Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chap 1 : Bão Tố


Mùa hè năm 1988, thành phố Dệt
1. Tiếng khóc ai oán, át cả tiếng kèn trống. Bà Đinh cùng với các con với theo quan tài của chồng, của cha mà kêu gào. Ông San phát hiện bị ung thư mới hai tháng , ông suy sụp tinh thần rồi bỏ vợ bỏ con mà ra đi. Ở tuổi 54, ông cũng đã có 4 đứa cháu cả nội ngoại, 3 đứa con có gia đình riêng, nhưng Núi, con gái thứ 6 và là con út của ông mới 14, Sinh và Dự thì đang học cấp 3. Ông đi, gánh nặng nuôi 3 đứa nhỏ đổ hết lên vai bà Đinh. Cuộc sống của ba người con lớn cũng chẳng khá khẩm gì, chỉ gọi là đủ ăn, không giúp được mẹ và các em là bao. Ai nhìn mẹ con bà Đinh cũng lấy làm xót xa. Ông là bộ đội về hưu non rồi đi làm thêm, thu nhập chính của cả nhà là từ ông, giờ ông không còn, ngoài sự tiếc thương còn là nỗi lo lắng cho những người ở lại.
Xong 3 ngày cho ông San, ai về nhà nấy, chỉ còn lại 4 mẹ con bà Đinh. Núi ngồi thu chân ở góc giường, nhìn bàn thờ bố, mắt vẫn đỏ hoe. Ông thương Núi nhất, đến lúc sắp đi, ông còn móc túi cho nó 200 đồng, thều thào dặn Núi ngoan ngoãn chăm học, phụ mẹ việc nhà, khi nào đến khai giảng thì lấy tiền bố cho mua cặp tóc. Khi còn sống, ông tự hào nhất ở con gái út là mái tóc mây bồng bềnh đến thắt lưng, Núi đẹp, một phần vì mái tóc ấy. Khác với hai chị gái, Núi thừa hưởng hết nét đẹp của cả bố và mẹ, sự kết hợp ấy khiến Núi mang vẻ đẹp lai, nổi bật với đôi mắt sâu, lông mày rõ nét, hàng mi dài. Lên 12, Núi nảy nở, phát triển hơn, đúng kiểu “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” mà Nguyễn Du miêu tả. Ông San coi con gái út như báu vật, đối với nó luôn nhẹ nhàng, chiều chuộng.
Bà Đinh đi từ dưới bếp lên, thấy con gái vẫn thẫn thờ, mặt hốc hác, bà nghĩ mà thương con vô hạn, nó mới 14 tuổi mà giờ đã không có cha đưa đường dẫn bước. Nó cũng là đứa khóc to mà khóc nhiều nhất trong đám tang ông, nghe tiếng con hờn gọi bố, lòng bà quặn đau. Bà vời con đi ngủ, ôm con trong tay mà vỗ về nó. Không có ông, bà càng phải mạnh mẽ hơn, vừa làm cha vừa làm mẹ chăm lo cho các con, nếu giờ đây bà ủ ê sầu não thì lấy ai làm chỗ dựa cho các con. Bà miên man rồi thiếp ngủ sau bao ngày mệt nhoài. Bà Đinh là đốc công nhà máy dệt đã nghỉ hưu, bà ở nhà làm thêm rất nhiều việc, sáng sớm thì đạp xe xuống tận cổng máy tơ bán xôi, cứ đến 8h, dù là còn hay hết bà lại về, cắt cắt may may quần áo cho người ta. Từ sau ngày ông mất, bà nhận thêm gấp đôi công việc mà tiền vẫn chẳng thấm. Thương mẹ, Dự- đứa con thứ 4 của bà đang học lớp 12 trường liên hợp Dệt, đã quyết định nghỉ học, vào xí nghiệp vận tải xin làm để đỡ mẹ lo cho hai em. Bà nuốt nước mắt, đành lòng để con bỏ học. Từ ngày Dự đi làm, 4 mẹ con đỡ kham khổ hơn, Núi và Hà đến trường mà không còn mang nỗi lo tiền học. Biết mẹ và anh vất vả, hai đứa út luôn ngoan ngoãn, nghe lời, ngoài học ra thì rất biết phụ mẹ. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng bốn mẹ con nương tựa nhau mà sống, thi thoảng anh chị lớn lại về quây quần, cả nhà bên nhau vui vẻ ấm áp. Cứ ngỡ là cố gắng, thì nghèo khổ cuối cùng cũng hết thôi!
Tết Kỷ Tỵ qua được 3 tháng, bà Đinh suy sụp vì người con trai cả, Quý ham cờ bạc, thua lớn không có tiền gỡ, đồ đạc trong nhà bán dần bán mòn, khi túng quẫn thì ăn cắp vải trong nhà máy bán lấy tiền xoay nợ và tiếp tục đành bài, người ta phát hiện ra liền bị đuổi việc, tịch thu căn nhà tập thể. Vợ Quý không chịu nổi chồng, bỏ cả con nhỏ mà đi, bố con Quý ôm nhau về bám lấy bà Đinh. Đứa cháu nội mới 2 tuổi, bà Đinh thương con thương cháu, giận lắm mà không bỏ được. Quý bị cái tiếng ăn cắp, đi đâu người ta cũng không nhận làm, vất va vất vưởng ở nhà trông con, ăn bám mẹ. Nhà thêm miệng ăn, thêm phần gánh nặng trút lên vai bà Đinh và Dự. Quý không chừa thói cũ, mê mẩn trò đỏ đen, có mấy đồng bạc lẻ mót được từ thúng xôi của mẹ cũng đem ra chơi đọ đầu đít với mấy ông xe ôm, chả hiểu thế nào mà để thua, lừa lúc cả nhà không để ý đem cái xe Nam Hà của ông San để lại cho Dự đi gán rồi còn lấy luôn tiền của mẹ để dành đóng tiền học cho các em. Bà Đinh giận tím ruột, lăn ra ốm 3 ngày. Không khí nhà cửa nặng nề, anh em lườm nguýt dằn hắt nhau. Bà Đinh nằm trên giường mà khóc ướt cả gối. Núi thấy thế thương mẹ, lại gần thỏ thẻ xin mẹ:
- Mợ cho con vào nhà máy của mợ làm công nhân đi mợ.
Bà Đinh mắng con nghĩ quẩn rồi lại ôm Núi than thân. Nhà cửa sa sút, liên lụy các con không được tập trung học hành. Hà biết vậy, lặng lẽ nghỉ học, theo chân Dự vào xí nghiệp làm, nhường cho em út được ăn học . Bà Đinh một lần nữa đau đớn, lại bất lực nhìn con rời ghế nhà trường. Quý thấy thế tỏ vẻ ăn năn, hối lỗi, nghe lời mẹ đi nhận giặt thuê cho người ta, cũng kiếm được ít tiền, đủ lo cái ăn cho hai bố con. Đứa con trai của Quý, thằng bé dặt dẹo ốm đau suốt, ăn thì chẳng đáng mà tiền thuốc thì nhiều. Núi thương cháu lắm, ngoài giờ học cũng đi gom đồ về giặt, giúp anh cả có tiền mua thuốc cho cháu. Mẹ con bà Đinh luôn tất bật, luôn bận bịu, như những con ong chăm chỉ không một ngày ngơi tay. Nào đâu trời chẳng thương gia đình ấy, Hà đi làm không bao lâu thì bị kiện hàng trượt từ nóc ô tô xuống, đè gãy chân, phải bó bột nằm một chỗ. Số tiền mà xí nghiệp an ủi chẳng đủ tiền điều trị thuốc thang. Nỗi lo chưa kịp vơi, bà Đinh như ngã quỵ vì phát hiện tiền bà dành dụm không cánh mà bay, càng bàng hoàng hơn vì Quý đổ đốn nghiện ngập, thừa lúc nhà cửa rối rắm lấy tiền đi hút. Con lớn thì nghiện, con bé thì nằm một chỗ, cháu nội thì nỉ non cả ngày, bà hướng lên bàn thờ chồng, than với ông, khóc đến khô nước mắt. Núi vùng vằng xin đi làm, hai chị gái phải về động viên mãi nó mới nghe, nhưng cũng chỉ học trên lớp, về nhà là vứt sách vở đấy, đi gom đồ về giặt. Núi vừa trông cháu vừa giặt đồ, hai cô cháu cứ quanh quẩn ở khoảnh sân, thằng bé không ăn vạ thì cứ để nó ngồi nghịch nước.
Quý bỏ nhà đi chưa được nửa tháng, hết tiền lại mò về, Dự đang ngồi ăn cơm bỏ ngay bát xuống, túm lấy cổ áo thằng anh mà đấm túi bụi, Quý quỳ xuống xin mẹ và các em tha thứ, bà Đinh ngoảnh mặt định mặc kệ, thì nhói lòng khi đứa cháu lon ton chạy ù từ trong nhà ra ôm cổ bố nó bi bô gọi. Bà lại bấm bụng tha cho Quý lần nữa. Bà bắt Quý thề phải cai nghiện, Quý liến thoắng nói theo lời bà luôn, rồi lao vào mâm cơm ăn như kẻ chết đói. Ba anh em Núi khó chịu ra mặt, có thằng anh cả không làm gì chỉ ăn hại, cả ba đứa đều không muốn Quý về, chúng nghĩ cho mẹ, không muốn mẹ buồn nên lại ngậm bồ hòn làm ngọt.
Không có tiền cho Quý đi trại, mẹ con bà Đinh đành trói Quý ở nhà, phòng lúc hắn lên cơn vật thuốc. Khi không thì hắn nói ngọt nói ngào, nịnh mẹ nịnh các em, đến khi cơn thèm nổi lên, hắn chửi um nhà, đến tận ngoài ngõ cũng nghe thấy tiếng. Từ ngày biết Quý nghiện, hàng xóm cũng ít qua lại với nhà bà Đinh, mấy anh em Núi đi đâu cũng bị gọi là em thằng nghiện. Mấy mẹ con chịu đựng như thế, những mong Quý cai được, cải tà quy chính. Còn Quý ngựa quen đường cũ, quyết tâm chẳng đáng một đồng, hắn đập vỡ bát cơm, ngậm mảnh sành cứa đứt dây trói, cái ti vi đen trắng là thứ giá trị nhất của cả nhà hắn ôm đi cùng. Ra đến cổng đúng lúc bị  Núi bắt gặp, Núi bỏ cháu xuống, giằng co với hắn:
- Anh không được mang đi, đây là của bố để lại.
Hà đang thiu thiu ngủ ở buồng bên, nghe tiếng Núi cũng luống cuống lết ra. Một đứa con gái với một đứa què chẳng đấu lại được thằng nghiện. Quý hất cả Núi ra, làm nó ngã chúi về phía bể nước, đầu đập vào thành bể, còn quay lại đạp cho Hà một cái vào cái chân mới có dấu hiệu lành. Hàng xóm chẳng có ai chạy sang, không biết là họ không nghe thấy hay không dám ra. Quý thắng lợi ôm cái ti vi đi, mặc kệ cả đứa con đang khóc ngằn ngặt bên cạnh Núi. Núi bị đập đầu một lại rõ đau, sờ tay lên trán thấy rơm rớm máu, Núi uất quá khóc thành tiếng, nhìn sang bên Hà còn thấy anh thảm hại hơn, Hà đau quá đã lịm đi. Núi thất thanh:
- Ai cứu anh cháu với, bớ làng nước ơi….
Mãi sau mới thấy bác hàng xóm chạy lại, thấy qua đã hiểu ngay sự tình, có bác ấy lên tiếng, mọi người xung quanh mới tất tả sang, xúm vào băng vết thương cho Núi, đưa Hà lên viện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #núi