Chương 27. Thủy Thâm Ngư Tri, Thủy Minh Ngư Ẩn (水深鱼知,水明鱼隐)
[♪] Thủy Thâm Ngư Tri, Thủy Minh Ngư Ẩn (水深鱼知,水明鱼隐): Nước sâu cá biết, nước trong cá ẩn.
------
Trước khi trở về biệt viện, ta vẫn còn muốn ghé qua hai nơi nữa. Đầu tiên là nhà của trạng sư, thứ hai là khách điếm nơi mà phu thê của Nhất Trúc đang tạm dừng chân. Ta thật lòng muốn nói lời cảm ơn với họ.
Nhà của trạng sư cũng gần học đường, chỉ cách một con phố, trong một con hẻm nhỏ khá thanh bình.
Khi vừa tới nơi, Tề [齊] tẩu đã mừng rỡ bước đến chào hỏi. Tẩu ấy là thê tử của trạng sư. Trong nhà, bọn trẻ nghe tiếng A Phúc và Hồng Xuân gọi chia quà bèn nô nức chạy ra; đều là ấu đồng, dĩ nhiên chẳng mấy chốc ngập tràn tiếng cười rộn rã.
Vì giờ này vẫn là giờ công vụ, trạng sư còn bận việc ở nha môn, bôn ba nhiều ngày nay chỉ để chu toàn vụ án của ta, thực là đã phải quá sức nhọc nhằn.
Cơ duyên quen biết không chỉ là tình cờ, bởi vì ngài ấy chủ động đến gặp gỡ ta vào một ngày của tiết vũ thủy (雨水). Bởi vì khi nghe qua những tình tiết trong lời đồn từ vụ án của ta, ngài ấy liền cảm thấy có những kẻ hở. Ban đầu chỉ là sự hiếu kỳ của người học luật, nhưng sau đó càng nghe ngóng càng cảm thấy chúng có liên kết với những vụ án khác mà ngài ấy đang thụ lý.
Cũng chính ngài ấy tự nguyện thay ta viết tố trạng trình báo quan phủ. Có hơi đường đột, nhưng quả thật đó là điều dĩ nhiên, cũng là việc làm của người nghĩa hiệp, vốn đã có đủ chứng cứ để tham chiếu.
Nếu tính về tuổi tác, cũng có thể xem là một vị đại ca tam thập nhi lập (而立). Vì đường khoa cử gặp nhiều thất lợi, lại không còn mặn mà mấy với con đường sĩ hoạn, ngài ấy quyết định trở thành một sư gia (師爺).
Tuy là một người ngoài lạnh trong nóng, độc miệng, nhưng Tề quan nhân cũng là một người nghiêm cẩn, cương trực và chân thành. Không chỉ tận tụy với nghiệp vụ, mà còn luôn giúp đỡ những người thế cô, bần hàn. Tấm lòng nhân hậu đó còn lan tỏa về với gia quyến, bởi gia đình ngài ấy luôn sống hòa thuận và yêu thương nhau.
Thường ngày người ta quen gọi Tề là "Bao đồng trạng sư" (兼顾狀師), như thể ngài ấy chỉ là một kẻ lo chuyện thiên hạ không công. Nhưng đối với ta, ngài ấy chính là người mang lòng quảng đại, một bậc quân tử hiếm gặp trên đời.
Bao phen ngài đứng ra bảo hộ cho những kẻ yếu thế, những người không dám lên tiếng vì sợ quyền thế bức bách. Chẳng ít lần ngài phải chịu sự đố kỵ, ganh ghét từ đồng liêu, nhưng dáng vẻ ngẩng cao đầu ấy chưa từng thay đổi, thân hình vẫn thẳng, tiếp tục bước đi, không màng lời xì xào.
Chuyện xảy ra năm nọ, khi giới văn nhân trong các huyện rúng động vì tin một tú tài nghèo bị trục xuất khỏi trường thi do bị cáo buộc đổi bài thi của người khác. Dù khảo quan thấy tiếc tài, nhưng vì trọng tội nên không thể dung thứ, thế là con đường quan lộ của tú tài đó chấm dứt ngay từ đấy.
Cố nhân kể lại rằng, khi tú tài buồn bã đến mức muốn tìm cái chết, may thay, lúc ấy trạng sư đang câu cá bên bờ hồ liền phát hiện ra. Sau khi nghe tú tài thuật lại nguyên cớ, trạng sư lập tức nhận ra sự bất minh trong chuyện này.
Hóa ra không phải tú tài nghèo ấy đổi bài của kẻ khác, mà do chính một vị khảo quan đã gian lận, toan đánh tráo bài thi của tú tài với bài của một công tử nhà giàu kém tài. Kẻ chủ mưu không ai khác là Tham nghị (參議) họ Đới [戴], người vốn vô tài bất đức, chuyên dùng quyền thế thao túng chức quyền.
Nhờ sự điều tra tận tụy và tài biện hộ của Tề trạng sư, vị khảo quan kia bị biếm truất, cứu lấy thanh danh cho tú tài và lấy lại sự công bằng cho người đọc sách.
------
Muốn chính sách yên dân đạt đến gốc rễ, trọng yếu là chỉnh đốn quan trường; mà muốn chỉnh đốn quan trường, trước hết phải có khảo công nghiêm minh.
Khảo công không chỉ là phân định tài đức của các quan lại mà còn là phương thức thăng - giáng minh bạch, đánh giá rõ ràng kẻ giỏi người kém. Tước thưởng nhằm khuyến khích người tài, khảo khóa chính là để phân biệt hạng người có công, không dung kẻ gian trá len lỏi. Người hết sức tận tụy, dù trải qua bao nhiêu năm, cũng xứng đáng được thăng thưởng; ngược lại, kẻ mưu lợi, dù chỉ ở chức vị ngắn ngủi, cũng phải bị giáng chức.
Đối với các viên quan văn, võ đã đủ 9 năm tại chức, nếu không có dấu hiệu phạm tội tham ô hoặc vi phạm đạo đức, sẽ được khảo khóa như lệ, nhằm tra xét thực tài. Viên nào được đánh giá có năng lực, thực sự cống hiến ích lợi, không lệ thuộc kẻ khác mà thành danh, ắt sẽ được ghi vào hàng xứng chức, thăng thưởng xứng đáng. Song nếu viên quan nào, dù không mắc lỗi lầm, nhưng không có tài đức, chỉ nhờ cậy kẻ khác mà được việc, cũng không nên khảo xét thăng thưởng. Đối với những kẻ lười biếng, đê tiện, nếu nhẹ sẽ bị giáng trật, nặng sẽ bãi chức, để giữ gìn thanh danh quan trường.
Công tác bổ nhiệm hay cách chức cần được trưởng quan các nha môn thực hiện với sự công bằng, chí công vô tư, không để tình cảm cá nhân ảnh hưởng, nhờ đó mà mỗi quyết định đều được lòng dân kính phục, danh tín không bị ảnh hưởng. Nếu có sai sót trong khảo xét, Lục khoa (六科), Ngự sử đài (御 史 臺), hoặc Hiến ty có quyền thẩm tra, báo cáo lên trên, nghiêm trị kẻ phạm luật. Nếu quan khảo xét tỏ ra thiên vị, gây sai lệch, Bộ Lại sẽ tra xét lại; Lại khoa không giải quyết đúng đắn, thì giao Bộ Hình xét tội theo luật định.
Như vậy, chính nhờ hệ thống khảo công và khảo khóa mà quan trường được duy trì công bằng. Từ đó mà quan lại tận tâm, liêm chính, không ai dám tùy tiện lạm quyền, ỷ thế làm điều gian trá. Chính sự cẩn trọng và minh bạch trong việc khảo xét này tạo nên nền tảng yên dân, giúp duy trì sự tín nhiệm của quan trường đối với dân chúng, không để nảy sinh tình trạng nhũng nhiễu, hỗn loạn.
(*) Phóng tác từ bài: Chế độ khảo khóa quan lại qua các triều đại phong kiến ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm với công tác đánh giá cán bộ hiện nay. Tác giả: Nguyễn Văn Thưởng - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. Nguồn: tcnn.vn/
------
"Mời ngài vào trong dùng nước nhé!" Tề tẩu mời ta vào nhà ngồi, nhưng ta bèn khước từ, ngỏ ý ngồi ngoài sân cho thoáng mát.
Đảo mắt nhìn quanh khu vườn xanh mát, thấy những trái mướp sai trĩu nặng, ta chẳng ngần ngại mở lời xin. Tề tẩu tươi cười không tiếc rẻ, tay thoăn thoắt cầm rổ, lựa vài trái ngon lành biếu ta. Chúng ta đối đãi tựa như tỷ muội, tẩu ấy cười nói thân tình, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện vụ án trên công đường.
Đối với chuyện bên ngoài, Tề tẩu chẳng màng để tâm lắm. Cũng chỉ vì tẩu ấy cảm thấy tự chính mình tiếp xúc thì mới biết rõ đối phương ra sao, rồi vì đó mà cảm xúc đối đãi mới chân thật hơn.
"Ha ha ha ha..."
Mấy đứa nhỏ chạy loanh quanh thích thú, ríu rít cầm chong chóng tre chơi đùa với A Phúc và Hồng Xuân. Khắp sân rộ lên tiếng cười tiếng cười vang rộn ràng, tươi vui mà hồn nhiên.
Chỉ một lát sau, sợ phiền đến gia quyến quá lâu, ta bèn cáo từ. Còn trao cho Tề tẩu mấy cuốn sách vỡ lòng mua từ thư điếm, bao gồm: Tam tự kinh (三字經), Minh tâm bảo giám (明心寶鑑), cùng với vài cuốn du ký (遊記) cho mấy bạn nhỏ.
Ta nhân tiện báo với Tề tẩu rằng chẳng bao lâu nữa sẽ trở về trấn Bạch Mai, e rằng chẳng biết khi nào mới lại ghé thăm. Tề tẩu có chút luyến tiếc, vội chạy vào nhà lấy ra một chiếc gối nằm cẩn thận trao cho ta. Tẩu ấy mỉm cười hiền hậu, nói: "Dạo trước tiểu thư có gửi cho bọn tẩu nhiều vải gấm, thực là dùng chẳng hết. Tẩu bèn bàn với tướng công, tự tay may chiếc gối này để tiểu thư tiện sử dụng. Bên trong lót các loại thảo dược an thần, tốt cho sức khỏe. Tuy quà mọn, nhưng là tấm lòng, mong ngài vui lòng nhận lấy!"
Tề tẩu ngập ngừng một chút rồi nói thêm: "Tướng công nhà tẩu còn dặn rằng tiểu thư sắc diện gần đây không được tốt, đáng lẽ vài hôm nữa bọn tẩu sẽ đến tặng. Cũng may gặp tiểu thư hôm nay, thật đúng dịp!"
Ta trân trọng nâng chiếc gối, ôm vào lòng mà cảm động, gật đầu cảm tạ rồi từ biệt. Khi xe ngựa lăn bánh rời đi, Hồng Hạnh không khỏi tấm tắc: "Tề tẩu quả thật khéo tay, từng đường may đều tinh tế."
Ta hoàn toàn tán đồng.
Nếu không thật lòng, há có thể dụng công đến vậy!
-------
Vừa đến khách điếm cũng kịp chính ngọ.
A Phúc vội bước đến quầy thu xếp gian phòng, còn A Bảo cùng Hồng Hạnh lên lầu mời phu thê Nhất Trúc xuống. Riêng ta với Hồng Xuân và Hồng Lăng thong dong ngồi đợi dưới sảnh.
Khách điếm nơi đây tĩnh lặng, dân dã, nằm ở góc phố khiêm tốn nên chẳng mấy lúc đông đúc tấp nập. Khách điếm tuy nhỏ nhưng trang trí cũng gọn gàng, đơn sơ, buôn bán dường như chỉ vừa tạm đủ. Khung cảnh nhàn nhạt mà ấm cúng, không xô bồ. Chỉ độ lác đác năm, bảy bàn có khách dùng cơm, mỗi bàn cũng chỉ đôi ba người.
Bên kia hình như có tiếng tranh cãi thì phải? Náo nhiệt quá!
Bất chợt, từ cửa hiệu đối diện, tiếng cãi vã xôn xao vọng đến, làm kinh động cả một góc phố. Người qua kẻ lại đổ xô ra xem, tạo thành một đám đông hiếu kỳ. Cả chủ tiệm lẫn khách này cũng dõi theo, kể cả A Phúc khi đặt món cũng không nén nổi lòng mà ngoái nhìn đôi ba lần. Chỉ một lát, mấy bộ khoái nhanh chóng đến giải tán, dường lại càng thu hút thêm đám đông vây kín cửa hiệu.
Chắc là đang có vụ ẩu đả nào đó? Có vài tiếng huyên náo, thậm chí có tiếng đổ vỡ và la hét thất thanh. Người từ trong tiệm này cũng bắt đầu chạy ra bên ngoài hóng hớt.
Một lát sau, A Phúc đã đặt phòng xong xuôi, cùng tiểu nhị dẫn đường chúng ta lên lầu. Căn phòng có khung cửa sổ rộng rãi, có thể ngắm nhìn quang cảnh phố phường bên ngoài, cũng tiện tọc mạch thêm đôi điều.
A Phúc và Hồng Xuân lập tức chạy ra cửa sổ, tò mò xem xét. Hồng Lăng đứng bên cạnh ta cũng không khỏi bồn chồn, chân khẽ nhón để nghe ngóng thêm. Đúng lúc ấy, phu thê Nhất Trúc đã đến, ta bèn hắng giọng để nhắc nhở để bọn họ chấn chỉnh lại tác phong.
Thần sắc Nhất Trúc vẫn chưa tốt, dù hình phạt đòn roi đã giảm bớt, song thương tích còn chưa lành. Nàng được trượng phu dìu đỡ, từng bước chậm rãi tiến vào. Thấy ta, Nhất Trúc nghẹn ngào, hai mắt đỏ hoe, muốn quỳ xuống tạ ân. Ta vội đứng dậy, dìu lấy nàng, nói: "Mọi chuyện đã ổn rồi!" Nhất Trúc run run, nước mắt cứ tuôn ra không thành tiếng, chỉ cúi đầu, tay khẽ nắm lấy tay ta.
Trượng phu nàng liền thay lời, cúi đầu bày tỏ: "Tiểu thư ân nghĩa như trời bể! Nếu không nhờ ngài, e rằng Trúc Nương đã chịu số phận hà khắc, phải chịu cảnh lao tù tủi nhục. Lại còn món bạc nộp chuộc ngài giúp cho vay, bọn ta thật không dám quên ơn. Số bạc còn dư lại... " Y ngập ngừng định đưa lại ta. Chưa kịp nói hết, ta đã lắc đầu, mời cả hai ngồi xuống.
Hồng Hạnh nhanh nhẹn bưng trà, rót mời, lại dọn thêm chiếc ghế tựa có lót vải bông cho Nhất Trúc ngồi thoải mái hơn. Nhất Trúc dựa vào ghế, vẫn không nói được lời nào, cứ mãi hướng ánh mắt nhìn ta.
"Đã là tình nghĩa, hà tất phải nhắc đến tiền bạc để tổn hại hòa khí? Số bạc đó, hai vị cứ để lại phòng thân. Tiền thuốc men cho Nhất Trúc cô nương đến khi bình phục cũng đã trả trước cho đại phu, nên chẳng cần lo lắng gì." A Bảo đứng một bên giúp ta từ chối. Để họ yên tâm hơn, Hồng Hạnh nhẹ nhàng bảo tiếp: "Chuyện đã qua cứ để nó qua đi, tiểu thư nói rằng ngài ấy không nhớ gì hết, không muốn bị quá khứ vướng víu làm chùn bước chân. Mong rằng phu thê hai người có thể an yên sống tiếp, vững vàng mà bước về phía trước." Nhất Trúc nghe vậy, lệ lại tuôn rơi, nàng cùng trượng phu nghẹn ngào gật đầu, cảm kích không sao nói hết.
Thế nhưng ta không phải là người từ ái, cũng không có tấm lòng độ lượng. Ta chỉ biết mình nên trả lại những gì đã mượn từ người khác, cũng như cần phải lấy lại những gì vốn dĩ đã thuộc về mình.
Tiền bạc là công cụ vật chất, nhưng nó cũng có thể là một phương tiện, một cách thức để giải nguy, nếu biết tận dụng đúng cách. Nhưng ngoài tiền bạc, ta cũng chẳng có gì hết, thậm chí nó còn không chân chính do mình tạo ra.
Nếu không nhờ phu thê Nhất Trúc khi ấy âm thầm trợ giúp, có lẽ ta đã chẳng trụ nổi ba ngày nói chi cầm cự đến hiện tại.
Là Nhất Trúc đã liều lĩnh thêm một liều dưỡng thương vào phương thuốc của ta. Là nàng đã lén lút dùng sự thân tình với trù phòng để xin lấy một cái màn thầu nhỏ mỗi ngày, dành riêng cho ta qua những đêm đói khổ khi nàng canh gác.
Nếu như không phải Nhất Trúc gửi gắm trượng phu đi tìm Thất công tử, mong có được sự ứng cứu, bọn họ cũng không về kịp lúc như vậy. Bởi vì trượng phu của nàng vốn là xa phu chuyên chở lương thực cho trù phòng Thái gia. Một chuyến lặn lội, cả đi lẫn về mất hết ba ngày đường.
Ta không thể nào quên ngày trượng phu nàng tìm đến, chủ động quỳ trước mặt, để dập đầu xin lỗi sau khi mọi chuyện đã rồi.
Y đã kể lại toàn bộ mọi chuyện cho ta nghe, cũng như cầu xin ta cứu lấy Nhất Trúc.
Y nguyện làm trâu làm ngựa cho ta, chỉ để nàng ấy được bình an. Bao nhiêu lỗi lầm của người mình thương, y đều sẽ tự mình gánh vác hình phạt.
Dập đầu không ngừng, đến nỗi máu từ trán nhỏ xuống, đỏ cả gương mặt. Ngày hôm đó là một ngày trời kéo giông, nặng nề và đầy tổn thương.
Người hiền rồi sẽ gặp lành đúng chứ? Miễn đừng là hoạ, chuyện bất ngờ đến thì mình bèn thử một phen đón nhận.
Khi chuẩn bị ra về, Nhất Trúc liền đưa một chiếc hộp vuông nhỏ cho ta, cẩn trọng mở ra và nói: "Thương tiểu thư, đây là chiếc khuyên tai mà ta đã nhặt được vào buổi chiều ngày hôm đó ở biệt viện bỏ hoang! Khi ấy tưởng là của ngài, định giữ lại để trả, nhưng..." Nhất Trúc ngập ngừng, ánh mắt thận trọng. "Hình như... nó là của Đại thái thái."
------
Đại thái thái của Thái gia chính là đích mẫu của Thái Minh Châu, con trưởng tức phụ của Thái Uy. Khi còn trẻ, bà hạ sinh được hai người con, một trai, một gái.
Con trai bà từ thuở nhỏ đã được đưa vào cung, làm thư đồng của Thái Tử, nay phụng sự tại Tứ Phương Vô Sự Lâu [四方無事樓], dưới tòa Kinh Diên [經筵] và viện Tập Hiền [集賢院].
Hắn vừa là bạn đồng niên, lại vừa là đồng học, giữ chức vụ Hàn lâm viện Thị độc (侍翰 林 院 侍 讀 學 士) trật chánh ngũ phẩm. Cùng với thái tử được trông nom và dạy dỗ bởi một học quan họ Khâu.
Khâu Mậu [邱懋] hiện là Thái Bảo (太保), giữ trách nhiệm làm giám hộ và phò tá thái tử từ lúc non dại đến tuổi trưởng thành, tính ra cũng đã gần hai mươi lăm năm. Gần hai triều đại, ông từng phò tá cả tiên đế lẫn đương kim thiên tử, bao gồm các công việc: luận lý âm dương, kinh bang hoằng hóa, giữ trọng trách vô cùng lớn lao hơn nửa đời người.
Ông ấy chính là ngoại công của Thái Minh Châu và là nghiêm phụ của Đại thái thái.
Chuyện căn cơ để tạo nên mối hôn sự giữa Thái Trung và Khâu thị thì ta không rành, nhưng chuyện hiềm khích giữa Khâu công và Thái viên ngoại không phải là chuyện nhỏ nhặt để giấu diếm, hiển nhiên không ai không biết. Thậm chí, chuyện Thái thế tử được nhập cung, một phần cũng nhờ vào sự nhúng tay của Khâu công.
Với công lao của cả Khâu công và Thái viên ngoại, Thái Minh Châu gần đây đã được phong làm Giao Mẫn huyện chúa [姣悯縣主] ngay trước khi xuất giá, còn Thái công tử thì đã được phong Nhượng Ninh thế tử [讓寧世子], chuẩn bị kế thừa tước vị của Khâu công.
Nhất Trúc cũng không tiết lộ thêm, nên ta chỉ biết được sơ qua, cũng không tiện hỏi kỹ.
Tuy nhiên, có một điều ta hiểu rõ: thái cô Thái Thu Hoài có ác cảm sâu sắc với mẫu thân Thái Minh Châu. Thái Thu Hoài vốn có một người con trai, nhưng người này là kẻ đam mê bát âm (thạch, thổ, kim, mộc, trúc, bào, ti, cách), tinh thông nhạc lý, không có chí lớn, lại mộng mơ phiêu diêu, đã rời nhà đi từ năm năm trước, đến nay sống chết không rõ. Từ lâu, Thái Thu Hoài coi như không có người con trai này.
Thái Thu Hoài thành thân với trượng phu họ Lương [梁], giữ chức Giám phó Tư thiên giám (司天監監副), trật tòng ngũ phẩm. Chức vụ này nghe vẻ cao sang nhưng thực chất chỉ là chức quan phụ trong Tư thiên đài (司天台), chuyên lo việc liệu đoán khí hậu, tính lịch pháp, giữ sách thiên văn, tính nhật nguyệt thực, chọn ngày lành tháng tốt.
Tư thiên giám (司天監) là nơi có trách nhiệm đo lường thiên tượng, suy lượng độ số của Trời, khi phát hiện điềm lành hay tai dị thì đệ tấu lên vua.
Vì thế, Thái Thu Hoài luôn coi thường phu quân và con trai mình, cho rằng họ vô dụng, bất tài. Bà dành hết yêu thương và hy vọng cho Nhượng Ninh thế tử và Thái Minh Châu, xem họ như niềm tự hào.
Cứ cách một thời gian không lâu, bà lại quay về Thái gia, dù đường xa vạn dặm cũng không nề hà. Đã gần một năm qua, Thái Thu Hoài không muốn trở về kinh thành, dù trượng phu đã nhiều lần gửi thư khuyên bảo, cô chương cũng từng đến thăm.
Thái Thu Hoài tuy không cay nghiệt như Thái Đông Lăng, nhưng lại thiên vị Thái Minh Châu đến mức cực đoan. Vì từng có một đứa con gái đã qua đời lúc ba tuổi, do sự bất cẩn của con trai bà khi ấy.
Nhiều việc Thái Minh Châu muốn làm đều nhất mực nghe theo lời khuyên của Thái Thu Hoài, kể cả chuyện tình cảm. Chỉ cần là điều Thái Minh Châu muốn, cô mẫu sẽ dốc sức giành về cho nàng, là những điều mà mẫu thân ruột thịt của nàng chưa từng và sẽ không bao giờ làm được.
Bất kể đó là thứ gì.
------
Đã năm ngày trôi qua, kể từ khi vụ án khép lại.
Những ngày tháng đó kể ra cũng đã lặng lẽ và yên bình biết bao nhiêu.
Khi khói lam chiều bảng lảng nghi ngút vút lên tầng mây, nơi lò bếp còn hun mùi cỏ bàng hăng nồng, ngai ngái. Lúc chiếc ghế bập bênh tựa hồ vô tình cựa mình, cọt kẹt từng tiếng. Ta lại nằm mơ thấy giấc mơ kia.
Mơ thấy mình là chính mình, nhưng không phải là bản thân của hiện tại. Một giấc mơ chân thực đến nỗi...
Ta cứ ngỡ...
Đã qua bao mùa hoa nở rộ, là đã bao lần ta khao khát có được một tấm chân tình. Là vô số lần ta được kề cận thật gần bên người ấy. Thật gần.
Dù chỉ là một chút thoáng qua, trong khoảnh khắc tuôn trào nỗi nhớ nhung đó, ta đã thực sự có một nụ hôn gần gũi và vô cùng đơn thuần như ý nguyện. Dù chỉ như một tên trộm, lén lút lấy chút gì quý giá nhất của đời mình.
Thế rồi, có một ngày ta phát hiện ra thân phận thực sự của hắn.
Hắn là tầng mây trên bầu trời cao vút, ta chỉ là một ngọn cỏ gió đùa nơi ven đường; hắn như trăng trong nước, tay ta không thể chạm; hắn như người trong mộng, người tỉnh thì mộng tàn.
Phải chăng mình ngây ngô, để tự đánh đố bản thân, và rồi tự chuốc lấy nỗi bẽ bàng?
Ta phải làm sao đây? Ta chẳng còn tư cách để đối diện.
Mùa hoa đó ta vẫn đứng dưới gốc cây đón lấy hoa rơi; mùa hoa ấy, hắn đã không còn xuất hiện bên cạnh ta nữa.
Ái tình? Là thứ chi khiến thần hồn ta tan nát...
Một ngàn năm cách xa, liệu còn đủ nhẫn nại?
Hai mảnh ngọc vỡ có thể nối liền mà không đứt đoạn?
Hử, Lô Vy [爐微] cung quan (宮官)?
------
"Tiểu nha tử, ngươi có phải đang canh cánh trong lòng vì Thất công tử?" Ngư Ngư hôm nay lại như thường lệ ghé đến, thân cận như lệ thường, bên cạnh ta mà cất lời bâng quơ. Chẳng đợi ta hồi đáp, nó ngồi xuống, chống cằm, miệng nhoẻn cười.
"Không có!" Ta lạnh nhạt đáp, khẽ nghiêng đầu trên chiếc ghế tựa, mắt hướng ra cửa cổng, vẻ thờ ơ toát lên bốn chữ vô tâm vô phế.
Ngư Ngư, không cam tâm, tiếp tục: "Thế thì ngươi đang ngóng đợi chi đó? Không nhớ nhung sao lại hết lần này đến lần khác đưa mắt nhìn cửa mà thở dài thườn thượt? Cả Mít cũng biết lòng ngươi chao đảo đến thế kia!" Vừa nghe tên gọi, Mít ngẩng đầu, ư ử vài tiếng như hòa theo, rồi lại cuộn mình lặng yên.
"Thực nhớ Thất công tử, sao không dùng vỏ sò trò chuyện?" Ngư Ngư giơ nửa mảnh vỏ sò đeo trước ngực mình, ngón tay chỉ nhẹ lên, trong đôi mắt thoáng chút ngây thơ nhưng đầy thiện ý. Ta khẽ nhướn mày nhưng lại vờ như không để tâm, nhấc quyển sách đang để nơi bụng mình lên, ngầm tỏ ý chẳng muốn tiếp chuyện.
Ngư Ngư rất tinh ý. Gần đây, nhóc này dường như cũng phát hiện ta bắt đầu sử dụng vỏ sò để liên lạc với Tử Kiện rồi. Nhưng Tử Kiện lại nói, hắn đã gia cố kết giới, ngăn không cho bất kì kẻ biết thuật pháp có thể đánh mùi được khí tức của hắn. Thế nên Ngư Ngư cứ tưởng ta dùng nó để liên lạc với Thất công tử.
"Tiểu nha tử, ngươi thật kiệm lời với ta nha!" Ngư Ngư chỉ cười hồn nhiên, vẫn không buồn để ý thái độ ấy, hạ giọng: "Thôi, cũng không sao. Chúng ta là bằng hữu, ta không trách ngươi đâu!" Tiếp đến như không quan tâm mấy, nó vui vẻ ngồi bệt xuống đất vuốt lông của Mít bên dưới mái hiên.
Ta nhìn Ngư Ngư hồi lâu, hạ sách xuồn rồi đành mở lời hỏi: "Bao giờ ngươi định trở về?"
Ngư Ngư ngước mặt, ngơ ngác: "Trở về đâu cơ?"
"Lẽ nào ngươi không bảo... sẽ đi học sao?"
"Ừm, ừm. Chính xác là như vậy!" Ngư Ngư chậm rãi gật đầu, mắt lại lơ đãng có vẻ không chú tâm mấy. "Chờ ngươi về Bạch Mai rồi ta sẽ quay về. Phụ vương... à không, phụ thân nói việc học tạm gác một thời gian, bên ấy gặp chút chuyện hệ trọng, chư tiên... sinh cũng bảo không cần vội."
Ta lặng người. Thật là, cha của Ngư Ngư cũng dễ dãi quá đỗi, chẳng buồn cầm cương! Một câu không cần gấp là dễ dàng giải quyết êm xuôi sao? Có vẻ như ông không quan tâm con trai của mình lắm!
Bỗng nhiên, Ngư Ngư chuyển giọng nhỏ nhẹ, có chút đượm buồn: "Tiểu nha tử, nếu một ngày nào đó, ta cũng phải rời đi, như Thất công tử... Ngươi có nhớ ta chăng?" Nó ngừng lại một khắc, thở dài. "Biết đâu, có khi chúng ta chẳng còn gặp nhau nữa."
"Ta sẽ nhớ ngươi lắm đấy, không bao giờ quên ngươi đâu!"
Rồi đột ngột, Ngư Ngư đứng lên, phủi bụi bám trên vạt áo, ánh mắt kiên định. Nnghiêm túc bước đến gần ta, nụ cười khẽ run nơi khóe môi: "Ta là Ngư Ngư, hai chữ Ngư nhưng chỉ là một con cá! Ngươi phải nhớ cho kỹ đó!"
"Biết rồi!" Ta mỉm cười, lòng xao động, không nỡ làm nó thất vọng. "Ta là Thương thị [商氏], nhớ lấy."
"Vô Nhiêm!" Ngư Ngư khẽ gọi ta. Cũng là lần đầu tiên nó dùng danh tự này để gọi ta.
"Bất kể sau này có ra sao, ngươi vẫn là người bạn thân thiết nhất của Ngư Ngư này!"
"Ừ!" Bất kể sau này có ra sao.
"Vô Nhiêm [無髥]! Ngư Ngư rất vui khi được làm quen với ngươi!"
Ta cũng vậy!
"Cám ơn ngươi, Ngư Ngư!"
Cám ơn vì đã tôn trọng ta, kể cả khi ta có tính khí thất thường và đối đãi quá tệ với ngươi.
"Vô Nhiêm, ta..." Ngư Ngư nắm chặt nấm tay cuộn tròn của mình, nhắm tít mắt, hít thở sâu, dường như muốn thổ lộ điều gì đó. "Vô Nhiêm..."
Dường như lời nói đến cửa miệng liền hóa thành vô số bọt nước biển. Ngư Ngư nhíu mày bịt chặt miệng của mình, nó vùng vẫy như thể ai đã dùng thuật cấm khẩu: "Ưm, Vô Nhiêm ta..." Ngư Ngư cảm thấy tức tối vô cùng, gương mặt đỏ bừng lên, nó dậm chân mấy cái, sau đó vô duyên vô cớ nói: "Được rồi, ta biết rồi!"
Ngư Ngư cúi đầu, đổi chủ ý, lấy mu bàn tay lau đi giọt mồ hôi đang chảy ròng của mình. Ngẩng đầu, gượng gạo cười với ta: "Tiểu nha tử, một lát đi dạo hồ, ta sẽ hái sen cho ngươi nhé!"
"Ngươi thích ăn hạt sen chứ? Ta sẽ hái thật nhiều hoa để tách cho ngươi ăn!"
"Ôi chao Ngư Ngư à!" Bỗng Hồng Xuân bước ra với khay điểm tâm, nghe thấy liền tủm tỉm: "Đệ chậm tiêu quá đấy, không biết rằng hai hôm trước, bọn họ đã thu hái hết cả rồi! Nghe nói, người ta lấy tơ để dệt giá y cho Giao Mẫn huyện chúa, đến cả búp lẫn lá cũng chẳng còn!"
Nét mặt Ngư Ngư có chút sượng đến căng cứng, nụ cười bên khóe môi dần dần xìu xuống. Ngư Ngư chau mày, nghiêm túc dang tay hỏi: "Cả hồ rộng như vậy sao cũng hết được?"
"Đúng vậy đó!" Hồng Lăng chậm rãi nâng chén trà, dâng lên ta, ánh mắt lặng lẽ mà nặng nề. "Sáng sớm trấn trên đã náo động, ai mà không biết chuyện chứ! A Phúc ca khi vừa trở về chợ thì mặt mày ủ dột, rầu rĩ, ảm đạm. Nghe nói, ca ấy bị người ta nặng lời trách mắng đến không chịu nổi, Nghe bảo ca ấy bị người ta mắng, đến giờ vẫn còn ỉu xìu dưới bếp đấy! Đến bây giờ vẫn còn ngẩn ngơ không nói năng gì."
"Chà, cũng thật lạ!" Hồng Xuân nghiêng đầu chống cằm hỏi. "Với cái miệng bép xép đó của A Phúc, mà vẫn có người dám mắng à? Thật là chuyện không tưởng!"
"Cũng không hẳn, ban đầu A Phúc ca cũng cãi lại rất hăng. Nào ngờ đâu, người ta mắng ca ấy thậm tệ, ví như đầu heo, lại so với phường "treo đầu dê bán thịt chó", còn bảo huynh ấy chẳng biết thân biết phận." Hồng Lăng nói tiếp, giọng hơi chùng xuống, khẽ lắc đầu ngán ngẩm. "Lời lẽ rất thô lỗ, còn lòng tự ái của A Phúc ca rất lớn, nhìn vậy chứ dễ tổn thương lắm!"
Hồng Lăng dừng lại một chút, rồi bỗng nhiên ánh mắt lóe lên: "Tiểu thư còn nhớ mấy hôm trước, là cái lúc ngài đến thăm Nhất Trúc cô nương không! Đúng là cái ngày hôm đó xảy ra ẩu đả, đánh nhau hăng lắm đấy! Là bạo hành gia đình, huynh đệ tương tàn đó tiểu thư!"
"Chuyện đó hôm nay lại tiếp diễn sao?" Hồng Xuân hỏi, vẻ mặt nặng nề hiện rõ, đôi mắt mở to nhìn Hồng Lăng.
"Phải!" Hồng Lăng đáp. "Kẻ hôm nay chửi mắng A Phúc ca, chính là chủ tiệm bên cửa hiệu ấy! Trước đó vài hôm, vị ấy với đệ đệ, thêm cả đệ tức, đã đến tranh giành điền sản gia nghiệp mà xô xát, cuối cùng còn đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán. Chuyện hôm nay lại dính líu đến vụ hồ sen, cũng không phải ít."
"Vụ hồ sen?" Ta khẽ nhíu mày, nghe tới đó bèn ngẩng đầu hỏi, vẻ mặt điềm nhiên nhưng trong lòng đã rõ có điều bất ổn.
"Hồ sen đó là điền sản tư nhân của nhà họ Sầm [岑], chuyên dùng để cho khách vãng lai đến thuê thuyền để du ngoạn hồ!" Hồng Lăng đáp, giọng điệu nghiêm cẩn, thận trọng giải thích. "Họ không trồng để trang trí mà là trồng sen để thu hoạch, dùng làm các thứ điểm tâm và ngũ cốc chia đều cho hai cửa hiệu. Họ có hai người con trai, và ba người con gái, khi gia chủ mất để lại một ít sản nghiệp rồi chia nhau. Điền sản hương hỏa được chia cho hai người con trai, trong đó người con cả được phần lớn hương lợi. Người em trai kế tiếp thì được chia một ít, chỉ tạm giữ cho tá điền thu hoạch sen mà không hay biết ý đồ của người anh. Vị đại ca kia vì lòng tham, đã tìm cách đoạt hết sản nghiệp, dụ dỗ lão mẫu chuyển hết trạch khoán, lập khế văn, thậm chí nhổ sạch sen trên hồ, nói là dùng bán lại cho Thái thị làm tơ may giá y! Còn định chuẩn bị dựng một hí khúc thủy đình gì đó!"
"Hôm nay muội và A Phúc ca dự tính mua chút bánh hạt sen cho tiểu thư. Khi đến cửa hiệu, người ta nói đã đứt hàng vì hồ sen đã bị phá. Vừa định tìm tiệm khác, thì bỗng người con cả nhà ấy dẫn cả lão mẫu đến gây sự với người em trai. Lời qua tiếng lại, cả hai dằn co, đến mức đẩy ngã lão mẫu mình! Muội và A Phúc thấy thế mà đỡ bà lão lên ghế, nhưng lại bị mắng là chuyện nhà người ta, cớ gì lại xen vào? A Phúc tức giận, bèn lớn tiếng bênh vực, nhưng ngay lúc ấy, lão mẫu chẳng những không cảm kích mà... Bà ta quả thật không biết điều, bà ta đã bênh vực con mình mà nói lời thậm tệ với A Phúc. Còn nói, còn nói A Phúc là đồ không có cha dạy dỗ, đầu đường xó chợ, mặt mũi xấu xí, có tư cách gì để mắng nhiếc con bà ta!"
"A Phúc thật đáng thương..." Nụ cười của Hồng Xuân trở nên méo xệch, nàng rũ mi buồn bã, lẳng lặng rời đi, vào phòng bếp tìm A Phúc.
Ngư Ngư cũng lặng thinh, rồi khẽ thở dài: "Lạ thật, vì sao con người lại thích dùng lời cay đắng để sát thương nhau?"
Hồng Lăng tiến đến bên cạnh xoa đầu nó rồi nói: "Phải chăng lòng người phức tạp quá đỗi, chúng ta khó lòng thấu hiểu..."
Ngư Ngư ngước lên, lơ đãng đáp lời, giọng như tự nói với chính mình: "Làm thần tiên hay yêu quái, chắc cũng lắm điều trớ trêu hơn con người ấy chứ..."
"Ngư Ngư này, làm sao đệ biết? Đệ đâu phải là họ!" Hồng Lăng vừa cười, vừa nựng đôi má bầu bĩnh của nó.
"Làm sao mà không biết!" Ngư Ngư nói. "Vạn vật đều có linh tính bao gồm cả tánh không. Nhưng yêu quái thì không đủ ngũ uẩn, còn thần tiên đã từ lâu hóa vô ngã. Nhưng duyên khởi vô thường. Khổ, nghiệp và giải thoát đều nằm ngoài hai cực biên trường tồn và đoạn diệt..."
Hồng Lăng bật cười, nhéo đôi má nó: "Lại là tiên sinh nhà đệ dạy mấy thứ ấy ư? Nói gì mà khó hiểu thế!"
"Ta không nói lung tung, ừm... Củ ẩu nhỏ không hiểu cũng đúng thôi! Khó hiểu thật đấy!" Ngư Ngư cười, lắc đầu nói.
"Nhưng phải làm sao bây giờ đây, tiểu thư còn có hẹn với Ngô công tử đi ngoạn hồ nữa mà! Không lẽ hôm nay phải hủy hẹn sao?"
Vừa dứt lời, A Bảo lại mở cửa cổng vào trong. Trên tay hắn có cầm một chiếc thiệp màu vàng.
"Thưa tiểu thư, là thiệp hẹn của Ngô quan nhân mời ngài đến Vạn Hoa Đình [万花亭]!"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro