Chương 6: Hoàng thượng hỏi đạo đời Phù Vân trong thảo am Yên Tử (2)
Ánh nắng sớm mùa xuân vàng như lụa làm cho phong cảnh núi rừng Yên Tử đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Những giọt mưa đêm còn treo trên ngọn lá, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh như muôn ngàn châu ngọc. Hơi ấm quét dần màn mây, để lộ ra lớp lớp núi non xanh mướt trải dài mãi về phía biển Đông.
Trần Khuê Kình dẫn thái sư cùng các quan đến thảo am diện kiến nhà vua. Thái Tông nói:
- Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mệnh nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, không dám giữ ngôi vua mà nhục xã tắc.
Thủ Độ cùng trăm quan nài nỉ mãi, vua cũng không chịu xuống núi. Con trai của Lê Khâm là Lê Tần tuy còn trẻ tuổi nhưng văn võ kiêm toàn đang đứng hầu bên cạnh, ghé sát vào tai Thủ Độ nói nhỏ mấy câu. Thủ Độ gật đầu. Lê Tần liền xin phép lui ra. Lúc sau nghe trong rừng vang lên tiếng chặt cây, đục đá ầm ầm. Có chú tiểu đồng vào báo quân lính triều đình đang phá rừng làm tổn hại đến cảnh quan nơi đất phật. Vua hỏi thái sư sao lại như vậy. Thủ Độ nói:
- Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó. Nhà vua không chịu về kinh đô, thần xin phá rừng để xây cung điện ở đây vậy. Trước hết cất ngay điện Thiên An cùng Đoan Minh các để vua thiết triều và nghỉ ngơi ở chỗ cắm lều kia. Thần đã cho người xuống núi ngày mai sẽ đưa thêm dân phu và thợ thuyền lên.
Quốc sư Phù Vân thấy tình thế không thể chần chừ, nói:
- Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại núi rừng của đệ tử.
(Theo ĐVsktt)
Nhà vua cầm tay Phù Vân lưu luyến mãi chẳng muốn rời. Quốc sư Phù Vân nói:
- Nhà vua nên mau trở về kinh. Bần đạo không thể tiễn xa. Chỉ xin nhà vua nhớ cho phàm người làm vua, nên lấy điều muốn của thiên hạ làm điều muốn của mình, lấy lòng của thiên hạ làm lòng mình. Đó chính là bí quyết của sự vững bền vậy.
Trên đường đi Phạm Ứng Thần bảo Thủ Độ:
- Riêng thỉnh được hoàng thượng về triều cũng đủ biết thái sư lo việc thật không ai bì kịp.
Thủ Độ bảo:
- Tôi có làm được gì đâu. Đó là mưu của tướng quân Lê Tần đấy chứ. Người ấy mai sau hẳn là cây cột của triều đình.
(Sau này Lê Tần trở thành một trong những tướng lĩnh chủ chốt của cuộc kháng chiến chống quân Mông Thát lần thứ nhất)
Trời đang tạnh ráo bỗng nổi cơn dông, mây kéo mịt mù, gió thổi vun vút, xoáy từ vương phủ xoáy ra nhưng không tổn hại gì đến dinh thự lầu gác, chỉ làm đổ mấy khóm chuối và hất tung những mái tranh của các nhà nông phu. Đám tá điền sợ hãi trước những tia chớp sét loằng nhoằng, chui rúc trong các đống rơm rạ tránh cơn thịnh nộ của thiên đình. Nhưng cơn mưa gió diễn ra không lâu, chốc lát bầu trời đã sáng trong trở lại.
Hoài vương Trần Liễu ngồi trong vương thất nóng lòng chờ công chúa Thuận Thiên, lẩm bẩm nói:
- Lạ thật! Đang là tiết xuân mà giời nổi cơn dông. Thiên Cực công chúa cho đón Thuận Thiên vào triều để thăm Chiêu Thánh mà sao đã năm hôm không thấy trở về?
Ngoài cổng có tiếng xôn xao, một tên gia nhân vào báo người của công chúa Thuận Thiên đã về. Hoài vương hỏi dồn:
- Người của công chúa đã về à? Thế công chúa đâu? Có chuyện gì vậy? Đưa nó vào đây.
Tên gia nhân đưa người thị nữ vào. Người thị nữ run run quỳ nói:
- Trình đức ông! Con đã về.
Hoài vương hỏi:
- Công chúa đâu? Đã xảy ra chuyện gì rồi?
- Trình đức ông! Công chúa không trở về được nữa ạ.
- Sao lại như vậy? Hả?
- Trình đức ông! Thực ra Thiên Cực người cho gọi công chúa vào triều không phải để thăm Chiêu Thánh đâu ạ. Mà theo lệnh của thái sư để thay Chiêu Thánh hầu hạ hoàng thượng.
Hoài vương Liễu đấm mạnh xuống mặt bàn thất bảo làm bộ ấm trà run lên bần bật, nói như gầm lên:
- Hả? Ngươi nói cái gì? Thay Chiêu Thánh hầu hạ hoàng thượng? Mẹ kiếp không còn ra cái giống người nữa rồi! Chó má thật! Chó má thật! Ngươi làm thế nào mà về được đây?
- Dạ! Trình đức ông! Hoàng thượng cũng không đồng ý việc ấy nhưng thái sư ép buộc quá nên người đã trốn đi đâu không biết. Hiện nay thái sư cùng các quan đang đi tìm chưa thấy về. Con trốn ra được về báo để đức ông biết.
Hình như Hoài vương vừa nắm bắt được điều gì, ông ngẩng lên với đôi mắt sáng rực, gọi:
- Bay đâu! Mời cho ta Thôi Thạch lang và Mã Thiết đến đây ngay.
Khi Thôi Thạch lang và Mã Thiết đến, Hoài vương Liễu nói:
- Nay nhà vua ươn hèn nhu nhược, thái sư chuyên quyền làm nhiều điều xằng bậy quá lắm. Vợ ta đang có chửa, là chị dâu nhà vua mà thái sư cũng bắt về ép nhà vua làm trò thương luân bại lý, còn chuyện gì mà ông ấy không làm? Hoàng thượng vì thế phải bỏ đi. Nay thái sư và các quan đi tìm nhà vua cả, ta muốn họp binh chiếm lấy kinh thành, giành lại ngai vàng về cho dòng trưởng đích, mong các ông hết lòng phò giúp. Ta thề chẳng quên công.
Thôi Thạch lang là người Tống, vốn tên là Vương Uyên, võ nghệ cao cường, làu thông binh pháp lại có sức địch muôn người, được Hoài vương Liễu mời về dạy dỗ các con. Một hôm Hoài vương muốn chuyển một tấm đá ra chỗ khác để làm sân tập nhưng bốn năm người không khiêng nổi. Vương Uyên thấy vậy liền lấy chão buộc tấm đá lại, cõng lên nhẹ nhàng như người cõng con trẻ mà đi. Ai trông thấy cũng rùng mình bái phục. Hoài vương liền đặt cho biệt danh là Thôi Thạch lang.
Mã Thiết là người Trại rất giỏi côn quyền, đặc biệt là cưỡi ngựa, bắn cung. Có lần người lái buôn Hồi Hột biếu Hoài vương một con tuấn mã rất đẹp nhưng ai cưỡi lên cũng bị nó hất ngã. Riêng một mình chàng trai người Trại chinh phục được nó. Hoài vương liền tặng con ngựa cho chàng và đặt tên chàng là Mã Thiết.
(Trại: Còn gọi là dân tộc Sán Dìu, sống nhiềutrong vùng núi Chí Linh - Hải Dương và Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay)
Thôi Thạch lang và Mã Thiết cùng thưa:
- Chúng tôi xin dốc hết sức để đền ơn tri ngộ của đại vương.
Hoài vương cho hai người mang tay chân xuống các ấp tập trung đám thân binh mới bị Trần Thủ Độ giải tán, trong năm hôm đã có được hơn vạn người và mấy chục chiến thuyền. Hoài vương sắp xếp đội ngũ, phát hịch chia hai đường thuỷ bộ xuất quân, mấy hôm sau cả hai cánh quân đã hội nhau trên bến Triều Đông. Mã Thiết nói:
- Sĩ khí đang hăng, ta nên tấn công ngay.
Thôi Thạch lang bàn:
- Quân ta đi đường dài mấy ngày rất mệt, tấn công ngay e không có lợi. Hiện nay trong thành bỏ trống, chẳng nên vội gì cứ để quân sĩ nghỉ một đêm mai vào thành khí thế mới hùng dũng có hơn không?
Hoài vương nghe theo, để quân nghỉ ngơi ngoài bãi, canh ba bỗng thấy nổi lên một tiếng pháo lệnh rồi trống thúc liên hồi. Quân triều đình bốn mặt kéo đến bủa vây chém giết tơi bời. Quân Hoài vương hoảng loạn bỏ chạy, trốn mất quá nửa. Thôi Thạch lang xông ra đốc chiến, bị quân của Vương Lâm vây chặt, đành xuống ngựa đầu hàng. Mã Thiết ra sức đánh đỡ, bảo vệ Hoài vương xuống thuyền, rút quân về ngả Thiên Đức, chẳng ngờ Lê Khâm biết trước, cứ để Hoài vương tiến binh rồi chiếm các cửa sông chặn đường về. Hoài vương đành quay lại sông Cái, bị binh thuyền của Phạm Kính Ân xông vào đánh cho một trận tan nát. Mã Thiết chỉ còn năm trăm quân và mấy chiếc thuyền, hộ vệ Hoài vương định xuôi xuống miền Đông nhưng đến bãi Cửu Liên thấy cơ man thuyền chiến chặn mất lối, trên chiếc lâu thuyền đi đầu phấp phới lá cờ hiệu của thái sư Trần Thủ Độ. Thì ra thái sư và bách quan đã đón nhà vua về kinh từ hai hôm trước rồi. Mã Thiết liền đưa Hoài vương cùng quân sĩ trốn vào bãi lau, được mấy hôm hết lương thực rất khổ sở.
Thái Tông nghe tin Hoài vương Liễu thua trận cùng quẫn lắm, sợ Thủ Độ giết mất anh, liền đi thuyền long phụng ra sông, bảo thị vệ treo cao cờ lên cốt để Hoài vương trông thấy. Mã Thiết thấy vậy bảo:
- Bây giờ chỉ còn một cách, đức ông sang hàng nhà vua mới toàn được mạng. Tôi chắc hòang thượng không xử tệ với đức ông.
Hoài vương nói:
- Vẫn biết hoàng thượng không nỡ hại ta nhưng còn thái sư thì sao?
- Đức ông đừng lo, tôi xin liều chết đem quân chặn thuyền của thái sư để đức ông đi thoát. Cứ lên được thuyền nhà vua là sống rồi.
Nói xong, Mã Thiết quay lại đám quân sĩ thân tín, nói:
- Anh em ta theo Hoài vương mưu việc lớn. Nay việc không thành là do lòng giời. Tình thế đến nước này, đành phải quyết một trận báo đền ơn chủ. Hoài vương thoát được sẽ không bạc đãi cha mẹ, vợ con chúng ta. Ai muốn theo, cùng ta ra sông. Ai không muốn theo tự tìm đường trốn đi, chớ để quân lính triều đình bắt được.
Mọi người tuy đã rã rời nhưng đều xin theo cả. Mã Thiết cải trang cho Hoài vương thành người thuyền chài, chọn một chiếc thuyền nhỏ cùng hai lực sĩ đưa Hoài vương đi còn mình dẫn mọi người đem thuyền chặn ở giữa sông. Quân của Trần Thủ Độ vào báo. Thủ Độ lệnh cho Phạm Kính Ân vây đánh. Mã Thiết cùng mấy trăm thuỷ thủ không chống nổi, bị bắt cả. Thủ Độ không thấy Hoài vương, xa xa lại có chiếc thuyền nhỏ chèo hối hả về phía thuyền vua, biết đích thị là Hoài vương Liễu, liền cho thuyền nhẹ đuổi gấp, hô to lên:
- Bắt lấy thằng giặc Liễu đem bêu đầu cho ta.
Quân sĩ cùng đồng thanh hô vang mặt sông. Hoài vương giục chèo cuống quýt nhưng thuyền của thái sư cũng đuổi theo bén gót.
Thật là:
Mất vợ còn đang cơn hậm hực
Ra quân lại mắc tội bêu đầu
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Hoài vương Liễu có trốn thoát được không.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro