà mà có thể thấu hiểu nhân tâm, thì cũng chẳng khác nào học cách sống thấu tình đạt lý."
Ngô Thập Nhị cười khẽ, nhấc chén trà trong tay, nhẹ nhàng đưa lên thưởng thức. Hắn đặt chén xuống, chậm rãi nói: "Cũng tùy người. Có người thưởng trà vì cái vị đắng chát, có người vì hậu ngọt lưu luyến, có kẻ lại vì hương thơm nhẹ tựa khói mỏng sương tàn. Nhưng dù là vì lý do nào, uống trà cũng cần một cái tâm tĩnh lặng, mới có thể lĩnh hội hết cái tinh túy."
Hoàng Phủ Từ Thục nghiêng đầu, tò mò hỏi: "Thương Đại nương tử thường uống trà một mình hay có bạn đồng hành?"
Ta thoáng ngập ngừng, đôi mắt liếc nhẹ sang chén trà đang bốc hơi ấm trên bàn, rồi từ tốn đáp: "Thường là một mình. Nhưng nếu có bạn hiền tri kỷ cùng ngồi, thì lại thêm phần thú vị."
Lời vừa dứt, cả nhã gian liền vang lên tiếng cười rộn ràng, tiếng trò chuyện như dòng nước chảy róc rách, chẳng có dấu hiệu ngừng lại. Hoàng Phủ Tịnh Hậu còn dùng quạt che miệng cười khúc khích, nét mặt đầy vẻ trêu đùa.
Hoàng Phủ Tịnh Hậu bỗng xen lời, giọng như vô tình nhưng lại đầy chủ ý: "Nhắc đến tri kỷ, chẳng biết Thương Đại nương tử đã nghe chuyện của Khương lang chưa? Nghe nói gần đây gia đình Khương lang chẳng được yên ả."
Ta khẽ cau mày, ra vẻ quan tâm, liền hỏi: "Chuyện gì vậy?"
Thẩm Đạo Chân là người đầu tiên lên tiếng: "Khương lang mới có thêm một tiểu nữ, nhưng mà Khương bá mẫu lại muốn chuyển thị thiếp về ở chung nhà chính với lệnh nghiêm đường, chuyện này khiến Khương tẩu không đồng ý. Thậm chí nàng còn dẫn tiểu nữ về nhà ngoại ở, khiến Khương lang phải chạy đi dàn xếp, lòng dạ bức bối chẳng yên."
Phó Thừa Văn bật cười, chậm rãi nói: "Khương lang xưa nay vốn là người hiền lành, nhưng lần này lại lâm vào thế khó. Hai bên đều là người thân thiết, quả thực chẳng biết nghiêng về bên nào cho phải lẽ."
Hoàng Phủ Tịnh Hậu tiếp lời, giọng điệu trêu ghẹo: "Nếu là Thương Đại nương tử, nàng sẽ khuyên Khương lang thế nào? Có phải nhẫn nhịn một chút để cả hai bên yên lòng không?"
Ta chỉ mỉm cười, nhẹ nhàng đáp: "Chuyện nhà người khác... khó mà phán xét, tốt hơn hết vẫn là nghe từ cả hai phía. Gia đình hòa thuận là điều quan trọng nhất, chẳng phải vậy sao?"
Câu trả lời vừa dứt, mọi người lại cười vang. Thế nhưng, từ vẻ tinh nghịch trong ánh mắt của Hoàng Phủ Tịnh Hậu, ta biết chủ đề chẳng dừng lại ở đây. Quả nhiên, hắn liền quay sang Ngô Thập Nhị, cố ý hạ giọng nhưng đủ để cả phòng nghe rõ: "Nói đến tri kỷ, ta thấy Ngô lang và Thương Đại nương tử quả là một đôi tài tử giai nhân. Khi nãy thấy hai người cùng thưởng trà, cảnh tượng ấy thật khiến lòng người xao xuyến."
Cả Phó Thừa Văn và Thẩm Đạo Chân liền đồng tình, nhao nhao đẩy đưa, lời lẽ trêu đùa không ngớt.
"Thương Đại nương tử dung nhan đoan trang, Ngô lang phong thái nho nhã, quả thực là trời tác hợp, người ngưỡng mộ."
"Ngô lang, chẳng phải lúc nãy ngài khen người biết thưởng trà là người hiểu lòng người sao? Vậy lòng Thương Đại nương tử, ngài cảm thấy thế nào?"
Hoàng Phủ Từ Thục vỗ tay cười lớn, đầy vẻ phụ họa. Giọng y trêu như thật: "Đúng vậy! Nếu Thương Đại nương tử hiểu lòng Ngô lang, chẳng phải hai người đã định sẵn là tri kỷ sao? Ngô lang, cứ thử một lần nói thật, biết đâu trời xanh đã an bài duyên phận!"
Ngô Thập Nhị đỏ bừng cả mặt, lắp bắp xua tay: "Các vị... các vị xin đừng trêu chọc. Ta và Thương Đại nương tử chỉ là tri giao bằng hữu, tuyệt không có ý gì vượt lễ nghi."
Phó Thừa Văn nheo mắt, lại khẽ cười: "Thì chỉ là đùa vui thôi, Ngô lang chớ nghiêm túc như vậy."
Kế đến, Thẩm Đạo Chân liền hóm hỉnh hùa theo: "Ngô lang, không phải ngài luôn tự nhận mình là người điềm đạm, không dễ bị lay động sao? Nay chỉ vài lời bông đùa đã khiến ngài luống cuống, điều này thật hiếm gặp đấy!"
Hoàng Phủ Tịnh Hậu lại khoanh tay, vẻ mặt như kẻ bày mưu tính kế: "Ta nói thật nhé, nếu Ngô lang cứ lảng tránh thế này, không khéo Thương Đại nương tử lại nghĩ ngài thực sự có ý mà không dám nói ra. Phải chăng lòng ngài đã thầm đặt ở chỗ ấy?"
Ngô Thập Nhị đỏ mặt đến tận mang tai, ấp úng thanh minh: "Ta... ta chỉ tán thưởng phong thái của Thương Đại nương tử, chứ không có ý gì vượt khuôn phép. Mong các vị chớ nói quá, kẻo nàng hiểu sai mà trách tội."
Phó Thừa Văn nhếch môi cười khẽ, nhìn Ngô Thập Nhị bằng ánh mắt đầy hàm ý: "Thương Đại nương tử liệu có hiểu lầm hay không ta không biết. Nhưng ngài đây mà càng cố giải thích thì càng khiến người ta nghi ngờ. Chi bằng thôi đi, cứ để tự nhiên, nước chảy ắt thành sông."
Thẩm Đạo Chân gật gù, tiếp lời một cách vô cùng sâu xa: "Đúng vậy. Dù sao thì... hồng nhan như tri kỷ vốn dĩ đã là một loại duyên phận khó cầu. Ngô lang, Ngô lang nên nghĩ cho thấu đáo."
Không khí trong phòng rộn ràng bởi tiếng cười trêu ghẹo không ngớt. Chỉ có Ngô Thập Nhị ngồi cúi đầu, bối rối không dám đối mặt ai, còn ta thì không biết nên khóc hay cười, chỉ đành cầm chén trà lên nhấp một ngụm, cố gắng tỏ ra điềm nhiên như không có chuyện gì.
Nhưng thấy sắc mặt y đã đến độ khó cứu vãn, mọi người đành bỏ qua, đổi chủ đề sang chuyện khác. Hoàng Phủ Từ Thục chống cằm, gợi ý: "Nếu đã tụ họp đông đủ, chi bằng bàn xem nên đi đâu chơi? Mấy hôm nay tiết trời đẹp thế này, thật thích hợp để ra ngoài thưởng ngoạn."
Thẩm Đạo Chân gật gù, cất giọng: "Ta nghe nói ngoài thành có một khu vườn hoa mẫu đơn đang nở rộ, lại có thêm vài gian hàng đồ cổ dựng tạm gần đó. Có thể vừa ngắm hoa, vừa thưởng trà, mua thêm vài món lưu niệm. Mọi người nghĩ sao?"
Hoàng Phủ Tịnh Hậu khẽ cười, tiếp lời: "Hay đấy. Nhưng nếu chỉ đi một nơi thì tiếc quá. Ta còn nghe nói trong thành có một ngôi đình cổ được trùng tu gần đây, kiến trúc rất đẹp, lại nằm cạnh hồ nước biếc nuôi đầy cá vàng. Nếu đi vào buổi chiều, ngắm cảnh hoàng hôn phản chiếu trên mặt hồ, chắc chắn rất hữu tình."
Phó Thừa Văn nhấp một ngụm trà rồi khẽ nói: "Cả hai nơi đều có vẻ thú vị. Nhưng nói đến phong cảnh hữu tình, ta chợt nhớ đến khu rừng trúc phía tây thành. Ở đó có một gian quán nhỏ, chủ nhân là người sành trà, thường dùng nước từ suối đầu nguồn để pha trà, mùi vị tinh khiết khó tả."
Hoàng Phủ Tịnh Hậu tỏ ra thích thú: "Nói đến trà lại dẫn dắt chúng ta qua cả đàn cầm, tranh họa. Nhưng ta nghe nói, Ngô huynh không chỉ sành trà mà còn tinh thông cổ cầm. Phải chăng những bản tấu tại Mãn Phong Lâu cũng từ tay huynh mà ra?"
Chuyện trà đạo nhanh chóng dẫn dắt đến các đề tài thanh nhã khác: từ đàn cầm, tranh họa, cho đến những giai thoại thú vị về Mãn Phong Lâu - nơi có hoa khôi nổi danh với tài nghệ hơn người.
Hoàng Phủ Tịnh Hậu nửa thật nửa đùa: "Ngô huynh, chẳng phải huynh từng tự nhận là Tử Kỳ của chốn này sao? Hay là mời Bá Nha ở Mãn Phong Lâu đến đây một phen để so tài?"
Ngô Thập Nhị đỏ mặt, vội xua tay: "Huynh đệ đừng nói quá lời. Tài kém đức mỏng, ta nào dám nhận danh hiệu cao quý như vậy?"
Thẩm Đạo Chân khẽ cười, nháy mắt với mọi người: "Nhưng nghe nói vị hoa khôi ở Mãn Phong Lâu kia đánh đàn còn xuất sắc hơn cả Ngô huynh. Bọn họ chẳng phải vẫn được xem là Tử Kỳ và Bá Nha của kinh thành sao?"
Hoàng Phủ Từ Thục chen vào, ánh mắt đầy vẻ tò mò: "Ngô huynh thường đến đó nghe đàn, chẳng phải là vì mến tài hoa sao? Ai lại không có sở thích cá nhân đặc biệt chứ?"
Mọi người liền nhao nhao muốn mời vị hoa khôi ấy đến để diễn tấu, đồng thời trêu đùa Ngô Thập Nhị không ngớt, khiến hắn không biết phải đáp lại ra sao. Đến khi không khí bớt náo nhiệt, Phó Thừa Văn nhẹ giọng nhắc đến chuyện quyên góp từ thiện, nhìn về phía Ngô Thập Nhị: "Ngô huynh, ta nghe nói năm nay huynh tổ chức quyên góp sớm hơn mọi năm, chẳng hay đã chuẩn bị đến đâu rồi?"
Ngô Thập Nhị thoáng nhíu mày, rồi điềm đạm đáp: "Chắc khoảng hai hôm nữa sẽ hoàn tất. Ta đã gửi thư mời đầy đủ, nhưng năm nay Thất công tử có việc bận, không thể tham gia. Dù vậy, y sinh trong y quán của ngài ấy sẽ hỗ trợ, nên mọi việc vẫn ổn thỏa."
Hoàng Phủ Từ Thục tỏ vẻ hào hứng, thay mặt hai vị tỷ muội còn lại tiếp lời: "Ngô huynh quả là chu đáo. Nếu cần gì thêm, chúng ta đều sẵn sàng giúp đỡ."
"Thương tiểu thư, nếu có thời gian, mong cô cũng tham dự. Sự hiện diện của cô nương sẽ là niềm vinh hạnh cho chúng ta." Ngô Thập Nhị mỉm cười, đưa ra lịch hẹn rõ ràng, đồng thời không quên quay sang ta, nói với vẻ chân thành.
Ta gật đầu, vừa định đáp lời thì Hoàng Phủ Tịnh Hậu lại xen vào, nhắc đến chuyện Hoài Chiêu mở hội từ thiện đấu giá: "Nghe nói Diễn Khí Đạo Nhân đã gửi thiệp mời cho tất cả mọi người. Mọi người thấy sao?"
Câu nói ấy khiến ta thoáng sững lại, nhưng chỉ mỉm cười nhẹ nhàng, không lộ ra suy nghĩ. Hiệu suất làm việc của Diễn Khí Đạo Nhân quá tốt rồi nhỉ?
Hoàng Phủ Tịnh Hậu vẫn chưa buông tha, tiếp tục nói: "Hội đấu giá năm nay rất lớn. Diễn Khí Đạo Nhân đã cho người về kinh mang đến những bảo vật cực kỳ quý hiếm, nhanh nhất là bốn ngày nữa sẽ có mặt. Ngô huynh, chẳng phải bảo vật mà huynh từng nhắc đến cũng sẽ xuất hiện trong buổi đấu giá sao?"
Ngô Thập Nhị cười đáp, ánh mắt lộ ra vẻ mong chờ: "Đúng vậy. Vật phẩm ấy là thứ ta đã mong muốn từ lâu, chỉ có điều, giá cả chắc chắn không ít."
Hoài Chiêu hẳn đã chuẩn bị sẵn, còn đích thân đánh tiếng với những người có khả năng tham gia đấu giá, chẳng trách hắn tỏ ra tự tin như vậy. Còn hội từ thiện, vốn là hoạt động thường niên, năm nay lại mang ý nghĩa đặc biệt hơn. Đó không chỉ là nơi để quyên góp cứu trợ những người khó khăn, mà còn là dịp để các gia tộc lớn khẳng định vị thế thông qua lòng hào phóng của mình. Ai ai cũng biết Sung Dụ Đường luôn là chốn góp không ít công sức và của cải cho hội này, mà hiện tại còn có một phần lớn nhờ khoản bồi thường từ vụ án nhà Thái gia và ta.
Hoàng Phủ Tịnh Hậu nhìn ta, ý tứ trong lời nói không chút che giấu: "Thương tiểu thư, Sung Dụ Đường nhà cô luôn là người đi đầu trong việc thiện. Ta đoán hội từ thiện năm nay không thể thiếu sự đóng góp lớn lao từ cô."
Câu chuyện cứ thế nối dài, cho đến gần giờ cơm trưa, hai huynh đệ họ Cẩm mới vội vã đến nơi. Tiểu nhị nhanh chóng dẫn họ đến bàn. Hai người vội vàng cúi đầu chào mọi người, ánh mắt lướt qua từng người một, rồi dừng lại nơi ta. Điều bất ngờ nhất, chính là Cẩm Đại lang, sau một thoáng ngỡ ngàng, đột nhiên thốt lên: "Lại là tiểu thư sao? Nếu ta nhớ không nhầm, lần trước vào đêm Thất tịch tại Tri Điều, chính tiểu thư là người giải được câu đố hoa đăng?"
Câu nói của y khiến cả bàn đều kinh ngạc. Ta cũng sững sờ, không ngờ lại gặp người quen trong tình huống như vậy. Lời nhắc nhở của y như kéo ta trở lại đêm Thất tịch năm ngoái, khi ta đứng dưới ánh sáng rực rỡ của những chiếc đèn hoa đăng, khẽ đọc thầm câu thơ cổ mà người bán hàng viết trên đèn: "Nguyệt chi thanh, hoa chi diễm, nguyện nhân trường hợp khán thấu tâm." (月之清,花之艳,愿人常合,窥心透)
Khi ấy, một người đứng gần đã bước lên, mỉm cười đầy ý tứ, rồi giải nghĩa câu đố một cách trôi chảy. Người đó không ai khác chính là Cẩm Đại lang. Hóa ra, y cũng đã nhớ đến ta từ khoảnh khắc ấy.
Ta mỉm cười, khẽ gật đầu đáp lại: "Cẩm công tử trí nhớ thật tốt, đêm Thất tịch năm ngoái đúng là ta có mặt." Nhưng chẳng ngờ, hôm nay lại gặp được y tại nơi đây.
Cẩm Nhị lang cười ha hả, giọng nói phóng khoáng hơn hẳn huynh trưởng: "Đại ca ta thường nói, một khi ấn tượng với ai đó, thì sẽ nhớ rất lâu. Tiểu thư quả nhiên là người có tài, khiến y phải ghi nhớ đến tận bây giờ!"
Ngô Thập Nhị ngồi bên cạnh, thoáng nhướn mày, nhìn ta rồi nhìn Cẩm Đại lang. Hắn không nói gì, chỉ nhấp một ngụm trà, ánh mắt dường như có chút sâu xa. Hoàng Phủ Tịnh Hậu thì lại cười nhẹ, chen vào: "Thật không ngờ, Thương tiểu thư của chúng ta lại là người khiến nhiều người nhớ mãi không quên như vậy. Nếu không nhờ Cẩm công tử nhắc đến, chúng ta đâu có biết tiểu thư còn một mặt tài hoa như thế?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro