Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Mình nói gì khi nói về tự sát?

Chuyện xảy ra khoảng một năm rưỡi trước, tháng 3 năm 2017. Báo chí khi ấy đều đưa tin, tường thuật ngắn gọn chỉ vài trăm chữ, rằng một du khách chết tím tái trong lều đỏ nơi lưng chừng ngọn núi cao nhất Đà Lạt, núi Hòn Bồ, rằng nạn nhân mặc quần jeans, áo sơ mi, hai chiếc áo ấm, rằng nơi đây được bao phủ bởi rừng thông bát ngát, nhìn ra toàn cảnh Đà Lạt nên thơ, rằng người ta vẫn đang điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết.Sự vụ kết thúc ở đó. Không có tờ báo nào tiếp tục cập nhật về việc nguyên nhân cái chết là gì. N.P. bảo, khi biết chuyện, anh cũng thật bàng hoàng. Nhưng, với báo chí thì đó cũng chỉ là thêm một người chết, thêm một tin tức, thêm một kẻ xấu số mà thôi. Tất nhiên rồi, trên thế giới trung bình cứ 40 giây lại có một người chết. Nói cái chết là chuyện thường ngày cũng không sai. Người ta chết liên tục, đâu có gì to tát.N.P. và người bạn của anh cùng thuộc một nhóm nhỏ hâm mộ nhà văn Dazai Osamu ở Việt Nam. "Có cả trăm người đăng ký tham gia đấy nhưng mỗi lần hẹn gặp gỡ thì chỉ vài mống. Nhiều người hình như tham gia nhóm sau khi xem một phim hoạt hình có nhân vật Dazai thôi, chứ không phải ai cũng yêu thích vì văn học", N.P. kể.N.P. là một trong những thành viên đầu tiên của hội. Người bạn kia sau đó mới gia nhập. Bắt đầu, nhóm có 7 người. Trong 7 người đó, có 3 người từng (nhiều lần) tìm cách tự sát: người thì nhảy lầu, người thì nốc thuốc ngủ, người thì dìm mình xuống nước, người chọn cắt cổ tay. Cả 3 người đều tự sát không thành. Cả 3 đều chưa tới tuổi 30.Nhóm 7 người - con số 7 khiến cho tôi nghĩ đến Vô Lại phái, một trường phái văn chương có khuynh hướng nổi loạn ở Nhật Bản thời hậu Thế chiến II - nước Nhật đại bại - mà văn hào Dazai Osamu là một cái tên tiêu biểu. Vô Lại phái cũng có khoảng 7 người. Họ sống cuộc đời suy đồi, trụy lạc, tự hủy hoại bản thân, hắt hủi sinh mệnh, rồi cuối cùng kẻ thì chết vì phình mạch máu não, xuất huyết phổi, ung thư, kẻ thì tự tìm tới cái chết.Osamu tự sát 5 lần: lần thứ nhất uống thuốc ngủ nhưng không đủ liều; lần thứ hai, ông cùng một cô gái mới quen trầm mình xuống biển Kamakura - nhưng khốn thay, chỉ cô gái là tận số; lần thứ ba treo cổ; lần thứ tư cùng vợ tự sát đôi nhưng bất thành; đến lần thứ năm khi nhảy xuống hồ Tamagawa, ông mới toại như ý nguyện. Còn người đàn em Tanaka Hidemitsu thì làm một liều an thần rồi cắt cổ tay ngay trước mộ phần Osamu.Vào một niên kỷ nào đó, tự sát từng là một điều lãng mạn, thậm chí là đỉnh cao của sự lãng mạn. Romeo và Juliet tự sát, để lại một thiên tình ngàn năm cho hậu thế. Chàng Werther của Goethe tự bắn vào đầu vì một mối tình không thành với nàng Charlotte. Thế kỷ 19, tự sát trở thành một thứ thời trang của những tâm hồn mơ mộng. Sang đến thời hiện đại, tự sát quay trở lại bằng một bộ mặt mới. "Tự sát" bị hạ bệ thần tượng, bị "giải thiêng", hầu như không còn được tôn thờ. Thay vì là "thời trang", nó trở thành "căn bệnh", tên khoa học của căn bệnh ấy là trầm cảm.Ngày nay, người ta hủy hoại bản thân nhiều hơn hủy hoại người khác. Bạo lực không còn là nguyên nhân hàng đầu cướp đi mạng sống của con người, dù ngày nào đọc báo bạn cũng thấy những thông tin kiểu như một chiếc xe tải gắn bom đâm vào 15 thường dân vô tội, hay một vụ xả súng khiến hàng trăm người chết. Sự thực là mỗi năm chỉ có 250.000 người chết vì súng đạn nhưng có tới 800.000 người chết vì tự sát.Đô thị hóa đem lại của ăn của để, quần áo đẹp, thức ăn ngon, lại lấy đi thiết tha muốn sống. Khi tưởng như đã đủ đầy thì bên trong lại đâm rỗng rang. Nhiều nhà khoa học gọi trầm cảm là "căn bệnh của nền văn minh". Chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa vật chất, tư bản, ô nhiễm, công nghiệp hóa, sự mất kết nối với thế giới thực, những giá trị cũ rạn vỡ từng ngày dồn tích độc tố trong tâm hồn những đứa trẻ thị thành.Nhưng, dù nhiều người chết vì "virus" tự sát đến vậy, hai từ "tự sát" dường như vẫn là một điều cấm kỵ, như một bí mật cất trong chiếc hộp Pandora khiến ta tò mò he hé nhìn vào đó. Và, người ta luôn nhìn sự tự sát bằng một thái độ cực đoan, hoặc là thần thánh hóa nó vì sự dũng cảm, hoặc là khinh miệt nó vì sự hèn nhát, hoặc là tỏ ra thương hại, hoặc là tỏ ra kinh sợ.Một buổi quán xá vỉa hè với hội Dazai, tôi ngồi nghe họ nói về cái chết, cái chết đã khước từ họ, để đến giờ phút đó họ vẫn còn có thể ngồi ăn món đậu cay và dồi nướng cùng nhau. Nhưng, cũng là cái chết đã mang đi một vài người bạn mà họ quen biết. "Lần thứ hai tự sát, em dùng Mimosa. Thật ra là định mua loại thuốc mạnh hơn nhưng không ai bán, bảo rằng phải có đơn của bác sĩ", một cô bé trong nhóm kể lại - Mimosa là tên một loại thuốc an thần, "Hôm đó em nhớ là trời mưa rất to. Mọi người ra ngoài tát nước hết"."Nhưng cuối cùng mọi người vẫn cứu được em à?", tôi hỏi."Mọi người biết", cô đáp, nhoẻn miệng cười. Cô gái hai mươi mốt tuổi xinh xắn, vừa có một cuốn sách xuất bản. Cô nói lựa chọn tự sát ngày đó không hẳn là vì những đau khổ tích lũy lâu dài và giờ đây, cô đang hài lòng về cuộc sống.Rồi tôi hỏi cô rằng, liệu có bao giờ cô nghĩ lại và cảm thấy may mà lúc đó mình đã không chết không, bởi vì nếu lúc đó mà chết thì làm sao có thể cảm nhận rằng cuộc đời không đến nỗi tệ? Nhưng, cô chỉ bảo rằng mình cũng không biết nữa, cái chết đã không lựa chọn cô, vậy thôi. Cô nói về nó bình thản, như là một đoạn đời mình phải đi qua, không có gì để tự hào mà cũng không có gì để hổ thẹn, không thể chết thì cứ đành sống tiếp chứ còn biết làm sao được nữa. Còn những người hoặc ca ngợi, hoặc khinh miệt, hoặc thương hại, hoặc kinh sợ, đó đều bởi họ chưa từng tự mình đối diện với cái chết theo cách đó.Sự bình thản của cô làm tôi nhớ tới lời triết gia hiện sinh Albert Camus đã viết trong cuốn Thần thoại Sisyphus: "Chỉ có một vấn đề triết học nghiêm túc duy nhất và đó là tự sát. Thẩm định xem liệu cuộc đời đáng sống hay không đáng sống sẽ trả lời cho câu hỏi nền tảng của ngành triết học. Tất cả những vấn đề còn lại - rằng thế giới có phải có ba chiều hay không, rằng tâm trí được chia thành chín hay mười hai loại - đều tới sau đó".Tại sao phải nhìn sự tự sát như một "thánh vật", trong khi theo một cách nào đó, nó chỉ là một quyết định mang tính triết học? Chàng Sisyphus lăn đá lên đồi, cứ lăn tới đỉnh thì tảng đá lại lăn xuống, lăn đi lăn lại, lăn tái lăn hồi, cuộc đời là một gánh nặng luẩn quẩn như thế, chàng Sisyphus nên tiếp tục hay không nên tiếp tục?Đúng, cái chết là một bi kịch nhưng cái sống cũng chỉ là một màn hài kịch đáng buồn, như Dazai Osamu đã thông qua văn chương mà tự thuật nỗi đày ải cùng cực giữa cõi A Tỳ chốn nhân gian trong tiểu thuyết Nhân gian thất cách, nghĩa đen là "Mất tư cách làm người". Tiếp tục hay không, cuộc đời đáng sống hay không đáng sống, chỉ có mỗi người tự tìm cho mình câu trả lời phù hợp nhất."Nhưng Dazai đâu chỉ có tự tử đúng không? Dazai cũng biết tận hưởng cuộc sống mà. Kịch nghệ, đàn bà, cảnh đẹp, rượu ngon, không có gì là ông không sành sỏi", N.P. đột ngột ngắt cuộc hàn huyên đang tới hồi sôi nổi về chuyện tự sát của chúng tôi. Cả bọn cùng cười. Tôi liền nói với mọi người rằng, thật ra, khoảnh khắc Dazai mà tôi nhớ nhất là khoảnh khắc được kể lại trong một truyện ngắn của ông, khi có hai thiếu nữ nhờ ông chụp giùm tấm ảnh lưu niệm nơi núi Phú Sĩ, ông đã cầm chiếc máy ảnh của họ lên, trong ống ngắm là ngọn núi to lớn phía sau, dưới chân núi là hai bông hoa thắm tươi nhỏ xíu. Cảm thấy không thể chụp hết cả cảnh và người, cuối cùng ông đã quyết định chỉ hướng về núi Phú Sĩ mà chụp.Ngay cả trong những tâm hồn giằng xé, dằn vặt, buông bỏ, tự ruồng rẫy, tự hủy hoại, cuộc đời vẫn có những giây phút nên thơ của nó. Ngọn đồi nơi Sisyphus lăn đá hẳn phải có hoa, nếu không cũng có mây trời. Và hoa ấy, mây trời ấy nói với chúng ta rằng: trong bất luận hoàn cảnh ngặt nghèo nào, bám vào sự sống, cố gắng giành quyền được sống vẫn là một điều tối thượng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro