Chương 6: Thái sư giết tôn tộc nhà Lý ở thái đường Hoa Lâm (2)
Bà Liệt nhận kế, lui ra tìm cách nhanh chóng thi hành, hôm ấy đang dẫn quân lính đến đất Đường Hào để tìm thợ giỏi, bỗng thấy một thanh niên khôi ngô cùng một gia nhân từ xa tiến lại. Trong quân có người trước kia là lính của Nguyễn Nộn, biết thanh niên đó, nói:
- Người kia chính là Phạm Hữu, quản binh hiệu uý của Nguyễn Nộn ngày xưa. Xin đại vương bắt lấy.
Bọn lính liền xúm lại bắt Phạm Hữu. Tên gia nhân may mắn chạy thoát. Bà Liệt sai người giải Phạm Hữu về nộp cho Trần Thủ Độ. Thủ Độ hỏi:
- Nhà ngươi là một quản binh hiệu uý, chức tuy nhỏ nhưng việc lại trọng. Triều đình đã thống nhất giang sơn được mấy năm rồi, cớ sao không ra trình diện mà lại trốn tránh.
Phạm Hữu nói:
- Trình thái sư! Tôi vốn con nhà lương dân, không thích sự binh đao, không màng danh lợi, chỉ mong sao được sống yên nơi thôn dã, đem chút tài mọn cứu giúp dân lành, tích âm đức cho con cháu là mãn nguyện rồi. Trước đây tôi tòng chinh cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ thôi, ba năm nay may gặp được ân sư chỉ bày phương lược dụng dược cứu người, mải mê học tập nên không biết Nguyễn Nộn đã chết, xin thái sư lượng thứ.
Thủ Độ xét hỏi một lúc, biết Phạm Hữu là học trò của Chử Nhiệm Khai, có ý nể trọng, hỏi:
- Nay non sông đã thu về một mối, trăm họ thoát cảnh đói nghèo, thiên hạ đang lúc thái bình nhưng không thể không lo binh bị phòng khi hữu sự. Ta muốn phong ngươi làm quân dược hiệu uý, cho làm việc ở quân dược ty, chăm lo sức khoẻ cho quân đội. Ngươi nghĩ thế nào?
Phạm Hữu nói:
- Cảm ơn thái sư đã có lòng bao dung nhưng xin cho tôi một tháng về lo việc nhà rồi đến để thái sư sai khiến.
Tướng Vương Lâm đang đứng hộ vệ bên cạnh Thủ Độ, thấy Phạm Hữu nói vậy liền quát:
- Ngươi thật to gan, không biết có trời cao đất dày chi hết, đã được thái sư tha tội, không biết tạ ân lại còn mặc cả đòi về một tháng. Việc quân đâu có trì độn như thế được. Hẳn là ngươi muốn chết.
Phạm Hữu nói:
- Tướng quân nhầm. Bởi tôi sợ chết mới phải nhận quay lại. Mấy lời vừa rồi của tướng quân làm cho cái ý sợ chết của tôi nó bay đi mất. Tướng quân muốn giết, xin cứ việc ra tay.
Thủ Độ nói:
- Phạm Hữu mải học đến nỗi không biết cả những sự thay đổi như sấm sét ở bên ngoài, vậy cũng là người có trí. Người ta ai chả có cha mẹ quê hương, Phạm Hữu xin về một tháng là muốn làm tròn đạo hiếu, giữ trọn nghĩa thầy trò, đó là điều chính đáng. Vậy ta cho ngươi ba tháng lo liệu việc nhà, mùa xuân sang năm phải tới nhận việc.
Phạm Hữu lạy tạ, lui ra. Thủ Độ bảo bọn Vương Lâm:
- Phạm Hữu là người có học. Đối với hạng người này phải lấy ân đức mà thu phục, không thể dùng quyền uy và sự sống chết dọa nạt họ được đâu. Hơn nữa đang lúc ta cần nhân tài, thêm được một người là quý một người, chớ nên bỏ lỡ.
Phạm Kính Ân nói:
- Ngày thường thái sư tự coi mình là người ít học, nhưng chỉ xem trong việc này cũng đủ biết ngài hành sự mẫn tuệ như bậc trí giả rồi.
Thủ Độ nói:
- Ta học hành lỗ mỗ, hành sự theo cảm tính, có đâu dám coi là trí giả. Các ngươi chớ khen như vậy mà làm ta hư.
Phạm Kính Ân nói.
- Thái sư không cần đọc sách mà làm được như trong sách, há chẳng phải là bậc trí giả sao?
Thủ Độ hỏi:
- Ngươi nói đến sách nào vậy?
Kính Ân nói:
- Bẩm thái sư! Trong sách Tam Lược của Hoàng Thạch công, có viết như sau: "Vốn đạo trị nước cậy ở người hiền và nhân tâm... Trọng lễ thì chí sĩ quy tụ, trọng lộc thì nghĩa sĩ coi thường cái chết". Quyển hạ lại nói rằng: "Ban ân xuống tới đâu thì người hiền theo về, ban ân xuống tới đâu thì thánh nhân theo về". Việc thái sư ban ân cho Phạm Hữu chẳng nằm trong sách cả đó sao?
(Hoàng Thạch công: Người nước Hàn, sống vào cuối thời Chiến Quốc đầu thời Tần. Ông là một trong những lãnh tụ của phái chống Tần. Truyền thuyết cho rằng ông là thầy của Trương Lương thời Hán)
Trần Bà Liệt đem quân đến Hoa Lâm ở huyện Đông Ngàn, xây thái đường cho họ Lý, tập trung mấy nghìn binh lính và thợ giỏi làm ròng rã hết mùa hè, qua mùa thu sang mùa đông mới xong, cho người về báo với Trần Thủ Độ. Thủ độ nói:
- Nhà Lý trị vì trên hai trăm năm, công đức tưới nhuần thiên hạ, mở mang văn trị, có nhiều đời vua sáng, Bắc đánh tan quân Tống, Nam chinh phục Chiêm Thành, võ công thật hiển hách. Chỉ vì Cao tông vô đạo, Huệ tông ươn hèn đến nỗi muôn dân phải chịu lầm than. Ta dựng thái đường ở quê hương nhà Lý để người họ Lý có chỗ phụng thờ tổ tông mà kéo dài hương hoả dòng dõi mãi mãi về sau.
Thủ độ nói rồi cho người mời tôn tộc nhà Lý đến Hoa Lâm tế tổ. Chỉ có Lý Bảo Long là cháu nội Lý Du Đô (Lý Du Đô: Thái sư dưới thời Lý Anh Tông) nói là không lễ ở thái đường do họ Trần làm, trốn đi mất. Hôm ấy mấy trăm người trong tôn tộc nhà Lý kéo đến thái đường khóc lóc làm lễ. Từ sáng, Thủ Độ lệnh cho Vương Lâm và Phạm Kính Ân mang giáp binh bảo vệ, không cho thường dân quấy nhiễu. Đến trưa họ Lý ăn cỗ uống rượu, già trẻ lớn bé say cả. Thủ Độ gọi Bà Liệt đến bảo:
- Cho chúng đi gặp tổ tiên được rồi đấy.
Bà Liệt nhận lệnh đi ra. Lát sau nghe một tiếng ầm long trời lở đất. Cả ngôi thái đường đồ sộ đổ sụp xuống hầm sâu (Sự việc này vẫn còn được coi là một nghi án). Trong đám khói bụi cuồn cuộn bốc lên có tiếng kêu la gào khóc của mấy trăm người, cả những đứa bé mới sinh được vài ngày cũng chung số phận. Bà Liệt sai lính đào đất lấp hầm chôn sống tất cả. Những ai định leo lên liền bị lính của Vương Lâm chém chết đẩy xuống. Mấy hôm sau Vương Lâm hỏi Thủ Độ:
- Thái sư sợ mất lòng thiên hạ, phải nhường một anh học trò như Phạm Hữu mà lại có thể giết cả tôn tộc họ Lý là sao?
Thủ Độ nói:
- Sự quyền biến của việc trị nước phải như vậy, khi không cần giết thì một người cũng không giết; khi cần giết, mấy trăm người cũng phải giết có gì là lạ. Vả lại Phạm Hữu tuy có cái ương ngạnh của kẻ sĩ nhưng xem ra lời nói chân thành, đó là người có cái tâm tốt, có thể dùng được.
Trời ấm dần lên, ánh nắng buổi sớm mùa xuân làm cho cây cỏ cùng muôn loài hồi sinh sau những ngày đông tái tê rét buốt. Nền trời lộ ra những mảng màu xanh trong vắt. Vầng thái dương gắng sức đẩy khối mây đen về phía cuối trời. Nơi tiếp biên giữa ánh sáng và mây đen hừng lên một đường viền đỏ như máu.
Hoàng hậu Chiêu Thánh không nói năng gì. Nàng ngồi thu mình trong góc phòng.
Dường như mùa đông nghiệt ngã vẫn chưa buông tha nàng. Từ khi Hoàng thái tử Trịnh, đứa con mà nàng đặt bao niềm hy vọng không còn sống, Chiêu Thánh như người vừa điên vừa lãnh cảm. Bốn năm qua rồi mà nàng không sao cải thiện được tình trạng ấy, tự giam mình trong phòng kín nơi cung cấm, chỉ ngày rằm, mùng một mới cùng thị nữ đến chùa Bảo Quang thắp hương trong bảo tháp, nơi cất giữ di hài cha nàng. Những khi mẹ đến thăm, nàng càng cảm thấy buồn. Những lời khuyên giải, những câu chuyện mẹ nói, sao nó nhạt nhẽo quá chừng, không thể nào nhớ được. Gần đây nàng chỉ mơ hồ nhận thấy hình như mẹ nàng và ông chồng bà ta vị thái sư thống quốc đang có mưu đồ toan tính gì ghê gớm lắm nhưng nàng cũng không hỏi. Thực tình họ làm gì nàng cũng đâu có để ý. Nhà vua lâu lắm không bước tới căn phòng này, ngài đã mười chín tuổi, một thanh niên thực thụ, khoẻ mạnh với bao công việc và mĩ nữ vây quanh. Làm sao nhà vua còn thì giờ đến căn phòng của người vợ lãnh cảm như nàng. Hôm qua mẹ nàng nói chuyện gì đó về chị Thuận Thiên, không biết bây giờ chị ấy thế nào? Hiển hoàng Trần Liễu chồng chị ấy sau vụ cưỡng dâm cung phi cũ của nhà Lý ở cung Lệ Thiên đã bị giáng xuống làm Hoài vương; chắc chị ấy buồn lắm. Từ nhỏ mình đã không thích cuộc sống cung đình, lớn lên càng thấy chán ghét, nó bẩn thỉu nhơ nhớp độc địa quá, toàn thủ đoạn mưu mô và những trò dâm loạn. Buồn thay, người đầu têu ra những trò dâm bôn loạn luân ấy lại chính mẹ mình cùng ông chồng và là em họ bà ta. Rồi đến mình và chị Thuận Thiên cũng không thoát khỏi cái xoáy nước đục ngầu tanh tưởi ấy. Ôi! Hoàng cung vàng son lộng lẫy nhớp nhúa ê chề. Trời ơi! Sao lại bắt tôi sinh ra ở một nơi như vậy? Muôn kiếp trước có thế không và muôn đời sau liệu có còn như vậy?
Chiêu Thánh đang miên man với những dòng suy nghĩ thì Thiên Cực công chúa mẹ nàng đến. Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung ngồi xuống bên con, ôn tồn nói:
- Hôm nay con thấy trong người thế nào?
Chiêu Thánh miễn cưỡng trả lời:
- Dạ! Con khoẻ ạ!
- Những lời mẹ nói với con hôm qua, con đã nghĩ kĩ chưa?
- Dạ! Hôm qua mẹ nói gì ạ?
Thiên Cực công chúa nhìn con, thở dài nói:
- Thế ra con chả để ý gì đến lời của mẹ cả. Hoàng thượng nay đã lớn tuổi rồi mà con không sinh đẻ. Cậu và mẹ định đón chị Thuận Thiên về bên này để cùng con hầu hạ đức vua cho có chị có em.
Chiêu Thánh choáng váng nhìn mẹ, kinh hãi nói:
- Hả?! Mẹ nói cái gì? Đón chị Thuận Thiên về bên này hầu hạ đức vua? Còn Hoài vương? Chị ấy đang mang thai của Hoài vương cơ mà?
- Chính vì đang có thai nên cậu con và mẹ mới muốn đón nó về bên này không sợ mai sau ngôi vua rơi vào tay ngoại tộc.
Chiêu Thánh lắc đầu, nói:
- À ra thế! Để bảo vệ cái ngai vàng của nhà các người, không còn điều nhơ bẩn nào mà các người không làm. Các người còn hỏi tôi làm gì nữa. Ngôi vua! Ngôi vua! Tôi nhổ toẹt vào cái ngôi vua ấy từ lâu rồi.
Thái sư thống quốc Trần Thủ Độ ngồi trầm ngâm một mình, mọi công việc do vợ chồng ông sắp đặt diễn ra một cách trôi chảy. Đám gia binh của Hoài vương Liễu đã giải tán về quê cả, công chúa Thuận Thiên cũng đón vào cung rồi, thế mà hoàng thượng lại biến mất. Ông cho người đi tìm từ chiều qua đến giờ vẫn không thấy đâu. Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung thấy chồng suy tư nung nấu như vậy, không dám lại gần. Bà biết những thời khắc trầm mặc của ông, đó là lúc ông vật vã để đi đến một quyết định nhằm giành lấy sự thành công. Bỗng thái sư vỗ mạnh vào đùi, nói:
- Thôi đúng rồi! Nhất định là như vậy.
Trần Thị Dung vội đến bên chồng, hỏi:
- Sao? Ông biết hoàng thượng ở đâu rồi à!
- Đúng vậy. Thằng này gớm thật. Mình khổ sở để lo cho nó mà nó cứ giở chứng ra. Nói không nghe, ông lột xác ra.
Nói rồi thái sư cho mời tướng quân Trần Khuê Kình đến, dặn:
- Nhà ngươi đem theo năm người đến chỗ quốc sư Phù Vân ở Yên Tử. Ta chắc hoàng thượng ở đấy. Nếu đúng như vậy, cử người về báo gấp cho ta.
Trần Khuê Kình nhận lệnh đi ngay, hai hôm sau cho người phi ngựa hoả tốc về báo quả là nhà vua đang ở Yên Tử. Thủ Độ cho mời các tướng Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân, Vương Lâm đến dặn dò công việc, lại mời lão tướng Lê Khâm đến bảo:
- Việc phòng thủ kinh thành nhờ lão tướng đảm nhiệm cho.
Nói rồi cùng đoàn tuỳ tùng lập tức đem trăm quan đến núi Yên Tử.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro