đâu đó ngoài xa xăm...
1
Xe dừng lại bãi đỗ lúc tầm năm giờ chiều, lúc trời xanh bắt đầu chuyển sang màu hổ phách. Chiếc lá bàng màu diệp lục càng thêm đậm sắc bởi tia nắng chiều. Bến phà thưa người in bóng dưới mặt nước sẫm màu của con sông dài dẫn vào làng Hạ.
Bỏ lại bụi đường phố thị, tôi trở về đúng nghĩa là đứa con xa nhà nhiều năm trở về đón giao thừa cùng mảnh đất thân thương. Nơi có con sông dài, bầu trời rộng. Có mấy con trâu phơi mình trên đồi cỏ. Mấy con cá trê vàng đớp bóng ngắm chim ca. Nơi có bà má ăn trầu ngồi trước hiên nhà, tay lau mấy tàu lá chuối, lâu lâu nheo mắt ngó trời "không biết chừng nào thằng Thạch về ?".
Đường vào làng Hạ không nhiều thay đổi. Vẫn thế, vẫn mộc mạc, đơn sơ, vẫn đong đầy kỉ niệm. Đường mừng rơn khi gặp tôi, nhắc tôi nghe những câu chuyện xưa lắc xưa lơ. Hỏi, còn nhớ không những hôm theo má ra huyện bán bánh chưng, ngang qua con đê này mày hay vạch quần ra đứng đái. Hay những hôm theo chị Huệ đi rừng tìm củi, mày ham chơi, mải chạy theo con sóc đến lạc tận sâu trong rừng, đến khi đừng giữa bốn bề cỏ cây rậm rạp che khuất trời, mày khóc thét. "Huệ ơi". Rồi chị Huệ tìm ra mày, nắm chặt mày, nắn từng ngón tay. Chị đánh đít mày đau hết sức, mỗi cái đánh kèm theo tiếng "trời ơi !". Mày thấy đau, mà sao vui quá, không buồn, không giận được. Rừng chứng kiến cảnh hai chị em ôm nhau khóc, thương quá trời. Rừng buột miệng nói chị em thương nhau vầy, dù có lạc tận đâu tụi nó cũng tìm ra nhau.
***
Nhưng đến khi người lạc là chị thì tôi tìm không ra.
Từ ngày bước chân lên Sài Gòn đến giờ, có biết bao nơi chốn tôi đã đi qua. Từ con phố phồn hoa, đến những con hẻm nghèo nằm sâu trong ngóc ngách. Tôi thuộc lòng đoạn văn mô tả mà gặp ai cũng ghé lại trả bài. Rằng có gặp người đàn bà nào cao tầm này, khuôn mặt như này, con mắt, sống mũi như này, mái tóc như này (mà có thể bây giờ đã bị cắt bớt đi). Tôi cứ tìm, tìm mãi. Mấy lần hy vọng rồi thất vọng. Nhưng tôi không để cái ý từ bỏ đánh gục mình. Cái ý nghĩ rằng so với rừng thì cuộc đời này còn bao la, rậm rạp, nguy hiểm hơn gấp vạn lần. Rằng biết đi đâu để tìm một con người đang trốn chạy khỏi cuộc đời.
2
Chị Huệ hơn tôi mười tuổi, con nuôi của má. Má kể từ xưa mình không phải dân làng Hạ mà là ở một miền xa xôi nào đó khác. Lúc tôi chỉ mới là cục thịt trong bụng, má hay tin cha tôi hy sinh nơi chiến tuyến. Rồi khi cục thịt đó có đủ tứ chi, biết quẫy đạp thì làng của má bị giặc phá. Chúng đốt nhà, bắt người vì nghi làng này có Việt cộng. Có người bị bắt, giết, có người kịp chạy trốn. Má nấp dưới hầm mà ngày xưa ba đào để nuôi anh em đồng đội. Trong mớ hỗn độn khói lửa tàn cuộc, xác người như ngả rạ lẫn với củi cháy, má nhìn thấy đứa bé lem luốc, nhỏ thó giữa đám đổ nát. Nó đứng đó, hai con mắt long lanh ửng đỏ ngó quanh tìm, "má ơi", nhìn thấy mà rơi nước mắt. Má nắm tay đứa bé, nói "đi theo dì".
Họ rời làng, mà giờ đây chẳng còn là làng, trôi dạt đến những miền xa xôi khác. Rồi một ngày họ đi qua làng Hạ. Dân làng Hạ nhìn người đàn bà tay dắt đứa nhỏ, tay ôm cái bụng bầu to tướng sắp sinh, họ cầm lòng không đặng, họ cưu mang. Hai tháng sau thằng bé ra đời. Người ta đặt tên nó là Thạch, bởi mẹ nó trải qua biết bao nhiêu là gian khó nhưng sinh ra thằng bé vẫn khỏe mạnh, rắn rỏi như một hòn đá vậy.
Từ khi biết nhìn, biết nghe, người tôi nhìn thấy đầu tiên không phải má, mà là chị. Giọng ru à ơi tôi nhớ nhất cũng là của chị. Nuôi hai đứa con, má gánh hàng ra chợ từ sớm, đến chiều tà mới thấy bóng má rọi vào từ ngoài sân. Chị thay má chăm tôi từ khi tôi còn bé xíu đến tận lúc biết bò, rồi biết đi. Ngày đêm lẽo đẽo theo chị với câu cửa miệng "Huệ ơi". Có khi tôi thương chị còn nhiều hơn thương má.
Càng lớn, chị ra dáng một thiếu nữ đảm đang. Má thấy chị là đứa chịu thương chịu khó nên thương lắm. Lần duy nhất tôi thấy má rầy chị sao mày dại quá Huệ ơi là khi chị ôm mặt, từng lời run run trôi theo hàng nước mắt, "con có bầu". Lần đó tôi bảy tuổi.
Hồi mới sang tuổi mười bảy, chị đi chạy bàn cho quán phở dì Hai ở huyện, rồi chị thương anh học trò hay ghé qua buông lời "tui thương Huệ, Huệ có chịu tui". Có hôm chị về, má thấy trên đầu chị có cái kẹp nhỏ màu tím than. Má hỏi, chị không nói, chỉ cười rồi tẽn tò ra sau bếp. Má lắc đầu. Tình yêu đầu đời của chị vội vàng lắm, nhanh đến rồi vội đi khi một tối anh nói: "ngày mai tui phải lên học ở Sài Gòn". Anh trao chị lời hứa hẹn sẽ quay về bằng cách gửi lại chị giọt máu hoang. Và cũng chính giọt máu hoang đó mà người ta không chấp nhận đứa con dâu lăng loàn trắc nết.
Chị là người suốt đời đi tìm kiếm. Những ngày còn theo sau nắm đuôi vạt áo chị, tôi hay nhõng nhẽo đòi chị đi tìm. Tìm con dế trên bờ, con cóc dưới hang, trái ổi chín trên cây. Tìm coi có con ma nào nấp dưới chân giường. Tìm con diều bị đứt dây, bay đi xa tít, coi có vướng lại đâu đó trên cao. Hay giữa rừng chằng chịt cỏ cây, tìm coi có thằng bé con ngơ ngác đứng khóc thúc thít, "Huệ ơi".
Chị tìm cho tôi bài hát ru để đưa tôi vào giấc. Tìm cho tôi một chút yêu thương để dỗ tôi thôi khóc. Nhưng yêu thương của chị chưa bao giờ dỗ được thằng Khiêm. Từ khi sinh ra nó đã khóc, ngày nào nó cũng khóc. Nó khóc như thể oán trách chị tại sao sinh nó ra để người ta nói nó là đứa con hoang không có cha. Nó khóc như thể gào thét, như thể nếu nó khóc lớn hơn nữa thì cha nó sẽ chạy đến ôm nó dỗ dành. Nó khóc, làm chị cũng khóc theo. Chị ở lì trong nhà, không ra ngoài, không thiết tha ánh mặt trời. Má có khuyên gì chị cũng không nghe. Xóm giềng đến thăm thì chị bồng con trốn biệt ra sau bếp. Dường như nguồn sống của chị là tiếng khóc của đứa con và một nỗi đớn đau còn dày vò, còn khuấy đọng trong lòng.
Rồi một ngày tôi không còn nghe thấy tiếng khóc của thằng bé Khiêm nữa, là một buổi sáng nhìn thấy má ngồi ủ rũ bên cái bàn uống trà có mảnh giấy nhỏ chị dằn dưới ly trà đã nguội. "Con đi tìm cha cho bé Khiêm". Hình như ly trà đó chị rót cho má từ đêm qua.
3
Đi hết con đường này là về tới làng Hạ. Khi bước ra khỏi hàng lũy tre um tùm xòe rộng rợp bóng, thứ ngay lập tức đập vào mắt tôi choáng váng là hình ảnh mà chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tôi có thể quên. Nó khắc sâu vào tận xương tủy. Con đường nhỏ hẹp khi thoát khỏi mớ um tùm thì trở nên rộng rãi thoáng đãng. Hai bên đường là thửa ruộng xanh om trải dài xa tít. Màu xanh hòa trộn cùng với màu trời chiều, cùng màu đỏ của con đường mòn thấy sao mà dễ chịu quá, bình yên đến lạ. Trên trời, những đám mây lững lờ có nắng xuyên qua lấp lánh ánh hào quang, làm tưởng đâu là chư vị thần tiên trong bộ phim truyền hình "Tây Du Ký".
Còn gần trăm mét nữa mới đến làng, nhưng nhìn xa xa đã thấy nhấp nhô những mái tranh tỏa khói, thấy cái vách đất ám khói nhuộm màu đen. Trong cái làn khói ấm áp đó, tôi mơ màng hình dung từng khuôn mặt của những con người chân chất, chân lấm tay bùn. Có thể bây giờ có người đã thanh niên, kẻ thì già khom bạc tóc, nhưng làm sao tôi quên được những gương mặt thật thà chất phác đó.
Ngó qua phía mặt trời lặn, chỗ cái mô đất cao cao, có cây đa già nhiều năm tuổi, không biết đã tồn tại từ khi nào, bao lâu. Chỉ biết từ khi những người đầu tiên đặt chân đến đây đã thấy cây đa vành lá dang rộng, sừng sững hiên ngang giữa trời. Cây đa là linh hồn, là quả tim của vùng đất này. Rễ là mạch máu, truyền máu cho người dân làng Hạ. Nơi lão nông nằm nghỉ trưa, tựa mình vào lưng con trâu cày đang gật gà say ngủ. Nơi bọn trẻ con cả ngày leo trèo, chơi trò bịt mắt bắt dê. Nơi hẹn hò của mấy đôi yêu nhau trong những đêm trăng sáng soi đường. Đôi khi, cây đa còn xuất hiện trong những câu chuyện của ông Sáu già khi ngồi nhâm nhi ly rượu đế với con cá nướng trui. Và bọn trẻ con thì ngồi xung quanh, nhâm nhi câu chuyện kể.
Những mảnh ký ức cứ thế mà liên tục ào ạt như cơn bão, làm cho sống mũi, đôi mắt tôi cay xè. Ba năm đã vậy, tôi thắc mắc không biết lần trở về ngày trước chị Huệ có xúc động như tôi, hay còn hơn thế nữa.
***
Chị về sau hơn năm năm biền biệt. Ngày chị đi, thằng Khiêm còn say ngủ trong tấm vải xô quấn quanh, gọn lỏn trong tay bồng. Ngày chị về, nó đã bước từng bước chập chững theo tay dắt của mẹ. Nó không còn khóc, miệng toe toét gọi "ba...ba...". Mấy tiếng ba ngọng nghịu đó nó dành cho người đàn ông tay xách ba lô đi phía sau. Không phải anh học trò hay đưa chị về mỗi chiều tối ngày trước, người đàn ông này khác, già hơn, xấu hơn. Cái mặt đen nhẻm, khắc khổ có mấy nếp nhăn. Người đàn ông cúi cái đầu tóc có mấy cọng bạc lấp ló, nhìn tôi cười: "Cu Thạch đây phải không, lớn dữ dằn". Tôi ngỡ ngàng đứng nhìn người đàn ông xa lạ mà tưởng chừng đã quen lâu, tưởng như là người thân đã bỏ xứ đi xa lâu lắm, muốn quên luôn rồi thì mới trở về. Người đàn ông mà sau này tôi gọi là anh Hai. Năm đó tôi mười ba tuổi.
4
Nhiều năm sau, tôi hỏi chị. Lúc chị ngồi thẫn thờ, má lấy mạng nhện đắp vào mấy vết trầy xước trên tay chị. "Chị thương ổng thiệt hả". Chị không trả lời, đôi mắt đỏ sưng tấy ( vì khóc ) của chị ngó ra ngoài khoảng tối đen mờ mịt. Tôi nhìn chị, rồi nhìn theo tầm mắt chị. Nhớ hồi chị về, ngồi nghe chị kể với má chuyện gặp anh hai cũng đâu nghe chị nói chữ "thương" nào.
***
Hôm chị trở về. Tối đó, anh Hai bồng thằng Khiêm đi ra mắt bà con làng xóm. Chị ngồi với má chỗ gian bếp không mấy thay đổi từ ngày chị đi. Tôi mon men đến ngồi cạnh chị, nghe chị kể với má chuyện gặp anh Hai.
Hồi mới lên Sài Gòn, chị như gà con lạc mẹ, đứa con nhỏ như hiện hữu của nỗi đau đớn trong tâm hồn. Lang thang trên con đường trải dài không có điểm dừng, ai ngang qua chị cũng ngó qua soi mặt với cái hi vọng rằng đây chính là khuôn mặt của người xưa. Khuôn mặt vẫn còn luôn khắc sâu trong lòng chị, khứa vào tim chị một vết thương không thể lành. Khuôn mặt còn vất vưởng trong tâm trí chị, còn gửi lại chút nét trên bờ môi, con mắt thằng bé Khiêm. Tối, chị ru thằng Khiêm ngủ trên mấy sạp hàng trong chợ. Vẫn là giọng ru, lời ru ầu ơ ví dầu ngày xưa chị ru cho tôi. Vẫn cầu ván đóng đinh. Vẫn cầu tre lắc lẻo. Vẫn mẹ dắt con đi. Sáng ra, người ta thấy hai mẹ con ôm nhau nằm co ro giữa cái lạnh buốt sương sớm, ai nhìn cũng thấy thương, thấy xót.
Chị kiếm miếng ăn bằng mấy công việc chạy vặt trong chợ. Phụ chị hàng rau tìm sâu trong mấy bó cải, phụ cô hàng cá đánh vảy mấy con cá rô phi, phụ chú hàng thịt xua mấy con ruồi vo ve quanh mấy thớ thịt đùi. Đôi khi chị cũng làm mấy công việc nặng như gánh nước, khuân gạo, đẩy xe... Là những khi thằng Khiêm mắc bệnh, rên ư ử sau lưng điệu của mẹ. Có lần, một bà chủ tiệm phở thương chị có con nhỏ mà gọi về phụ việc rửa chén. Người ta nói sẽ bao ăn, bao ở, đáng ra phải vui mà sao chị nghe chạnh lòng quá, nên thôi. Và cái lí do khiến chị lang bạt, chịu bao nhiêu cơ cực ở đất khách quê người này, chị đâu thể ở lại mà đổ sông đổ biển, chị phải đi tìm, tìm cha cho con mình.
Chị rời chợ sau hai tuần để đi tới một cái chợ khác. Chuyện soi mặt với chị như trở thành thói quen, thanh niên nào ngang qua chị cũng trơ mắt ra nhìn trân trân, lắm lúc người ta thắc mắc nhỏ này sao lạ quá. "Bộ tính dụ người ta về làm cha con mầy hả". Những lần như vậy chị thẹn đỏ mặt, sau đó là một tràng đớn đau ồ ạt đánh thình thịch vào lồng ngực. Có lần chị thấy người thanh niên áo sơ mi trắng bỏ thùng trong chiếc quần tây có hai dây đeo vắt lên vai, chị chạy tới nắm níu cánh tay mà nước mắt chảy ròng. Rồi người ta quay cái mặt lạ hoắc lại hỏi: "Có quen không? Gặp ở đâu chưa?". Chị buông tay, bần thần, dường như trái tim chị đang rơi.
5
"Con gặp ảnh lúc bé Khiêm hai tuổi, lúc đó nó cao tầm này". Chị nói, đưa bàn tay duỗi thẳng đặt ngang tầm ngực tôi khi hai chị em ngồi cạnh nhau trên khúc cây bửa củi đã bị băm nát.
Bữa đó trời nắng, nóng như đổ lửa. Trên con đường vắng bóng người, má con chị dừng chân dưới cây dầu lớn, trốn cái nắng rừng rực trên đầu. Thằng bé Khiêm ngồi sát bên chị, chơi với mấy chiếc lá dầu. Chị ngồi, ngẩn ngơ ngó giàn bông thiên lý lấp ló trong sân nhà người ta bên kia đường mà nhớ quá trời những ngày xưa.
"Con nhớ má, nhớ em Thạch, nhớ quê mình...". Chị đưa tay vuốt tóc tôi, nói quê mình coi nghèo vậy mà bình yên lắm, cà pháo mắm tôm coi vậy mà ấm lòng mát dạ. Thành thị phồn hoa, đông đúc mà lạnh lẽo, chua chát. Tưởng đồng rộng là hoang vắng, đứng giữa dòng người ai nấy đều đeo cái mặt lạnh tanh còn hoang vắng hơn trăm lần. "Con nhìn giàn thiên lý mà nước mắt cứ trào ra không ngừng. Cho tới khi nghe tiếng ảnh con mới hoảng hồn".
Ảnh mà chị nói là anh Hai.
Anh Hai dừng xe ngay trước mặt chị, cắt ngang giàn thiên lý. Chống một chân lên bậc thềm, anh hỏi bằng cái giọng ồ ồ. "Cô đi đâu?". Chị quẹt nước mắt, ngước nhìn người đàn ông ngồi trên chiếc xe cà tàng có cái nón thừa treo lủng lẳng. "Đi đâu tui cũng không biết".
"Tôi thấy hai mẹ con từ hồi ở khúc ngã ba Ông Tạ. Bộ đang đi tìm nhà người thân hay sao?"
Thấy chị không trả lời, anh Hai cũng không buồn hỏi thêm. Anh ngó nhìn thằng bé Khiêm đang tựa mình bên hông chị lúc nào không hay. Gương mặt của nó đỏ ửng, lờ đờ như cá mắc cạn. Anh xuống xe, chạy tới áp tay vào trán thằng nhỏ. "Trời ơi! Nó sốt rồi!". Không để chị kịp nói gì, anh nạt: "Cô làm mẹ kiểu gì kì cục vậy, để thằng nhỏ ngoài đường vầy không bệnh sao được". Chị hốt hoảng ôm lấy thằng bé Khiêm, thấy người nóng ran. Vừa lo vừa sợ, nước mắt chị trào ra.
"Để tôi đưa nó đi khám, rồi đưa hai mẹ con về nhà, không có lấy tiền đâu mà sợ". Anh không làm chị mủi lòng mà càng làm chị tủi thân thêm, từng lời nhảy vọt ra theo tiếng nấc: "Tui có nhà đâu mà về". Anh nhìn trân trân hai má con. Nhìn đứa nhỏ mà nghe đau, nhìn mẹ nó khóc còn thấy đau hơn. Anh nói, cái giọng ồ ồ giờ trầm hơn, nghe có chút ân cần: "Vậy... cô về với tôi".
"Rồi bây có đi với nó không?". Má hỏi, đôi mày nhíu lại nhìn chị xót xa. Chị cười, "Có chứ má, chứ còn biết đi đâu bây giờ. Khám cho bé Khiêm xong là ảnh chở mẹ con con về nhà"
Về nhà anh. Sau cái cổng gỉ sét lốm đốm màu sơn xanh là khoảng sân nhỏ xíu, có độc một cây nhãn treo lủng lẳng mấy chậu bằng lăng. Nhìn cái nhà gạch nhỏ xíu, hai bên vách bám đủ thứ rêu phong, mới biết thì ra người đàn ông này cũng nghèo, tình cảnh cũng éo le không kém gì chị. Anh cũng từng có một đời vợ. Thì cũng là anh thợ hồ gặp chị hàng rong. Rồi thương nhau, cùng với nhau trôi dạt lên đất Sài Gòn này. Người ta thấy thương đôi vợ chồng chí thú làm ăn mà sao nghèo quài, nên cấp cho cái nhà tình thương như là thương lắm lắm.
Ở với nhau gần sáu năm mà không có lấy nổi một đứa con. Cảnh nhà không trẻ nhỏ nghe sao hiu hắt quá. Ra vào nhìn thấy mặt nhau dường như chỉ còn những oán trách. Buồn quá. Nên có hôm anh đi nhậu say về, gặp vợ, anh nặng lời, sáng ra thấy vợ đi đâu mất, biệt tăm.
6
Anh Hai chườm cái khăn ấm lên trán thằng bé Khiêm, nhìn nó bằng cặp mắt buồn như muốn xụp xuống tới nơi. "Tôi thèm một thằng con trai". Câu nói của anh làm chị đau đáu suốt bốn hôm. Lâu rồi chị mới thấy mình cảm động bởi một người đàn ông. Chị tội nghiệp anh. Nhìn người đàn ông có cái mặt khắc khổ, mái đầu nhiều sợi bạc bởi cả đời lăn lộn, cả đời mong mỏi được bồng trên tay một thằng con nít gọi mình tiếng ba. Chị thầm oán, hỏi sao lại có kẻ đành lòng bỏi rơi núm ruột mình tạo ra. Câu hỏi đó chị giữ trong lòng, đợi cho thằng bé Khiêm khỏe, chị sẽ đi tìm người ta quyết hỏi cho ra.
Nhưng thằng bé Khiêm bệnh gì mà dai quá, hơn tuần rồi mà trán còn nóng hổi. Một sáng châm trà cho anh Hai, chị ngại ngùng: "Mẹ con tui phiền ông quá. Ông cho tui ở nhờ mấy hôm nữa, bé Khiêm khỏe là mẹ con tui đi liền". Anh Hai thổi chung trà, hớp một hớp, chép miệng nói: "Ở luôn cũng được, để tôi làm cha thằng nhỏ". Anh nửa đùa nửa thật, nhưng cái sự trầm tư của anh sau đó làm chị biết phần thật nhiều hơn. Chị im lặng không trả lời. Chứ biết nói làm sao. Nói rằng tui còn bận phải đi tìm chồng, tìm cha cho con tui, cha ruột, sao mà ở được. Hay sao?
Nhưng một hôm giật mình thức dậy bởi tiếng cười giòn giã của trẻ con, chị nhìn ra cửa thấy thằng bé Khiêm trên tay bồng của anh Hai. Trước giờ chị chưa bao giờ nhìn thấy thằng bé vui như thế. Cái nét hồn nhiên, trong trẻo mà đáng ra nó phải có từ rất lâu rồi. Nhìn thằng bé cười, trong cái khoảnh khắc đó, chị nghĩ, "thằng bé cần có cha. Ngay lúc này".
7
Chị ở với anh. Bỏ quên cái ý nghĩ đi tìm. Mỗi khi nhớ tới trong dạ cũng dấy lên từng hồi, nhưng khi nhìn anh Hai loay hoay làm con cào cào lá dừa cho con mình, chị phì cười, thấy mình sao ngu ngốc quá.
Rồi thằng bé Khiêm chập chững tập đi. Mấy bước đi đầu tiên nó ngã vào lòng anh Hai. Mấy từ đầu tiên nó bập bẹ cũng là mấy từ "ba... ba..." như đã muốn nói từ lâu lắm. Còn về phần chị và anh Hai. Hai người cũng dần gần nhau hơn. Hôm đầu tiên gần gũi, chị nhìn người đàn ông hơn mình chục tuổi thấy sao mà kì cục quá. Sau này, mỗi đêm ru thằng bé Khiêm ngủ, hai người ra ngoài hiên ngồi cạnh nhau, ngó trời, tâm sự như tri kỉ. Rồi quên mất sự chênh lệch tuổi tác. Chị thắc mắc không biết có phải vì chăm con nít mà người đàn ông này coi bộ trẻ ra, hay chính chị đã già đi sau bao ngày ngấm sương gió bụi đường.
Có hôm chị nói bâng quơ: "Sao mà nhớ nhà quá". Anh trả lời chị tảnh ráo: "Vậy thì về". Tưởng đâu nói chơi, ai ngờ anh làm thật. Hai ngày sau anh đưa mẹ con chị về quê, cầm theo số tiền dành dụm với tiền bán chiếc xe cà tàng và căn nhà nhỏ. "Tụi mình về quê mua đất làm ruộng". Anh nói vậy. Từng chữ nghe thấm đượm mùi hạnh phúc. Mùi hạnh phúc tràn qua chị. Lần đầu tiên chị biết thứ hạnh phúc có mùi này. Khi đã trải qua nhiều khổ đau, hạnh phúc sẽ mang vị nhè nhẹ, bình yên, đơn giản.
Khi chiếc xe buýt lăn bánh từ giã phố thị rồi đừng lại ở nơi xứ xở thân quen. Khi dỡ gỗ, lên đòn dông, rồi lợp mái. Rồi khi người ta kéo đến ăn tân gia cái nhà mới. Bà Chín sai mấy đứa nhỏ khiêng qua nồi cháo gà, ông Sáu cũng góp vui mấy xị rượu đế. Khi đứng ngó con đê thân thương mà ngày xưa vẫn thường hay đi chợ mỗi chiều chiều. Ngó cái ao cá ngày xưa hay dắt thằng em ra đó giăng câu. Ngó cái rừng xa xa, nhớ lần chị em ôm nhau khóc vì tưởng lạc nhau mất rồi. Đến khi đó, chị vẫn còn tưởng mình đang mơ.
8
Có hai cách đi vào (và cả trở ra) làng Hạ. Hoặc thả bộ trên con đường ngoằn nghèo đâm xuyên qua đủ thứ cảnh vật có khi rậm rạp um tùm, khi mênh mông hoang vắng. Hoặc có thể đi bằng một cách khác nhanh hơn, là chèo xuồng qua khúc sông khuất sau đám cỏ lau dưới chân đồi cỏ cắt làng Hạ tới huyện. Dù cách chèo xuồng coi bộ tiện hơn, vậy mà người ta vẫn chọn cách vào ra bằng con đường ngoằn nghèo kia. Dù mấy lần giữa đường gồng gánh vã mồ hôi, dừng lại nghỉ mệt, ngước nhìn ông trời đỏ rực như lửa mà than sao ông ác với tui quá!
Phần vì với người làng Hạ, xuồng ghe vẫn còn là thứ đồ xa xỉ. Phần vì khúc sông này có mấy lần bất ngờ chảy xiết, cuốn cả người trên sông trôi đi mất tăm. Người ta đồn nhau rằng khúc sông này có ma da. Hồi những năm chiến sự còn ác liệt, con sông này xác người còn nhiều hơn cá, lâu lâu ra sông gặp một đoạn chi người tấp vô ven đó là chuyện bình thường. Lẽ đó mà người ta không còn dám bén mảng tới khúc sông này. Không có ghe xuồng qua lại. Không có đàn bà ra giặt đồ, rửa chén. Trẻ con cũng không dám rủ nhau ra tắm sông. Khúc sông trở nên lặng lẽ, hoang vắng, cô đơn.
Sông. Mang cái buồn khi có ai đó lặng lẽ nhìn ra mà trông ngóng một ai đó khác. Mang cả sự rùng rợn, đáng sợ từ trí tưởng tượng của bọn trẻ con, từ câu chuyện kể của ông Sáu già say rượu. Có lúc sông còn mang cả nỗi tuyệt vọng khi có kẻ vì cái nghèo, vì hận tình mà chọn khúc sông này để trầm mình, để rũ hết bụi đời, để đi vào cõi hư vô.
Nhưng ở hiện tại, lúc mà tôi không còn là thằng bé chân quê thân hôi nắng mà đã là một người lớn tuổi đời ba mươi. Khi nhìn vào khúc sông này, người ta vẫn thường nhớ về một giai đoạn mà nó đã từng đẹp, từng bình yên thế nào với hình ảnh chuyến đò ngang sáng chiều hai bận. Ngồi trên đó là một người đàn ông tay cầm chèo cùng với một thằng nhỏ đội cái nón vành tròn, lưng đeo cái cặp to tướng.
Cảnh anh Hai chèo xuồng đưa thằng Khiêm đi học.
9
"Con Huệ nó thiệt sướng, lấy được ông chồng giỏi giang hết biết"
"Ừa, nhìn lại chồng mình mà hết ham"
"Mà hình như ông này đâu phải cha ruột thằng nhỏ?!"
"Ờ...thì đó..."
Mỗi lần má sai ra chợ chòm hỏm mua bó hành, kí nếp, tôi đều nghe mấy bà hàng cá nói với nhau chuyện chị Huệ có con rồi mới có chồng. Câu sau tôi không bận tâm, câu trước nghe người ta khen chồng chị làm tôi cũng mừng thầm trong bụng.
Chuyện gì chứ chuyện ông Hai siêng năng cần cù, thương vợ thương con thì người ta đồn không có sai. Dân làng Hạ phán chắc nịch vậy. Bởi người ta đã quá quen cái hình ảnh mỗi sáng anh Hai chèo xuồng đưa thằng Khiêm ra học lớp một ở huyện. Trở về khi trời mới trong veo. Cột dây xuồng vào góc bần xông xuôi, anh vác ngay cây cuốc ra đồng. Anh làm đồng quên cả trời đất, chỉ lâu lâu ngước nhìn coi có tới giờ đi đón thằng con. Đôi lúc có mấy bà đi chợ ngang qua, thấy anh quần quật đào xới mà ghé tai nhau nói chuyện tò vò nuôi con nhện, quạ nuôi tu hú cũng không khiến tâm anh động đậy.
Chỉ có chị Huệ là làm anh ngưng cuốc, ngước mặt nhoẻn cười khi xách khây trà đứng dưới hàng tràm bông vàng nói với ra. "Mình ơi, nghỉ tay uống nước nè".
Chiều, anh chèo xuồng ra huyện đón thằng Khiêm. Nhìn thấy anh, Thằng Khiêm chạy một mạch ra rồi nhảy tót lên xuồng. Chưa kịp tháo xong cái cặp thì đã liên tục kể cho anh nghe chuyện hôm nay cô giáo chỉ gấp máy bay, kể chuyện có bạn kia bị thầy thể dục tét đít. Rồi nó móc từ trong cặp ra gói kẹo sữa đưa cho anh. "Hôm qua là bánh phòng tôm, hôm nay đổi qua kẹo coi cái nào ngon hơn. Mà sao cha không ăn đi, để dành hoài". Anh Hai cẩn thận đút gói kẹo vô túi áo, nói: "Để dành bụng về ăn cơm, má Huệ chờ".
10
Chuyện thằng Khiêm để dành cho anh gói bánh, cái kẹo làm quà mỗi khi đi học về dần trở thành thói quen. Ban đầu anh không bận tâm lắm. Có thì vui, không cũng không sao. Dần sau này anh nhận ra mỗi khi đi rước thằng Khiêm, ngồi trên xuồng lênh đênh giữa gió và nước, anh ngó trời nghĩ không biết hôm nay thằng nhỏ để dành cho mình cái gì đây ta.
Nhưng hôm đó thằng Khiêm không để dành cho anh cái gì cả. Gặp anh từ xa nó cũng không hối hả chạy ra mà bước từng bước nặng trịch. Nó bước lên xuồng với cái mặt lạnh tanh, không hồ hởi. Lúc tháo cái cặp ra khỏi vai, dây đeo vướng vô khuỷu tay, nó dùng dằng làm cả xuồng chao đảo. Suốt trên đường về nó im thít, mắt cứ trông qua một bên, không thèm nhìn anh lấy một lần.
Rồi anh Hai mở lời: "Hôm nay con để dành cho cha cái gì?". Thằng Khiêm không trả lời, nên anh cũng thôi không gặng hỏi.
Mặt nước ánh lên màu nắng chiều, cỏ cây bên bờ trở nên sẫm màu theo màu chiều tối. Trên sông, có hai con người ngồi lặng lẽ trên chiếc xuồng trôi theo từng nhịp chèo chập chạp, lặng lẽ. Sông hôm nay hình như kéo dài ra, hình như nó đang muốn níu giữ chuyến đò này bởi nó biết đây sẽ là chuyến đò cuối cùng của hai cha con nhà này.
Về đến nhà, thằng Khiêm chạy một mạch ra sàn lãn, chỗ chị Huệ ngồi nhặt mớ bông so đũa. Nó hỏi: "Má, người ta nói con nhìn y chang ông Tuệ nào ở Sài Gòn đó má".
"Ông đó có phải là ba ruột của con không má?"
Câu hỏi đó thằng Khiêm đã muốn hỏi chị từ lâu, lúc nó ghé hàng tạp hóa mua cho ba nó gói bánh cua, bà chủ tiệm nói với mấy bà đang đứng lựa cà chua, bắp cải. "Thằng nhỏ nhìn y chang thằng Tuệ chị hen"
"Ờ, con mắt cũng giống, cái mũi cũng giống"
"Thì con ruột nó mà"
Một bà nhìn nó, hỏi: "Con nhớ cha hôn con?". Nó trả lời dửng dưng: "cha con đang chờ con ngoài bến đò chờ con kìa, mắc gì nhớ". Bà chủ tạp hóa trố mắt nhìn nó, hối hả nói, như thể nói ra một sự thật bị chôn vùi bấy lâu nay, như thế đang liều mình thực thi công lý: "Ông đó hổng phải cha con! Hổng phải!"
***
Chị Huệ chết lặng nhìn thằng con, cái nhìn như lịm đi trên khuôn mặt. "Con nít không có được nói bậy!". Rồi chị ngó vào nhà nhưng không thấy anh đâu. Không biết là anh có nghe thằng Khiêm nói bậy không nữa.
Có, anh có nghe. Nghe xong, anh bỏ ra ruộng, ngồi dưới gốc tràm mà ngước nhìn mặt trời đỏ ối khuất dần trong áng mây chiều. Mọi thứ bình yên vậy, mà sao trong tâm anh không thể bình yên. Những dự cảm, linh tính tràn đầy, kéo đôi mắt đã hằn rõ vết chân chim giờ càng chùng thêm. Trên trời, có con sáo sắp sửa sang sông.
11
Tết. Làng Hạ - con xóm nhỏ thường ngày đìu hiu được tô lên chút rộn rã khi đám trẻ con được nghỉ học, suốt ngày chụm năm chụm ba chơi bắn bi ve, chơi năm mười, chơi bầu cua cá cộp. Có người ở xa về, mang chút hoài niệm đi thăm hỏi hết bà con làng xóm. Có một anh trạc tuổi chị Huệ tới trước mặt má tôi, hỏi: "Dì Năm, nhớ con không dì Năm? thằng Sĩ con ông Ba Liệt nè dì Năm". Má tôi ngờ ngợ, rồi mời anh Sĩ ngồi uống nước. Anh ngó ra sau bếp, ngó ra trước sân, rồi bên hông nhà, hỏi: "Ủa, Huệ đâu rồi dì Năm". Rồi anh ngó thấy thằng con nít ngồi ngoài sân chơi xe lửa làm bằng gói thuốc, không biết anh đoán già đoán non gì mà mặt đăm chiêu lung lắm. Rồi anh thưa má tôi "con về" mà không hẹn ngày nào ghé lại.
Từ hôm được nghỉ tết, thằng Khiêm suốt ngày qua ở nhà tôi. Tôi đi đâu nó cũng đi theo, làm gì nó cũng tài lanh bắt chước. Bữa cơm, má tôi hỏi sao không chịu về nhà, nó nói: "Con nghỉ chơi với cha rồi. Cha không nói chuyện với con. Thấy con, cha quay mặt đi chỗ khác".
"Ngoại, bộ người ta nói đúng hả ngoại? Cha không phải cha ruột của con thiệt hả ngoại?"
Má tôi không trả lời. Má trầm ngâm. đưa tay vuốt mái tóc còn xanh non, vuốt cái đầu còn ngây ngô trẻ dại của thằng Khiêm. Hồi lâu má mới nói:
"Cha chăm sóc con từ hồi con nhỏ xíu, nuôi cho tới giờ ngoại mới có được thằng cháu thông mình sáng sủa vầy. Cha không phải cha con thì còn ai"
12
Đêm đó thằng Khiêm ở lại ngủ với tôi, bên nhà chị chỉ còn có hai vợ chồng. Cây đèn dầu trên bàn thờ ông địa vẫn còn leo lét, tiếng dế kêu làm cho đêm càng tĩnh mịch hơn, sự im lặng bao trùm cả không gian, phủ lên chiếc giường có một người nằm nghiêng qua một bên, còn một người thì gác tay lên trán, mắt nhìn trân trân lên trần nhà.
Bổng anh Hai cất lời. Hỏi. Câu hỏi mà đáng ra anh phải hỏi chị từ lâu. "Huệ thiệt có thương tôi?"
Chị quay qua nhìn anh, nhìn cái gương mặt khắc khổ nay hốc hác hơn xưa, từng nét nhăn ngày càng kéo dài ra theo dòng chảy thời gian. Đôi mắt u sầu của anh làm chị nhói lòng.
"Thiệt mà"
Miệng nói "Thiệt", nhưng lòng chị thì không chắc chắn. Bởi chính chị cũng tự hỏi mình câu hỏi đó lúc nhìn anh chèo đò chở thằng Khiêm đi học, lúc châm trà, quét sân. Lúc giặt cho anh cái áo sơ mi, cái quần kaki màu cứt ngựa. Lúc dọn sẵn mâm cơm chờ hai cha con. Và cả lúc anh cầm ngón tay nhỏ nhắn của chị nắn mãi.
Và câu hỏi đó một lần nữa chị đem ra tự hỏi mình lúc đi chợ huyện hôm ba mươi tết. Chị nghe người ta đồn có thằng Tuệ giám đốc về thăm quê.Chị nghe sao thổn thức, tim đập sao hối hả. Chân như muốn giục chị đi, đi coi coi mặt mũi người ta bây giờ ra làm sao. Nhưng khi nghĩ đến anh Hai, chị vội vã đi về.
Hôm đó chị như người mất hồn, tay làm bếp mà tâm trí thì cứ để đâu đâu bên kia bờ sông. Chị vo gạo làm đổ hết gạo ra sàn lãn. Nhặt rau, chị bỏ hết mấy ngọn xanh mướt, giữ lại mấy cọng già nua héo hắt. Chị làm cá. Đánh vẩy cá làm sao mà để lưỡi dao bén ngót miết qua ngón tay làm máu chảy ròng ròng. Nhưng chị không bận tâm, bởi có một điều gì khác khiến chị bận tâm hơn cả.
Lúc bưng khay trà ra cho chồng, chị lơ đãng đến nỗi lộn đường dẫn ra huyện. Lúc nhìn lại khay trà mới nhớ ra có người chờ nên quay trở vô. Đứng trước mặt chồng nhưng điều chị nhìn thấy thì lại là một gương mặt nào đó rất xa xôi, mơ hồ. Anh gọi, chị không trả lời bởi có một ý nghĩ đang thúc giục trong tâm.
***
Chị muốn gặp Tuệ. Gặp lại anh học trò năm xưa nói "Tui thương Huệ nhất trên đời". Gặp để coi người ta có còn nhớ hay đã quên lời hẹn. Gặp để hỏi mấy câu hỏi còn đau đáu trong tim, coi người ta trả lời ra làm xao để còn dứt tình dứt nghĩa. Để thôi oán hận. Để tim thôi rỉ máu, giãy chết mỗi khi nhớ lại chuyện ngày xưa. Chị sẽ dắt thằng Khiêm theo, để cho người ta thấy máu mủ mà người ta đã bỏ rơi suốt bao nhiêu năm qua. Để coi người ta có ân hận, hay dửng dưng như không hề quen biết. Gặp Tuệ, để thôi canh cánh trong lòng. Gặp Tuệ, để trả lời cho câu hỏi liệu mình có thương chồng mình thiệt không.
Bữa cơm chiều hôm đó chị nói với anh: "Sáng mai em đưa thằng Khiêm ra chợ huyện mua áo mới"
Anh có dừng đũa khi chị dứt câu nhưng im lặng không nói. Bởi bưng trên tay chén cơm còn sượng sống, đưa đũa lùa lùa dĩa rau muống còn mấy cọng rễ, cá kho thì ngọt như chè. Anh biết vợ mình hôm nay trong tâm có nhiều động đậy. Cũng giống như anh, thấy sao mà khó chịu quá, lo lắng quá khi nghe người ta nói xứ mình nay có ông giám đốc.
Sáng hôm sau, lúc thức dậy, từ trong mùng ngó ra, anh Hai thấy hai má con đang sửa soạn. Thấy vợ mình diện cái áo bà ba màu đỏ tía. Lúc chị khom người đội cái nón lưỡi trai cho thằng Khiêm, anh thấy mái tóc mượt mà của chị hôm nay thêm óng ả bởi chiếc kẹp nhỏ nhỏ màu tím than, thứ mà trước giờ chị chưa bao giờ diện cho anh xem.
Anh Hai lặng lẽ ra sàn lãn sối lên người mấy gáo nước rồi lặng lẽ xách cây cuốc ra đồng. Nhưng đi được nửa đường thì có một ý nghĩ nào đó thúc giục anh quay trở vô. Ý nghĩ nói với anh rằng nếu không giữ là mất hết đó. Cha nội. Anh Hai dằn cây cuốc xuống đất, đi te te về.
Lúc chị xách cái giỏ mây tre, tay dắt thằng Khiêm ra cửa thì thấy anh Hai đứng ngoài cửa từ hồi nào, trân trân nhìn vô. Chị hỏi : "Bộ quên gì hả mình?". Anh không trả lời, bằng một cách dứt khoát, anh đóng thật mạnh cái cửa gỗ, khóa thật chặt bên ngoài rồi vội vã rời đi như thể nếu ở lại lâu hơn thì lương tâm sẽ bắt anh mở cửa.
Anh Hai ra quán nhậu dì Chín, kêu chai rượu ngồi uống một mình. Ở bàn nhậu kế bên, có ông say rượu lè nhè hát mấy câu. Hát dở ẹc, mà làm anh quặn đau như đứt từng khúc ruột.
"Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi... Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi..."
Anh Hai ngồi đó cho tới khuya, cho tới khi dì Chín kêu mấy đứa nhỏ ra đuổi thì anh mới chịu nhỏm đít đi về. bước từng bước loạng choạng, anh còn nghe tiếng dì Chín nói với ra như cố tình cho anh nghe thấy: "Ông này nào giờ đâu có bê tha vậy. Riết rồi ông chồng nào cũng làm khổ vợ khổ con". Ủa, bà bán rượu cho người ta bê tha chớ ai.
***
Anh mở cửa, lảo đảo bước vô nhà, nhìn thấy hai mẹ con ngồi trên giường ôm nhau khóc. Hình như cái cảnh này anh đã gặp ở đâu rồi thì phải. Khoảnh khắc đó làm cuộc đời anh thay đổi. Và lúc này đây, khi một lần nữa nhìn thấy hai mẹ con chị ôm nhau khóc, thì cuộc đời anh cũng thay đổi. Lần nữa.
Nhìn thương, nhưng men rượu bắt anh phải giận, phải oán. Anh đứng không vững, tay cầm chai rựu, tay chỉ về phía hai mẹ con, nói với cái giọng lè nhè không rõ ràng: "Mày phản tao. Mẹ con mày phản tao!"
Chị chạy tới nắm lấy tay anh, khóc: "Mình ơi, em xin lỗi mình. Mẹ con em không có phản bội mình. Em... Em muốn thằng nhỏ được nhìn thấy cha ruột của nó một lần. Mình ơi". Anh vung tay, đi theo hai tiếng "Trời ơi" là một cái tát thật mạnh làm chị ngã nhào. Thằng Khiêm thấy mẹ nó bị đánh, nó lao tới liên tục đấm tay vào bụng anh cho đến khi anh chụp lấy tay nó, giữ chặt. Nó nhìn anh bằng con mắt có lửa căm thù. Anh giận lắm, giận sôi sục tim gan. Nhưng nhìn vào gương mặt đó, anh không xuống tay được.
Gương mặt mà anh đã từng nâng niu, đã yêu thương. Gương mặt đã từng nhoẻn rười rạng rỡ mỗi khi nhìn thấy anh ngồi chờ ngoài bến đò, khóc nức nở khi té đau, méc anh đánh đòn cục đá. Chù ụ buồn thiu khi sáng ra thấy con dế anh bắt cho hôm qua chạy mất rồi. Và rồi sự sôi sục trong anh tắt ngúm. Tim anh nguội lạnh, héo queo như thể sắp sửa rụng rơi theo từng lời từ miệng của thằng Khiêm – thằng con anh thốt ra:
"Ông-không-phải-cha-tôi"
***
Con sáo. Khi đã đủ lông đủ cánh, thì đâu có cần người đưa đò nữa
13
Ba mươi. Người ta thường dành cả ngày cuối năm cho việc nhà cửa. Đàn bà đi chợ về là quẩn quanh cả ngày trong xó bếp. Đàn ông thì lui cui lau chùi bộ bàn ghế, đóng lại cái chân giường. Trẻ con cũng chỉ được quanh quẩn ở nhà để cho người lớn sai vặt. Lúc nào cũng phải để tai mà nghe coi có ai kêu "Út ơi! đi mua cho má ngàn bột ngọt", "Út! đi kiếm cho cha cây búa coi con". Họ bỏ quên chuyện đồng áng. Vậy nên suốt con đường chọc giữa đồng ruộng mênh mông, ngó đâu cũng không thấy nổi một bóng người. Nên chốc chốc tôi lại tự hỏi "liệu có còn người không?"
Và hai đứa trẻ chạy ngang qua tôi đã trả lời cho câu hỏi đó. Còn chứ. Ngó coi bộ là anh em, chúng đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ gỉ sét. Ngang qua, chúng nhìn tôi, cười. Cái cười đó làm tôi nhớ thằng Khiêm.
***
Sau cái đêm ba mươi đó, thằng Khiêm qua ở hẳn nhà tôi, và tôi có bổn phận đưa nó đi học. Tôi không biết chèo xuồng như anh Hai, nên má lấy tiền dành dụm mua cho tôi chiếc xe đạp cũ ở vựa ve chai. Đi học bằng con đường quanh cua ngoằn nghoèo chằng chịt, hai cậu cháu phải thức dậy trước con gà trống. Vậy nên mới có chuyện ngủ quên, rồi cuống cuồng chạy cho kịp giờ vào lớp. Mấy lần như vậy, ngang qua nhà chị Huệ thấy anh Hai ngó ra nhìn, nhưng khi chúng tôi nhìn vô, anh quay mặt ngó ra chỗ khác.
Rồi tôi và thằng Khiêm dần cũng thân thiết với nhau hơn trước. Tờ mờ sáng đã rủ nhau ra sàn lãn ngồi súc miệng. Hai bận đi, về cũng biết bao nhiêu câu chuyện được chúng tôi kể ra. Có khi là chuyện cười, khi chuyện buồn. Thằng Khiêm lớn hơn chút, chúng tôi còn kể nhau nghe chuyện... bậy.
Mấy lần thằng Khiêm nhờ tôi cắt giùm con diều, làm tôi nhớ hồi mình còn nhỏ xíu cũng lẽo đẽo theo chị Huệ mà nhờ vả đủ thứ chuyện. Giờ thì tới thằng Khiêm – con chị lẽo đẽo theo tôi. Coi như là đền đáp cái ơn tình nghĩa, nên tôi quý thằng Khiêm như quý chị vậy.
14
Khiêm không dựa dẫm vào tôi nhiều. Càng lớn, nó càng biết tự lập. Nó học mọi thứ bằng cách tự trải nghiệm. Nó biết trèo cây hái ổi sau khi té dập mông bao nhiêu lần. Biết bơi sau khi vùng vẫy giữa khúc sông vắng người, tưởng chết đuối, may sao vớ được khúc gỗ trôi dòng. Lần nó biết rắn có nhiều loại, loại có độc, loại không có độc, loại nào lành, loại nào dữ là lần nó bị rắn hổ mang cắn chỗ mắt cá chân lúc đi bắt dế, may mà người ta phát hiện kịp thời nên nó mới còn sống để mà rút kinh nghiệm.
Khỏi nói thì chắc ai cũng thấy được thằng Khiêm là một đứa gan dạ. Nó hay chê chuyện ông Sáu già kể toàn là chuyện tào lao đi hù con nít. Chỉ tôi là biết đôi khi nó cũng yếu đuối, sợ hãi. Là khi nó nằm quay mặt vô vách, mắt mở trân trân cho nước mắt trào ra ròng ròng lúc nghe tiếng đập phá, tiếng đổ vỡ, miếng chai văng tứ tung. Theo đó là tiếng gào thét, những lời mắng chửi tục tĩu bằng cái giọng lè nhè của người say, cái giọng ồ ồ của anh Hai. Mấy lần thấy xót, tôi chạy qua. Nhìn người đàn ông đã từng hồn hậu, hiền lành thế nào giờ lại be bét, coi không còn ra nổi một con người. Muốn đánh cho ổng tỉnh ra. Nhưng lần nào chị cũng ngăn tôi lại.
"Ảnh không có làm gì chị đâu. Về đi em. Thạch"
***
Cuối tuần, tôi và thằng Khiêm thường đi bẫy cò, giăng câu. Có khi trúng đậm, khi thì lèo tèo vài ba con, nhưng ít nhiều gì nó cũng chia phần cho mẹ nó. Mỗi khi mang đôi cò đã vặt sẵn lông hay xâu cá qua cho chị Huệ, nó cũng đều nói với chị cái câu mà nó đã nói trước đó chục lần bằng cái giọng ngang phè, nhưng ẩn sau là sự cầu khẩn, diết da:
"Má qua bển ở với tui, với ngoại, với cậu Thạch. Đi má"
Lần nào cũng vậy, đáp lại lời nó là cái lắc đầu và cái nhìn của chị dành cho anh Hai, lúc anh nằm phanh ngực trên chiếc giường tre ngáy khò khò, tay còn cầm chai rượu đế. Nhiều lúc tôi cũng thấy bực mình, hỏi cái ơn nghĩa gì mà nghiệt ngã quá vậy? mà chị phải chịu khổ vậy? chi vậy?
15
Năm thằng Khiêm cuối cấp hai, làng Hạ thất mùa. Đứng trước cảnh cơ cực, đói nghèo, xóm đã khổ giờ càng khổ hơn. Thấy vậy, thằng Khiêm đòi nghỉ học. Nó nói: "Má để tui nghỉ học, đi làm kiếm tiền cho má". Đàn ông nhà này được cái là cứng đầu, đã quyết là không ai cản nổi. Má, chị Huệ khuyên mấy nó cũng không nghe. Chắc như đinh đóng cột. Nó nghỉ học.
Thằng Khiêm bàn với tôi chuyện đi làm xa. Cuối cùng, hai chúng tôi rời làng, đi xin vào khai thác cát ở Bình Thuận. Lúc đi, nó nói chắc nịch là nếu không kiếm được tiền là cậu cháu tui không về. Rồi khi đã cầm tháng lương đầu tiên trong tay, nó muốn chạy ngay về nhà để đưa cho chị Huệ, đưa cho má nó. Đêm đó, nó nói với tôi: "Mai mình bắt chuyến sáu giờ, về tới dưới chắc tầm chiều. Sao thấy nôn quá". Tôi trả lời:
"Đâu có được, mình được phân công giữ bãi hết tuần này mà mậy"
Nó trầm ngâm. Hồi lâu, tôi mới mở lời: "Nôn vậy thì mai tự về một mình đi, để cậu coi một mình cũng được. Hết tuần rồi về sau". Hình như đợi có nhiêu đó, nó hí hửng: "Dạ. Trời. Chắc má bả vui lắm".
Nói là ở lại hết tuần, nhưng qua sáng hôm sau ngày thằng Khiêm đi thì tôi cũng xin về vì chuyện gia đình. Bởi tối hôm thằng Khiêm đi, má gọi, thông báo chuyện động trời rằng thằng Khiêm giết người. Nó giết anh Hai.
16
Tôi trở về ngay chiều hôm đó. Làng vắng tanh. Ngang qua nhà chị Huệ mới thấy người ta tập trung đông nghẹt ở nhà chị, chen chút nhau coi công an khám nghiệm hiện trường. Ngó qua không thấy má với chị đâu, tôi đi thẳng về nhà. Vừa bước qua cái cổng rào thì đã nghe tiếng tiếng má khóc bên trong.
Má ngồi bên bàn trà, tay gác tựa lên bàn, tay nâng cái khăn rằn quàng cổ lau nước mắt ngó qua nhà chị Huệ. Vừa thấy tôi, má nói ngay bằng cái giọng mếu máo đứt quãng: "Thằng Khiêm nó giết người rồi con ơi! Thằng cháu ngoại của má. Thạch ơi!". Đôi đỡ lấy tay má trấn an, để má bình tĩnh rồi mới hỏi: "Chuyện sao? Má kể rõ con nghe". Lặng đi một hồi, má kể.
Hôm đó, anh Hai đi đâu từ sáng sớm. Chị hỏi: "Anh đi đâu?". Anh Hai trả lời bằng giọng nhát gừng: "Đi công chuyện". Chị hỏi chơi vậy chứ trong lòng chị biết rõ chồng mình. Nên bữa cơm trưa hôm đó chị đóng cửa qua ăn với má. Má hỏi: "Chồng bây đâu? Sao không kêu nó qua ăn chung?". Chị dửng dưng "Ảnh đi nhậu rồi má ơi". Má thở dài:
"Vợ chồng bây thiệt lạ. Coi không sống với nhau được thì thôi, để chi mà làm khổ nhau vậy"
"Không có tình thì cũng có cái nghĩa má à. Giờ ảnh vậy, con không lo cho ảnh thì ai lo hở má". Câu sau chị lấy nước mắt chan cơm. "Ảnh thành ra vậy là lỗi do con má à".
***
Đến chiều tối chị không thấy anh về nên đi tìm, rồi thấy anh nằm gục trên bàn ở quán nhậu dì Chín. Chị dìu anh về. Dì Chín trong quầy nói vói ra: "Bàn đó chưa có tính tiền à nghen".
"Dạ dì Chín cho chồng con nợ ít hôm"
Dì chín lắc đầu ngán ngẫm, nói cái giọng mỉa mai: "Không có tiền cũng bày đặt đi nhậu. Tao nhớ hồi đó chồng mày đâu có vậy, rồi cũng lòi cái đuôi ra". Mấy ông ngồi nhậu bàn bên cũng chỉ trỏ, cười cợt chuyện thằng cha Hai đi nhậu bị vợ đi tìm lôi về.
Về đến nhà, chị để anh nằm lên giường rồi lấy khăn nhúng nước ấm lau khắp người anh. Chị nói, mắt rưng rưng: "Mình cứ vầy hoài sao em chịu nổi. Hở mình?". Tưởng anh say quên trời đất không nghe, ngờ đâu anh chống tay loạng choạng ngồi bật dậy. "Là do ai? Là do ai mà tôi mới thành ra vầy? Hả?". Chị cúi đầu, tay xiết chặt cái vạt áo. Người chị run lên: "Em xin lỗi. Mình ơi, em xin lỗi". Anh Hai cười, cái giọng cười bạc bẽlo: "Xin lỗi thì được cái gì? Còn gì nữa?". Chị nắm lấy tay anh, khóc. Anh Hai hất tay làm chị ngã nhào xuống đất.
Đúng lúc đó thằng Khiêm về. "Má!". Nó gọi, rồi chạy tới đỡ chị. Rồi nó nhìn anh Hai bằng cái nhìn đầy căm hận, cái nhìn mà anh chưa bao giờ quên, cái nhìn mà mỗi khi nhớ lại anh thấy xót xa ở trong lòng.
Anh Hai chỉ tay về phía ánh nhìn đó, nói: "Mày dám nhìn cha mày như vậy hả Khiêm!?". Thằng Khiêm đáp lời anh, cũng bằng chính câu nói ngày xưa, câu nói đã làm thay đổi cả một con người, cả một cuộc đời:
"Ông không phải cha tui! Chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ tui coi ông là cha"
Anh Hai cười bạc bẽo, rồi cười chua chát, cười như gào như thét. "Đúng! Tao không phải cha mày, nhưng chính tao là người cưu mang mày, cưu mang mẹ con mày. Không có tao thì mẹ con mày cũng chỉ là thứ đầu đường xó chợ!".
"Thứ trôi sông lạc chợ!".
Dường như những câu nói của anh Hai là quá sức chịu đựng của thằng Khiêm. Như lưỡi dao khứa vào trái tim còn non nớt, như ngàn mũi tên đâm vào tâm hồn còn nhỏ dại. Nó rã rời. Rồi căm phẫn khi thấy má nó run lên khóc, tay bấu chặt vào tay nó. Nước mắt nó cũng trào ra, bầu trời như tối sầm.
Mọi thứ diễn ra trong tích tắc. Nó nhìn thấy có con dao trong rổ rau muống mà chị còn để quên trên bàn. Nó chộp lấy con dao. Bằng tất cả sự căm phẫn, nó lao thẳng tới anh Hai. Nhát dao đầu tiên nó xoáy vào bụng anh. Anh ngỡ ngàng, trơ mắt nhìn nó trân trân, rồi nhìn chị Huệ. Không nói. Nhát thứ hai của nó làm anh lịm đi khi xoáy vào tim. Rồi nhát thứ ba, thứ tư...
Tiếng thét thất thanh như ai oán của chị Huệ làm ai cũng nghe thấy. Người ta lần lượt chạy tới nhà chị, có người còn gánh theo hai gáo nước ( tưởng đâu cháy nhà ). Có vài ba tiếng hỏi "Huệ! Chuyện gì vậy con?", "Cháy nhà hả Huệ? Hay mày thấy con chuột? Hay rắn?". Chị đáp lại những câu hỏi đó bằng tiếng khóc, tiếng nấc.
Trời tối. Qua mấy ánh đèn dầu không ai thấy rõ người đàn ông đang nằm trên giường kia là đang ngủ vì một buổi nhậu say mèm hay đã gục đi vì hàng chục nhát dao đâm. Nhưng cái lưỡi dao sắc nhọn hoắt hắt ánh đèn dầu lóe sáng, soi rõ mặt thằng Khiêm đang run lẩy bẩy, tái mét ứa ra từng đợt nước mắt thì ai cũng thấy.
***
Rồi xe cảnh sát, xe cứu thương kéo nhau đến. Người ta mang xác anh Hai và cả chị Huệ ( lúc này đã ngất đi ) lên xe cấp cứu. Thằng Khiêm cũng bị người ta còng tay rồi áp giải lên xe. Đoàn xe rời đi, đám người nhốn nháo ngó theo. Họ suy diễn, nghĩ ngợi, đoán già đoán non. Trong đám người lộn xộn đó, có hai bà vỗ đùi nói với nhau: "tui nói đâu có sai. Đó, quạ nuôi tu hú đó. Thấy chưa"
17
Người ta kết án thằng Khiêm mười tám năm tù. Lúc thẩm phán tuyên bố kết thúc phiên xét xử, người ta áp giải nó đi. Nó rướn cổ ngoái lại phía sau nhìn chị bằng đôi mắt sưng đỏ như kêu mẹ ơi cứu con, đôi mày nhíu lại vì hoảng sợ. Chị Huệ nức nở, cố gọi nhưng không thành lời. Chị cố nâng cái tay nặng trịch bởi đớn đau về phía thằng Khiêm, như thể cố nắm níu, như thể mong rằng sẽ có một phép màu nào đó mang mọi thứ trở về như lúc xưa. Nhưng sao vậy được.
Nhìn thằng con dần khuất sau cánh cửa, chị đổ gục xuống ghế. Tôi đỡ lấy chị. Má thì ôm chị khóc. Chị bất động. Rã rời. Chị như người mộng, đôi mắt buồn hiu nhìn ra khoảng trời xa xăm.
Gương mặt chị tối sầm.
***
Và bầu trời hôm đó cũng tối sầm theo chị. Dông kéo tới, cơn dông đầu tiên sau một mùa hạn kéo dài. Và đêm đó làng Hạ đón cơn dông đầu mùa. Sung sướng có, lo sợ có. Người ta sung sướng vì biết rằng dông đến là để thông báo rằng mùa hạn đã qua. Nhưng sợ vì nó đến rồi đi, và lúc đi nó lặng lẽ lấy theo nhiều thứ mà không một lời nhắn lại.
Dông lấy đi gần nửa bầy vịt của chú Tư, cái cày của gia đình anh Bảy, giàn bông thiên lí nhà dì Hai... Cái mái tranh trên căn nhà xiu vẹo của ông Sáu cũng bị dông mang đi mất hút. Và chị Huệ cũng bị dông mang đi một cách âm thầm, lặng lẽ, giữa trời đêm bão tố...
Hay chị tự nguyện theo dông? Không biết. Không ai biết.
18
Nhiều ngày sau hôm cơn dông mang đến bao sự đổi thay, mất mát. Người làng Hạ vẫn còn đồn nhau chuyện đêm hôm đó, giữa trời dông gió mịt mù, họ thấy thấp thoáng một bóng người ẩn hiện bên khúc sông đang chảy siết. Mấy đứa con nít đồn nhau chổ đó có ma, còn người lớn thì ai cũng tin đó là chị.
"Con Huệ chứ ai! Mất chồng mất con nên mới ra sông tự tử. Thiệt tội nghiệp con nhỏ"
Ai cũng tin chuyện chị Huệ tự tử, gieo mình xuống sông rồi trôi mất xác. Má không muốn tin nhưng cũng đành phải tin bởi không còn đủ sức để hy vọng.
Nhưng tôi không tin, chưa bao giờ tin chuyện đó. Tôi tin chị còn sống, nhất định là còn sống. Tôi tin bão không giết chị, sông không giết chị. Có thể hôm đó vì buồn nên chị ra sông ngồi ngắm trăng chơi, mặc kệ cơn dông vẫn còn đang khuấy động. Bởi nó có xá chi so với cơn giông đang cồn cào ầm ĩ trong lòng chị. Rồi sông thấy chị buồn nên mới rủ chị đi chơi, chị đồng ý. Rồi chị đi theo sông. Sông đưa chị qua nhiều nơi, chỗ nào cũng đẹp. Sông đưa chị vượt qua cả thời gian, không gian. Vượt khỏi thực tại để đến một cõi hư vô nào đó. Ở nơi đó, chị đã trút bỏ hết những đắng cay, bẽ bàng, những ký ức đau thương, và một tâm hồn mang nhiều vết thương còn rĩ máu. Và chị trở lại như là một đứa trẻ ngây thơ, trống rỗng, trong veo.
Cuối chuyến đi, sông đã để chị lại ở đâu đó. Có thể là một xóm nhỏ, mé rừng hoặc ở một cánh đồng hoang vắng lồng lộng trời xanh. Dù là ở đâu thì tôi tin chị vẫn còn sống, và biết đâu, những khi thấy mình cô độc, chị hốt hoảng rồi vô thức bật ra tiếng gọi: "Thạch ơi".
"Con đi tìm chị Huệ"
Đó là câu nói sau cùng tôi nói với má trước cuộc đi tìm. Tôi đi mà không thèm ngoảnh lại vì sợ nhìn thấy hình ảnh bà má già đứng trông theo. Sợ nghe thấy người ta kể nhau chuyện dã tràng se cát biển đông.
19
Tôi bắt đầu cuộc đi tìm bằng việc men theo dòng chảy của con sông. Đi qua những đám rừng, những cánh đồng hoang vu bất tận, tôi cố nán lại thêm chút nữa với cái hy vọng rằng sẽ tìm thấy chị, hay ít ra là một chút dấu tích gì đó cho thấy chị đã từng ở đây. Nhưng hy vọng thì vẫn chỉ là hy vọng.
Đôi lúc tôi cũng gặp một vài con xóm nhỏ , những ngôi nhà ở mé sông. Tôi ghé lại xin gáo nước, tiện thể hỏi thăm. Và nhận lại cũng chỉ là những cái lắc đầu.
Cuộc hành trình đó không biết đã kéo dài bao nhiêu ngày. Khi tôi bắt đầu quen với chuyện ăn bờ ngủ bụi thì ngỡ ngàng trước một khung cảnh lạ hoắc ở một miền xứ sở lạ hoắc. Tôi hỏi: "Đây là đâu?". Ông già mặt lem luốc vác cái bao tải đầy vỏ chai nhựa trả lời: "Sài Gòn. Bộ trên núi mới xuống hả?".
Sài Gòn. Cái xứ sở đô thành phồn hoa mà ngày trước tôi chỉ được nghe qua lời kể của chị. Bây giờ tôi đang ở đây, đang đứng trên một miền kí ức xa xôi đó. Sài Gòn không đẹp như trong trí tưởng tượng của tôi, nhưng cái lạnh lẽo đất khách quê người thì đúng thật như chị đã từng nói. Dù sự thật có ra sao thì vẫn có một sự thật chắc chắn không thể chối cãi rằng chị đã từng ở đây. Và biết đâu trong lúc giằng co giữa sự sống và cái chết, gồng gánh cái nỗi đau mà chị đang tìm cách xua đi, thì vô tình hay cố ý, chị đã trở lại nơi đây.
Sau một khoảng thời gian dài tìm kiếm, lang bạt nay đây mai đó. Tôi xin vào làm trong một công trình đang thi công để trang trải chuyện áo cơm. Sau giờ làm, thời gian còn lại tôi đi tìm. Mà nói đúng hơn là quanh quẩn đợi chờ. Mong rằng một hôm nào đó, ở hàng cá, hàng rau, ở quán chè lề đường hay bên cái hồ cá nhỏ công viên, tôi vô tình nhìn thấy chị đi qua. Lúc đó chắc là vui lắm. Tôi sẽ rưng rưng nước mắt, miệng cứng đờ không thể mấp máy nhưng sẽ cố mấp máy để gọi thật to "Huệ ơi".
Thằng Vũ – bạn ở ghép phòng trọ với tôi một tối ngồi lai rai, nó hỏi: "vậy mày đi tìm bả bao lâu rồi?"
Tôi ngó trời tính nhẩm rồi trả lời: "gần ba năm". Nó nhếch mép cười, khua khua đôi đũa vô dĩa mồi.
"Vậy chắc chết mẹ rồi. Có khi là tự tử, thả trôi sông, rồi cá rỉa mất xác. Giờ mày có tát hết biển đông cũng tìm không ra".
***
Vũ dập tắt niềm hy vọng của tôi, và rồi không lâu sau đó nó lại mang cho tôi một hy vọng mới. Hôm đi chợ về, nó nói với tôi ngoài chợ người ta kể nhau chuyện hôm qua có bà điên quanh quẩn đi theo mấy đứa con nít bị người ta bắt đưa vô viện sáng nay. "Mày đi coi mặt bả thử coi... biết đâu..."
20
Đêm đó tôi mất ngủ vì sốt ruột. Và sốt ruột theo tôi cho tới sáng hôm sau, lúc ngồi trên xe buýt đi tới viện - nơi có người đàn bà bị bắt vô đó hôm qua, biết đâu đó là chị. Cái ý nghĩ sắp được gặp lại chị sau nhiều năm tìm kiếm ở một trại thương điên làm tôi vừa mừng vừa đau. Tôi đã hy vọng rằng chị còn sống nhưng quên hy vọng rằng chị vẫn còn nhận ra tôi.
Nhưng chắc gì người đàn bà ấy điên như lời người ta nói. Có thể là vô tình cùng đường với đám con nít, hoặc chính tụi nó mới đi theo để chọc ghẹo vì tưởng là bà điên. Và biết đâu người đàn bà ấy lạc mất con nên đi tìm, thấy đứa con nít nào cũng chạy theo để mà ngó coi cái mặt với hy vọng rằng đó là con mình.
Những hình ảnh suy diễn cố chứng mình rằng người đàn bà đó không hề điên cứ lần lượt hiện lên trong đầu tôi. Cho tới khi cậu y tá dẫn đường dừng chân trước một căn phòng rồi quay ra nhìn tôi. "Bệnh nhân ở đây".
Tôi bước từng bước thật chậm tới trước cửa phòng như thể để kéo cho thời gian dài hơn, để những câu hỏi rằng bây giờ trông chị ra sao, cuộc sống của chị giờ thế nào đã theo tôi từng bước qua những chặng đường sẽ được ở lại lâu hơn nữa trước khi đối mặt với những đáp án phơi bày sự thật. Ba năm trôi qua, mỗi ngày tôi đều thức dậy với cái hy vọng rằng hôm nay sẽ tìm được chị. Nhưng khi đứng ở đây lúc này, tôi lại muốn chạy đi ngay lập tức. Vì sợ khi nhìn vào, dù đó có phải là chị hay không thì tôi cũng sẽ phải đối mặt với một điều gì đó rất lớn lao, một sự thay đổi nào đó rất khủng khiếp.
Đứng trước cửa phòng, tim tôi đập nhanh, nhói lên từng hồi rồi im bặt. Nhịp tim tôi trở nên chậm hơn mức bình thường khi nhìn vào bên trong.
Bên trong. Nội thất căn phòng khá đơn giản. Một chiếc giường bệnh, một chiếc bàn trống trơn, một chiếc ghế. Phòng sáng sủa nhờ có ánh sáng bên ngoài cửa sổ tràn vào. Trên giường, người đàn bà gầy nhom ngồi khoanh chân, quay người ra phía cửa sổ nên tôi chỉ có thể thấy được cái lưng còng sau mái tóc rối bù. Người đàn bà bồng cái gối trên tay, nâng niu như đứa trẻ. Tôi định bước vào thì chợt người đàn bà cất tiếng hát ru. Tôi chết lặng.
"Ầu ơ... Ơ dí dầu cầu ván đóng đinh... chứ cầu tre lắc lẻo... ơ hờ... cầu tre lắc lẻo... gặp ghềnh khó đi..."
Trời ơi. Lời ru nghe sao mà quen quá, giọng hát ru nghe sao mà thân thương quá. Là chị, chị ở đây, ngay trân chỗ này. Chị ở đây mà sao tôi nhớ chị quá. Nhớ quá trời. Như thằng bé con lạc lõng giữa rừng nhìn thấy chị nó của nhiều năm về trước. Tôi muốn chạy tới ôm chị mà khóc òa, khóc cho thỏa hết những nhớ thương, cho những đêm nằm đau bởi vết thương còn canh cánh trong lòng.
Nước mắt tôi ngang lưng chừng mí rưng rưng. Cả cơ thể rung lên bởi hàng trăm xúc cảm. Tôi muốn gọi chị, gọi thật to, thật to. "Huệ ơi!"
Nhưng rồi tôi không gọi. Không gọi. Bởi tôi sợ, sợ rằng liệu chị có nhận ra? Chị có chạy tới nắm chặt tay tôi? Có nắn từng ngón tay tôi? Có đánh tôi? Mỗi cái đánh của chị có kèm theo tiếng "trời ơi" không? Chị có ôm tôi? Ôm thật chặt? có khóc cùng tôi không? Có không? Hay chị sẽ quay lại với gương mặt ngơ ngác, nhìn tôi có chút dò xét, rồi quay đi.
Chị có còn là chị? Trong cái đêm dông tố đó chị đã chọn ra đi. Phủi sạch bụi đời, rũ bỏ hết mọi niềm đau nỗi hận, những dằn vặt cáu xé tâm can. Chị bỏ hết tất cả mọi thứ để bước vào một thế giới hoàn toàn mới. Thế giới của riêng chị, một thế giới mà có thể là lung linh màu sắc hoặc chỉ mang một màu trắng xóa, trong veo. Không chắc. Nhưng có thể chắc chắn một điều rằng nơi đó không có gì ngoài sự bình yên. Chỉ có bình yên, bình yên và bình yên.
Vậy thì gọi để làm gì. Kéo chị quay về thực tại để làm gì. Để chị nhớ lại những kí ức đau thương, nhớ lại một cuộc đời đáng phải quên đi. Làm chị đau thêm một lần nữa để làm gì. Và liệu chị có còn là chị? Có còn như xưa? Không. Không còn đâu. Chị đang ở ngay đây, nhưng cũng xa lắm, xa xôi lắm.
Thôi. Không tìm nữa.
21
Tôi dừng lại ngoài cổng rào ngó vô, thấy má ngồi gói bánh dưới mái hiên. Mới mấy năm thôi mà sao đầu má bạc quá. Cái khăn rằn túc trực trên vai để má thấm mồ hôi cũng cũ mèm, chắc tại nhiều đêm lau nước mắt. Má thấy tôi, chào đón tôi bằng nụ cười hiền. Cặp mắt nhỏ xíu rưng rưng. Má không hỏi tôi chị đâu. Chắc bởi má cũng biết rồi câu trả lời khi thấy tôi một thân một mình trở về sau ba năm tìm kiếm.
Tôi ngồi xuống cạnh má. Má đưa tay chỉ mớ bánh chưng mới gói: "Chổ này là người ta đặt để ăn tết, chưng bàn thờ tổ tiên". Rồi má day qua cặp bánh chưng để riêng: "Còn chổ này má gói cho thằng Hai. Chút nữa bây mang qua cho nó. Nhớ thắp cho nó nén nhang, pha cho nó ấm trà nóng. Bàn thờ mà không trà không nhan khói nghe hiu hắt lắm".
"Hạn năm nay sao mà dai quá, không biết chừng nào dông mới tới, liệu... có mang người về"
Má nói, khi nheo đôi mắt nhỏ xíu đục ngầu ngó lên trời, nhìn về một hướng đâu đó ngoài xa xăm xa xăm xa xăm...
Tây Ninh 17/3/2019
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro