Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Câu 4

Câu 4: Phân tích hai thuộc tính của hàng hoá sức lao động? Nhận thức của Đảng ta về vấn đề này trong CNXH ở VN hiện nay.

Trả lời:

*Hai thuộc tính của hàng hoá sức lao động:

Hàng hóa là gì? Hàng hóa thông thường được định nghĩa là sản phẩm của sức lao động. Có thể đáp ứng và làm thỏa mãn những nhu cầu nào đó của con người thông qua hình thức trao đổi, mua bán. Sức lao động là gì? Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, là toàn bộ năng lực (bao gồm thể chất, trí tuệ và tinh thần) tồn tại trong một con người và được người đó vận dụng vào sản xuất, tạo ra giá trị thặng dư nhất định. Nói cách khác, sức lao động là khả năng lao động con người, là điều kiện tiên quyết của mọi quá trình sản xuất và là lực lượng sản xuất sáng tạo của xã hội. Tuy nhiên, sức lao động mới chỉ là khả năng lao động, còn lao động mới là sự tiêu dùng sức lao động trong hiện thực. Hàng hóa sức lao động là gì? Hàng hóa sức lao động là một loại đặc biệt mang những thuộc tính riêng và gắn liền với sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế. Sức lao động trở thành hàng hóa là điều kiện chủ yếu quyết định hình thành nền kinh tế tư bản. Nơi mà giá trị của sức lao động được trao đổi trên cơ sở "thuận mua, vừa bán" thông qua hợp đồng. Đây là bước tiến lớn trong quyền tự do cá nhân của người dân và đánh dấu cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội.

Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động là: Giá trị hàng hóa sức lao động. Cũng giống như những loại hàng hóa khác, giá trị hàng hóa sức lao động được xác định dựa trên thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động. Sức lao động là năng lực sản xuất của người lao động. Do đó để duy trì và tái sản xuất sức lao động, người lao động cần phải tiêu dùng một lượng tư liệu sinh hoạt nhất định bao gồm: ăn uống, ngủ nghỉ, ở, học nghề... Vì vậy, giá trị hàng hóa sức lao động có thể được đo lường gián tiếp bằng giá trị của các tư liệu sinh hoạt cần thiết cho việc tái sản xuất sức lao động. Khác với hàng hóa thông thường, hàng hóa sức lao động bao gồm cả yếu tố tinh thần và yếu tố lịch sử của từng quốc gia, từng phong tục tập quán trong từng thời kỳ, trình độ văn minh, điều kiện địa lý, khí hậu, quá trình hình thành giai cấp công nhân. Điều này thể hiện ở chỗ ngoài nhu cầu về vật chất, công nhân còn mong muốn được thỏa mãn về những nhu cầu về tinh thần như vui chơi, giải trí, học tập, tiếp nhận thông tin, giao lưu văn hóa... được phân tích rất rõ trong tháp nhu cầu của Maslow. Tuy nhiên, tại một quốc gia và thời kỳ lịch sử nhất định tư liệu sinh hoạt cần thiết có thể được xác định dựa trên 3 thành tố: Thứ nhất: Giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết đủ để duy trì sức lao động của một người lao động. Thứ hai: Chi phí đầu tư vào học việc cho lao động. Thứ ba: Giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết đáp ứng đủ cho nhu cầu gia đình của người lao động.

Giá trị sử dụng hàng hóa sức lao động. Cũng giống như những hàng hóa khác, giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động chỉ được thể hiện qua quá tình tiêu dùng nó. Tức là quá trình người công nhân tiến hành lao động sản xuất. Ngoài ra, giá trị sử dụng sức lao động cũng có những đặc tính riêng: Đặc điểm cơ bản nhất của giá trị sử dụng hàng hóa sức lao động so với những loại hàng hóa khác là khi tiêu thụ nó tạo ra một giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân sức lao động, phần lớn đó là giá trị thặng dư. Như vậy, hàng hóa sức lao động có thuộc tính là nguồn gốc sinh ra giá trị. Điều này là chìa khóa giải quyết những mâu thuẫn của xã hội tư bản. Tiền chỉ trở thành tư bản khi sức lao động trở thành hàng hóa. Con người là chủ thể của hàng hóa sức lao động, vì vậy các đặc điểm về tâm lý, kinh tế, xã hội của người lao động quyết định việc cung ứng sức lao động ra ngoài thị trường.

*Nhận thức của Đảng ta về vấn đề này trong CNXH ở VN hiện nay:

Tại Việt Nam, sức lao động đã chính thức được công nhận là hàng hóa từ năm 1986. Việc xây dựng thị trường sức lao động luôn được chú trọng. Nhà nước đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó hàng hóa sức lao động là trọng tâm quyết định đến sự phát triển nền kinh tế công nghiệp, kinh thế thị trường.

Cung lao động là tổng nguồn sức lao động do con người đem vào thị trường sản xuất. Nguồn cung lao động được xét dưới hai góc độ là số lượng và chất lượng:

Về số lượng: Việt Nam có một nguồn lao động trẻ và dồi dào. Theo số liệu thống kê của tổng cục thống kê, đến hết năm 2010, Việt Nam có gần 87 triệu công dân, trong đó gần 50 triệu người ở độ tuổi lao động, mức tăng trung bình hằng năm là 2.3% so với mức gia tăng dân số là 1.7%. Như thế mỗi năm chúng ta có thêm 1.3 đến 1.5 triệu người đến độ tuổi lao động. Đây là hậu quả của việc bùng nổ dân số những năm trước đây. Việc phân bổ lao động không đồng đều giữa các vùng, các ngành kinh tế, lao động tập trung đông ở những thành thị và các thành phố lớn. Lực lượng lao động này trở thành sức ép lớn cho bài toán giải quyết việc làm cho người dân.

Về chất lượng: Nhờ những nỗ lực của Nhà nước và Chính phủ, từ năm 1996 đến nay chất lượng lao động ngày càng được nâng cao. Lao động có trình độ tay nghề, kiến thức và kỹ năng cũng ngày càng được cải thiện. Những ưu điểm của lao động Việt Nam luôn cần cù, chịu khó, có tính sáng tạo, trình độ tay nghề cao, nhạy bén và tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật.Tuy nhiên, chất lượng lao động nước ta còn nhiều hạn chế. Sức khỏe và thể lực của lao động Việt Nam còn kém xa với các nước khác. Trình độ lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, không đáp ứng được yêu cầu của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, ý thức kỷ luật của người lao động không cao do xuất thân từ nền nông nghiệp nên còn mang nặng tác phong sản xuất của một nhà nước tiểu nông.

Thực trạng cầu lao động:

Cầu lao động là như cầu về sức lao động của một quốc gia, một địa phương, một ngành nghề trong khoảng thời gian xác định. Nhu cầu này thể hiện qua khả năng thuê mướn lao động trên thị trường lao động. Vấn nạn thất nghiệp và thiếu việc làm luôn là một sức ép lớn đối với một quốc gia, đòi hỏi có sự tham gia của nhiều ban ngành, cơ qua cùng với các chính sách của Chính phủ. Theo thống kê của Tổng cục thống kê đối với lực lượng lao động trong độ tuổi trong 2008, 2009, 2010 (%).Tỷ lệ lao động thất nghiệp: 2.38, 2.90, 2.88. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm: 5.10, 5.61, 3.57. Mức lương của người lao động chưa phản ánh đúng giá trị của sức lao động, chưa phản ánh mối quan hệ cung-cầu trên thị trường. Tốc độ tăng tiền lương nhỏ hơn tốc độ tăng của lạm phát, mức lương tối thiểu còn thấp vì vậy người lao động không thể đáp ứng những điều kiện sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất sức lao động.

Thị trường xuất khẩu lao động:

Những năm gần đây, nhờ mở cửa hội nhập thế giới, thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam ngày càng phát triển. Tạo điều kiện cho người lao động sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,... các nước ở khu vực Đông Nam Á, Châu Á tìm việc làm với mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn. Tuy nhiên, đây là những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về trình độ ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng, vì vậy Việt Nam cần phải cố gắng rất nhiều.

Giải pháp phát triển hàng hóa sức lao động ở Việt Nam:

Giải pháp về phát triển nguồn cung lao động: Cần quan tâm hơn trong công tác phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ và tay nghề cho nhân viên. Chú trọng phát triển hệ thống trường trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề,... ưu tiên các ngành mũi nhọn, phát triển bền vững như năng lượng, vi điện tử, tự động hóa,... Định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh ở giai đoạn sớm, chính sách thu hút đãi ngộ nhân viên, khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức các cá nhân tham gia vào công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động.

Giải pháp về phát triển nguồn cầu lao động: Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, giúp cuộc sống họ ổn định, là tiền đề phát triển nền kinh tế. Tăng tỷ lệ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tập trung đầu tư theo chiều sâu, công nghệ kỹ thuật hiện đại. Từ đó, thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp sang hướng công nghiệp, dịch vụ. Tập trung mở rộng hợp tác kinh tế với nước ngoài, xây dựng quan hệ hợp tác cùng phát triển để tạo nguồn xuất khẩu lao động tại chỗ, phát triển thị trường xuất khẩu lao động sang các khu vực, thị trường,....

Giải pháp về hoàn thiện chính sách tiền công, tiền lương: Để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của họ, tạo điều kiện cho người lao động chuyên tâm lao động sản xuất. Nhà nước cần phải lưu tâm đến chế độ lương của người lao động, tăng lương cơ bản cho người lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có những chính sách quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, cuộc thi trong phạm vi công ty, chính sách thưởng và giờ làm việc hợp lý.

Giải pháp về hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, vai trò quản lý của Nhà nước: Hoàn thiện môi trường pháp lý, gắn cải cách tiền lương với cải cách kinh tế, tạo sự gắn kết giữa các thị trường để thúc đẩy nhau cùng phát triển. Phân bố lại dân cư và lao động. Mở những nhà máy, xí nghiệp mới ở những vùng kinh tế kém phát triển để cân đối các thành phần kinh tế, thu hút người dân lao động và giảm sức ép cho các thành phố lớn. Tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong thị trường sức lao động. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách, quy định của nhà nước về các quản lý và sử dụng người lao động. Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát các hoạt động thuê nhân công, chính sách tiền công của các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro