Đề Cương Mác-Lenin C2
CHƯƠNG II:
Câu 1: Hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật?
1. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến
Đặt vấn đề: Các sự vật, hiện tượng của thế giới có mối liên hệ qua lại, tác động, ảnh
hưởng lẫn nhau hay chúng tồn tại biệt lập, tách rời nhau?Nếu chúng có mối liên hệ qua lại thì cái gì qui định mối liên hệ đó?
-Trình bày quan điểm siêu hình, quan điểm biện chứng, chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa
duy vật biện chứng về vấn đề này.
a) Khái niệm mối liên hệ, mối liên hệ phổ biến
-Trong phép biện chứng, khái niệm mối liên hệ dùng để chỉ sự quy định, sự tác động và
chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, hay giữa các mặt, các yếu tố của mỗi sự
vật, hiện tượng trong thế giới.
- Khái niệm mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ tính phổ biến của các mối liên hệ của các
sự vật, hiện tượng của thế giới, đồng thời cũng dùng để chỉ các mối liên hệ tồn tại ở nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới, trong đó những mối liên hệ phổ biến nhất là những mối liên hệ tồn tại ở mọi sự vật, hiện tượng của thế giới, nó thuộc đối tượng nghiên cứu của phép biện chứng. Đó là các mối liên hệ giữa: các mặt đối lập, lượng và chất, khẳng định và phủ định, cái chung và cái riêng, bản chất và hiện tượng, v.v.
b) Tính chất của các mối liên hệ
Tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng, phong phú là những tính chất cơ bản
của các mối liên hệ.
- Tính khách quan của các mối liên hệ
Sự qui định lẫn nhau, tác động lẫn nhau và làm chuyển hóa lẫn nhau của các sự vật,
hiện tượng (hoặc trong bản thân chúng) là cái vốn có của nó, tồn tại độc lập không phụ
thuộc vào ý chí của con người; con người chỉ có thể nhận thức và vận dụng các mối liên hệ đó trong hoạt động thực tiễn của mình. Cơ sở lý luận của tính khách quan, tính phổ biến của mối liên hệ phổ biến chính là ở tính thống nhất vật chất của thế giới.
- Tính phổ biến của các mối liên hệ.
Không có sự vật, hiện tượng nào tồn tại tuyệt đối biệt lập với các sự vật, hiện tượng
hay quá trình khác. Đồng thời, cũng không có bất cứ sự vật, hiện tượng nào không phải là
một cấu trúc hệ thống, bao gồm những yếu tố cấu thành với những mối liên hệ bên trong
của nó.
- Tính đa dạng, phong phú của mối liên hệ.
Các sự vật, hiện tượng khác nhau đều có những mối liên hệ cụ thể khác nhau,
giữ vị trí, vai trò khác nhau đối với sự tồn tại và phát triển của nó; mặt khác, cùng
một mối liên hệ nhất định của sự vật nhưng trong những điều kiện cụ thể khác
nhau, ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình vận động, phát triển của sự vật
thì cũng có những tính chất và vai trò khác nhau.
c) Ý nghĩa phương pháp luận
- Từ tính khách quan và phổ biến của các mối liên hệ đã cho thấy trong hoạt động nhận
thức và thực tiễn cần phải có quan điểm toàn diện.
Quan điểm toàn diện đòi hỏi trong nhận thức và xử lý các tình huống thực tiễn cần
phải xem xét sự vật trong mối quan hệ biện chứng qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt của chính sự vật và trong sự tác động qua lại giữa sự vật đó với các sự vật khác. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể nhận thức đúng về sự vật và xử lý có hiệu quả các vấn đề của đời sống thực tiễn. Như vậy, quan điểm toàn diện đối lập với quan điểm phiến diện, siêu hình trong nhận thức và thực tiễn.
- Từ tính chất đa dạng, phong phú của các mối liên hệ đã cho thấy trong hoạt động
nhận thức và thực tiễn khi thực hiện quan điểm toàn diện thì đồng thời cũng cần phải kết
hợp với quan điểm lịch sử - cụ thể.
Quan điểm lịch sử - cụ thể yêu cầu trong công việc nhận thức và xử lý các tình huống
trong hoạt động thực tiễn cần phải xét đến những tính chất đặc thù của đối tượng nhận thức và tình huống phải giải quyết khác nhau trong thực tiễn. Phải xác định rõ vị trí, vai trò khác nhau của mỗi mối liên hệ cụ thể trong những tình huống cụ thể để từ đó có được những giải pháp đúng đắn và có hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề thực tiễn. Như vậy, trong nhận thức và thực tiễn không những cần phải tránh và khắc phục quan điểm phiến diện, siêu hình mà còn phải tránh và khắc phục quan điểm chiết trung, ngụy biện.
- Liên hệ việc vận dụng các quan điểm trên trong cuộc sống lao động , học tập của bản thân.
2. Nguyên lý về sự phát triển.
a) Khái niệm phát triển
So sánh quan điểm biện chứng và quan điểm siêu hình về sự phát triển.
Trong lịch sử triết học, quan điểm siêu hình xem sự phát triển chỉ là sự tăng, giảm
thuần túy về lượng, không có sự thay đổi về chất của sự vật; đồng thời, nó cũng xem sự phát
triển là quá trình tiến lên liên tục, không trải qua những bước quanh co phức tạp.
Đối lập với quan điểm siêu hình, trong phép biện chứng khái niệm phát triển dùng để
chỉ quá trình vận động của sự vật theo khuynh hướng đi lên từ trình độ thấp đến trình độ
cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.
Như vậy, khái niệm phát triển không đồng nhất với khái niệm “vận động” (biến đổi)
nói chung; đó không phải là sự biến đổi tăng lên hay giảm đi đơn thuần về lượng hay sự
biến đổi tuần hoàn lặp đi lặp lại ở chất cũ mà là sự biến đổi về chất theo hướng ngày càng
hoàn thiện của sự vật ở những trình độ ngày càng cao hơn.
Phát triển cũng là quá trình phát sinh và giải quyết mâu thuẫn khách quan vốn có của
sự vật; là quá trình thống nhất giữa phủ định những nhân tố tiêu cực và kế thừa, nâng cao
nhân tố tích cực từ sự vật cũ trong hình thái mới của sự vật.
b) Tính chất của sự phát triển
Các quá trình phát triển đều có tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng, phong
phú.
- Tính khách quan của sự phát triển biểu hiện trong nguồn gốc của sự vận động và
phát triển. Đó là quá trình bắt nguồn từ bản thân sự vật, hiện tượng; là quá trình giải quyếtmâu thuẫn trong sự vật, hiện tượng đó. Vì vậy, phát triển là thuộc tính tất yếu, khách quan, không phụ thuộc vào ý thức của con người.
- Tính phổ biến của sự phát triển được thể hiện ở các quá trình phát triển diễn ra trong
mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy; trong tất cả mọi sự vật, hiện tượng và trong mọi quá trình, mọi giai đoạn của sự vật, hiện tượng đó. Trong mỗi quá trình biến đổi đã bao hàm khả năng dẫn đến sự ra đời của cái mới, phù hợp với quy luật khách quan.
- Tính đa dạng, phong phú của sự phát triển được thể hiện ở chỗ: phát triển là khuynh
hướng chung của mọi sự vật, hiện tượng, song mỗi sự vật, mỗi hiện tượng, mỗi lĩnh vực
hiện thực lại có quá trình phát triển không hoàn toàn giống nhau.
c) Ý nghĩa phương pháp luận
Nguyên lý về sự phát triển là cơ sở lý luận khoa học để định hướng việc nhận thức thế
giới và cải tạo thế giới. Theo nguyên lý này, trong mọi nhận thức và thực tiễn cần phải có
quan điểm động, quan điểm phát triển. Theo V.I.Lênin: “Lôgích biện chứng đòi hỏi phải xét sự vật trong sự phát triển, trong “sự tự vận động”…, trong sự biến đổi của nó”.
Quan điểm phát triển đòi hỏi phải khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, định kiến, đối lập
với sự phát triển.
Theo quan điểm phát triển, để nhận thức và giải quyết bất cứ vấn đề gì trong thực tiễn,
một mặt cần phải đặt sự vật, hiện tượng theo khuynh hướng đi lên của nó; mặt khác con
đường của sự phát triển lại là một quá trình biện chứng, bao hàm tính thuận nghịch, đầy
mâu thuẫn, vì vậy đòi hỏi chúng ta phải nhận thức được tính quanh co, phức tạp của sự vật,
hiện tượng trong quá trình phát triển của nó, tức là cần phải có quan điểm lịch sử - cụ thể trong nhận thức và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, phù hợp với tính chất phong phú, đa dạng, phức tạp của nó.
Câu 2: Ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật ?
1.Qui luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và
ngược lại.
- Vị trí của qui luật: Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những
sự thay đổi về chất và ngược lại là quy luật cơ bản, phổ biến về phương thức chung của các quá trình vận động, phát triển trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
a) Khái niệm chất, lượng
- Trong phép biện chứng, khái niệm chất dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có
của sự vật, hiện tượng; là sự thống nhất hữu cơ các thuộc tính cấu thành nó, phân biệt nó với cái khác.
Như vậy, tạo thành chất của sự vật chính là các thuộc tính khách quan vốn có của sự
vật nhưng khái niệm chất không đồng nhất với khái niệm thuộc tính. Mỗi sự vật, hiện tượng đều có những thuộc tính cơ bản và không cơ bản. Chỉ những thuộc tính cơ bản mới hợp thành chất của sự vật, hiện tượng. Khi những thuộc tính cơ bản thay đổi thì chất của nó thay đổi. Việc phân biệt thuộc tính cơ bản và không cơ bản của sự vật phải tùy theo quan hệ cụ thể của sự phân tích; cùng một thuộc tính, trong quan hệ này là cơ bản thì trong quan hệ khác có thể là không cơ bản.
Mặt khác, chất của sự vật, hiện tượng không những được xác định bởi chất của các yếu
tố cấu thành mà còn bởi cấu trúc và phương thức liên kết giữa chúng, thông qua các mối
liên hệ cụ thể. Vì vậy, việc phân biệt thuộc tính cơ bản và không cơ bản, chất và thuộc tính cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Mỗi sự vật, hiện tượng không chỉ có một chất, mà có nhiều chất, tùy thuộc vào các mối quan hệ cụ thể của nó với những cái khác. Chất không tồn tại thuần túy tách rời sự vật, biểu hiện tính ổn định tương đối của nó.
- Khái niệm lượng dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật về các
phương diện: số lượng các yếu tố cấu thành, quy mô của sự tồn tại, tốc độ, nhịp điệu của các quá trình vận động, phát triển của sự vật. Với khái niệm này cho thấy: một sự vật có thể tồn tại nhiều loại lượng khác nhau, được xác định bằng các phương thức khác nhau phù hợp với từng loại lượng cụ thể của sự vật.
Như vậy, chất và lượng là hai phương diện khác nhau của cùng một sự vật, hiện tượng
hay một quá trình nào đó trong tự nhiên, xã hội hay tư duy. Hai phương diện đó đều tồn tại khách quan. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa chất và lượng trong quá trình nhận thức về sự vật chỉ có ý nghĩa tương đối: có cái trong mối quan hệ này đóng vai trò là chất nhưng trong mối quan hệ khác lại là lượng.
b) Quan hệ biện chứng giữa chất và lượng
Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng là một thể thống nhất giữa hai mặt chất và lượng.
Hai mặt đó không tách rời nhau mà tác động lẫn nhau một cách biện chứng.
+ Qui luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất:
- Sự thay đổi về lượng tất yếu sẽ dẫn tới sự chuyển hóa về chất của sự vật, hiện tượng.
Tuy nhiên, không phải sự thay đổi về lượng bất kỳ nào cũng dẫn đến sự thay đổi về chất. Ở một giới hạn nhất định, sự thay đổi về lượng chưa dẫn tới sự thay đổi về chất. Giới hạn mà sự thay đổi về lượng chưa làm chất thay đổi được gọi là độ.
- Khái niệm độ chỉ tính quy định, mối liên hệ thống nhất giữa chất và lượng, là khoảng
giới hạn mà trong đó sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi căn bản chất của sự vật, hiện tượng. Vì vậy, trong giới hạn của độ, sự vật, hiện tượng vẫn còn là nó, chưa chuyển hóa thành sự vật và hiện tượng khác.
- Sự vận động, biến đổi của sự vật, hiện tượng thường bắt đầu từ sự thay đổi về lượng.
Khi lượng thay đổi đến một giới hạn nhất định thì sẽ tất yếu dẫn đến sự thay đổi về chất.
Giới hạn đó chính là điểm nút. Điểm nút là khái niệm triết học dùng để chỉ thời điểm mà tại đó sự thay đổi về lượng đã đủ làm thay đổi về chất của sự vật.
Sự thay đổi về lượng khi đạt tới điểm nút, với những điều kiện nhất định tất yếu sẽ
dẫn đến sự ra đời của chất mới. Đây chính là bước nhảy trong quá trình vận động, phát triển của sự vật. Như vậy, bước nhảy là khái niệm triết học dùng để chỉ sự chuyển hóa về chất của sự vật do sự thay đổi về lượng của sự vật trước đó gây nên.
Bước nhảy là sự kết thúc một giai đoạn vận động, phát triển; đồng thời đó cũng là điểm
khởi đầu cho một giai đoạn mới, là sự gián đoạn trong quá trình vận động, phát triển liên tục của sự vật. Trong thế giới, luôn luôn diễn ra quá trình biến đổi tuần tự về lượng dẫn đến bước nhảy về chất, tạo ra một đường nút vô tận, thể hiện cách thức vận động và phát triển của sự vật từ thấp đến cao. Ph.Ăngghen khái quát tính tất yếu này: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất”.
+ Các hình thức cơ bản của bước nhảy.
Bước nhảy là sự chuyển hóa tất yếu trong quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng.
Sự thay đổi về chất diễn ra với nhiều hình thức bước nhảy khác nhau, được quyết định bởi mâu thuẫn, tính chất và điều kiện của mỗi sự vật. Đó là các bước nhảy: Bước nhảy đột biến, bước nhảy dần dần, bước nhảy toàn bộ, bước nhảy cục bộ.
+ Khi chất mới ra đời lại có sự tác động trở lại lượng của sự vật. Chất mới tác động
tới lượng của sự vật trên nhiều phương diện như: làm thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ,
nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật.
Tóm lại, bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng có sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt
chất và lượng. Sự thay đổi dần dần về lượng tới điểm nút tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất thông qua bước nhảy. Đồng thời, chất mới ra đời sẽ tác động trở lại lượng của sự vật, tạo ra những biến đổi mới về lượng của sự vật. Quá trình đó liên tục diễn ra, tạo thành phương thức cơ bản, phổ biến của các quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
c) Ý nghĩa phương pháp luận
- Vì bất kỳ sự vật nào cũng có phương diện chất và lượng tồn tại trong tính quy định
lẫn nhau, tác động và làm chuyển hóa lẫn nhau, do đó trong nhận thức và thực tiễn cần phải
coi trọng cả hai loại chỉ tiêu về phương diện chất và lượng của sự vật, tạo nên sự nhận thức
toàn diện về sự vật.
- Vì sự thay đổi về lượng chỉ có thể dẫn tới những biến đổi về chất của sự vật với điều
kiện lượng phải được tích lũy tới giới hạn điểm nút, cho nên trong công tác thực tiễn cần
phải khắc phục tư tưởng nôn nóng tả khuynh; mặt khác, theo tính tất yếu của quy luật thì khi lượng đã được tích lũy đến giới hạn điểm nút sẽ tất yếu có khả năng diễn ra bước nhảy về chất của sự vật, do đó cũng cần phải khắc phục tư tưởng bảo thủ hữu khuynh trong công tác thực tiễn. Tả khuynh chính là hành động bất chấp quy luật, chủ quan, duy ý chí, không tích lũy về lượng mà chỉ chú trọng thực hiện những bước nhảy liên tục về chất. Hữu khuynh là sự biểu hiện tư tưởng bảo thủ, trì trệ, không dám thực hiện bước nhảy mặc dù lượng đã tích lũy tới điểm nút và quan niệm phát triển chỉ đơn thuần là sự tiến hóa về lượng.
2.Qui luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập
- Vị trí của qui luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập.
Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập (còn gọi là qui luật mâu thuẫn) là
qui luật quan trọng nhất của phép biện chứng, là “hạt nhân” của phép biện chứng duy vật.
Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập là quy luật về nguồn gốc bên
trong, động lực cơ bản, phổ biến của mọi quá trình vận động và phát triển.
a) Khái niệm mâu thuẫn và các tính chất chung của mâu thuẫn
- Khái niệm mâu thuẫn
Trong phép biện chứng, khái niệm mâu thuẫn dùng để chỉ mối liên hệ thống nhất và
đấu tranh, chuyển hóa giữa các mặt đối lập của mỗi sự vật, hiện tượng hoặc giữa các sự vật,
hiện tượng với nhau. Đây là quan niệm biện chứng về mâu thuẫn, khác căn bản với quan
niệm siêu hình về mâu thuẫn. Theo quan niệm siêu hình, mâu thuẫn là cái đối lập phản
lôgich, không có sự thống nhất, không có sự chuyển hóa biện chứng giữa các mặt đối lập.
Nhân tố tạo thành mâu thuẫn là mặt đối lập.
- Khái niệm mặt đối lập dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, những khuynh
hướng vận động trái ngược nhau nhưng đồng thời lại là điều kiện, tiền đề tồn tại của nhau.
Thí dụ, điện tích âm và điện tích dương trong một nguyên tử, đồng hóa và dị hóa của một cơ thể sống, sản xuất và tiêu dùng trong hoạt động kinh tế của xã hội, chân lý và sai lầm trong quá trình phát triển của nhận thức, v.v…
- Các tính chất chung của mâu thuẫn
Mâu thuẫn có tính khách quan và tính phổ biến.
Mâu thuẫn không những có tính khách quan, tính phổ biến mà còn có tính đa dạng,
phong phú.
Trong mỗi mâu thuẫn, các mặt đối lập vừa thống nhất với nhau, vừa đấu tranh với nhau.
- Khái niệm thống nhất của các mặt đối lập dùng để chỉ sự liên hệ, ràng buộc,
không tách rời nhau, quy định lẫn nhau của các mặt đối lập, mặt này lấy mặt kia
làm tiền đề tồn tại. Sự thống nhất của các mặt đối lập cũng bao hàm sự đồng nhất
của nó.
Trong một mâu thuẫn, sự thống nhất của các mặt đối lập không tách rời sự đấu tranh
giữa chúng.
- Khái niệm đấu tranh của các mặt đối lập dùng để chỉ khuynh hướng tác động qua
lại, bài trừ, phủ định nhau của các mặt đối lập.
b) Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động và phát triển
Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là hai xu hướng tác động khác nhau của
các mặt đối lập tạo thành mâu thuẫn.
Trong sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, sự đấu tranh giữa chúng là tuyệt
đối, còn sự thống nhất giữa chúng là tương đối, có điều kiện, tạm thời; trong sự thống nhất
đã có sự đấu tranh, đấu tranh trong tính thống nhất của chúng.
Sự tác động qua lại dẫn đến chuyển hóa giữa các mặt đối lập là một quá trình. Quá
trình ấy có thể chia ra từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn lại có những đặc điểm riêng của nó.
Lúc mới xuất hiện, mâu thuẫn thể hiện ở sự khác biệt và phát triển thành hai mặt đối lập.
Chỉ có những mặt khác nhau nào liên hệ hữu cơ với nhau trong một chỉnh thể và có khuynh hướng phát triển trái ngược nhau thì mới hình thành bước đầu của mâu thuẫn. Khi hai mặt đối lập của mâu thuẫn xung đột với nhau gay gắt và khi điều kiện đã chín muồi thì chúng sẽ chuyển hóa lẫn nhau, mâu thuẫn được giải quyết. Mâu thuẫn cũ mất đi, mâu thuẫn mới được hình thành, và quá trình tác động, chuyển hóa giữa hai mặt đối lập lại tiếp diễn, làm cho sự vật, hiện tượng luôn luôn vận động và phát triển. Bởi vậy, sự liên hệ, tác động và chuyển hóa giữa các mặt đối lập là nguồn gốc, động lực của sự vận động và phát triển trong thế giới. V.I.Lênin khẳng định rằng: “Sự phát triển là một cuộc “đấu tranh” giữa các mặt đối lập”.
c) Phân loại mâu thuẫn
- Mâu thuẫn bên trong, mâu thuẫn bên ngoài.
- Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản.
- Mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu.
- Mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.
d) Ý nghĩa phương pháp luận
- Vì mâu thuẫn có tính khách quan, tính phổ biến và là nguồn gốc, động lực của sự vận
động, phát triển, do vậy trong nhận thức và thực tiễn cần phải tôn trọng mâu thuẫn, phát
hiện mâu thuẫn, phân tích đầy đủ các mặt đối lập, nắm được bản chất, nguồn gốc, khuynh
hướng của sự vận động và phát triển. V.I.Lênin đã cho rằng: “Sự phân đôi của cái thống nhất
và sự nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó… đó là thực chất… của phép biện chứng”.
- Vì mâu thuẫn có tính đa dạng, phong phú, do vậy trong việc nhận thức và giải quyết
mâu thuẫn cần phải có quan điểm lịch sử, cụ thể, tức là biết phân tích cụ thể từng loại mâu
thuẫn và phương pháp giải quyết phù hợp. Trong quá trình hoạt động nhận thức và thực tiễn,
cần phân biệt đúng vai trò, vị trí của các loại mâu thuẫn trong từng hoàn cảnh, điều kiện
nhất định; những đặc điểm của mâu thuẫn đó để tìm ra phương pháp giải quyết từng loại
mâu thuẫn một cách đúng đắn nhất.
- Phương pháp giải quyết mâu thuẫn.
Câu 3: Con đường biện chứng của nhận thức chân lý
Lênin đã chỉ ra con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý như sau: "Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn là con đường biện chứng của nhận thức". Như vậy nhận thức của con người gồm hai giai đoạn có quan hệ biện chứng với nhau là: trực quan sinh động và tư duy trừu tượng.
1. Trực quan sinh động (hay nhận thức cảm tính)
+ Cảm giác: là hình thức đầu tiên của quá trình nhận thức và là nguồn gốc của mọi hiểu biết của con người. Đó là sự phản ánh từng mặt, từng thuộc tính bên ngoài của sự vật vào các giác quan của con người.
+ Tri giác: là sự tổng hợp nhiều cảm giác, là hình ảnh hoàn chỉnh về sự vật. So với cảm giác, tri giác là hình thức cao hơn, nó đem lại cho ta hình ảnh về sự vật đầy đủ, phong phú hơn.
+ Biểu tượng: là hình ảnh của sự vật được giữ lại trong trí nhớ. Biểu tượng chỉ giữ lại những nét chủ yếu, nổi bật nhất của sự vật được cảm giác, tri giác đem lại trước đó. Biểu tượng có thể được xem như khâu trung gian để chuyển từ trực quan sinh động lên tư duy trừu tượng.
Như vậy, cảm giác, tri giác, biểu tượng là những hình thức của nhận thức cảm tính có liên hệ hữu cơ với nhau và phản ánh trực tiếp vẻ ngoài sự vật, hiện tượng khách quan.
- Đặc điểm: là giai đoạn trực tiếp quan sát thế giới xung quanh bằng các giác quan, chỉ hiểu biết được hiện tượng, hình thức bên ngoài, biết được cái riêng lẻ của sự vật, biết được cái ngẩu nhiên.
- Kết quả của quá trình nhận thức này là: Cảm giác - Tri giác và Biểu tượng đầu tiên về sự vật.
2. Tư duy trừu tượng (hay nhận thức lý tính)
+ Khái niệm: là một hình thức của tư duy trừu tượng, nó phản ánh khái quát những mối liên hệ, những thuộc tính chung của một lớp sự vật, hiện tượng nhất định. Khái niệm có tính khách quan được hình thành trên cơ sở hoạt động thực tiễn, là kết quả sự khái quát từ trực quan sinh động mà có.
+ Phán đoán: là sự vận dụng các khái niệm để khẳng định hoạc phủ định một thuộc tính, một mối liên hệ nào đó của hiện thực khách quan. Phán đoán còn là hình thức liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong ý thức của con người.
+ Suy luận: là một hình thức của tư duy trừu tượng trong đó xuất phát từ những phán đoán làm tiền đề để rút ra một phán đoán mới.
- Đặc điểm: là giai đoạn gián tiếp quan sát về sự vật bằng các thao tác tư duy (diễn ra trong đầu : phân tích, tổng hợp lại, khái quát rút ra cái chung sự vật ) nhưng người ta nắm được bản chất, nội dung cái chung, cái tất nhiên.
- Kết quả của giai đoạn nhận thức này là: Đem lại cho người ta Khái niệm - Phán đoán - Suy luận về sự vật.
Hai giai đoạn trên thống nhất trong quá trình nhận thức của con người: không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính. Nhờ có nhận thức lý tính mà con người mới đi sâu nhận thức được bản chất của sự vật, hiện tượng, làm cho nhận thức con người sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, đúng đắn hơn.
3. Từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn
+ Nhận thức lý tính phải quy trở lại thực tiễn để kiểm tra, khẳng định chân lý hay sai lầm.
+ Thực tiễn không ngừng vận động biến đổi và phát triển, vì vậy, nhận thức lý tính phải quy lại thực tiễn để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
+ Mục đích cuối cùng của nhận thức là để phục vụ hoạt động thực tiễn cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội.
Một vòng của quá trình nhận thức được bắt đầu từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Kết thúc vòng này, cũng là sự bắt đầu của vòng mới của nhận thức mới sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Cứ thế, nhận thức của con người là vô tận
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro