ĐĐ vs KTTT
Lịch sử Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Quá trình đó đã rèn luyện và hun đúc nên những thế hệ người Việt Nam giàu lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc, giàu lòng nhân ái, có tinh thần chịu đựng gian khổ, khó khăn, lá lành đùm lá rách, tình cảm gia đình làng xóm sâu sắc chặt chẽ, giữ gìn gia phong nề nếp… Những đức tính đó đã trở thành truyền thống mà hàng ngàn đời nay, những thế hệ con người Việt Nam đã nâng niu, gìn giữ, đó là những giá trị tinh thần. Những giá trị tốt đẹp đó có tác dụng củng cố, phát triển quan hệ xã hội, tạo ra sức mạnh cho con người vượt qua khó khăn trong cuộc sống hiện tại để hoàn thiện nhân cách và đóng góp cho xã hội.
Với chính sách mở của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta đang hướng đến 1 nền kinh tế thị trường để phát triển đất nước. Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Kinh tế thị trường ở Việt Nam là kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kinh tế thị trường định hướng XHCN một mặt giải phóng năng lực làm giàu, mặt khác lo xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Mỗi bước phát triển kinh tế, lại chăm lo phát triển văn hóa tinh thần, phát triển quan hệ người - người, giữ đạo lý làm người, bảo vệ môi trường sinh thái. Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN sẽ tạo ra mỗi bước phát triển kinh tế, con người sẽ sống xứng đáng với con người hơn. Việc chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nó vừa có tính tích cực, vừa có tính tiêu cực đối với đạo đức. Về mặt tích cực, hiện nay, trong sự nghiệp xây dựng đất nước, với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đòi hỏi chúng ta phải mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế và giao lưu văn hoá với các nước trên thế giới. Thông qua việc mở rộng quan hệ, chúng ta đã tiếp thu được nhiều thành tựu văn minh của nhân loại, làm phong phú thêm nền văn hoá dân tộc và đem lại sự phát triển về kinh tế, từ đó đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, xã hội ngày càng phát triển. Đối với đạo đức, lối sống, sự ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường là từng bước hình thành nhân cách tự chủ, tự lập trong con người, rèn luyện con người ý thức lao động, bản lĩnh, năng động, thích nghi và sáng tạo. Đây là những phẩm chất đạo đức về ý chí, lòng dũng cảm, nghĩa vụ, tính nguyên tắc và tự trọng ở mỗi con người cũng như cả cộng đồng. Bên cạnh những mặt tích cực nói trên, cơ chế thị trường cũng gây ra hàng loạt những hiện tượng tiêu cực đối với đạo đức và tiến bộ xã hội, đã xuất hiện những cách sống và lối sống trái với các chuẩn mực của xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Sự phát triển nhanh chóng và nhiều mặt của thế giới ngày nay và nền kinh tế thị trường đang tác động trực tiếp đến mọi quốc gia, đã và đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần nói chung và giá trị đạo đức nói riêng, vốn được xem là truyền thống đạo đức của các dân tộc và của toàn thể nhân loại .Trên thực tế cho ta thấy vấn đề đạo đức và lối sống của con người ngày nay có rất nhiều vấn đề nổi cộm. Cuộc sống càng được nâng cao thì những phẩm chất đạo đức tốt đẹp ngày càng ít đi, thay vào đó tình trạng tha hóa, biến chất về đaọ đức và lối sống con người Việt Nam ngày càng nhiều và trầm trọng hơn. Từ khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, bên cạnh rất nhiều cái được, đã xuất hiện những cách sống và lối sống xa lạ, trái với các chuẩn mực của xã hội, bất chấp những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Một bộ phận trong các tầng lớp, các thành phần xã hội khi mưu cầu lợi ích cá nhân đã chà đạp lên nhưng khuôn mẫu, những giá trị đạo đức đích thực. Nạn tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính và các tệ nạn xã hội khác đang phát triển tràn lan. Đặc biệt, có "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đọa về đạo đức và lối sống. Một bộ phận trong lớp trẻ hiện nay có tâm lý sống thực dụng, buông thả, sùng bái đồng tiền, quay lưng lại với văn hóa, đạo đức truyền thống,... ". Tiền xâm nhập vào nhiều mối quan hệ đạo đức xã hội, thậm chí thành nguyên tắc xử thế và tiêu chuẩn hành vi của không ít người. Chính vì vậy mà những hiện tượng tham ô, hối lộ, móc ngoặc, buôn lậu, lừa đảo, làm hàng giả, mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền bằng tiền... chúng ta đấu tranh, ngăn ngừa nhiều năm nay nhưng hiện vẫn đang diễn ra phức tạp và là nỗi lo lắng của xã hội. Những quan niệm và hành vi của đạo đức truyền thống như tinh thần giúp đỡ nhau, kính già, yêu trẻ, tôn sư trọng đạo, vợ chồng thủy chung... sẽ bị biến động và suy giảm do toan tính của đồng tiền. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc và có sự quan tâm đặc biệt cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở nước ta.
Thế hệ trẻ là niềm tự hào dân tộc, là lớp người tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước. Tương lai đất nước là vận mệnh, là số phận của đất nước mà mỗi công dân sẽ góp phần xây dựng, phát triển, trong đó quan trọng nhất là thế hệ trẻ. Vì thế mà Bác đã căn dặn: “ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”.
Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người mà lực lượng chủ yếu là thế hệ trẻ. Bởi đó là lực lượng nồng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho non sông Tổ quốc. Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay thì thế trẻ đứng trước một câu hỏi lớn : “ Sống như thế nào là đúng đắn là có ích cho xã hội?” Trách nhiệm đầu tiên của thế hệ trẻ đó là phải giữ gìn truyền thống của dân tộc. Từ thời xa xưa, ông bà ta đã thường sử dụng những câu thành ngữ, tục ngữ để răng đe dạy và nhắc nhở con cháu của mình về những phẩm chất, đạo lí cần thiết mà mỗi người ai cũng phải có như là: “một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tùy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.....các câu tục ngữ, thành ngữ ấy thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn và lòng thương người... Trong đó, có câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” thể hiện phẩm chất đạo đức quan trọng của người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đất nước mình đang ngày một phát triển để hội nhập với nước ngoài thì đạo lí này càng trở nên sâu sắc hơn. “Nước” chính là những thành quả mà cha anh ta đã có công xây dựng nên. Vì vậy, khi thừa hưởng thành quả đó, chúng ta phải biết nhớ đến những người đã tạo ra nó, đồng thời phải biết giữ gìn quý trọng và không được lãng phí. Mặt khác, chúng ta phải có bổn phận phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp này và truyền lại cho các lớp đàn em sau. Để thực hiện tốt việc nhớ nguồn, trước hết chúng ta phải biết tự hào về truyền thống, văn hóa của dân tộc, phải có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương và sử dụng thành quả lao động một cách tiết kiệm.Ta phải biết tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại để làm cho truyền thống của nước nhà ngày một phong phú. Và nhiệm vụ của chúng ta phải học, học nữa, học mãi. Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thì tương lai dân tộc mới sáng lạn, lấp lánh hào quang. Bước sang thế kỷ XXI, nền kinh tế nước ta chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức với xu thế toàn cầu hóa, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế, tuy nhiên xu thế toàn cầu hóa cũng đã đặt ra thời cơ, vận hội và cả những khó khăn, thách thức to lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ nước ta phát huy tài năng, sức lực và trí tuệ của tuổi trẻ để khẳng định mình, để trưởng thành và cống hiến cho đất nước.Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay mang trên vai trọng trách lịch sử to lớn, tiếp tục phát huy truyền thống vinh quang của thế hệ cha anh và trở thành lực lượng lao động có trí tuệ và có tay nghề cao, có đạo đức và lối sống trong sáng, có sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần cường tráng để đưa Việt Nam Sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đất nước đang chuyển mình hội nhập quốc tế thì đòi hỏi thế hệ trẻ phải có tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác cao hơn nữa, có ý thức tự học , tự rèn luyện, tự tin , tự chịu trách nhiệm để trở thành nguồn lao động chất lượng cao , trở thành người thừa kế trung thành sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc . Thứ nhất, phải tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng trong sáng. Thứ hai, cần tích cực học tập và tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật và tay nghề. Thứ tư, phải tích cực tham gia vào việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và môi trường sinh thái trong lành, sạch đẹp. Tích cực tham gia phòng, chống ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thứ năm, phải xung kích, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thứ sáu, cần chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, tham gia vào công tác ngoại giao nhân dân để nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, giới thiệu về bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua các trang mạng phổ thông như: Blog, Face Book,.v.v.. chủ động và tham gia có hiệu quả vào giải quyết các vấn đề toàn cầu như: Giữ gìn hoà bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế sự bùng nổ dân số, phòng ngừa và đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo, hướng tới sự phát triển lành mạnh, trong sáng, đóng góp to lớn cho sự phát triển thinh vượng của nước nhà.
Ngày nay, trong sự nghiệp phát triển đất nước, từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường trong bối cảnh quốc tế biến động nhanh và phức tạp, chúng ta càng cần phải gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời phải coi trọng giáo dục đạo đức, phải tăng cường giáo dục đạo đức trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội. Đặc biệt, việc giáo dục đạo đức trong gia đình là hết sức cơ bản và quan trọng. Bởi vì, gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách cho mỗi con người. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ, mà còn rất đề cao các giá trị đạo đức, các giá trị tinh thần. Bởi vì các giá trị này trong nhiều trường hợp, đóng vai trò động lực đối với sự tiến bộ xã hội. Do vậy, nếu chúng ta biết hướng về cội nguồn, biết bảo vệ những giá trị đạo đức truyền thống, đó chính là nội lực cho sự phát triển bền vững của xã hội hiện tại và cả trong tương lai.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro