Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

6

Thứ năm sau, lúc Dibs vào phòng chơi, em đi đến chiếc bàn và nhìn những hũ sơn ngón tay. Em nhặt từng hũ lên, xem lại nắp, xếp sắp lại trong một chiếc hộp dài và dẹp. "Nắp vẫn đóng" – em nhận xét.

– Phải. Cô nhớ đóng nắp mà.

– À ra vậy.

Em cầm chai bú sữa lên. "Em muốn nút chai" – em nói. Em đứng đó, nút núm vú, nhìn tôi. Rồi em để chai lên bàn.

"Cởi áo ra" – tôi bảo. Em cởi khuy áo khoác, tự bỏ áo ra mà không cần giúp đỡ, treo áo lên cửa. Em lột nón để lên ghế gần cửa ra vào.

Em lại chỗ căn nhà búp bê và mở tung tất cả cửa sổ ra, "Coi nè" – em nói – "Tất cả cửa sổ đều mở. Bây giờ em sẽ đóng hết lại". Em nâng liếp mặt tiền căn nhà lên, bỗng đổi ý, buông nó rơi xuống sàn, và trở lại bàn nhặt chai bú sữa lên.

– Em nút chai – em tuyên bố.

– Em thích nút chai lắm à? – Tôi hỏi – cốt là mở đường cảm thông hơn là đem lại điều gì mới lạ cho câu chuyện.

– Dạ, phải.

Em yên lặng nút chai một lúc lâu, em vừa nút vừa nhìn tôi. Rồi em để chai xuống, ra chỗ tủ đựng chén dĩa, mở cửa, nhìn vào bên trong.

Em lấy một hộp trống chứa đựng ít khỏi gỗ nhỏ. "Những khối đếm vuông để vừa hộp này"- em nói. Em xếp ít khối vỏ hộp. "Thấy không?" – em nói- "Đây là lời chỉ dẫn" Em chỉ tên vào tên trên nắp hộp.

"Phải, cô biết" –tôi đáp. Tôi chú ý tới cách Dibs diễn tả, khả năng đọc, đếm, giải quyết vấn đề của em. Tôi nhìn thấy hình như bất kỳ lúc nào em gặp một vấn đề gâ xúc động là em lại quay về với việc biểu diễn khả năng đọc của em. Có lẽ em cảm thấy được an toàn hơn khi điều hành những quan điểm có tính trí tuệ của sự vật, hơn là đi sâu vào những tình cảm về chính mình mà em không dễ dàng chấp nhận. Có lẽ đây là một ít bằng chứng về sự mâu thuẫn giữa những gì người khác đợi về tác phong của em và sự nỗ lực riêng tư để được là mình – đôi khi rất tài, đôi khi rất ấu trĩ. Nhiều lần trong phòng chơi em đã sử dụng thủ thuật này. Có lẽ em cảm thấy rằng những khả năng trí tuệ của em chỉ là một phần của con người em, được người khác đánh giá cao mà thôi. Bởi thế, cho nên em đã dụng công giấu giếm những khả năng này ở trường và ở nhà. Có phải vì trước hết em khao khát được làm người theo quyền hạn của mình không ? Làm sao một đứa trẻ lại có thể giấu kín đến thế cái bướng bỉnh bên ngoài ? Em đã đạt được những biệt tài này như thế nào ? Em có thể được giỏi hơn lứa tuổi của em nhiều. Em đã có thể đạt được thành tích này mà không cho thấy bằng chứng về khả năng ngôn ngữ nói và ý nghĩa thế nào ? Sự tinh tế và nghị lực của đứa trẻ này không lường được. Em đã có thể giấu cái khả năng này với gia đình như thế nào ? Nếu quả tình em đã giấu.

Thật là thú vị nếu có thể lấp đầy những khe hở trong sự hiểu biết về đứa trẻ này, nhưng chúng tôi đã thỏa thuận, mẹ em và tôi, là không có sự thăm dò nào hết. Tôi chỉ có thể hy vọng là một ngày nào đó bà cảm thấy an toàn hơn để trao đổi với tôi điều bà biết về sự phát triển của Dibs. Ngoài ra, hiển nhiên là sự thành công về trí tuệ mà không có sự trưởng thành về tình cảm và xã hội thì chưa đủ. Và đấy có phải là lý do mà gia đình Dibs bất mãn về em không? Hay là cha mẹ em cảm thấy bất ổn và sợ hãi em vì bà không hiểu nổi em.

Chắc chắn có nhiều lý do rất phức tạp khiến liên hệ của Dibs và gia đình tồi tệ đến thế. Điều có ích cho tôi là biết cách trả lời một số câu hỏi mà tôi đặt ra trong trí khi chứng kiến Dibs đi từ ấu trĩ đến sự biểu lộ trí tuệ chính xác và hầu như không kiềm hãm được.

Dibs ngồi trên ghế, bú bình một cách mãn nguyện, thư thái, trố mắt nhìn tôi. Tôi tự hỏi không biết còn những câu hỏi nào chưa được giải đáp đang nằm trong óc em. Em đột ngột ngồi thẳng lên, lột núm vú, uống chia.

Em trỏ tay chỉ hai núm sắt gắn trên tường.

– Chuông cửa – em nói

– Phải, chuông cửa – tôi đáp.

Em nhặt núm vú lên, nhay nhay và nút, trố mắt nhìn tôi. Sau đó, em mon men xích lại bên chân tôi. Tôi đi giày cao su đỏ. Bữa nay, Dibs không đi ủng. Em đưa ngón tay chỉ tôi.

– Bỏ giày cao su của em ra – em nói.

– Em nghĩ tôi nên bỏ giày cao su ra sao?

– Vâng, luôn luôn. Trong nhà.

Tôi cúi xuống tháo giày và để vào góc.

– Được chưa? –Tôi hỏi em.

– Khá hơn – Em đáp.

Em ráng gắn núm vú vào chai nhưng không gắn được. Em đem lại cho tôi. "Em không làm được" – em nói- "Giúp em đi".

"Được, để cô giúp" – tôi nói và gắn núm vú vào chai cho em. Em cầm lấy chai, tháo núm vú ra ngay và đổ nước xuống la-va-bô. Em quay lại đưa chai trống cho tôi xem.

– Chai trống – em nói.

– Đúng, em đổ nước ra rồi.

Dibs đứng cạnh la-va-bo, ôm chặt chiếc chai trống vào người đăm đăm nhìn tôi một hồi lâu. Tôi nhìn em, đợi em bắt đầu hoạt động hay trò chuyện, tùy em.

– Em đang nghĩ – em nói.

– Nghĩ à ? – tôi hỏi lại.

– Vâng. Em đang suy nghĩ.

Tôi không ép em phải nói cho tôi biết em đang nghĩ gì. Tôi muốn em không phải chỉ qua một sự luyện tập hỏi và trả lời. Tôi muốn em cảm thấy và có kinh nghiệm về toàn thể bản ngã của em trong mối liên hệ giữa chúng tôi và không gò bó nó vào bất kỳ một thể loại tác phong nào. Tôi muốn em nhận thức rằng em là một người gồm nhiều phần, với những chìm nổi trong em, với những yêu ghét, những sự sợ hãi và can đảm, những khát khao ấu trĩ và những sở thích chín chắn hơn. Tôi muốn em, qua kinh nghiệm, học được trách nhiệm có sáng kiến sử dụng khả năng của mình trong liên hệ với người khác. Tôi không muốn, bằng lời khen ngợi, gợi ý và tra hỏi , điều khiển năng lực đó vào một đường kênh duy nhất. Tôi có thể hoàn toàn không thấy cái phần chính yếu của toàn thể nhân phẩm đứa trẻ này nếu tôi vội vàng kết luận sớm quá. Tôi chờ đợi trong khi Dibs đứng đó nghĩ ngợi. Một nét mỉm cười thấp thoáng nở trên môi em.

– Em sẽ sơn ngón tay, chơi trong cát và làm tiệc trà – em nói .

– Em đang làm kế hoạch cho những điều mà em tính làm bữa nay đấy à ?

– Đúng đấy – em đáp. Lúc này em mỉm cười cởi mở hơn – Thường thường là cô nói đúng.

– Chà, thế thì tốt quá.

Em cười thành tiếng. Tiếng cười ngắn, nhưng đó là tiếng cười đầu tiên tôi nghe thấy nơi em. Em lấy bộ đồ trà từ kệ xuống. "Em sẽ chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ" – em tuyên bố.

– Em làm tiệc trà trước à ?

– Vâng, em nghĩ như vậy.

Em đổ nước đầy chai bú sữa, nhay núm vú mà em chưa gắn vào chai, mở vòi nước chảy hết cỡ, và đóng cánh cửa tủ trong đó gắn la-va-bô. Em nhìn tôi, có ý chờ xem tôi phản ứng ra sao. Tôi không nói gì cả. Em đi ngang qua phòng, tựa khuỷu tay lên thành cửa sổ, một tay cầm chai, miệng nhai đầu vú, nhìn tôi trừng trừng. Rồi em cười, chạy qua phòng tới chỗ gắn la-va-bô có cửa đóng, mở cửa ra, vặn vòi lại. Em đổ chai bú sữa ra, rồi lại đổ đầy nước. Em nhay và mút núm vú. Rồi em mở cửa tủ để chén dĩa và nhìn lên những ngăn để đổ tiếp liệu...

Chuông đồng hồ đánh bốn giờ, nhưng dường như em không biết tới. Em lại chỗ để cát leo vào trong thùng. Em chơi với những chiếc máy bay và những tên lính. Em thở dài.

– Vào trong nhà bao giờ cũng phải cởi giày ra- em nói – Kéo, đây, lôi, tụt ra. Khó làm quá. Nhưng hôm nay lại để ghét vì trong này lạnh quá.

– Hình như có những đồ vật phải cởi ra bất kỳ khi nào chúng ta vào trong nhà và một số đồ chúng ta có thể để yên – tôi giảng giải.

– Đúng vậy – Dibs nói – Làm người ta lẫn lộn.

– Có chút lộn xộn – Tôi nhận xét.

– Rất lộn xộn – Dibs nhắc lại. Em gật đầu nhấn mạnh.

Có một căn nhà búp bê một phòng trong thùng cát. Có một thành cửa chớp bị long. Dibs lặng lẽ gắn lại và gắn được. Em lấy từ một hộp bằng các-tông đầy những con vật nuôi ở nông trại với những đế gỗ.

– Cô A sẽ giúp Dibs gắn – Em quay lại tôi và hỏi – Cô A, cô có giúp em gắn không ?

– Em nghĩ gì nào ?

– Cô tiếp tay em.

Em tiếp tục việc làm và gắn được những con thú vào đế gỗ mà không cần sự giúp đỡ. Em cất tiếng hát trong khi làm việc. Em để ngôi nhà nhỏ ở giữa thùng cát và xếp những con vật chung quanh rải rác nhiều chỗ. Em có vẻ chăm chú với công việc. "Những con mèo sống trong căn nhà này." – em nói – "Người chiến sĩ có một con mèo, con mèo thật. Và đây là con vịt. Con vịt không có ao bơi và con vịt muốn có cái ao. Cô coi. Có hai con vịt. Đây là con vịt lớn, nó can đảm. Đây là con vịt nhỏ, nhưng không can đảm như vậy. Con vịt lớn có thể có cái ao riêng và nó không muốn có ao riêng. Bây giờ hai con vịt này đã gặp nhau và chúng đang đứng ở đây với nhau và chúng cùng nhìn xem chiếc xe vận tải chạy bên ngoài cửa sổ.

Ngôn ngữ của em trôi chảy lưu loát. Tôi lắng nghe. Tôi để ý thấy là đang khi em thao thao nói một chiếc xe vận tải lớn chạy vào đậu ngay bên cửa sổ phòng chơi.

– Như vậy là con vịt con muốn có cái ao an toàn riêng của nó, có lẽ giống như cái ao mà nó nghĩ là con vịt lớn có phải không? – Tôi dò hỏi.

– Đúng vậy. Cùng với nhau, chúng xem cái xe vận tải lái vào. Xe vận tải đậu, người lái xe đi vào trong tòa nhà, ông chất hàng lên xe, và khi đầy rồi lại lái đi.

– Cô thấy rồi.

Dibs lấy ra chiếc xe vận tải đồ chơi và làm những việc em vừa kể cho tôi nghe. Em yên lặng một hầu lâu.

– Còn năm phút nữa Dibs – tôi nói.

Dibs không chú ý tới lời nói của tôi.

– Cô nói là còn năm phút nữa – tôi nhắc.

– Vâng – Dibs uể oải nói – Em nghe cô nói.

– Em nghe cô nói còn năm phút nữa, nhưng em không làm ra vẻ là mình nghe thấy phải không?

– Đúng ạ. Rồi em lại nghe thấy.

– Phải. Khi cô nhắc lại em mới nghe – Tôi nhận xét.

Tôi ráng chuẩn bị để buổi sinh hoạt đừng đột ngột chấm dứt không báo trước.

"Điều này sẽ xảy ra trong năm phút còn lại" – Dibs nói. Em vạch một đường đi trên cát dẫn tới ngôi nhà rồi vòng quanh nó. "Nó phát ra tiếng động ngồ ngộ khi nó đi qua cát" – em nói. Em nhìn tôi và cười. "Xe chở đầy. Khi nó chạy nó để vệt lại, vệt một chiều và nó trút cát ở chỗ này." Em vội vã bới đám lính và chọn ra ba tên, và để chúng lên xe vận tải. Em phủ cát lên chúng. "Đây là con đường một chiều và ba người này lên chiếc xe vận tải này và không khi nào họ về nữa".

– Họ đi xa và ở luôn à ? – tôi hỏi.

– Đúng vậy – Dibs nói- Mãi mãi.

Em đẩy chiếc xe vận tải xuyên qua cát, sâu dưới cát, xúc cát lên và vùi chiếc xe với ba người lính. Em ngồi đó nhìn vào đống cát em vừa đắp.

– Dibs, coi này. Còn bao nhiêu phút? – Tôi đưa ba ngón tay lên.

Em liếc nhìn tôi. "Ba phút nữa" – em nói. Em đổ thêm cát lên ngọn, chôn chiếc xe vận tải và ba người lính đi.

"Nào con vịt" – em dịu dàng nói – "Mày thấy sự việc xảy ra đó. Chúng mất tiêu rồi". Rồi em lấy con vịt con gắn trên đỉnh đống cát vùi xe, em xoa tay sạch cát. Em bước ra khỏi thùng cát.

– Bữa nay là ngày lễ người thân (Valentin) – em đột ngột nói.

– Phải, đúng rồi.

– Để chúng lại đây, cả đêm, cả ngày. Đừng gỡ chúng xuống.

– Em muốn chúng cứ ở yên như em đã vùi à ?

– Dạ phải. Em lại chỗ tôi và sờ cuốn sổ ghi chép tôi để trên đầu gối. "Cô ghi lại trong sổ ghi chú của cô" – em nói – Dibs đến. Hôm nay thấy cát thú vị. Dibs chơi với căn nhà và những người lính lần chót, chào cô".

Em nhặt áo và nón của em lên và đi ra khỏi phòng chơi, đi dọc theo dãy hành làng,vào phòng tiếp nhận. Má em giúp em mặc áo, đội nón. Em ra về không nói gì nữa.

Tôi đi vào văn phòng của tôi, và ngồi xuống bàn làm việc. Đứa trẻ kỳ lạ! Người ta có thể suy ra, giải đoán và có thể kết luận khá chính xác về ý nghĩa của trò chơi tiêu biểu của em. Nhưng đối với tôi hình như chưa cần thiết, dư thừa, và có lẽ còn giới hạn quá nếu suy đoán thành lời ở giai đoạn này – hay cố công dò la để biết thêm tình huống.

Theo ý tôi, giá trị trị liệu của thể loại tâm lý trị liệu này là tùy thuộc ở kinh nghiệm của chính đứa trẻ cảm thấy mình là một người có khả năng, có trách nhiệm trong một mối liên hệ trong đó nó sẽ khám phá hai sự thật căn bản này: là không có ai thực sự biết nhiều về thế giới nội tâm của một người bằng chính cá nhân ấy; vì rằng họ tự do và trách nhiệm đều tăng trưởng từ nội tâm con người.Trước hết đứa trẻ phải học được tính tự trọng và ý thức về nhân phẩm, nảy sinh từ sự tự hiểu biết đang gia tăng của nó, trước khi nó có thể học được cách tôn trọng nhân phẩm, quyền hạn và những khác biệt của người khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: