Chương 26: Trị Học Dữ Tu Thân (治学与修身)
[♪] Trị Học Dữ Tu Thân (治学与修身):
Ý nghĩa:
治学 (Trị Học): Không chỉ là việc học mà còn là sự chăm chỉ, tận tụy trong việc nghiên cứu và theo đuổi tri thức, gắn liền với phẩm chất của người học trò trong xã hội phong kiến.
修身 (Tu Thân): Là việc tu dưỡng bản thân, nâng cao đạo đức, phẩm hạnh, nhấn mạnh sự hoàn thiện nội tâm của mỗi cá nhân, điều này rất quan trọng trong mối quan hệ xã hội và quan niệm về "nhân" trong văn hóa Nho giáo.
------
Thất công tử cùng Tô thúc đã rời đi gần nửa ngày, để lại ta một mình chốn khách điếm, khiến lòng ta bỗng nảy sinh vô vị.
Dù là đọc thoại bản hay du kí, thậm chí ngồi ngắm cảnh cũng chẳng còn tâm trạng nào. Cứ vậy mãi cũng thật nhàm chán, ta quyết định sẽ xuống phố dạo vài vòng xem có vật gì hợp ý để khuây khoả.
Hình như ta đã quá lơ là với bản thân mình? Ừ phải rồi, dù sao chuyện trắc trở cũng đã lở dở, cứ thử sống một đời rạng rỡ, một kiếp sinh động cũng không uổng phí một lần sống lại!
Có điều, xưa nay ta luôn sống dè sẻn, vì ngỡ rằng bản thân không xứng đáng với những gì xa hoa lãng phí. Nhớ những ngày thuốc thang tốn bạc vạn, làm bao lần bầu bạn thương tâm, có khi nào ta lại cứ khư khư nhốt mình, và vì thế mà ủy khuất bản thân, làm tổn hại đến lòng tự tôn, cũng như lãng phí tâm sức chăm nom của mọi người. Bấy nhiêu thôi thì không chỉ vô dụng, mà còn gây bế tắc nữa!
Trên bàn có bày một vài hủ phấn thơm cùng với chì kẻ và son môi, bày biện ngay ngắn như thể đang đợi chủ nhân lựa chọn. Ta liền chọn ra một màu son thích hợp để tô điểm, tạo một sắc hồng nhuận tươi tắn, để cho đôi môi thôi đi khô ráp.
Ta còn ướm thử xem chiếc trâm cài nào sẽ hợp với mình, đó là vài món trang sức đến từ cửa tiệm của nhà ta đã chế tác. Vừa tinh tế vừa thanh nhã, rất phù hợp với tính chất hư nhược của ta.
Thế rồi ta chọn một chiếc trâm cài mang tên Mộng Thủy Liên (梦水莲) chế tác tinh xảo từ bạc nguyên chất. Bề mặt trâm nhẵn mịn, ánh bạc rạng ngời, phản chiếu ánh sáng như làn nước trong vắt. Hoa sen được khảm lên lớp bạc, mỗi cánh hoa được điêu khắc tinh tế. Phần thân trâm mảnh mai khắc những đường sóng nước. Đuôi trâm được điểm xuyến bằng dải tua rua lụa mềm, mỗi sợi lụa đều lấp lánh ánh ngọc trai nhỏ, trắng ngần, thướt tha, thanh thoát, như giọt sương đang đọng lại trên cánh sen sắp vương vãi trên mặt hồ.
Và chọn thêm một đôi khuyên tai gọi là Thỏ Tuyết Nữ (雪兔女) có hình dáng một chú thỏ con nhỏ nhắn, dễ thương, được chế tác từ bạc tinh khiết, mang theo nét dễ mến và nhẹ nhàng. Chú thỏ con được điêu khắc với đôi tai vểnh lên, tạo ra cảm giác như đang nghe ngóng từng âm thanh của cuộc sống xung quanh.
"Nương tử của Tử Yên thật xinh đẹp!" Đột nhiên bên tai văng vẳng tiếng khen ngợi của người nào đó. Nhưng khi ta ngoảnh lại, lướt ánh mắt quanh phòng một lần thì phát hiện chẳng có ai bên cạnh mình cả.
Phải rồi, người đó đã trở về Bạch Mai trước, nào còn ở bên ta... Đừng hoang tưởng nữa! Ngược lại, nếu người kia đã rời đi thì cuộc sống hiện tại của ta có thể nhàn rỗi biết bao!
Ta dùng một ít hương thơm Hương Tĩnh Thúy Nghi (静翠凝香) - Mùi hương này tựa như một làn gió nhẹ, lướt qua những khu rừng sâu, nơi đất ẩm và rêu mốc quấn quýt nhau trong yên tĩnh.
Hương mộc lan (静兰) mở ra không gian thanh thoát. Như sương sớm trên lá cây, lắng đọng trong lòng người, mang đến cảm giác tinh khiết như những tầng mây vờn quanh đỉnh núi.
Tiếp đến là mùi nhựa thông (野松脂), nặng nề nhưng cũng tràn đầy sức sống, mang theo hương gỗ pha chút nắng sớm. Như một cơn gió thoảng qua khu rừng xanh biếc, mùi nhựa thông pha lẫn hơi ẩm, như thể là mảnh đất hoang sơ chưa hề bị khuấy động bởi thế giới bên ngoài, chỉ biết dâng trào sự tự do và nguyên sơ của thiên nhiên.
Rêu ẩm và đất sét (苔土) dù nhẹ nhàng hay nặng nề thì cũng chỉ dịu dàng như một giấc mơ. Hương đất ẩm, rêu mốc ngấm sâu trong thinh lặng của cơn mưa vừa dứt, mang đến cảm giác như những phút giây không có thời gian.
Lướt qua một chút, ta lại bắt gặp mùi hương nhu (香薷), thoang thoảng một mùi cay. Cảm giác như một bóng hình khắc kỷ thoáng qua trong bóng tối kín đáo, lặng lẽ nhưng lại khiến người khác phải dõi theo.
Cuối cùng, là đỗ quyên (晨杜鹃), không hề đượm ngọt ngào như một buổi sáng sớm mờ ảo, vương lại chút dư âm của một đêm dài không trăng.
Một chút hờ hững, một chút hướng nội, còn nhiều sự xa cách, không thích ngoại giao.
Hương thơm trong trẻo, tựa như cỏ cây dại mọc trên phiến đá xanh, đượm hơi đất, tự nhiên và tự tại. Tựa như mùi của nhiều loại thảo mộc phối hợp, đem lại cảm giác thanh mát lại vừa ẩm ướt như khu rừng nhiệt đợi mới ráo sau cơn mưa mùa hạ.
Cho đến lúc hài lòng, ta khoác sam y, chỉnh trang thật chỉnh tề, nhẹ bước xuống lầu.
Nhìn thấy mười bộ khúc tinh nhuệ đứng xếp hàng ngay ngắn chờ đợi, ta có chút bất lực cười thầm. Này là Tô thúc quá lo lắng cho sự an nguy của ta, ông ấy bất an đến mức đã nghĩ rằng Thái thị có lẽ sẽ đến gây rắc rối cho ta bất cứ lúc nào, hoặc có kẻ nào đó vì thân phận của ta mà nảy sinh ý đồ lợi dụng.
Chuyện trên công đường đã trở nên ầm ĩ như vậy, Thái gia còn mời rất nhiều người đến để chứng tỏ sự hối lỗi và bồi thường thích đáng, cùng mối quan hệ phức tạp giữa ta, Thất công tử và Thái Minh Châu, đều là những chuyện khiến cho người bình thường khó mà tiếp nhận. Sau này, muốn khiêm tốn một chút, thu mình một chút, e là khó khăn.
Trước mắt đã có nhiều thỉnh thiếp được gửi đến nhằm mời ta tham dự các buổi tiệc họp mặt cùng các khuê các danh môn, nhưng có mấy phần chân thực muốn kết giao với ta mà không dựa trên thân phận thiên kim đến từ Sung Dụ đường?
Sĩ tộc đại nho từ lâu vẫn khắc cốt ghi tâm các giá trị thanh cao, lấy việc tu dưỡng phẩm đạo đức làm gốc. Tuyệt đối không vướng vào giao tình và tránh xa mọi mối dây giao thiệp cùng thương nhân, hòng giữ sạch tấm thân và thanh danh dòng tộc.
Là kẻ thuộc thế gia, họ tự mình bồi đắp nền tảng gia phong bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt mọi khuôn phép, luôn khép mình trong vòng lễ giáo, lấy sự giáo huấn qua kinh điển làm kim chỉ nam, nhờ vậy mà từng thế hệ nối tiếp giữ gìn được danh tiết và bản sắc văn hóa truyền thừa.
Lời xưa có câu: "Kẻ sĩ lấy hiếu liêm làm gốc, lấy văn chương làm trí". Chính là để nhấn mạnh rằng, trong con mắt của bậc danh sĩ, tinh thần học vấn chính là cốt lõi của nhân cách.
Kẻ sĩ cần có trí thức sâu rộng và tu dưỡng không ngừng, nghiêm cẩn học đạo lý của thánh hiền, dùng kinh điển để khai mở nhân tâm, giữ gìn đạo đức để làm gương.
Với phẩm cách của sĩ nhân, luôn tự nhận nhiệm vụ "khai trí vi nhân", coi việc học hành không chỉ để lập thân mà còn là trách nhiệm truyền đạt tri thức và đạo đức đến hậu thế. Họ cho rằng phẩm hạnh và hiếu liêm là thước đo chân chính của sĩ nhân, chứ không phải là những thứ lợi ích tầm thường mà thương nhân thường đeo đuổi.
Trong mắt kẻ sĩ, tầng lớp thương nhân đơn thuần là kẻ vì bạc tiền mà bỏ mặc đức hạnh, sống kiếp trôi dạt, mưu mô toan tính, chẳng ngại dùng mọi thủ đoạn để tích lũy của cải.
Sự bấp bênh và không ngừng toan tính khiến thương nhân dễ dàng đánh đổi nhân cách chỉ để đạt được chút danh lợi, làm ô uế đạo đức vốn là nền tảng của xã hội. Dẫu một số người có thể đạt được thành công nhất định, nhưng điều đó chỉ càng khẳng định sự tầm thường của họ trong mắt những người mà thanh danh, phẩm giá là điều không thể đổi thay dù có vàng bạc chất đầy.
Thương nhân chẳng những bị kẻ sĩ xem thường, mà còn bị cho rằng sự hiện diện của họ có thể làm vẩn đục thanh danh của giới sĩ nhân.
Họ bị đánh giá là phường "lục lâm bôn ba" mang đời sống vô định, lối sống phiêu bạt khiến họ dễ bị tha hóa, thiếu sự nghiêm túc về phẩm hạnh, xa lạ với tri thức thâm sâu và đạo lý của bậc chính nhân quân tử.
Vì thế, sĩ tộc không chỉ xem thường thương nhân mà còn lo ngại rằng sự tiếp xúc với thương nhân có thể làm mờ nhạt đi hình ảnh đạo mạo của giới trí thức, khiến người ta nhầm lẫn giá trị chân chính với giá trị tạm bợ do đồng tiền tạo ra.
Nhưng nào ai hiểu rằng, sự vững bền và thịnh vượng của một quốc gia, chung quy không thể thiếu công sức và vị trí của bốn tầng lớp sĩ, nông, công, thương, để duy trì sự an hòa và ổn định.
Sĩ nhân là kẻ lao động trí óc, dùng não lực để mưu cầu danh lợi mà không màng lao khổ, nên là "Người lao tâm trị kẻ lao lực" và nghiễm nhiên đảm đương trọng trách gánh vác trị an.
Với thân phận này, sĩ nhân thuộc thế gia thường giữ vị trí và địa vị lưu truyền từ đời này sang đời khác trong gia tộc, coi đọc sách là nghiệp đời, còn làm quan là thành tựu tối cao. Như thế mà nói, hễ gia tộc nào đời đời nối tiếp đọc sách, thi đỗ làm quan, thì gọi là "sĩ tộc". Nếu đời nối đời giữ ngôi vị trong triều chính thì chính là "thế tộc" (世族) chân chính.
Người xưa có câu: "Thế tộc truyền thừa quyền lực, sĩ tộc truyền thừa văn hóa". Ý chỉ sự liên kết không ngừng giữa quyền lực và học vấn. Càng nắm trong tay nhiều tư liệu văn hóa, sĩ tộc càng dễ duy trì địa vị thế gia, củng cố quyền lực và tài sản để gia tộc hưng thịnh lâu dài.
Quyền lực nơi thế tộc mạnh mẽ nhất là khi trong tay không chỉ có kẻ dưới, hộ tịch, mà còn cả binh lực và tài sản riêng để thoát ly nghĩa vụ nộp thuế với triều đình. Trật tự tích lũy thế lực ấy sau dần ảnh hưởng đáng kể tới ngân khố quốc gia, vì họ đã sinh ra nhiều nhân tài, nắm giữ chức vị trọng yếu đến mức quyền lực đôi khi vượt quá hoàng tộc, làm lu mờ uy quyền thiên tử.
Và dù bậc đế vương hiện tại có nỗ lực đến đâu trong việc tách bạch quyền lực giữa sĩ nhân và thế gia, như đặt ra các chính sách khoa cử ưu đãi cho hàn môn, hay gia tăng sự bình đẳng trong tuyển dụng quan viên để cân bằng thế lực giữa các tầng lớp, thì sự ngấm ngầm tích lũy quyền lực của thế tộc vẫn là mối lo ngại muôn đời.
Trong xã hội, hiểm họa lớn nhất chính là lũng đoạn điền nông và lũng đoạn chính trường. Tiêu biểu ở thời điểm này chính là hai thế lực hoạn quan và ngoại thích.
Những gia tộc lớn không ngừng mở rộng đất đai, chiếm giữ địa vị, biến những người dân thường thành kẻ phục vụ trong nhà mình. Thế lực của hoạn quan và ngoại thích, mặc dù không phải thuộc thế gia thực thụ, song cũng từng bước thâu tóm quyền lực và bòn rút của cải quốc gia, luôn khiến triều đình phải canh cánh lo lắng.
(*) Phóng tác nội dung bổ sung chú giải cho bối cảnh từ bài Thế Gia Đại Tộc thời Tam Quốc (nguồn: nghiencuulichsu.com).
Còn về phần Thương thị ta, chẳng qua chỉ là ngoại thích nhỏ nhoi, tuy có chút gốc gác liên hệ với Thánh thượng (聖上) nhưng căn cơ bạc nhược, chẳng đáng để xem trọng. Thậm chí còn không đáng để đề cập đến!
Ta nhủ thầm, thân đã nhận sự giáo dưỡng và quyền tự do từ song thân, vốn chẳng việc gì phải bận tâm đến những mối dây nhợ rắc rối cùng những tình cảm phù phiếm, giả tạo của bọn thế gia ấy. Đã chán ngấy những hư ảo ấy, cần chi ta phải vướng mình vào? Không nhất thiết, cũng không muốn mang theo một cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa để đối đãi!
Hồng Lăng dưới sự tín nhiệm của ta đã tỉ mỉ chọn lọc một số danh thiếp quan trọng, là những người gia thế tuy không quá hiển hách nhưng trong sạch, và có nếp sống liêm chính. Họ là những nữ nhi hiền thục, chẳng những có thể giúp ta mở rộng mối quan hệ, mà còn để ta thẩm định được phẩm hạnh, năng lực của các nàng, nhất là tiềm năng tiêu thụ trong việc kết nối với Sung Dụ đường.
Ha, không hổ là con gái của Tô Khắc Nhượng - đốc quản cấp cao của Sung Dụ đường Thương thị!
Lần này Tô thúc cũng đã đổi cho ta một chiếc xe ngựa lớn hơn, thoải mái hơn, để tiện cho việc ta di chuyển thuận tiện. Xe được chế tác tỉ mỉ từ gỗ quý, bọc da mềm, mỗi lần xóc nảy lại nhẹ nhàng, không còn quá khó chịu khi phải ngồi lâu. Ít nhiều thì trong khoảng thời gian đợi cha mẹ đến, ta có thể thăm thú vài nơi ở phủ Giao Điền [郊滇] này.
Trước mắt, không biết nên khởi hành từ đâu? Dẫu sao, ta cũng sẽ lưu lại chốn Giao Điền này đến ngày mai rồi mới trở về biệt viện.
Đầu tiên, ắt phải thăm qua các cửa hiệu của Sung Dụ đường [充裕堂], xem thử sinh ý những nơi ấy có khấm khá như lời kể chăng. Sau đó, tiện đường sẽ ghé qua trang viên của Khương Bá Kiên. Cuối cùng, hẳn là nên đến ấp tường của Thái phó Ngô phủ, nơi Thập Nhị lang Ngô Hoằng - học sĩ Hàn Lâm viện đang giảng kinh thư cho đám môn sinh nghe.
Việc thị sát thế này, ta cũng tự khắc thấy lòng rạo rực, chẳng kém phần háo hức! Lần tuần du ngắn này, nghĩ mà thấy hưng phấn vô cùng!
------
Sản nghiệp của Thương thị tuy không phải thuộc hạng đại phú gia, song cũng không thể xem nhẹ, bởi thương điếm của gia tộc đều tọa lạc rải rác tại những vùng trọng yếu.
Gia tộc chú trọng nhất vào ba lĩnh vực chính là hương liệu, gấm vóc, và trang sức tinh mỹ, ngoài ra còn lấn sang một vài ngành như trà tứ (quán nước), phạn điếm (tiệm cơm), và thư điếm (hiệu sách). Tại kinh thành, Đại bá và Nhị bá chia nhau quản lý tiệm nội thất và đồ cổ, mỗi cơ nghiệp đều được điều hành chặt chẽ, thịnh vượng. Các vị đường huynh tỷ đều là người tài, tự thân lập nghiệp, chẳng ai màng đến quan lộ, theo đúng di huấn của tổ tiên rằng phải sống trung thực, lánh xa quyền thế.
Ở Bắc Đình phủ ngược về hướng Bắc hai mươi dặm, là một mỏ than và Huyền Thạch Đàm (玄石潭) - nơi được tận dụng làm nơi trồng trọt và sản xuất trà Đàm Ảnh Chi Mộc (潭影之木). Chúng đều là thái ấp điền trang của Miên công, khi mà Thánh thượng đã trao tặng cho bà vì chính bà là người đã khai hoang chúng.
Trên đỉnh núi Huyền Thạch Đàm có ngôi miếu nhỏ, là nơi thờ cúng của bà khi bà được phong là Thành hoàng (城隍). Miếu thờ được đặt ở hướng Đông Bắc, cửa ra vào chếch về phía Tây Nam luôn bị niêm phong, chỉ có thể đi cửa hậu bên hông mới có thể vào. Dân cư thường đến cầu đảo hay thề nguyền điều chi, đều lập tức họa phúc linh ứng ngay. Tuy nhiên ngôi miếu này cũng nằm tọa ở bản cảnh (本境) quạnh quẽ, bờ đất quanh co, khi khu nên thưa thớt khách thập phương.
Dựa vào thần tích, thần sắc của Miên công, dân gian và triều đình nhất trí tôn bà vào hạng thượng đẳng thần, vị hộ quốc tỳ dân, cai quản vùng đất như một Thành chủ hay Quận vương, bảo hộ cho vạn dân an cư lạc nghiệp.
Khi sinh thời, Miên công từng lập đại công lao, giúp dân chống đói kém, khai hoang đất đai, vun đắp no ấm. Sau khi bà khuất bóng, hoàng đế sắc phong, tinh biểu công trạng, bày tỏ lòng trọng vọng đối với bậc hiền nhân đã tận tụy vì nước vì dân. Thế nên dân gian từ lâu tôn bà là "Thành Hoàng", vị chủ thần của cả một phương vực.
Điểm kỳ lạ, như Tô thúc từng kể, là miếu của Miên công không thờ tượng bà mà chỉ bày một chữ "Thích" (肆), bên cạnh ghim một lưỡi dao khoằm, con dao chạm trổ khi bà còn sống thường dùng. Cái đạo lý thâm sâu đằng sau không ai tỏ rõ, chỉ biết rằng dân chúng khắp vùng không ai nghi ngờ mà vẫn kính thờ. Mỹ hiệu không thấy đề cập đến, so với những từ: "Quảng hậu, chính trực, đôn ngưng" (tức rộng rãi, ngay thẳng, tích tụ) cũng chẳng phần nào được khắc họa tinh thần ấy, để có thể sánh cùng những mỹ hiệu của các Thành Hoàng lừng danh đương thời.
Bên cạnh miếu thờ Miên công, triều đình còn tinh biểu cho những trung thần nghĩa sĩ từng sát cánh cùng bà. Họ, những bậc nghĩa sĩ từng một lòng phò tá, nay được ghi công bên cạnh, để nhân gian đời đời nhớ ơn khí tiết. Trong miếu, một bức trướng lụa thêu câu chữ sắt son, ca ngợi công đức của bà và các vị đồng đội. Tấm trướng lặng lẽ phủ bóng, từng chữ thêu công phu mà nghiêm cẩn, dường như vẫn vọng lại âm hưởng tiếng kèn chiến từ thuở nào.
Có lẽ lời ta vừa nói nghe như quá mức khoe khoang hay kể công, song điều ta thực sự muốn nhấn mạnh là một bí ẩn sâu xa bên dưới lớp đất đá tưởng chừng chỉ toàn tro tàn lạnh lẽo kia. Chính nơi đây, ẩn khuất dưới lớp địa tầng thăm thẳm, tồn tại một mạch nước ngầm quý báu mà người đời gọi là "Long mạch". Theo lời Tô thúc, nếu không có ai trấn thủ, không có kẻ giữ yên, thì mạch này sẽ đứt đoạn, khí vận tan vỡ.
Do vậy, Miên công không chỉ là một hương hồn yên nghỉ mà còn là linh thần, giữ vững "Long mạch" cho vùng đất, ngăn chặn những điều hung ác xâm nhập. Thế nhưng, vị này cũng bị phong ấn như một tà thần, một oán linh trấn giữ cõi âm, vẹn tròn trách nhiệm như một kẻ bảo vệ nhưng cũng là một phần của bóng tối u minh.
Thực hư thế nào, chưa ai dám khẳng định; tất cả đều dựa vào câu chuyện truyền khẩu, lời truyền qua bao thế hệ.
(*) Các câu trích bên dưới thuộc Từ điển Hán Nôm. Chú giải: chính chủ.
Trong Kinh Dịch (易經) có dạy rằng: "Trung tâm nghi giả, kì từ chi" (中心疑者, 其辭枝) (Hệ từ hạ 繫辭下) - tâm còn nghi, lời lẽ ắt rối.
Ý rằng, khi lòng còn hoài nghi thì trí óc chẳng thể sáng tỏ, lời nói cũng như cành lá rườm rà mà xa dần cái cốt lõi. Trong thâm tâm người xưa, ấy là lời cảnh báo, rằng nếu tâm còn băn khoăn, trí tuệ sẽ hoang mang, nhìn sự việc cũng như qua màn sương mờ.
Trang Tử [莊子] lại khuyên: "Đọa chi thể, truất thông minh, li hình khứ trí" (墮枝體, 黜聰明, 離形去知) (Đại tông sư 大宗師) - thân rời khỏi đạo, bỏ sự thông tuệ tự nhiên, rời bỏ hình thể, vứt đi trí tuệ.
Nghĩa là khi con người còn chấp vào cái thân, còn ham cái thông minh sáng suốt, thì sẽ mất đi sự uyên bác sâu sắc từ chính mình. Buông bỏ chấp trước ấy, mới đạt đến cảnh giới "bỏ hình, lìa trí", một sự thông tỏ không bị ràng buộc, không lạc vào mê cung kiến thức, mà tựa như nước, uyển chuyển chảy mà không mất phương hướng.
Cổ nhân (Liệt Tử 列子) thường răn rằng: "Đại đạo dĩ đa kì vong dương, học giả dĩ đa phương táng sanh" (大道以多歧亡羊, 學者以多方喪生) (Thuyết phù 說符) - đường lớn mà lắm lối rẽ thì dễ lạc mất dê, học rộng mà tìm lắm phương pháp, dễ mất mạng giữa kiến thức chằng chịt.
Những kẻ học đạo mà không hiểu rõ căn cơ, như lữ khách dừng chân nơi ngã rẽ, càng phân vân, càng hoang mang. Con đường đại đạo vốn rõ ràng, chỉ là con người tự làm rối tâm trí mình.
Có những kẻ không hiểu, lòng dấy lên nghi hoặc, bèn cứ tìm lối tắt, đường vòng. Mà càng đi thì tâm trí càng lạc lối, càng xa rời mục đích chính. Như người lữ hành trên con đường xa xôi, tưởng đã học đủ lối về, nhưng đến khi phải đối mặt với ngã ba ngã tư lại không biết đi lối nào, mất phương hướng ngay chính nơi chân mình đứng. Con đường vốn rộng lớn và rõ ràng, nhưng sự chần chừ đã khiến họ tự dựng lên rào cản, cuối cùng quanh quẩn mà lạc lối ngay chính nơi mình đã bắt đầu.
Thật chí phải!
Đường đạo là ngay thẳng, chân lý là giản đơn, không vòng vo, không do dự, không rẽ lối. Người xưa truyền dạy: chọn con đường thẳng nhất, đơn giản nhất mà đi, mới chính là đại đạo.
Vì vậy ta cứ lựa đường tắt nhất mà đi! Được không nhỉ?
------
Ta chọn bước vào một bố điếm mang tên "Lăng Tường Thán Các(阑墙阐阁)" - hiệu vải danh tiếng với nét độc đáo ít nơi nào sánh được, tọa lạc gần nhất trong danh sách mà chủ khách điếm, cũng là một phụ tá đắc lực của Tô thúc đã đề bạt.
Trước là xem xét tình hình kinh doanh, sau là để tận mắt chiêm ngưỡng loại vải lụa dệt theo lối "dị vực" - phương thức độc nhất nơi đây.
Quy mô đoàn tùy tùng khá lớn, dễ tạo sự chú ý dọc đường. Tuy người người dòm ngó, nhưng không ai dám xầm xì vì khí phách nghiêm cẩn của bộ khúc, trấn giữ uy nghiêm. Chẳng ai biết ta thuộc dòng dõi nhà nào, chỉ qua cách ăn mặc mà đoán định địa vị. Tuy vậy, ta cũng bày tỏ với Hồng Xuân và A Phúc rằng nên hóa trang thành người thường để kiểm chứng sự phân biệt trong cung cách tiếp đón của cửa hiệu này, xem họ đối đãi quyền quý khác xa dân thường đến mức nào.
Khi cả đoàn tiến vào bố điếm, chưởng quầy và tiểu nhị đều cung kính. Bên trong yên tĩnh khác biệt, một khoảng giếng trời thông thoáng ngăn cách gian thu ngân với nơi trưng bày vải. Góc sân ấy có một cây hợp hoan bì cổ thụ, tán lá nghiêng ngả, phủ bóng mát dịu cả không gian.
Trước tiên là hỏi ta cần tìm gì, sau lại lịch sự mời vào một nhã gian, dâng trà bánh chu đáo. Hồng Xuân và A Phúc cũng được đón tiếp ở khu riêng, dù không phô trương nhưng vẫn niềm nở, dựa vào phong cách mà giới thiệu khúc vải phù hợp.
Trà thơm điểm tâm bày sẵn, nhân tiện chưởng quầy giới thiệu từng loại vải đến từ các sản nghiệp của Sung Dụ đường, giải thích cặn kẽ về mỗi thước vải, vừa hỏi thăm về nhu cầu để có thể dâng lên loại phù hợp nhất. Những người trong cửa hiệu không ai hời hợt, từ ánh mắt đến lời nói đều chu toàn, cẩn trọng ghi nhận từng biểu cảm của khách, sao cho đáp ứng vừa đủ ý tứ.
Vải vóc của Sung Dụ đường chưa bao giờ tầm thường và đại trà.
Mỗi thớ vải, mỗi lần dệt đều theo phương pháp cổ truyền mà nghệ nhân gia truyền đã lưu giữ. Thầy thợ nơi đây đều là bậc tài hoa, dẫu là loại vải phổ thông cũng không để đường nét sai lệch, bề mặt luôn trơn mịn, họa tiết trau chuốt, không nhăn không lệch. Chính bởi vậy, giá cả tuy có phần nhỉnh hơn so với các hội điếm khác, song từng mảnh đều xứng đáng với công sức và thời gian bỏ ra.
Mỗi năm, cha ta lại tổ chức kỳ thi thợ thủ công, để đánh giá, luyện rèn tay nghề, đồng thời mở lớp bồi dưỡng tay nghề, giữ cho nghệ thuật dệt luôn được truyền đời phát triển.
Sung Dụ đường là gia nghiệp được dựng nên từ uy tín và chất lượng. Từ một cửa hiệu buôn bán trang sức nhỏ lẻ tại một thị trấn cỏn con mang tên Bạch Mai, cho đến khi khuếch trương càng ngày càng rộng đều nhờ vào sự trung thực.
------
Không chỉ đơn thuần là sản phẩm dệt may, lụa mà là một phần tinh hoa của văn hóa, mang đậm dấu ấn dân tộc. Từ bao đời nay, những ngôi làng, phường, huyện khắp cả nước đã truyền lại nghề dệt lụa, biến nó thành một di sản văn hóa vô giá.
Mỗi loại vải là một tuyệt tác, mang đậm dấu ấn nghệ thuật dân gian.
Không ít hơn hai mươi làng nghề, hộ gia đình từ Bắc chí Nam đã thầm lặng cống hiến sức lực và tài hoa để dệt nên những sản phẩm vải cao cấp, trong đó có những loại lụa nổi tiếng như gấm, vóc, trừu, lụa, lĩnh, lượt, là, the, sa... Có những loại vải sợi nhỏ đẹp hơn cả lụa.
Tơ tằm qua bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề đã trở thành nguyên liệu để tạo ra những tấm lụa đặc sắc, không thể tìm thấy ở bất cứ đâu: Lụa trừu thô và dày sợi, là loại vải cứng cáp nhưng cũng ấm áp, rất thích hợp cho mùa đông; The là loại lụa nhẹ nhàng, với màu sáng rực rỡ, được yêu thích trong những ngày xuân hè; Sa lại có độ mỏng và mịn màng, nhẹ như không khí, rất được ưa chuộng trong các dịp lễ hội; Lượt là lụa mỏng nhẹ và trơn, có thể dùng cho các loại trang phục quý phái hay dùng trong những bộ váy áo dạ tiệc; Xuyến là loại lụa có bề mặt trơn, độ dày vừa phải và màu sáng tươi, thích hợp với những người yêu thích sự nhẹ nhàng và thanh thoát; Nhiễu bền và chắc chắn hơn, là lựa chọn cho những trang phục cần độ dày, nhưng vẫn giữ được sự mềm mại.
Riêng lĩnh vả (hoặc láng) được dệt từ những sợi tơ tằm tốt nhất, có thể nói là loại vải quý hiếm bậc nhất.
Lụa tơ tằm mặc dù mềm mại và mượt mà, nhưng sau một thời gian sử dụng dễ bị nhàu và mất đi vẻ đẹp ban đầu. Còn lĩnh, một khi đã được dệt xong, dù có vò nát tay cũng không bao giờ bị nhăn, luôn giữ được dáng phẳng phiu, như thể được một bàn tay khéo léo vuốt lại mỗi khi bị chạm tới. Đó là đặc điểm kỳ diệu của lĩnh, giúp nó giữ nguyên được vẻ đẹp hoàn mỹ trong suốt quá trình sử dụng.
Chính cách thức gia công đã khiến nó trở thành một vật phẩm xa xỉ, không thể so sánh với bất cứ loại vải nào: Mỗi sợi tơ tằm chọn lọc phải qua nhiều công đoạn, từ 5 sợi tơ tằm, chỉ có 1 sợi được dùng để dệt nên lĩnh, khiến cho nó trở thành một vật phẩm xa xỉ, óng ánh và nhẹ nhàng như làn gió.
Bên cạnh tơ tằm, người thợ còn sáng tạo ra những loại vải từ tơ tre, tơ chuối, tơ sen,... – tất cả đều có nét đặc trưng riêng biệt, khiến cho vải dân tộc không chỉ đa dạng về kiểu dáng mà còn phong phú về chất liệu. Điều làm cho lụa dân tộc trở nên đặc biệt chính là sự tỉ mỉ trong từng công đoạn sản xuất.
Sự kỳ công của việc chọn lọc nguyên liệu, việc dệt vải, cho đến công đoạn nhuộm màu đều đòi hỏi thời gian và sự khéo léo.
Không thể không nhắc đến các sản phẩm gấm, với màu sắc rực rỡ và họa tiết cầu kỳ, không kém gì những sản phẩm lụa ngoại bang. Những loại gấm này có thể được nhuộm đủ mọi màu sắc: xanh, tím, vàng, biếc, tất cả đều được dệt từ những sợi tơ đã qua xử lý tinh tế, cho ra sản phẩm có độ bền màu vượt trội. Thậm chí, đến những loại Nụy đoạn, hay thung thúc gấm với chất liệu đặc biệt và mẫu mã phong phú, có thể khiến bất kỳ ai nhìn vào cũng phải trầm trồ. Phủ Quốc Oai đã sản xuất thứ hàng không kém chất lượng hàng của ngoại bang.
Thung thúc là một tên hàng nhung dệt (bằng bông) có từ thời xa xưa, sợi mịn, trông hình thức như dạ hoặc nỷ nhưng không nhẵn bóng. Thứ hàng này được dùng loại vải trên cắt chữ nho để làm đối trướng, dán vào câu đối. Các hàng sản xuất đồ tế khí, dùng làm lần bọc ngoài các đôi hia đẹp, hoặc dành riêng cho tầng lớp thượng lưu trong triều đình.
Để tỏ rõ chí tự cường của dân tộc, không còn chịu lệ thuộc vào gấm vóc ngoại quốc, triều đình đã ra lệnh lập nên Quyến Khổ Ty (ty coi việc kho lụa).
Từ đây, tên gọi của loại vải "Quyến" không chỉ là một danh xưng, mà còn là biểu tượng của khí phách độc lập, tự chủ trong việc sản xuất vải. Khẳng định rằng dân tộc này có thể tự tay dệt nên những sản phẩm tơ lụa tinh xảo không thua kém gì hàng nhập.
Trong những ngày xưa cũ, bậc thợ tài hoa nơi đất Bắc đã dệt nên những tấm gấm đoạn cao cấp, hoa văn tinh tế, đặc biệt là những mẫu gấm rồng cuộn – một sản phẩm nổi tiếng đến mức các sứ thần trong các chuyến đi ngoại quốc đều không tiếc lời khen ngợi. Loại gấm này, dùng để may Long Bào, gấm rồng cuộn hoa vàng, đã trở thành biểu tượng của hoàng quyền, là vải mà chỉ những bậc đế vương mới xứng đáng mặc.
Quyền lực của Quyến Khổ Ty không chỉ được thể hiện qua sự kiểm soát nghiêm ngặt mà còn qua những hình phạt răn đe, đảm bảo rằng chỉ có những sản phẩm chân chính, tinh tế mới được lưu hành trong quốc gia. Quyến Khổ Ty, dưới sự giám sát trực tiếp của bệ hạ, là một cơ quan không thể thiếu trong việc duy trì trật tự và đạo lý trong sản xuất: "Cho Quyến khố ty, ai nhận riêng một thước lụa của người xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì phạt trượng theo số tấm, gia thêm 10 năm khổ sai!"
Ngoài ra, Cục Bách Tác (百作局) chính là cơ quan chuyên trách về việc tổ chức sản xuất thủ công nghiệp của triều đình, đóng vai trò trọng yếu trong hệ thống cung ứng vật dụng cho vương triều.
Cục này chuyên chế tạo những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của hoàng cung, từ tiền tệ, vũ khí, đến các nghi trượng, đồ dùng cho vua quan, cùng với những vật phẩm trang sức quý giá. Mỗi sản phẩm từ nơi đây đều mang một ý nghĩa trọng đại, biểu trưng cho uy quyền và sự thịnh vượng của đất nước.
Các thợ thủ công tham gia vào Cục Bách Tác, gọi là công tượng (工匠), là những người thợ tài ba được triều đình tuyển chọn từ trong dân gian. Họ là những nhân vật được triều đình trưng tập vì sự khéo léo và tay nghề vượt trội. Hàng năm, triều đình cử quan viên đến các phủ, huyện để tìm kiếm những thợ giỏi, dựa theo tài năng và phẩm hạnh, đưa họ vào Cục Bách Tác phục vụ quốc gia. Những công tượng này không chỉ được cung cấp các vật liệu quý giá, mà còn được huấn luyện, nâng cao tay nghề để sản xuất ra những sản phẩm tinh xảo, phục vụ cho việc lễ nghi và quân sự của triều đình.
Ngoài công tượng, trong Cục Bách Tác còn có một tầng lớp công nô, là những người bị kết án tội đồ, bị sung vào đây để làm việc dưới thân phận nô tỳ. Những công nô này, do có tội, không được hưởng quyền lợi, chỉ có thể làm việc dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Công việc của họ chủ yếu là lao động thủ công trong các phân xưởng, phục vụ cho việc sản xuất các vật phẩm cần thiết cho quốc gia, nhưng lại không có danh phận như các công tượng.
Trong những thời kỳ thanh bình rộn tiếng thoi đưa, tiếng chàng đập vải ngày đêm vang động nơi cung cấm khiến nhà vua xúc động làm thơ với tựa Nguyệt (月):
Hán Việt:
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình dạ khí hư.
Thuỵ khởi châm thanh vô mịch xứ,
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.
Hán ngữ:
半窗燈影滿床書,
露滴秋庭夜氣虛。
睡起砧聲無覓處,
木樨花上月來初。
Dịch thơ:
Bóng đèn soi nửa cửa sổ, sách đầy giường,
Móc rơi trên sân thu, hơi đêm thoáng mát.
Tỉnh giấc không biết tiếng chày nện vải ở nơi nào,
Trên chùm hoa quế trăng vừa mọc.
(*) Thơ văn Lý Trần tập II (1988) - Hoàng đế: Trần Nhân Tông. Nguồn: Từ điển Hán Nôm.
(*) Phóng tác dựa trên bài: Nghề dệt ở kinh đô Thăng Long thời Lý, Trần. Nguồn: tieuthuyetmang.wordpress.com/
------
Lựa chọn được vài xấp vải đẹp, ta chậm rãi tính toán để mua về, định tặng cho những người bạn khuê mật thân thiết của mình. Mỗi loại vải, mỗi màu sắc đều được ta cân nhắc tỉ mỉ, sao cho phù hợp với cá tính riêng biệt của từng người: Hồng Hạnh vốn chu đáo và hiền thục, vải đỏ thắm sẽ là món quà thể hiện lòng quan tâm sâu sắc; A Bảo luôn thận trọng và cẩn thận, một màu vải tím đậm, sâu lắng và uy nghi sẽ rất hợp; A Phúc luôn hăng hái và nhiệt huyết, ta nghĩ đến một màu vải cam sáng sẽ phù hợp với sự tươi mới của hắn; Còn Hồng Lăng, với tính lanh lợi, thông minh, một xấp vải vàng tươi sẽ làm toát lên sự sắc sảo, nhanh nhẹn của nàng; Hồng Xuân, người có tính cách vừa năng động, vừa quyết đoán, vải màu xanh lá tươi mát như mùa xuân sẽ là món quà phù hợp nhất. Cuối cùng là Ngư Ngư, nhóc đó vừa tinh nghịch và vui tươi, vải xanh biếc như sắc biển cả sẽ hợp nhất.
Thời gian không còn nhiều nữa, chỉ vài ngày nữa thôi là đến sinh thần của Thất công tử. Ban đầu, ta tính tổ chức một buổi tiệc nhỏ, nơi mọi người có thể cùng nhau chúc mừng và chia vui, nhưng nghĩ lại, với công việc đang bộn bề, có lẽ ta sẽ chờ đến khi quay trở lại Bạch Mai để bù đắp cho ngài ấy. Cũng vì vậy, ta không dám vội vàng, nhất định sẽ tìm ra món quà thật đặc biệt cho dịp đó.
Ban đầu cũng định lựa vài thứ để dành cho người kia, nhưng nghĩ lại Tô thúc cũng sẽ chuẩn bị nên đành thôi. Lựa thêm một vài chiếc khăn tay vải bông thêu hoa gọi là bạch diệp nữa, rồi ta mới chịu rời khỏi.
Châu báu tuy đẹp, nhưng trong mắt họ, những món đồ ấy đã quá quen thuộc, chẳng còn gì đặc biệt nữa. Thật khó để chọn ra thứ gì thật xứng đáng để dành tặng những tiểu cô nương mà ta sắp có dịp làm quen.
Những món quà tặng họ không thể chỉ là trang sức tầm thường, mà phải có sự tinh tế, độc đáo, và có giá trị phù hợp với phẩm hạnh của họ. Đối với những tiểu thư ấy, những món quà có giá trị vật chất quá dễ dàng và không đủ sức tạo ấn tượng.
Ta muốn một thứ gì đó tinh tế, độc đáo.
Nếu muốn chọn một món quà xứng đáng, ta cần nghĩ đến thứ gì đó khác biệt, mang theo sự tinh tế và chiều sâu hơn. Quà tặng cho họ không chỉ là vật trang trí mà phải thể hiện rõ sự dụng tâm, là cách ta ngầm gửi gắm những cảm nhận riêng về từng người, như mỗi một tiểu thư là một câu chuyện riêng.
Vậy nên, ta nảy ra ý định làm một bộ tượng chặn giấy thủ công từ men ngọc có thể đổi sắc theo nhiệt độ - một tuyệt tác mà ta chắc chắn rằng không thể lẫn vào đâu. Điều đặc biệt là lớp men ngọc của bộ tượng này có thể biến đổi màu sắc một cách diệu kỳ.
Khi rót nước sôi, hoa văn ẩn giấu sẽ hiện lên, vẽ ra cảnh cánh hoa, lá non hay sóng nước dập dờn chuyển động, tựa như vạn vật đều mang sinh khí. Khi nước nguội, lớp men trở lại sắc đục bình lặng, tượng trưng cho khoảnh khắc an tĩnh, gợi lên cảm giác sâu lắng, tĩnh mịch.
Để khiến món quà này trở nên hữu dụng và sinh động hơn, ta đã cẩn thận chọn kích thước vừa phải để các tiểu thư có thể mang theo bên mình khi dạo chơi hay dùng nó làm vật trang trí.
Mà cũng phải, mỗi người một tính cách, mỗi người một vẻ đẹp riêng biệt, sao có thể dùng một món quà chung chung mà tỏ tấm lòng được. Không chỉ mang ý nghĩa về sự tuần hoàn của thời gian, mà còn là lời chúc về sự bình an, thanh tịnh và may mắn quanh năm.
Hơn nữa, ta sẽ gọi nó là Vũ Ẩn Linh Hoa (羽隱靈花) - vì bên trong mỗi tượng ngọc là một "bông hoa ẩn" có một không hai. Bên ngoài phải phủ thêm một lớp tráng gương mỏng, phản chiếu từng chuyển động và bóng hình người cầm, tạo cảm giác như ngọc đang "hồi đáp" người đối diện bằng một vẻ đẹp huyền ảo, chỉ hiện ra trước mắt họ. Còn khi ánh sáng chiếu vào đúng góc độ, từng vệt sắc bên trong viên ngọc lộ ra, vẽ lên hình ảnh một cánh chim khắc họa tinh xảo. Cánh chim này, tùy từng viên, có hình dáng và hoa văn riêng, tượng trưng cho sự tự do và ý chí vươn cao – điều mà mỗi người nhận đều ngầm thấu hiểu.
-------
Dạo bước qua chốn phố phường, thấm thoát trời xanh cũng bắt đầu phủ nắng nhạt. Ta quyết định ghé thăm trang viên của Khương Bá Kiên, dạo qua một vòng, thăm thú chút đỉnh, thả lòng giữa cảnh sắc nơi đây.
Từ triền đê ven sông, trên những bãi bồi phù sa, mắt ta hướng về những nương dâu xanh mướt, những vườn dâu đong đầy sức sống dưới ánh nắng chiều vàng vọt, lá dâu mơn mởn đón gió. Đến lối vào làng, con đường làng nhỏ hẹp uốn lượn, xung quanh là những nong kén vàng óng ánh, phơi mình dưới nắng chiều.
Chốn này không chỉ là trang viên rộng lớn mấy trăm mẫu, mà còn là một làng nghề cổ truyền, một cộng đồng gắn kết với nhau qua từng mùa vụ, trồng dâu, nuôi tằm, hết thảy đều một lòng giữ gìn nghề cổ.
"Con tằm dệt kén cho ta/ tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời" - lời ca dao ấy từ bao đời nay vẫn ngân vang trong mỗi ngôi nhà, như lời nhắc nhở về những tháng ngày khó khăn của nghề, về bao khổ cực mà các bậc tiền bối đã trải qua. Những cư dân nơi đây từ xưa đã sống trong cảnh tự cung tự cấp, chắt chiu tằn tiện từng bữa ăn, nhưng dẫu vậy, họ vẫn tự hào về nghề tằm tang truyền thống.
Nghề tằm tang không chỉ là sinh kế mà còn là linh hồn của mảnh đất này, được thấm nhuần vào trong máu thịt, trong từng hơi thở của con người nơi đây. Chính nhờ nghề này, mà không chỉ bà con trong làng có thể phát triển kinh tế. Nó chính là sự kết tinh của bao thế hệ, và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, giờ đây đã khác xưa.
Các hộ dân trong làng, không còn đơn độc một mình mà đã liên kết cùng nhau thành lập hợp tác xã, kết hợp sức lực, chia sẻ khó khăn, cùng nhau phát triển. Nhưng dù vậy, nghề này vẫn cần có sự bền vững, ổn định, bởi nghề tằm tang đâu chỉ là việc nuôi tằm, hái dâu, mà còn là một nghệ thuật tinh tế, đòi hỏi tài trí và khéo léo. Tất cả những điều ấy đều phụ thuộc vào sự khéo quản của Khương Bá Kiên, từ việc chọn giống tằm cho đến duy trì giá trị thị trường. Những tính toán ấy, giống như một kế sách quân cơ, nhằm bảo tồn và phát triển nghề tằm tang trong suốt muôn đời.
Công việc chẳng còn vất vả, khổ cực như trước, mà đã dần trở thành nghề sinh lợi, mang lại phú quý. Những người dân giờ đây không còn phải dặm chân trong vất vả, mà thay vào đó là những nụ cười phơi phới, bởi giá kén tằm ổn định, cung cầu được cân đối mang đến nguồn thu dồi dào.
Hiện nay, đất nước ta có hai giống tằm nổi danh trong nghề nuôi tằm, đó là tằm dâu và tằm thầu dầu lá sắn, mỗi loại đều có những đặc tính riêng biệt và giá trị khác nhau.
------
Bên cạnh việc cung cấp nguyên liệu quý giá cho nghề dệt lụa, cây dâu tằm còn là một báu vật của thiên nhiên, được lưu truyền qua các thế hệ, giữ vững vị thế của mình trong việc bảo vệ sức khỏe và sự trường thọ của con người.
Cây dâu hay còn gọi là Tang thầm, Mạy môn,... đã được các bậc thầy danh y xưa nay tôn sùng, và từ bao đời nay, cây dâu đã gắn bó sâu sắc với nền văn hóa và y học cổ truyền phương Đông.
Theo như đại danh y Tuệ Tĩnh [慧靜]( 1330 - 1400), tổ sư của ngành Nam dược, đã cho biết các bộ phận của cây dâu như lá, rễ, cành và quả đều có công dụng chữa bệnh. Trong hai tác phẩm nổi tiếng của ông là "Nam Dược Thần Hiệu (南藥神效)" và "Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư", ông đã liệt kê đầy đủ những công dụng thần kỳ của cây dâu, từ trị các bệnh thông thường đến những chứng bệnh nan y mà y học bấy giờ chưa có thuốc chữa.
Trong nền y học cổ truyền, Tang thầm được xem là một vị thuốc có tác dụng bổ can, bổ thận, nuôi dưỡng huyết, khứ phong, chữa các chứng bệnh tiêu khát, loa lịch (bệnh lao hạch ở cổ), mắt có màng, tai ù, huyết hư, tiểu tiện bí. Tuy nhiên, người có tỳ vị hư nhược, hay đại tiện tả tiết thì không nên dùng.
Tang bạch bì (vỏ cây dâu) có vị ngọt, tính hàn, quy vào kinh phế và tỳ, có công năng lợi tiểu, tả phế, thanh nhiệt, tiêu phù và bình suyễn, được dùng để trị các chứng bệnh ho do nhiệt, thở khò khè, và các chứng bệnh về đường hô hấp.
Tang diệp (tức lá dâu) có vị đắng ngọt và tính hàn, quy vào hai kinh can và phế, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tán phong, lương huyết, sáng mắt. Theo y lý cổ truyền, lá dâu được dùng để trị các chứng cảm mạo, hạ sốt, giải cảm, ho khái, sổ mũi, hay các bệnh tật về đường hô hấp. Còn Tang thầm, quả dâu, có vị ngọt chua, chứa đủ các chất bổ dưỡng, có tác dụng bổ huyết, kiện nguyên, cải thiện tuần hoàn máu, chống lão hóa, duy trì vẻ thanh xuân, giữ gìn sắc diện, và giữ sự quân bình trong cơ thể. Các sản phẩm từ quả dâu, như rượu dâu hay trà dâu, cũng được dân gian ưa chuộng, coi như thức uống quý giá, thanh nhiệt, dưỡng thần, và bồi bổ sức khỏe.
Tang ký sinh là loại thảo dược sống trên cây dâu, có vị đắng, tính bình, vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, thúc đẩy tiết sữa, dùng chữa các chứng gân xương đau nhức, động thai, hay bệnh lý sau khi sinh thiếu sữa, lưng mỏi đau.
Một vị thuốc quý không thể không nhắc đến là Tang phiêu tiêu (tổ bọ ngựa), loại sống trên cây dâu, có tác dụng giảm đau, bổ thận, ích tinh, dùng để chữa các chứng mồ hôi trộm, xuất tinh sớm, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, đái dầm ở trẻ em, di tinh, liệt dương, bạch đới, bế kinh.
Ngoài ra, trong dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc quý từ cây dâu.
Chẳng hạn, chữa động thai đau bụng, người ta sắc Tang ký sinh (60g), cao ban long nướng thơm (20g), ngải diệp (20g) với nước cho đến khi còn lại một bát. Hoặc chữa động thai, bí tiểu tiện, người ta dùng Tang phiêu tiêu nướng vàng, tán nhỏ, uống hai lần mỗi ngày.
(*) Phóng tác từ bài: Nhiều vị thuốc chữa bệnh từ cây dâu có thể bạn chưa biết. Nguồn: suckhoedoisong.vn/. Tác giả: Hải Long.
------
Khương Bá Kiên hiện vắng mặt nơi trang viên, nhưng vị chưởng quản nơi đây vốn quen biết với Tô thúc, vừa trông thấy thiếp thông hành (通行) của Khương Bá Kiên đã kính cẩn mời ta vào tham quan. Với sự niềm nở của bậc chủ nhà, ông không ngại ngần giới thiệu toàn cảnh quy mô trang viên và các công đoạn chế tác tơ lụa.
Chúng ta dạo qua xưởng dệt, nơi từng dãy công nhân tận tụy làm việc. Từ khu vực nuôi tằm đến chỗ ủ kén, ai nấy đều cẩn trọng, từng thao tác giặt tơ, cuộn sợi đều được thực hiện một cách kĩ lưỡng.
Rời xưởng dệt, ông chưởng quản đưa ta đến khu vườn dâu xanh tươi mát mắt, dâu sai quả, trĩu trịt dưới bóng lá. Ông vui vẻ mời ta hái dâu tằm, và như một món quà nhỏ, ông lại tặng thêm hai vò rượu tang thầm. Rượu ngọt dịu, độ nồng vừa phải, hương thơm thanh tao, thoảng qua như một thứ trà trái cây lên men, thanh nhiệt mát lành, chẳng chút nào giống với loại rượu gạo nồng đắng thường thấy.
Chiều muộn dần rợp bóng cây, ánh mặt trời bắt đầu ngả cam, cũng là lúc ta định cáo biệt. Chẳng ngờ, bỗng nghe tiếng huyên náo vọng từ phía xưởng dệt, mới hay rằng vị tiểu thiếp của Khương Bá Kiên đang gặp chuyện chẳng lành.
Nghe kể nàng vì giật mình khi trông thấy bọ ngựa trên cành dâu mà hoảng hốt ngã nhào, khiến thai động phải lâm bồn. Tình cảnh lúc này thật nguy ngập, người hầu nháo nhác tìm bà mụ, ai nấy cũng đều mất tỉnh táo.
Kẻ đi gọi bà đỡ đẻ nhưng bà ta đã qua thôn khác nên không có mặt, gần nhất cũng phải tốn đến mười dặm. E là nàng tiểu thiếp này không thể chờ đợi quá lâu, hiện tại băng huyết quá nhiều, nếu không chữa trị kịp đều đồng thời vong mạng mẹ lẫn thai nhi.
Ta vội cho người đỡ nàng vào phòng trống để nằm trước, đặt nàng yên vị, và cho người đánh xe mời đại phu. Ta không phải là đại phu, nhưng một số thủ thuật sơ cứu cũng từng biết qua. Trước lúc đại phu tới, ta cho người chuẩn bị một số loại thảo dược dễ kiếm để cầm cự cho nàng ta.
Nàng ta vẫn còn khá trẻ, thậm chí ước chừng nhỏ hơn ta khoảng hai tuổi, nhưng bụng đã cao vượt mặt. Nhìn nàng ta yếu đuối mà lòng ta bất giác khấn nguyện mọi điều thuận lợi.
Chỉ một canh giờ sau, hài nhi đã thuận lợi chào đời. Đứa trẻ bình an mạnh khỏe, là một bé gái, nặng khoảng hai cân sáu. Tuy sinh non, nhưng thể lực rất tốt, khóc cũng rất vang. Nhưng tình trạng người mẹ vẫn vô cùng nguy ngập, nàng ta hôn mê rất sâu, chỉ sợ không qua nổi đêm nay.
Chưởng sự đã sớm sai người mời Khương đích nãi nãi tới, nàng bước vào với vẻ mặt lo âu, thấy ta thì có đôi chút ngạc nhiên, song cơn hoảng hốt vì tình cảnh bên trong vẫn át đi tất cả.
Nàng đứng ngồi không yên, không ngừng đưa mắt trông vào phòng, mỗi lần nhìn thấy tì nữ mang từng thau nước đỏ ngầu đi ra, sắc mặt nàng càng thêm tái nhợt, tưởng chừng như muốn ngã quỵ.
Bên cạnh có đứa trẻ nhỏ, là con gái nàng ta, nó đang ngây ngô nhìn mẹ và xung quanh, chưa hiểu sự tình nghiêm trọng ra sao. Khi nhũ mẫu bế đứa trẻ sơ sinh ra ngoài, nó tò mò tiến lại gần, ánh mắt sáng lên vẻ thích thú. Nó nhìn chăm chú vào gương mặt nhỏ nhắn của đứa bé, rồi nở một nụ cười lộ rõ chiếc răng cửa bị sún.
"Mẫu thân ơi, đây có phải là muội muội mới của con không?" Nó hỏi, khúc khích cười khẽ rồi nghịch ngợm chạm nhẹ vào má của muội muội bé bỏng. "Sao muội lại giống con khỉ con thế này hả mẫu thân?"
Khương đích nãi nãi chỉ dịu dàng xoa đầu con gái, khẽ bảo nó ngoan ngoãn, chớ làm phiền muội muội. Sau đó, nàng ra hiệu cho nhũ mẫu bế đứa bé sang phòng khác, tránh để uế khí làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Rốt cuộc vẫn không phải là máu mủ, nàng ta chỉ hờ hững nhìn sơ đứa bé một cái, sau đó tiếp tục hướng tầm mắt vào phòng ngủ kia.
Trời đã ngả sang đêm hẳn, bóng tối trùm kín cả khuôn viên, khiến ta e ngại không kịp quay lại khách điếm sẽ khó thấy rõ lối. Ta khẽ chắp tay, xin phép chưởng quản rồi cúi đầu chào từ biệt đích nãi nãi trước khi rời đi. Bên ngoài, A Phúc và A Bảo đã chờ khá lâu, mệt mỏi ngồi xổm nơi ngưỡng cửa chính. Vừa thấy ta cùng ba vị tỉ muội bước ra, cả hai mới thở phào nhẹ nhõm.
Như lời A Phúc nói, Khương lang có việc bận cùng với Ngô Thập Nhị lang ở trên trấn, định là ba ngày nữa mới về. Còn đích nãi nãi cùng con gái cũng định về thăm ngoại gia để chăm sóc người thân đau yếu, trong nhà không có ai quản việc mấy ngày này. Thị thiếp của Khương lang ở lại, do buồn bực nên muốn đi lại thư giãn, dưỡng sức để dễ sinh nở, mới đưa nhau tới đây nghỉ ngơi đợi trượng phu về.
Theo kế hoạch, lẽ ra còn hai tuần trăng nữa nàng mới tới kỳ sinh nở, nhưng chẳng ngờ vận hạn lại đột ngột ập tới, xảy ra cơ sự đáng tiếc đêm nay.
Mà quả là hay một điều, với tài tình thám thính chẳng ai sánh được, chẳng rõ từ đâu A Phúc lại nghe ra một tin tức khá bất ngờ. Rằng người thiếp thân của Khương lang chính là nha hoàn bồi giá của Khương đích nãi nãi.
Xưa kia, vì phạm lỗi nên nàng bị phạt điều đến trang viên này làm công việc phục dịch, không ngờ chỉ vì một đêm tình thâm, dầu cạn tình cháy ngẫu nhiên mà nàng cùng Khương lang bèn kết thành giai ngẫu.
Khương lang vốn đã có ý nâng nàng lên làm di nương, nhưng Khương đích nãi nãi chỉ nhàn nhạt đưa ra chỉ định, đáp rằng việc ấy chỉ được nếu nàng sinh ra quý tử, đứa trẻ sẽ được nuôi dưỡng dưới danh nghĩa của đích nãi nãi. Còn nếu sinh ra nữ nhi, thì đứa bé sẽ buộc phải làm nha hoàn tùy thân cho Đại tiểu thư.
Đích nãi nãi tuy lòng có phần đay nghiến, chẳng qua vì tủi hổ khi phải chịu sự phản bội từ hai người thân tín, nhất là khi niềm tin tưởng vào sự thủy chung bị chính họ dập tắt dễ dàng như thế. Khi Khương lang thành hôn cùng nàng, hắn đã nguyện rằng sẽ không nạp thiếp trong mười năm, trừ phi đích nãi nãi sinh trưởng tử và cũng như nàng đồng ý để một thiếp thất mà nàng lựa chọn vào cửa.
Khương đích nãi nãi chẳng phải do nghe chính Khương lang thú nhận, mà là một vị thân thích dẫn nàng đến bắt quả tang. Và cũng chỉ vì mối quan hệ không chính đáng của Khương lang và thị tỳ này, mà đứa trẻ nàng mang trong bụng đã bị trục ra.
Mà một chuyện kinh động hơn chính là, Khương Bá Kiên này chính là người đã từng được đính ước với Kiều Bích Phù.
Nguyên lai cha của Bá Kiên và Kiều đô úy khi xưa là đồng môn, cùng theo một sư phụ học chữ, từ đó nảy sinh giao hảo. Đôi bạn học ngày ấy lại cùng nhau lên kinh ứng thí, nhưng cuối cùng lại rẽ sang hai định hướng khác nhau. Trong khi phụ thân họ Khương được bổ nhiệm làm viên chức ở quê nhà, Kiều đô úy lại được phân công tại nơi khác, thế nhưng hai người tái ngộ sau bao năm xa cách, đúng lúc Khương mẫu vừa sinh hạ Bá Kiên, liền giao ước hôn sự cho hai đứa trẻ.
Mười lăm năm trước, Kiều đô úy có thể may mắn thành thân cùng Thái Đông Lăng , bởi phụ thân ông từng là cận thần đắc lực của Thái Uy. Nhưng mười năm sau, hai người cũng chỉ có duy nhất một mụn con gái tên gọi Kiều Bích Phù.
Định rằng đợi Bích Phù cập kê sẽ gả cho Bá Kiên, nhưng không ngờ biến cố xảy ra. Phụ thân nàng tử nạn dưới tay thảo khấu (草寇) trong lúc thi hành công vụ, khiến nàng phải thủ tang ba năm.
Giữa chừng mẹ góa con côi, Thái Đông Lăng không cách nào mà quay về Thái phủ nương nhờ. Bà ta không thể sinh con nối dõi cho Kiều gia, nên Kiều thái thái đành buộc phải trả bà ta về nhà mẹ đẻ theo di nguyện của con trai mình. Ít nhất, Thái Đông Lăng cũng từng có một gia đình trân quý và tôn trọng bà ta.
Thiếp canh cùng bát tự đã trao đổi, sính lễ cũng sắp xếp sẵn, nhưng nhà họ Thái lại cho rằng Khương gia không xứng đáng trèo cao nên tìm lý do thoái thác, đổ cho rằng bát tự Bích Phù và Bá Kiên xung khắc. Không thể kết thành thông gia, cũng không thể kết tình nghĩa với danh gia vọng tộc, Khương bá phụ bèn chuyển ý đến Giang thị, một dòng dõi thư hương danh tiếng.
Khương Giang thị đích nãi nãi chính là con gái thuộc đại phòng Giang thị, là cành vàng lá ngọc, cũng như một tài nữ có năng lực xuất chúng. Mai mối đưa đẩy không biết bao nhiêu lần, Giang gia cũng xiêu lòng vì tấm chân tình của Khương gia đối với con gái mình, trên hết cũng vì muốn đặt cho con gái một tấm chồng tốt để yên bề nên mới đồng ý tác hợp lương duyên.
So với làm một danh nhân, thân mẫu của Giang thị càng muốn con gái mình là một chủ mẫu chuẩn mực đoan trang, giỏi giang việc nhà và có thể trợ giúp trượng phu. Có thể tinh thông cầm nghệ, nhưng thêu thùa may vá, sổ sách chi tiêu trong nhà cũng không nên thiếu sót.
Khương Bá Kiên là một người trẻ tuổi, tính tình cũng thẳng thắn phóng khoáng, gia tộc họ Giang có thể nhìn thấy tố chất của một đấng nam tử hán đại trượng phu bên trong hắn nên gửi gắm rất nhiều niềm tin.
Bá Kiên trong mắt Khương Giang thị đích nãi nãi chính là hình mẫu lý tưởng mà nàng hằng ao ước. Vì lẽ ấy, nàng dần dành trọn lòng mình, nguyện theo người, tận tụy nâng khăn sửa túi, vun vén gia đình suốt đời. Có thể nói, chịu đựng lùi về làm hậu phương cho trượng phu của mình chính là một sự nhẫn nại và đánh đổi lớn lao nhất của đời người con gái có thể trao.
Nhưng tình yêu vẫn không tồn tại quá lâu, sự hứng thú cũng dần phai nhạt khi vừa bước qua thời kỳ tân hôn nửa chặng đầu.
Lâu dài Khương Bá Kiên khuếch trương sự nghiệp của mình phải lui tới khắp nơi, kết giao khắp chốn, tâm tình dần không còn mặn mà với thê tử, thậm chí có chút bỏ bê. Dẫu vậy, khi ấy hắn vẫn chưa có ý định nạp thêm thê thiếp.
Duy trì thêm được hai năm, cuối cùng trái tim của Khương Bá Kiên lại hồi sinh, song thật oái oăm thay, người ấy lại chính là tỳ nữ của Giang thị.
Đầu năm tới, có lẽ Khương gia sẽ náo nhiệt hơn, vì Khương Bá Kiên sẽ lập thêm nhị phòng. Lần này, hắn sẽ cưới nàng kia dưới thân phận là nhị thê tử, và cũng vì nàng kia là đường muội tam phòng của Khương Giang thị đích nãi nãi.
Sự tình tréo nghoe như thế mà A Phúc có thể khéo léo moi móc được quả là biệt tài. Dẫu rằng thói quen này của hắn khiến ai khác bất bình, nhưng việc can thiệp vào đời tư của người khác là điều khó lòng chấp nhận. Ta không ủng hộ, nhưng cũng không bắt bớ, nhưng muôn phần nhắc nhở vì hắn quá hớ hênh. Ngẫm mà xem, tính bao đồng của hắn sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến rắc rối. Biết đâu, một ngày nào đó sẽ vướng vào tình cảnh tương tự như ta.
Đến giờ cũng nên gác lại hết mà nghỉ ngơi sau khi tắm rửa ăn uống.
Đêm nay là đêm trăng khuyết, lặng đếm biết bao nhiêu ngôi sao, đếm rồi lại quên, rồi lại đếm lại từ đầu.
Ta cầm cái trống bỏi trên tay khẽ lúc lắc mấy cái.
Nhớ đến đứa trẻ vừa chào đời, tiếng gào thét của người mẹ khi vượt cạn, nhớ cảnh quằn quại trong cơn đau xé ruột,... rồi cũng không khỏi ngẫm đến số phận của chính mình. Nghĩ đến viễn cảnh lập gia đình, rồi đổ vỡ, cùng tâm hồn chôn vùi dưới đống đất cát, liền cảm thấy rụt rè. Dù biết không phải ai cũng vậy, không phải hoàn cảnh nào cũng dẫn đến tình cảnh lâm li bi đát.
Kén chọn tới lui, rốt cuộc cũng tự mình chọn một ngõ cục hẹp hòi.
Thực ra nói ta chọn con đường tắt cũng không đúng, vì nó chỉ là một lối mòn nhỏ chẳng kém quanh co.
------
Năm ngày sau, ta dự định sẽ cùng các vị tiểu thư dạo quanh hồ, nhưng trước mắt lại có ý muốn ghé qua hiệu sách, tìm vài cuốn sách hay.
Đúng lúc ấy, ấp tường (邑庠) cũng vừa điểm giờ học. Tiếng chiêng vang lên như lời báo hiệu, từng tốp học trò trật tự tiến vào giảng đường. Ta thong thả từ tiệm cơm bước sang, đợi mọi người yên vị rồi mới bước vào khuôn viên.
(*) Ấp tường (邑庠): Trường học tại địa phương, tại một huyện.
Ấp tường viện chủ (院主) là một vị nhân đức, tuổi chừng ngũ tuần, lớn hơn Tô thúc chẳng quá mươi năm. Ông mời ta vào thư phòng, cởi mở chuyện trò, còn nhắc đến Ngô Thập Nhị lang đã đôi lần đề cập đến ta. Khi ta bày tỏ ý muốn quyên góp cho những học sinh nghèo khó, ông bày tỏ lòng cảm kích chân thành thay họ.
Nhân dịp ấy, ta tặng ông vài bộ văn phòng tứ bảo, nói là để làm phần thưởng cho những học trò giải được những câu đố mà ta sẽ đưa ra. Viện chủ nghe thế, liền vui vẻ nhận lời, ánh mắt hiền hòa mà sáng ngời.
"Trong thiên hạ, có thứ gì không mắt mà thấy vạn sự, không tai mà nghe ngàn lời, chẳng tay chân nhưng chạm đến mọi tâm hồn?"
"Giữa một rừng cây cao, chỉ có duy nhất một chiếc lá không bao giờ đổi màu theo bốn mùa. Lá ấy là gì?"
"Người ta bảo trên đời, cái gì càng nặng thì càng khó nhấc, thế sao có một thứ càng nhẹ càng làm người ta đau đầu, khiến ai cũng phải khốn khổ?"
"Khi đứng thẳng, chẳng ai để ý, ấy thế mà khi cúi đầu, người người ngưỡng mộ. Vật ấy là gì?"
"Vạn vật trên đời đều theo dòng chảy, từ sông lớn chảy về biển rộng. Ấy vậy, thứ gì trên đời chẳng hề trôi theo dòng, mà lại luôn trở về với điểm khởi đầu?"
"Thiên hạ có nghìn vạn vị quan, ấy mà chỉ có một người duy nhất không giữ chức, không bảo vệ biên cương, không ngồi trong triều, lại khiến người người ngưỡng vọng? Người ấy là ai?"
Kỳ thực, đáp án chẳng hề khó nhằn, nhưng có thể khiến mọi người phải nhíu mày suy nghĩ đôi chút.
Đến tầm giờ Thìn, vừa đúng lúc học trò được giải lao. Đám học trò ùa ra sân, tiếng cười đùa vang vọng, hòa cùng không khí rộn ràng.
Ta chưa từng đến lớp học, cũng chẳng hiểu hết việc học hành rèn luyện gian khổ ra sao, chỉ thấy ngưỡng mộ những người học cao hiểu rộng. Họ hẳn là những người vừa thiên tư xuất chúng lại chăm chỉ hết mực, mới có thể đạt đến trình độ như vậy.
Viện chủ nhìn ta say mê ngắm họ qua cửa sổ, liền cười hỏi ta có muốn thử tham dự một buổi học không. Lời mời ấy khiến ta hào hứng, lập tức nhận lời.
Trường học này dành cho con cái thư hương nhiều hơn thế gia sĩ tộc, quý tộc lại còn hiếm hơn cả. Ngoài ra lớp bình dân cũng có một dãy lầu ở phía sau.
Lớp học tại đây phân chia theo năng lực, để không ai tự ti hay làm người giỏi bị kéo xuống. Lớp học lịch sử phù hợp cho cả nam lẫn nữ, không phân chia giới tính, chỉ phân chia chổ ngồi.
Với trình độ hiện tại của ta, sau khi thi thử xếp lớp liền được phân vào lớp trung tập. Chỉ là một buổi học, một người vô danh tiểu tốt như ta cũng được xếp vào chỗ khuất không được chú ý quá nhiều.
Họ nhìn ta với ánh mắt có chút lạ lẫm, nhưng cũng không giao lưu hay bình phẩm điều gì. Họ vốn dĩ chẳng biết ta, càng không quan tâm đến thân phận của ta. Một vài người có quen biết ta từ bữa tiệc nhà Thái gia thì thấy ngộ nghĩnh, có hỏi ta vài câu xã giao trước khi vào học rồi ai cũng trở về vị trí ấy.
Hôm nay thật tình cờ, người được phân công giảng dạy lại chính là Ngô lang.
Ngô Thập Nhị trong suốt buổi giảng bài tỏ ra vô cùng nghiêm túc và chú tâm. Cách y thể hiện những điều mình muốn truyền đạt, từng câu từng chữ đều rất mạch lạc, không hề vội vã, mà còn dễ hiểu. Khiến mỗi lời giảng đều khắc sâu vào lòng người nghe, không nặng nề giáo huấn, mà thấu tình đạt lý.
Phong thái của vị công tử này trái lại rất khiêm nhường, tôn trọng học trò. Mỗi khi có câu hỏi thắc mắc từ phía học trò, Ngô Thập Nhị không chỉ trả lời một cách đơn giản mà còn giảng giải tường tận, khai mở cho họ những suy nghĩ sâu xa. Đôi lúc, y còn đưa ra ví dụ dễ hiểu, kéo sự chú ý của cả lớp vào câu trả lời của mình.
Dẫu vậy, sự nghiêm túc và tác phong điềm đạm ấy không hề khiến y trở nên khô khan. Đôi khi, y còn khéo léo lồng ghép những câu chuyện nhỏ, những chi tiết dí dỏm trong cách giao tiếp để thêm phần sinh động, khiến cho học sinh chẳng mấy chốc mà quên đi mọi mệt mỏi, chỉ còn tâm trí hướng vào bài học.
Dáng vẻ ấy, phong cách ấy, như một người huynh trưởng đôn hậu, vừa khiến người ta cảm phục, vừa không thể không để lòng kính ngưỡng.
"Các trò, khi nghiên cứu lịch sử, chớ nên dừng ở bề nổi!"
"Mỗi một triều đại, mỗi một quyết sách đều chứa đựng tâm huyết của bậc quân vương, không phải chỉ là những việc hành chính nhất thời, mà là những bước chuyển mình trọng đại của quốc gia. Cần nhớ rằng, mỗi sự kiện lịch sử đều gắn liền với bao tâm tư, động cơ và cả khát vọng của các bậc quân vương, chư tướng và toàn bộ lê dân bá tánh. Các bậc tiên hiền ấy đã không ngừng mài giũa trí tuệ, nuôi dưỡng chí hướng, dù trong tình cảnh gian lao hiểm họa."
"Chúng ta học lịch sử là để tìm hiểu sâu sắc lý do sau từng quyết định đó, để chiêm nghiệm mà học hỏi." Rồi y dừng lại một lúc, nhìn các học trò, nói tiếp: "Cái hay của lịch sử chính là ở chỗ này, nó không chỉ dạy ta về những người đã qua đi, mà còn giúp ta suy ngẫm về con đường chúng ta đi và những quyết định chúng ta sẽ phải đưa ra trong tương lai."
Một cơ duyên trùng hợp khá thú vị nhỉ?
Khi tan lớp, ta vội vàng bước ra khỏi phòng, nhưng đợi trước cửa là Ngô Thập Nhị với dáng đứng thẳng tắp khoan thai, nhưng thực không giống vẻ tự tin khi đứng trên bục giảng lúc nãy.
Y khách sáo lễ nghĩa chào hỏi một cách đường hoàng và thoáng có chút bối rối. Ta cũng điềm nhiên cúi chào cho đúng chuẩn, mỉm cười khen y một câu. Người này thế mà lại đỏ mặt.
Thực ra theo lẽ thường, Ngô lang này có thể được đánh giá như một người hội tụ đủ trí đức song toàn, nhân sự trạch chính, nghiệp vụ tinh thông, đáng là bậc thầy mẫu mực. Tuy nhiên, nếu lời khen quá mức dài dòng, lại chẳng khác nào lời nịnh nọt, điều này không phải là tác phong của kẻ hậu sinh.
"Ngô giáo thụ quả thật chí công!" Bấy nhiêu đó thật đủ thấm thía.
Sau đó, bọn ta cùng nhau về thư phòng của viện chủ. Vừa đi, hắn vừa hỏi ta cảm thấy cơ sở ấp tường như thế nào, cũng như sự phân bổ và chất lượng giảng dạy như thế nào... hỏi liên tiếp như thể muốn tìm một chủ đề để thảo luận. Nhìn chung ta cũng không muốn bản thân vừa thất lễ, vừa thất thố nên chậm rãi đáp nên chỉ đáp lại từng câu một cách ngắn gọn và rõ ràng, không thiếu phần trọng tâm.
Hồng Lăng và Hồng Xuân chờ ta ở thư phòng khá lâu, hai nàng còn đang nhàm chán lật vài quyển sách mà hiệu trưởng cho mượn từ kệ sách để đọc. A Bảo đứng ở ngoài cửa canh gác, thấy ta và Ngô Thập Nhị bước đến liền chào một tiếng.
Viện chủ lúc này đang bận nghị sự cùng các phu tử khác, ta mượn lời Ngô Thập Nhị để cảm tạ ông ấy và cáo từ. Ngô Thập Nhị liền lịch sự đề nghị tiễn ta ra ngoài.
Khi bước ra tới cổng, Ngô Thập Nhị liền kể rằng mẫu tử của thị thiếp kia đã bình an vô sự, và Khương Bá Kiên đã đưa họ trở về nhà tổ. Thật còn bày tỏ lòng chân thành, nói là Khương lang muốn cùng đến tạ ơn ta một phen vì đã cứu nguy kịp thời. Từ sáng sớm đã phái người đứng đợi trước cửa biệt viện dưới chân núi, nhưng mãi chẳng thấy bóng dáng ai, liền nghĩ ta đã rời đi đâu đó. Đến khi họ quay lại, vừa đến cổng thành thì gặp được A Phúc và A Bảo, nên mới dò hỏi nơi ta lưu trú.
Còn đề cập đến một số lý do, ngày thương thảo sẽ phải dời lại thêm một hôm, sau đó họ sẽ cùng nhau phân phát lương thực, dầu muối cho dân nghèo trước khi phát tiền bạc.
A Bảo bảo rằng ta sẽ về nhà trong hôm nay, nếu có thời gian thì sẽ gửi thiệp đến. Hồng Lăng và Hồng Xuân, vừa bước ra cửa, lại vô tình nhắc đến chuyến du ngoạn thuyền, khiến Ngô Thập Nhị liền đánh tiếng xin tham gia cùng.
Hắn kể rằng mình có vài người bạn tâm giao, có thể mời họ đến cùng nhau tổ chức một bữa tiệc nhẹ trên hồ để thưởng thức thơ ca và đối ẩm. Ta hổ thẹn bảo mình dốt nát, hắn lại khoát tay cười bảo không sao, hắn sẽ giúp ta. Hơn nữa, những người bạn kia là người rất thân thiện, cũng hiếu khách, nếu như ta muốn kết bạn, Ngô Thập Nhị sẽ thay ta gửi lời nhã ý kết thân.
Được rồi, có thêm một người bạn, còn hơn kết một mối thâm thù.
Năm ngày sau, ta sẽ chờ hắn tại cổng làng.
------
Đáp án:
1. Trong thiên hạ, có thứ gì không mắt mà thấy vạn sự, không tai mà nghe ngàn lời, chẳng tay chân nhưng chạm đến mọi tâm hồn? (Đáp án: Tấm gương)
2. Giữa một rừng cây cao, chỉ có duy nhất một chiếc lá không bao giờ đổi màu theo bốn mùa. Lá ấy là gì? (Đáp án: Lá cờ)
3. Người ta bảo trên đời, cái gì càng nặng thì càng khó nhấc, thế sao có một thứ càng nhẹ càng làm người ta đau đầu, khiến ai cũng phải khốn khổ? (Đáp án: Lời đồn)
4. Khi đứng thẳng, chẳng ai để ý, ấy thế mà khi cúi đầu, người người ngưỡng mộ. Vật ấy là gì? (Đáp án: Mặt trời lặn)
5. Vạn vật trên đời đều theo dòng chảy, từ sông lớn chảy về biển rộng. Ấy vậy, thứ gì trên đời chẳng hề trôi theo dòng, mà lại luôn trở về với điểm khởi đầu? (Đáp án: Mặt trăng tròn rồi lại khuyết, mỗi tháng đều trở về điểm đầu, chẳng trôi theo dòng chảy)
6. Thiên hạ có nghìn vạn vị quan, ấy mà chỉ có một người duy nhất không giữ chức, không bảo vệ biên cương, không ngồi trong triều, lại khiến người người ngưỡng vọng? Người ấy là ai? (Đáp án: Quan âm – tức Phật Bà Quan Âm)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro