Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ DỊCH VỤ CÔNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

1. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công

Tư tưởng về xã hội hoá dịch vụ công được hình thành từ Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (Khoá VII) “đa dạng hoá các hình thức tổ chức chăm sóc sức khoẻ (nhà nước, tập thể, nhân dân) trong đó y tế nhà nước là chủ đạo” và được chính thức đưa vào trong văn kiện Đại hội Đảng VIII “Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hoá. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội”.

Nghị quyết Đại hội Đảng IX đã khẳng định: “Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội”. Văn kiện Đại hội Đảng X tiếp tục cụ thể hóa: “Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo” và “Xúc tiến xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin với bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã khẳng định “Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, đặc biệt là cho những vùng nghèo, người nghèo, bảo đảm những dịch vụ cơ bản cho nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, vận dụng hợp lý những mặt tích cực của cơ chế thị trường”.

Thể chế hoá chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 21/8/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế và văn hoá; Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ, vấn đề dịch vụ công được đề cập rất cụ thể: “Xây dựng quan niệm đúng đắn về dịch vụ công. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, nhưng không phải vì thế mà mọi công việc về dịch vụ công đều do cơ quan nhà nước trực tiếp đảm nhiệm. Trong từng lĩnh vực cần định rõ những công việc mà Nhà nước phải đầu tư và trực tiếp thực hiện, những công việc cần chuyển giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm”.

Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao khẳng định: xã hội hoá nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao. Các nhiệm vụ đẩy mạnh xã hội hóa chủ yếu gồm :1) Nhà nước đổi mới cơ chế chính sách, đổi mới phương thức cơ cấu đầu tư; 2) Chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ; 3) Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình dân lập và tư nhân; 4) Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Như vậy theo tinh thần các văn kiện của Đảng và Nhà nước, xã hội hoá chính là huy động nguồn lực từ trong nhân dân và sự tham gia của người dân vào việc giải quyết các vấn đề thuộc chính sách xã hội của Nhà nước, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo các dịch vụ công cơ bản cho người dân.

2. Một số kết quả đạt được và hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ công

Chính phủ đã nghiên cứu ban hành các chính sách và quy định làm cơ sở cho việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực tham gia vào hoạt động phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết quả là hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ công ngoài công lập ngày càng phát triển, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao… tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn người. Mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề ngoài công lập đã được mở rộng ở các cấp học. Trình độ đào tạo; tỷ lệ học sinh, sinh viên ở các trường ngoài công lập ngày càng tăng. Nhiều cơ sở y tế ngoài công lập được thành lập ở các địa phương, thực hiện cấp cứu, khám chữa bệnh cho hàng triệu lượt người, góp phần giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Các cơ sở cung ứng dịch vụ văn hóa và thể dục thể thao ngoài công lập tăng nhanh, thu hút được nhiều nguồn lực, nhiều thành phần kinh tế trong xã hội tham gia.

Thực hiện có hiệu quả chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động được nhiều nguồn lực xã hội để cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho các lĩnh vực dịch vụ công, tạo điều kiện cho ngân sách nhà nước tập trung đầu tư phát triển các cơ sở công lập phục vụ những vùng nghèo, người nghèo và đảm bảo những dịch vụ cơ bản như: giáo dục phổ cập; các chương trình mục tiêu quốc gia; y tế dự phòng, y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho các đối tượng chính sách, người nghèo... Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích thành lập các cơ sở ngoài công lập, mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở này; thúc đẩy việc hình thành cơ chế cạnh tranh giữa các loại hình tổ chức cung ứng dịch vụ công lập và ngoài công lập nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm và mở rộng sự tham gia của toàn dân vào sự nghiệp phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… của đất nước.

Việc tăng nhanh số lượng các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới nội dung và phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công. Qua đó, tạo được sự chuyển biến trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện xã hội hóa ở các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội trong việc triển khai thực hiện xã hội hóa.

Tuy nhiên, thực tế công tác xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao chưa đảm bảo định hướng đã đề ra, kết quả đạt được còn ít và thiếu vững chắc so với tiềm năng. Tiến độ thực hiện chuyển đổi cơ sở công lập, bán công sang loại hình ngoài công lập hoặc doanh nghiệp còn chậm. Mức độ phát triển xã hội hoá không đồng đều giữa các vùng, miền và cả giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội như nhau. Cơ chế, chính sách đầu tư, thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển các cơ sở dịch vụ công ngoài công lập chưa đủ mạnh; các chính sách đòn bẩy kinh tế như thuế, tín dụng, đất đai, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội chưa được triển khai thực hiện đồng bộ và nhất quán để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các cơ sở dịch vụ ngoài công lập. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện thiếu kiên quyết, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên đây là do quan niệm về xã hội hoá của các cấp, các ngành và xã hội còn chưa đầy đủ và toàn diện, xem xã hội hoá chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện Nhà nước khó khăn về tài chính, ngân sách; chưa thực sự quyết tâm đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động dịch vụ công. Tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức và người dân còn khá nặng nề. Trong khi đó, công tác quán triệt, tuyên truyền về mục tiêu, sự cần thiết của xã hội hóa chưa được chú ý đúng mức.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công ở nước ta hiện nay

- Nhận thức đúng bản chất và mục tiêu xã hội hóa dịch vụ công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để khuyến khích phát triển xã hội hóa dịch vụ công, coi đây là một trong những giải pháp chủ yếu để huy động mạnh mẽ các nguồn lực và năng lực xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi ích của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với sự phát triển xã hội. Trách nhiệm quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền cần xác định rõ trên các mặt chủ yếu như: ban hành các cơ chế, chính sách và qui định những tiêu chuẩn, định mức, chất lượng, giá, phí, dịch vụ... hợp lý; đảm bảo cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu của xã hội; giao kế hoạch hoặc đặt hàng và thanh toán dịch vụ theo đơn đặt hàng với đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ công; thực hiện trợ giúp người nghèo, đối tượng chính sách được thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công; thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dịch vụ công.

- Về lý luận, cần làm rõ quan niệm về quyền sở hữu trong các loại hình xã hội hóa dịch vụ công (trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ sở văn hoá, thể dục thể thao, vui chơi giải trí ngoài công lập...); hình thành các quan niệm đúng đắn liên quan đến các vấn đề về dịch vụ ngoài công lập.

- Xây dựng hành lang pháp lý cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi hữu hiệu và khả thi để khuyến khích việc chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp bán công và công lập sang hình thức tư thục cũng như cho việc thành lập các cơ sở ngoài công lập, cổ phần hoá... Từng bước chuyển cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ để khuyến khích các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế cùng tham gia. Xây dựng các chế độ học phí, viện phí và phí, lệ phí trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... theo hướng từng bước tính toán đầy đủ các chi phí cơ bản, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực trong xã hội, với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương, từng loại đối tượng.

- Rà soát lại quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, chú ý quy hoạch phát triển các dịch vụ ngoài công lập, đáp ứng quy mô định hướng phát triển, phù hợp với yêu cầu xã hội; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư của nước ngoài. Tăng cường và đa dạng hoá các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển các đơn vị dịch vụ công lập và dịch vụ ngoài công lập.

- Cùng với các chính sách đầu tư có hiệu quả cho các loại hình dịch vụ công lập, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu và đầu tư khuyến khích các cơ sở ngoài công lập, đa dạng các hình thức như: tư nhân góp vốn, liên doanh, vốn đầu tư nước ngoài; BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao), BT, BTO; Nhà nước xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng cho các cơ sở ngoài công lập thuê dài hạn với giá ưu đãi. Các địa phương có quy hoạch về đất, dành quỹ đất để xây dựng và phát triển các cơ sở ngoài công lập phù hợp với định hướng phát triển xã hội hoá.

- Tiếp tục thông tin, tuyên truyền trong toàn xã hội về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có các nội dung xã hội hoá dịch vụ công một cách thường xuyên, sinh động, đa dạng và hiệu quả trên các phương tiện truyền thông.

- Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ sở ngoài công lập. Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn hoá về cán bộ, cơ sở vật chất đối với cơ sở ngoài công lập. Quy định chế độ thông tin, báo cáo và trách nhiệm giải trình của các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công. Hình thành các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ độc lập theo ngành, lĩnh vực. Xây dựng cơ chế giám sát và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời xử lý những hiện tượng tiêu cực, tuỳ tiện. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tranh thủ mọi nguồn viện trợ để tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ; có chính sách động viên, thu hút đội ngũ trí thức Việt kiều về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh, hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: