Chương I: Hai thế giới (2)
Tôi thậm chí chẳng bước nổi lên cầu thang. Cuộc đời tôi từ nay hoàn toàn sụp đổ. Tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ chạy thật xa và không bao giờ quay lại nữa, hoặc cả đến việc nhảy sông tự sát. Tuy nhiên tôi chẳng thể tưởng tượng ra bất kỳ cách thức nào một cách rõ ràng. Trong bóng tối, tôi rúc mình nơi cuối cầu thang, với mọi sự ngổn ngang trong đầu, và đắm mình vào khốn khổ. Lina tìm thấy tôi nức nở khi nàng mang giỏ xuống nhà để lấy củi khô. Tôi xin nàng đừng hỏi gì cả rồi đi lên lầu. Những thứ thân thuộc như chiếc mũ của cha, chiếc dù của mẹ treo bên phải cánh cửa thủy tinh mang cho tôi cảm giác được trở về nhà đầy thanh thản. Con tim tôi chân thành đón chào cảm giác ấy, như "người con hoang đàng" kia hân hoan trước khung cảnh và mùi hương tỏa ra từ những căn phòng thân thuộc. Nhưng tôi đã mất tất cả rồi, những thứ đó thuộc về cái thế giới đầy ánh sáng của cha mẹ. Còn tôi thì chìm sâu trong một thế giới xa lạ, cuốn mình vào đầy rẫy những liều lĩnh và tội lỗi, bị đe dọa bởi kẻ thù, hiểm nguy, bởi sợ hãi và hổ thẹn. Từ chiếc mũ và cây dù, sàn nhà lát đá cát kết [4] tôi vẫn yêu, đến bức tranh to phía trên tủ đựng đồ, thậm chí cả giọng nói của người chị cả vọng ra từ phòng khách, tất cả đều trở nên cảm động, quý giá và ngọt ngào hơn hơn bao giờ hết, nhưng giờ lại chẳng còn là nơi cho tôi nương tựa và dựa vào. Những điều thân thương ấy đã trở thành một lời nhiếc móc quá đỗi hiển nhiên. Tôi giờ chẳng còn gì, cũng sẽ chẳng bao giờ có thể hòa mình vào sự hân hoan yên bình đó. Chân tôi lấm lem đầy bùn đất, và tôi chẳng thể lau sạch những vết dơ trên tấm thảm. Bất kể tôi đi đâu, thứ bóng tối mà thế giới ngập tràn ánh sáng của gia đình tôi không bao giờ biết tới, luôn bám theo sát gót. Bao nhiêu điều bí mật tôi từng có, bao nhiêu lần tôi từng lo, tất cả chỉ là trò trẻ con so với cái thứ hôm nay đã theo tôi về nhà. Tôi bị vận đen nhắm đến và đeo bám, và thậm chí cả mẹ cũng chẳng thể bảo vệ tôi vì bà còn không được phép biết về nó. Dù tội của tôi là ăn trộm hay nói dối – (chẳng phải tôi đã cả gan làm ra một điều đáng sợ là nói dối Chúa hay sao?) , thì giờ cũng chẳng còn quan trọng. Tội ác tôi gây ra không cụ thể là cái này hay cái kia, nhưng nó bao gồm việc tôi đã bắt tay với quỷ dữ. Tại sao tôi lại chơi với cậu ta? Tại sao tôi lại phải thuần phục Kromer hơn cả khi nghe lời cha dạy? Tại sao tôi lại bịa ra câu chuyện đó, tự đeo thòng lọng cho chính mình như thể đó là một hành động anh hùng lắm vậy? Nanh vuốt của quỷ dữ giữ chặt lấy tôi, kẻ thù rình rập phía sau tôi.
____________________
[4] Đá cát kết :
Cát kết hay sa thạch (đá cát) là đá trầm tích vụn cơ học với thành phần gồm các hạt cát chủ yếu là fenspat và thạch anh được gắn kết bởi xi măng silic, canxi, oxit sắt... Tuỳ theo từng loại xi măng mà cát kết có màu sáng, xám, lục đỏ. Cát kết là loại đá nằm giữa đá vôi và đá bùn.Do cát kết thông thường tạo ra các vách đá dễ nhận thấy và các hình khối tự nhiên bằng đá khác nên màu sắc của đá cát có thể coi giống hệt như là màu sắc của khu vực đó. Vì các phân tử của cát kết có sắc tố phụ bị biến dạng theo màu sắc của khu vực. Ví dụ, phần lớn khu vực miền tây Bắc Mỹ được biết đến là có màu đỏ do đá cát màu đỏ ở đây.
Cát kết thông thường tương đối mềm và dễ gia công, vì thế chúng là loại vật liệu xây dựng và vật liệu lát đường phổ biến. Do độ cứng của các hạt riêng rẽ và tính đồng nhất của kích thước hạt, cũng như bản chất dễ vụn của đá cát nên nó là khoáng chất được ưa chuộng để sản xuất đá mài (làm sắc lưỡi dao và các dụng cụ khác).
____________________
Hiện tại tôi chẳng còn quá sợ hãi về điều gì sẽ xảy đến ngày mai, vì tôi chắc chắn rằng con đường tôi đi từ nay sẽ ngày càng tăm tối. Tôi linh cảm được những tội lỗi mới chắc chắn sẽ nảy sinh từ sai lầm hôm nay, rằng sự hiện diện của tôi giữa các chị – những đứa con vẫn thường chào hỏi và ôm hôn mẹ cha, là một sự giả dối. Và tôi nhận thức rõ ràng được mình đang nuôi nấng một sự dối trá được giấu kín sâu thẳm trong tim.
Trong khoảnh khắc, khi nhìn vào chiếc mũ của cha, tôi cảm thấy tự tin và hy vọng lại le lói bập bùng. Tôi sẽ nói với cha tất cả, sẽ chấp nhận mọi sự trừng phạt từ ông. Cha sẽ trở thành người để tôi xưng tội, và trở thành cứu tinh của tôi. Mọi thứ sẽ chỉ giống như một trong những lần tôi ăn năn hối lỗi, một giờ đầy cay đắng, và một lời thỉnh cầu tha thứ buồn đau.
Điều đó nghe mới thật cám dỗ và ngọt ngào làm sao. Nhưng chẳng có tác dụng gì hết, vì tôi biết mình sẽ không làm thế. Tôi biết giờ mình đang mang một bí mật, mội lỗi lầm mà tôi phải tự mình chuộc tội. Có lẽ tôi đang đứng nơi ngã ba đường, hay có chăng tôi đã mãi mãi đứng trong hàng ngũ những kẻ xấu xa, cùng sẻ chia bí mật cùng họ, phụ thuộc vào họ, phục tùng họ và trở thành một trong số họ. Tôi đã tỏ ra mình là anh hùng, và giờ thì tôi phải gánh lấy hậu quả.
Tôi đã mừng rúm khi cha mắng tôi vì đã để đôi giày lấm bùn. Nó đã đánh lạc hướng sự chú ý của cha ra khỏi cái chuyện động trời ấy và đặt tôi vào tâm thế hứng chịu những lời nhiếc móc mà tôi có thể bí mật đổ lên một lỗi lầm khác, một sai phạm còn nghiêm trọng hơn. Một cảm giác mới mẻ và lạ lẫm chợt lướt qua đầu tôi: Tôi cảm thấy mình còn tuyệt vời hơn cả cha. Trong khoảnh khắc tôi kinh tởm sự ngu dốt của ông. Đáng thương hại biết bao khi ông chỉ nhằm vào đôi giày đầy bùn đất mà quở trách. Cái suy nghĩ "Nếu cha mà biết..." lướt qua khi tôi đứng đó như một kẻ tội đồ đang bị tra khảo vì một ổ bánh mì đi trộm, trong khi những gì hắn thực sự gây ra là một vụ giết người. Đó là một cảm giác ghê tởm nhưng nó cũng mạnh mẽ đầy hấp dẫn. Thứ cảm xúc đó, mang theo bí mật và tội lỗi, trói buộc tôi còn chặt hơn bất cứ thứ gì. Tôi đoán giờ có lẽ Kromer đã đi vạch mặt tôi với cảnh sát, suy nghĩ ấy như sấm chớp bão bùng kéo đến trên đầu tôi. Vậy mà trong khi ấy, cha mẹ vẫn tiếp tục đối xử với tôi như với một đứa trẻ con ngu dại.
Giờ là thời khắc trọng đại bền vững nhất trong tất cả mọi điều tôi đã kinh qua. Đó là vết rạn đầu tiên về hình ảnh thần thánh của cha, đó là kẽ nứt của cây cột trụ chống cả tuổi thơ, chính là thứ mà mỗi chúng ta cần phá hủy để được là chính mình. Nội tại, hay chính là ranh giới quan trọng của số mệnh, luôn hàm chứa trong đó những trải nghiệm vô hình. Những khe hở, những rãnh nứt lại một lần nữa lớn dần, rồi lại chữa lành và sẽ lại bị lãng quên, nhưng tại những nơi bí mật sâu thẳm nhất, những vết thương vẫn hiện hữu và không ngừng rỉ máu.
Ngay lập tức tôi cảm nhận được sự đáng sợ của thứ suy nghĩ này, đến mức tôi có thể quỳ xuống và hôn lấy bàn chân của cha hòng đổi lấy sự tha thứ. Nhưng một người không thể xin lỗi vì một thứ quá giản đơn, và một đứa trẻ có thể nhận thức về điều đó sâu sắc như bất kỳ nhà hiền triết nào.
Tôi cần phải suy nghĩ kỹ về vấn đề của mình, tự ngẫm về những việc tôi phải làm ngày mai. Nhưng thời gian chẳng cho tôi làm điều đó. Tối nào tôi cũng quá bận để cố làm quen với mọi sự đổi thay trong phòng khách. Đồng hồ treo tường và chiếc bàn thấp bé, Thánh Kinh và tấm gương, giá sách và những bức tranh trên tường, tất cả đều đã bỏ tôi ở lại. Với sự lạnh lẽo tê tái trong tim, tôi buộc phải chứng kiến thế giới của tôi, cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, tự do của tôi, đang xa dần và trở thành một phần của quá khứ. Tôi buộc bản thân thừa nhận rằng mình đã nhanh chóng bị thế giới ngoài kia, một nơi đầy tối tăm và lạ lẫm, trói buộc. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm nhận được mùi vị của cái chết. Cái chết có vị đắng cay và chua chát, vì cái chết là nỗi sợ dai dẳng và là sự lo âu về một cuộc tái sinh khủng khiếp.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng có thể đặt lưng lên chiếc giường thân thuộc. Trước đó tôi đã phải chịu đựng những lời cầu nguyện và khúc thánh ca tôi đã từng rất thích. Tôi cảm thấy không thể nào hòa nhập, từng nốt nhạc không ngừng cào xé ruột gan. Khi cha ngâm nga lời cầu nguyện và kết thúc với câu "Chúa sẽ luôn ở bên ta!", có gì đó đã vỡ nát trong tim tôi, tôi đã vĩnh viễn bị đẩy ra ngoài vòng cầu nguyện thân thương ấy. Hồng ân của đức Chúa luôn ở bên họ, chứ chẳng ở còn bên tôi. Tôi bỏ đi, lạnh lẽo và hoàn toàn kiệt quệ.
Nằm trên giường một lúc, cuộn tròn trong hơi ấm và cảm giác an toàn nó mang lại, tôi lại một lần nữa sợ hãi và đắm mình vào sự mơ hồ và lo âu về những gì đã thuộc về quá khứ. Mẹ tôi luôn chúc ngủ ngon trước khi đi ngủ. Tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng bước chân mẹ vang vọng khắp nơi, ánh nến lập lòe vẫn hắt qua khe cửa. Tôi nghĩ giờ mẹ sẽ quay lại một lần nữa, mẹ cảm thấy có gì đó lạ, mẹ sẽ hôn tôi và hỏi han tôi nhẹ nhàng bằng những lời đáng tin. Rồi tôi sẽ khóc, cục nghẹn nơi cổ họng sẽ hoàn toàn tan biến, tôi sẽ choàng tay ra mà ôm lấy mẹ, và mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, vì tôi sẽ được cứu rỗi. Dù cho khe cửa sau đó bị bóng tối nuốt chửng, tôi vẫn tiếp tục lắng nghe và chắc chắn điều đó sẽ xảy ra.
Rồi tôi trở về với những ngổn ngang chất đống và nhìn thẳng vào phía kẻ thù. Tôi thấy cậu ta một cách rõ ràng, với đôi mày nhíu lại, miệng kéo ra một nụ cười độc ác. Khi tôi nhìn cậu ta, tôi lại càng không thể phủ nhận rằng cậu ra càng lớn càng xấu xí cùng đôi mắt nhuốm màu ma quỷ. Cậu ta vẫn đứng đó cho tới khi tôi chìm vào giấc ngủ, nhưng tôi chẳng hề mơ thấy cậu ta hay tất cả những gì xảy ra ngày hôm đó. Tôi mơ về cha mẹ và các chị, khi mình đang nghỉ ngơi trên con thuyền nhỏ chơi vơi, được sự bình yên và ánh sáng chói lòa ôm lấy vẹn tròn. Tôi bật dậy giữa đêm cùng chút dư vị của niềm hạnh phúc, và vẫn nhìn thấy chiếc váy mùa hè mang sắc trắng thuần trong của chị tôi tỏa sáng lung linh đón ánh mặt trời. Rồi tôi rơi khỏi cõi mộng mơ và trở về thực tại, một lần nữa đối mặt với kẻ thù, và ánh mắt đầy hung bạo.
Sáng hôm sau, khi mẹ chạy vào phòng và quở trách rằng muộn rồi mà sao tôi vẫn nằm trên giường, tôi thấy trong người rất khó chịu. Khi mẹ hỏi có chuyện gì sao con, tôi đã nôn.
Như thế này có lẽ lại hay. Tôi thích bị ốm nhẹ, được phép nằm trên giường cả buổi, nhâm nhi tách trà hoa cúc, lắng nghe âm thanh mẹ tôi dọn phòng hay Lina đang cãi nhau với mụ bán thịt ngoài hành lang tầng dưới. Cả buổi sáng không phải đến trường nghe mới hấp dẫn làm sao, tựa như một câu chuyện cổ tích tôi vẫn mơ về. Ánh nắng dạo chơi nơi phòng tôi khác xa thứ ánh sáng gay gắt bị chặn lại mỗi khi những tấm màn xanh ở trường hạ xuống. Nhưng hôm nay, cái cảm giác ấy lại không khiến tôi dễ chịu chút nào, bởi một điều gì đó không đúng vẫn đang hiện hữu.
Ước chăng tôi có thể chết đi. Nhưng vẫn như những lần khác, tôi chỉ có chút không khỏe và điều đó thì chẳng tác dụng gì. Ốm đau giúp tôi cúp học nhưng không thể bảo vệ tôi khỏi sự thật rằng Franz Kromer sẽ đứng chờ lấy tiền lúc mười một giờ ở khu chợ. Và sự quan tâm của mẹ thay vì làm tôi thoải mái lại khiến tôi cảm thấy thật phiền. Tôi diễn một màn buồn ngủ để có thể một mình suy tư, nhưng chẳng thể tìm ra cách giải quyết nào thỏa đáng. Mười một giờ tôi phải ở chợ, vì thế khi đồng hồ điểm mười giờ, tôi lặng lẽ thay đồ và nói với mẹ rằng mình đã cảm thấy khá hơn. Và lần nào cũng thế, mẹ đều quả quyết: một là quay ngay về giường, hai là chiều nay liệu mà đến trường. Tôi nói mình rất vui nếu được trở lại trường, vì trong đầu tôi đã có kế hoạch. Tôi không thể cứ đi tay không đến gặp Kromer, tôi phải lấy được ống tiết kiệm dù biết rằng trong đó cũng chẳng có nhiều nhặn gì. Nhưng có còn hơn không, mong sao ít nhất Kromer có thể phần nào nhân nhượng.
Xỏ chân vào chiếc tất mềm mại, tôi rón rén từng bước tội lỗi vào phòng mẹ và trộm cái ống tiết kiệm trên bàn. Hành động này chẳng tệ bằng một nửa những gì xảy ra hôm qua với Kromer. Tim tôi đập nhanh đến mức tưởng như thắt lại. Tôi vẫn chưa thể thở phào khi đi xuống cầu thang và phát hiện ra ống tiền bị khóa. Việc mở khóa đơn thuần chỉ là giật mạnh miếng thiếc. Nhưng đau đớn thay giây phút cái móc khóa bật mở, tôi đã thực sự biến thành kẻ trộm. Trước tới giờ tôi mới chỉ trộm vài miếng đường hay hoa quả, nhưng lần này thì nghiêm trọng hơn rất nhiều, dù cho hiện tại tôi đang trộm chính tiền của tôi. Tôi cảm nhận được mình đang tiền một bước gần hơn tới Kromer và cái thế giới cậu ta thuộc về, cảm nhận được mọi thứ tốt đẹp đang trượt dốc. Tôi bắt đầu trở nên ngoan cố, khôn ngoan thì sống, dại dột thì chết. Tôi không quay đầu được nữa. Tôi chỉ có thể bắt đầu đếm tiền trong lo sợ. Âm thanh leng keng trong ống tiết kiệm cho tôi cảm giác có rất nhiều tiền, nhưng dốc ra chỉ vỏn vẹn có sáu mươi lăm pen-níc [5] . Tôi giấu chiếc hộp ở tầng trệt, siết chặt từng đồng trong tay và ra khỏi nhà. Chưa một lần nào bước qua cánh cửa đó mà tôi lại mang theo thứ cảm xúc khác lạ đến thế. Tôi nghe ai đó gọi mình từ trên lầu, nhưng tôi vẫn nhanh chóng rời đi.
Vẫn còn khá nhiều thời gian. Đi qua con đường quanh co, dưới vòm trời u ám tôi chưa một lần nhìn rõ, qua những ngôi nhà và những kẻ nhìn tôi đầy nghi hoặc, tôi lẩn mình vào trong những con ngõ nhỏ. Tôi chợt nhớ ra có một người bạn cùng trường đã từng nhặt được một đồng thaler [6] ở trong chợ gia súc. Tôi đã có thể quỳ xuống và xin Chúa hãy ban xuống một phép màu để tôi nhận được may mắn như vậy, nhưng tôi hiện tại chẳng có tư cách để ước vọng điều gì. Vì thế mong ước chiếc hộp nguyện cầu được vẹn toàn trở lại sẽ cần đến một phép màu thứ hai.
____________________
[5] Đồng Pen- níc (Pfennig) Một trăm Pfennig thì bằng một Mark.
[6] Đồng Thaler: Cái tên "thaler" là từ viết tắt của "Joachimsthaler", nhằm chỉ những đồng xu được đúc từ loại bạc khai thác ở thung lũng Joachimstha (nay thuộc Cộng hòa Séc). Và đây cũng là nơi mà đồng xu bạc được đúc lần đầu tiên vào năm 1518. Đồng này từng được sử dụng khắp châu Âu trong vòng gần 400 năm. Đồng Dollar sau này chính là biến thể từ chữ "thaler". Một thaler bằng 3 marks.
____________________
Franz Kromer đã thấy tôi từ đằng xa, cậu ta tiến lại một cách chậm rãi và dường như lờ tôi đi. Nhưng khi đến gần, cậu ta bắt đầu hống hách ra hiệu cho tôi đi theo. Chúng tôi lững thững đi dọc theo ngõ Stroh, qua cây cầu đi bộ, cậu ta không quay lại nhìn tôi một lần nào cho đến khi dừng lại trước một tòa nhà ở ngoại ô. Chẳng có ai làm việc ở nơi này, những bức tường trơ trụi, không có cửa sổ hay cửa ra vào. Kromer nhìn quanh rồi đi vào. Tôi theo cậu ta đến phía sau bức tường, nhìn cậu ta ra hiệu rồi xòe tay ra.
"Mày có mang tiền không?" Cậu ta lạnh lùng.
Tôi đưa bàn tay vẫn đang nắm chặt ra khỏi túi và thả toàn bộ số tiền vào lòng bàn tay cậu ta. Kromer đã đếm được hết số tiền trước cả khi đồng pen-níc cuối cùng rơi xuống.
"Chỉ có sáu mươi lăm pen-níc." Cậu ta nhìn tôi và nói.
"Phải, đó là tất cả những gì tôi có. Tôi biết là không đủ, nhưng thực sự chỉ có nhiêu đó." Tôi lo lắng trả lời.
"Tao đã nghĩ mày phải thông minh hơn cơ." Cậu ta trách móc nhẹ nhàng. "Vì danh dự mày phải làm đúng chứ. Tao không muốn lấy cái gì của mày nếu nó không đủ số lượng. Cầm tiền về đi. Người mà mày cũng biết là ai ấy, ông ấy không có ý định giảm tiền thưởng đâu, mà còn trả thêm nữa kìa."
"Nhưng tôi thực sự không còn đồng nào nữa cả. Đây là toàn bộ tiền tiết kiệm tôi có."
"Đấy là việc của mày. Nhưng tao không muốn làm mày buồn đâu. Mày nợ tao một mác ba mươi lăm pen-níc. Khi nào mày định trả?"
"Cậu chắc chắn sẽ có đủ mà Kromer, tôi chỉ không chắc là khi nào, nhưng có lẽ tôi sẽ có thêm chút ít vào ngày mai hoặc ngày kia. Cậu biết mà, tôi không thể hé răng nửa lời với cha về chuyện này."
"Tao không quan tâm. Mày thừa biết nếu tao muốn, thì tiền lẽ ra đã về tay tao trước buổi trưa rồi, và cái nữa là tao nghèo. Mày mặc quần áo đắt tiền, và được ăn ngon hơn tao. Nhưng tao sẽ không nói gì cả, tao có thể chờ. Ngày kia tao sẽ huýt sáo gọi mày, mày biết tiếng huýt sáo của tao như thế nào rồi nhỉ."
Tôi biết, trước đây tôi đã nghe âm thanh này.
"Tôi biết rồi." Tôi nói.
Cậu ta bỏ đi như thể trước giờ chưa quen biết gì tôi. Quan hệ của chúng tôi chẳng có gì hơn ngoài cái giao dịch này.
Tôi nghĩ tiếng huýt sáo của Kromer sẽ dọa tôi sợ chết khiếp ngay hôm nay nếu như bất tình lình tôi nghe thấy nó. Từ giờ tôi sẽ phải nghe thứ âm thanh đó lặp lại, cảm giác như tôi đã nghe nó suốt thời gian qua. Không có nơi nào, trò chơi, hoạt động hay suy nghĩ nào mà tiếng huýt sáo của cậu ta không văng vẳng. Âm thanh đó biến tôi thành nô lệ của cậu ta, tưởng chừng như số mệnh định tôi phải vậy. Tôi vẫn thường đến một vườn hoa nhỏ, nơi mang cho tôi sự bình yên trong những buổi chiều thu nhuộm đầy màu hoa cỏ. Một cảm giác kỳ lạ thôi thúc tôi chơi lại những trò chơi trẻ con thuở thiếu thời, trở thành một ai trẻ hơn tôi thật sự, một người tốt đẹp và tự do, vô tư và an toàn. Nhưng giữa lúc tôi đắm chìm trong chốn thiên đường ấy –từ nơi nào đó, tiếng huýt sáo của Kromer vọng lại, phá hủy cuộc vui và nghiền nát ảo tưởng của tôi. Rồi tôi cũng phải rời bỏ khu vườn để đi theo kẻ hành hạ tôi đến những nơi xấu xí và tệ hại. Ở nơi đó, tôi phải đưa hắn số tiền ít ỏi đáng thương của mình và ép bản thân phải trả đủ. Toàn bộ sự việc có lẽ kéo dài vài tuần vậy mà tôi tưởng chừng như đã trải qua đến mấy năm hay phải chăng là suốt thuở. Tôi hiếm khi có tiền, nhiều nhất chỉ là năm hay mười pen-níc trộm từ bàn bếp khi Lina quăng cái giỏ đi chợ lăn lóc. Kromer ngày càng khinh miệt tôi mắng nhiếc tôi mỗi lần, rằng tôi đã lừa cậu ta, cướp đi những thứ đáng ra thuộc về cậu ta, ăn trộm của cậu ta, khiến cậu ta trở nên khốn khổ. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi lại cảm thấy đau đớn, tuyệt vọng như một tên nô lệ đến thế.
Tôi để vào ống tiết kiệm mấy đồng bạc đồ chơi và đặt nó trở lại bàn của mẹ tôi. Chẳng ai hỏi đến số tiền ấy, nhưng cảm giác rằng mọi người có thể sẽ hỏi lúc nào cũng thường trực trong tôi. Điều làm tôi sợ hãi còn hơn cả tiếng huýt sáo hung dữ của Kromer lúc này đây chính là tiếng bước chân ngày một gần của mẹ, phải chăng mẹ tới để tra hỏi tôi về cái ống tiết kiệm đó?
Vì tôi đã đi tay không đến gặp kẻ hành hạ mình suốt thời gian qua quá nhiều lần, cậu ta bắt đầu tìm đủ cách để quấy phá và lợi dụng tôi. Tôi phải làm mọi việc theo lệnh của cậu ta, kể cả những việt lặt vặt bố cậu ta sai làm. Có khi cậu ta lại yêu cầu tôi phải làm những trò khó nhằn như nhảy lò cò một chân trong mười phút, dán giấy vào sau lưng người qua đường. Bao đêm trong những giấc mơ tôi đã tự thêm thắt đủ thứ vào những màn tra tấn ấy và nằm ngập trong vũng mồ hôi vì những giấc mộng đêm khuya.
Có những khi tôi thực sự ốm nặng. Tôi nôn mửa liên tục, được vài lần hạ sốt thì đến đêm cơ thể lại nóng ran và đẫm mồ hôi. Mẹ tôi nhận ra có điều không ổn và không ngừng túc trực quan tâm. Nhưng điều đó chỉ tra tấn tôi đau gấp bội vì tôi chẳng thể đáp lời rồi phó thác tất thảy cho bà.
Vào một đêm sau khi tôi đã chìm vào mộng mị, mẹ mang cho tôi một thanh sô-cô-la, gợi nhớ cho tôi về những ngày xưa cũ, mỗi khi ngoan ngoãn sẽ được nhận quà. Giờ mẹ đứng đó và đưa tôi thanh kẹo ngọt ngào, ánh nhìn bi thương đến mức tôi chỉ có thể im lặng lắc đầu. Khẽ khàng vuốt tóc tôi và hỏi chuyện, nhưng tôi chỉ có thể trả lời:
"Không! Con giờ không muốn ăn gì cả."
Mẹ lặng lẽ để thanh sô-cô-la lên bàn và rời đi. Sáng hôm sau, khi mẹ hỏi về lý do tôi hành xử kỳ lạ trong đêm trước đó, tôi chỉ có thể vờ như mình đã quên hết mọi chuyện. Có lần mẹ đưa tôi đi kiểm tra, bác sỹ đã khám và dặn tôi tắm nước lạnh vào buổi sáng. Khi ấy tình trạng tôi tồi tệ đến điên rồ. Giữa sự bình yên trật tự trong nhà, tôi lại sống đầy hổ thẹn, đau đớn như một bóng ma. Tôi không can dự vào cuộc sống của người khác nữa, tôi gần như đã quên mất chính bản thân trong một thời khắc nào đó. Còn với cha, người vẫn thường cáu kỉnh và hỏi tôi có chuyện gì, tôi đã trở nên hoàn toàn lạnh nhạt.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro