Chương 7: Nguyễn Bằng mang gươm vượt rừng sang đất giặc (2)
Sáu con tuấn mã phi như bay về phía biên thuỳ. Trước mặt đã là ải Quy Hoá, nơi ấy có chúa động Hà Khuất trấn giữ. Nguyễn Bằng ra hiệu cho mọi người đi chậm lại. Đường núi khúc khuỷu trập trùng. Hai bên đường, vô số cây đại thụ gốc rễ xù xì đứng nghiêm nghị bên nhau như những tráng sĩ rừng xanh canh miền biên ải. Hết sườn núi này sang sườn núi khác kéo dài vun vút về đỉnh Chim Ưng, bao nhiêu chóp đá của dãy Tây Côn Lĩnh quanh năm mây phủ tưởng như chạm tới trời. Sáu con ngựa cùng chạy nước kiệu vào trước quân doanh. Mọi người xuống ngựa. Hai anh lính cầm giáo đứng gác, chặn lại hỏi. Nguyễn Bằng đưa trình tấm thẻ. Một anh lính gác bảo mọi người chờ, cầm tấm thẻ chạy vào, lát sau quay lại cùng với người đàn ông chừng gần năm mươi tuổi ăn vận theo kiểu dân man động, đó chính là tướng quân Hà Khuất ra đón. Khi tất cả đã vào trong trại, Hà Khuất nói:
- Tao đã nhận được cái lệnh đưa các cái mày sang phía bên kia nớ. Người của tao ở bên ấy sẽ đón à. Cửa Mã Quan có quân Mông Thát nó chiếm rồi nớ, tao cho người đưa các cái mày đi tắt rừng qua khe Độc Long rồi vượt lên đỉnh Chim Ưng mà sang nớ. Hôm nay các cái mày cứ nghỉ, sớm mai sẽ đi à. Hàng hoá tao cho đóng gói sẵn cả rồi à.
Sớm hôm sau, Hà Khuất cho mang đến sáu bộ quần áo man, bảo mọi người thay vào, mỗi người đeo một thanh kiếm có ngạnh khoằm ở gần mũi và một chiếc gùi đựng hàng buôn cùng lương thực, theo anh lính dẫn đường, nhằm hướng đỉnh Chim Ưng mà đi. Càng đi sâu vào rừng càng âm u ẩm ướt. Hai chiếc dây đeo gùi thít chặt vào hai bên nách làm Nguyễn Bằng cảm thấy đôi tay tê dại. Dưới chân rêu đá lầy nhầy, chỉ cần sơ ý trượt chân là lao ngay xuống vực thẳm. Tiếng chim bắt cô trói cột gọi nhau xé rách vẻ uy nghiêm tĩnh lặng của rừng già. Đôi lúc có những đàn khỉ, thấy người, kéo nhau đến xem, kêu chí choé. Anh lính dẫn đường im lặng, đi phăm phăm phía trước, thỉnh thoảng dừng bước chờ mọi người, tay cầm cây kiếm mũi khoằm chốc chốc lại giật đứt những dây leo chăng cản ngang đường. Rất nhiều khe nước nhỏ rót xuống vực, có vòi nước không chạm được xuống phía dưới mà rơi đến lưng chừng tan ra tạo thành một màn hơi mỏng trắng đục bay lượn lờ trên thảm rừng xanh. Bất giác Nguyễn Bằng ngâm:
Vạn trượng hồng tuyền lạc
Thiều thiều bán tử phân
Bôn lưu há tạp thụ
Sái lạc xuất trùng vân
Nhật chiếu hồng nghê tự
Thiên thanh phong vũ văn
Linh sơn đa tú sắc
Không thuỷ công nhân uân.
(Thơ của Trương Cửu Linh đời Đường. Xin tạm dịch:
Mạch tuôn muôn trượng suối hồng
Chập chờn hơi tím lưng chừng núi cao
Dội trên cây lá ào ào
Tung lên đến tận trời cao mây vờn
Nắng soi hiện mống chiều hôm
Trời xanh mà ngỡ mưa tuôn bời bời
Linh sơn cảnh đẹp trên đời
Lẫnmàu sơn thuỷ như thời hỗn mang)
Trời về chiều, sương xuống lạnh. Đoàn người đi đến một thung lũng hẹp. Người lính dẫn đường dừng lại nói:
- Các cái mày dừng lại, lên chòi ăn cơm, đi ngủ nớ, không được xuống đất, ông khái mang đi đấy à.
Lúc này Nguyễn Bằng mới để ý nhận ra cái chòi làm chông chênh giữa lưng chừng bốn cây gỗ lớn. Các gốc cây đầy những vết cào của loài thú dữ. Người lính dẫn đường bám thân cây trèo lên chòi, vứt xuống một chiếc thang dây, bảo mọi người leo lên.
Ở rừng thời gian đi nhanh. Loáng cái, màn đêm đã trùm kín khắp mọi nơi nhưng hình như bây giờ chúa rừng mới đánh thức muôn loài trong cái thế giới hoang dã đầy bí mật này. Mở đầu là tiếng tru dài của một con chó sói, tiếp theo là hàng loạt tiếng hú trả lời của bầy đàn. Cánh rừng rộn rã hẳn lên bởi tiếng sói, tiếng vượn, tiếng tác của hươu nai, tiếng chim khảm khắc gọi bạn, tiếng ve rừng ra rả suốt đêm...
Anh lính dẫn đường vừa đặt lưng đã ngáy ngon lành. Mấy anh lính miền xuôi nói chuyện nhí nháu. Nguyễn Bằng bảo:
- Các chú ngủ đi cho lại sức, ngày mai đường xa lắm đấy.
Tuy nói vậy nhưng chính Nguyễn Bằng cũng đâu có ngủ được, âm thanh của rừng hoang làm cho chàng trằn trọc không yên. Về khuya rừng càng lạnh, những tiếng i...i...i...on...on...on không biết từ đâu vọng đến khiến chàng liên tưởng tới bao nhiêu câu chuyện ma rừng đã từng được nghe người già kể lại từ thời thơ bé. Bỗng mấy tiếng iái...gừm...iái...gừm rất to ở ngay dưới chân chòi làm sáu anh lính miền xuôi ngồi bật cả dậy. Có anh hoảng hốt nói:
- Cái gì mà nghe ghê thế hả?
Anh lính dẫn đường ầm ừ, trở mình, nói:
- Ừ ...ừ! Ông khái đấy nớ! Ngủ đi à.
Dứt lời, anh ta lại ngáy ngay được, mặc mấy anh lính miền xuôi rúm rít vì sợ, một thứ sợ hãi xen lẫn thích thú vì sự lạ. Lát sau có tiếng cào sồn sột vào gốc cây. Anh nào đó vừa cười vừa nói:
- Bỏ mẹ! Nó trèo lên đấy, có thằng thì mất ấy!
Nguyễn Bằng bảo mọi người:
- Thôi! Không nói nhảm nữa. Tất cả ngủ đi. Nó không lên được đâu.
Sáng hôm sau, khi đôi chim khảm khắc ngừng hót thì rừng già cũng lấy lại được cái vẻ trầm tư huyền bí ban ngày. Một anh nói:
- Đêm hôm qua thích thật đấy, tớ nằm mãi mới ngủ được.
Anh khác cười, bảo:
- Sợ bỏ mẹ lại còn thích.
Anh khác nữa:
- Chả trách người ta bảo rừng già cũng như vị quan lớn vậy, ban ngày trầm tư đạo mạo, đến đêm nghịch như ma như mãnh.
- Chẳng thế lại có câu Ban ngày quan lớn như thần, ban đêm quan lớn tần mần như ma.
Đoàn người cứ đi nhưng bây giờ không phải là trèo lên, mà lao xuống dốc. Con đường đi xuống vừa âm u vừa trơn như ai bôi mỡ. Thỉnh thoảng lại có một người ngã bệt đít làm ai nấy cười như nắc nẻ, càng xuống sâu càng hun hút như tới tận âm ty địa phủ, trước mặt sau lưng toàn dốc đá dựng đứng, cây cối khoằm khoèo kì quái. Nguyễn Bằng hỏi người lính dẫn đường:
- Đây là đâu mà có vẻ ác địa thế này?
Người lính dẫn đường trả lời:
- Các cái mày không biết à? Chỗ này gọi là khe Độc Long nớ, chưa ác đâu, xuống dưới kia rồi mới biết à.
Một lúc sau xuống đến đáy khe. Nơi đây dường như quanh năm không có gió, một mảng trời nho nhỏ bị cầm tù giữa bốn bề vách đá. Nước chảy róc rách qua những lớp lá mục ẩm ướt. Chướng khí bốc lên mờ mờ khiến mọi người ngột ngạt tức thở. Lối lên ở phía bên kia không có đường, phải bám vào dây leo mà đu mình lên từng nấc một, vách lên cao gấp hai lần vách xuống. Người lính dẫn đường nói:
- Tao lên trước nớ, các cái mày bám dây cho chắc, tuột tay rơi xuống là tan thây à.
Một anh lính vừa nắm lấy thân dây leo vừa nói:
- Để tôi thử xem nào.
Người lính dẫn đường vội thét lên:
- Dừng à! Ay à!!! Chết rồi à.
Không kịp rồi! Theo tiếng nói của anh lính dẫn đường, anh lính vừa định thử leo lên ngã vật xuống, mặt xám ngắt trong giây lát nổi lên những vết tím lịm. Những người lính miền xuôi hốt hoảng không biết chuyện gì đã xảy ra. Anh lính dẫn đường nói:
- Nó chết rồi! Con rắn lục nâu cắn nó nớ.
- Rắn lục xanh chứ sao lại rắn lục nâu.
- Lục xanh cắn may ra còn kịp cứu nớ, lục nâu cắn thì chết ngay thôi. Nó đây à.
Anh lính dẫn đường chém một nhát kiếm vào thân dây leo. Một con rắn màu nâu nhạt, hơi có sắc xanh bóng chỉ nhỏ như ống sậy, đứt đầu rơi xuống quằn quại. Anh lính dẫn đường nói tiếp:
- Các cái mày phải tinh mắt nớ, cẩn thận à.
Ai nấy mặt buồn rười rượi. Trong lòng khe toàn là đá khối không đào được huyệt, họ phải xếp cho người bạn xấu số một ngôi mộ đá.
Trời gần tối lên đến lưng chừng núi, ở đây có lối hơi bằng phẳng để leo lên. Anh lính dẫn đường nói:
- Từ đây lên dễ hơn rồi nớ. Giờ các cái mày mệt rồi, nghỉ à, mai đi tiếp à.
Nguyễn Bằng hỏi người lính dẫn đường:
- Hôm sau chú quay về một mình có buồn không?
- Cái đại nhân không biết à. Tao lên ở lại đó thay cho người khác về nớ. Khi nào có người lên thay tao mới về à.
Trưa hôm sau lên đến đỉnh Chim Ưng, lởm chởm đá tai mèo sắc như gươm giáo. Nhìn sang bên Tây, vách đá dựng thành, phía xa là thảo nguyên mênh mông một màu xanh nhàn nhạt rồi lại núi trùm lên núi, rừng ken vào rừng tầng tầng lớp lớp không biết đâu là điểm tận cùng. Quay lại bên Đông bát ngát một màu mây bạc, loáng thoáng lộ ra những bạt rừng xanh thẫm. In trên nền trời xanh là những cánh chim đại bàng bay lượn một cách kiêu dũng. Gió thổi phần phật làm tung khăn áo mọi người. Mấy anh lính miền xuôi lần đầu lên núi rất phấn khích, một niềm phấn khích thật là bồng bột. Họ muốn gào lên, mặc dù tất cả đã mệt rã rời.
Nguyễn Bằng đứng ngắm mãi về Đại Việt, chưa bao giờ chàng có cảm giác đất nước đẹp đến thế này, nhất là giờ đây sắp phải rời xa để đi sâu vào đất giặc. Chàng cất tiếng hát:
Tay vịn lên mây trắng
Đầu cụng vào trời xanh
Giang sơn tình muôn dặm
Nâng bước chân lữ hành.
Tất cả mấy anh em đều đồng thanh hát:
Giang sơn tình muôn dặm
Nâng bước chân lữ hành.
Giang sơn tình muôn dặm
Nâng bước chân lữ hành...
Tiếng hát ngân xa, kéo dài mãi ra như muốn gửi bao tình lưu luyến của những anh lính về chốn quê nhà. Hứng khởi cảm động, họ khoác chặt tay nhau, hát vang lên mãi...
Anh lính dẫn đường đưa mọi người vào một hang đá. ở đó đã có ba người chờ sẵn, một người mặc kiểu dân man động còn hai người kia vận y phục Đại Lý. Một người mặc y phục Đại Lý chạy ra đón, nói:
- Xin chào mọi người! Chúng tôi chờ các vị ở đây đã lâu rồi.
Hoá ra ông ta là người Kinh ở miền xuôi lên. Người lính dẫn đường nói:
- Tao dẫn các cái mày đến đây là xong nớ. Từ đây hai cái người kinh này nó dẫn các cái mày đi à.
Hôm sau, anh lính dẫn đường ở lại thay cho người mặc y phục man động trở về. Nguyễn Bằng và bốn anh lính miền xuôi thay quần áo Đại Lý, bỏ kiếm, đeo gùi hàng theo hai người dẫn đường mới đi tiếp xuống sườn phía tây. Con đường này dốc đá dựng đứng, phải dùng dây cột chặt phía trên, thả các gùi hàng xuống trước, người tụt xuống sau, cứ như thế nhiều nấc, nhiều nhịp mới tới chân núi. Người dẫn đường chỉ tay nói:
- Xuống chân núi này là đất Đại Lý rồi. Từ đó có hai đường, xuôi về hướng Nam bốn mươi dặm là đến ải Mã Quan, đi tiếp ba mươi dặm nữa đến địa phận ải Quy Hoá của ta, ngọn núi này thuộc về châu Thuỷ Vĩ. Còn một lối hướng thẳng phía Tây hai trăm dặm đến thành Thiện Xiển rồi ngược lên hướng Bắc ba trăm dặm nữa là tới thành Đại Lý. Ta đi nhanh cũng phải mất sáu ngày mới tới được thành Thiện Xiển.
(Thuỷ Vĩ: Tỉnh Lào Cai ngày nay (Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi - chú thích 13 chương 27).
Thiện Xiển: Một thành phố và căn cứ quân sự quan trọng của Đại Lý. (Theo nghiên cứu của Nguyễn Lương Bích).)
Chỉ còn nhịp cuối cùng này nữa là đến chân núi, đã có bốn người xuống tới nơi. Nguyễn Bằng đang treo mình trên lưng chừng vách đá, cũng đã gần mặt đất, bỗng có những chuyển động lạ truyền từ sợi dây đến tay chàng. Sợi dây đứt chăng? Từ sáng đến giờ nó đã bị cạnh đá cứa xước nhiều lắm rồi. Nguyễn Bằng chỉ kịp nghĩ vậy, cái điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Sợi dây leo bị cạnh đá cứa đứt. Một anh lính ở dưới kêu lên:
- Chết rồi! Đại nhân đứt dây rơi xuống rồi!
Mấy người xuống trước cùng chạy xúm lại, chỉ thấy Nguyễn Bằng dang chân tay nằm bất động. Một người nói:
- Nguyễn đại nhân mà làm sao thì hỏng hết công việc.
Thật là:
Tráng sĩ trên đường vừa hiến mạng
Chủ quân cơ sự cũng khôn lường
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem số phận Nguyễn Bằng ra sao.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro