Chương I
Sau bao đêm suy nghĩ, tôi quyết định đặt tên cho bộ truyện này là "Đề Hồ Truyện"
Ngoài ra còn có thêm một cái "Ngoại Truyện". Nhưng tính thì mới tính thế thôi, chứ khi nào có thời gian mới thực hiện được.
Trước hết mới các bạn đọc Đoạn Sơ Lược thứ nhất của "Đề Hồ Truyện".
Tác giả rút lui, cuộc vui bắt đầu!
—————————————————————
“Đề Hồ Chính Truyện”
Thể loại: Linh Dị, Thần Thoại, Dã Sử, Thuần Việt.
Đoạn Sơ Lược Thứ Nhất
Phần chính truyện của Đề Hồ Phủ mà tôi đã ngâm cứu gồm hai phần, kể về hai đời đầu của tước Đề Hồ Hầu.
Tôi định là quyển này sẽ kể về đời thứ hai, vị Đề Hồ Hầu con. Nhưng không có cha làm sao có con, nên vài chương đầu đành phải dành ra để nói về gốc gác dòng họ này .
Vị Hầu gia cha tên Phạm Thân, người xứ Quảng Nam, xuất thân từ một gia đình thương nhân giàu có nhất nhì ở vùng Hoài Phô (1). Ông sinh vào năm Minh Đức thứ năm, Bính Thân 1536, buổi đầu nhà Mạc (2).
Cha Phạm Thân là thương nhân ở Hoài Phô. Ông có hai người vợ. Năm mười tám tuổi, Ông cưới người vợ đầu, sinh được hai người con trai. Cuộc đời ông phần nhiều là đi làm ăn đây đó. Cứ một hai tháng là cùng đoàn thuyền buôn lênh đênh biển cả.
Đến khi ông cưới người vợ thứ hai thì đã năm mươi hai tuổi. Cưới về hơn một năm thì bà sinh Phạm Thân. Ba năm sau, bà sinh em gái ông.
Gia đình thương nhân tài phú bạc vạn, có nếp có tẻ, nhưng địa vị không cao, luôn bị người đời xem thường bởi cái mác thương nhân, con buôn.
Cuối thời Lê Sơ (3), cha Phạm Thân dựa vào tài lực, đi một bài “nâng cấp” thanh danh dòng họ. Ông không tiếc tiền của, kết giao với giới quý tộc, quan lại. Thường xuyên từ thiện, xây chùa. Dần già danh tiếng được nâng lên một bậc, thành “thương nhân quảng giao, đức độ”. Nhưng ông vẫn canh cánh trong lòng, luôn muốn loại bỏ cái mác thương nhân, muốn người đời phải ngước nhìn.
Ông quyết định đầu tư đào tạo ba người con trai. Nghe trong vùng trường nào tốt đều cho đi học. Lại học theo cốt cách nhà quý tộc mà thuê thầy dạy cho các con đầy đủ Lục Nghệ - Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự,Thư, Số (4). Sau dùng quan hệ xin cho con vào học ở trường phủ. Dự định sau vài năm sẽ cho đi thi. Cầu mong đỗ đạt ra làm quan.
Từ dòng con buôn thành dòng tiến sĩ, đúng là vẻ vang lắm thay. Nhưng người tính thường không bằng trời tính.
Người con cả là người thông minh, văn hay chữ tốt, học hành cũng có vài phần bản lĩnh. Tương lai rất có thể đỗ đạt làm quan.
Từ những năm cuối Lê Sơ đến những năm đầu nhà Mạc (5), người anh cả đi thi Hương tổng cộng ba lần, nhưng cả ba lần đều gặp sự cố oái oăm. Lần cuối đi thi thì thấy rõ là bị một vong nữ theo ám, hành cho đau đầu đến bất tỉnh.
Sau lần đó, gia đình nhờ chùa Phật Ấn, nổi tiếng nhất xứ, giúp đỡ. Sư trụ trì ở chùa là người đạo hạnh, pháp lực cao thâm, nhìn ra người anh cả có một đoạn duyên âm vô cùng phức tạp. Các sư thầy trong chùa làm đủ các phép, nhưng căn bản vẫn không cắt được duyên âm.
Người anh cả cưới ba đời vợ. Hai người trước đều bị vong nữ phá, không ở được phải ly hôn. Riêng người cuối cùng thì bị sảy thai rồi chết. Từ đó ông không lập gia đình nữa, chuyên tâm tiếp quản cơ nghiệp gia đình.
Đến năm ba mươi ba tuổi, nhiều chuyện kỳ lạ liên tục xảy ra khiến người anh cả chết hụt mấy lần. Cuối cùng, sau một lần tự tử hụt, ông xuất gia tại chùa Phật Ấn. (Chuyện ông này khá là liêu trai mà lại dài, nên tôi bỏ vào phần ngoại truyện)
Người con thứ là người có đầu óc linh hoạt, rất biết cách kinh doanh, nhưng tính tình lại là kẻ chơi bời, không màng chuyện học hành, đam mê sưu tầm đồ gốm cổ.
Người này đặc biệt rất thích bài bạc, cá cược. Bất kể cái gì cũng có thể đem ra cá cược được. Cũng may là nhờ đầu óc linh hoạt mà thắng nhiều hơn thua, không ít đồ gốm sưu tập được là nhờ thắng cược.
Quanh Hoài Phô còn truyền nhau một giai thoại về người anh thứ hai. Người ta nói ông đã từng cá cược với cả yêu tinh, ấy vậy mà còn thắng cược. Nhưng cũng vì việc này mà chuyện không may đã xảy đến với ông. Gia đình người anh thứ hai mất trong một vụ hỏa hoạn năm Ất Sửu, 1565. (Giai thoại này kể ra thì ly kỳ, lại dài nên tôi cũng bỏ vào phần ngoại truyện)
Còn người con thứ ba, Phạm Thân thì lại càng trớ trêu. Ở ông hội tụ một chút thông minh của người anh cả, nhưng lại không đủ để theo nghiệp sách vở. Lại có thêm chút linh hoạt của người anh thứ, nhưng cũng chưa đến mức đủ để thành danh. Cái duy nhất ông hơn hai anh là sức lực và sự dũng cảm.
Từ năm tám tuổi, nhờ quan hệ của cha mà ông được vào học tại trường phủ. Lại còn đặc biệt được dạy dỗ bởi chính ngài phó Đốc Học, một nho sĩ nổi tiếng, với số lượng học trò ra làm quan khá đông. (chức này gần giống phó hiệu trưởng ngày nay)
Sau khi học hành chăm chỉ được hai năm, Phạm Thân ngày càng trở nên lơ đễnh. Ông suốt ngày ngóng qua xạ trường. Nơi này là trại huấn luyện của các võ sinh. Văn sinh được vào xạ trường hai lần một tuần để tập cung thuật.
Những lúc rảnh rỗi, thay vì đọc sách, viết chữ thì ông trốn qua xạ trường tập luyện cung kỵ, võ thuật.
Không lâu sau, ông xin cha cho qua hẳn xạ trường học tập võ nghệ. Cha ông phản đối lắm. Thời buổi Nam Bắc triều (6) này, đúng là không ít người nổi lên nhờ bản lĩnh trên chiến trường, nhưng phần đông thì chỉ có đi mà không có về.
Đấu tranh tâm lý, thuyết phục một thời gian mà không lây chuyển được cha, cuối cùng Phạm Thân nhờ thầy mình, ngài phó Đốc Học, đến thuyết phục.
Ngài phó Đốc Học là người trực tiếp dạy bảo Phạm Thân nên ngài hiểu rõ con người Thân. Ngài cũng biết những năm này dưới sự cai quản của nhà Lê Trung Hưng, nền giáo dục ở xứ Quảng Nam bị bỏ bê. Từ ngày tiếp quản đến nay chưa từng tổ chức khoa thi. Không ít học trò xuất thân văn ban nhưng cuối cùng cũng đành tòng quân đi lính, hoặc về quê kiếm kế sinh nhai.
Sau khi nghe ngài phó Đốc Học khuyên bảo và quan sát biểu hiện võ lực của Phạm Thân, cha ông cuối cùng cũng chấp nhận cho ông theo nghiệp binh đao.
Nhưng xạ trường thời gian này là trường sĩ quan cao cấp, là đích đến của không ít con ông cháu cha, nên thường xuyên hết chỗ. Cha Phạm Thân đã phải tốn không ít quan hệ, cùng tiền tệ mới xin được cho ông một xuất thi xét tuyển.
Năm Nhâm Tý, 1552, Chiến tranh giữa nhà Mạc và nhà Lê Trung Hưng đang hồi ác liệt. Phạm Thân năm đó mười sáu tuổi, thi tốt nghiệp ở Xạ Trường đạt Võ Sĩ loại ưu, được bổ làm Võ Úy.
Đây là chức quan võ nhỏ, Tòng Lục Phẩm, nhưng cuối cùng ông cũng hoàn thành được ước nguyện bao năm qua của người cha thương nhân.
Hai tháng sau ông từ biệt gia đình, theo quân ra Bắc, đánh quân Mạc ở Thanh Hoa (6). Cuối năm đó cha ông mất, thọ bảy mươi tuổi.
Năm Kỷ Tỵ, 1569, thời cuộc phía Nam lại có một chuyển biến lớn. Cuộc gặp gỡ với một nhân vật đặc biệt đã khiến cuộc đời Phạm Thân rẽ sang một hướng mới.
Hết Đoạn Sơ Lược Thứ Nhất.
Chú Thích:
1. Hoài Phô - Hội An ngày nay.
2. Nhà Mạc - Bắt đầu từ năm 1527, khi Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhà Hậu Lê nhường ngôi và chấm dứt Mạc Toàn lên ngôi, bị quân đội Lê-Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy đánh bại vào tháng 2 năm 1593.
3. Nhà Lê Sơ - Được thành lập sau khi Lê Lợi đánh bại nhà Minh. Đây là thời kỳ mà chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền trong lịch sử Việt Nam lần đầu tiên đạt đến đỉnh cao của sự phát triển cũng như suy thoái của nó. (1427-1527)
4. Lục Nghệ - Lễ Nghĩa, Âm Nhạc, Bắn Cung, Cưỡi Ngựa, Thư Pháp, Toán Học.
5. Đây là Khoảng thời gian 20 năm, tính từ triều Vua Lê Tương Dực của nhà Lê Sơ, đến hết triều Vua đầu tiên của nhà Mạc, Mạc Đăng Dung (1509-1529)
6. Nam Bắc Triều - Khoảng thời gian nhà Mạc cầm quyền tại Thăng Long, gọi là Bắc triều và nhà Hậu Lê bắt đầu trung hưng, chiếm được vùng đất từ Thanh Hóa trở vào Nam, gọi là Nam triều. (1533 - 1593)
7. Thanh Hoa - hay còn gọi là Tây Đô. Ngày nay là tỉnh Thanh Hoá.
—————————————————————
Tái bút: Chuyện trên hư hư thực thực, thần thoại, kỳ ảo nên chẳng rõ thật được mấy phần. Các bạn đọc thì cứ xem như giải trí. Mọi sự tương đồng với con người, sự việc ngoài đời thật thì chẳng qua chỉ là trùng hợp
Cảm ơn các bạn đã dành chút thời gian đọc truyện
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro