Chương 6: Thái sư giết tôn tộc nhà Lý ở thái đường Hoa Lâm (1)
Hãy nói Nguyễn Nộn từ khi đánh tan Đoàn Thượng, nghĩ mình là vô địch trong thiên hạ, tự xưng là Đại Thắng vương, bắt nhiều con gái đẹp của đất Hồng châu về hầu hạ, đã bị bệnh tâm thần hoảng loạn lại quá ham mê tửu sắc, sức lực mỗi ngày một giảm, hơn nữa lúc nào cũng bị lời thề của Đoàn Thượng ám ảnh nên trong lòng luôn không được yên. Nộn sợ Trần Thủ Độ biết, mới cho quân nói phao lên rằng quân số của mình ngày nay đã lên tới mười lăm vạn, chỉ qua tết nguyên đán là tiến sang bờ Nam, bao vây kinh thành. Tin ấy bay về Thăng Long, nhà Trần lo lắm. Trần Thủ Độ xin cử Phạm Kính Ân đem quân sang sông tuần thám còn mình tự điều vát quân sĩ sẵn sàng đánh giặc. Lê Khâm tâu:
- Trong phép thủ thắng không đánh mà giặc tự tan là thượng sách, cùng bất đắc dĩ phải giao chiến thì giữ cho ít tốn xương máu là trung sách, thắng mà hao binh tổn tướng là hạ sách. Cứ như ý tôi, thái sư không nên cất quân vội, cần có bước chuẩn bị kĩ trước đã.
Trần Thái Tông lúc ấy mới chín tuổi, ngồi thiết triều, hỏi:
- Khanh bảo chuẩn bị thế nào?
Lê Khâm tâu:
- Binh thư nói biết mình biết người trăm đánh trăm thắng. Muốn biết được người tất phải dụng gián, dụng thám. Việc cho Phạm Kính Ân sang sông là cần thiết nhưng như vậy cũng mới chỉ biết được bên ngoài của quân địch, muốn biết nội tình, cần có người vào tận hang ổ của chúng.
Thái Tông nhìn Thủ Độ, hỏi:
- Thượng phụ bảo thế có đúng không?
Thủ Độ tâu:
- Khuông quốc thượng tướng quân nói rất có lí, nhưng ai sẽ là người vào được hang ổ của chúng bây giờ.
(Khuông quốc thượng tướng quân: Là tước vị của Lê Khâm, Trần Thủ Độ xưng hô như vậy để tỏ ý tôn trọng ông ta)
Phùng Tá Chu nói:
- Thần nghĩ việc này cũng không khó, nhưng cần có người dám liều thân cho xã tắc.
Thái Tông bảo:
- Liều thân thì liều thân, các khanh cứ bàn đi, nhanh nhanh lên trẫm còn đi đào dế đây.
Phùng Tá Chu tiếp:
- Nguyễn Nộn là kẻ tham của, hám danh mà háo sắc. Nay nhân việc y vừa đánh thắng Đoàn Thượng, nhà vua nên gia phong cho hắn lại đem con gái hoàng tộc gả cho để dò tin tức từ trong, như vậy lo gì không biết được nội tình của chúng.
Thái tông nghe theo kế ấy, liền sai sứ sang phong cho Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương. Thượng hoàng phong cho cháu vợ là Ngoạn Thiềm làm công chúa gả cho Nộn.
Nguyễn Nộn được gia phong tước lộc, lại lấy được công chúa Ngoạn Thiềm, mãn nguyện lắm, tự thấy mình đau ốm, quân lực cũng không bằng họ Trần mới sai sứ về kinh tạ ơn, xưng thần và hẹn đến tháng mười vào chầu. Ma Lôi và các tướng thấy Nộn suốt ngày quấn quýt bên công chúa Ngoạn Thiềm và bọn cung nữ, không còn tưởng gì đến việc binh nhung, mới cùng nhau đến thưa:
- Đại vương nay bệnh tình chưa khỏi, tửu sắc là cái họa chết người, vả lại họ Trần kết thân với ta chưa chắc đã có ý tốt. Chuyện nàng Tây Thi ngày trước còn như tấm gương, xin đại vương minh xét.
Nguyễn Nộn tỉnh ra, liền sai lập cung riêng cho công chúa Ngoạn Thiềm ở. Công chúa Ngoạn Thiềm phái người báo tin cho Trần Thủ Độ biết Nguyễn Nộn đang ốm, bệnh tình ngày càng trầm trọng. Thủ Độ tâu với vua Trần. Thái Tông bảo:
- Vua không thích đánh nhau. Thượng phụ muốn làm thế nào thì làm, sao cứ phải hỏi?
Các tướng đều xin nhân cơ hội này phát binh đi đánh. Thủ Độ nói:
- Việc đánh bây giờ thật không khó gì nhưng nhà vua không muốn trăm họ phải đau thương. Ta cũng thấy xương máu đổ nhiều rồi, chẳng lẽ nồi da xáo thịt mãi sao? Cứ như trong thư của Ngoạn Thiềm thì Nguyễn Nộn chẳng còn sống được bao lâu, nếu có người sang bên ấy lấy lời phải trái khuyên bảo các tướng lĩnh, quân sĩ về với triều đình há chả hơn sao?
Thái Tông nói:
- Thượng phụ nói hay đấy. Ai dám đi sứ, ta thưởng cho con dế to nhất. Thêm hai con bọ ngựa.
Lê Khâm bước ra tâu:
- Thần xin đi nhưng không dám nhận phần thưởng của hoàng thượng đâu ạ.
Trăm quan bấm bụng không dám cười.
Lại nói Nguyễn Nộn ngày càng ốm nặng, đau đầu hoa mắt, nóng sốt li bì, ăn không tiêu, mới vài tháng mà người gầy rộc, tóc rụng mấy phần, thân hình tiều tuỵ, đi không vững. Hôm ấy nghe báo có sứ của triều đình đến, Nộn gượng dậy tiếp, ăn cơm rồi sai quân lấy ngựa cưỡi, phi thẳng lên đồi nhưng mới được vài trăm bước, choáng váng mặt mày ngã nhào xuống đất, mê man bất tỉnh. Quân lính vội vàng xúm lại cứu về. Thầy thuốc xem mạch xong, lắc đầu nói:
- Mạch trầm mà sác, không có lực, đây là tử mạch. Bệnh ở lý rồi không còn cách chữa.
(Trong bát cương - Hàn nhiệt, biểu lý, âm dương,hư thực. Bệnh ở lý tức là đã nhập sâu đến nội tạng rất khó chữa)
Chừng nửa canh giờ sau, Nguyễn Nộn thổ ra mấy đấu máu, miệng nói lảm nhảm:
- Thằng thầy chùa bất tín kia. Ta là Đoàn Thượng đây. Ta đã kiện mày đến tận diêm la địa phủ rồi. Bây giờ Diêm vương bắt mày xuống đây xem mày có đắc chí được nữa không?
Đến đêm Nguyễn Nộn chết ở cung Thưởng Nguyệt. Tính từ khi Nộn đánh giết được Đoàn Thượng đến lúc ấy chưa đầy ba tháng.
Quân sĩ phần bỏ đi, phần nghe lời khuyên của Lê Khâm theo về với triều đình. Ma Lôi thấy quân tình không thể cứu vãn được, đang đêm cùng với người nhà lẻn trốn đi. Thiên hạ từ đấy thu về một mối.
Nhà Trần gồm thâu được thiên hạ, ra sức xây dựng kỉ cương, chỉnh đốn triều chính, chăm lo nông tang, qua mấy năm dân giàu nước thịnh nhưng Trần Thủ Độ vẫn canh cánh bên lòng về sự lưu luyến của trăm họ đối với nhà Lý. Theo ý ông ta, những người thuộc tôn tộc nhà Lý luôn là mối đe doạ đối với nền thống nhất của đất nước. Một hôm Thủ Độ có việc ra ngoại thành phía Tây, xa xa thấy năm sáu người vai mang cung tên, tay cầm giáo dài phi ngựa như bay băng qua mấy cánh rừng thưa đuổi săn muông thú. Người đi đầu mặc võ phục, bên ngoài khoác một tấm da beo, ngồi trên lưng con ngựa ô truy trông rất kiêu dũng, khi đến gần hoá ra là Hoài Đức vương Trần Bà Liệt. Thủ Độ nói:
- Hoài Đức vương kiêu dũng thế này, thật đáng là trang nam tử.
Chiều hôm ấy, Trần Thủ Độ cho người mời Bà Liệt đến phủ bàn việc. Thủ Độ nói:
- Cháu thân mang tước vương, đó là ân sủng lớn của hoàng thượng, sao không nghĩ cách báo đền mà suốt ngày chỉ đi săn bắn vậy?
Bà Liệt khoanh tay, cúi đầu nói:
- Trình quốc công! Cháu từ khi được ơn thượng hoàng không bỏ, lại được hoàng thượng gia phong, cũng chỉ muốn có dịp báo đáp ân dày nhưng chưa biết làm thế nào, sợ tháng ngày nhàn rỗi sinh lười biếng mới lấy việc đi săn để rèn luyện và làm vui. Quốc công có việc gì cần, xin cứ sai bảo. Cháu nguyện hết lòng, dù gian nguy cũng chẳng dám từ nan.
Thủ Độ nói:
- Nhà Trần ta vừa mới thống nhất giang sơn được vài năm, tuy muôn dân đã thoát được vòng binh lửa, không còn cảnh chết đói đầy đường như trước nữa nhưng cũng còn nhiều người luyến tiếc nhà Lý. Người họ Lý cũng oán hận họ Trần ta lắm, nếu có người nổi dậy làm phản e rằng trăm họ khó tránh khỏi một cuộc chiến xương thịt tương tàn.
Hoài Đức vương có cách gì ngăn chặn được việc đó không?
Bà Liệt nói:
- Việc đó có khó gì, cứ diệt hết mầm mống nhà Lý đi, dẫu có người muốn làm phản cũng không thể dựa vào đâu mà nổi lên được.
Thủ Độ bảo:
- Người nhà Lý thì nhiều, làm sao mà diệt hết cho được.
Bà Liệt hăng hái nói:
- Thượng công cứ bắt hết giam lại, bố cáo là họ mưu phản, đem chém đi là xong.
Thủ độ xua tay, nói:
- Không được, làm như vậy sẽ loạn ngay. Ta có một kế này nếu cháu chịu giúp chắc hẳn sẽ thành công.
Bà Liệt nói:
- Xin thượng công cứ dạy. Vì cơ nghiệp họ Trần, cháu thề muôn chết không từ.
Thủ Độ cười, nói:
- Tốt! Nhưng không ai cần cháu chết. Việc là như vầy... như vầy... cháu cứ thế mà làm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro