Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 1 - Sơ ngộ (3)


Giai nhân họa bức mỹ nhân
Tài tử phóng bút họa vần tài hoa

Rượu đã vài tuần, cái thứ rượu Thanh mai ấy càng uống càng ngấm, càng ngấm lại càng tỉnh vì cái vị đắng cay chua sót khiến người khác khó lòng quên đi. Hai con người lòng hoài tâm sự liên tục dốc chén. Cũng may trước đó Kiến Xuyên hầu đã lệnh cho gia nhân đầy tớ không được bén mảng vào vườn, bà Kiến Xuyên cũng đã đi lên chùa cùng Long Cơ, còn Quỳnh Như cũng lánh mặt trong phòng nên không ai quấy rầy họ cả.

« Khà khà, cháu Lỳ, ta gọi cháu thế nhé, kẻo nhỡ tai vách mạch rừng... Mà sao cháu lại nhận là Lỳ nhỉ... » Kiến Xuyên hầu đã ngà ngà say, tai vách mạch rừng nếu có thì cũng đã từ lúc ông ta vạch trần thân phận thật của Phổ Chiêu rồi còn đâu. Nhưng thôi, cứ cho là không có tai vách mạch rừng thật đi.

« Thưa bác, bạn bè gọi cháu thế, vì cháu càng uống rượu càng tỉnh, càng say rượu lại càng lỳ... » Phổ Chiêu, mà thôi từ giờ chúng ta sẽ gọi chàng là Phạm Thái, vì hiện giờ kẻ đang uống rượu chính là Phạm Thái chứ nào phải ông sư đắc đạo nào, Phạm Thái trả lời vẻ tỉnh táo, cơ mà nếu để ý kỹ sẽ thấy tuy đôi mắt chàng còn tinh anh lắm, nhưng đôi tai và gáy đã đỏ ửng lên rồi. Dường như lời chàng nói là đúng, càng uống, con người này càng trở nên lỳ rượu hơn.

« Càng say lại càng lỳ, được lắm được lắm. Đã làm sư lại còn say, đã uống say lại còn lỳ, phạt, phải phạt cháu mới được. Nghe đồn cháu giỏi thơ văn, phạt cháu làm một bài thơ về một nhà sư vừa say vừa lỳ là cháu ! » Kiến Xuyên hầu cười lớn rồi nói. Ông đã nghe nói về tài văn chương thơ phú của chàng trai trẻ trước mặt từ lâu. Ngay cả trong những bức thư gửi về nhà, Thanh Xuyên hầu cũng không ngớt ca ngợi người bạn này của chàng, khiến hầu không khỏi tò mò.

« Vậy cháu cung kính không bằng tuân mệnh... » Rồi Phạm Thái đứng lên bẻ một cành hoa mai giờ đang kết quả giữa mùa hè, vừa gõ vào bầu rượu vừa ngâm.

« Có ai muốn biết tuổi tên gì,
Vừa chẵn hai mươi (1), gọi chú Lỳ.
Năm bảy bài thơ ngâm lếu láo,
Một vài câu kệ tụng a ê!
Tranh vờn sơn thuỷ màu lem luốc,
Bầu giốc càn khôn giọng bét be.
Miễn được ngày nào ngang dọc đã,
Sống thì nuôi lấy, chết chôn đi! »(2)

Kiến Xuyên hầu thoáng chốc như tỉnh rượu hẳn. Ông không nhịn được vuốt râu cười khà khà khen ngợi. « Tranh vờn sơn thủy màu lem luốc, Bầu giốc càn khôn giọng bét be... Được lắm, được lắm, hay cho sơn thủy, giỏi tận càn khôn... Được lắm, ta chúc cháu một chén... »

Trong nhà bỗng loáng thoáng tiếng vỗ tay nho nhỏ. Kiến Xuyên hầu đã ngấm say nên không để ý, chỉ có Phạm Thái hơi giật mình, theo bản năng quay phắt về phía đó. Phía đó, là khung cửa sổ khuê phòng của Quỳnh Như, mà giờ đây đã khép hờ bằng một bức mành.

Thế rồi kể từ lúc ấy, cứ chốc chốc Phạm Thái lại len lén liếc về phía ô cửa kia. Kiến Xuyên hầu có trông thấy, nhưng cũng mặc kệ, không hiểu vì đã say hay vì cố tình buông lỏng.

Hai người tiếp tục nâng chén thêm một hồi lâu nữa, vừa uống vừa cùng nhau ngâm những câu thơ của Lý Bạch, vị Tửu tiên thời Đường, rồi thì ngâm nga những vần thơ về hoa, về cây, về đời. Phạm Thái tuy vẫn còn tỉnh táo, nhưng đã có chút lơ đãng mất tập trung. Trong đầu chàng đang mơ hồ về những gì ở bên trong ô cửa sổ ấy. Nàng... đang làm gì ?

Bỗng nhiên kẹt một cái, đôi cánh cửa bỗng hé mở. Một bàn tay trắng muốt xuất hiện, móc một bức mỹ nhân đồ (3) gắn cùng một mảnh giấy hoa tiên nhỏ dường như có chữ và một cán bút lông đẫm mực vào then ngoài, rồi cánh cửa lại khép kín. Kiến Xuyên hầu thấy chàng nhìn về phía đó vẻ ngạc nhiên cũng nhìn lại. Ông vừa thấy bức tranh ấy, bỗng mỉm cười.

« Con bé lại bày trò thử tài văn nhân đây mà. Cháu cứ mặc kệ nó. » Nói vậy nhưng hầu vẫn hấp háy đôi mắt chừng như muốn bảo chàng muốn thì cứ ra đó mà xem.

Phạm Thái ngập ngừng, rồi cũng đứng lên bước lại gần cửa sổ hơn. Từ xa chàng đã nhìn ra đó là một bức mỹ nhân đồ, lại gần mới thấy nàng thiếu nữ trong tranh quả thật là mỹ miều tha thướt, nhưng dáng vẻ dường như ẩn hiện một nỗi bi thương cô độc lạ lùng, nét bút còn tươi mới thơm mùi mực. Tờ giấy hoa tiên mỏng gắn kèm được nắn nót hai hàng chữ với nét bút thanh thoát, cẩn thận như nét vẽ trong tranh.

'Nghe rằng kẻ sĩ tài thơ Hán
Đề thơ lên họa có được chăng ?'

Và dòng lạc khoản trên đó giống hệt dòng lạc khoản trên bức tranh kia, một chữ Như.

Chàng quay đầu lại nhìn Kiến Xuyên hầu sau lưng. Hầu mỉm cười. « Con gái thứ của lão phu cũng võ vẽ văn chương, tính tình kiêu ngạo hay thử tài người khác. Bức mỹ nhân đồ này hẳn là nó vẽ, thô vụng làm sao xứng đáng để cậu chiêu Lỳ đề thơ ? » Tuy hầu nói vậy, nhưng vẻ lóe sáng trong đôi mắt hầu lại hoàn toàn có ý ngược lại, ánh mắt hầu như đang khích lệ chàng thử xem.

« Thưa bác, cô nhà đã có lời như thế, cháu xin mạn phép được đề thơ. »

Phạm Thái kính cẩn nói rồi gỡ bức tranh mang lại đặt trên bàn, rót một chén rượu đầy và chấm ngọn bút lông đẫm mực kia vào đó. Mực từ đầu bút tan vào chén rượu Thanh mai thơm lừng, quyện lấy rượu thành một thứ chất lỏng đen đen, thơm mùi rượu. Chàng nhấc bút lên, khẽ nhúng xuống lấy mực, rồi nghiêng đầu ngẫm nghĩ thoáng chốc trước khi cất bút viết vào góc dưới bên phải bức tranh.

Đề mỹ nhân đồ

Thanh xuân toả liễu lãnh tiêu phòng
Cẩm trục đình châm ngại điểm trang
Thanh dạng độ liên phi phất lục
Đạm hi tàn cúc thất sơ hoàng
Tình si dị tố liêm biên nguyệt
Mộng xúc tằng liêu trướng đỉnh sương
Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bạn
Oanh ca nhật vĩnh các tiêu hương

Viết xong, chàng đề lạc khoản ở cuối bài thơ, một chữ Thái, dáng bút bắt chước y hệt nét chữ Như lạc khoản trên tranh. Thế rồi nương theo men rượu say mà chàng cũng ngông nghênh chìa ra cho Kiến Xuyên hầu bình phẩm.

« Thưa bác, bác thấy thế nào ạ ? »

Kiến Xuyên hầu đọc qua một lượt, thấy cũng được nhưng ông vẫn nghĩ hẳn chàng trai trẻ này phải viết một cái gì đó khác kìa, nên ông vẫn trầm ngâm chưa lên tiếng. Nhưng vừa định đặt bức tranh xuống bàn, bỗng mấy chữ đầu mỗi câu của bài thơ đập vào mắt hầu khiến hầu chững lại rồi lẩm bẩm mấy tiếng.

« Thanh... tranh... oanh... Hương tiêu các vĩnh nhật ca oanh... Hương tiêu gác vắng nhặt ca oanh... Ôi trời ! » Hai tiếng cuối ông thốt lên đầy kinh ngạc rồi ngẩng lên nhìn vẻ mặt bắt đầu có vẻ tự đắc của vị thầy tu giả danh trước mặt.

« Sao cháu không đề tên bài thơ là Thuận nghịch độc ? » (4)

« Vì cháu thấy phải viết đầy đủ ra là Thuận nghịch độc Hán-Nôm, vừa dài, vừa loãng mất cái hay cái đẹp của bức tranh mỹ nhân. Chi bằng để kẻ tri kỷ hẵng nhìn ra điều ấy thì hơn. »

Rượu đã ngấm, khiến Phạm Thái cũng càng thêm bạo dạn trong lời ăn tiếng nói, mà quên rằng người ngồi uống rượu cùng chàng là Kiến Xuyên hầu, cha của cô gái vừa vẽ nên bức tranh này.

« Hay cho hai chữ tri kỷ... Nào... trả lại bức tranh cho con bé đi rồi ta lại uống một chén... »

Được sự cổ vũ ngấm ngầm này của Kiến Xuyên hầu, Phạm Thái đứng dậy cầm bức tranh tới gần khung cửa sổ. Tuy say nhưng bước chân chàng không hề loạng choạng chút nào mà vẫn rất vững chãi. Có điều, tay đã giơ lên muốn gõ vào cánh cửa mà vẫn hơi ngập ngừng, như thể chỉ cần cánh cửa mở ra, một cái gì đó sẽ thay đổi, vĩnh viễn. Nhưng rồi gõ thì vẫn cứ phải gõ dưới sức nóng của ánh mắt sau lưng.

Cánh cửa từ từ hé mở. Bên trong căn phòng không nhiều ánh sáng, mà người trong phòng lại cố tình đứng nép vào góc tối cạnh cửa nên chàng không cách nào nhìn rõ mặt. Nhưng bằng linh cảm, chàng nhận ra đó chính là Quỳnh Như.

« Tiểu thư, Thái tôi không dám nhận là kẻ sĩ, nhưng cũng xin múa rìu qua mắt thợ, mạn phép đề thơ lên bức họa của người. » Vừa nói, chàng vừa chìa bức họa đưa cho người trong cửa.

« Ồ, thì ra công tử không phải là sư... »

« Ơ... tôi... bần tăng... » Vậy là kẻ vốn nổi tiếng ngông nghênh tên gọi Chiêu Lỳ kia, lần đầu trong đời bối rối không cách nào thốt lên lời.

Chàng còn đang bối rối, bên trong khung cửa bỗng có tiếng phì cười, rồi một bàn tay trắng trẻo như sứ xuất hiện, đón lấy bức tranh chàng đang chìa ra rồi nhanh chóng biến mất. Cánh cửa cũng kẹt một cái, đóng lại.

Chỉ còn có một vị sư trọc đầu áo nâu sồng nhưng gương mặt đỏ lựng, miệng vẫn thơm mùi rượu ấp Kẻ Mơ và trong đầu thoang thoảng mùi hương hoa lan thoáng qua khứu giác khi bàn tay người ngọc lướt qua.

Kiến Xuyên hầu đã sớm gục đầu xuống bàn say mèm ngủ gục.

Còn có say thật hay không, e lại là chuyện khác.

(1) Có bản chép ba mươi, có bản chép hai mươi, do đó cũng dẫn đến sự khác nhau về thời gian sáng tác của bài thơ này. Lãnh Vân tạm để hai mươi để hợp với hoàn cảnh.

(2) Nguyên văn bài thơ Tự trào của Phạm Thái.

(3) Mỹ nhân đồ : tranh vẽ người con gái đẹp.

(4) Thuận nghịch độc : đọc xuôi đọc ngược đều được cả. Bài thơ này của Phạm Thái để xuôi là thơ Hán, khi đọc ngược lại từ dưới lên sẽ thành thơ Nôm, đồng thời cũng là dịch nghĩa Nôm của bài thơ như sau :

Hương tiêu gác vắng nhặt ca oanh
Bận mối sầu khêu cưỡng khúc tranh
Sương đỉnh trướng treo từng giục mộng
Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình
Vàng thưa thớt cúc tàn hơi đượm
Lục phất phơ sen đọ dáng thanh
Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm
Phòng tiêu lạnh lẽo khoá xuân xanh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro