Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 2 - Đính ước (2)

Sấm chớp báo bão đã vang
Bên tình bên hiếu chọn đàng nào đây ?

« Thưa thày, cụ lớn bảo cháu mời thày chiều mai qua nhà dùng bữa tối. »

Anh Cả Tâm đã về từ lâu mà thày đồ Lỳ vẫn thẫn thờ ngồi trên chiếc chõng tre ngoài sân, trong đầu ong ong câu nói vừa rồi của anh ta.

Quái lạ, bình thường nếu có việc gì cần gọi, Kiến Xuyên hầu luôn bảo mấy đứa học trò khi nào học xong thì nhắn chàng một tiếng là được. Hôm nay, lại là anh Cả Tâm, tuy mang tiếng là chân chạy vặt nhưng thực chất vai vế trong Trương phủ cũng hơn ối người. Và hơn nữa, anh ta là người chuyên theo hầu Kiến Xuyên phu nhân.

Thật ra, tuy đã qua lại điền trang của nhà họ Trương khá nhiều lần, tới nỗi đám kẻ ăn người ở trong nhà đã quá quen mặt với chàng, nhưng số lần Phạm Văn Lỳ giáp mặt với Kiến Xuyên phu nhân chỉ đếm trên mấy ngón tay mà thôi. Và mỗi lần ấy, như có một áp lực kỳ lạ đè lên hai vai chàng khiến chàng không dám nhìn thẳng về phía bà. Áp lực ấy dường như đến từ ánh mắt lạnh lùng của bà lớn ấy dành cho chàng, ánh mắt xen lẫn giữa khinh thường, dè bỉu và thấp thoáng đôi chút... sao nhỉ... cay độc. Thày đồ Lỳ luôn cố dặn mình coi như không nhận ra những điều ấy, và dần dần không nhìn thẳng vào bà nữa mà chỉ tập trung đối phó cho nhanh để còn đi gặp Kiến Xuyên hầu và những bài thơ của Trương tiểu thư. Cũng may, dường như bà cũng không thích gặp chàng cho lắm nên họ càng ít giáp mặt nhau.

Vậy mà hôm nay... Xem ra chiều mai lành ít dữ nhiều...

Đang vào đợt gió mùa lạnh nhất từ đầu mùa đông. Cái nắng vàng ruộm ngoài sân không tài nào lọt vào nổi căn nhà đóng kín cửa sưởi ấm nổi những bàn tay bé thơ run rẩy cầm sách đọc trên mấy chiếc bàn thấp kê trong nhà để tránh gió rét.

'Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa...' (1)

Bỗng tiếng ê a ngưng bặt. Vừa rồi có chú bé đọc vấp mất một từ, thế là cả đám nhóc im phắt để chờ vị thày đồ có tiếng nghiêm khắc kia trách phạt. Thông thường ít nhất thày cũng sẽ yêu cầu chú chép từ đầu Tam thiên tự đến chữ đó cho nhớ. Thày Lỳ ít khi phạt đánh, nhưng lại hay phạt chép bài để cho các chú bé ham chơi kia thêm nhớ những gì đã học.

Ấy nhưng hôm nay, cả lớp đã im một lúc mà thày vẫn không lên tiếng, vẫn trầm ngâm suy tư những gì khó nghĩ lắm, khiến cậu bé kia run lên bần bật không hiểu hình phạt của mình sẽ là gì. Dẫu hình phạt của thày chưa bao giờ là đau đớn, nhưng vẫn có thể khiến cho mấy chú bé nơm nớp lo lắng mỗi khi phạm lỗi, có lẽ phần nhiều là do vẻ mặt buồn bã xen lẫn tiếc nuối của thày các chú khi phải phạt ai đó cũng nên.

Thật ra, lúc này đây, đầu óc vị thày đồ khả kính ngồi trên kia đang vẩn vơ tới điền trang nào đó, tới bữa cơm chiều nay mình được mời sang. Thày đồ Lỳ sực tỉnh khi nhận ra không gian chung quanh im ắng dị thường. Sáu đôi mắt to tròn ngơ ngác đang ngước nhìn mình, trong đó có một đôi mắt thấp thoáng vẻ sợ sệt lo lắng. Mấy chú bé con này đọc xong bài rồi sao ?

« Hôm nay chúng ta học tới đây thôi, các trò có thể về, nhớ học kỹ lại Tam thiên tự rồi mai đọc lại lần nữa cho ta. »

Sáu cậu bé giật mình, thày không phạt tội đọc sai ư ? Thật là... quá đỗi lạ lùng... Nhưng bản tính trẻ con vô lo khiến đứa nào đứa đấy im bặt không dám thắc mắc mà chỉ hớn hở gấp sách dọn bàn ra về. Nhất là cậu bé vừa đọc vấp hồi nãy, thiếu điều thở phào trước mặt thày. Trong đầu cậu tự nhủ, tối nay sẽ phải cố học kỹ hơn mới được, nhờ cô Hường (2) dạy lại chữ này là chữ gì vậy. Cũng may cô chủ vừa giỏi chữ nghĩa lại rất hiền hòa không hề lên mặt với đám kẻ ăn người ở trong nhà bao giờ.

Đám trẻ đã ù té chạy được một chốc mà thày đồ Lỳ vẫn ngồi yên trên ghế, và thày vẫn giữ nguyên tư thế đó cho tới khi trời sẩm tối và căn phòng đã trở nên leo lét trong ánh đèn dầu hiu hắt. Đã tới giờ qua bên phủ Kiến Xuyên rồi.

Phạm Văn Lỳ lững thững đi trên con đường đất đi qua một rặng tre và một cây đa già cỗi để đến phủ Kiến Xuyên. Trời mùa đông cứ nhờ nhờ tai tái, chút nắng vàng hửng lên buổi chiều không đủ để xua tan cái rét mướt giá lạnh khiến cho những đầu ngón chân chỉ đành thêm bấu víu vào đôi guốc gỗ như cố thu mình lại. Rặng tre xao xác, tán đa rì rào như đang thủ thỉ một câu chuyện kỳ bí nào đó. Những cành cây gân guốc in bóng trên nền trời sẫm đặc quánh không khác gì những cánh tay đang vươn cao với lấy những gì đó thật xa vời.

« A, thày tới rồi đó ạ, bà lớn bảo cháu đứng chờ thày tới rồi đưa thày vào luôn để thày khỏi phải đứng ngoài chờ mở cửa. »

Anh Cả Tâm co ro ngồi trên bậc thềm cửa lớn ngồi bật dậy khi thấy thày đồ Lỳ tới gần. Gương mặt anh tím tái, đôi tay vòng quanh người như muốn bấu víu lấy những gì ấm áp nhất của mình để ngăn cho cơn gió đỏng đảnh mùa đông khỏi lôi xềnh xệch hơi ấm của anh ra khỏi tấm áo bông chần mỏng dính.

Thày đồ Lỳ nhíu mày. Mọi lần tới đây, thày đều tự mở cửa vào thẳng trong vườn nơi Kiến Xuyên hầu ngồi chờ. Chính hầu đã bảo chàng làm thế để tránh rườm rà rắc rối với đám kẻ ăn người ở trong nhà. Vậy mà...

Vào tới trong nhà chính, Phạm Văn Lỳ đã thấy Kiến Xuyên hầu và phu nhân ngồi nghiêm chỉnh bên bộ bàn ghế bằng gỗ gụ khảm hình tứ quý tùng cúc trúc mai như đang chờ chàng tới. Thày đồ Lỳ chỉ có cách bước nhanh tới gần rồi khom người chắp tay. « Bẩm tướng công, phu nhân cho mời vãn sinh chẳng hay có gì chỉ dạy ? »

Kiến Xuyên hầu chưa kịp lên tiếng thì phu nhân đã mở lời. « Tôi nào dám chỉ dạy gì thày. Thày chỉ dạy cho đám trẻ con nhà này làm loạn còn chưa đủ hay sao. »

Thày đồ Lỳ thầm run trong lòng. « Vãn sinh đâu dám, phu nhân dạy quá lời... »

« Đâu dám, phải rồi, thày đâu dám. Thày chỉ dám rù quến con gái nhà lành, buông lời ong bướm mà chòng ghẹo một bực tiểu thư lá ngọc cành vàng mà thôi chứ gì ? »

« Phu nhân... » Kiến Xuyên hầu thấy vợ mình chưa chi đã bắt đầu to tiếng định can ngăn một chút, ai dè mới mở lời đã bị Kiến Xuyên phu nhân hằm hằm quay sang gắt gỏng.

« Tôi, tôi làm sao chứ ? Còn ông nữa, ai bảo ông rước sói vào nhà, nuôi ong tay áo ? Ai bảo ông giữ thằng thày chùa hổ mang theo đảng cướp này lại làm thày đồ ? Tôi đã nhắm mắt làm ngơ rồi mà ông còn dung túng cho nó dụ dỗ con gái tôi nữa hay sao ? » Nói rồi bà vứt xoẹt tập thơ mười hai canh giờ mà Phạm Văn Lỳ và Trương Quỳnh Như xướng họa với nhau xuống đất trước mặt anh thày đồ giờ chỉ biết im lặng trước cơn giận dữ của vị phu nhân cố tình ăn vận sang trọng đang ngồi kia.

« Tài tử giai nhân vốn nợ nần... Ai nợ gì thày ? Thày làm sư hoàn tục đi dạy học tôi cũng mặc kệ, thày qua lại văn thơ với tướng công nhà tôi tôi cũng mặc kệ, nhưng tôi xin thày, thằng Thụ nó đã thất lộc sớm, tôi chỉ còn một mụn con gái để dựa dẫm. Xin thày tha nó cho tôi nhờ, xin thày nể tình bạn bè với thằng Thụ nhà tôi mà tha nó cho tôi nhờ... » Kiến Xuyên phu nhân càng nói càng kích động, tới những lời cuối tiếng nói đã trở thành giọng sụt sịt nức nở.

« Kìa bà bình tĩnh lại đã nào. Chúng nó yêu thích văn chương, xướng họa dăm ba bài thơ thì đã làm sao ? Mà kể cả có thích nhau đi chăng nữa, tôi thấy thà để con Như theo thày đồ đây còn tốt hơn là gã Trần công tử miệng sặc hơi tiền mà cứ ra vẻ ta đây rành câu đối thơ văn... » Kiến Xuyên hầu dường như không nhịn nổi nữa, bèn lớn tiếng quát vợ. Mà những lời của hầu cũng khiến Phạm Văn Lỳ còn đang đỏ mặt tía tai vì những câu của phu nhân bỗng ngẩn người. Vậy là... tiểu thư Quỳnh Như đang được nhắm gả cho công tử nhà Trần viên ngoại làng bên sao ? Cái gã công tử quần là áo lượt đầu tóc bóng bẩy hay phe phẩy cây quạt giấy có vẽ hình thiếu nữ dưới hoa ấy sao ?

Bỗng chàng như hết chịu nổi, quỳ thụp xuống đất. « Dám bẩm tướng công, phu nhân. Vãn sinh là thật lòng với cô nhà, ngưỡng mộ vì nết, đắm say vì người. Vãn sinh tuy gia cảnh không dư dả, nhưng cũng dám hứa sẽ không khiến em Như chịu khổ sở. Mà em Như cũng có ý cùng vãn sinh. Quả thật vãn sinh có lòng muốn tới cửa cầu hôn từ lâu nhưng còn đang chờ dịp tốt. Mong tướng công và phu nhân thành toàn cho. »

Quỳnh Như nãy giờ vốn nép bên trong rèm cũng chạy vụt ra quỳ xuống cạnh chàng. « Phụ thân, mẫu thân. Phận làm con vốn phải nghe lệnh cha mẹ làm trọng. Nhưng quả thật con và chàng Phạm Lỳ ý hợp tâm đầu. Bấy lâu nay thương chàng vì nghĩa, cảm chàng vì đức, mến chàng vì tài, con cũng nguyện theo chàng dù có phải chịu đói no cam khổ. Mẫu thân, mẫu thân xin hãy hiểu cho lòng con... » Dứt lời nàng lạy sụp xuống đất, tiếng đầu đập vào nền nhà cộp một cái vang rõ mồn một trong sự im lặng như tờ.

« Phản rồi... chúng nó... làm phản cả rồi... » Kiến Xuyên phu nhân run bắn người trỏ tay vào hai kẻ đang quỳ trước mặt, rồi bà ôm ngực hổn hển thở dốc và ngã ngửa ra sau bất tỉnh.

Kể cả khi linh cữu Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ bất ngờ xuất hiện, bà cũng chưa từng kích động tới thế. Kể cả khi con dâu bà là Long Cơ tự tử suýt chết bà vẫn có thể vững vàng mà chỉ huy việc trong nhà gọn ghẽ. Vậy mà bây giờ...

Kiến Xuyên hầu và Quỳnh Như vội vã chạy lại ôm Kiến Xuyên phu nhân lên dìu vào trong nhà. Thoáng chốc căn nhà bỗng chỉ còn mỗi thày đồ Phạm Văn Lỳ vẫn sững sờ quỳ giữa phòng như chưa kịp tin vào những gì mới xảy ra.

(1) Đây là đoạn mở đầu của cuốn Tam thiên tự, nói về ba ngàn chữ Hán thông dụng và giải nghĩa của chúng, do Đoàn Trung Còn soạn ra để dạy chữ nho cho người Việt. Do khá vần và dễ học nên cho đến giờ Tam thiên tự vẫn thông dụng và được nhiều người sử dụng. Và cũng vì thế một lỗi lầm tới nay vẫn ảnh hưởng, đó là chữ ngưu vốn là bò chứ không phải trâu, thủy ngưu mới là trâu, nhưng nhiều người vẫn dịch ngưu là trâu theo như Tam thiên tự đã viết. Ngoài ra sau này còn có Nhất thiên tự, Ngũ thiên tự theo thể thơ lục bát, cũng mang tính chất vần vè để dễ học tiếng Hán.

(2) Tên tự của Trương Quỳnh Như là Xuân Hường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro