Chap 2
Chết lặng vì thằng con trời đánh, bà Đinh khóc không thành tiếng nhìn con trai út đang nhăn nhó kêu đau, bác sĩ còn vừa báo cho bà biết cái chân của Hà có thể sẽ để lại tật vĩnh viễn. Bà đau đớn tự trách mình, chỉ vì bà dung túng cho cái đồ khốn nạn kia mà khiến mọi việc ra nông nỗi này. Sau khi Hà được ra viện, một khoản nợ viện phí theo Hà về nhà. Bà Đinh làm đêm làm ngày để trả nợ cho anh em họ hàng, toàn những người chẳng khá giả gì, bà chẳng dám khất họ lâu. Bà vốn đã mình hạc xương mai, làm lụng vất vả càng khiến bà tiều tụy. So với tuổi 50, bà còn già hơn thế! Núi thương mẹ lắm, cũng gồng mình làm việc, mặc cho mọi người khuyên vào trường Dệt học, nó cũng kệ, nhà đã không có tiền, nó quyết tâm không đi học nữa, nó thầm nhủ: “Chỉ có đi làm mới có thể giúp được gia đình” Nhiều đêm ngủ cạnh mẹ, nó thấy mẹ mơ gọi bố, mắt nhắm nhưng nước mắt vẫn đầm đìa. Nó cũng nhớ bố lắm, giá như còn bố….Trong đầu nó chỉ muốn kiếm được nhiều tiền để trả nợ, để mua lại ti vi, xe đạp, còn chữa chân cho anh nó. Không ngày nào là Núi không nghĩ, không mong kiếm tiền. Nhưng nó mới 15, xin vào nhà máy người ta không nhận, nhất thời không biết làm gì, nó lại tiếp tục giặt thuê. Bà Đinh bị dồn vào thế bí, không làm sao bảo được Núi nên đành để nó bươn chải dần. Bà xót xa ba đứa con nhỏ của bà, cuối cùng không có đứa nào được học đến nơi chốn, đều vì khó khăn mà bỏ học lưng chừng. Bà thấy áy náy với người chồng quá cố, ông mới ra đi 1 năm, nhà đã chẳng còn là nhà.
** Gà chưa gáy bà đã dậy đồ xôi, đang quạt lò thì bóng dáng Núi đứng ở cửa bếp.
- Mày dậy sớm vậy con?- bà ngạc nhiên hỏi
- Mợ để con đi bán cho mợ, mợ dọn thúng xong mà vào giường nằm lúc nữa. Đêm qua mợ trở mình mãi mới ngủ.
- Không sao, mợ quen rồi, mày vào ngủ tiếp đi.
- Để hôm nay con giúp mợ đi.
- Thôi để mợ, mợ sợ…con bị người ta bắt nạt, bán buôn phức tạp lắm.
- Mợ yên tâm, con gái mợ không để ai làm gì đâu- Núi vỗ ngực trấn an mẹ.
- Không phải chuyện trẻ con đâu, nghe mợ.
- Vậy mợ cho con đi theo, con học mợ bán, rồi mốt cũng làm một thúng bán dạo- nó cương quyết, bà Đinh cũng không ngăn nữa.
Hai cái xe đạp đi song song, 1 lớn 1 nhỏ, xe đã cũ, mỗi một vòng quay lại vang lên tiếng ọp ẹp. Núi luôn miệng nói đủ thứ, hào hứng vì được theo mẹ đi bán hàng. Rồi lại nhẩm nhẩm :
- Xôi đỗ có vừng, xôi gấc ăn chay…
Hai mẹ con cùng đi, quãng đường đến máy tơ nhanh hơn hẳn, dựng xe bên bờ tường ngay sát cổng máy, Núi nhanh nhẩu xếp mấy cái ghế nhỏ xung quanh thúng xôi, tranh thủ lau lại mấy cái bát mấy cái thìa, xong xuôi đâu đấy nó ngồi cạnh mẹ, chờ người mở hàng. Còi nhà máy hú vang, đúng 5h, vẫn chưa có ai mua xôi cho mẹ con nó, bà Đinh thì vẫn im lặng đợi, bó gối ngồi nhìn vài cái bóng lác đác trên đường. Núi thì bắt đầu sốt ruột, mới có 5 phút sau tiếng còi tầm, nó đã thấy lâu như 5 tiếng, liên tục hỏi mẹ :
- Sao mãi chưa ai ra hả mợ?
Bà Đinh nhìn vẻ lo lắng của Núi mà bật cười, nhưng nụ cười tắt ngay, Núi thấy hai người đàn ông mặc áo bảo vệ đi về phía mẹ con nó, một người rất cao, một người thấp, mắt nó rực lên:
- Hai chú ăn xôi gì ạ?
Hai người đàn ông nhìn nhau cười khẩy, hất hàm:
- Con gái chị à, xinh nhỉ.
-Ra phục vụ à?
Núi còn chưa hiểu thì đã thấy mẹ nó vội vàng bới ngay 4 nắm xôi gấc đầy, gói vào lá chuối, bỏ trong cái túi, cẩn thận đưa về phía bảo vệ:
- Của các chú đây, các chú ăn ngay cho nóng.
Một trong hai người cầm lấy, nhìn Núi nheo mắt:
- Mai lại thế nhé.
Hai người cười lớn, quay đi, mặt Núi nghệt ra khó hiểu, rồi nhớ ra, nó đứng bật dậy:
- Ơ các chú trả tiền mợ cháu…- Nó chưa nói hết câu, bà Đinh kéo tay nó, hai người đàn ông vẫn kịp nghe thấy, cùng quay lại nhìn Núi.
Người cao kia lên tiếng:
- Đây là cổng nhà máy, muốn ngồi thì phải chịu- hắn vừa nói vừa dơ túi xôi lên, mặt khinh khỉnh.
Bà Đinh kéo Núi ngồi hẳn xuống, lắc đầu, Núi bặm môi, tức lắm, có lẽ mẹ nó đã chịu cảnh này từ lâu rồi, hai tay nó ghì lấy thúng xôi. Bà Đinh hiểu tính con, biết nó khó lòng chịu được, chỉ nói:
- Mợ nói con từ đầu rồi, phức tạp lắm.
Núi ngấn nước mắt, thương mẹ vất vả mà còn bị chèn ép như thế. Từ sau lúc ấy, dù hai mẹ con luôn tay bán hàng, mặt nó vẫn khó đăm đăm. Nó – 15 tuổi, nhưng đó là lần đầu tiên nó cảm nhận được rõ nhất thế nào là bất công. Núi căm hờn điều ấy, bữa cơm trưa nó nuốt không trôi, đôi lông mày chau lại như bà cô già, cuối cùng dõng dạc nói với mẹ và hai anh:
- Từ mai mợ để con đi bán dạo, mợ không phải ngồi cổng máy nữa?
Hai anh của Núi đều ngạc nhiên, hỏi lại:
- Sao vậy, mợ đang bán tốt mà.
-Tốt gì, ngày nào mợ cũng mất mấy bát cho mấy bố bảo vệ máy.- Núi dữ dằn nhìn Dự.
- Núi, không ăn nói như thế.- Bà Đinh nghiêm mặt.
Dự và Hà cùng buông bát, nhìn Núi, Núi tỏ vẻ ấm ức:
- Mợ còn không để con nói- Nó nhìn hai anh phân trần- mợ muốn bán hàng ở đấy phải cho bảo vệ ăn không, không thì bị đuổi.
- Cổng máy của nhà mấy lão hay sao mà dám đuổi, quân khốn nạn- Dự bực mình.
- Thôi, chúng mày trẻ con, biết thì làm được gì, đời nó vậy các con ạ, ăn đi đã rồi tính- bà Đinh gàn các con.
Ba anh em chẳng đứa nào cầm bát, Núi vẫn nài:
- Mợ để con đi bán thay mợ.
Ánh mắt của ba đứa con khẩn thiết, bà Đinh im lặng gật đầu, anh em Núi được mẹ đồng ý thì phấn khởi, còn bà Đinh thì lo lắng xôn xao, bà vẫn luôn sợ con bà ít tuổi không hiểu đời, sợ nó chưa chịu được những mặt trái của cuộc sống ngoài kia. Các con bàn tán sôi nổi việc kiếm tiền, còn bà lặng lẽ thở dài.
Núi là đứa chịu khó, không nề hà vất vả, sáng cứ 4h là dậy, vừa kịp trút xôi ra thúng là đạp xe đi quanh. Một sáng, dễ nó đạp xe đến 15 cây số, đi hết Trường Chinh, ra Trần Hưng Đạo, qua máy Dệt, máy Tơ, máy Chai vài lòng, nó đạp xe cũng thành điêu luyện, đủ chậm để người ta kịp ới nó, đủ nhanh để qua mấy cơ quan xí nghiệp không bị mấy lão bảo vệ mè nheo. Mặt Núi lại tươi như hoa, bán hàng cứ cười nói rất được lòng người mua, Núi đi bán hơn tuần, bà Đinh đồ thêm gấp rưỡi chỗ xôi cũ, vậy mà chưa đến 8h đã thấy con bé chở thúng không về nhà. Nằm nghỉ một lúc là Núi lại đi gom đồ về giặt, bà Đinh may vá thuê, Dự đi làm, cùng với tiền Núi kiếm được, mấy mẹ con bà cháu cũng không đến nỗi, cũng trả phần nào được nợ nần, cơ cực đấy, nhưng cả nhà Núi lấy lao động làm vui, túc tắc qua ngày cũng đủ sống. Có điều, cả mấy anh chị em đều nhận ra, từ sau chuyện ông anh cả, sức khỏe của bà Đinh có nhiều dấu hiệu không tốt, còn thức khuya dậy sớm, anh em Núi tuổi thanh niên còn uể oải, nữa là người 50. Núi và các anh chị của nó đều mong có tiền cho mẹ đỡ khổ, Núi biết không thể trông chờ vào hai chị vì nhà các chị cũng khó khăn, nó tự mình cố gắng, đi lẹ hơn để bán mau hết hơn, để nó còn dành thời gian về học nghề may của mẹ nó và tranh thủ giặt đồ cho người ta. Từ lúc nào, những người ở nhà máy, cả những bà buôn buổi sớm đã quen với bóng người tròn lẳn đạp chiếc xe cũ, cất giọng lanh lảnh “Ai xôi đỗ, xôi gấc không”. Người ta mua xôi của Núi như một thói quen, một nắm xôi không chỉ chắc dạ, ấm lòng, mà còn là sự giúp đỡ, là tình thương dành cho cô bé mười lăm phải nghỉ học đi kiếm sống. Nếu cứ thuận buồm xuôi gió như thế, Núi kiếm được tiền, Núi đỡ đần gia đình được, rồi cũng lo cho mình được, rồi cũng như các chị, rồi Núi cũng có gia đình riêng của mình!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro