Đây Thôn Vĩ Dạ
A. Mở bài
Nói đến những năm 1932 - 1945, đây là giai đoạn phong trào “ Thơ Mới “ xuất hiện cũng chính là lúc mà những cái tôi nghệ thuật bùng nổ, làm nên những diện mạo riêng biệt. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, ảo não như Huy Cận, kì dị như Chế Lan Viên và tha thiết, rạo rực như Xuân Diệu. Mà ở đó, Hàn Mặc Tử - một trong ba đỉnh cao của phong trào “ Thơ mới “, đã khẳng định vị thể của mình trên dòng chảy của văn thơ Việt Nam ở thể loại “ Thơ Điên “. Phần nhiều đọng lại trong trái tim của người yêu văn chương chính là những bài thơ của ông viết về xứ Huế, điển hình là “ Đây Thôn Vĩ Dạ “. Bài thơ đã là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời.
(Trích thơ )
B.Thân bài
1. Mở đầu
Tác phẩm nằm trong tập "Thơ điên” sáng tác năm 1938 được khơi nguồn từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc. Chỉ với ba khổ thơ, người đọc đã cảm nhận được lòng yêu cuộc sống, nỗi niềm trong dự cảm chia xa, niềm hi vọng mong manh về tình yêu hạnh phúc thấm đẫm trong từng câu chữ.
2. Trọng tâm
Luận điểm 1. Khơi nguồn cảm xúc, Hàn Mặc Tử đã mở đầu tác phẩm bằng một bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ lúc hửng đông:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Câu hỏi tu từ được thốt lên một cách đột ngột, lại giống như một lời mời mọc, song lại phảng phất một sự trách móc nhẹ nhàng: sao anh không về Thôn Vĩ ? Sao anh lại có thể không về thôn Vĩ được ? Thôn Vĩ như thế này mà anh có thể dửng dưng không về thôn Vĩ ư ?
“Anh “ đây là ai ? Một người bạn nào đó, hay chính là nhà thơ ? Hay bất kỳ ai đó trong số những người đọc thơ ? Thật ra, Câu thơ suy cho cùng cũng chỉ là một cái cớ cho nhà thơ bộc bạch một niềm tha thiết say mê cháy bỏng đối với một mảnh đất. Hai chữ “không về” nghe sao thật phũ phàng, như một sự khẳng định rằng ông chẳng thể quay về nơi ấy một lần nào nữa. Nơi ây là đâu ? Về đâu ? Phải rồi, phải về chơi thôn Vĩ, bởi vì thôn Vĩ đẹp lắm, kì diệu lắm, về thôn Vĩ để:
"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Ba câu thơ sau miêu tả vẻ đẹp của Thôn Vĩ qua cái nhìn của Hàn Mặc Tử, trong cái tâm hồn của nhà thơ. Có thể nói, khi đọc ba câu thơ này, người đọc không thể không say mê. Bởi vì những chi tiết bình thường, thôn quê đã được nhà thơ xếp đặt trong một thể hài hoà nghệ thuật độc đáo lạ lùng. Cái đẹp của thôn Vĩ không phải do nắng, hay hàng cau, mà là " nắng hàng cau" kia. Một màu nắng tinh khiết, một màu nắng tinh khôi, một màu nắng rất mới trong văn chương. Thứ nắng ấy đã làm sáng lên không gian thôn quê đơn điệu, trong trẻo và nhẹ nhàng, thơ mộng. Thú vị là ở đó, say lòng người là ở đó. Phải có chỗ phối hợp ảo diệu ấy trong cái ánh chiếu ảo diệu ấy và trong cái thời khắc ảo diệu " nắng mới lên" ấy" kìa! Thiếu một trong ba yếu tố: nắng - hàng cau - nắng mới lên, sự kỳ diệu của nghệ thuật sẽ không còn, cái lạ lùng làm ta say đắm của Vĩ Dạ cũng sẽ không còn nữa.
Hàn Mặc Tử không có ý định đặc tả cảnh vật của thôn Vĩ, nhà thơ chỉ gợi cho người đọc một vài nét đơn sơ nhưng đầy ắp cảm xúc:
" Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"
“ Vườn ai ?” Thật khiến con người ta mơ hồ và bâng khuâng, cảm giác như thể rõ ràng là do Hàn Mặc Tử viết ấy nhưng ông lại không còn thuộc về chốn đây nữa kể cả thời gian lẫn không gian. Không chỉ vậy,Người đọc rợn ngợp trước màu xanh của lá vườn. Mà vườn xanh mướt chứ không phải xanh mượt. Mượt thì chỉ nhẵn bóng lên, còn mướt thì không những bóng nhẵn mà còn trong trẻo, ánh lên loáng nước. Xanh mướt mới có thể là xanh như ngọc được.Thủ pháp so sánh “ xanh như ngọc” kết hợp với tài năng sử dụng từ ngữ của tác giả đã biến một vùng thôn quê thơ mộng nay trở thành một viên ngọc xanh lung linh được khảm trên bầu trời xứ Huế. Và màu "xanh mướt xanh như ngọc" chỉ đã có thể có được khi xuất hiện " nắng mới lên" .Cứ thế, chữ nghĩa của thơ cứ trong một mạch tự nhiên mà vẫy gọi lẫn nhau.
Vườn Vĩ Dạ đã đẹp lại còn đẹp trong sự hài hoà giữa cảnh với người:
" Là trúc che ngang mặt chữ điền"
Hẳn đây mới chính là nét chủ yếu làm nên cái riêng của vườn xanh Vĩ Dạ. Mặt chữ điền là tiêu chuẩn về một khuôn mặt đẹp của con người xứ Huế: đẹp mà trang trọng, đẹp mà cao quý, vương giả. Vì thế, trước khuôn mặt chữ điền, lá trúc phải che ngang. “Che ngang” để làm rõ thêm nét chữ điền; để làm kín đáo thêm khuôn mặt vốn đã kín đáo, tôn quý; để làm thanh tú thêm những nét vốn đã thanh tú. Con mắt nhà thơ thật tinh tế khi đã sử dụng từ " nghiêng" để có thể thể hiện sâu sắc cái đẹp của chữ điền. Cũng tương tự như thế, nhà thơ Bích Khê đã từng viết:
“Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn
Biếc che cần trúc không buồn mà say.”
Canh thôn vĩ tinh khiết tinh khôi, người thôn Vĩ thật thà nhân hậu. Cả khổ thơ đầu, nhà thơ đã dồn toàn bộ cảm xúc, tâm tưởng của mình để viết về vẻ đẹp của thôn Vĩ về nơi mà ông chẳng thể quay trở về. Mà đằng sau những nét chữ ấy, nó ẩn chứa tình cảm gắn bó sâu nặng thiết tha, sự khát khao, nuối tiếc.
Luận điểm 2. Đi từ cái đẹp của vườn xanh, từ vùng quê thôn dã, bất chợt, nhà thơ nói đến nhiều hơn về cái mênh mang, ẩn tình một niềm đau cô lẻ chia lìa.
" Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"
Từ đây, nhà thơ phóng một cái nhìn bao quát toàn bộ không gian. Vĩ Dạ có khung trời mở rộng tới bao la, cho gió, cho mây, thênh thang, cho lòng người vô biên, cho tình người vô cùng. Sao mà mênh mang, sao mà buồn thế ! Gió khép chặt mình trong hai chữ gió. Mây tự nhốt mình trong hai chữ mây. Cách ngắt nhịp ¾ dường như bẻ đôi câu thơ, chia cắt chia lìa giữa hai tạo vật vốn song hành cùng nhau như một lẽ tự nhiên. Nghệ thuật nhân hóa “ dòng sông buồn thiu “ làm cho dòng sông lặng lờ như mang một nỗi buồn, hắt hiu không có bóng dáng sự sống. Có cái động, có cái tĩnh, ấy thế mà một nỗi sầu ảo não cứ thế nhuốm vào trong thơ ca.Thật đúng là “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” ( Nguyễn Du )
Thế rồi từ cái vô hạn của không gian, bỗng xuất hiện cái lạ lùng của ánh sáng:
" Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?"
Cảnh thực mà cứ như ảo, ảo mà vẫn là thực, bởi vì là thực nhưng thật lãng mạn. Một cảnh đẹp đến như thế phải trong những giấc mơ mới có, thế mà ở đây nó lại là cảnh thực. Cho nên những con thuyền vốn có thực cũng đã trở thành mộng: chúng đậu ở bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong cõi mộng. Ở đây, cái đẹp đã vượt lên trên mức thường tình. Làm sao không trở nên u hoài ? Bâng khuâng trước cái đẹp đến thế của cuộc đời? Phải chăng trước những cái tuyệt vời của sự sống, con người trở nên buồn ? Buồn vì nhận ra cái hữu hạn, cái tương đối, cái bất lực của mình trước cái vô hạn tuyệt đối, điều không thể với tới, của những vẻ đẹp thực sự trong đời.
Luận điểm 3. Chính từ tâm trạng bâng khuâng buồn pha lẫn hoài nghi ấy. Hàn Mặc Tử đã đi đến khổ thơ cuối với nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hôn tha thiết yêu cuộc đời và con người:
" Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà "
Thật khó mà đoán biết khách đường xa được nhắc đến hai lần trong thể điệp từ một cách thân thiết này là ai ? Có phải là em trong " áo em trắng quá " ? Rồi tại sao trắng quá nhìn không ra " ? Rõ là nghịch lí. Càng trắng càng dễ nhận ra chứ ? Nhưng không, tất cả chỉ vì một từ "quá". Có cái gì đó vượt trên giới hạn bình thường: cái vẻ đẹp ấy, cái màu trắng ấy đã vượt lên trên bình thường, cho nên nó cũng trở thành cái ảo, cái hư vô, cái không thể với tới được. Cái không gian mông lung, lạnh lẽo, mịt mùng trong sương khói, trong ảo ảnh đã nhấn chìm lên cả ý thức, tiềm thức, thắt buộc lòng người đến tê dại. Chính vì thế nó khiến cho người ta buồn,cho người ta hụt hẫng, cho người ta hoài nghi như mộng đẹp, nhưng tình người rồi sẽ đi qua:
"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà "
Hai từ "ai" trong câu cuối thật là hay. "Ai" có thể là hai con người, lại có thể là bất kỳ ai đó, lại cũng có thể không là ai cả. " Ai biết" rồi " tình ai " tiếp sau những "vườn ai", " thuyền ai" , tất cả đều mơ hồ, tất cả đều là nghi vấn. " Ai biết tình ai…" câu thơ ngân xa như một tiếng vang, vọng vào vô cùng, như một câu hỏi, như một hi vọng, lại như một lời than…. Âm "a" được sử dụng rất thành công âm hưởng của những câu thơ cứ láy đi láy lại rồi trải ra, mênh mông, xa vời vợi….
3. Cuối Thân Bài
Rõ ràng, tác phẩm là bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ trên Sông Hương êm đềm, thơ mộng trong tâm tưởng nhà Hàn Mặc Tử. Song, ngoại cảnh cũng chính là tâm cảnh khi ta cảm nhận được nỗi buồn, cô đơn của nhà thơ trong một mối tình xa xăm mà vô vọng cũng như tấm lòng thiết tha đối với thiên nhiên, cuộc sống, con người. Ngoài ra, đây cũng là minh chứng cho trí tưởng tượng phong phú, tài năng nghệ thuật văn học ( thủ pháp so sánh, nhân hóa, câu hỏi tu từ, … ) của nhà thơ. Cái đang nói tới nhất chính là sự hòa điệu tả thực, tượng trưng, lãng mạn, trữ tình trong bút pháp của thi nhân họ Hàn đây. Tất cả, ý với lời, chữ với nghĩa, âm và thanh, điệu và nhịp, cứ quyện vào nhau, hoà vào nhau, hợp với nhau, mà tạo nên sự kỳ diệu vẫn được gọi là thơ.
C. Kết Bài
Kết lại, "Đây thôn Vĩ Dạ" là một sáng tạo của Hàn Mặc Tử khi tài năng của nhà thơ vừa tới độ chín, mà nỗi đau vì tật bệnh và bất hạnh chưa kịp khiến thơ ông quằn quại đau thương đến điên loạn. Trong nỗi buồn và hoài nghi của một tâm hồn đã dự cảm được bất hạnh, ta nhận ra tâm tình của Hàn Mặc Tử gắn bó với cuộc đời tha thiết biết bao: tình yêu của ông dẫu vô vọng mà vẫn mãnh liệt biết bao. Theo lời mời gọi của nhà thơ, ta đến với thôn Vĩ Dạ trong thơ ông, rồi yêu mến cái miền đất bé nhỏ và cái tên gọi ấy như ông đã từng.
Chú ý: Đây là bài mình làm để tự học và làm theo dàn ý trên lớp nên sẽ có một số chỗ không ưng ý hoặc mình không làm vì mình đã làm trước đó rồi. Nhưng nếu các bạn thấy hay và phù hợp với nhu cầu học tập của bản thân hoặc cảm thấy có nhiều chỗ thiếu sót thì hãy cmt hoặc add library nhé !
Cảm ơn các bạn !
Đừng quên vote nha !
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro