Phần 1 - Sơ ngộ (1)
Lánh đời tìm Phật chẳng xong
Cha già mẹ yếu tiễn con về trời
Cốc... cốc... cốc...
Cheng...
Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da... (1)
Chú tiểu Thạch ngập ngừng đứng ngoài cửa chính điện, tay chú cầm một phong thư niêm phong kỹ lưỡng, đôi chân lừng khừng vừa muốn bước qua bậc cửa vừa ngại ngần quấy quả sư ông Phổ Chiêu (2) đang đắm mình trong Phật pháp.
Non nửa năm trước, sư ông cắp tay nải thong thả bước qua cổng chùa Tiêu, vẻ mặt không hề có chút nào là mỏi mệt khi phải trèo lên ngọn núi Tiêu này, rồi cũng dùng cái giọng thong thả như dáng người của ông mà xin phép sư cụ cho trú lại vì cảm động cái tình cái cảnh chùa Tiêu. Lần nào phải xuống núi chú tiểu Thạch cũng bở hơi tai khi trèo lên lại, nên rất là phục sư ông không hiểu làm sao lại có thể bình thản khỏe khoắn là thế, leo núi một hơi (hẳn là thế nhỉ) mà vẫn có thể trò chuyện thoải mái với sư cụ không cần nghỉ lại sức.
Vậy là từ đó, sư ông Phổ Chiêu chính thức ở lại chùa này.
Gọi là sư ông, nhưng chú thấy sư ông còn trẻ lắm, chắc cũng chỉ hơn chú khoảng dăm bảy tuổi mà thôi. Chú cũng đã mười bảy tuổi rồi đấy chứ ít đâu. Sư ông ít nói lắm, có lên tiếng thì cũng chỉ để hỏi thăm giờ giấc sinh hoạt ở chùa và dặn dò chú không nên quấy rầy nếu không thật cần thiết, vì người cần tĩnh tâm để hòa mình vào với cảnh trí nơi đất Phật này. Có điều sư ông đã cả tháng nay cứ tụng đi tụng lại một bài kinh kệ ấy, không như sư cụ đổi bài kệ tùy theo nhịp trăng tròn khuyết trên trời. Mà thôi, thân chú tiểu như chú, không nên tò mò như thế trong cái thời loạn lạc này, dẫu rằng mấy lần xuống núi vào làng mua gạo củi dầu đèn, chú có thấy hình cáo thị một tên phản tặc nom hao hao sư ông...
Còn giờ thì chú phân vân lắm lắm, vì rằng có một bác mõ vừa tới, bảo rằng có thư khẩn cho Phổ Chiêu thiền sư ngụ tại chùa Tiêu Sơn, nghe đâu được gửi từ xa lắm, từ tận trấn Sơn Nam kia. Cơ mà sư ông có nói không được quấy rầy người tĩnh tâm... Cơ mà lại là thư khẩn... Thôi thì chú đành liều vậy.
« Bạch sư ông... »
Tiếng gõ mõ từ từ chậm lại, người gõ mõ cũng chầm chậm thôi tụng kinh. Thế rồi người ấy thôi gõ mõ và từ tốn xếp gọn thanh mõ, giá chuông rồi sẽ sàng vén vạt áo nâu sồng đứng dậy. Chú tiểu Thạch dù đã nhìn sư ông cả mấy tháng nay rồi mà vẫn không khỏi ngẩn ngơ khi thấy sư ông thật cao lớn với đôi vai to rộng và dáng người chắc khỏe đầy vẻ phong trần thường chỉ có ở các tráng sĩ võ biền. Thế rồi chú vội phe phẩy đầu hòng rũ bỏ cái ý tưởng đó ra khỏi đầu mình, đây là sư ông mà, nào phải những kẻ chỉ biết dùng chân tay mà nói chuyện ấy. Hẳn là vì sư ông đã chu du nhiều vùng, thăm thú nhiều nơi nên mới khỏe khoắn nhường này. Hẳn là thế. Vì sau nửa năm ngụ lại chùa này, dáng dấp phong trần của người đã dần dần nhường chỗ cho vẻ từ hòa thanh đạm thường thấy ở các bậc cao tăng, khá hiếm gặp ở một vị sư trẻ tuổi như người.
Sư ông Phổ Chiêu đã quay lại nhìn chú, đôi mắt như cười mà như chẳng phải cười thoáng ý thắc mắc. Chú vẫn nghĩ đôi mắt ấy chính là thứ khiến cho các chị con gái ngày rằm mùng một lên chùa với mẹ cầu an cứ ríu rít nhấm nháy với nhau mà hấm mà hứ mà đỏ mặt mà ngượng ngùng. Thế nhưng hẳn là đã thấm nhuần giới đạo nhà chùa từ lâu, nên sư ông vẫn chỉ khép hờ đôi mí mắt ấy lại mà thản nhiên niệm 'Mô Phật' rồi bước đi thẳng. Có đôi khi chú tiểu thầm nghĩ, biết đâu câu chuyện trong vở chèo Quan Âm Thị Kính (3) mà chú lén sư cụ sư ông xuống núi xem cũng bắt nguồn từ những cô thiếu nữ bạo dạn trong tấm áo tứ thân khép nép kia.
« Chú Thạch, chú gọi ta có việc gì chăng ? »
Sực tỉnh khỏi luồng suy nghĩ vơ vẩn, chú tiểu Thạch đỏ mặt xấu hổ như ăn vụng bị bắt gặp rồi rụt rè chìa bức thư trong tay ra.
« Bạch sư ông, vừa có bác mõ (4) già dưới làng lên đây, bảo có thư khẩn phải giao tận tay cho sư ông. Con không dám làm phiền sư ông tĩnh tâm, nhưng chỉ e lỡ việc quan trọng nên mới cả gan quấy rầy... »
Sư ông nở nụ cười. « Chú chớ nói thế. Tuy là ta cần tĩnh tâm thật, nhưng có việc khẩn thì chú gọi ta là đúng rồi, không cần phải ngại. Nào, ta xem thư gì nào. »
Sư ông Phổ Chiêu nhận lấy lá thư, khẽ nhíu mày khi nhìn hàng chữ ngoài phong bì. Nét mặt tươi cười hiền hòa của người thoáng chốc cứng đờ. Và sau khi người đã mở thư, đọc một lần từ trên xuống dưới (ấy là chú đoán thế khi quan sát ánh mắt người), nụ cười của sư ông đã hoàn toàn biến mất. Khi người ngửng lên, chỉ còn lại một nét buồn đau thương cảm vừa quen thuộc mà lại lạ lùng. Quen thuộc vì chú đã từng nhìn thấy vẻ buồn đau ấy trên gương mặt những thân nhân của người quá cố trong đám ma nhờ sư cụ tới siêu độ. Và lạ lùng vì nét tang thương ấy chú chưa từng nhìn thấy trên vẻ mặt một người còn trẻ, nói gì tới một vị thiền sư đắc đạo là sư ông.
« Bạch sư ông, người... không sao chứ ạ ? »
Phổ Chiêu thiền sư giật mình sực tỉnh như thể giờ mới nhớ ra còn có người bên cạnh. Người cố thu lại nét mặt buồn đau, lại trở lại là một nhà sư đạm nhiên ngoài cõi hồng trần.
« Ta không sao. Có một người quen vừa mới tạ thế, nên ta được báo tin để về giúp đọc kinh siêu độ mà thôi. »
Chú tiểu Thạch ngờ là cái người ấy không chỉ là một người quen bình thường, vì nét mặt vừa xong của sư ông không khác gì cha mẹ anh em vừa qua đời vậy. Có điều chú cũng biết khôn mà giữ mồm giữ miệng không hỏi gì thêm trừ một việc quan trọng.
« Vậy, sư ông bao giờ sẽ lên đường ? Có cần báo cho sư cụ đang tọa thiền trong tháp hay không ? »
« Thôi thôi, không cần quấy rầy sự thanh tu của sư cụ làm chi hết. Hai ngày nữa ta sẽ lên đường. »
« Thưa vâng. »
***
Ở làng Thanh Nê, huyện Kiến Xương, trấn Sơn Nam (5), không ai không biết đến mái nhà ngói ba gian xây hình chữ Đinh của Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ. Hầu tuy có tước vị cao quý là thế, nhưng thật ra hầu cũng chỉ là một nhà nho thối chí từ quan. Kiến Xuyên hầu từng làm tới chức thượng thư bộ Lễ dưới triều vua Hiển Tông và chúa Tĩnh Đô vương (6), nhưng cái khí chất văn nhân của hầu thể hiện rõ ở sở thích đánh cờ, uống rượu, làm thơ của mình. Đã từng can gián vua Lê chúa Trịnh dăm lần bảy lượt mà không thành, lại còn bị chúa Trịnh quở mắng, hầu đâm nản lòng mà dâng sớ cáo lão từ quan rồi về quê nhà vui thú điền viên khi mới ngoài năm mươi tuổi.
Dưới gối vợ chồng Kiến Xuyên hầu có hai người con một trai một gái. Trai tên là Trương Đăng Thụ, khi Kiến Xuyên hầu cáo lão hồi hương, chàng đã thi đậu tiến sĩ và được phong là Thanh Xuyên hầu, thụ chức hàn lâm học sĩ biên tu ở bộ Lại, được cử lên Lạng Sơn làm hiệp trấn. Gái tên là Trương Quỳnh Như, thông minh từ nhỏ, lại được danh sư là cha mình đích thân dạy dỗ, nên mới độ trăng rằm đã có tài văn chương thơ phú nhả ngọc phun châu, cầm kỳ thi họa tinh thông mọi nhẽ.
Khi Tây Sơn diệt nhà Lê, vua Chiêu Thống nhà Lê phải lưu vong nơi xứ người, Thanh Xuyên hầu vốn có ý muốn theo vua sang đất Tàu nhưng vua hạ lệnh cho chàng phải ở lại đặng sau này còn làm nội ứng khi quân cứu nước ở ngoài đưa vào. Thế là dưới chính sách thu phục lòng người của nhà Tây Sơn, các quan chức cũ của nhà Lê, trong đó có chàng, được ưu ái giữ lại, thậm chí thăng quan tiến chức, ai không muốn theo thì cho phép về quê. Thanh Xuyên hầu cũng được cất nhắc lên thành trấn thủ Lạng Sơn, nén lòng theo triều đình mới nhưng thực chất thâm tâm vẫn coi mình là bề tôi chủ cũ. Thế nên chàng vẫn ngấm ngầm hỗ trợ những chí sĩ thuộc phong trào Cần vương, những con người âm thầm mưu đồ khởi nghĩa phục hưng triều Lê.
Ấy nhưng cũng vì lẽ đó, mà vua quan nhà Tây Sơn đã để ý đến chàng. Chức trấn thủ của Thanh Xuyên hầu cao hơn chức cũ là hiệp trấn, nhưng lại hoàn toàn không có chút quyền hành nào trong tay, gần như là một chức bù nhìn. Một vị quan Tây Sơn đã được cử lên thay chàng làm hiệp trấn, nắm giữ binh lực, ngoài mặt tỏ ra tôn trọng chàng hết mực, nhưng thật ra lại có nhiệm vụ giam lỏng chàng. Thế nên khi chàng tham gia vào việc che giấu bà Hoàng phi của vua Chiêu Thống hòng đưa bà qua biên giới sum họp cùng chồng, viên hiệp trấn kia đã phát hiện ra. Các đồng bạn đồng chí của chàng như Phạm Thái, Trương Quang Ngọc... đều đã phải bỏ trốn, đảng Cần vương tan rã, bản thân chàng càng thêm bị giám sát gắt gao.
Những sự này đã xảy ra gần nửa năm về trước. Còn thì giờ đây, tại sao chúng ta lại nhắc tới chuyện này ? Vì rằng ba ngày nay, điền trang của Kiến Xuyên hầu ở làng Thanh Nê bỗng thoáng chốc phủ khăn tang trắng xóa, vang dội tiếng khóc thương con người vắn số. Phải, Thanh Xuyên hầu rốt cục đã bị quan quân Tây Sơn hạ độc để trừ bỏ mối ung nhọt nặng nề. Và linh cữu chàng vừa được hộ tống về quê quán, để rồi kẻ đầu bạc khóc người còn xanh, mẹ khóc con em gái khóc anh, đau lòng khôn xiết. Dân chúng trong làng chỉ biết Thanh Xuyên hầu trúng gió độc nơi hoang vu đầy chướng khí chốn biên giới nên yểu mệnh, chứ không hề biết ẩn tình bên trong. Mà người nhà của hầu, e là trừ người cha già chỉ biết gắng gượng nuốt lệ vào lòng, còn những người còn lại hẳn cũng nghĩ như mọi người vậy.
Hôm ấy chính đang tổ chức ma chay cho Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ.
Cả điền trang hiu hắt trắng phau dù đang ngày quang đãng. Cái nắng chói chang của mùa hè sắp tới tiết Hạ chí không có cách nào làm ấm áp nổi không khí thê lương trong tòa nhà. Đây đó là cờ phướn trắng, là lụa trắng, là đèn lồng trắng. Màu xanh ngọc mát mắt của những tán cây bạch ngọc lan ngoài sân hoàn toàn bị những mảng màu trắng lấn áp, không phải màu trắng đục mịn màng của những đóa hoa đang tỏa hương thơm lừng, mà là màu trắng tang tóc, màu trắng bi thương gắn liền với cái đám ma đang diễn ra trong điền trang của nhà họ Trương.
Từng đoàn từng tốp người tới viếng trước linh cữu Thanh Xuyên hầu. Hầu nằm đó, gương mặt trẻ trung như không hề thanh thản trong giấc ngủ vĩnh hằng. Tưởng như vầng trán cao đang khẽ nhăn, tưởng như đôi mày kiếm đang hơi nhíu, tưởng như bất cứ lúc nào hầu cũng có thể choàng tỉnh khỏi cơn ác mộng vô hình. Ấy nhưng không, vì hầu đã yên nghỉ.
Hai bên quan tài, người thân của hầu người quỳ người ngồi, với đôi mắt đỏ hoe và hai má đẫm nước. Bên trái là vợ chồng Kiến Xuyên hầu ngồi trên ghế thấp, vì là bậc trưởng thượng để tang con trai nên không có lý nào lại phải quỳ. Hai người ấy chỉ qua dăm ngày mà như già đi mấy chục tuổi. Cũng phải thôi, còn gì đau đớn hơn khi lá vàng còn vững trên cây, lá xanh đã vội rời cành về với đất mẹ. Bên phải là nàng Long Cơ, vợ của Thanh Xuyên hầu, con dâu của Kiến Xuyên hầu quỳ trên tấm gai cùng đứa con trai chưa thôi nôi còn ngơ ngác nhìn quang cảnh lạ lẫm chung quanh. Long Cơ đã tỉnh táo hơn sau hai ngày khóc tới chết lặng vì tang chồng quá sớm, nhưng đây đó vẫn thoáng hiện nét đờ đẫn ngây dại không thiết gì tới chung quanh. Chỉ có đôi khi đứa trẻ thơ khẽ ê a gọi mẹ thì đôi mắt hoe đỏ ấy mới lại có thần, lại tỉnh táo để dỗ con, như thể chỉ còn đứa trẻ ấy là mối dây níu giữ nàng với cuộc đời.
Và quỳ cạnh Long Cơ, là Trương Quỳnh Như, em gái của Thanh Xuyên hầu, lần đầu mặc áo tang, lần đầu biết đến cảnh chia ly. Gương mặt non tơ đương độ xuân thì của cô gái vừa tròn đôi tám ẩn sau lớp voan bằng khăn xô như thể bị phủ lên một lớp sương mờ ảo của sự đau thương bất tận nhưng vẫn không giấu được nét đẹp dịu dàng thanh thoát.
Khi sư ông Phổ Chiêu đọc xong bài tụng kinh siêu độ mà người phải tham khảo trên đường tới đây, rồi ngẩng lên quay sang thi lễ với gia đình người quá cố, đập vào mắt người chính là hình ảnh ấy.
(1) Đây là câu đầu tiên trong bài Chú Đại Bi, thuộc tạng Thần chú, một trong năm tạng kinh mà Phật Như Lai dạy : Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng, Bát Nhã tạng, và Thần chú tạng. Bài chú này của Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, là bài chú có thể nói phổ biến nhất, quen thuộc nhất đối với mỗi Phật tử Phật tăng. Phạm Thái đi tu để né việc truy bắt chứ không phải tu thật, nên ở đây chỉ tụng được bài này. Theo giải nghĩa của Hòa thượng Tuyên Hóa, câu này có nghĩa là 'Xin đem hết thân, tâm, tính mạng của mình quy y và kính lễ Tam Bảo vô tận vô biên trong khắp cả mười phương, suốt cả ba đời'. Tam bảo ở đây là Phật-Pháp-Tăng, ba ngưỡng cảnh giới cao nhất của Phật giáo.
(2) Phạm Thái giả đò đi tu, lấy pháp danh là Phổ Chiêu, và tu ở chùa Tiêu Sơn.
(3)Quan Âm Thị Kính là một tích chèo hoặc cải lương khá nổi tiếng trong văn chương nghệ thuật dân gian của Việt Nam. Câu chuyện kể về một cô gái tên là Thị Kính, lấy chồng rồi bị nhà chồng đổ oan là mưu toan giết chồng nên bị gọt tóc đuổi khỏi làng. Cô giả trai đi tu ở một làng khác và thành chú tiểu, được đặt là Tiểu Kính Tâm. Trong làng có Thị Màu con gái phú ông, chưa chồng mà lẳng lơ vô cùng. Thấy Tiểu Kính Tâm xinh trai (mà thật ra là gái giả trai) nên Thị Màu chòng ghẹo. Bị từ chối thẳng thừng, Thị Màu bèn tằng tịu với một anh ở trai trong nhà, rồi mang thai và đổ cho Tiểu Kính Tâm. Thế là sư cụ và Tiểu Kính Tâm bị dân làng phạt vạ và Tiểu Kính Tâm bị đuổi ra ở một chiếc lều đơn sơ ngoài rìa làng. Thị Màu sinh được một đứa con rồi vứt ở trước cửa lều của Tiểu Kính Tâm. Tiểu Kính Tâm với tấm lòng từ bi liền chịu đắng cay khổ sở mà cố nuôi đứa trẻ nên người, cho tới khi bệnh nặng vì lao lực quá sức. Khi Tiểu Kính Tâm chết, dân làng liệm xác mới phát hiện ra cô là phận gái và hiểu ra nỗi oan tình của cô (nên sau này còn có câu oan Thị Kính tức mối oan quá lớn khó lòng phân giải và oan Thị Màu tức mối oan vớ vẩn không phải là oan). Phật cảm động vì sự từ bi bác ái nên cho cô được độ kiếp thành Quan Âm, gọi là Quan Âm Thị Kính. Và khi đó mọi người mới hiểu ra kiếp làm Thị Kính và Tiểu Kính Tâm thực chất chỉ là một kiếp nạn mà Phật Thích Ca dành cho người ấy để thử lòng xem người đó liệu có thành Phật được không. Thật ra trong truyện này có sự sai lệch so với lịch sử, vì vở chèo Quan Âm Thị Kính được lấy từ truyện thơ Nôm cùng tên của Nguyễn Cấp vào đầu thế kỷ 19, nhưng sau khi Phạm Thái lẫn Trương Quỳnh Như đã qua đời. Ở đây chỉ mang tính ước lệ.
(4) Mõ vừa có nghĩa là chiếc mõ trong nhà chùa để sư sãi tụng kinh, vừa là một 'chức sắc' trong các làng quê Việt Nam ngày xưa, để chạy việc, báo giờ giấc, đưa thư tín, loan báo việc làm... và thường không được tôn trọng cho lắm.
(5) Cũng như trấn Kinh Bắc, trấn Sơn Nam là một trong mười ba trấn do Lê Thánh Tông định ra, về sau còn được chia thành Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Địa phận làng Thanh Nê, huyện Kiến Xương ấy, ngày nay thuộc tỉnh Thái Bình.
(6) Tức Trịnh Sâm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro