Phần 2 - Đính ước (1)
Cầm âm một khúc gửi trao
Cậy lòng dì gió đưa vào xuân cung(1)
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Chẳng mấy chốc mà sen nở rồi tàn, cúc vàng ra hoa rồi cũng héo úa. Những cơn gió đầu mùa bắt đầu miên man thổi trên khắp các làng quê ở trấn SơnNam. Ruộng đồng chỉ còn trơ những gốc rạ khô khốc, những cò những vạc cũng đã hiếm gặp hơn trên bầu trời. Mùa đông đầu tiên của Phạm Thái ở nơi cư trú mới đã đến một cách bình dị là thế.
Vậy là đã hơn năm rưỡi Phạm Thái đồng ý ở lại làng Thanh Nê làm thày đồ dạy chữ như lời đề nghị của Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ. Hầu nói, đằng nào cháu cũng đang bị quan binh truy bắt, biết đâu chúng đã về tới chùa Tiêu rồi cũng nên, biết đâu chúng đã tìm ra cái vỏ bọc Phổ Chiêu rồi cũng nên, chi bằng cháu ở lại đây, để lại tóc làm một thày đồ dạy chữ bình thường, làm sao có ai tìm ra được, mà cũng là làm phúc cho đám trẻ con ở làng, đồng thời để cái tài văn chương của cháu không bị mai một. Chàng đã do dự, đã suy tư, đã cân nhắc, và đã định từ chối, sợ làm liên luỵ đến gia đình vừa tang con này. Thế nhưng khi thoáng thấy bóng áo lụa xanh lướt qua kẽ mành ở buồng bên, chàng lại đổi ý, vì dường như đã có một cái móc vô hình nào đó gắn chặt chàng vào cái mảnh đất này.
Kiến Xuyên hầu cũng đã mua lại cho Phạm Thái một căn nhà nho nhỏ rất gần điền trang của ông. Theo lời hầu nói, tiền mua căn nhà đó sẽ được trừ vào tiền dạy dỗ cho đám trẻ con trong điền trang, bởi vì hầu không ngại ngần bỏ tiền cho con cháu các gia nhân trong điền trang theo đòi nghiên bút. Thế là cái sự nghiệp gõ đầu trẻ của nhà sư hoàn tục bắt đầu đi vào quy củ. Cả cái thói quen dăm ngày mười bữa hầu cho đứa ở gọi chàng thày đồ trẻ măng sang nhà uống rượu làm thơ thưởng cúc vịnh lan hay tức cảnh ngắm trăng, chàng cũng đã bắt đầu quen dần. Những ân oán, những lý tưởng, những năm tháng ngang tàng ngày xưa như đã lùi về một kiếp khác. Giờ đây chỉ còn thày đồ Phạm Văn Lỳ với mái tóc ngắn cũn cỡn đang mọc dài và những bài thơ ngâm vịnh cuộc sống yên bình mà thôi.
Đêm đã về khuya, làn gió heo may rin rít lao xao rặng tre ngoài ngõ. Có tiếng con dế nào đó cứ rả rích trong đám cỏ ngoài vườn đang ướt đẫm sương đêm. Mảnh trăng xế treo lơ lửng đầu ngọn tre, như nụ cười nghiêng nghiêng, như lưỡi liềm cong vút rửa sạch bong dựng trong góc nhà sau một mùa thu hoạch. Đã vào giờ Tuất, chung quanh mọi nhà đã sớm tắt lửa tối đèn, cửa nẻo đóng kín, người người cũng đã chìm vào giấc ngủ.
Có lẽ trừ một người...
Thày đồ Lỳ vẫn ngồi trên chõng tre ngoài sân, cái chõng mà hàng ngày đám trẻ con vẫn ngồi trên đó ngoan ngoãn ôm sách tụng ê a những bài văn chương thơ phú của tiền nhân. Chẳng hiểu sao, đêm nay thày không tài nào dỗ mình vào giấc ngủ, nên đành ôm bầu rượu ủ bằng thứ hoa cúc thơm đượm mà Kiến Xuyên hầu gửi tặng mấy hôm trước ra sân ngồi ngắm trăng. Cơ mà mắt thì nhìn trăng thật, nhưng tâm hồn chàng đang vẩn vơ tận nơi nào xa xôi lắm.
Nếu lại gần cái chõng một chút, chúng ta có thể thấy cạnh bên bầu rượu cúc và cái chén sứ nho nhỏ là một tập sách nhỏ với nét chữ nắn nót thanh thoát 'Vịnh mười hai canh giờ'. Ô hay, nét chữ này sao lại mang vẻ thướt tha yểu điệu, hoàn toàn không phù hợp với một anh thày đồ gõ đầu trẻ vốn có nét bút như phượng múa rồng bay thể hiện một tráng chí hùng tâm giờ đã thành dĩ vãng. À, đó là nét chữ của Trương tiểu thư nhà Kiến Xuyên hầu. Tập thơ này nàng đã nhờ cô tớ gái của mình dúi vội cho chàng hồi chiều, khi chàng qua nhà cám ơn cha nàng đã tặng bầu rượu ngon.
Một làn gió bỗng thổi qua khiến vài trang giấy loạt xoạt bay rồi dừng lại ở trang có bài thơ 'Giờ Mùi'
Đong thảm giờ mài chẳng đấu thưng
Vì ai nên nỗi, cũng vì chưng...
Mượn tranh sơn thủy làm khuây khỏa,
Chất lửa tương tư để cháy bừng.
Cách điệu dịu dàng nào kẻ biết?
Áo khăn xôi xốc dễ ai nâng?
Những là rầu rĩ, là buồn bực!
Trăm vẻ đào hồng cũng dửng dưng!
Thày đồ Lỳ lừ đừ nhìn xuống trang sách mở, đập vào mắt là dòng thơ 'Vì ai nên nỗi, cũng vì chưng...'
Trái tim người trai bỗng dưng lại lỡ nhịp thêm lần nữa. Tập thơ này chàng đã đọc không dưới mươi lần, lần nào cũng khiến chàng tự hỏi mình đang say vì rượu hay say vì những áng thơ này. Đã hơn nửa năm nay từ khi chàng và Quỳnh Như cùng nhau xướng họa văn thơ. Khi thì là những áng thơ vịnh sen vịnh cúc, lúc lại là những vần Nôm ca ngợi tiếng đàn tỳ bà thi thoảng vang lên chốn khuê phòng. Nhưng lần này là lần nàng gửi nhiều nhất, những cả một tập thơ.
Bỗng anh chiêu Lỳ phân vân lạ. Mười bài thơ vịnh mười canh giờ, mỗi bài là một niềm khắc khoải của người con gái ấy. Những là thổn thức, những là trằn trọc giờ Tý, thôi thì 'sầu đã lại thêm' trong giờ Sửu. Rồi thì rầu rĩ rồi thì sầu riêng giờ Dần, nào những 'miếng ăn mặn nhạt chẳng ra mùi' giờ Mão... Cho tới bài cuối cùng kết thúc bằng 'Đèn xanh chong bóng ngại khôn nằm' giờ Dậu. Phải chăng giờ này cô gái tài hoa ấy cũng đang chong đèn nhớ ai ?
Quỳnh Như đã kẹp một tờ giấy hoa tiên vào trang có bài thơ cuối với hàng chữ nhỏ.
'Mười hai canh còn vắng hai
Mong người chớ ngại trổ tài họa thơ'(2)
Và đó chính là điều đang khiến chàng thày đồ trẻ tuổi phân vân không biết họa lời ra sao để không phụ lòng mong mỏi của nàng. Phải chăng đây chính là sự lo được lo mất ngay cả vì một chuyện nho nhỏ đối với người khiến cho lòng mình vương vấn ?
Đột nhiên trong đêm khuya thanh vắng, một tiếng đàn bỗng réo rắt thoáng qua, như gần như xa, chợt to chợt nhỏ, như lời thì thầm âu yếm, như tiếng mong ngóng thở than. Thày đồ Lỳ sực tỉnh, rồi với lấy cây bút trám no mực gần đó viết vội lên trang tiếp theo.
Giờ Tuất canh sang được mấy phần,
Càng thêm ngao ngán bận lòng xuân
Nguyệt mờ trướng ngọc, khôn êm gối!
Gió lạnh rêm hoa ngại lẻ chân!
Nghĩ nỗi tình riêng khôn kẻ biết,
Tưởng điều tâm sự, mấy người thân?
Bóng dâu dù tỏ dù không tỏ!
Tài tử giai nhân vốn nợ nàn.
Chàng viết thêm một bài giờ Hợi nữa, sau đó gác bút gấp sách lại.
Ngày mai nên nhờ ai chuyển tập sách này cho nàng đây ? Có lẽ nên nhờ cậu nhóc Thanh con bà vú già của Quỳnh Như khi hết buổi học sáng mai chăng ?
Có một điều chàng không biết. Tập thơ này đích đến của nó không phải khuê phòng của nàng thiếu nữ họ Trương, mà là bàn tay của Kiến Xuyên hầu phu nhân Nguyễn thị.
(1) Trích bài từ Gửi Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, theo điệu Tây Giang nguyệt
(2) Những câu của Quỳnh Như nhờ Phạm Thái đề thơ họa thơ đều do Lãnh Vân tự chế.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro