Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 5: Phạm Hữu gặp thầy học nghề Đại ấp

Đoàn Văn con trai Đoàn Thượng, khi trước ở thành Yên Nhân, nhận lệnh cha đem lương thảo đến Tế Giang, giao thành cho phó tướng Vương Hà giữ. Mấy hôm sau Nguyễn Nộn cho đội quân của Quách Thanh mặc giả quân Hồng châu gọi mở cổng cho công tử về. Vương Hà không nghi ngờ gì, mở cổng ra đón, bị Quách Thanh chém một nhát chết. Quân Bắc ùa cả vào thành bắt hết gia quyến Đoàn Văn. Khi Đoàn Thượng chết rồi, Nguyễn Nộn cho người đến bảo Đoàn Văn nếu không chịu hàng sẽ giết sạch cả họ. Đoàn Văn không biết làm thế nào đành đến xin hàng.

Nguyễn Nộn thắng lớn nhưng mất hai viên đại tướng Trương Thái và Nguyễn Sĩ Hiển, tiếc lắm, lệnh cho bắt hết gái đẹp, trai tráng, trâu ngựa, của cải đất Hồng châu đem về Kinh Bắc. Kẻ nào không tuân, giết không tha. Nguyễn Sĩ Vinh nhân lệnh ấy làm quá lên, ra tay chém giết binh lính cũ của Hồng châu, trả thù cho em trai là Nguyễn Sĩ Hiển.

Phạm Hữu, từ khi chia tay Nguyễn Bằng sang với Nguyễn Nộn, được tin dùng làm quản binh hiệu uý dưới trướng Đỗ Nguyên Bá, chuyên lo sổ sách, nay theo đi đánh trận, trong khi giao chiến ở Tế Giang, bị một mũi tên vào vai phải ngã lăn bên gốc cây, đến đêm tỉnh lại, chiến trận đã im lìm. Chàng nghiến răng rút mũi tên, nhai cỏ rịt vào vết thương, gượng đau đứng dậy đi về phía bìa rừng. Đây đó xác quân lính hai bên còn ngổn ngang chưa có người thu táng, bỗng nghe văng vẳng có tiếng ai kêu rên cầu cứu lúc càng rõ. Phạm Hữu tiến lại phía ấy thấy bốn năm xác lính Hồng châu lẫn với mấy xác lính Bắc quân đè lên nhau, trong đó có một người còn động đậy. Chàng nâng người đó lên, dưới ánh trăng lờ mờ nhận ra đó chính là Nguyễn Bằng, liền kéo ra nhưng Nguyễn Bằng bị thương cả hai chân không thể đi được. Phạm Hữu liền xé áo của mấy xác lính làm băng buộc vết thương cho bạn, lại lấy một bộ đồ lính Bắc quân cho Nguyễn Bằng mặc, bảo:

- Bây giờ Sĩ Vinh đang truy giết quân Hồng châu. Anh thay bộ này nhỡ sáng ra có gặp Bắc quân cũng không lo bị sát hại.

Nguyễn Bằng nói:

- Từ ngày chúng ta xa nhau đến nay đã mấy năm, không ngờ gặp lại trong tình huống trớ trêu thế này.

Phạm Hữu bảo:

- Anh còn nhớ chuyện hai con trâu bị ép đánh nhau năm xưa không? Có điều chúng ta nhất định phải sống. Chúng ta khác loài trâu chính là ở chỗ ấy đấy. Thôi! Chuyện thì dài, sau này còn dịp nói, để tôi dìu anh đi, tìm nơi trú tạm đã.

Xa xa có ánh lửa lập loè, Nguyễn Bằng bảo:

- Ta đến chỗ ánh lửa kia xem có phải nhà dân, xin cái gì ăn tạm.

Hai người đỡ nhau lê đi, lúc lâu đến một làng nhỏ ven sông. Nơi phát ra ánh lửa là một ngôi nhà gỗ năm gian, có vẻ là gia đình khá giả, đêm khuya lắm nhưng ở tiền sảnh vẫn còn ánh đèn, phía sau là hai ngôi nhà nhỏ hơn tối im ỉm. Phạm Hữu ngó qua giậu râm bụt thấy có bóng người, cất tiếng gọi.

- Trong nhà có ai còn thức, giúp chúng tôi với.

Có tiếng kẹt cửa, một ông già cầm đèn ra hỏi:

- Ai mà đến khuya thế này?

Phạm Hữu nói:

- Chúng cháu là lính bị thương ở rừng, mong cụ giúp đỡ. Bạn cháu yếu lắm.

Ông lão mở cổng cho hai người vào. Trong nhà sực nức mùi thơm của các loại thuốc quý. Ông lão cởi mở nói:

- Nhà tôi đêm khuya có người gọi cổng lấy thuốc là chuyện thường. Chắc các bác chưa ăn gì. Tôi bảo trẻ nó làm cơm ngay. Bác này trông mệt quá. Để tôi xem vết thương thế nào nào.

Nói xong, ông cụ gọi người nhà nấu cơm còn tự mình rửa vết thương cho hai chàng trai, lấy thuốc dấu rịt lại kĩ càng. Phạm Hữu nói:

- Thật phúc đức chúng con gặp được cụ, xin cho chúng con được biết cao danh ạ.

Ông lão vuốt chòm râu bạc, nói:

- Tôi họ Chử, tên là Nhiệm Khai. Nhà tôi đời đời làm thuốc ở ấp Đại này.

(Đến nay trong nhân dân còn cho rằng những ngườihọ Chử theo nghề làm thuốc ở đất Văn Giang thuộc dòng dõi Chử Đồng Tử)

Phạm Hữu ồ lên một tiếng, hỏi tiếp:

- Dạ! Có phải cụ là Chử thái y của Lý triều không ạ?

Ông lão vui vẻ bảo:

- Bác cũng biết có Chử thái y này ư ? Nhưng từ khi nhà Lý mất, tôi về quê làm thuốc cứu giúp dân lành, tránh xa chốn quan trường rồi. Cũng may vết thương của các bác đều không chạm tới xương nên mau lành thôi.

Phạm Hữu rút trong người ra một nén bạc, hai tay dâng lên, nói:

- Chúng con có lẽ còn phiền cụ ít ngày, gọi có chút lễ mọn trong lúc khó khăn, mong cụ nhận giúp. Chúng con biết ơn nhiều lắm.

Chử thái y nói:

- Tôi đã giúp được gì cho các bác đâu. Hãy cất bạc đi, sau này còn nhiều dịp dùng đến đấy.

Hai người ở lại nhà Chử công qua tết nguyên đán. Đầy tháng, các vết thương lành lặn cả. Chử công thấy hai chàng nói năng lễ độ, lại là người có học thì mến, coi như con cái trong nhà. Nguyễn Bằng bảo Phạm Hữu:

- Chúng ta làm phiền Chử công đã lâu, có lẽ đã đến lúc xin phép về quê được rồi.

Phạm Hữu hỏi:

- Về quê rồi anh định làm gì?

Nguyễn Bằng nói:

- Thì chúng mình lại đi học?

Phạm Hữu bảo:

- Học rồi đi thi, nhao vào chốn quan trường. Con đường đó thật là ghê sợ. Tôi muốn bái Chử tiên sinh làm thầy, ở đây học lấy nghề làm thuốc cứu người. Một mai về quê có thể giúp giùm làng nước.

Nguyễn Bằng nói:

- Anh có ý như thế thì hai chúng ta cùng ở lại.

Hai chàng mới vào bái lạy Chử công, nói rõ ý nguyện của mình. Chử công bảo:

- Các con biết mưu việc cứu người thật là đáng quý. Nhưng nghề làm thuốc vất vả lắm. Ai muốn làm giàu chớ chọn nghề này. Vả lại y thuật cũng phải có duyên mới làm được. Bây giờ mỗi anh lấy một con dao lạng, lạng lấy hai cân xuyên quy tôi xem đã.

Nguyễn Bằng nhanh nhẹn, lạng thoăn thoắt, một lúc đã làm xong, lại làm giúp cho Phạm Hữu. Chử công cầm tay từng người xem xong, nói:

- Tiếc rằng trong hai người chỉ có Phạm Hữu học làm thuốc được thôi. Nguyễn Bằng tay nhiều mồ hôi quá. Con còn nhiều vất vả với đời, nhưng đừng buồn, cứu người cũng có dăm bảy đường, làm ông quan tốt còn có thể cứu được nhiều người hơn cơ đấy. Xem ra con có duyên với văn chương, hãy gắng công học hành, mai này ra giúp dân.

Nguyễn Bằng nói:

- Dạ thưa thầy! Ngày nay nhà Lý đã mất. Trần Thủ Độ chuyên quyền, vô học, vậy còn trông mong gì về đường khoa cử nữa ạ?

Chử công bảo:

- Không phải hoàn toàn như thế đâu. Đúng! Trần Thủ Độ là người chuyên quyền và tàn nhẫn vô học thật đấy nhưng ông ta có tài và quyết đoán mà liêm chính, biết trọng người hiền lại hướng về trăm họ. Ta chắc nhà Trần rồi sẽ khá.

Phạm Hữu hỏi:

- Thầy nhận định như vậy sao không giúp nhà Trần mà lại bỏ về ạ?

Chử công nói:

- Không phải chỉ riêng mình ta như thế, nhiều người cũng bỏ đi chỉ vì chữ "trung". Người quân tử có lẽ đâu lại thờ hai chúa. Há các con chẳng hiểu đạo tam cương sao?

(Tam cương: Ba nguyên tắc rường mối của kẻ sĩ là trung với vua, hiếu với cha mẹ, tiết hạnh trong tình vợ chồng. Trong đó chữ "trung" được đặt ở vị trí hàng đầu)

Hôm sau Nguyễn Bằng bái biệt Chử công và chia tay Phạm Hữu, hẹn ba năm sau gặp lại ở chốn quê nhà. Phạm Hữu ở lại nhà Chử công ra sức tu nghiệp, vốn tính thông minh học đâu nhớ đấy. Chử công quý mến lắm mới đem hết những điều tinh diệu của y thuật truyền cho, lại đưa những bộ sách quý của Biển Thước, Trương Cơ bảo chép ra hai bản dùng về sau. Các phép chẩn mạch đoán bệnh, lôi công bào chế, xuyên lâm tầm dược cũng chỉ bảo cặn kẽ. Người con gái út của Chử công là Chử Thị Ngọc, tuổi vừa đôi tám xinh đẹp nết na, thấy Hữu thông minh nho nhã lại chịu học chịu làm, đem lòng yêu. Chử công biết ý mới bảo Phạm Hữu:

- Ta xem con là người tư chất, em Ngọc cũng có ý thương yêu. Ta muốn tác thành cho hai con. Vậy ý con thế nào?

Phạm Hữu thưa:

- Con đội ơn thầy đã dày công dạy dỗ, còn chưa có dịp báo đền nay lại được thầy thương như vậy thật nhà con có phúc lớn, con đâu dám không vâng nhưng việc nhân duyên là ở mẹ cha sắp đặt. Xin thầy cho con về Trường Tân thưa lại với cha mẹ để có cơi trầu gọi là sính lễ và con cũng được tròn hiếu đạo.

Chử công thấy Hữu nói như vậy mừng lắm, liền sắp sửa hành trang để hôm sau Phạm Hữu về quê, lại cho một gia nhân theo hầu sớm tối. Nói sao hết tình lưu luyến của đôi trẻ khi chia tay, Phạm Hữu bảo:

- Ta về quê chuyến này nhiều nhất là nửa tuần trăng, xin nàng chớ nên lo buồn làm chi.

Chử Thị nói:

- Đường đất xa xôi, mong anh cẩn trọng rồi mau trở lại. Đừng để tôi mòn mỏi mong chờ.

Nói xong đưa cho Hữu một chiếc khăn trầu. Phạm Hữu và người gia nhân đi rồi, Thị Ngọc buồn lắm, chỉ mong sao cho chóng đến ngày người yêu trở lại. Nhưng mới được ba ngày thấy tên gia nhân hớt hải chạy về báo:

- Giữa đường cậu Hữu bị quan binh bắt trói đưa đi rồi, không biết lành dữ thế nào.

Cả nhà nghe tin đều rụng rời hết vía.

Thật là:

Chỉ muốn ẩn thân tìm an lạc

Biết đâu kiếp nạn lại đang chờ.

Chưa biết Phạm Hữu vì sao bị bắt, xin nói rõ ở chương sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro