Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 7: Nguyễn Bằng mang gươm vượt rừng sang đất giặc (1)

Cuối thu, bầu trời vần vũ, từng đám mây đen chen chúc nhau tràn xuống phương Nam. Những cơn gió lạnh đầu tiên báo hiệu mùa đông khắc nghiệt sắp về. Cả kinh đô Thăng Long xôn xao vì cái tin thành Đại Lý thất thủ (Đại Lý: Một quốc gia cổ, ở Vân Nam, có biên giới chung với Đại Việt, nay là vùng Vân Nam-Trung Quốc, bị Hốt Tất Liệt và Cốt Đãi Ngột Lang đánh chiếm năm 1254), vua Đại Lý chạy trốn. Chỗ nào người ta cũng bàn chuyện chiến tranh, y như giặc Thát đã đánh đến bờ sông Cái. Hai anh lính Thân Văn Khoai và Thái Công Bình ngồi uống rượu trong một tửu quán ở cuối phố. Khi đã ngà ngà, Văn Khoai hỏi Công Bình:

- Dạo này em thấy bác ít phạt người thì phải.

Công Bình nhấp một ngụm rượu, khà một tiếng, gắp miếng cổ hũ đưa lên miệng, vừa nhai vừa nói:

- Chiến tranh đến nơi, mọi người đều lo đánh giặc, ai còn nghĩ đến chuyện kiếm tiền làm gì. Mà thực ra tao cũng có muốn lấy tiền của ai đâu. Hồi trước còn ông hiệu uý Trịnh Quang Minh được đô uý nâng đỡ mới cần tiền để dâng lên, đô uý lại được ông gì gì ấy che chở nên cũng cần cống lễ vì thế họ bắt anh em mình phải nghĩ cách phạt vạ lấy tiền. Từ khi thái sư khui ra vụ ấy, ông hiệu uý bị đuổi ra ngoài làm lính, ông đô uý bị giáng cấp, còn ông gì gì nghe đâu bị cách tuột cả quan tước.

- Thái sư nghiêm thế không trách tướng sĩ răm rắp một lượt nhưng bây giờ giặc đã kề biên, không biết các bố ấy nghĩ thế nào.

- Giặc đến thì đánh chứ lo gì, bao giờ bảo mình ra trận thì ra trận, biết thế đếch nào mà tính trước việc của các thầy ấy! Uống đi chứ chú mày. Mà tao nghe mấy ông ở trên nói hoàng thượng nhà mình anh dũng, mưu lược lắm, lúc mới hai mươi ba tuổi đã cầm quân đánh sang đất Tống, trừ diệt bọn thảo khấu trên vùng biên đấy.

- Thật thế á?

- Thật chứ lại. Năm ấy bọn giặc cướp trên đất Tống hoành hành ngang ngược, sang tận Lạng Giang bên ta, cướp của giết người, bắt đàn bà con gái đem về. Nhà vua sai ông Bùi Khâm đem quân lên, đánh cho một trận rồi báo cho quan quân bên Tống biết nhưng quan quân bên Tống không dẹp được. Năm sau vua ta lại sai đốc tướng Phạm Kính Ân (Phạm Kính Ân là tướng cũ của nhà Lý) đem quân sang triệt hết các ổ cướp, đốt phá hết doanh trại của chúng nhưng bọn thảo khấu ở các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình thuộc châu Khâm lại nổi lên. Hoàng thượng đi thuyền nhỏ đem quân sang. Bọn giặc sợ hãi bỏ chạy đến châu Liêm. Vua giả làm người thường, xưng là Trai Lang cùng các tướng tuỳ tùng đi thuyền Kim Phượng, Nhật Quang, Nguyệt Quang vào sâu trong đất Tống. Về sau bọn thổ dân biết là vua, chúng đem xích sắt chặn sông hòng đánh lại nhưng đánh không được. Vua sai quân nhổ mấy chục neo sắt đem lên thuyền, xuôi ra biển ung dung trở về. Năm sau nữa vua lại sai Thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình đánh sang Bằng Tường để thảo phạt bọn giặc cướp cho đến khi nhà Tống cử tướng giỏi xuống giữ gìn được biên giới, vua mới ban chiếu cho tướng quân Trần Khuê Kình giao lại thành Bằng Tường cho người Tống, mang quân về.

Thân Văn Khoai há mồm nghe Thái Công Bình nói chuyện. Khi Công Bình ngừng lời, Văn Khoai kêu lên thán phục:

- Giỏi quá nhỉ!

- Giỏi chứ chả giỏi, giặc Thát mà sang á! Vua ta lại chả đánh bỏ mẹ nó đi ấy chứ.

Hai anh em chừng đã ngà ngà say, đứng dậy đi vào giữa phố, mua mỗi người một thanh kiếm thép.

Thái sư Trần Thủ Độ bặm môi, nắm chặt tay, khuôn mặt vuông vức của ông đanh lại đầy vẻ can trường, đôi quai hàm bạnh ra như được đúc bằng đồng thanh. Ông nói:

- Việc tuyển thêm quân ta giao cho Bùi Khâm, hẹn đến rằm tháng chạp phải làm xong.

Bùi Khâm bước ra, chắp tay nói:

- Xin tuân lệnh.

Thái sư tiếp:

- Lê Tần nhận lệnh! Ngươi lo việc huấn luyện thuỷ quân, tu sửa thuyền bè, cung nỏ sẵn sàng đánh giặc.

Lê Tần tuân lệnh bước ra. Thái sư gọi tiếp:

- Trần Khuê Kình! Nhà ngươi huấn luyện bộ binh, tân binh, mùa hè sang năm sẽ tổng duyệt.

Khuê Kình dạ một tiếng rồi bước đi. Tiếp theo, thái sư phân công các tướng chỉ huy kị binh, tượng binh, quân lương, quân dược, chế tác binh khí, tất cả đâu vào đấy nhưng dường như ông vẫn còn điều gì băn khoăn. Trần Quốc Tuấn đứng bên hỏi:

- Mọi việc đều đã được định liệu, sao thượng công vẫn có ý lo phiền ạ?

Thái sư nói:

- Ta muốn đưa người sang Đại Lý để dò tin tức giặc nhưng chưa tìm được ai phù hợp với việc này.

Vương Lâm bước ra thưa:

- Trình thái sư! Tôi xin tiến cử một người có thể đảm đương việc ấy.

- Ngươi định cử ai vậy?

- Trình thái sư! Người này tên là Nguyễn Bằng, quê ở Trường Tân, đỗ thái học khoa Kỷ Hợi, văn võ song toàn, tính tình lanh lợi, hiện đang làm huyện lệnh ở Đường Hào.

(Năm Kỷ Hợi (1239) có khoa thi thái học sinh. Lưu Miễn, Vương Giát đỗ đầu-Theo ĐVsktt)

- Sao ngươi biết được người đó?

- Dạ! Người này là em rể quân dược hiệu uý Phạm Hữu. Năm ngoái tôi lên nhọt độc ở lưng, được Phạm Hữu chữa cho. Một hôm tôi đến nhà Phạm Hữu để tạ ân, vừa gặp Nguyễn Bằng từ Đường Hào cũng lên chơi vì vậy quen biết nhau.

- Người ấy võ nghệ thế nào?

- Ông ta võ nghệ chẳng kém gì tôi nhưng văn chương, mưu lược thì hơn tôi nhiều lắm. Để tôi mời đến thái sư xem.

- Thôi được! Ta không cần gặp. Phép dụng gián ai cũng chỉ biết người trực tiếp giao việc cho mình, không lộ ra ngoài. Việc này ta giao cho ngươi lo liệu, mau chóng thu xếp cho đi ngay, càng vào sâu đất giặc càng tốt. Tin tức chuyển về theo mật tuyến.

Nguyễn Bằng đang xem lại cuốn sổ đinh tráng trong huyện thì nhận được lệnh bàn giao công việc cho quan huyện mới, trong ba ngày phải về tới kinh thành gặp tướng Vương Lâm để nhận trọng sự. Chiều hôm sau, mọi công việc bàn giao đã xong, Nguyễn Bằng nói với vợ:

- Giặc Thát đang lăm le xâm lấn, có lẽ triều đình điều ta sang việc quân, nàng hãy đem con về quê nương tựa xóm làng, ngày mai ta lên kinh, sự thể thế nào sẽ tin về cho.

Phạm Thị nghe lời, đưa các con về làng Cao Duệ ở huyện Trường Tân nương nhờ bên ngoại, ngày đêm mong ngóng tin chồng. Nguyễn Bằng lên kinh tìm đến phủ tướng quân Vương Lâm nhưng Vương Lâm đang ở bên dinh thái sư. Nguyễn Bằng đành ra nghỉ ở nhà công quán đến chiều mới trở lại, gặp ngay lúc Vương Lâm vừa về. Một gia nhân đưa Nguyễn Bằng vào ngôi đại sảnh. Vương Lâm đã chờ sẵn ở đó. Trông thấy Vương Lâm, Nguyễn Bằng vội làm lễ, nói:

- Hạ chức là Nguyễn Bằng xin có mặt để tướng quân sai bảo.

Vương Lâm vội đỡ Nguyễn Bằng dậy, nói:

- Đây là nhà tôi, không phải là chốn quân doanh. Hơn nữa tôi với ông là bạn, không cần đa lễ.

Hai người chia ngôi chủ khách ngồi bàn việc. Sau khi nói cho Nguyễn Bằng biết nhiệm vụ, Vương Lâm hỏi:

- Việc nặng nề thế đấy, ông có vướng mắc gì không?

- Việc quân, việc nước, tôi dẫu phải bước lên chông, lăn vào lửa cũng chẳng dám từ. Xin tướng quân cho biết bao giờ khởi hành?

Vương Lâm cười thân mật, hỏi:

- Có cần về thăm nhà không? Hay là ngày mai ông về thăm nhà vài bữa rồi lên đây ta liệu.

- Tôi đã chịu mệnh đâu còn dám nghĩ chuyện nhà!

- Tôi thật cảm kích trước tấm lòng vì nước của ông. Công việc như thế tạm ổn, bây giờ ta có thể cùng nhau làm vài chén; từ hôm nay ông đã là người lính rồi. Bay đâu! Sắp bàn rượu bên gốc tùng kia để ta tiếp khách.

Bóng trăng trên cao soi rõ hai người lính ngồi đối ẩm bên gốc tùng già. Chừng đã ngà ngà, Vương Lâm bảo:

- Nào cạn chén! Uống đi ông. Ngày mai ông đi, tôi chờ ra trận, sau cuộc chiến này dù không còn được ngồi uống với nhau thì cũng thoả lòng.

Nguyễn Bằng đã say nên thoải mái hơn, nói:

- Uống chứ! Uống chứ! Tửu phùng tri kỉ. Bác cứ đợi tôi về.

Hai người cười váng lên, gõ bàn làm nhịp, cùng hát: Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu hề. Cổ lai ư...hư hư...chinh chiến kỉ nhân i i i...hi hi... hồi.

(Thơ của Vương Hàn đời Đường. Tạmdịch: Say nằm bãi cát đừng cười nhé. Xưa nay ra trận mấy ai về)

Tiếng hát về đêm nghe vang xa, bay cao như chạm lanh canh vào các vì tinh tú.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro