Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 7: Thủ Độ đeo ấn về quê tuyển câu đương

Thái Tông ngồi trong lâu thuyền bỗng nghe trên mặt sông vang dậy tiếng reo hò đuổi bắt, vội ra xem, thấy Trần Liễu cùng hai tráng sĩ đang vội vã khua chèo trốn chạy. Đằng sau, Thủ Độ thúc quân đuổi riết. Nhà vua liền gọi:

- Hoài vương mau lại đây.

Hoài vương cho thuyền áp vào thuyền vua nhưng thuyền vua cao, thuyền Hoài vương thấp quá, không trèo lên được. Thái Tông phải cầm tay anh kéo lên, đưa vào trong khoang. Anh em nhìn nhau khóc. Thuyền thái sư đuổi tới. Thủ Độ cầm kiếm nhảy sang thuyền nhà vua, xông vào khoang, thét:

- Giết thằng giặc Liễu*!

Nhà vua đứng chắn ở cửa che cho anh, nói:

- Phụng Càn vương đến hàng đấy*!

(Phụng Càn là tên cũ của Trần Liễu)

Thủ Độ bực tức, quăng gươm, nói:

- Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào*?

(*: Những lời thoại này lấy nguyên văn trong ĐVsktt)

Thái Tông nói:

- Anh em con đã biết lỗi rồi, xin thượng phụ rút quân về tha cho Phụng Càn.

Thủ Độ hầm hầm bỏ về thuyền mình, ra lệnh lui binh. Thái Tông bảo Hoài vương:

- Anh ơi! Tình thế đã đến nước này, anh em mình dẫu không nghe cũng không được đâu.

Hôm sau thiết triều, nhà vua hạ chiếu tha cho Hoài vương, lại lấy đất Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Hưng, Yên Bang phong cho làm thực ấp. Vì thế Trần Liễu còn gọi là An Sinh vương.

Nhân việc Thái Tông tha cho Hoài vương, về sau Trần Dụ Tông làm bài thơ Đường Thái Tông dữ bản triều Thái Tông như sau:

Vua Thái Tông nhà Đường

Vua Thái Tông triều ta

Đường, Việt hai vua hiệu Thái Tông

Đường xưng Trinh Quán, Việt Nguyên Phong

Kiến Thành bị giết, An Sinh sống

Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng.

(Bài thơ vốn chữ Hán, Lời dịch của Đào Phương Bình, nói rằng vua khởi thuỷ nhà Đường là Lý Thế Dân lấy hiệu Thái Tông phải giết anh là Kiến Thành để tranh ngôi. Vua khởi thuỷ nhà Trần cũng lấy hiệu Thái Tông nhưng lại cứu sống anh là An Sinh vương, đức của vua Trần lớn hơn vua Đường nhiều lắm)

Trần Thủ Độ bực lắm, ra lệnh chém hết binh sĩ của Hoài vương. Mấy trăm thủ cấp bêu trên cọc tre. Dân thành Đại La vừa thương vừa sợ. Ai cũng oán Trần Thủ Độ là tàn bạo. Mấy nghìn nam phụ lão ấu các gia đình tội binh đến nhận xác, tiếng khóc gào vang cả đất trời. Nhiều phụ nữ tay xách nách mang, bế địu con thơ đi tìm chồng nhưng không thể nhận ra ai vào mấy ai giữa những cái thây không đầu bê bết máu, chỉ còn biết lăn lộn kêu giời. Không ai trông thấy là không rơi nước mắt.

Bấy giờ thông thị đại phu Trần Phụng Công thấy Thủ Độ giết người nhiều quá quyền lấn thiên tử, vào gặp nhà vua, khóc nói:

- Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?

(ĐVsktt)

Thái Tông nói:

- Thôi được! Khanh hãy cùng đi gặp thái sư với trẫm.

Nói xong nhà vua sai đóng xe, cùng Phụng Công đến gặp thái sư. Nhà vua nói:

- Bây giờ khanh nói lại những lời lúc nãy để trẫm và thái sư cùng nghe.

Phụng Công không hề lúng túng, nói lại y nguyên ý kiến của mình. Thủ Độ nói:

- Tâu hoàng thượng! Lời thông thị đại phu nói rất đúng. Thần cũng chỉ mong trao trả bớt quyền bính cho hoàng thượng để có chút thời gian nghỉ ngơi. Ta thật cảm kích trước lời nói thẳng thắn của thông thị đại phu.

Nói xong Thủ Độ lấy vàng lụa thưởng cho Phụng Công. Nhà vua nói:

- Nếu vậy trẫm sẽ phong cho An Quốc làm tể tướng để cùng lo việc triều chính với thái sư.

Thủ Độ tâu:

- An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?

(Theo ĐVsktt)

Nhà vua nghe lời ấy, không dùng An Quốc làm tể tướng.

Trời vào hè nắng đẹp, trên tấm màn xanh thi thoảng còn lởn vởn vài gợn mây. Chàng tân binh Thân Văn Khoai xúng xính trong bộ đồ lính tứ sương, cầm giáo đứng gác cổng hoàng thành, có vẻ mãn nguyện lắm. Bên kia cổng là anh lính cũ Thái Công Bình, đã đứng gác ở đây mấy năm rồi, từ thời hiệu uý Trịnh Quang Minh còn là một anh tốt hoẻn. Bỗng Văn Khoai giật nảy mình vì tiếng quát của Thái Công Bình:

- Mụ kia đi đâu? Muốn chết à? Vào đây.

Người đàn bà quẩy gánh lá cây vội quay đầu trở lại. Công Bình quát tiếp:

- Đứng lại! Không được chạy!

Theo sau tiếng quát là tiếng tuốt kiếm nghe đánh roẹt, lạnh cả gáy. Người đàn bà quẳng gánh, lạy van rối rít.

- Lạy cậu lính. Cậu tha... tha...tha cho em. Em trót dại.

- Trót dại cái gì? Cố tình coi thường luật pháp, tội chẳng thể tha. Vào đồn!

- Lạy cậu tha cho, em không biết ạ. Em trót dại. Nhà em ông ấy là thợ tỉa cây trong hoàng thành nên em mới dám vào đây xin nắm lá về cho bò chứ em có dám làm gì đâu.

- Trong hoàng thành có biết bao nhiêu là thợ tỉa cây, ai cũng như mụ thì loạn hết à? Ai không biết cửa này chỉ dành riêng cho hoàng thượng thế mà mụ dám xông ra. Tội mất đầu đâu có nói chuyện chơi.

- Dạ! Em có dám xông ra đâu? Cậu quát một cái là em quay lại ngay đấy chứ?

- Còn già mồm hả? Mụ có biết giẫm lên vạch vôi kia đã phải tính là mắc tội rồi không? Thôi! Vào đồn.

Người đàn bà thấy tình thế rất nguy mới thò tay vào ruột tượng lấy ra năm hào bạc, dúi vào tay Công Bình, nói:

- Cậu tha cho em. Có mấy hào bạc để cậu uống rượu.

Công Bình trợn mắt quát:

- A! Mụ dám hối lộ hả? Riêng tội hối lộ đã phải phạt một trăm roi rồi. Vào đây.

Người đàn bà không biết làm sao đành theo Công Bình đi. Khi đã vào khuất trong cổng, Công Bình hất hàm bảo:

- Bảo có mấy hào bạc thì đâu? Đưa đây.

Người đàn bà biết ý, đưa đồng tiền cho Bình rồi đi ra. Văn Khoai thấy vậy hỏi Bình:

- Anh làm thế nhỡ họ tố cáo thì sao.

Công Bình ung dung trả lời:

- Luật pháp quy định kẻ nào hối lộ phải phạt nặng. Bố nó cũng chẳng dám tố cáo. Với lại chả làm thế lấy tiền đâu mà nộp cho cấp trên. Mỗi tháng phải nộp cho các bố ấy tám đồng bạc đấy. Không bóp nặn của bọn này thì biết làm thế nào. Cái vạch vôi vẽ rộng mãi ra ngoài kia là để cho nhiều kẻ giẫm vào. Hiểu chửa?

- Sao tôi nghe nói hiệu uý Trịnh Quang Minh là người nghiêm khắc, trong sạch lắm, đã được đích thân thái sư ban thưởng cơ mà?

Thái Công Bình bịt mũi cười không ra tiếng, nói:

- Thái sư bận trăm công ngàn việc, hiểu thấu sao những trò ma mị này. Mà nói chung các bố quan to nhìn xa trông rộng đâu đâu không biết, nhưng những việc ở ngay trước mắt lại mù tịt. Hiệu uý nhà mình bíp thái sư đấy.

- Bíp thái sư?

- Chứ sao nữa. Hồi ấy ông ta cũng chỉ là anh lính quân hiệu như tao với chú mày, suốt ngày đứng gác. Từ lính đến dân, anh nào mắc lỗi đều xì tiền ra là xong nhưng vô phúc vị quan nào dù to đến đâu, vi phạm quân lệnh là bị ông ta tóm ngay, xin xỏ đút lót mấy cũng không được. Các quan đều cho ông ấy là vừa nghiêm, vừa thẳng, vừa trong sạch, xem như tấm gương về sự liêm chính. Vì vậy hôm hoàng thượng ngự triều, ông ấy được vào gác trước thềm cấm. Thiên Cực công chúa không biết lớ ngớ thế nào ngồi kiệu đi vào, bị ông ấy bắt quay ra. Đôi bên hoá to tiếng. Bà Thiên Cực cậy là vợ thái sư, về nỉ non gì đó với chồng. Thái sư đùng đùng nổi giận cho đòi Trịnh Quang Minh vào hỏi tội. Ai cũng nghĩ Quang Minh lần này được một phen nhừ tử. Bà Thiên Cực cũng hỉ hả lắm. Lúc được thái sư hỏi, Quang Minh cứ tình thực kể lại. Thái sư sướng quá khen: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa" (Theo ĐVsktt), rồi thưởng cho vô khối vàng lụa, lại thăng ngay lên hàm hiệu uý. Thái sư có biết đâu Quang Minh nhà ta coi vương pháp ra cái đếch gì.

Văn Khoai lắc đầu ngán ngẩm nói:

- Chết thật! Thế mà tôi cứ tưởng được ở đây gần đèn cho nó rạng. Ai ngờ...!

- Chú mày ấm ớ thật, sao không biết sát chân đèn là nơi tối nhất!

Hải ấp đã là chốn khởi nguồn của Trần triều, là quê hương của nhà vua. Thôn xóm thay đổi, nhà cửa toà ngang dãy dọc mọc lên, đường xá thênh thang, lăng tẩm, hành cung được xây dựng huy hoàng tráng lệ. Năm nay lại được mùa, lúa chín đầy đồng. Trai gái vừa gặt hái vừa ca hát vui vẻ. Buổi chiều, Tô Đại Cơ say mèm từ quán bà hai Nhách, lảo đảo kéo đôi chân xiên xẹo về nhà. Lúc qua sân đình, hắn thấy mấy cô gái trẻ đang đẩy trục lúa trông cũng hay hay, liền giơ tay phát độp vào mông một cô, nói:

- Ừ hừ! Mẩy quá nhỉ!

Cô gái cũng chẳng vừa, cầm cây gậy đẩy trục, quay lại phang bốp vào lưng Tô Đại Cơ, chửi:

- Cha bố tổ cái thằng mất dạy.

Tô Đại Cơ chỉ tay nói:

- A! Con ôn kia! Mày chửi ông mày nhé. Mày không biết ông mày là cháu quan thái uý à? Cô họ ông mày là công chúa nhé, đương kim phu nhân thái sư nhé. Ông mà lên kinh ông trình thì chúng mày bỏ con mẹ chúng mày ngay. Không biết ông là con vua cháu chúa à? Khôn hồn thì gọi ông bằng cậu công tử, không thì chết con mẹ chúng mày cả lũ.

Thực ra "cậu công tử" chỉ nói thế thôi chứ "cậu" cũng chưa lên kinh bao giờ. Cô gái điên tiết, văng tục:

- Con vua cháu chúa bà cũng có sợ cái bề hê bà đây này. Rõ cái đồ chó mượn oai hùm.

"Cậu công tử" tức lắm nhưng không làm gì được, đành dệnh dạng bỏ đi, cái đầu còn nghênh nghênh lắc đi lắc lại ra điệu ta đây kẻ dờ.

Tô Đại Cơ quê ở Hải ấp, là con ông Tô Nhuận Điền. Ông Tô Nhuận Điền là cháu họ quan thái uý Tô Trung Từ, là anh họ ngoại Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung. Thủa nhỏ ông Nhuận Điền học rất thông minh nhưng không muốn làm quan, không đi thi, ở quê chăm lo vườn ruộng giữ đạo nhà. Ông chỉ sinh được một mình Tô Đại Cơ. Đại Cơ lớn lên không chịu học hành, suốt ngày lêu lổng rượu chè, cờ bạc. Ông Nhuận Điền không nói được con, buồn bã mà chết. Từ đó không còn ai kiềm chế, Đại Cơ càng ngông cuồng lắm. Đại Cơ cứ khụng khiệng vừa đi vừa chửi mấy con nặc nô không coi công tử ra cái chó gì, bỗng nghe tiếng mõ rao:

- Loa loa! Loa lo...a! Lệnh quan truyền xuống. Ngày mai thống quốc thái sư đương triều về ấp ta. Quan viên phụ lão, sĩ tử nho sinh, dân chúng bách tính ăn mặc chỉnh tề, trống cờ đi đón. Loa loa! Loa lo...a!

Tô Đại Cơ quay ngay lại sân đình, chỉ tay vào mấy cô gái nói:

- Đấy! Chúng mày đã nghe thấy chửa? Ông đã bảo mà. Ngày mai quan thái sư chồng cô ông về, rồi chúng mày biết tay. Ông mà xin được một chân quan thì thì...thì... Chúng mày liệu mà run trước đi thì vừa.

Hôm sau Trần Thủ Độ ngồi trong đình tra xét sổ đinh. Mấy vị đại tư xã, tiểu tư xã, lý trưởng, tiên thứ chỉ đều có mặt đứng hầu. Quân lính cầm giáo đứng hai hàng hộ vệ. Dân chúng bách tính xúm xít đầy sân đình để xem quan thái sư thống quốc. Những trai tráng trong ấp cứ theo tên gọi đến trình diện, được phát một tấm thẻ đại hoàng nam do chính tay thái sư đóng dấu ấn. Xong việc, thái sư ngẩng lên hỏi lý trưởng:

- Làng ta có ai tên là Tô Đại Cơ không hả?

Lý trưởng đã biết Tô Đại Cơ có họ dây mơ rễ má với thái sư mới khúm núm thưa:

- Dạ! Trình thái sư! Có đấy ạ. Cậu Tô chính là nhân tài kiệt xuất của làng con đấy ạ! Cậu ấy thông minh, học hành giỏi giang lắm ạ!

- Thế nó đâu mà không thấy có mặt?

- Dạ! Cậu ấy còn đứng chờ ở ngoài kia ạ!

Lý trưởng liền bảo anh tuần đinh gọi Đại Cơ vào. Đại Cơ nghe gọi, hí hửng lắm nhưng không quên giơ nắm đấm dứ dứ về phía mấy cô gái hôm qua, ý muốn nói chúng mày biết tay ông, rồi khuệnh khoạng đi vào, nhưng đến hè đình, hắn dừng lại sửa khăn áo, lom khom đi đến trước bàn thái sư, quì xuống vái, nói lý nhí:

- Con là Tô Đại Cơ kính chào quan thái sư cùng các quan ạ!

Trần Thủ Độ hỏi:

- Kẻ đang quỳ kia tên là gì, con nhà ai, mau nói!

Giọng quan thái sư âm vang nghiêm nghị quá làm Đại Cơ tự nhiên run rẩy, nói lắp bắp:

- Dạ! Dạ!...Dạ! Con là Tô Đại Cơ Xin! Xin! Xin... kính chào các quạn ạ!

- Cha mẹ ngươi là ai, làm gì.

- Dạ! Dạ!... Bác con là thái uý Tô Trung Từ, cô con là Thiên! Thiên! Thiên... Cược công chúa ạ!

Thái sư giận dữ đập bàn, quát:

- Ta hỏi cha mẹ ngươi là ai chứ có hỏi cô bác ngươi đâu?

Tô Đại Cơ sợ quá giật bắn người lên. Dân chúng đứng xem được mẻ cười thoả thích. Ai đó nói:

- Đúng là cái đồ mả cha không khóc, khóc đống mối; mả mẹ không khóc, khóc bối thòng bong. Đi đâu cũng khoe là cháu thái uý, cháu công chúa. Chẳng ai biết cha mẹ nó là ai.

Tô Đại Cơ lúng búng:

- Dạ! Cha con là Tô Nhuận Điền ạ!

Thái sư bảo:

- À ra vậy! Sao ngươi không nói ngay ra mà cứ loanh quanh mãi?

- Dạ! Nhưng cha con chỉ là dân thường thôi ạ.

Dân chúng lại khúc khích cười. Thái sư nói:

- Dân thường thì sao mà không dám nói. Thôi được! Bây giờ ta cho ngươi chức câu đương, ngươi có làm được không?

- Dạ! Dạ! Thế thì nhà con thật có phúc ba đời ạ! Con làm được đấy ạ.

Thái sư nghiêm mặt nói:

- Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để khác với người khác.

(Câu này nguyên văn trong ĐVsktt)

Tô Đại Cơ vội cầm lấy hai bàn chân, kêu:

- Ối! Ối! Thế thì con không làm câu đương nữa. Xin thái sư tha cho.

Thái sư quát:

- Việc nước không phải chuyện đùa, muốn làm thì làm, muốn chơi thì chơi à? Lính đâu! Đem vị câu đương này ra chặt ngón chân cái cho ta.

Đại Cơ giẫy giẫy hai ống quần ướt sũng, nước chảy cả ra sàn đình khai mù, lạy van rối rít mãi thái sư mới tha cho. Dân chúng thích quá, cười vang cả lên. Một người nói:

- Thái sư nghiêm thế này, bố thằng nào có việc riêng cũng không dám đến nhờ.

Người khác bảo:

- Các quan ai cũng được như vậy làm gì còn có bọn tham nhũng, đất nước rồi chả mấy mà khá.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro