Chương 24: Giang Sơn Nguyệt Vấn (江山月問)
Trăng hỏi non sông?
------
"Nương tử, nương tử, mau tỉnh lại đi nào!" Đương lúc ngon giấc nồng, người bên kia lại không ngừng lay ta.
"Tử Yên! Đừng làm phiền..." Ta trở mình, xoay lưng đối diện với hắn, còn kéo chăn qua khỏi đầu. Nhưng chợt tỉnh táo...
Phải rồi, sáng nay Thất công tử phải khởi hành thật sớm. Là do ta quá mệt mỏi, nên quên mất!
Bật người ngồi dậy, ta ngơ ngác nhìn Thất công tử tự lúc nào đã khoác lên mình một bộ dạng chỉnh tề, khác hẳn với những lúc ngây ngô bình thường.
Người kia hiện tại ăn diện trịnh trọng thế này để làm gì?
Ta có chút ngạc nhiên suy tư, nhưng kế tiếp lại bị cắt ngang bởi tiếng gõ cửa nhẹ nhàng của Hồng Hạnh. Khi vừa mới đặt chân vào, nàng liền nói với vẻ nghiêm túc: "Bẩm tiểu thư, có tin từ Giao Điền Thái thị, họ đã phái người đến đây cầu kiến tiểu thư. Họ cho hay rằng Thái viên ngoại nguyện mời công tử cùng tiểu thư tới hầu chuyện, nhằm bày tỏ lời tạ lỗi chân thành. Thật sự mong tiểu thư nể mặt mà chớ từ chối! Việc này trọng đại, liên quan đến danh dự của tiểu thư, ông ta cam kết sẽ bồi hoàn đầy đủ một cái công đạo thỏa đáng cho tiểu thư! Hơn nữa, họ còn hứa hẹn sẽ để Thái Nhị tiểu thư Minh Châu đích thân ra mặt tạ tội với tiểu thư, vì đã làm phiền ngài trong suốt thời gian qua!"
"Ban đầu, Tô thúc đã thẳng thừng thoái thác, nhưng không may, bọn gia nhân của Thái thị lại quỳ gối cầu xin, nói rằng nếu như ngài nhất quyết không chịu lộ diện, họ sẽ cứ như thế quỳ mãi tại đây! Thật lo lắng cho thể diện của ngài, còn sợ bị họ làm loạn giữa chốn thanh thiên bạch nhật, vì vậy, Tô thúc đã chỉ thị cho họ chờ đợi dưới đại sảnh."
Thời khắc ấy, sự yên lặng tràn ngập trong không gian, chỉ còn lại tiếng nến đang cháy tí tách. Trong lúc mạch suy tư của ta đang chảy, Hồng Hạnh lại thoáng hiện lên sự do dự, lòng nàng trăn trở. Bên kia có một cánh cửa sổ đang khép hờ bị gió thổi bật toang, ta bắt đầu dịch chuyển tầm mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, như đang theo dõi những giọt sương sớm đọng trên lá, bên tai nghe văng vẳng tiếng rao mời chào cửa những người bán hàng thì cảm thấy lòng mình chẳng còn gì phải so đo.
Chẳng cần lời nào khuyên giải, ta không do dự quyết định tiếp nhận lời mời. Thế nhưng cũng không nghĩ rằng một cuộc gặp mặt có thể mở ra cơ hội hòa giải, hoặc chí ít cũng là cách để khôi phục danh dự cho bản thân.
Thất công tử nhìn ta đồng ý trong tấp lự liền ngây ngô bật cười, chỉ là nụ cười đó khiến cho ta không hiểu cho lắm. Đại khái là người này có hiểu hàm ý của cuộc gặp mặt sắp tới hay không?
"Tiểu thư, ngài đã dậy chưa? Để muội vào chải tóc và thay xiêm y cho ngài nhé? Từ lúc tờ mờ sáng, phụ thân đã phái người đi mua sắm cho ngài cùng Thất công tử vài bộ y phục mới tinh. Ông ấy bảo rằng ngày thường ngài ăn mặc quá giản dị, chưa tương xứng với tư cách là một vị thiên kim danh giá của Sung Dụ đường." Hồng Lăng đứng bên ngoài cửa, nhẹ nhàng gõ vào, với giọng nói trong trẻo liến thoắng không ngừng. "Phụ thân còn dặn bọn muội phải chăm sóc ngài thật chu đáo, không để ngài phải chịu bất kỳ thiệt thòi nào nữa!"
"Ngài chưa biết đâu, phụ thân vừa nhận được tin tức từ lão gia và phu nhân. Nghe tin ngài gặp phải rắc rối, phu nhân lòng như lửa đốt, nhất quyết yêu cầu lão gia phải tăng tốc hành trình. Hai người họ hiện đang vội vã lướt qua các chạm dừng, đã đi được hơn một phần ba chặng đường rồi. Hơn nữa, họ cũng đã nhận được thư tín của tiểu thư. Nếu đi đường thủy bằng phúc thuyền (福船), thì chỉ khoảng ba đến năm ngày nữa sẽ tới huyện Bồ Can này! Lão gia có dặn dò ngài chớ nên sợ hãi, ngài hãy yên tâm, lão gia sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngài. Nếu có ai dám ức hiếp ngài, cho dù đó có là hoàng thân quốc thích, ông ấy cũng không hề nể mặt mà...đối đầu cho đến cùng!"
Khoan hãy nhắc đến những chuyện che chở đầy khí thế của cha, nhưng chuyện có thể gặp lại phụ mẫu thì đó mới là một niềm sung sướng lớn lao. Ta mừng rỡ đến mức môi cũng chẳng kìm được mà cong lên. Thật trông chờ và tràn ngập hy vọng.
"Nhưng nếu lão gia cùng phu nhân đến đây, phụ thân muội cũng nên tranh thủ trở về Bạch Mai sớm cho kịp. Trong nhà dẫu có nhiều chưởng quản, song vẫn thiếu người chu toàn mọi bề. Huống hồ, lão phu nhân ngày ngày mong mỏi, rất cần người kề cận để khuyên giải, an ủi. Nếu chẳng gặp điều gì trắc trở, thì ước độ giờ Thìn (07:00 tới 09:00), mọi người sẽ khởi hành." Hồng Lăng nhẹ giọng nói tiếp.
"Công tử, ngài đừng buồn vì phải rời xa tiểu thư vài ngày. Tiểu nữ đảm bảo với công tử sẽ canh chừng tiểu thư, không cho ngài ấy quá thân thiết với Ngô quan nhân!" Nói đoạn, Hồng Lăng quay sang nhìn Thất công tử đang gục đầu ủ rủ khi nghe đến đoạn vẫn bị bắt buộc trở về Bạch Mai.
Người này bĩu môi, khuôn mặt thất vọng ậm ừ một tiếng, còn tự chơi đùa với ngón tay của mình. Hắn ngồi ở đầu giường của ta theo thói quen, dù chỉ chưa tới một tuần, nhưng mọi người đã cảm giác, hắn thân thuộc với ta đến từ đường tơ kẽ tóc, cũng không còn thái độ phản ứng muốn ngăn cản. Ta kéo nhẹ ống tay áo của hắn, nở ra một nụ cười thân thiện, cùng cong nhẹ đôi mắt, thật lòng chỉ muốn đứa trẻ này đừng bướng bỉnh quá mức nữa.
Rõ là người ngốc nghếch kia chưa một khắc thôi lo nghĩ về ta, dẫu ta đã hứa lời vững dạ, lại có người đứng ra đảm bảo an toàn. Vậy mà hắn vẫn chẳng yên lòng, quyết bám theo sau từng bước, còn nằng nặc nhờ Tô thúc hộ tống.
Đến trước công đường, hắn lại đứng chôn chân chẳng dám tiến vào. Hắn bảo không muốn làm ta thất vọng vì sự lỗ mãng của bản thân, càng không muốn gây phân tâm cho ta lúc này. Thế nên hắn chỉ đứng lặng ngoài cửa, chẳng hề xao nhãng giây phút nào, chỉ nguyện trong âm thầm mà dõi theo, cổ vũ cho ta.
Bởi vì ta là người bạn tốt nhất của hắn.
Cũng bởi vì người này xem ta là người thân duy nhất của mình!
Thất công tử vốn là người không hay biểu lộ lòng mình, nhưng hễ đã để tâm, lại muốn dốc hết chân tình mà bày tỏ. Dẫu hắn có tỉnh táo hay rơi vào mê lạc, dẫu là một kẻ trưởng thành hay chỉ tựa đứa trẻ nhỏ nhoi, dẫu chín chắn hay đôi khi bồng bột, thì sơ tâm của hắn vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Hắn chưa bao giờ phụ rẫy lòng ai, càng không một lần phản bội chính lương tâm của mình. Đó là phẩm chất mâu thuẫn với con người ta...
Hắn khiến ta bao lần không đành đoạn cắt đứt nợ lòng, nhưng ta lại cố chấp muốn xa hắn để mưu cầu yên ổn cho chính mình. Ta đẩy hắn ra xa, nhưng sợi dây liên kết ấy như lại quấn chặt, mỗi vòng xoắn thêm một lần không thể dứt, kiên định kéo hắn lại gần.
Song giữa chúng ta không nên tồn tại thứ tình cảm lãng mạn hoa mỹ kia.
Vì rằng một mai ta có thể lại tàn nhẫn ruồng rẫy hắn như bao lần. Nếu hắn vướng quá sâu, sẽ chỉ đem lại cho hắn đau khổ, tuyệt vọng, mất cả khí lực mà tồn tại. Những lúc ấy, có lẽ ta chẳng cảm thấy điều chi, cũng chẳng mường tượng được cơn đau đớn mà hắn phải gánh chịu. Phải chăng... hắn sẽ hoảng sợ tột cùng khi đối mặt?
Có lẽ lúc đó, hắn sẽ cảm thấy kinh hãi lắm!
Không phải đâu...
Là ta, chỉ một mình ta mà thôi!
Ta rất sợ bản thân không thể gánh vác nỗi!
"Ôi thôi, có phải xa cách thiên thu gì đâu, ngài chỉ đi trước vài hôm rồi lại gặp nhau, có gì đâu mà than thở như tiểu hài tử vậy?" Hồng Lăng quay sang, giọng điệu trêu ghẹo.
Thất công tử ngồi bên, vẻ mặt ủ ê, hai tay buông thõng, môi chu lên chẳng khác gì một đứa trẻ vừa mất đi món đồ chơi quý giá. Hắn dẩu môi, đôi mắt chớp chớp tỏ vẻ oan ức, rồi bất giác lại cúi đầu, vẻ mặt chất chứa ưu phiền như thể cuộc ly biệt này là nỗi mất mát lớn nhất đời, làm ai nấy không nhịn được mà bật cười.
Đột nhiên, hắn bừng tỉnh lập tức quay sang nhìn ta, đôi mắt như dấy lên ý chí hừng hực, vội vàng lắc đầu phản bác: "Không, không được! Nương tử, ta phải ở lại đây trông giữ nàng! Lỡ Ngô Thập Nhị kia thừa nước đục thả câu thì sao? Hắn ta, hắn ta rõ ràng có ý đồ với nàng!"
Cả Hồng Hạnh và Hồng Lăng cùng quay sang nhìn nhau, không khỏi bật cười trước cái vẻ bảo vệ hồn nhiên đó của hắn. Còn ta xoa nhẹ vào mu bàn tay hắn: "Chẳng phải ngài đã nhờ Hồng Lăng ở lại trông nom ta rồi sao? Ngài nên yên lòng về trước!"
Thất công tử nghe vậy ngẩn ra, rồi mặt lại xụ xuống, môi bĩu còn phụng phịu hơn: "Nhưng... nhưng Hồng Lăng thì biết gì mà bảo vệ nàng! Đứa nhóc này còn ham chơi hơn cả ta, thêm cả Ngư Ngư nữa, hai đứa đó ở bên cạnh nhau chắc chẳng khác nào lũ cá thiếu ao bắt gặp mưa rào. A Phúc đã dặn kỹ ta rồi, hắn bảo nếu còn lơ mơ thì sẽ mất cả chì lẫn chài. Tốt nhất là không thể trông cậy vào ai, tự thân vận động vẫn là hơn cả! Kẻ nào xa lạ, nhất là tình địch, đều phải cảnh giác cao độ!"
Dứt lời, hắn lại quay sang nghịch ngón tay mình, mắt nhìn xa xăm, như thể đang gồng mình chiến đấu với thế gian. Khiến ta phải quay đi, cố gắng lắm mới nén được tiếng cười, ngắm cái vẻ "trưởng thành" non nớt của hắn mà trong lòng bỗng trào lên một niềm thương mến chẳng rõ từ đâu đến.
Thất công tử này thật sự chỉ là đứa trẻ lớn xác! Ta xoa dịu hắn bằng một nụ cười hiền, nhưng hắn lại đột nhiên nghiêm trang, giọng trầm trầm: "Nương tử, nàng nhất định phải đợi ta. Lần này, dù có là Ngô quan nhân hay bất cứ nam nhân nào khác, ta cũng không cho ai cơ hội bén mảng!"
Ta bật cười thành tiếng, lắc đầu nhẹ nhàng.
Lúc ấy Hồng Lăng bỗng lên tiếng, mặt nhăn nhó pha chút chế giễu: "Công tử, mau ra ngoài để tiểu nữ thay y phục cho tiểu thư đi. Mà cũng nói luôn, nhất định sẽ không để ngài gặp riêng A Phúc nữa đâu! Người ta toàn thứ tốt không chỉ, đằng này huynh ấy chỉ toàn bày cho ngài chuyện tầm phào!"
Thất công tử nghe thế mới chịu đứng lên, mặt vẫn phụng phịu, rồi bỗng nhìn ta đầy vẻ đắn đo, như thể vừa nghĩ ra thêm vài kế hoạch to lớn khác nữa. Ta chỉ mỉm cười nhẹ nhàng, không nỡ ngăn cản, cũng đành tiễn hắn ra cửa, để lại trong lòng một cơn buồn cười không dứt.
Hồng Lăng nhìn thấy bộ dáng ngộ nghĩnh của hắn thì cười ngặt nghẽo: "Cứ cái đà này chắc hẳn ngài ấy sẽ lập sớ sách trực chiến, thay phiên nhau trông coi ngài rồi, tiểu thư à!"
------
"Ô hay, Tô thúc!"
Vừa bước chân xuống cầu thang, ta đã bắt gặp Tô thúc đang an nhàn thưởng trà ở một góc phòng riêng. Khói trà vấn vít như dòng suối êm trôi giữa núi đồi, gương mặt lão nhân điềm tĩnh phảng phất nét thanh nhàn. Nhưng khi tiến thêm vài bước, ta bất chợt thấy Thất công tử ngồi ẩn mình phía đối diện, sau tấm rèm hạt gỗ trám khéo léo buông lơi, trông hệt như con mèo con lén lút rình mồi.
Căn phòng này quả thực là nơi phong cảnh hữu tình. Ban công rộng thoáng, từ đây có thể nhìn thấy rõ khung cảnh phồn hoa dưới phố: những mái ngói đỏ hồng của lầu cao san sát, người qua kẻ lại như mắc cửi, tiếng rao hàng, tiếng cười nói hòa thành nhịp điệu tấp nập. Xa hơn nữa, nơi bến Vừng, từng đoàn thuyền buồm lướt sóng nhấp nhô, phấp phới như cánh chim bay rợp cả mặt nước.
Vừa thấy ta, Thất công tử lập tức đứng phắt dậy, đôi mắt lấp lánh như trẻ con khoe đồ chơi mới. Hắn nhoài người qua tấm rèm, vẫy tay hồ hởi: "Nương tử! Nàng nhìn xem!" Nói rồi, hắn chạy đến trước mặt ta, hí hửng chìa ra một viên ngọc bội màu đỏ rực, trông chẳng khác nào một quả thạch lựu chín mọng.
"Biết gì không? Người tên Châu nhất định không chịu nhả ra thứ này, nhưng ta đã vất vả lắm mới đoạt được đấy!" Hắn cười rạng rỡ, ánh mắt tinh nghịch đầy đắc ý, rồi đưa viên ngọc vào tay ta một cách trang trọng như trao bảo vật. "Nàng phải giữ hộ ta! Cái này nếu rơi mất thì ta mất cả tiếng ngàn vàng đấy!"
Ta chưa kịp đáp lời, hắn đã nắm chặt lấy tay ta, giọng dặn dò ra chiều lo lắng: "Nàng phải cẩn thận, phải nâng niu! Nếu lỡ không may nó có chuyện gì thì... thì ta biết lấy gì mà đối diện với mọi người đây!?"
Ta bật cười, nhưng hắn cứ nhìn ta chăm chăm, ánh mắt đầy vẻ mong chờ, ngực ưỡn lên ra chiều oai phong: Thế nào, ta giỏi chưa? Thạch lựu bảo ngọc này chắc chắn chỉ để dành cho nàng!
Nhìn ánh mắt trông đợi đầy thiết tha ấy, ta khẽ gật đầu như chấp thuận. Thất công tử dường như mãn nguyện lắm, nụ cười của hắn sáng ngời như nắng mai.
Hồng Lăng liền đến dìu ta ngồi xuống bàn, nơi bữa sáng đã được bày biện tươm tất, sương sớm còn lấm tấm trên cành hồng mai được trồng trong chậu đặt bên hiên, lan tỏa hơi lạnh nhẹ nhàng mà thanh tao.
Bên cạnh là ấm trà Thanh La (青罗茶) đã pha, Hồng Lăng liền rót cho ta một chén, nước trà trong vắt, ngỡ như làn suối ngọc mạch thượng được ráng chiều phủ dọi.
Ánh tà dương lan tỏa mang sắc vàng nhạt lẫn ánh đỏ sẫm, rực rỡ mà không gắt gao. Trăng chưa lên mà đêm chưa buông phỏng, phảng phất nỗi u hoài. Chất màu ấy khi gần như ngả sang sắc hổ phách, khi xa lại như sắc trầm của lá cổ thụ đượm màu cô liêu hòa vào sương chiều bảng lảng, quyện cùng đất trời hoang hoải.
Thanh La nghĩa là lá xanh.
Trà Thanh La được hái từ vùng Vân Sơn Tịnh Thủy (雲山靜水), nơi được mệnh danh là Trường Phong Lĩnh (長風嶺).
Trà này thuộc loại nham trà bán phát lên men (bán lên men), hay còn gọi là trà ô long, với công phu chế biến kỳ công, mang đậm hương vị đặc trưng của núi đá lửa giữa Trà Xanh và Hồng Trà.
Ngay từ khi mở nắp ấm trà Thanh La, một làn hương nồng nàn, dịu dàng và dày dặn sẽ lan tỏa. Hương trà Thanh La mang những lớp hương tự nhiên đặc trưng của các loại hoa, như hoa lan, hoa mộc (quế hoa), và cả hoa nhài, đan xen một chút hương gỗ ấm và khói nhẹ. Hương khói thoảng nhẹ ấy xuất hiện do quá trình lên men và sao trà.
Khi uống ngụm đầu tiên, trà Thanh La mang đến một vị thanh ngọt và dịu mát. Vị trà không đậm gắt hay chát mà nhẹ nhàng, mềm mại trôi qua đầu lưỡi. Lớp vị này làm cho người thưởng trà không khỏi ngỡ ngàng, như một màn sương mỏng vừa chạm vào lại tan đi để lộ ra vị trà sâu đậm.
Sau khi ngụm trà trôi xuống cổ họng, hậu vị mới thật sự rõ nét.
Trà Thanh La để lại một vị ngọt thanh, kéo dài ở gốc lưỡi và trong cổ họng. Đôi khi còn cảm nhận được vị khoáng chua từ những vách đá cổ Thanh La. Vị chua trong trà Thanh La không gắt gỏng như trái chín, chỉ gợn lên đôi chút như mùi hương thoảng của rêu xanh và mưa ngấm lâu ngày. Đặc biệt, hậu vị của trà không chỉ kéo dài mà còn thay đổi từ từ, còn có một chút dịu chát nhưng rất nhẹ.
Dù khi uống trà Thanh La ở nhiệt độ nóng, ấm hay nguội, đều giữ lại hương vị tự nhiên và phức hợp với kết cấu tròn đầy, phong phú.
(*) Cảm hứng từ trà Vũ Di (武夷).
Vũ Di Nham Trà là một loại trà truyền thống nổi tiếng của Trung Quốc, là một loại Trà Ô Long có đặc tính chất lượng Nham vận (Nham cốt hoa hương). Vũ Di Nham Trà được sản xuất ở khu vực Vũ Di Sơn ở "Đông Nam Tú Giáp" ở phía Bắc Phúc Kiến. Vũ Di Nham Trà là một loại Trà Ô Long, phương pháp sản xuất là cho Trà Xanh bán lên men, là phương pháp sản xuất lai giữa Trà Xanh và Hồng Trà.
Đến nước để pha trà cũng là cả một câu chuyện dài, một hành trình đòi hỏi bao tâm sức của người thưởng trà, bởi từ Đông chí Tây, không ai có thể phủ nhận rằng nước chính là "trà hữu" cũng vì lẽ đó.
Ta lắng nghe Tô thúc kể chuyện xưa, rằng người xưa tìm nước pha trà cũng lắm công phu. Có lẽ chỉ khi đắm mình vào thú vui này, người ta mới cảm nhận được từng giọt nước ngọt lành lặn rót vào lòng chén, hoà cùng vị trà mà lưu lại hương thơm khó cưỡng.
Lơ đãng, ta nhấp thêm một ngụm trà, trong lúc đó Tô thúc thong thả ngâm nga đôi câu kết của một bài thơ cổ do một danh nhân nổi tiếng sáng tác:
"Hà thời kết ốc vân phong hạ,
Cấp thủy phanh trà trẩm thạch miên."
(*) Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác (1426 -1427) - Nguyễn Trãi.
Dịch nghĩa: "Khi nào dựng nhà dưới chân mây núi; Lấy nước pha trà, kê đá nằm nghỉ." (何时结屋云峰下,汲水烹茶枕石眠)
Chén trà tan vào như biển dâu thay đổi nhãn tiền, đưa ta đến cảnh mây ngàn gió núi, như nghe cả tiếng thông reo, tiếng chim hót. Cứ thế, chậm rãi mà thấm sâu, ruột gan cũng như được tẩy sạch. Ta bỗng thấy lòng nhẹ tênh lâng lâng, như buông bỏ cả phàm tục, chỉ còn lại mình với mình, chẳng cần lời nào để nói.
Chỉ riêng Thất công tử tròn mắt ngồi bên cạnh phán đoán, như hiểu ra nhưng lại thêm phần tò mò, ngây ngô: "Thế để ngăn nước chảy, chẳng phải nên lót đá rồi kê bát hứng lấy à? Nếu lần nữa ta đi, có lẽ sẽ mang theo một cái chum lớn, dựng ngay bên núi để hứng đầy nước! Thế, Tô thúc! Giả như có núi, có tuyết, có cả chum lớn đặt ngay bên núi... nhưng lỡ nước tuyết tan vào mùa hạ, lúc đó ta uống bằng gì? Đành đợi đến mùa đông lạnh cóng chăng?"
"Công tử, nước tuyết đâu phải là thứ cứ muốn có là được. Mùa đông ta mới có nước tuyết, mùa hạ uống gì ư? Khi ấy công tử cần biết tận hưởng thứ nước trong lành nhất từ suối mát hay lá sen, cứ theo mùa mà lựa mà giữ lấy cái thú vị, đâu nhất thiết phải cố chấp mãi một mùa." Tô thúc cười khẽ, tay vuốt chòm râu, đáp lại bằng vẻ châm chọc mà vẫn giữ nét nghiêm trang: "Nhưng người xưa có câu, nước tuyết tinh khiết khi tan chảy thành dòng chính là thứ nước ngon nhất. Nếu công tử đã dựng nhà bên núi thật, hẳn mỗi lần ta đến là lại được thưởng trà từ nước tuyết núi, phải chăng?"
"Thế chẳng lẽ mỗi mùa lại chạy đi xa tìm nước sao, chẳng phải phiền quá sao, thúc? Đổi lại ta cứ tìm nơi nào có nước sẵn mà ở đó ngồi, dăm ba chén trà với vài câu thơ, đâu cần phải nhọc công đến vậy?"
Tô thúc khẽ bật cười: "Công tử nghĩ thế cũng thật giản dị, nhưng chẳng phải điều gì dễ đến đều mất đi nhanh sao? Thưởng trà quý là nhờ cái khó, là nhờ công tìm. Thử hỏi nếu công tử lúc nào cũng ngồi một chỗ, muốn gì đều có sẵn, chẳng phải cuộc sống hóa phẳng lặng như nước ao tù sao?"
Thất công tử gật gù, nhưng lại tiếp tục đùa: "Nhưng nếu ao tù ấy trong veo, lại có cá nhởn nhơ bơi lội, mát mẻ quanh năm, đâu phải cũng chẳng nên nhọc công quá đỗi đi đây đi đó?"
"Phải chăng đúng là vậy, công tử! Muốn ngồi một chỗ lại thèm mây bay, muốn hóa mây lại tiếc ao sâu. Xem ra chúng ta phải đợi đến lúc lòng thôi vướng bận, mới có thể thưởng trà mà không chút vướng bận chi cả."
"Nếu thế thì ông cứ đến nhà ta trên núi Phong Dật vào mùa đông đi, ta sẽ mời ông uống nước tuyết! Chỉ tiếc, lòng ta không chịu ở yên, giống như mây trời kia, thấy núi non lặng lẽ, liền chẳng buồn dừng lại..." Thất công tử chớp chớp mắt, đôi mắt lém lỉnh đầy ánh tinh nghịch. Bỗng nhiên, Thất công tử ngâm nga một bài tứ tuyệt. Lời thơ như khẽ gợi chút buồn man mác, ẩn chứa nỗi hoài vọng về chốn nhàn cư xa vời mà chưa thể dứt khỏi khói bụi trần ai. Từng câu ngân lên như hạt sương rơi giữa không gian thanh tĩnh, mang nặng nỗi niềm tiếc nuối, phản chiếu tâm trạng mênh mang:
"Sơn tĩnh hữu tâm vân bất trú,
Thủy hàn vô ý nguyệt trường lưu.
Chung cổ sơn hà thu nguyệt ảnh,
Vấn tâm nhập mộng cộng thuỳ tri?"
Dịch thơ:
Núi lặng có tình, mây chẳng dừng,
Nước hàn không ý, trăng dài chừng.
Muôn thuở sông non, thu bóng ngả,
Hỏi lòng vào mộng, ai người cùng?
Hán ngữ:
山靜有心雲不住,
水寒無意月長留。
终古山河秋月影,
问心入梦共谁知?
"Hay lắm, hay lắm! Núi tĩnh, mây vội, đối nhau như hình với bóng, mà "có lòng" và "vô ý" lại vừa vặn đối lập. Công tử quả là có tài thi phú!" Tô thúc nghe xong, ánh mắt hơi mơ màng, chậm rãi bình phẩm. Nhấp một ngụm trà, đôi mắt hiện rõ sự khôn ngoan của người đã thấu hết sự đời. Ông khẽ lắc đầu, cười nói: "Công tử, người muốn làm mây trời phiêu bạt, thì hà tất lại mong cầu lòng bình lặng? Hỏi có ai có thể cùng tri âm tri kỷ, nhưng cũng là tự hỏi chính mình, tựa hồ người chưa thể dứt khỏi những lưu luyến phàm tục, phải không?"
Thất công tử ngẩn người ra, đôi môi mấp máy vài câu chưa trọn, rồi cuối cùng chỉ nhoẻn miệng cười. Nhưng nụ cười ấy vẫn pha chút gì đó ngây thơ, như thể đang ngấm ngầm ấp ủ ý định sẽ lại kiếm chuyện gì để hỏi Tô thúc trong những lần trà đàm tiếp theo.
------
Đại sảnh dưới lầu dẫu đầy người lại trở nên im lìm, hệt một bức tranh tĩnh lặng bị người vô tình rạch xé đôi chút. Trong không khí đột ngột trầm mặc, ta lặng lẽ đặt đũa xuống, dùng tay vân vê chén trà trong khi nụ cười nhạt thoáng trên môi. Đám người Thái gia ấy hẳn đang sốt ruột, nhưng há lại dám thất lễ mà thúc ép trực tiếp? Vả lại, ta cũng muốn để họ tự hiểu: lần này, ta không phải là kẻ chịu nhường nhịn.
Bấy giờ, A Phúc gõ cửa nhẹ, kính cẩn truyền lời. Vẫn chưa vội, ta nhấp một ngụm trà xanh, chậm rãi thưởng thức vị đắng chát đầu môi, lắng nghe sự nôn nóng đến buồn cười từ phía dưới. Họ sốt ruột, chực sôi lên hẳn cũng phải, bởi thái độ của ta hẳn đã khiến Thái gia lúng túng và khó chịu không ít. Vẫn luôn là thế, lòng kiêu hãnh khiến người ta chỉ muốn lấy lý lẽ mà ép người, nhưng lại chẳng chịu cúi đầu tự vấn.
Khi A Phúc nói đến cái tên Thái Minh Châu, ta đột nhiên vỡ lẽ. Quả nhiên, vị Thất công tử của ta đã lấy lại ngọc bội mà chẳng tốn một chút công sức nào. Ta ngỡ họ chỉ sẽ cho người mang trả lại, không ngờ chính nàng Thái Minh Châu đã đích thân đến.
Chắc chắn, nàng không đến đây với lòng hối lỗi.
Không lạ gì với tính cách cường bá ương ngạnh của nàng, đỏng đảnh như thế mà phải vác mặt tự thân đi xin lỗi cùng mời mọc người ta, có khác nào lấy chày xoàng giã ngọc nát?
Nhưng đúng lúc này, nàng lại tự mình xông lên, tiếng váy lụa sột soạt mỗi lúc một gần, nàng vươn tay gạt A Bảo và Hồng Xuân qua một bên, bằng dáng vẻ kiêu ngạo, cằm hất cao như thể người chịu nhục nhã là nàng chứ chẳng phải ai khác. Đôi mắt nàng lóe lên tia tức giận khi nhìn thấy ta, liền vội vã cất tiếng chất vấn: "Thương thị, thái độ của cô như thế là thế nào? Cô muốn bỡn cợt ta? Không thấy ta đã phải nhún nhường bao nhiêu rồi sao? Cô thực sự muốn gì?"
"Nếu đến để xin lỗi, chẳng phải lòng thành ở nơi này quá yếu sao, Minh Châu tiểu thư?" Hồng Xuân một bên không nhịn được phải ngắt lời nàng.
"Ngươi...!" Thái Minh Châu sấn tới, khoanh tay trước ngực, giọng lảnh lót: "Đừng có làm bộ làm tịch! Ta chẳng nghĩ mình sai, ngươi xứng đáng bị cô mẫu của ta đối xử như vậy! Ai bảo ngươi cứ thích xen vào chuyện của người khác, từ chuyện của ta đến chuyện của Bích Phù!? Nếu không phải vì ngươi chướng mắt cản đường, có lẽ bây giờ ta và Mặc Đam công tử đã là một đôi uyên ương tình tự. Nếu không phải bọn gia nhân nhà ngươi mách lẻo, đường thượng (堂上) cũng chẳng ép ta phải gấp gáp thành thân!"
Lời nàng cay nghiệt như lưỡi dao mài sắc, từng câu từng chữ mang theo vẻ hằn học cố hữu. Nàng không chịu thua, cũng chẳng cần chịu thua. Hết lần này đến lần khác, nàng oán giận chỉ vì mối tình lở dở giữa nàng và Mặc Đam công tử không sao thỏa nguyện.
Dẫu cô mẫu của nàng đã phải gánh chịu những hậu quả, nàng vẫn không thôi bất mãn. Tâm can ấy dường như chỉ còn lại niềm căm giận, bực bội chất chứa, khăng khăng trách trời, trách người, trách cả chính mình.
Dù cho song thân đã cạn lời, chẳng thể đồng tình với việc hủy bỏ hôn ước giữa hai nhà Thái - Cẩm [錦]. Còn Thứ sử vốn là bậc trí giả, không nỡ buông lời quở trách việc đã rồi. Trước là vì thể diện của ngoại công nàng, sau cũng vì mối giao hảo mấy mươi năm không dễ dứt bỏ.
Đến vị công tử kia, dù sớm đã nghe qua điều tiếng chẳng lành của nàng, vẫn không màng lời từ hôn – đó chẳng phải đã là quá đỗi rộng lượng rồi sao? Không vì độc tâm mưu mô mà xem nhẹ, cũng không vì tiếng xấu mà khinh thường, ấy mới là điều may mắn cho nàng.
Nếu đã vậy, cần gì trách ta? Hay là trách nàng chẳng giữ nổi điều mình muốn?
Song, kẻ giữ được cốt cách thanh cao biết tiến biết lùi, nào lại bám víu vào danh phận như vào một thứ huyễn hoặc mong manh? Độc phụ đa đoan hay kẻ si tình quên mình, chẳng qua đều vì lòng tự cao mà dẫn đến đường cùng, có đâu là chân ý của người trong mộng?
"Ngươi... thật đáng ghét! Ngay cả khi cô mẫu ta chịu cảnh tù đày, ngươi vẫn chẳng thấy hả hê sao?" Thái Minh Châu trợn mắt, lúng túng một chút rồi lại tức tối trừng ta, cánh tay xiết lại thành nắm đấm. Nàng lẩm bẩm, giọng đứt đoạn đầy căm phẫn.
Trong lòng không mảy may gợn chút thương hại, ta chuyển ánh mắt nhìn thẳng vào nàng, không chút nao núng trước vẻ tự phụ của nàng, thản nhiên cất tiếng: "Ta có gì đáng để hả hê sao?"
"Cô nên tự hỏi mình đang ở đâu, đối diện với ai? Tiểu thư nhà ta không có nhã hứng đôi co, cũng chẳng rảnh hơi tranh chấp cùng hạng người chỉ biết giương cung oán trách. Chính các người châm ngòi, cũng chính các người phải gánh chịu." Hồng Lăng thay ta bày tỏ những lời bức xúc, nàng nghiêm giọng nhấn nhá từng câu chữ. "Tiểu thư ta không dư hơi đấu khẩu. Làm mất mặt Thái gia, lại đến đây trút oán giận lên người ngoài. Đến bây giờ bọn ta không dùng chổi đuổi người, để giữ đủ thể diện cho cô, thì đã gọi là tôn trọng tận tâm!"
"Hồng Lăng, ngươi thật to gan lớn mật, lại dám lên mặt giáo huấn cả ta. Thử hỏi, tiểu thư của ngươi là tiên tử chốn cao sơn hay thần nhân nơi đài ngọc mà phải cung kính nể trọng đến vậy? Người ngoài có bàn tán thế nào, cũng chẳng lay chuyển được căn cơ của Thái gia. Cô mẫu của ta đã vì chuyện này mà gánh lấy hậu quả, nhưng điều đó không có nghĩa đến lượt một tiện tì như ngươi có thể rao giảng lẽ đời! Hay ngươi cho rằng đám hạ nhân các ngươi đủ tư cách đối diện với Thái thị, mà lại vọng tưởng thốt ra lời bình phẩm?" Nàng dừng một chút rồi lại cười lạnh. "Ngoại công của ta đang đợi ở biệt phủ, các ngươi hãy mau chóng thu xếp đến gặp người. Nếu còn chậm trễ, chớ trách sĩ môn (士门) nại hà bỉ phu (鄙夫)!"
"Hà tất chi phải vội? Thế gia danh môn, chẳng lẽ chút kiên nhẫn cũng không giữ được? Đường đường mời người lại tỏ ra lấn lướt, thế thì bọn ta chẳng cần phải đến để chuốc thêm nhục!" Tô thúc nãy giờ ngồi một bên, không nhịn được mà thở dài, chừng như cảm thấy sự vô lý của Thái thị đến mức muốn mỉa mai một câu cho hả lòng.
Lời ấy vừa dứt, mặt Thái Minh Châu đỏ bừng, ánh mắt đầy phẫn uất nhưng không thể nói thêm lời nào. Chỉ đành hậm hực phất tay áo, dậm mạnh gót chân xuống từng bậc thang, tiếp tục chờ đợi trong sự giận dữ không cam lòng.
"Khi nào lòng nàng nguội bớt, chúng ta mới đến chào hỏi Thái gia!" Tô thúc chán ghét nhấc chén trà lên, nhấp một ngụm nhỏ rồi nói.
"Ý Tô thúc thật chu toàn, nhưng lần này con nghĩ chúng ta nên tự mình đối diện, để không ai hiểu lầm. Con muốn xem, Thái gia lần này có thể hiện được bao nhiêu thành ý!" Nhưng ta lại từ tốn đứng dậy, trầm ngâm giây lát rồi quay sang Tô thúc và Thất công tử, nhẹ giọng. Vừa nói, lòng ta vừa nghĩ đến lần giáp mặt kế tiếp ở nhà nàng, xem nàng sẽ còn những gì để mà biện bạch.
Đôi khi người không hiểu lời mềm mỏng có lẽ lại cần chút khích động để khiến họ bộc lộ bản chất. Những kẻ cao ngạo thường dễ mất bình tĩnh, và trong cơn nông nổi có khi lại để lộ rõ nhất cái tâm bạo ngược mà họ cố che giấu.
------
Rất vội vàng, chúng ta đã có mặt tại Giao Điền Thái thị.
Đi cùng ta, ngoài Tô thúc và Thất công tử, còn có Hồng Lăng, A Bảo, cùng vài bảo tiêu đến từ Sung Dụ đường. Hàng ngũ tuy ít ỏi, nhưng khí thế vẫn sừng sững, không chút nao núng. Chúng ta đường hoàng đặt chân vào đại sảnh Thái gia, nơi thân quyến đã tụ hội đông đủ, chỉ thiếu vắng Thái Đông Lăng và Kiều Bích Phù.
Khi bước vào sảnh đường, từng ánh mắt đổ dồn, tựa hồ không chỉ để dò xét mà còn phán xét, như thể danh dự của Thương tiểu thư – tức là ta, đã bị đánh đổ xuống bùn lầy và giờ phải nâng gót cao mà đứng dậy.
Nhưng những lễ tiết của ta vẫn chuẩn mực, từng động tác nhã nhặn, không một giây tỏ ra bất mãn.
Thái Trung thay mặt cho Thái viên ngoại là gia nghiêm của mình, khom mình thi lễ, tỏ rõ tấm lòng kính cẩn và sự hối tiếc khi Thương tiểu thư ta chưa được đón tiếp xứng đáng tại nơi đất của họ. Ta cũng đón nhận lễ ấy với thái độ khiêm cung, đáp trả bằng lời lẽ ôn hòa, cẩn trọng, giữ đúng lễ tiết giao tế giữa hai nhà.
Sĩ tộc vốn được trọng vọng hơn, địa vị của Thái gia quả thực cao quý, tuy rằng có khinh thường cũng chẳng đến lượt ta cạn tình. Huống chi hôm nay ta chỉ là khách, không thể làm mất đi phong thái của kẻ được đón tiếp trọng thị, phải giữ gìn khí độ, không để uổng phí lòng thành của chủ nhân.
"Đường đột mời các vị tới đây!" Thái Trung tiếp tục cất lời, vẻ mặt thoáng chút nặng nề: "Trước là để công khai chuộc tội cho bào muội Đông Lăng, sau cũng là thay mặt dạy bảo Minh Châu. Chẳng ngờ ta dạy dỗ chẳng chu toàn, để hai đứa ngỗ ngược gây ra lắm chuyện bất kính!"
Lời Thái Trung tuy đã cố gắng thể hiện sự thành tâm, nhưng vẫn không thể che giấu được nỗi muộn phiền lẫn xấu hổ trong lòng. Đó là sự thẹn thùng của một gia chủ khi không thể bảo vệ tốt con em mình, cũng là một sự nhận thức muộn màng về những lầm lỗi không thể cứu vãn.
"Thái lão gia quả thật đã lao tâm khổ tứ, khó có ai ngoài người gánh vác trọng trách này. Tuy nhiên, như đã từng nói, tiểu thư nhà ta sao dám trách móc gì?" Tô thúc vẫn luôn bình thản kể từ khi bước vào nơi này, không vội vàng hay nóng nảy, khẽ nhướng mày một cách trang trọng. Sau một thoáng im lặng, ông từ tốn đứng lên, cúi chào Thái Trung bằng một phong thái nhã nhặn, rồi lên tiếng: "Đã là sự khôn ngoan và uyển chuyển của danh môn, thì việc dạy bảo, uốn nắn những kẻ lầm lạc là điều đương nhiên, chẳng phải chăng?"
Câu trả lời của Tô thúc mang vẻ điềm đạm, không tranh cãi mà cũng chẳng né tránh, chỉ một câu ngắn gọn nhưng đủ để khẳng định lập trường của mình, đồng thời bày tỏ sự tôn trọng với gia tộc Thái gia. Đó là một lời nhắc nhở kín đáo rằng sự tha thứ, chỉnh đốn trong nhà luôn là điều cần thiết, nhưng cũng phải tuân theo lễ nghi, phép tắc, không thể tùy tiện. Thái gia tuy quyền uy, nhưng trong sự đối đãi, vẫn cần phải giữ đúng mực, không thể quên đi phép tắc của bậc quân tử.
Để giải quyết vấn đề danh dự, Thái viên ngoại đã mở một buổi tiệc long trọng và công khai tuyên bố sự trong sạch của ta. Ngoài ra, ông ta còn sắp xếp một buổi cầu siêu, để làm sạch những xui xẻo do vụ việc gây ra, và xem như một lời cầu nguyện cho sự hòa hợp và danh tiếng trong sạch cho gia tộc. Việc mở tiệc và công khai tuyên bố sự trong sạch là bước đi đầu tiên nhằm khẳng định danh dự trước mọi người, không chỉ gia đình mà còn quan khách và công chúng.
Tiệc yến bày biện thanh tao, không cầu kỳ xa hoa mà thể hiện rõ tấm lòng chân thành. Khói hương từ lễ cầu siêu lan tỏa khắp nơi, đèn nến sáng rực, tăng thêm vẻ trang nghiêm. Đoàn quan khách quyền quý đến hơn hai mươi người, các vị chức sắc lớn nhỏ từ khắp nơi đổ về, ai nấy đều diện trang phục lộng lẫy, lưng thẳng, nét mặt nghiêm trang nhẫn nại.
Trên chiếc ghế chủ vị chính giữa sảnh là Thái viên ngoại – Thái Uy, ông ta mang dáng vẻ uy nghi trong y phục gấm xanh viền chỉ vàng, cùng với nét mặt kiên nghị khiến cho người ta chỉ vừa nhìn thôi mà lại cảm thấy hồi hộp, áp bức.
Thái Uy giơ tay ra hiệu, mọi người đồng loạt im lặng dõi theo. Thế là ông ta mới chậm rãi hướng về ta cất tiếng: "Thái gia ta ngày hôm nay mở yến tiệc không chỉ để rửa sạch oan khuất cho Thương tiểu thư mà còn để bày tỏ lòng tôn kính đối với những bậc đức hạnh và minh oan cho người vô tội. Trước bao nhiêu quan khách có mặt tại đây, ta tuyên bố: Thương tiểu thư hoàn toàn trong sạch, mọi lời đồn đãi đều là mối oan sai. Ta lấy danh nghĩa Thái gia mà tạ lỗi cùng nàng, mong rằng ngày sau tên tuổi nàng sẽ được rửa sạch, tiếng tăm trở lại trong sáng như ngày đầu!"
Những lời ông nói vang vọng khắp sảnh, như tiếng chuông báo thức tỉnh lòng người. Người người trong quan khách khẽ gật đầu, một vị chức sắc lên tiếng tán dương: "Thái viên ngoại thật là một người trọng đạo đức, biết thấu tình đạt lý. Sự công khai của Thái gia hôm nay không chỉ rửa sạch danh dự cho Thương tiểu thư mà còn là tấm gương sáng cho tất cả mọi gia đình quyền quý khác."
Nói rồi ông ra lệnh cho Diệp [葉] thị, di nương (姨娘) hầu cận đã sớm chăm sóc ông từ nhiều năm, mang đến một quyển sách. Đó là một cuốn sách cổ cũ kĩ được giữ gìn bao đời, tượng trưng cho gia quy của Thái gia: "Trong gia tộc này không ai được phép quên đi lỗi lầm. Cuốn Huấn Kinh này ghi lại tất cả những ai từng phạm phải sai lầm để răn dạy cho hậu thế. Hôm nay, chúng ta sẽ khắc tên những kẻ đã gây ra tội lỗi trong vụ án này, để con cháu về sau nhớ mà tránh xa lầm lỗi."
Tội Luận Gia Huấn Kinh" (罪论家训经) - quyển sách khắc tên từng tội lỗi của người trong gia tộc từng phạm phải, từ nhỏ đến lớn, và được treo trong gian thờ tổ tiên. Tất cả con cháu Thái gia sẽ phải đọc và thấm nhuần bài học từ những lỗi lầm này. Mỗi dịp gia tộc tụ họp, từng thành viên sẽ phải nhìn vào Huấn Kinh và nhắc lại những tội lỗi đã ghi chép, để tránh lặp lại quá khứ.
"Thái Đông Lăng tội nghiệt chất chồng, án tử khó lòng thay đổi. Tuy nhiên, Thái gia muốn giữ lại chút danh dự cuối cùng, xin được mọi người cho phép nàng tự lựa chọn cách kết liễu. Đây là lòng nhân từ cuối cùng của gia tộc, mong rằng nàng hiểu rõ để giữ gìn danh dự đến phút cuối!"
Án tử đã được công đường phán xét rành rành, nhưng nhờ uy danh của cựu Thượng thư (舊尚書), Thái gia có thể dùng vài phần "nhân tình" mà cầu xin hạ án, đổi lấy lưu đày biệt xứ. Xét theo phép công thì việc này nào phải bất khả, lại vừa vẹn đôi đường, đỡ để thiên hạ đồn Thái gia nặng tay "diệt cỏ tận gốc" mà chẳng màng chút tình cốt nhục.
Nhưng không, Thái gia lại chọn cắm cờ sắt trên đường danh dự mà hành sự, tự tay công bố án phạt trong nội bộ gia tộc, hùng hồn tuyên bố đoạn tuyệt mọi huyết thống với Thái Đông Lăng. Tất thảy gia sản riêng đều bị thu hồi, gia môn nghiêm cấm kẻ nào nhắc đến tên bà trong lễ tiết gia đình, danh tự cũng xóa khỏi gia phả — tất cả dấu tích về bà sẽ được tẩy sạch khỏi Thái gia, như chưa từng hiện diện. Điều này vừa bảo tồn chút danh dự cuối cùng, vừa khiến hành vi của bà là bài học lớn về trách nhiệm với gia đình và dòng họ.
Tiếp đến Thái viên ngoại nhẹ nhàng phất tay, cho người dìu Kiều Bích Phù bước ra ngoài. Nàng ta chao đảo, ánh mắt thẫn thờ, gương mặt mệt mỏi, sắc diện nhợt nhạt đến mức chỉ nhìn cũng đủ hiểu đêm qua chẳng hề có lấy một giấc ngủ yên. Quầng mắt thâm đen, sưng húp, đôi mắt đượm vẻ uất hận nhưng chẳng dám ngước nhìn ai, có lẽ đã tự mình nhận ra phần nào nỗi tủi nhục khó mà rửa sạch. Ông ta khẽ thở dài, ánh mắt lộ nét ưu tư, chậm rãi phán: "Bích Phù, nay Thái gia cho phép ngươi tự quyết định số mệnh của mình. Nếu ngươi muốn, có thể tìm về cửa Phật mà sám hối, gột sạch lỗi lầm của mình nơi hương khói từ bi. Từ nay về sau, con đường đời của ngươi sẽ chẳng còn dây dưa với Thái gia, cũng mong ngươi không làm điều chi gây thêm điều tiếng."
Viên ngoại lại nhíu mày, nói tiếp, giọng thoáng chùng xuống: "Còn đứa trẻ ngươi đang mang trong mình... Đợi ngày nó chào đời, Thái gia sẽ tìm chỗ an lành để nuôi dưỡng, cho nó một cuộc sống bình yên, không chịu hệ lụy từ lỗi lầm của người đời trước!"
Kiều Bích Phù nghe vậy, nước mắt lặng lẽ tuôn rơi, cúi đầu chấp nhận: "Con xin tuân theo mọi sắp đặt của gia tộc."
Thái viên ngoại chọn cách ban cho nàng một khoản tiền chu cấp, và sẽ sắp xếp để nàng gả đi thật xa, tránh khỏi lời đàm tiếu của những kẻ trong vùng. Nếu nương nhờ cửa Phật, nàng sẽ phải học lễ nghĩa và phép tắc của một đệ tử thanh tu, suốt nhiều năm không được phép rời khỏi chốn thiền môn.
Cả thảy những điều này chẳng khác nào Thái viên ngoại ban cho nàng một cơ hội tái sinh, một cuộc đời hoàn toàn mới nhưng cũng hoàn toàn tách biệt khỏi Thái gia. Một số tài sản sẽ dành để giúp nàng tự nuôi sống bản thân, tự bươn chải mà học lấy sự độc lập và sức mạnh từ trong khổ đau.
Tạm thời, Thái gia sẽ gửi Thái Minh Châu về nhà ngoại để "tu dưỡng", chờ đến khi hôn sự được định ngày, vừa xa cách khỏi Thương thị ta và Thất công tử, vừa để nàng nhận ra hậu quả của hành vi mình gây ra. Mỗi ngày nàng phải chép kinh, làm việc thiện, tuyệt không được tiếp xúc với ai ngoài người chưởng quản.
Viên ngoại còn dặn dò thêm, yêu cầu Thái Minh Châu sống tại khu nhà biệt lập trong gia trang, phải tự suy ngẫm từng hành vi của mình và viết sám hối hằng ngày. Những quyển sám hối ấy sẽ được gửi đến ta, như một lời hứa chuộc lỗi. Đây là biện pháp cách ly kéo dài, nhằm buộc nàng phải rèn tính khí, không cho phép trở lại gia tộc cho đến khi thật sự cải tâm hoàn lương.
Lời dạy cuối cùng của lão viên ngoại vang lên giữa sảnh đường, nghiêm khắc mà cũng không kém phần nhân từ: "Thái gia từ trước đến nay lấy lễ nghĩa làm gốc. Mong rằng mỗi người đều khắc ghi bài học này, để đời sau không còn lặp lại lỗi lầm ngày hôm nay."
"Thái viên ngoại quả là người thâm sâu uyên bác, việc khắc tội trên kinh quyển không chỉ nhắc nhở mà còn giáo dục con cháu về đạo đức. Thật là một cách giữ gìn gia phong hiếm có."
Để nở mày nở mặt cho ta, lão viên ngoại đã lập di chúc, trao lại một phần đất đai thực ấp quý giá. Phần tài sản đó, ta được lệnh dùng để quyên cúng cho Thiên Mạch tự, nhằm dựng xây lại ngôi đền trang nghiêm mới, hầu trừ bỏ mọi điều tiếng xấu, chuộc lại những oan nghiệt phong thủy đã gây ra. Việc làm đó còn để ta có thể hưởng trọn hương lợi và công đức khi được cúng dường dưới tên của mình.
Ông ta tiếp tục công bố trước sự chứng kiến của các quan chức và gia tộc: "Phần tài sản được bồi thường cho Thương tiểu thư sẽ được quyên góp cho Thiên Mạch tự, nhằm chuộc lại những tai tiếng mà gia tộc này đã gây ra. Đây không chỉ là lời xin lỗi từ Thái gia mà còn là cách để bày tỏ lòng kính trọng với thần linh."
Một quan chức khác, đại diện quan phủ, mặc triều phục xanh đậm, đứng dậy lên tiếng: "Việc làm của Thái viên ngoại không chỉ thể hiện sự chuộc tội mà còn là một hành động cao quý, thể hiện tấm lòng trong sạch của Thái gia. Quan phủ chúng tôi sẽ ghi vào sổ công để bảo chứng cho lòng thành của Thái viên ngoại và Thương tiểu thư."
Lão Thái viên ngoại đưa mắt nhìn mọi người trong đại sảnh, chậm rãi tuyên bố: "Trước mọi sự chứng kiến, hôm nay Thái gia tổ chức yến tiệc nhằm khôi phục danh dự cho Thương tiểu thư, minh oan cho những thị phi vây quanh nàng. Những lời đồn đãi ác ý cần phải tẩy rửa, hầu đem lại an bình cho gia đạo và trả lại công bằng cho nàng! Từ nay, những lời đồn thổi ác ý đã chấm dứt, Thái gia được yên bình, và Thương tiểu thư được sống trong thanh thản!"
Quan khách xung quanh lần lượt đứng lên tán thưởng. Một người nói: "Thái viên ngoại không chỉ là người công minh mà còn là tấm gương cao quý về đức độ!" Người khác lại gật đầu: "Danh dự của Thái gia đã trở về, công bằng cho Thương tiểu thư cũng được trả lại, không còn gì quý hơn!"
Cuối cùng, trong tiếng ca ngâm du dương khởi xướng của ca nương (歌娘) và hương trầm lan tỏa khắp đại sảnh, quan khách đều nâng chén chúc tụng Thái gia. Đám người khi chứng kiến lời thề long trọng cùng tấm lòng chân thành của Thái gia, họ nâng chén rượu và uống cạn không phải chỉ mừng vì đã hóa giải những khúc mắc, còn để cùng nhau nở trọn những nụ cười đồng tình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro