Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 8: Doạ Đại Việt, ba đoàn sứ Thát vào giam (2)

Cốt Đãi Ngột Lang gầm lên làm những cây kiếm cong treo trên giá run bần bật, nói:

- Vua đại Việt khinh ta quá lắm, đã không nghe lời lại còn giam sứ. Phen này ta quyết làm cỏ nước Nam. Triệt Triệt Đô, Đoàn Hưng Trí kiểm điểm binh mã đợi lệnh.

(Cốt Đãi Ngột Lang (Iu-ri-ang-kha-đai): Nhiều tài liệu phiên âm là Ngột Lương Hợp Thai, ở đây phiên theo lời hịch của Hưng Đạo vương trong lần đánh Nguyên thứ hai)

A Truật lúc bấy giờ mới mười tám tuổi nhưng đã là một dũng tướng, bước ra thưa:

- Thưa cha! Con thường nghe nói người Nam là giống quật cường không thể lấy lời đe doạ đè nén họ được. Chi bằng ta cứ ngon ngọt mà dụ thì hơn chứ chưa nên tiến binh vội.

Ngột Lang gầm lên:

- Vó ngựa của ta in dấu từ Tây sang Đông. Kẻ nào cũng mới chỉ nghe tên ta đã phải bỏ thành mà chạy. Ta đâu có phải ngon ngọt với ai bao giờ. Cứ nhùng nhằng mãi, khi nào mới đến được đất Nam Tống đây.

Tín Thư Phúc bước ra thưa:

- Trình nguyên soái! Công tử nói rất đúng. Ta nên cho sứ sang Đại Việt nói rõ là mượn đường vào đất Tống. Chỉ cần người Nam cho quân ta vượt qua cửa ải, Đại Việt đã nằm trong tay ta rồi mà đường sang Nam Tống cũng không còn gì ngăn trở, ta có thể đến Ngạc châu trước kì hạn. Như thế có phải đỡ vất vả vì giao tranh dọc đường không, lại dễ dàng lấy được Đại Việt.

(Năm 1275 Mông Kha mở đại chiến dịch tấn công quân Tống từ nhiều hướng: Hốt Tất Liệt cùng Trương Nhu Đem quân vượt Trường Giang đánh Ngạc châu. Tháp Tề Nhĩ đánh Kinh châu. Mông Kha thân cầm quân đánh Tứ Xuyên. Cốt Đãi Ngột Lang đánh chiếm Đại Việt rồi tiến sang đánh Ung châu, Quế Lâm. Tất cả các cánh quân đều lấy điểm hội quân cùng Hốt tất Liệt tại Ngạc châu)

Cốt Đãi Ngột Lang nghe theo mới nuốt giận viết thư, cử sứ giả đi lần nữa. Một mặt sai A Truật, Hoài Đô, Triệt Triệt Đô, Đoàn Hưng Trí chuẩn bị binh mã, lương thảo vận chuyển trước đến ải Mã Quan. Chừng một tháng sau có mấy tên quân hộ vệ đoàn sứ về báo:

- Đoàn sứ của ta không dụ được vua Đại Việt liền đe là nguyên soái sẽ mang đại binh sang, không ngờ chúng nổi giận, bắt giam hết cả lại. Chúng còn bảo: "Để nguyên soái của các ngươi sang đây sẽ giam chung một thể". Mấy chúng tôi liều chết trốn ra mới về thoát được. Mong nguyên soái mau phát binh đi đánh báo thù rửa cái nhục này.

Cốt Đãi Ngột Lang lông mày dựng ngược, vểnh râu, trợn mắt thét:

- Vua tôi nhà Trần giỏi thật. Ta xem các ngươi có mấy lá gan mà dám chống lại thiên triều!

Nói xong liền lệnh cho các tướng: Triệt Triệt Đô cùng Bố Nhĩ Hải, A Nhĩ Hải mỗi người đem một nghìn quân đi tiên phong, ngay ngày hôm ấy phải ra khỏi thành Thiện Xiển. A Truật, Hoài Đô đem mười viên lực sĩ cùng một vạn quân đi tiếp ứng cho ba mũi tiên phong và do thám những nơi bố phòng của quân Đại Việt. Đoàn Hưng Trí giao lại công việc trong nước cho em trai là Tín Thư Nhật nhiếp chính, cùng người em khác là Tín Thư Phúc, mang một vạn hai nghìn quân bộ Bắc Thoán và tám nghìn quân kị đi thứ ba vừa làm nhiệm vụ dẫn đường vừa hỗ trợ cho hai đạo quân trước. Cốt Đãi Ngột Lang thân đem một vạn năm nghìn quân đi sau. Tổng số nhân mã là bốn vạn tám ngàn lính. Bắt chín vạn ba ngàn dân phu người Đại Lý, Bạch Man, Lô Lô đi phục dịch, hẹn trong mười ngày phải ra khỏi Mã Quan.

Lúc ấy Nguyễn Bằng đang vờ buôn bán ở Thiện Xiển, dò biết được tình hình, bảo người đưa tin qua lối đỉnh Chim Ưng về cho Hà Khuất. Hà Khuất liền cử ngựa trạm chạy suốt ngày đêm về kinh cấp báo.

Bấy giờ đang là mùa đông, mấy vạn dân phu, trâu bò Đại Lý đi phục vụ quân binh rất khổ sở. Người chết vì rét, ngã núi, chết vì mệt nhọc... nhiều lắm. Thỉnh thoảng lại có mưa tuyết, quân lính vô cùng vất vả. Khi tiền quân đã áp sát ải Quy Hoá của Đại Việt thì hậu quân của Cốt Đãi Ngột Lang chưa ra hết cửa Mã Quan. Đạo quân của A Nhĩ Hải được lệnh đánh Quy Hoá, tấn công liền ba ngày mà không sao chiếm được ải. Quân của Hà Khuất dùng cung nỏ, gỗ đá đánh lại làm quân Mông Thát chết hại rất nhiều. Tín Thư Phúc bẩm với Cốt Đãi Ngột Lang:

- Trước đây nguyên soái cho sứ sang Đại Việt nhưng chưa xuất binh nên vua của chúng mới khinh lờn. Nay quân ta tiến đánh, cái cơ một sớm một chiều lấy được Đại Việt đã rõ. Vua tôi chúng tất phải sợ hãi. Xin nguyên soái phái sứ đi một lần nữa chắc bọn chúng không còn dám hỗn.

Cốt Đãi Ngột Lang nói:

- Ngươi nói cũng có lí, nhưng bây giờ cử ai đi sứ đây?

Triệt Triệt Đô nói:

- Lần này phải cử một dũng sĩ biết ăn nói đi, cho chúng thấy quân ta hùng mạnh thế nào. Tôi xin tiến cử một người là Ngạch Vu Tháp. Người này tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm lại ăn nói hào hùng, nhất định không phụ lòng thống tướng.

Hôm sau Ngạch Vu Tháp đến ải Quy Hoá, cho quân lính giương biển miễn chiến, gọi mở cửa thành cho sứ vào. Hà Khuất bắt phải cho quân lính lui lại, chỉ để Ngạch Vu Tháp và mươi tên quân theo hầu đi vào, ngay hôm ấy cho người áp giải về kinh thành Thăng Long.

Cốt Đãi Ngột Lang ém quân lại đợi sứ về nhưng gần một tháng chẳng thấy sứ đâu mới tiếp tục xua quân đánh vào Quy Hoá. Triệt Triệt Đô đứng dưới cửa quan gọi to lên rằng:

- Này Hà Khuất! Ta giao sứ cho ngươi đến nay đã gần một tháng, vua tôi nhà ngươi cớ sao không cho sứ trở về?

Hà Khuất ở trên thành nói xuống:

- Đại Việt ta là nước văn hiến. Sứ của các ngươi đến chầu lại không biết giữ lễ, buông lời ngạo mạn, khinh thị quân vương, tội đáng phơi thây nhưng vua ta nhân từ mở đức hiếu sinh không giết, chỉ mời vào nghỉ trong nhà lao thôi. Bây giờ muốn nói chuyện gì phải hỏi cây nỏ của ta trước đã.

Triệt Triệt Đô căm tức bầm gan, múa cây búa Nguyệt Lãng thúc quân vào đánh. Trên thành tên đạn dội xuống như mưa. Quân Thát xông lên mấy lần đều phải lùi trở lại.

Kinh thành Thăng Long sôi lên vì tin quân Mông Thát đã đánh vào ải Quy Hoá. Các lò rèn đúc trong thành Đại La đỏ lửa suốt ngày đêm. Trường thương, đoản kiếm, hoạ kích, đại đao được làm ra vô số. Trai tráng trong lính ngoài dân ai ai cũng muốn sắm cho mình một thứ binh khí vừa tay cầm. Từ tướng quân đến sĩ tốt chỗ nào cũng chỉ nói chuyện chinh chiến. Các tướng Vương Lâm, Trần Khuê Kình, Chu Bác Lãm đến nói với Bùi Khâm và Lê Tần rằng:

- Nay quân Thát đã đến cửa ngõ, không biết hoàng thượng giao quyền tiết chế cho ai? Nếu để thái sư cầm quân e rằng hỏng việc. Chúng ta đều là trọng thần phải nên gắng sức khuyên nhà vua chọn người hiền tài mà giao binh quyền mới có thể giữ yên đất nước.

Mọi người cùng nói phải đấy, riêng Lê Tần bảo:

- Các ông không phải lo. Dẫu hoàng thượng có giao ấn nguyên nhung thái sư cũng không nhận đâu. Việc cầm quân ắt có người tài đảm trách.

Trong điện Thiên An, Thái Tông ngồi thiết triều. Văn võ bách quan đứng hai hàng. Thái Tông phán:

- Nay quân giặc đã xâm phạm biên cương, trẫm giao toàn quyền điều vát quân sĩ cho thống quốc thái sư. Khanh hãy vì muôn dân trăm họ mà nâng lấy gánh nặng giang sơn.

Thái sư Trần Thủ Độ bước ra tâu:

- Muôn tâu hoàng thượng! Việc hoàng thượng uỷ thác, thần muôn chết chẳng dám từ. Nhưng xét nghĩ nước ta nay phía Bắc sát biên giới với hai nước lớn là Tống và Thát, việc binh bị chắc phải lâu dài mà thần tuổi đã sáu tư, không biết còn hầu hạ hoàng thượng được bao lâu, nên trộm nghĩ cần phải chọn trong các tướng trẻ lấy người tài giỏi để giao trọng trách, đặng gây dựng rường cột lâu dài cho xã tắc.

Quần thần đều cho là thái sư nói phải. Thái tông truyền:

- Các khanh đã nói vậy hãy cử cho trẫm một người có thể gánh vác được công việc nặng nhọc lâu dài này.

Lê Tần đứng ra tâu:

- Thần xin tiến cử Trần Quốc Tuấn. Người ấy trẻ tuổi, tài đức vẹn toàn, thông hiểu binh pháp, tài hoa văn chương, sâu sắc kinh sử lại có lòng thương yêu bách tính, đó là tướng muôn đời hiếm thấy.

Các quan đều nói sự tiến cử của Lê Tần là sáng suốt nhưng Nhân Đạo vương nói:

- Thần thiết nghĩ cử tướng là phải dùng người tài đức vẹn toàn, thông đạo, hiểu lễ. Cứ xét việc tháng giêng năm Nguyên Phong thứ nhất thì thấy Quốc Tuấn là kẻ ngông cuồng không có đức, không biết giữ lễ, e khó mà hiệu lệnh được ba quân.

Đầu đuôi sự việc tháng giêng năm Nguyên Phong thứ nhất (Tân Hợi-1251) thế này: Trần Quốc Tuấn là con thứ của An Sinh vương Trần Liễu, vốn vẫn sống ở ấp An Sinh (Nay thuộc đất huyện Kinh Môn - Hải Dương). Công chúa Thuỵ Bà (em ruột của An Sinh vương, chị ruột của Thái Tông) một hôm đến chơi, thấy Quốc Tuấn thông minh đĩnh ngộ mới nhận làm con nuôi, mang về Thăng Long cho ăn học. ở đây Quốc Tuấn gặp công chúa Thiên Thành lúc ấy mới hơn mười tuổi (Có tài liệu cho rằng công chúa Thiên Thanh là con út của thượng hoàng Trần Thừa là nhầm lẫn vì ĐVsktt có chép: Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương... Thiên Thành là trưởng công chúa thì chỉ có thể là con gái cả của Trần Thái Tông mà thôi). Hai người thường chơi với nhau, lâu ngày tình cảm quyến luyến. Tháng Giêng năm Tân Hợi, Thái Tông gả Thiên Thành cho con trai Nhân Đạo vương là Trung Thành vương (Năm ấy Thiên Thành khoảng mười bốn, mười lăm tuổi). Vua cho mở hội bảy ngày để mừng lễ cưới. Quốc Tuấn lúc ấy đã hai mươi tuổi, không biết làm thế nào, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.

(ĐVsktt)

Công chúa Thuỵ Bà sợ Nhân Đạo vương bắt làm tội Quốc Tuấn, liền đến cáo cấp với nhà vua, nhà vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo vương nhưng thấy yên lặng, vào phòng ngủ của Thiên Thành thì Quốc Tuấn đang ở đấy. Lúc bấy giờ Nhân Đạo vương mới biết chuyện.

Hôm sau, công chúa Thuỵ Bà vội dâng mười mâm vàng lên nhà vua để làm lễ hỏi Thiên Thành cho Quốc Tuấn. Vua bất đắc dĩ phải gả, mặt khác lấy hai nghìn khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính lễ cho Trung Thành vương. Việc này bị đời sau rất là chê trách.

(Sử thần Ngô Sĩ Liên gọi là hôn nhân bất chính, trái lễ (ĐVsktt). Ngô Thì Sĩ viết:... do gia phong bất chính của nhà Trần, ai ai cũng thế cả nên không biết dâm loạn là đáng hổ thẹn nữa (Vsta).)

Từ đấy Nhân Đạo vương vẫn ấm ức nên buổi chầu hôm đó mới bác ý kiến chọn Quốc Tuấn làm tướng. Trung Thành vương tính tình khoan hậu, lại biết Quốc Tuấn là người tài mới bước ra tâu:

- Quốc Tuấn tuy làm chuyện không hay nhưng là người tài ba lỗi lạc, hiếm có trên đời. Thần nghĩ cử người ấy làm tướng là rất xứng đáng. Xin hoàng thượng minh xét, đừng vì việc người ta mắc lỗi mà bỏ, để hỏng đại sự quốc gia.

Thái Tông tươi cười nói:

- Đáng khen Trung Thành vương là người đại lượng. Vậy theo sự đồng tiến cử của triều thần, trẫm phong Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn quyền tiết chế ba quân điều binh phá giặc. Các vương hầu tướng lĩnh nhất nhất tuân theo. Ai trái lệnh xử theo quân pháp.

Quốc Tuấn bước lên nhận kiếm lệnh và soái ấn, năm ấy ông mới hai mươi bảy tuổi. Thái Tông nói:

- Nay khanh đã nhận quyền tiết chế, trong việc quân trẫm cũng phải tuân theo. Khanh cứ điều động.

Quốc Tuấn nói:

- Thần trộm nghĩ việc dùng binh muốn thủ thắng phải tạo cho mình cái thế có thể điều được giặc. Nay nếu ta mang hết quân lên biên ải để chống nhau với quân Thát, đường sá xa xôi, núi rừng hiểm trở lại đang vào mùa rét mướt, dân phu vận chuyển lương thảo rất cực nhọc. Như vậy quân Thát nhàn nhã chờ ta đến mà đánh, hại cho ta lắm. Chi bằng nhử cho chúng vào sâu phải hành quân xa, người ngựa mỏi mệt lúc ấy ta lấy quân nhàn nhã mà đánh ắt toàn thắng. Đó chính là kế dĩ dật đãi lao vậy.

Phú Lương hầu Vương Lâm nói:

- Thần nghĩ rằng từ Đại Lý sang ta chỉ có một đường đi qua Quy Hoá, vừa nhỏ hẹp vừa hiểm trở rất tiện cho việc bố phòng, một người trấn giữ trăm người khó qua. Ta nên chặn giặc ngay từ ngoài thì hơn, để chúng vào sâu tất tàn hại sinh linh bách tính.

Đại tướng Lê Tần bước ra tâu:

- Lời Phú Lương hầu nói cũng có lý nhưng theo kế sách của Hưng Đạo vương vẫn hơn, vì giặc chỉ ỷ vào kị binh, khi vào sâu trong đất ta sông ngòi chằng chịt chúng không thể tỏ rõ được sở trường. Đó chính là chỗ chết của chúng.

Hưng Đạo vương nói:

- Thần xin cử một đạo binh lên tăng viện cho các cửa ải để làm chậm bước tiến quân của giặc, mặt khác thông báo cho những vùng có thể giặc đi qua, đưa dân tạm lánh đi nơi khác, cất giấu hết thóc lúa trâu bò gà lợn để giặc không thể cướp bóc được. Khi chúng đã vào sâu, ta cho quân chặn đường tiếp lương thì mấy vạn quân binh của chúng sẽ thành ma đói cả.

Thái Tông nghe theo kế ấy, lệnh cho Hưng Đạo vương tiến binh. Lúc tan triều, các tướng hỏi Lê Tần vì sao biết thái sư không nhận quyền tiết chế. Tần nói:

- Các ông chỉ biết chỗ dở của thái sư là không biết dàn binh phá trận mà không thấy chỗ hay của thái sư không tham quyền cố vị, việc không cáng đáng được, thành thực không nhận, thế lại chả hơn lắm kẻ chẳng hiểu cái mù tịt gì nhưng cứ tranh giành làm hỏng việc hay sao? Vả lại thái sư đánh thành cướp đất thì kém nhưng việc đắp móng xây nền, cất nhắc hiền tài đã ai sánh kịp. Triều Trần ta không có ông ấy liệu được như ngày nay? Người cẩn trọng như thế không thể mạo hiểm mà nhận quyền tiết chế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro