Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

3. Hệ thống Quỷ Thần ở Âm phủ

Trước khi đến với hành trình của Địa Hồn dưới âm phủ, chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua về hệ thống các vị thần nắm giữ các chức vị cai quản địa phủ. Người xưa cho rằng trên trời có Ngọc Hoàng Thượng Đế chưởng quản, ở chốn tây phương cực lạc có Phật Tổ Như Lai, trần gian có Hoàng Đế cai trị, còn dưới đất thì có các Quỷ thần chủ quản.

3.1 Đông Nhạc Đại Đế

Theo truyền thuyết, người chưởng quản tối cao cõi Địa Phủ là Thiên Tề Nhân Thánh Đại Đế (天齊仁聖大帝), cai quản toàn thể sinh linh vạn vật cõi âm.

Còn nhớ khi Bàn Cổ mất, thân thể hoá thành Ngũ Nhạc (Ngũ hành sơn) - năm ngọn núi thiêng trong Đạo giáo. Ngũ Nhạc đại đế là năm vị thần trông coi Ngũ nhạc, còn gọi là Ngũ Nhạc đế quân, gồm:

Đông Nhạc Thiên Tề Nhân Thánh Đại Đế: trông coi Thái Sơn

Nam Nhạc Tư Thiên Chiêu Thánh Đại Đế: trông coi Hành Sơn

Trung Nhạc Trung Thiên Sùng Thánh Đại Đế: trông coi Tung Sơn

Bắc Nhạc Anh Thiên Huyền Thánh Đại Đế: trông coi Hằng Sơn

Tây Nhạc Kim Thiên Nguyên Thánh Đại Đế: trông coi Hoa Sơn

Thần thoại Trung Quốc cho rằng Đông Nhạc đại đế họ Kim Hồng, Đông nhạc Thái Sơn là núi chủ, quan trọng nhất trong Ngũ nhạc.

Đông Nhạc Thái Sơn do Thiên Tề Nhân Thánh Đại Đế trông coi. Thái Sơn do phần đầu của Bàn Cổ hoá thành và được xem là ngọn núi thiêng liêng nhất trong Đạo Giáo. Thời xưa các bậc đế vương khi muốn tế thiên thì đều phải lên núi Thái Sơn cử hành.

Chân chính lai lịch của vị Đại Đế này thì phải là thượng cổ Thái Sơn thần (thần núi), cũng vị thần được sinh ra từ linh khí của Thái Sơn, cách nói đơn giản nhất đó là sơn linh của Thái Sơn. Sau khi Thái Sơn có linh, nhìn thấy nhân loại xuất thế, ngài dùng thân phận Sơn Thần che chở loài người miền núi. Sau lại Tam Hoàng trị thế, Phục Hy phong ngài vì Thái Tuế, từ đây lấy Tuế vì họ, lấy Sùng vì danh, hiệu Thái Sơn Phủ Quân, cũng xưng là Đông Nhạc Đế Quân hay Đông Nhạc Đại Đế.

Sau khi lục đạo luân hồi thành lập, âm phủ hình thành địa ngục, Thái Sơn trở thành cánh cửa thông thiên địa, chưởng quản cõi u minh, cai quản sinh tử. Tuy nhiên sau sự kiện Phong Thần Bảng cuối nhà Thương, Trấn quốc Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ được phong thần trở thành Đông Nhạc Đại Đế, Tuế Sùng nhường lại thần vị, từ đây như cũ làm sơn linh, ngủ say ở sâu trong lòng Thái Sơn, tiếp tục chức trách trấn giữ trật tự thiên địa. Tương truyền rằng Thái Sơn nằm ngay phía trên La Phong Sơn - ngọn âm sơn nơi hội tụ âm khí dày đặc nhất trong thiên địa, phía dưới trấn áp hơn ngàn vạn ác quỷ. Vậy nên Thái Sơn như một quan ải trấn giữ âm khí không tràn lên dương gian, duy trì cân bằng của thế giới.

3.2 Địa Mẫu

Địa Mẫu hay Mẫu Địa Phủ, có tài liệu gọi là Địa Mẫu Nương Nương, hay Quảng Cung Công Chúa là vị nữ thần quản lí vùng địa ngục, nguồn gốc cho mọi sự sống và là một vị thần cai quản âm phủ trong thần thoại Việt Nam và Trung Quốc.

Trong Đạo Giáo, Cõi U Minh do Địa Mẫu cai quản. Địa Mẫu hay Hậu Thổ là 1 trong 12 Tổ Vu được sinh ra từ 12 giọt tinh huyết của Bàn Cổ, ngự ở cung Thúy Vân, dưới ngài là Phong Đô đại đế cai quản Thập điện Diêm vương. Tuy nhiên trong tín ngưỡng Đạo Mẫu tại Việt Nam, Bắc âm Phong đô Đại đế lại được xem là Vua cha của Đức Thánh Mẫu Địa tiên Quảng Cung Công chúa, là người trao truyền cho Địa Mẫu cai quản nhân sinh và đất đai.

Lúc bấy giờ những lớp người sinh sôi rồi lại chết đi, linh hồn của họ không có nơi để đi nên quanh quẩn trần thế, không ít những hồn ma bóng quế quấy nhiễu người sống. Ngọc Hoàng thấy vậy lệnh cho Mẫu Địa thu nhận những âm hồn ấy về chốn Địa Phủ. Địa Mẫu vốn là một người ưa công bằng nên bà không chấp nhận việc các linh hồn được đối xử như nhau dù lúc sống đã gây ra nhiều sai phạm.

Thế là bà lập ra nơi phân xử công tội của con người sau khi chết. Người sinh ra ngày càng nhiều, thiên tai, loạn lạc, con người giết hại lẫn nhau khiến cho số hồn ma bóng quỷ cũng nhiều đếm không xuể, một mình Địa Mẫu không thể giải quyết nên bà chọn ra linh hồn của chín người đã tạo đủ công đức lúc sinh thời và phong họ là Cửu Điện Diêm Vương, Địa Phủ từ đó mà chia ra chín cửa ngục đế phán xét các âm hồn.

Âm hồn sau khi chịu tội xong không còn nơi nào để đi bèn tiếp tục ở lại Địa Phủ, chúng cứ thế hợp sức cùng nhau để làm loạn. Thế giới bàn cổ tạo ra nguyên bản không có luân hồi, Địa Mẫu trời sinh lương thiện thấy sinh linh đồ thán, linh hồn vất vưởng lên mới hướng thiên đạo lập địa thành Lục đạo Luân hồi. Lúc bấy giờ Địa Mẫu phát hiện ra hai linh hồn đặc biệt, người nam thì kể ra cuộc đời của tất cả nhân sinh cho tới thượng cầm hạ thú như thể anh ta sống cuộc đời của tất cả chúng sinh vậy, còn người nữ thì không nhớ bất kỳ thứ gì kể cả mình là ai cũng chẳng nhớ. Biết đây là do thiên địa an bài, bà bèn phong người nam làm Chuyển Luân Vương cai quản luân xa, ngự trên bánh xe luân hồi mà lo việc đầu thai chuyến thế cho âm hồn, cùng với chín vị Diêm Vương kia trở thành Thập Điện Diêm Vương. Còn người nữ được gọi là Mạnh Bà đảm nhận công việc pha chế nước canh Vong Xuyên cho linh hồn uống để họ quên hết tất cả mọi thứ ở kiếp này trước khi đi đầu thai.

3.3 Bắc Âm Phong Đô Đại Đế

Bắc Âm Phong Đô Đại Đế (北陰酆都大帝): danh xưng đầy đủ là Địa phủ Chí tôn Bắc âm Phong đô Nguyên thiên Đại đế là người cai quản toàn bộ âm ti địa ngục và tất cả các Tư quân, Phán quan chuyên trông coi tội nghiệt của phàm nhân. Trong lịch sử, về Bắc Âm Phong Đô Đại Đế được ghi lại rất nhiều, tương truyền Phong Đô Đại Đế là chủ nhân của Phong Đô quỷ thành ngụ tại La Phong sơn, chưởng quản toàn bộ địa phủ minh giới, thủ hạ có Thập Điện Diêm Vương, có thể hiệu lệnh vạn quỷ.

3.4 Địa Tạng Vương Bồ Tát

Địa Tạng (地藏) hay Địa Tạng Vương Bồ Tát là một vị Bồ Tát được tôn thờ trong Phật giáo Á Đông, được biết đến bởi lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi. Do đó, Địa Tạng Bồ Tát thường được xem như là vị Bồ Tát của chúng sinh dưới địa ngục. Địa Tạng Vương Bồ Tát là một trong 6 vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Đại Thừa, 5 vị còn lại là các Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát.

3.5 Ngũ phương Quỷ Đế (鬼帝)

Đông Phương Quỷ Đế Thái Uất Lũy (東方鬼帝蔡鬱壘), còn gọi là Thần Trà (神荼), cai quản Quỷ Môn Quan (鬼門關) ở Đào Chỉ Sơn (桃止山)

Tây Phương Quỷ Đế Triệu Văn Hòa (西方鬼帝趙文和), còn gọi là Vương Chân Nhân (王 真人), cai quản Ba Trủng Sơn (嶓塚山)

Bắc Phương Quỷ Đế Trương Hành (北方鬼帝張衡), còn gọi là Dương Vân (楊雲), cai quản La Phong Sơn (羅酆山)

Nam Phương Quỷ Đế Đỗ Tử Nhân (南方鬼帝杜子仁), cai quản La Phù Sơn (羅浮山)

Trung Ương Quỷ Đế Chu Khất (中央鬼帝週乞), còn gọi là Khể Khang (稽康), cai quản Bão Độc Sơn (抱犢山)

Trong đó, La Phong Sơn là dãy âm sơn quan trọng nhất dưới địa phủ. La Phong Sơn nằm ở phương bắc, nơi cực âm của địa phủ, núi cao 2600 dặm, chu vi 3 vạn lý trải dài xuyên suốt cõi âm. Dưới núi chính là U Minh Đại Hải mênh mông vô tận nơi trấn áp hơn mười vạn ác quỷ, hội tụ trong thiên địa cường đại nhất sát khí, ngày qua ngày chịu đựng nỗi khổ trầm luân, vĩnh thế không được siêu sinh.

Phía trên La Phong sơn chính là Phong Đô quỷ thành, nơi cai trị và phán xét của các Quỷ Thần cõi âm đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của hơn mười vạn âm hồn chưa tới lúc đầu thai. Truyền thuyết La Phong là một tòa sơn khổng lồ tối đen, đỉnh núi cao vượt khỏi tầm nhìn, vô số hồn đăng le lói nối nhau trải dài từ chân núi lên tới tận giữa lưng chừng núi nơi có một tòa thành lớn lúc ẩn lúc hiện.

La Phong sơn có sáu Thiên cung, hay còn gọi là "Phong Đô cung" do những vị Thủ Cung Thần (守宮神) hay La Phong Lục Thiên trông coi.

Linh hồn khi tiến vào Phong Đô Quỷ Thành sẽ đến cung đầu tiên là Trụ Tuyệt Âm Thiên Cung (紂絕陰天宮).

Những người đột tử sẽ vào Thái Sát Lượng Sự Tông Thiên Cung (泰煞諒事宗天宮) để thú tội.

Hiền nhân, thánh nhân qua đời sẽ đến Minh Thần Nại Phạm Võ Thành Thiên Cung (明 晨耐犯武城天宮).

Điềm Chiêu Tội Khí Thiên Cung (恬昭罪氣天宮) quản lý họa - phúc - cát - hung, xử lý vấn đề chuyển thế cho các hồn ma sống lại, giết người hoặc làm việc xấu.

Tông Linh Thất Phi Thiên Cung (宗靈七非天宮) tiếp nạp những loại hồn ma nào không được ghi rõ, có lẽ là do sách gốc bị thất lạc, đến nay không còn tra tìm được nữa.

Và cung thứ sáu là Cảm Ty Liên Uyển Lũ Thiên Cung (敢司連宛屢天宮).

3.6 Thập Điện Diêm La Vương (十殿閻羅王)

Đây là 10 vị Diêm La dưới quyền trực tiếp của Phong Đô Đại Đế có trách nhiệm cai quản các ngục hình tại 18 tầng địa ngục và phán xét âm hồn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống. Trong đó Nhất điện và Thập điện là hai điện giữ vai trò quan trọng nhất còn bát điện còn lại chủ yếu là cai quản các ngục khác nhau.

Nhất điện Tần Quảng Vương (秦廣王), họ Tưởng (蔣): Cai quản sổ Sinh Tử chung và mọi việc sinh tử cát hung. Điện của Ngài ở phía Tây Hoàng Tuyền. Ở điện này có một nơi tên là Nghiệt Kính Đài, âm hồn được giải tới đây sẽ thấy toàn bộ những việc mình đã làm từ trước, thiện ác, tốt xấu đều diễn ra trước mắt mình, kẻ nào khi sống hành thiện tích đức thì sẽ chuyển tới điện thứ mười đi đầu thai, còn ác nghiệp nhiều hơn thì sẽ chuyển tới các điện khác để chịu phạt.

Nhị điện Sở Giang Vương (楚江王), họ Lịch (歷): cai quản ngục phía nam Hoàng Tuyền, gọi là địa ngục Đẳng Hoạt, âm hồn mắc tội, sau khi đã được soi xét tội phúc ở Nghiệt Kính Đài thì sẽ được giải tới đây. Sau khi giải tới đây thì Sở giang Minh vương sẽ kiểm tra lại chi tiết hơn, rồi sai Quỷ tóc đỏ dẫn tới từng tiểu ngục nhỏ để hành hạ. Những ai lúc còn sống trên thế gian làm điều tổn thương đến thân thể người khác, gian dâm, sát sinh đều được đưa vào ngục này và các tiểu ngục để chịu khổ. Có 16 tiểu ngục trong phạm vi cai quản là : hành đói, khát, cắt tiết, tối tăm, tro tàn, tan chảy, lạnh băng...

Tam điện Tống Đế Vương (宋帝王), họ Dư (余): cai quản ngục phía đông nam Hoàng Tuyền, tên là Hắc thằng Địa ngục. Ai khi sống trên trần gian mà ngỗ ngược, hỗn láo với bề trên, xúi bẩy kiện tụng, gây sự bất hòa... phải vào ngục này và các tiểu ngục chịu khổ. Dưới ngục của ngài là 16 tiểu ngục : gông xiềng, xỏ gân, treo ngược, đóng tim gan, móc mắt, lột da...

Tứ điện Ngũ Quan Vương (五官王), họ Lữ (呂): cai quản Hiệp Chúng Địa ngục ở phía Đông Hoàng Tuyền, dưới có 16 tiểu ngục: bàn chông tre, trấn nước, cắt gân, áo sắt, đá đè, khoét mắt, đường trơn, đá lấp... Những ai trốn nộp tô, thuế cho nhà nước, mua gian bán lận đều bị đưa vào ngục này và các ngục nhỏ chịu khổ.

Ngũ điện Diêm La Vương (閻羅王), họ Bao (包): vốn ngự ở điện thứ nhất nhưng vì xót thương người chết oan hay trả hồn về sống lại kêu oan, nên bị giáng ngự tại ngục Khiếu Hoán (nghĩa là kêu rên) phía đông bắc Hoàng Tuyền. Khi đã trải qua ngục hình ở các điện khác, tội nhân được giải tới điện này để được thấy hết những tai ương, quả báo mà người thân, gia đình, con cái của âm hồn đang chịu phải, sau rồi giải về nhốt vào ngục để họ tự vấn lương tâm, đây là hình thức tra tấn bằng tinh thần. Có cả thẩy 16 ngục nhỏ để chứa tội hồn, các ngục thường nghe tiếng kêu la rên siết thảm khốc.

Lục điện Biện Thành Vương (卞城王), họ Tất (畢): cai quản Địa ngục tên Đại Khiếu Hoán ở hướng Bắc của Hoàng Tuyền, có 16 tiểu ngục: ngậm kim, trùng cắn, cối dã bằm, lột da phơi, đốt thân thể, ăn phân, trâu cày ngựa xéo, đập đầu, chém ngang lung... Những ai khi sống trên thế gian oán trời trách đất, cứ khóc lóc, trộm cắp, đầu cơ tích trữ... đưa vào ngục này để chịu khổ.

Thất điện Thái Sơn Vương (泰山王), họ Đổng (董): cai quản Địa ngục gọi là Nhiệt Não ở phía tây bắc ở Hoàng Tuyền, có 16 ngục nhỏ là: chó nhai nuốt, chim dữ cắn mổ, rút móng chân, lừa đạp mèo cắn, cắt từng đốt tay, chảo dầu sôi... Ai khi sống trên trần gian đào mồ, trộm mả, lấy hài cốt để làm thuốc, ruồng bỏ người thân thích,... đưa vào ngục này và các tiểu ngục.

Bát điện Đô Thị Vương (都市王), họ Hoàng (黃): quản lí Địa ngục Đại Nhiệt Não, ở hướng Tây Hoàng Tuyền, có 16 tiểu ngục: xe cán, nghiền xương, cắt thành miếng, chặt tay chân, kéo ruột, chĩa gang... Những ai sống trên trần gian bất hiếu khiến cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ phải buồn phiền, bực tức khi chết sẽ bị ném vào ngục này và các tiểu ngục.

Cửu điện Bình Đẳng Vương (平等王), họ Lục (陸): chủ quản địa ngục Vô Gián nằm hướng tây nam của Hoàng Tuyền. Ai sinh sống trên thế gian mà giết người, đốt nhà, khinh dễ, phỉ báng người khác đều giải đến điện này âm hồn vào ngục này ngày đêm bị hành hạ tra tấn, có 16 tiểu ngục: rút gân kéo xương, quạ ăn tim gan, vạc dầu nung nấu, kẹp gỗ siết đầu, tưới nước sôi...

Thập điện Chuyển Luân Vương (轉輪王) họ Tiết (薛): cai quản Chuyển Luân Xa ở phía đông Hoàng Tuyền, đây là nơi nhận các âm hồn từ các điện khác chuyển đến, sau khi đã hành hạ và thẩm định phúc tội của âm hồn rồi sẽ cho đi đầu thai kiếp khác. Mỗi tháng một lần các điện sẽ chuyển âm hồn tới đây, những ai được đầu thai đều phải uống chén canh của Mạnh Bà để quên đi hết quá khứ rồi mới cho chuyển kiếp. Sau đó các âm hồn lần lượt bước lên cầu Nại Hà, tùy theo phúc tội mà bước vào những con đường khác nhau để đi đến Chuyển Sinh Đài tái nhập luân hồi.

3.7 Các Quỷ thần dưới Thập Điện Diêm La Vương

Chung Quỳ (鍾馗)

Thiên sư Chung Quỳ là vị quỷ thần chuyên diệt yêu trừ ma trong truyền thuyết dân gian. Nhưng âm phủ không chỉ có một Thiên Sư mà là có cả một hệ thống các Thiên Sư pháp lực cao cường dưới toà các Diêm Vương, có nhiệm vụ truy nã và bắt giữ những yêu ma ác quỷ làm loạn dương gian.

Mạnh Bà (孟婆)

Mạnh Bà là người chế tạo Chén Canh Mạnh Bà ở dưới Địa phủ giúp các vong hồn quên hết mọi chuyện kiếp trước trước khi đầu thai. Canh Mạnh Bà cũng có một tên gọi khác là Vong Ưu Thuỷ. Không ai biết Mạnh Bà xuất xứ từ đâu, xuất hiện từ khi nào, chỉ biết Mạnh Bà đã trụ tại Đình Mạnh Bà để nấu và phân phát canh hơn ngàn vạn năm.

Thành Hoàng (城隍)

Là vị Quỷ thần trông coi, bảo hộ cho từng khu vực địa lý riêng biệt, là chính thần được thiên địa công nhận, nắm giữ Ấn Thành Hoàng, có quan chức tương đương tri huyện, tri phủ trên trần gian. Ngài trực tiếp phán xét các âm hồn trong khu vực cai quản sau đó mới chuyển đến Phong Đô quỷ thành để Thập điện Diêm La tái thẩm. Thành Hoàng có phạm vi chức trách rất lớn như bảo hộ thành trì quốc gia, chủ quản người sống vong linh sinh tử họa phúc, thưởng thiện phạt ác... Tùy theo địa vực quản lý mà phân ra các cấp như Huyện Thành Hoàng, Châu Thành Hoàng, Phủ Thành Hoàng và Đô Thành Hoàng.

Cũng theo sách "Việt Nam phong tục" thì mỗi làng thờ phụng một vị Thành hoàng, vị này dù có hay không có họ tên lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là vị Âm quan tối cao của làng và đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó.

Phán Quan (判官)

Là phụ tá đắc lực nhất của Thành Hoàng (tương đương Sư Gia trên trần gian), có thể độc lập thẩm phán, tay trái cầm một quyển trục màu đen chính là sổ Sinh Tử của khu vực cai quản, tay phải cầm một chi bút lông cán đỏ ngòi bút trắng dính mực đỏ như máu, đó là Bút Phán Quan.

Dưới trướng Huyện Thành Hoàng chỉ có một Phán Quan nhưng từ Châu Thành Hoàng trở lên, dưới trướng có 3 vị Phán Quan: Văn Phán chưởng quản âm dương tư, hai Võ Phán phân biệt chưởng quản trật tự tư cùng tốc báo tư. Bình thường trật tự tư phát hiện oan tình sẽ tiến hành bẩm báo về âm dương tư để tiến hành thẩm tra sàng chọn, sau đó do Văn Phán thẩm tra xử lí, rồi giao cho tốc báo tư đi tập nã câu hồn phạm nhân hoặc thi hành lệnh trừng phạt. Vậy nên địa vị Văn Phán là tối cao, hai vị Võ Phán tuy rằng khi đi tuần gặp được vụ án cũng có thể độc lập thẩm án nhưng nhiệm vụ chính của họ cũng không phải thẩm án mà là dùng võ lực hiệp trợ Văn Phán thẩm án cũng như đi xử lý một số âm hồn khó giải quyết, hơn nữa cho dù Võ Phán khi độc lập thẩm phán sau đó cũng phải đem các vụ án báo cho Văn Phán tập hợp lại để trình lên Thành Hoàng xem xét. Thủ Tịch Phán Quan Thôi Phủ Quân (首席判官崔府君) là vị Phán Quan có chức vị cao nhất, ngự tại Phong Đô quỷ thành và quản lý sổ Sinh Tử chung dưới quyền Nhất điện Tần Quảng Vương.

Hắc Bạch Vô Thường (黑白無常)

Diêm Vương điện có hai vị Phạm-Tạ tướng quân, đảm nhiệm chức vụ Câu hồn sứ giả, dưới tòa sẽ thu đông đảo Vô Thường quỷ, trang điểm tương tự và cũng đều giống nhau được xưng hô Hắc Bạch Vô Thường. Hắc Bạch Vô Thường làm việc theo cặp, quan phục giống nhau và đều đội mũ cao, chỉ phân biệt ở màu sắc. Bạch Vô Thường là thuần sắc trắng, gương mặt trắng bệch, miệng luôn cười với đầu lưỡi đỏ rực từ miệng ló ra dài chấm đất, một tay cầm đèn lồng một tay cầm gậy khóc tang màu trắng; Hắc Vô Thường thì tương phản là thuần màu đen, gương mặt tối đen nghiêm nghị, một tay cầm đèn lồng một tay cầm gông đen. Cả hai đều có xiềng xích quấn trên lưng để tróc nã tội phạm, Bạch Vô Thường chuyên đối phó quỷ nhanh nhẹn còn Hắc Vô Thường chuyên đối phó quỷ có sức lực lớn.

Nhiệm vụ chính của Hắc Bạch Vô Thường là áp giải những linh hồn đã được Thành Hoàng phán xét xuống âm phủ và giao lại cho các vị Quỷ thần phụ trách.

Nhật Dạ Du Thần (日夜游神)

Nhật Du Thần và Dạ Du Thần là hai quỷ thần có chức trách đi tuần tra hằng ngày trên dương gian để tìm hiểu xem có những oan tình hay án kiện gì và bẩm báo lại với Phán Quan hoặc Thành Hoàng để xử lý. Nhật Du Thần mặc nguyên bộ áo giáp màu trắng, tay cầm một lá cờ lớn và một khối lệnh bài đồng dạng màu trắng, chuyên tuần tra vào ban ngày; Dạ Du Thần mặc nguyên bộ áo giáp màu đen, tay cầm một lá cờ lớn và một khối lệnh bài đồng dạng màu đen, chuyên tuần tra vào ban đêm. Đây là hai vị quỷ thần thiên về tốc độ và tìm hiểu tin tức hơn là tróc nã phạm nhân, chức trách là tuần du tứ phương, giám sát tội ác.

Ngưu Đầu Mã Diện (牛頭馬面)

Dưới trướng Thành Hoàng có chức vị quỷ sai là Ngưu Đầu và Mã Diện, nhiệm vụ là đi dẫn đường những linh hồn vừa chết đến miếu Thành Hoàng để chờ phán xét hoặc đi truy nã những ác quỷ lệ quỷ lưu lại trần gian gây hại cho người sống. Ngưu Đầu toàn thân màu nâu, sức lực cực lớn, Mã Diện toàn thân màu chàm, chân là vó ngựa, tốc độ cực nhanh; cả hai đều tay cầm xiềng xích có móc sắt, chỉ khác là xích của Ngưu Đầu to và nặng hơn trong khi của Mã Diện thì nhỏ và linh hoạt hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro