Đèn 5 ngọn - Phố người Hoa - Ẩm thực Triều Châu
Ẩm thực cũng là một trong những di sản đặc thù của khu đô thị này. Thế nhưng, ông Lý Thân – một người Việt gốc Triều Châu, sau khi đi dạo mấy vòng Chợ Lớn, mới lắc đầu nhận xét: “Không còn bao nhiêu hương vị gốc của ẩm thực một thời” Thao tác nấu bếp của nhiều đầu bếp người Hoa trông như đang biễu diễn. Ảnh: Hồng Thái Ẩm thực Triều Châu là một trong ba truyền thống ẩm thực lớn của trường phái Quảng Đông (gồm Triều Châu, Quảng Châu và Đông Giang). Thói quen ẩm thực chịu ảnh hưởng của các trường phái nấu bếp ở phương nam Trung Quốc, gần giống với bếp Quảng Châu, nhưng vẫn mang phong cách riêng. Món ăn “thanh mà không đạm, tươi mà không tanh, non mà không sống”. So với các nơi khác, món ăn Triều Châu tương đối thanh nhưng nghiên cứu điều phối gia vị không kém phần công phu. Ví dụ, khi dọn lên bàn ăn, rau cải phải ăn với nước tương, tôm ăn với dầu quýt, cua ăn với giấm mỹ vị… Triều Châu là thành phố ven biển. Vì vậy, món ăn nổi tiếng với hải sản và nguyên liệu tươi. Theo thói quen ẩm thực, hải sản phải được chế biến, không ăn sống như người Nhật. Ba đặc điểm của món ăn Triều Châu là: (1) Nhiều thuỷ sản, đa số là đồ biển. Nguyên liệu chính là tôm; cua; các loại cá biển và một vài loại cá sông như cá mú, cá chình, cá lăng, cá bơn, cá gộc, cá chẽm…; (2) Thức ăn phong phú, đặc sắc. Kỹ thuật chế biến thức ăn đạt đến trình độ tất cả mùi vị đều toát ra; (3) Dùng nguyên liệu đặc sắc, nhiều rau củ ngọt, lấy chất ngọt từ thực vật. Ví dụ: khoai lang, khoai môn, bí đỏ, ngân hạnh, hạt sen, cam, củ cải trắng và các loại đậu. Cách chế biến món ăn tinh tế. Bếp Triều Châu có hơn 10 cách chế biến món ăn, gồm: đun cách thuỷ, chưng, hấp, tiềm, quay, đốt lò, chiên, xào, nướng, phá lấu... Yêu cầu: đun cách thuỷ phải có mùi vị nồng nàn; nướng phải có mùi thơm thấm vào xương; pha chế phải giữ nguyên mùi vị. Món ăn được chế biến công phu, nguyên liệu cắt gọt ngay ngắn… Cách bài trí bàn ăn: bàn ăn thường có nhiều món, thức ăn ít nhưng tinh tế, được bày ra nhiều dĩa nhỏ, màu sắc phong phú. Thông thường, bàn ăn có ít nhất 9 món, trong đó có 2 món canh, 1 điểm tâm ngọt. Ngoài nghiên cứu sắc – hương – vị, món ăn phải đẹp và bắt mắt. Nhà bếp thường dùng măng, củ cải khắc hình chim hoa cá cảnh, điểm xuyết thêm cho món ăn để hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Thực đơn thường có món ngọt. Trong các lễ tiệc sinh nhật, kết hôn, sinh con… phải có 2 món ngọt, một dọn trước một dọn sau. Món trước ngọt nhẹ, món sau ngọt đậm, ngụ ý “ngày tháng từ đây sẽ ngày càng ngọt ngào”. Để giúp tiêu hoá, giảm mỡ, giải rượu, giữa bữa ăn thường có trà. Quán ăn Triều Châu chính hiệu thường cung cấp trà Ô Long sau bữa ăn, giúp giảm béo giải rượu. Đây chính là văn hoá ẩm thực độc đáo của người Triều Châu. Món cá mú xốt chua ngọt của người Triều Châu. Ảnh: Trường Minh Một số món ăn Triều Châu được nhiều người Việt biết đến như cháo trắng, hủ tiếu bò viên gân, phá lấu, thịt heo quay, xá xíu, vịt tiềm, lẩu hải sản, các loại bánh bột… Tại TP.HCM, một vài nhà hàng, quán ăn của người Hoa tại quận 5, quận 6 hiện vẫn bán món ăn Triều Châu. Thức ăn có hàng trăm món, chủ yếu là hải sản. Tôm, cua, cá, hải sâm, bào ngư… có thể chế biến thành hàng chục món khác nhau. Chả giò đặc biệt toàn dùng nhân hải sản. Lẩu hải sản có vị thanh đạm; nước lèo được nấu bằng các loại xương như xương heo, gà, cá; sau khi xử lý cho bớt tanh, để lửa lâu cho ra chất ngọt rồi thêm vào nấm đông cô, đậu hủ, các loại thịt viên. Phá lấu thường dùng thuốc bắc và rau củ chế biến chung với thịt như phá lấu heo, gà, vịt, mực có mùi thơm nồng, béo mà không ngậy. Loại thức ăn “bột” thường dùng gạo chế biến như bánh lá liễu, bánh hẹ, bánh củ cải, bánh măng, bánh củ sắn, bánh khoai môn, bột chiên… Hủ tiếu sợi mềm, nước lèo nấu bằng xương heo, ăn với giấm đỏ, tỏi và ớt xắt lát; bò viên gân có mùi bơ nồng, gân nhiều thì bơ càng nhiều. Món cháo Triều Châu có đặc điểm nhiều nước ít gạo, nấu nhừ, ăn với cải mặn, trứng vịt muối hoặc chao. Ngoài ra, còn có nhiều món ngọt.
Trường Minh
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro