Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hình thức quản lý nhà nước? (Khái niệm, đặc điểm và phân loại)

1.                 Hình thức quản lý nhà nước? (Khái niệm, đặc điểm và phân loại)

a)                Khái niệm:

Hình thức quản lý nhà nước là những biểu hiện ra bên ngoài của những hoạt động quản lý cùng loại về nội dung, tính chất và phương thức tác động của chủ thể lên khách thể quản lý.

b)                Đặc điểm:3 đặc điểm cơ bản

-                     (1) các hình thức quản lý nhà nước cũng là “những hoạt động”.

-                     (2) mỗi loại hình thức quản lý nhà nước phải có cùng nội dung, tính chất và phương thức tác động.

-                     (3) nhiều hình thức quản lý nhà nước thể hiện chức năng, thẩm quyền của cơ quan quản lý nên có thể nói quyền thực hiện các hình thức đó là một bộ phận cấu thành thẩm quyền.

c)                 Phân loại:5 loại

-                     (1) ban hành văn bản quy phạm pháp luật

-                     (2) ban hành văn bản áp dụng pháp luật

-                     (3) thực hiện các hoạt động khác mang tính chất pháp lí

-                     (4) áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp

-                     (5) thực hiện những tác động về nghiệp vụ - kĩ thuật.

d)                Các hình thức quản lý:

d.1 Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Khái niệm: Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định; trong đó chứa đựng các quy tắc xử sự chung, được nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong QLHCNN, hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hình thức QLHCNN quan trọng nhất  của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm thực hiện chức năng chấp hành và điều hành.

- Đặc điểm:

+ Các VBQPPL do các cơ quan QLHCNN ban hànhnhằm mục đích cụ thể hóa, chi tiết hóa luật, pháp lệnh và các văn bản của cơ quan quản lý cấp trên.

+ Văn bản quy phạm pháp luật là phương tiện quan trọng để các chủ thể QLHCNN thực hiện chức năng điều hành.

Văn bản quy phạm pháp luật là phương tiện hữu hiệu để các chủ thể quản lý hành chính nhà nước tác động tích cực lên các lĩnh vực của đời sống xã hội thuộc quyền quản lý của mình trong khuôn khổ những yêu cầu chung của luật.

Cụ thể là thông qua hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật hành chính, các chủ thể của quản lý hành chính nhà nước:

Ø Ấn định các quy tắc xử sự chung trong quản lý hành chính Nhà nước.

Ø Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính Nhà nước.

Ø Quy định những hạn chế và những điều ngăn cấm.

Ø Quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động của chủ thể quản lý…

- Yêu cầu khi ban hành VBQPPL:

+ Đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục.

+ Phù hợp với nội dung và mục đích của Luật, nghị quyết của cơ quan quyền lực và các văn bản do cơ quan quản lý cấp trên ban hành.

+ Phải bảo đảm tính kịp thời, phải thường xuyên rà soát để bổ sung những quy định mới, thay thế, bãi bỏ những quy định không phù hợp, gây khó khăn cho quá trình quản lý.

d.2 Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật

- Khái niệm: Văn bản áp dụng quy phạm pháp luật là văn bản thi hành của văn bản quy phạm pháp luật, văn bản này được ban hành trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết các công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức.

- Đặc điểm:

+ Do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định và được đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế nhà nước.

+ Chứa đựng nội dung để giải quyết một vấn đề cụ thể. Được áp dụng một lần cho một hoặc một số đối tượng nhất định.

( Đây là đặc trưng thể hiện sự khác biệt lớn nhất giữa văn bản áp dụng quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật).

+ Được ban hành trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật, trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính cụ thể.

- Hình thức ban hành văn bản ADQPPL là hình thức hoạt động chủ yếu để các cơ quan QLHCNN sử dụng để giải quyết các công việc cụ thể, hàng ngày. Do đó VBADQPPL có số lượng rất lớn, có nội dung, tính chất và mục đích rất khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào mục đích áp dụng, chúng ta có thể chia chúng thành hai nhóm lớn sau đây:

+ Những văn bản chấp hành pháp luật.

Trong trường hợp ban hành văn bản chấp hành pháp luật các chủ thể QLHCNN áp dụng hoặc hiện thực hóa phần quy định của quy phạm pháp luật tương ứng. Đây là hoạt động mang tính tích cực, thông qua hoạt động này quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước được hiện thực hoá trong thực tế.

Ví dụ: quyết định bổ nhiệm, quyết định cấp đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất…

+ Những văn bản bảo vệ pháp luật.

Trong trường hợp ban hành những văn bản bảo vệ pháp luật, các chủ thể QLHCNN áp dụng hoặc hiện thực hoá phần chế tài của quy phạm pháp luật tương ứng (ví dụ: quyết định xử phạt). Đây là hoạt động không thể thiếu của các chủ thể QLHCNN để đảm bảo pháp chế và kỷ luật nhà nước. Trên cơ sở những VBADQPPL loại này trách nhiệm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm mới được phát sinh. Do đó các văn bản này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ trật tự quản lý.

- Yêu cầu khi ban hành VBADQPPL:

+ Đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục

+ Chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản phải có kiến thức pháp lý và chuyên môn cần thiết, thận trọng trong từng trường hợp, xem xét kỹ mọi mặt của vấn đề cần giải quyết … để có thể đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý.

d.3 Thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lý

- Những hoạt động mang tính chất pháp lý là những hoạt động do các chủ thể quản lý hành chính nhà nước tiến hành khi phát sinh những điều kiện tương ứng được quy định trước trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng không cần ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật.

Những hoạt động mang tính pháp lý bao gồm rất nhiều các hoạt động cụ thể khác nhau, và được sử dụng phổ biến. Có thể kể đến như các hoạt động sau đây:

Những hoạt động mang tính pháp lý gồm:

+ Thứ nhất: Áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật như kiểm tra giấy phép lái xe, kiểm tra việc đăng ký tạm trú, tạm vắng…

Ví dụ:

CSKV tiến hành kiểm tra tạm trú, tạm vắng, CSGT kiểm tra các loại giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông.

+ Thứ hai: Đăng ký những sự kiện nhất định: như đăng ký hộ tịch, đăng ký cư trú…

+ Thứ ba: Lập và cấp một số giấy tờ nhất định như cấp giấy phép lái xe, cấp bằng tốt nghiệp...

+ Thứ tư: Công chứng, chứng thực.

Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận khác.

Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.

Chứng thực là việc Uy ban nhân dân cấp Huyện, cấp xã xác nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của họ.

+ Thứ năm: Lập biên bản VPHC.

Biên bản vi phạm hành chính: là văn bản do người có thẩm quyền ghi lại sự việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính của cá nhân hoặc tổ chức để làm cơ sở cho cá nhân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật phải tiến hành xử lý. Biên bản phải được lập theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Các hoạt động mang tính pháp lý là hình thức quản lý hành chính nhà nước quan trọng, được thực hiện một cách rộng rãi, khi thực hiện các hoạt động này, chúng ta cần chú ý các đặc điểm sau:

- Đặc điểm của các hoạt động mang tính chất pháp lý:

+ Thứ nhất: Hoạt động này phải do cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền tiến hành.

+ Thứ hai: Hoạt động này không có tác động pháp lý trực tiếp nhưng gián tiếp làm phát sinh những hậu quả pháp lý nhất định.

+ Thứ ba: Hình thức này chỉ tiến hành khi phát sinh những điều kiện tương ứng được quy định trước trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, thực hiện các hoạt động mang tính pháp lý là hình thức hoạt động của các chủ thể QLHCNN để tổ chức thực hiện các văn bản QPPL. Các hoạt động này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Chính vì vậy khi thực hiện các hoạt động mang tính pháp lý đòi hỏi chủ thể quản lý phải thực hiện đúng yêu cầu theo của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền.

d.4 Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp

- Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp là hình thức hoạt động không mang tính pháp lý do chủ thể quản lý hành chính nhà nước tiến hành nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định quản lý.

Tiến hành các hoạt động tổ chức trực tiếp gồm các hoạt động nghiên cứu, tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm tiên tiến, áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào quản lý, tổ chức kiểm tra, điều phối hoạt động, tổ chức hội thảo, tổ chức phong trào thi đua, v.v..

Ví dụ:

Tổ chức hội nghị tổng kết năm, tổ chức míttinh tuyên truyền luật giao thông…

Áp dụng các biện pháp tổ chức trực tiếp là hình thức quản lý được các chủ thể QLHCNN sử dụng rộng rãi. Khi thực hiện các hoạt động này, chúng ta cần chú ý các đặc điểm sau:

- Đặc điểm:

+ Đây là hình thức không mang tính pháp lý, nhằm mục đích trợ giúp cho các hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật, thực hiện những hoạt động mang tính pháp lý.

Ví dụ: tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

+ Các hoạt động tổ chức trực tiếp thường rất đa dạng và phong phú, thể hiện sự sáng tạo của cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

d.5 Thực hiện những tác động về nghiệp vụ - kĩ thuật

- Thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật: là hoạt động sử dụng kiến thức nghiệp vụ, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào quá trình quản lý hành chính nhà nước.

Ví dụ: Việc sử dụng máy vi tính phục vụ cho công tác tác quản lý phương tiện giao thông... Sử dụng máy đo tốc độ có camera ghi hình, máy đo nồng độ cồn để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về GTĐB, sử dụng CNTT để quản lý dữ liệu cư trú…

Thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao hiệu suất công tác của bộ máy hành chính nhà nước, đảm bảo công tác quản lý hành chính nhà nước được tiến hành một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro