Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 2 - Đính ước (3)

Duyên trời run rủi đó đây
Làm tin một lọn tóc mây gửi chàng

« Này, bu nó nghe gì chưa, cậu Lỳ thày đồ dạy thằng cả nhà mình sắp đi rồi đấy. »

« Ơ hay, cậu ấy còn trẻ thế cơ mà thày em ? Sao đi sớm thế ? Chẳng lẽ cậu Lỳ bị bệnh khó chữa nào đó sao ? »

« Ô phỉ phui cái mồm bu nó, sao lại rủa cậu Lỳ bị bệnh ? Tôi nói ý là cậu Lỳ sắp rời khỏi đây ấy ! »

« À à... Thày em tự dưng bảo cậu ấy sắp đi nên em mới tưởng... Mà sao cậu ấy bỏ đi sớm thế ? Mới dạy bọn trẻ chưa đến hai năm mà... »

« Bu nó ghé tai vào đây tôi nói be bé cho mà nghe, người ta đồn ầm lên ngoài kia kìa... Chuyện là... Cô Quỳnh Như... Bà lớn... Trần công tử... »

« Thày em bảo sao cơ ? Cô Quỳnh Như đẹp người đẹp nết lại tài hoa là thế mà bà lớn lại định gả cho cái gã Trần Nhị đó ư ? Cái gã đó ngoài mẽ ngoài bảnh bao với nhà giàu lắm của thì có cái gì hay cơ chứ ? »

« Suỵt, bu nó khe khẽ cái mồm chứ. Nhỡ ai nghe thấy thì có mà chết ! Nghe đâu cậu Thanh Xuyên bên ấy làm quan nhưng lại làm phản bị giết nên nhà họ Trương bị quản chế gắt gao lắm. Trần viên ngoại làng bên kia tuy chỉ là phú hào mới nổi, nhưng lại có anh ruột làm quan gì to lắm trên trấn ấy, rất được trọng dụng. Hẳn là bà lớn có ý muốn gửi gắm cô Quỳnh Như cho nhà có quyền có tiền để yên thân đây. »

« Tội cậu Lỳ thật. Cậu thất tình nên bỏ đi như thế... »

« Ai bảo bu nó là cậu thất tình nên bỏ đi. Anh Cả Tâm kể với tôi cụ lớn giấu bà lớn bảo cậu Lỳ về quê chuẩn bị sính lễ bà mai mang đến, trong lúc chờ đợi cụ sẽ thuyết phục bà lớn tạm hoãn việc cưới gả của cô Quỳnh Như, chờ cậu Lỳ quay lại rồi tính. Nghe đâu cậu Lỳ cũng con nhà gia giáo quan tước mà. »

« À há... »

« Thôi, ngủ đi, khuya rồi không nói chuyện nữa... việc khác quan trọng hơn... »

« Nỡm ạ... »

***

Mới tờ mờ sáng.

Dư âm tiếng gà gáy eo óc như vẫn còn văng vẳng trong cái không gian tĩnh mịch của một sớm đầu đông. Nhưng chàng biết, chẳng mấy chốc chung quanh sẽ rộn rã những âm thanh đã trở nên quen thuộc với chàng trong suốt thời gian qua. Này là tiếng chị Chiến cách vách xoèn xoẹt cái chổi tre để quét sân. Này là tiếng bà Năm lạch cạch đun nước. Này là tiếng anh cu Lẻm í ới gọi con trai dậy đắp lại ụ rơm bị con Đen làm tung tóe khi đuổi gà quanh sân. Rồi tiếng guốc gỗ cồm cộp, tiếng chim ríu rít trên ngọn tre, tiếng tất tác của mấy ả gà mái bị đánh thức. Một ngày mới lại bắt đầu, như bao ngày bình thường trước đó.

Nhưng không giống những ngày trước đó, hôm nay là ngày chàng, Phạm Văn Lỳ, rời khỏi làng Thanh Nê. Và khi quay lại, chàng sẽ quay lại với thân phận khác, tâm trạng khác, và tâm thế khác bây giờ.

Chàng vẫn ngồi đó, như thể ghi tạc lại vào lòng một lần cuối những tiếng động quen thuộc này dưới lớp áo của thày đồ Lỳ. Chỉ một chốc nữa thôi, chàng sẽ cầm lấy cái tay nải nhỏ gọn và dắt con ngựa nâu như khi mình mới tới, để rời khỏi cái nơi đã trở thành một phần máu thịt trong chàng. Bởi vì nơi đây có nàng.

Phạm Văn Lỳ lãng đãng nhớ lại hôm đó. Sau khi Kiến Xuyên phu nhân ngất xỉu được đưa vào trong, chàng còn đang lặng người trong tư thế quỳ, bỗng Kiến Xuyên hầu xuất hiện bên cạnh đỡ chàng đứng dậy. Hầu đã tỏ bày nỗi lòng với chàng nhiều lắm, rằng hầu rất quý chàng và mong có chàng làm rể hiền. Nhưng quả tình hầu cũng rất khó xử với những gì phu nhân suy tính, vì xét cho cùng âu cũng là muốn tốt cho Quỳnh Như mà thôi. Thế nên trước mắt chàng chỉ có thể về chuẩn bị sính lễ mai mối mang tới, hầu sẽ cố kéo dài thời gian thuyết phục phu nhân. Thì cũng đành vậy, có cách nào hơn.

Chàng trai trẻ khẽ thở dài rồi đứng dậy. Đã tới lúc phải đi rồi.

Chàng đưa mắt nhìn quanh căn nhà quen thuộc rồi với lấy bọc tay nải khoác lên vai bước ra cửa.

***

Phạm Văn Lỳ lững thững dắt ngựa dọc theo con đường lát gạch gốm đỏ au mà đồn rằng do các anh chàng làng khác đã mua từ tận làng gốm Bát Tràng về trải khi cưới con gái trong làng theo tục lệ nơi đây. Chàng khẽ mỉm cười gật đầu chào hỏi những người nông dân chất phác gặp trên đường. Mỗi con người, mỗi gia đình đều đã trở thành thân thiết, khó tránh khỏi vấn vương lưu luyến lúc chia xa. Trên mặt ai cũng đong đầy vẻ hiền hòa nhân hậu, chàng biết, họ đã coi chàng là người trong làng từ lâu. Không phải vì nhờ oai Kiến Xuyên hầu cho chàng ở lại, cũng không phải vì chàng là thày đồ dạy con cái nhiều người trong số họ. Đơn giản, là vì cái tâm của con người nơi đây là thế, chỉ cần ta thanh thản mở lòng mình với họ, họ sẽ sẵn lòng đón nhận ta trở thành một người thân. Thân tới nỗi cô Thắm bán nước bên gốc đa vốn chao chát với khách vào làng, vẫn có thể tíu tít mỉm cười và nhanh miệng kể chuyện trời chuyện đất mỗi khi chàng ghé thăm. Thân tới nỗi cụ Từ ở đền Thành hoàng làng luôn mỏm mẻm nụ cười dúi cho chàng củ sắn nướng mỗi khi chàng mò tới nghe cụ kể tích xưa. Thân tới nỗi... giờ đây lời của họ khiến chàng thật ấm áp cả cõi lòng.

« Thày Lỳ đi sớm về sớm nhé. »

« Cậu Lỳ nhanh nhanh về làng dạy tiếp cho cháu tôi nữa chứ. »

Về. Nơi đây có lẽ thật sự là nơi để chàng về rồi chăng ?

Có lẽ mình cũng nên đi tìm mua gạch Bát Tràng.

Mải miên man suy nghĩ, cánh cổng làng đã sừng sững trước mặt mà chàng không nhận ra, cho tới khi nghe thấy tiếng gọi khẽ.

« Cậu Lỳ, cậu Lỳ... cậu Lỳ ơi ! »

Phạm Văn Lỳ ngẩng đầu lên, nét mặt đang nhíu mày nhăn trán bỗng giãn ra nhanh chóng. Là cái Thu, tớ gái của Quỳnh Như đây mà. Từ hôm đó không có cách nào liên lạc với Quỳnh Như, nghe đâu mẹ nàng quản chế rất gắt gao không cho hai người thư từ gặp gỡ, khiến chàng rất đỗi nóng ruột nhưng cũng chỉ đành thông qua Kiến Xuyên hầu mà bóng gió nỗi lòng kiên định của mình.

« Thu, tiểu thư bảo em tới phải không ? Tiểu thư sao rồi ? Nàng... có khỏe không ? »

« Hi hi, trông cậu kìa, làm gì mà cuống lên thế. Cô em vẫn khỏe, chỉ hơi gầy một chút mà thôi, 'Đũa gắp ngập ngừng không thấy miếng, Miếng ăn mặn nhạt chẳng ra mùi' (1) ấy mà, cậu còn lạ gì. »

Cô bé này, mới mười ba tuổi mà lém la lém lỉnh, lại thêm Quỳnh Như nuông chiều, dạy chữ dạy thơ cho nó khiến mồm mép của cô nhóc càng láu tháu mãi thôi. Phạm Văn Lỳ mỉm cười. Chắc hẳn Quỳnh Như bảo Thu ra đây chờ chàng cũng nên.

« Thu, vất vả cho em quá, sáng sớm đã phải ra đây chờ ta rồi, chắc là chưa kịp ăn sáng chứ gì ? »

« Thôi thôi xin cậu, ý cậu là cô em gửi gì đưa đây nhanh lên thì có. Em cũng phải chạy về luôn đây, chờ cậu hơn một khắc (2) rồi, bà lớn mà phát hiện thì em bị phạt cơm mất. Đây, cô em bảo đưa cậu cái gói này, mọi thứ đều đã trình bày trong đó cả. Mong cậu chớ phụ lòng cô em là được. »

Vừa nói, Thu vừa lấy một gói vải lụa nhỏ dúi vào tay chàng rồi chạy biến, để lại sau lưng chuỗi cười giòn tan.

Tiếng cười của cô bé hồn nhiên trong trẻo như những mảnh gốm sứ va vào nhau leng keng. Quỳnh Như chưa bao giờ cười như thế thì phải, nàng luôn cười mỉm, cười ý nhị, cười dịu dàng, cười e ấp. Nhưng chàng thày đồ si tình nhạy cảm biết, ẩn sau những nụ cười ấy là một trái tim đầy nhiệt huyết nóng bỏng không kém gì cô bé còn trẻ con này, có chăng là phải ẩn đi dưới dáng vẻ thiếu nữ khuê các mà thôi. Những vần thơ tình nồng cháy của nàng là bằng chứng rõ nhất cho điều đó.

Phạm Văn Lỳ mỉm cười, chàng không vội mở ngay gói đồ của Quỳnh Như mà thong thả bỏ vào trong áo rồi dắt ngựa ra khỏi cánh cổng làng cổ kính rêu phong trước. Chàng không muốn vội vã, cũng không cần vội vã. Chàng còn cả cuộc hành trình để tìm hiểu bên trong cái gói ấy có gì. Còn hiện giờ, chàng muốn chào tạm biệt làng Thanh Nê và cả Quỳnh Như trước đã.

Người trai tài hoa mở gói tay nải, lấy sẵn hai tờ giấy đề thơ mình đã viết dưới trăng đêm qua, dán ở hai bên cổng làng. Rồi chàng lững thững dắt ngựa đi qua chiếc cổng lớn ấy, trèo lên ngựa vung roi.

Thanh Nê, ta sẽ quay lại sớm thôi.

Sau lưng chàng, phất phơ hai bên cánh cổng làng là hai bài thơ nhanh chóng được dân làng lưu truyền, khi đến tai cha con Kiến Xuyên hầu, họ mỉm cười, khi đến tai Kiến Xuyên phu nhân, bà tái mặt.

Thơ rằng :

Từ lúc thiềm cung trộm dấu hương
Dễ sui tao khách mối sầu vương
Gió thông réo rắt rong đàn oán
Trăng hạnh chênh vênh rạng bóng dương
Nếu phải tình duyên may chút phận
Thì xin ân ái vẹn hai đường
Phong lưu đôi lứa ai đà dễ
Bụi tục chi cho bợn lóa gương!

Huống chi :

Dẩy hoa, đun lá, bởi tay trời
Nghĩ lại tình duyên luống ngậm ngùi.
Bắc yến nam hồng, thư mấy bức
Đông đào, tây liễu, khách đôi nơi.
Lửa ân, dập mãi sao không tắt,
Biển ái, khơi hoài vẫn chẳng vơi.
Đèn nguyệt trong xanh, mây chẳng bợn,
Xin soi xét đến tấm lòng ai...

***

Hai ngày sau, trên con đường dẫn đến vùng quan họ Kinh Bắc nên thơ, có một chàng trai lỏng buông tay khấu, mặc cho con ngựa ung dung nhởn nhơ trên đường. Trên môi chàng thấp thoáng nét cười hạnh phúc, bởi trong lòng chàng đang có một báu vật vô giá.

Một nắm tóc thề của nàng tài nữ Quỳnh Như. Để chờ chàng quay lại kết tóc xe duyên.

Kèm với một bài thơ tạm biệt.

Sắt đá lòng này đã biết chăng?
Xe duyên nay mượn gió cung Đằng.
Vườn đào sực thấy oanh đưa tín,
Dặm liễu ai xui yến cách chừng.
Vàng ngọc nên chăng cùng một ước.
Nước non thề đã có đôi vầng
Ai sang cậy hỏi tri âm với
Chớ phụ cầm thư đợi dưới trăng,

Nụ cười hạnh phúc trên môi ai đó, khiến người người chung quanh nhìn thấy không khỏi mỉm cười. Tuổi trẻ, thật là hạnh phúc.

Tiếc là, ngày vui ngắn chẳng tày gang...

(1) Hai câu trong bài thơ vịnh giờ Mão, do Quỳnh Như sáng tác trong tập thơ mười hai canh giờ đã nhắc tới ở hai chương trước.

(2) Khắc : có hai cách hiểu : thứ nhất là một phần sáu của ban ngày (đêm năm canh, ngày sáu khắc) khá ít dùng, thứ hai là một phần tư của canh giờ, tức nửa tiếng đồng hồ hiện nay. Ở đây là cách hiểu thứ hai

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro