Mây trung tích.
được chắp bút vào một ngày của tháng mười một năm ngoái, hoàn thành cuối tháng ba, hết xuân, hoặc là vốn dĩ trời đất nồm ẩm nên không có mùa xuân.
còn nhiều lỗi chính tả chưa sửa hết.
những cái chết có thể là ích kỉ, đối với người này là ích kỉ, đối với người kia đó là sự hy sinh.
không ai muốn cái chết sẽ tới.
.
Mặt Trời đương lặn trên đỉnh đồi, tôi nghe thấy tiếng trẻ con ré lên sau rặng lau già cỗi ngả mình trong gió, bên ấy là bờ biển. Tôi sốc cặp vừa rón rén vừa tò mò lần sang, cẩn thận để không trượt chân ra khỏi vách. Ngay dưới chân đồi là rặng lau và biển cả, trượt chân là sẽ ngã nhào không ai cứu nổi. Cha tôi không cho chúng tôi bén mảng tới đây. Ông hay dọa rằng nếu tới gần sẽ bị đám rong rêu kéo chân xuống nước, tôi không mấy sợ sệt. Bên đó lại phát ra tiếng trẻ con ré lên thêm một lần nữa, chắc nó gặp nạn, tôi cũng chẳng thể nhắm mắt làm ngơ. Cái máu anh hùng trong tôi nổi lên, lúc ấy tôi cứ nghĩ rằng nếu giúp đỡ người khác, tôi sẽ biến thành siêu nhân đỏ trong phim hoạt hình mà hồi mẫu giáo mỗi tối thứ bảy mới được mẹ đưa đi xem. Dân chài chúng tôi tuy nhìn cọc cằn khó gần, ấy mà ai cũng sẵn cái máu anh hùng, bởi thế mà số người thoát chết vì được cứu trên biển nhiều, mà số người dân nơi đây bỏ mạng cũng nhiều. Nghe thì buồn vậy.
Tôi lần tới mép rặng lau, cố gắng nhón chân lên mà buông mắt tìm kiếm bóng hình đứa trẻ, hoặc ai đó bị kẹt. Giọng trong, chắc là cậu trai nào đó chỉ trạc tuổi tôi, lúc ấy tôi chẳng hiểu mình đào đâu ra mấy suy đoán chín chắn và trưởng thành như thế. Nhìn quanh một hồi, tôi không phát hiện được gì, đoạn chạy về gọi cha ra cùng tìm kiếm, tiếng kêu thất thanh lại vang lên một lần nữa. Không phải "cứu với" cũng chẳng phải "có ai không", chỉ là một tiếng thét lên nghe rất đau, chỉ vậy. Linh cảm bảo tôi rằng nếu không nhanh chân vượt qua khỏi đám lau sậy, kẻ kia sẽ khốn lắm, sẽ chết đấy, hay là bị thủy quái kéo chân ra khỏi bờ. Tôi vút ra khỏi bờ lau cao quá đỉnh đầu, suýt nữa vấp chân mà lao khỏi mỏm đá. Tôi rón rén, cẩn trọng bước xuống từng phiến đá gồ ghề, cố lắm để không trượt. Tôi bỏ dép, đi chân trần cho đỡ nhọc, quẳng cả cặp sách về lại bờ vách, lại từng bước một chậm rãi, mắt láo liên nhìn quanh.
"Này, ai đấy?"
Tôi cất tiếng gọi, rồi cố dỏng tai nghe cho ra lời đáp. Tiếng sóng kề cận đập vào mạn đá, đập cả vào tâm trí tôi. Thần thức đảo điên, niêm mạc căng tràn mùi gió biển. Gió mặn chát, tạt vào mặt mũi đỏ bừng, hay mái tóc rối bù, tôi khó lắm mới mở được hai mắt.
"Tôi ở đây."
Giọng nam trạc tuổi tôi lại cất tiếng, không còn là ré lên thất thanh như ban nãy. Giọng cậu ta run run, chới với, hấp hối, ắt hẳn đang nguy lắm. Tôi tiến gần lại với vách đá phía đằng Tây, nơi Mặt trời chói chang đương tắt ngấm, gió biển muốn cản bước chân tôi, nhưng chắc là đã quá muộn, tôi đã nhìn thấy cậu trai kia - kẻ chới với bị kẹt giữa mỏm đá.
Mỏm đá sâu và nhọn, và dễ trơn trượt, trong một giấc phút, con quỷ hèn hạ trong tôi muốn kéo chân tôi lại, chạy đi, hay đi về và gọi cha, để rồi khi quay lại kẻ kia đã từ lâu lìa xa khỏi trần thế. Không được đâu, không được, tôi không thể giết chết người ta như thế, nhưng cũng chẳng thể liều mạng mà giết chính mình. Mà thôi, cuộc đời ắt là vậy, thế là tôi năm mười một tuổi, vượt qua khỏi sắc đỏ cam của Mặt trời và cả vị gió biển mặn chát khoang phổi, cố lấy hết sức bình sinh và can đảm tiến lại gần hơn để cứu người.
Tôi phát hiện ra, đó không phải là người.
Tôi không nhớ mình đã kéo cậu ta ra khỏi mỏm đá bằng cách nào, càng không nhớ được lúc ấy tôi đã nghĩ những gì. Tôi tỉnh dậy ở nhà, anh trai có kể rằng người ta tìm thấy tôi ở rìa của đám lau sậy, ngay bên cạnh là những phiến đá trơn trượt. Tôi không nhớ nổi, như thể phần kí ức về sự kiện anh hùng đó đã bị xóa sổ bằng một phép thần tiên nào đó. Tôi không dám kể với ai về chuyện đó, cứ ngờ ngợ nửa thực nửa mơ, hay cuối cùng cũng chỉ là tôi mải chơi mà ngủ quên dưới ánh hoàng hôn và gió biển. Không, mọi xúc cảm trước đó đều chân thực lắm, rõ ràng tôi đã tiến về phía mỏm đá, rõ ràng tôi đã thấy cậu trai ấy kia mà. Bàn chân tôi vẫn ứa máu và trầy xước, tiếng kêu xé toạc gió biển vẫn đương văng vẳng trong tâm thức, ấy mà tôi chẳng nhớ nổi gì.
Tôi đã vội quên hết, chỉ nhớ mái tóc cậu ta có màu vàng như hướng dương, vàng cam hoặc là do nắng tàn của ngày hạ, hoặc là thế thật. Tâm thức tôi lấp lánh một ánh sáng, màu xanh lơ, tôi không rõ nó là gì.
Hôm sau, mặc kệ sự can ngăn của cái hèn hạ trong mình, tôi lại mò tới rặng lau, kề cạnh đó vẫn luôn là những tảng đá. Biển cả ăn mòn chúng, ăn mòn cả kí ức của chúng tôi về biển, về hoàng hôn, về những chiều ngụp lặn đằm mình trong làn nước xanh rì mà mặn chát. Tôi sẽ quên, để rồi lại nhớ, trong phút chốc, tôi đắm mình dưới ánh tàn của ngày hạ đỏ, ao ước rằng cuộc sống cứ thế này thôi, bình yên như những ngày biển cả êm đềm vỗ. Biển hôm nay không động, cha đã đi đánh bắt từ sáng sớm, chắc dăm bữa nữa mới trở về. Tôi lén lút trốn đi tìm câu trả lời cho những gì đã xảy ra hôm qua, lại để đôi dép trên vách, để cả cặp sách ngay ngắn bên cạnh, tôi mặc cho những vết trầy chưa khép hết lại một lần nữa tiến về phía mỏm đá.
"Này, có ai không, cậu bạn tóc vàng ơi?"
Tôi cứ nghĩ cậu ta là người ngoại quốc, ấy mà rõ ràng hôm qua lại kêu cứu bằng tiếng mẹ đẻ tôi đây, hơi kì cục, chắc cậu ta sinh ra ở đây, mà sao tôi lại không biết nhỉ, đặc biệt như thế kia. Trong đầu tôi là cả trăm câu hỏi, cả trăm nỗi tò mò không dứt, tôi tâm tư mãi để rồi khi với tới được mỏm đá, những kí ức của ngày hôm qua không cập tới như sóng đánh xô bờ.
Tôi đã hi vọng gì chứ nhỉ, một giấc mơ, một người bạn, một người tôi đã cứu để tự mình xưng làm anh hùng. Không đâu, tôi chỉ muốn biết rằng nếu cậu ấy ổn. Đúng vậy, và rồi tôi sẽ ra về mà không hỏi han gì thêm. Tôi đoán rằng cậu ta ổn, hoặc vốn dĩ cậu ta không tồn tại, chắc chỉ trong tâm trí tôi thôi. Mà giả dụ rằng nếu cậu ta có thực, hôm qua vừa mới bị kẹt tới suýt chết chắc cũng sẽ chẳng bao giờ mò tới chốn này một lần nào nữa. Tôi đã nghĩ mình chín chắn lắm, ấy vậy mà vẫn chỉ nông cạn và chẳng suy nghĩ gì nhiều. Đấy, tôi trở về với bản chất của tuổi mười một.
Bỗng, phía hẻm đá sâu hoắm gần đó, có tiếng nước động mạnh, như kiểu quẳng thẳng cái gì đó xuống đại dương, thì ừ, nghe như người nhảy từ vách đá xuống. Tôi bất giác thấy lạnh sống lưng, không biết là do gió Tây hay do nỗi sợ đương dấy lên trong lòng.
"Ai vậy?"
Tôi nói lớn, đoạn lần mò sang phía đó. Tôi lại thấy mái đầu vàng như đoá hướng dương, và cái gì đó lấp lánh xanh lơ nom rất lạ. Nó có màu như lục bảo, hay một loại đá quý nào từa tựa mà tôi đã vội quên tên.
"Cậu có phải người hôm qua không?"
Tôi chụm hai tay vào nhau cố tạo lên một tiếng gọi thật vang để rồi suýt trượt chân ngã nhào khỏi vách, quả thực là một trò mạo hiểm quá đỗi, chắc từ giờ tôi sẽ sợ tới già mất thôi. Vậy mà đáp lại câu hỏi của tôi lại chẳng có gì ngoài tiếng ngụp lặn một lần nữa vang lên, đâm ra tôi lại thấy hơi rợn, hay có chăng cậu ta đang đằm mình giữa vách đá sâu hoắm mà cha tôi hay nói rằng có thủy quái trú ngụ.
Những vệt nước, tôi bắt được vệt nước ngược thủy triều, nó tiến lại gần phía tôi, ngày càng lộ rõ. Những mảng vàng cam, và xanh lơ, và lấp lánh, tôi như bị choáng ngợp. Trước ánh hoàng hôn, về phía Tây, tôi bắt được bóng một cậu trai trạc tuổi, miệng đang cười tươi và thuần khiết như những nhành hoa mọc dại. Và tôi mới ngẫm ra tất thảy những gì xảy ra vào chiều hôm qua khi hoàng hôn đổ bể, tôi gặp cậu ta lần đầu tiên, người cá.
Tôi gặp người bạn đầu tiên trong đời mình, sau này trở nên quan trọng hơn hai chữ "bạn bè", và cậu ta có đuôi. Không nhầm đâu. Tôi của tuổi mười một, trở về tới nhà mới hoàn hồn mà kêu lên một tiếng để rồi lại nuốt ực những gì hào hứng và tò mò nhất vào tận đáy lòng. Lúc đó tôi đã dấy lên một ngọn lửa anh hùng và đàn ông thứ thiệt, rằng tôi phải bảo vệ bạn của mình.
"Mình là Jiwon, Kim Jiwon, cậu tên gì?"
"Kim Hanbin."
Từ ấy, tôi lại lớn lên bên làng chài, bên ngọn đồi xanh rì những cỏ, bên bờ lau sậy và đá, lớn lên cả bên cạnh Hanbin. Tôi có kể cho chúng bạn về người cá, chẳng ai lấy làm tin. Chúng chê tôi gàn dở thật. Thành thử ra từ ấy tôi cũng chẳng còn ai chơi cùng nữa, Hanbin nghiễm nhiên là người bạn duy nhất còn sót lại. Một người bạn thân, tôi vẫn mong chỉ là vậy. Sau những chiều tan trường tôi thường chạy ra bờ đá, tôi nghe cậu ấy hát, nghe cậu ấy kể về việc biển cả vẫn luôn thì thầm điều gì đó, với nhân ngư hay cả người trần mắt thịt như tôi. Chỉ là tôi không hiểu nổi, rằng biển cả muốn gửi tới chúng tôi điều gì.
"Cậu nghe không, biển động."
"Biển nói gì thế?" tôi nghiêng đầu.
Hanbin không trả lời tôi, cậu quay đi mắt chằm chặp dán vào Mặt trời đương lặn phía đằng Tây. Những hạt nước long lanh đọng lại trên mái tóc, và gương mặt, và làm lấp lánh những vảy xanh lơ như lục bảo. Tôi ngẩn ngơ, ngẩn ngơ mãi cho hết cả tuổi thiếu thời không dứt. Màu xanh năm ấy đem những nhộn nhạo khuấy đảo tâm hồn chập chững lớn của tôi.
Đông, chớm đông, gió lạnh hun hút lùa vào hẻm đá khiến nó rú lên một tiếng như thể có loài vật kỳ bí nào đó nương náu nơi đen tối ấy vừa choàng tỉnh. Tôi rợn sống lưng, từ bé tới giờ chưa một lần có thể quen với thanh âm gai người ấy. Tôi của những năm tháng thiếu thời, mười lăm, trưởng thành, từ lâu đã coi Hanbin là một người-không-hẳn-là-người quan trọng hơn hai chữ "bè bạn". Đúng, thú thật mà nói, Hanbin khiến cho tôi tương tư nhiều, như thể một cơn cảm lạnh giữa hè, ngang trái và bất chợt. Đoán nhé, chắc tôi yêu rồi.
Hôm qua cha tôi ra khơi từ khi trăng vừa chếch qua đỉnh đầu, chúng tôi lại cầu cho một chuyến đi xa an lành như những dạo trước. Kể cả không thu được gì, chỉ cần cái mạng bình yên. Ấy mà chiều nay, khi tôi vừa rời khỏi trường vào những ngày tháng cuối cấp, những ngày tháng cuối cùng được sống cạnh biển cả trước khi lên thành phố học lên Phổ thông, biển lại gầm gừ.
"Jiwon cậu nghe thấy không? Biển động."
"Biển nói gì thế?"
"Biển đang khóc."
Cha tôi đi mấy ngày, lâu hơn nhiều so với dự kiến. Đất trời ven biển vẫn lặng, tôi không rõ liệu rằng thuyền bè cha tôi có gặp bất trắc gì ngoài khơi xa kia không. Ấy mà tôi vẫn cứ tin mãi, rằng cha tôi ổn, tại sao lại không chứ khi trước lúc rời đi, cha đã hứa với chúng tôi rồi kia. Cha chưa một lần thất hứa, lần này chắc mẩm cũng như vậy. Tôi ngóng đợi cha về mãi, chiều chiều lại chạy ra sau rặng lau sậy mà ngóng cha về. Hanbin thấy vậy cũng nhìn ra phía Mặt trời đỏ chói cùng tôi, hay là một khoảng không gian vô định nào đó của đại dương xa tít.
Hôm qua tôi lại trở về nhà sau giờ học, chạy thẳng về nhà để có thể nhanh nhanh chóng chóng ra phía rặng lau mà chơi cùng với Hanbin. Dạo gần đây cậu ấy có vẻ hơi khác, tôi nghĩ bụng chắc người cá đôi khi cũng thấy mệt, hay buồn bực, cái gì đó từa tựa. Tôi về nhà lại chẳng thấy có ai, phía bến thuyền bỗng lao xao sôi nổi lắm. Tôi đoán là cha đã về, và thuyền của ông, và tôi muốn nhanh chóng lấy lại chú gấu bông của mình - cái vật mà trước giờ mỗi khi ra khơi tôi thường dắm dúi nhéo vào túi áo khoác tượng trưng cho một vật hộ mệnh, hay lời hứa của cha con chúng tôi. Tôi ào ra, chen lấn vào trong đám đông xôn xao không rõ là về điều gì đó, ở mép thuyền, tôi thấy mẹ tôi khóc lớn. Một, hai, ba rồi năm, sáu, tôi đếm mãi, đảo quanh chẳng thấy cha tôi.
"Cha cháu đâu rồi?"
Tôi hồn nhiên cất tiếng hỏi, hoặc là bản ngã trong tôi vẫn đang tự cho mình một hy vọng cuối. Nghiễm nhiên tôi đủ lớn để phần nào ngộ ra tình cảnh này, nhưng ít nhất hãy để cho tôi có niềm tin một chút. Đáp lại câu hỏi của tôi lại là không gian lặng như tờ, đám đông đã thôi huyên náo, chỉ còn lại tiếng nấc nghẹn của mẹ tôi và thanh âm của biển cả đổ xô vào mạn thuyền. Tôi thấy chú Han, tay cầm lấy chiếc áo khoác màu xanh lơ từ lâu đã ngả màu, khụy gối bên mẹ tôi như muốn sẻ chia nỗi buồn thực tại. Chú gấu bông sứt chỉ vẫn nằm gọn trong túi áo, những giọt nước mắt mặn chát, hay là mồ hôi, hay nước biển, tôi lại chạy biến.
"Này này nghe bảo ông ấy bị thủy quái kéo ra khỏi khoang tàu."
Tôi bạt mạng chạy. Cả buồng phổi căng cứng không thể thở, những giọt nước mắt ứa ra, chúng làm cho khuôn mặt cháy nắng trở nên thảm hại hơn tất thảy. Tôi thoăn thoắt băng qua đồi, băng qua cả rặng lau sậy mà chẳng màng chúng cứa vào da ran rát. Đứng trơ trọi trên những phiến đá, thủy triều đang dần lên, tôi căng sức mình gọi tên cha, để rồi bật khóc.
Tôi đợi mãi không thấy ai đáp lại, rưng rức một hồi để rồi thôi. Tôi sững người, ngẩn ngơ suy nghĩ, và rồi lại cố lấy hết sức bình sinh mà gọi thật to: "Hanbin!". Hơn cả tiếng sóng biển, tiếng hải âu đập cánh, át cả tiếng trái tim đập liên hồi trong khoang ngực, vậy mà không ai đáp lại tôi. Cả cha hay người bạn thân thiết. Tôi đợi mãi không thấy màu xanh lục bảo, cũng chẳng nghe được tiếng biển cả thét gào, hay lòng tôi, hay nỗi xót xa đang ứa tràn. Cả niêm mạc lại mặn chát vị biển cả, và cổ họng đặc nghẹt, tôi không tài nào thở nổi, tôi cảm thấy mình như hấp hối.
Phía đằng Tây, lại một luồng sáng, ngay khi hoàng hôn sắp tắt hẳn, khi tôi toan rời khỏi đây với cõi lòng rỗng tuếch, biển cả lại sắp chìm trong màn đêm vô tận như ánh sáng đời tôi, Hanbin ở đó. Cậu nhìn buồn như tôi, rồi dần dần tiến lại. Không lấp lánh xanh lơ, cũng chẳng trần trụi một phần thân trên khỏe khoắn, Hanbin đứng đó, bằng đôi chân và nụ cười hiền như vạt nắng còn vấn vương trên miền cỏ nội. Lần đầu tiên sau từng ấy thời gian tôi nhìn cậu ấy ở một khoảng cách gần như thế, và bình yên, và thứ dịu dàng trong mơ tôi cũng chẳng tài nào vẽ ra nổi. Hanbin ôm lấy tôi vào lòng, lần đầu tiên tôi cảm nhận được những cảm xúc dấy lên trong mình, rằng nó có thể mãnh liệt tới nhường nào.
Tôi lại bật khóc. Bởi Hanbin có mùi hương của triền cỏ tôi bỏ quên trên lưng đồi.
"Các cậu không làm như thế đúng không?"
"Mình xin lỗi."
Tôi điếng người, vội vàng bật ra khỏi vòng tay chưa kịp ấm. Phía xa xa một cơn giông đang kéo tới rất gần, ấy mà ban chiều đất trời vẫn đẹp, đây, trên đồi cỏ, mùi bình yên vẫn còn đương thổn thức. Tôi nghe lòng mình quặn thắt lên từng cơn, nghe vườn hướng dương của tôi chết cháy trong nắng hạ bỏng rát, hay cả những hi vọng chẳng còn có thể reo vui sau mỗi chiều tan trường.
Tôi trở về khi trăng lên, đau lòng nhìn mẹ tựa vào anh trai lủi thủi một góc phòng, lòng tôi tan nát. Chú gấu bông được đặt gọn trên đầu giường, cái cổ nghiêng sang một bên vì lại sứt chỉ, nó có mùi của đại dương, có cả mùi của cha vương vấn. Tôi ôm chặt lấy nó trong lòng, cố gắng níu vớt nhưng thân quen để mong rằng nó sẽ hằn sâu trong tâm trí, tôi sẽ không quên. Nào có thể, cha tôi chắc đang ngủ vùi đâu đó đây thôi, rồi ông sẽ lại trở về, tôi ước rằng hiện thực có thể luôn tươi đẹp được thế. Tôi lẩn ra hiên nhà, ngửa cổ lên nhìn vầng trăng, sống mũi lại cay cay khi nhớ tới những câu chuyện về đại dương ngày nhỏ cha hay kể. Ông trăng treo lơ lửng trên đầu, con tim tôi lửng lơ giữa vô vàn đau đớn.
Ngày bé cha kể câu chuyện về những nhân ngư, tôi vẫn tin là có thật, cho tới tận khi gặp Hanbin - một người cá. Vậy mà giờ đây tôi không tài nào nhớ nổi câu chuyện ấy đã kể về những gì.
Một tháng sau đó, tôi lên thành phố học hành, hoặc là chạy trốn. Tôi rời khỏi vùng quê ven biển, vùng chài lưới, rời khỏi Hanbin hay những chiều rong ruổi cảm nhận thân mình đắm chìm sâu trong làn nước mặn chát. Nước biển xanh biếc, tâm can tôi lại đục ngầu. Tôi cứ bận tâm mãi, về cha tôi, về Hanbin, về thế giới của đại dương hay những gì biển cả luôn muốn thét gào. Tôi cứ bận tâm mãi, đành ra cả tháng trời không còn làm xước lấy bàn chân, cũng không mắc nghẹn hương gió biển ứ đầy khắp niêm mạc. Tôi đoán rằng tôi sẽ quên, về Hanbin, ít nhất điều ấy sẽ không khiến tôi day dứt. Và rồi quên đi, để một ngày tôi lại nhớ, lại đau, lại trăn trở mãi về ngày ấy lênh đênh giữa đại dương, cha tôi đã bỏ lại chú gấu bông sứt chỉ của tôi trong túi áo mà đi đâu biệt tăm chẳng về.
Đáng lẽ tôi không nên hèn nhát, tôi nên hỏi Hanbin, rằng đại dương có nói cho cậu ấy về cha tôi hay không, chắc là do tôi run sợ, nên đã không cho chính mình một câu trả lời.
Tôi vẫn không tin cậu ấy, hay những người cá, hay bất cứ ai có thể cướp lấy cha tôi, như khi mọi người đều tin là vậy, thì thay vì "tâm lý đám đông", tôi lại đi theo "hiệu ứng trốn chạy".
Tôi lên thành phố học Phổ thông, rồi học Đại học. Tuổi thanh xuân của tôi chẳng yêu lấy một ai, người ta hay trêu rằng tôi khó tính, thay vì yêu phụ nữ thì vẫn có thể yêu đàn ông kia, hay một ai khác. Vậy mà không ai khuyên tôi về chuyện yêu lấy kẻ khác loài, đúng nghĩa, ý là nhân ngư. Tôi không có đuôi cá, nhưng ít nhất thì cậu ấy vẫn có thể mọc chân. Chắc cậu quên tôi rồi, tôi thì chưa vội, cứ nhớ mãi, rồi bồi hồi. Chỉ là tôi không dám tới nữa, chẳng dám về bên rặng lau để rồi lại cởi bỏ đôi giày vải cũ màu, xắn ống quần lên mà bì bõm, cẩn trọng bước lên từng phiến đá. Không, tôi không dám nữa, và nếu Hanbin vẫn nhớ về tôi, ngày tôi trở lại biển cả sẽ nổi giận.
Vì tôi sẽ giận tôi lắm.
Dạo này nhân ngư đầy rẫy trên mặt báo, tôi cũng chẳng thể làm ngơ. Vùng quê tôi mà, tôi cứ thấp thỏm mãi như ngồi trên đống lửa. Nghe mẹ bảo hôm vừa rồi các anh các bác đi đánh bắt xa, cũng lại trở về như dạo nọ, hỏi thì bảo là bị loài kì lạ nào đó kéo đi. Tôi không tin, Hanbin tốt lắm, hoặc là cũng như loài người, cái gì cũng chỉ mang tính thành phần như vậy. Những không đâu, dạo gần đây tôi hay mơ về những kí ức của thuở bé, ngày mà cha tôi còn sống kia, và những câu chuyện đêm hôm về biển cả ông hay rì rào kể, tôi nhớ lại cả thảy.
Cha tôi kể về loài nhân ngư, vảy xanh lơ, tóc vàng như nắng, khuôn miệng cười tươi như những đóa hoa vũ trụ mọc trên lưng đồi. Đấy, là Hanbin đấy, hoặc là những người thân của cậu, những người con dấu yêu của biển cả. Họ đều rất đẹp, rất gần gũi kia, có phải không nhỉ?
Tôi về thăm cha mỗi độ dâu chín, ấy là mấy bụi dâu dại mọc ven đường từ trạm xe vào sâu hút tới bãi lau sậy. Cha tôi thích rượu dâu, ngâm cùng đường phèn để chưng cất lâu ngày, chà, quá trình lên men và ra thành quả là lâu phải biết, mà kiểu gì thì bình rượu cũng sẽ vơi đi phân nửa trước khi được lôi ra mời bạn. Tôi, hoặc anh tôi, hoặc cha tôi sẽ len lén dùng một ít, ngọt và cay, tôi vẫn nhớ mãi mùi dâu chín nẫu mỗi cuối chiều. Chiều tan trường và cơn sóng cả xô vào bãi bồi, chắc Hanbin đã không còn ở đó, hoặc là, một ý niệm trong tôi nói rằng cậu ấy vẫn đợi, đợi tôi, chắc thế. Tôi vội ngưng ngay vì sợ nó sẽ làm mình buồn thêm.
Trên chuyến xe trở về nhà, tôi vô tình va phải cuộc hội thoại chẳng biết từ đâu ra. Ừ đấy, chắc cũng là dân chài tôi và anh bạn phóng viên nào đó, trạc tuổi, trẻ, giọng ngạo nghễ của tuổi hai ba, chắc cậu ta là tập sự. Tôi không muốn bận tâm, nhưng lại cứ vấn vương mãi, khi người ta đang rỉ tai nhau nghe về loài nhân ngư đuôi xanh lơ và mái tóc vàng tựa nắng chiều. Tôi nóng lòng muốn chạy ra rặng lau, rồi vội vã mặc kệ cho bàn chân xây xước vì mảng đá sần sùi, phải nhanh chân, nhanh thôi. Nghe bảo treo giá nhân ngư cao lắm, tôi lại không muốn làm giàu cho vội.
Tôi sợ rằng Hanbin bị bắt mất, còn sợ hơn việc cậu ấy vẫn còn nhớ ra tôi.
Dâu mùa chín nẫu, mùi vừa ngọt vừa cay làm nghẹn cả buồng phổi, tôi vùi mình trong tấm áo vang đỏ, rõ ràng là chẳng ăn nhập với mùi vị của quê hương. Tôi lên đồi, phía đằng Đông có khoảng đất bằng phẳng, cha tôi và những người con của vùng chài lưới ngủ yên ở đó, mà, cũng chẳng phải cha tôi. Ông ngủ trên biển rồi, vùi mình trong làn nước, và cưỡi lên những con sóng cả hay lặn sâu cảm nhận đám san hô cựa quậy quanh thân mình, cha tôi từ ngày cuối đông ấy, một lần cũng không trở lại. Chắc ông quên mất bãi bồi, hay tôi, hay chú gấu bông nhỏ xíu và bạc màu đi vì cũ. À chú gấu bông, nó được khóa lại trong chiếc hộp gỗ rồi được chôn xuống nền đất ẩm thay cho cha tôi, chắc sẽ ngột ngạt lắm. Tôi ngồi bên mất tấm bia đá một hồi lâu, rồi lại dạo chân trên lưng đồi nhìn những bụi hoa vũ trụ phất phơ trong gió. Mùi triền cỏ dấy lên ngai ngái, mây chớm hạ như làn khói thuốc mịt mờ tôi chỉ vừa kịp cai, chắc là không muốn buồng phổi hay lồng ngực mình thêm đặc nghẹn.
Buông mắt nhìn về phía mỏm đá từ trên lưng đồi, tôi có thể bắt được những ngọn sóng bạc đầu, và cả tiếng hải âu đương đập cánh như muốn xé toạc những cơn gió ngược chiều bay. Tôi lại nhìn thấy những lấp lánh xanh lơ, chẳng hiểu sao mây đen lại vội kéo tới, trong lòng tôi. Tôi lại nghe thấy tiếng ré lên như thuở nhỏ, và tiếng xôn xao đến xé lòng.
Bên mỏm đá, một mảng sóng bạc nhuốm màu vang đỏ như màu áo tôi, và mặn chát như biển cả, nỗi sợ hãi đang chực chờ để nhấn chìm tôi trong nỗi tuyệt vọng chứa chất suốt từng ấy ngày giờ.
Lần cuối là khi nào nhỉ?
Cuối chiều, tôi ra về trước khi gom đủ sự can đảm mà xuôi chân xuống rồi lách qua rặng lau, tiền về mỏm đá, sao có thể. Tôi ra về với cả lòng nặng trĩu, mẹ và anh trai đã đợi tôi về cho kịp cơm tối. Tôi không nói nhiều, bận tâm mãi tiếng xì xào râm ran từ phía bến phà gần nhà. Cho mãi khi trời đã về khuya, tôi mới bỏ ra hiên nhà, lại ngửa cổ lên nhìn trăng như dạo trước, lòng không khỏi vẩn vơ. Tôi cứ suy nghĩ mãi, có chăng Hanbin cũng bỏ tôi rồi, như cách tôi đã-bỏ-cậu-đi, nhưng theo một chiều hướng khác hẳn. Ngay khi tôi định tìm về, thì cậu đã bỏ đi như cha tôi kia, chắc không đâu. Tôi không ngăn mình khóc, vậy mà chẳng giọt nước mắt nào rơi cho nổi, nó cứ đặc ứ ở khóe mắt rồi chảy ngược vào trong. Nó làm cho lòng tôi đắng ngắt.
Sáng hôm sau tôi ra rặng lau khi Mặt trời chỉ vừa lên, từ trước tới nay, chưa lần nào tôi hẹn Hanbin khi bình minh ló rạng. Thời điểm thích hợp nhất luôn là chiều tà kia, ý là khi Mặt trời sắp lặn mất tăm, và một ngày đương điêu tàn trước mắt. Tôi sợ cậu ấy đã đi rồi, những phiến đá, hay vách, hay mỏm sâu có vài chỗ vương lại màu vang đỏ, tôi không lấy làm sợ. Chỉ là chạnh lòng nhiều, tôi nhớ mãi cái hình ảnh khi Hanbin - cậu đứng đó với đôi chân vững vàng như tôi, và toàn thân dịu dàng lấp lánh, không trần trụi, và không hề thiếu đường hoàng. Đôi mắt cậu buồn như biển xanh và tiếng hát vang vọng như muốn thay đại dương xé nát lòng tôi, giai điệu mà giờ đây khi nhớ lại, cũng chỉ là những nốt nhạc thoắt ẩn thoắt hiện trong tâm trí, vậy mà khiến tôi đau đáu mãi không dứt.
Tôi đứng trước những cơn gió biển, Mặt trời chưa vội lên, phía đằng Đông chỉ vừa kịp nhú. Tôi quay ngược lại về phía bình minh đang ló rạng, chụm hai tay vào với nhau, mặc kệ chân mình đang ngày một lún vào những đợt thủy triều chưa xuống. Cả niêm mạc lại tràn ngập vì gió mặn đắng, và khóe mắt rưng rưng vì cơn xúc động, chân tôi cố bám víu vào mảng đá tới độ không cảm nhận nổi sự những nhói đau.
"Hanbin!"
Tôi gọi, một lần, hai rồi lại ba, và cả chục lần như thế. Lặp đi lặp lại, phía đằng Tây chân trời chẳng bao giờ sáng cho mãi tới khi chiều tà, phải tới độ hoàng hôn. Lấp lánh xanh lơ mãi chẳng ngoi lên chào tôi lấy một cái, và biển cả thì vẫn thét gào giằng xé cõi lòng, tôi chẳng tài nào hiểu nổi. Chẳng bao giờ đâu, nhưng ít nhất thì nỗi đau của người bị bỏ lại, và người chọn cách bỏ đi, tôi hiểu rằng Hanbin sẽ đau lòng lắm. Tôi ước rằng màu xanh lơ hôm qua tôi bắt gặp chốn đây không phải cậu, chưa bao giờ là cậu, vậy mà khi không ai hồi đáp lại tôi ngoài tiếng hải âu và cơn sóng cả xô bờ, tôi lại rơi vào nỗi tuyệt vọng của ngày cha rời khỏi.
Tôi toan gào tên Hanbin một lần nữa, và một câu tạm biệt, hay vĩnh biệt, vậy mà chưa kịp cất tiếng, bầu trời đã lại bừng sáng.
"Kim Jiwon."
Tóc vàng, xanh lơ và thanh âm êm dịu như biển cả những ngày bình yên, như ngày cha tôi ra khơi đánh bắt, thế đấy. Ông trời ràng buộc tôi với biển cả, kể cả màu vang đỏ không hợp với làn da sẫm màu vì dãi nắng từ thuở tấm bé, chẳng ăn nhập gì với mùi vị quê hương, hay chân trần lội xuống bãi bồi. Có lẽ cha tôi ràng buộc tôi với nơi đây, với Hanbin, kẻ mà từ ngày đó tới giờ tôi chưa thôi nhớ. Tôi cứ nhớ mãi, tôi kể cho cả những người bạn đầu tiên của tôi trên thành phố, vậy mà chẳng ai tin. Chắc giờ đây người ta thôi nghĩ tôi điên rồi, hoặc là đã quên mất. Thì Hanbin ở đây vì tôi, một lần nữa, và lần này tôi tới đây vì cậu, lần đầu tiên.
"Tôi không có ý định rời đi. Không, không đâu."
Tôi muốn át đi tiếng gió hay tiếng biển động, nhưng phải khẽ thôi, bởi tôi sẽ làm ai đó chú ý mất. Nhân ngư hay Hanbin, người bạn của tôi, người tôi thương năm mười lăm, mười sáu, người tôi đã bỏ lại đang gặp nguy hiểm, hơn bao giờ hết. Tôi nào có thể làm ngơ cho nổi.
"Chúng tôi không làm điều đó, cậu biết đấy, những cái chết."
"Khoan đã, cậu vẫn nhớ tôi."
Đúng, cái điều tôi lo sợ vẫn khiến tôi lo sợ, và đau nhiều, và cả những sự giận dữ chợt bung tỏa khắp cuống họng. Kìa, Hanbin vẫn ở đó và vẫn nhớ tôi. Chắc hẳn cậu đã buồn lắm, đã đợi tôi lâu lắm rồi, nhưng bây giờ không phải là lúc yếu mềm.
"Không chúng tôi không làm điều đó đâu. Tôi đã cố cứu họ, nhưng không thể, không thể. Chúng tôi, và cậu chàng hôm qua bỏ mạng đã tìm thấy họ, không dám đưa họ về đây vì thân xác chẳng còn, Jiwon, hãy cứu chúng tôi có được không?"
Biển động. Đại dương bao la đang muốn nói gì nhỉ? Tôi nào hiểu nổi, cũng muốn Hanbin thay biển cả mà giải thích cho tôi. Tôi không rõ nước mắt có vị gì, chắc là mặn, tôi quên mất Hanbin có dáng hình ra sao của thuở trước, hay giọng nói của cậu, giờ thì mọi ký ức cuộn trào như sóng cả xô đổ tiềm thức. Thế đấy, đúng là đời. Hanbin lấp lánh một dịu êm, tôi chạy ào tới mặc cho thân suýt đổ rạp vì trơn trượt, nhào tới ôm lấy cậu như muốn vớt vát lại hết thảy những yếu mềm. Vẫn như dạo trước, cậu có mùi hương của triền cỏ tôi bỏ quên trên lưng đồi.
Tôi có đánh thức những cảm xúc vốn đã bị chôn vùi từ lâu hay không?
Có được hay không?
Có tiếng người, tôi bắt đầu run sợ khi thấy Hanbin, toàn thân cũng run sợ. Trốn mau, nhanh chân lên, hãy lặn xuống, đằm mình. Thoắt, vòng tay tôi lại trơ trọi, nó cũng chỉ vừa kịp đọng lại chút hơi ấm, và vị của biển cả.
"Bắt lấy cậu ta mau, cậu ta vừa gặp người cá đây thôi, tôi tận mắt nhìn thấy!"
Quả quyết thế, vẫn là anh chàng phóng viên tập sự, trạc tuổi tôi, để quả đầu và mẫu giày đang thịnh hành. Giọng điệu đặc sệt dân thành phố và hơi ngạo nghễ, chắc cậu ta chắc mẩm rằng mình đã có thể bắt thóp được tôi, tôi biết cậu ta đã quan sát tôi từ khi còn ngồi trên chuyến xe kéo dài vài giờ. Chắc bởi một mình tôi là tỏ vẻ không hứng thú với câu chuyện về người cá, hơi sơ hở một chút, mà chẳng sao. Nghe bảo nhân ngư treo biển giá cao lắm, tôi vốn dĩ chưa từng có ý niệm muốn làm giàu, đám người kia thì khác, trong đó có cả những người dân chài chúng tôi. Chắc họ vẫn nghĩ nhân ngư cướp đi người thân của họ, hay người thân tôi, thật không đáng.
"Giết hắn đi, chắc hẳn hắn và đám nhân ngư là cùng một giuộc. Cũng rất có thể hắn ta là người cá ghê tởm biến thành nữa kia."
Ghê tởm ư, chẳng hề nhé, nhân ngư đâu toát ra mùi rêu ngai ngái hay vị mặn đắng của biển cả, và tâm can của đám người. Tôi lại thấy mẹ tôi khóc, và anh trai đang cố đỡ mẹ cho vững phía cuối rặng lau như ngày nọ, chỉ khác mỗi địa điểm. Tôi ngoan ngoãn theo về họ mà chẳng oán trách, chỉ là kiên quyết không hé miệng ra lấy nửa lời, thấy người ta bảo sẽ giết tôi nếu chẳng nói ra, tôi mặc kệ. Ít nhất những nhân ngư cũng đã cố cứu cha tôi, thay vì giết chết ông như lời người đời rỉ tai nhau kể, ít nhất ông cũng đã nói cho tôi nghe về giống loài tựa người nhưng có đuôi cá. Tôi nhớ ra rồi, khi ấy cha tôi có vẻ bồi hồi hí hửng lắm, chắc nhân ngư cũng là người bạn tuổi thiếu thời của ông, cũng như tôi.
Và thế là cha tôi ràng buộc tôi với nơi đây hơn tất thảy, để rồi chính tôi cũng tự trói mình vào rặng lau sậy, vào ngọn đồi hay bãi bồi xa tít. Trói mình vào những mơ tưởng và hiện thực, tôi phải ở lại cùng Hanbin thôi vì đây sẽ là lần sau cuối.
Sáng hôm sau tôi lại lẻn ra hiên nhà, vẫn có người trông coi tôi kĩ lắm. Mặt trăng trốn đi đâu từ lâu, trên đỉnh đầu cũng chỉ là một màu đen kịt của màn đêm chưa kịp thôi giấc. Người ta sắp giết chết tôi rồi, hoặc sắp giết chết Hanbin của tôi, người bạn hay người tình trong tâm tưởng tôi. Xin đừng, hãy để chúng tôi bỏ chạy cho kịp bình minh, hãy để chúng tôi vùi thân mình vào những cái hôn của biển cả.
Phía Tây vang lên một tiếng hát vọng xa, xa lắm. Tôi nhận ra ngay, khi người ta sắp nhào tới mà giải tôi đi, muốn giam tôi vào tù đày rồi hành quyết, im ắng và không tốn giấy mực của báo chí, rồi sẽ rỉ tai nhau rằng tôi mắc bệnh mà qua đời nơi ngục tối. Sẽ không ai tiếc thương, người ta sẽ cho là đáng lắm, trừ mẹ và anh trai tôi, và Hanbin. Hoặc không. Ai cũng nghĩ tôi là đồng bọn của nhân ngư, là kẻ tiếp tay cho những cái chết, là hiện thân của sự xui xẻo hay cái ác. Xin đừng vội giết tôi, bởi bình minh chỉ vừa lên.
Tôi chạy ào ra khỏi ngôi nhà nhỏ, tiến thẳng về phía Tây, bỏ lại Mặt trời đang dần rực cháy phía sau lưng. Tôi suýt trượt ngã trên lưng đồi, suýt rơi ra khỏi vách đá, suýt chết mấy lần trong cơn cuồng dại, hay đau đớn khôn cùng. Về phía khơi xa, Hanbin đang ở đó, cậu thả mình trong làn nước mơn man ấm nồng. Đèn lên và tiếng chân chạy theo tôi chưa một lần ngớt, họ hô hào, họ sắp giết tôi thôi. Sắp rồi, giết cả thảy.
"Họ không làm thế, họ không giết cha tôi."
Có lẽ Hanbin biết rằng tôi sắp chết, ý là linh cảm. Chắc đại dương đang nói gì đó, tôi thấy Hanbin ngây ngốc ngưng bặt, và biển cả bắt đầu đục ngầu từng cơn sóng cả. Sóng bạc đầu, sóng cản lại bước chân tôi.
"Đừng lại gần, họ sẽ làm cậu đau mất."
Đến Hanbin cũng muốn cản bước tôi. Tôi mặc kệ cho mẹ tôi gọi vọng tới, tiếng khóc than oán như xé nát tâm can tôi. Tôi muốn bảo vệ cho Hanbin, như cách cậu bảo vệ trái tim tôi dạo nọ.
"Cha cậu đẹp lắm, cha tôi có kể về ông nhiều, một người dân chài thiện lương và nụ cười tươi lấp lánh tựa những ánh dương phản lại trên mặt biển. Hôm ấy bão to, và lúc ấy tôi đã muốn ôm lấy cậu vào lòng, như thế này đây." Hanbin thì thầm tôi nghe chỉ vừa mới hôm qua thôi, vậy mà tôi lại quên khuấy đi mất.
"Họ không giết cha tôi, hay ai, hay chính họ."
Tôi gào lên, bằng hết sức bình sinh của mình, tôi gào lên trong nước mắt, và cả trong sự lo sợ. Có tiếng kẻ gọi tôi vào bờ, có cả những người muốn chạy xuống kéo tôi lên, có cả anh trai tôi đau đáu nhìn tôi như vỡ vụn. Không đâu, sẽ không, dù có phải chết tôi cũng sẽ không bao giờ bỏ cậu ấy lại một lần nữa. Tôi chưa kịp yêu kia, chưa kịp cảm nhận cậu ấy trọn vẹn. Cả tâm trí tôi cứ vấn vương mãi mùi hương của triền cỏ ngủ yên lưng đồi, cùng những nhành hoa vũ trụ tim tím ngả nghiêng trong buồn đau. Có hay chăng, chảy trong từng mạch đập tôi là thứ huyết dịch sầu muộn hay niềm hy vọng, những cảm xúc từ lâu đã ngủ vùi mà chỉ vừa mới đây thôi, được Hanbin đánh thức.
Tiếng súng vang lên xé gió, vang vọng cả mỏm đá. Hải âu đập cánh bay đi vội, tôi nghe cả tiếng thét gào không rõ, tới lúc bình tâm lại đã không còn có thể cảm nhận được cuống họng mình. Tôi run run ôm lấy Hanbin trong tay, cảm nhận cả thân thể cậu hay tôi đều nhuốm màu rượu dâu chín nẫu. Hết thật rồi, thế là hết thảy.
Không gì có thể sáng tỏ, chắc cũng chỉ còn biển cả là kẻ có thể chứng thực cho những cái chết và nhân ngư, người ta đâu có tin tôi như từ lâu đã vậy. "Hiệu ứng bầy đàn" bức tôi vào ngõ cụt, phía cuối rặng lau già cỗi, Mặt trời đang ló rạng, phía ấy là đằng Đông. Tôi nhận ra chắc mình có thể làm gì đó để xoa dịu nỗi đau của tộc người cá, của Hanbin hay của cá nhân tôi, một điều gì đó ít nhất là có ích. Hoặc một lần nữa, tôi chọn "trốn chạy".
"Hãy làm ơn chôn vùi những kí ức về người cá, về đại dương, về biển cả nơi đây."
Dưới mặt nước có tiếng vọng. Tôi nghe thấy bài ca Hanbin thường hát cho tôi, chắc mẩm mọi người ai cũng đều nghe thấy. Tôi thấy cả những di vật còn sót lại của những người bỏ mạng được trả về trên bãi bồi, đâu đó là chiếc giày của cha.
Chắc tôi hơi vội đặt dấu chấm hết cho mình, nhưng đời mà, sao tránh khỏi. Chắc tôi đã mong rằng, trong khoảnh khắc đó, về sau này sẽ không ai nhớ tới nhân ngư hay tôi cả thảy, hay cái chết của tôi sẽ biến thành chuyện kể, rồi bị xuyên tạc như một hồn ma vất vưởng để ngăn tụi trẻ con không ra ngoài vịnh chơi một mình.
Vì tôi lỡ yêu cậu ấy rồi kia, kiểu như, là yêu ấy. Chắc đại dương nói sẽ không cho phép đâu, sẽ dùng tất cả mọi cách để khước từ và ngăn cản. Vậy thì chắc khi tôi cũng hóa thành bọt biển, hòa làm một với làn nước nhuốm màu đỏ thẫm như bình rượu dâu, chúng tôi sẽ được ở bên nhau.
Nghe thì nông cạn, tôi còn chưa kịp nói lời yêu.
.
"biển thẫn thờ nhìn mái tóc vàng hoe
khẽ dựa vào một mái đầu cháy nắng
nhân và ngư, tại làng chài hoang vắng
một chuyện dài man mác vảy đuôi xanh"
cảm ơn "Hạ không em", một lần nữa.
cảm ơn Kim Hanbin và Kim Jiwon.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro