Chương 4: Trần Thừa xót con công nhận Bà Liệt
Mùa hạ, tháng năm, Văn hoàng đế Trần Cảnh phong em là Trần Nhật Hiệu lúc ấy mới hai tuổi làm Khâm Thiên đại vương, phong phẩm hàm cho các quan văn võ, lấy ngày sinh mười sáu tháng sáu làm tiết Càn Ninh. Mùa đông tháng mười tôn phụ quốc thái uý Trần Thừa làm thượng hoàng.
Thượng hoàng Trần Thừa lúc còn ở nhà, vẫn thường đánh cá ngoài sông. Vào năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ Ba (1204), đời Lý Cao Tông, Trần Thừa đã hai mốt tuổi, một hôm quăng chài nhưng mãi đến chiều vẫn không được con cá nào, cứ xuôi dòng đi mãi xuống hạ lưu, không ngờ gần tối trời nổi cơn dông hất tung thuyền lên bãi ngô bên bờ. Có người con gái họ Mai đi hái bắp về, trông thấy Thừa nằm sóng soài trên cát mới lấy áo tơi che cho rồi đưa về nhà ở thôn Bà Liệt (Thôn Bà Lệt, huyện Tây Chân: Thuộc huyện Nam Ninh tỉnh Nam Định ngày nay (Theo ĐVsktt).). Nhà Mai Thị rất nghèo, chỉ có hai mẹ con mà Trần Thừa lại ốm sốt. Bà mẹ Mai Thị đem con gà mái đang ấp ra chợ bán lấy tiền mua thuốc cho Thừa. Còn những quả trứng sắp nở phải ủ trong trấu ấm, ít hôm sau nở ra một lũ gà con không mẹ, không cha. Trần Thừa ở đó mấy ngày, thấy Mai Thị xinh đẹp mà nghèo quá, có ý thương. Mai Thị thấy Thừa khoẻ mạnh cũng mến lắm. Hai người tình ý với nhau. Đến khi Mai Thị có mang, Trần Thừa bảo:
- Tôi ở đây đã lâu, sợ cha mẹ mong đợi. Vả lại tôi phải về nói với cha mẹ đem cơi trầu đến cưới hỏi để cô khỏi mang tiếng là người lang chạ.
Mai Thị cầm tay Thừa, khóc nói:
- Anh về quê, tôi ở đây đợi anh, một ngày dài tựa một năm. Mong anh mau quay lại.
Thừa bảo:
- Cô tưởng tôi sung sướng lắm hay sao? Phải xa nhau, đẩy mỗi mái chèo là đứt từng khúc ruột, nhớ nhung khổ lắm chứ. Cứ yên lòng, chỉ độ mươi mười lăm ngày là tôi quay lại thôi mà.
Mai Thị bảo:
- Mong anh nhớ lấy lời.
Trần Thừa nói:
- Tôi có là vua là chúa gì mà quên lời cho được.
Hai người gạt nước mắt chia tay, kể bao tình lưu luyến. Nhà chỉ còn một đấu gạo, Mai mẫu thổi cơm nắm cho Trần Thừa mang đi ăn đường, còn hai mẹ con nấu cám với ngô non ăn trừ bữa.
Trần Thừa đi thấm thoắt đã được mươi ngày. Mai Thị tựa cửa trông chờ, cầu trời khấn phật cho người đi mỗi bước sông nước là mỗi bước may mắn. Mười lăm ngày rồi một tháng, hai tháng Trần Thừa không trở lại, hai mẹ con Mai Thị chỉ biết sùi sụt khóc thầm. Đến lúc năm tháng, Mai Thị không thể giấu cái bụng được nữa. Lý trưởng làng Bà Liệt sai trương tuần mang đinh tráng đến bắt Mai Thị ra đình cho làng phạt ăn khoán nhưng nhà Mai Thị không có thứ gì có thể bán đi để làng ăn. Lý trưởng bắt nọc Mai Thị ra giữa sân đình, đánh đến rách cả da thịt, truy hỏi xem kẻ nào là cha của cái thai để báo lên cho quan huyện Tây Chân bắt vạ. Mai Thị nhất quyết không khai. Mai mẫu thương con, đành điểm chỉ vào tờ văn tự bán mảnh đất đang ở lấy tiền nộp cho lý trưởng, hai mẹ con dắt díu nhau đi tha phương cầu thực.
Mai mẫu phần vì thương con, phần vì già yếu không chịu được đói rét. Một chiều đông mưa gió, hai mẹ con nhịn đã mấy ngày, Mai mẫu mệt lả trong quán chợ, thều thào dặn Mai Thị:
- Mẹ không sống được nữa, thế nào con cũng phải tìm cho được anh Thừa, xem ra có điều uẩn khúc gì đây. Mẹ quyết không tin anh ấy là người phụ bạc.
Mai mẫu nói xong, tắt thở. Mai Thị khóc đến khản cả tiếng, thân gái quê người không biết làm cách nào chôn cất cho mẹ. Mãi chiều hôm sau có người người đàn ông cầm cái tròng bắt lợn đi qua, thấy tình cảnh như vậy, bảo:
- Này nhà cô kia, có muốn tôi chôn cất mẹ cô không?
Mai thị vừa khóc vừa lạy người đàn ông:
- Con cắn rơm cắn cỏ lạy ông. Ông làm ơn làm phúc chôn cất cho mẹ con, con thề làm trâu làm ngựa đền ơn ông.
Gã hoạn lợn cười hề hề, nói:
- Tôi không cần cô làm trâu làm ngựa, chỉ cần cô làm vợ là được.
Mai thị nói:
- Trăm lạy ông, ngàn lạy ông, con là gái đã có chồng lại bụng mang dạ chửa, mong ông thương cho.
Gã hoạn lợn nói:
- Có chồng à? Sao không bảo cái thằng chồng cô nó chôn mẹ cho. Tôi cũng chỉ cần cô làm vợ một đêm là được... Bụng chửa à? Bụng chửa càng sướng chứ sao! Tôi vừa thiến mấy con lợn cho nhà cụ chánh có tiền đây. Nếu cô ưng lòng, tôi thuê người đào huyệt ngay, còn không cứ để mẹ cô nằm đấy đến có bọ ra cũng chẳng ai chôn đâu. Bây giờ đói kém, người chết đầy ra kia kìa.
Mai thị rùng mình ghê sợ nhưng quá thương mẹ, đành nhắm mắt nói:
- Vâng! Con xin vâng theo ý ông.
Ở nhà gã hoạn lợn ra, Mai Thị như người mất hồn, tuy không được học hành nhưng cô cũng hiểu chữ trinh đáng giá ngàn vàng, chỉ có thể dành cho người mình yêu. Vậy mà bây giờ chữ trinh ấy đã bị gã hoạn lợn bôi nhọ lên rồi. Tủi thân, cô đứng khóc bên bờ sông, mặc cho gió lạnh luồn qua manh áo rách bỡn cợt cái thân xác tả tơi khốn khổ của mình. Cô biết đi đâu về đâu giữa nơi đất khách. Trời cao đất dày nào có hiểu thấu nỗi thống khổ của cô, chỉ có dưới kia dòng sông đỏ quạch phù sa chảy cồn cào như khuyến khích cô về với nó. Mai Thị đã toan gửi thân vào dòng nước nhưng cô cảm thấy đứa bé trong bụng đang cựa quậy. Cô không có quyền cướp đi mạng sống của nó. Nó không chỉ thuộc riêng cô. Nó là con anh ấy. Cô chết đi nghĩa là cô giết hại nó, tội đó dẫu có xuống đến mười tám tầng địa ngục cũng không sao chuộc hết. Cô phải sống vì nó, vì anh ấy. Nghĩ vậy, Mai Thị thất thểu bước đi, bóng cô dật dờ giữa khoảng đồng không, dưới bầu trời đầy mây đen và gió lạnh. Đến một ngã ba đường, cô gục xuống bãi cỏ. Trong bóng tối huyền hoặc của trạng thái nửa mê nửa tỉnh, cô nghe tiếng ai đang hú hồn gọi cô về. Tiếng hú sao mà thê lương thảm thiết quá, nó như xiết vào không gian, hút trong từng cơn gió lạnh, làm cô thấy toàn thân nổi da gà, rùng mình mở mắt. Có tiếng người cười nói:
- A! Tỉnh rồi đây.
- Không chết được đâu. Hôm trước có mấy người cũng lả đi thế này, cho húp vài miếng cháo là tỉnh ngay thôi mà.
- Mấy người hẵng dãn ra một tí. Người đói lả thì có gì lạ mà cũng xúm lại xem, bỏ cái váy này ra được rồi đấy.
(Thời trước dân ta thường lấy chiếc váy cũ của bà già quạt cho người bị ngất để cấp cứu)
Người cứu Mai Thị là bà lão bán bánh đa nướng. Hôm ấy bà đi chợ về, thấy Mai Thị nằm bên vệ cỏ nhưng chưa chết, cái thai trong bụng có lẽ sắp đến ngày sinh. Bà liền nhờ người khiêng về nhà cứu chữa. Có người nói:
- Sinh dữ, tử lành. Bà mang người sắp đẻ về nhà làm gì?
Bà lão bảo:
- Ôi dào! Tôi ngần này tuổi đầu rồi còn sợ gì lành mới chả dữ. Phật dạy cứu một người phúc đẳng hà sa. Các bác cứ mang cô ấy về cho tôi. Lành dữ đâu tôi chịu.
Hôm sau, Mai Thị khoẻ hẳn, sợ làm phiền bà lão nên có ý muốn đi. Bà lão bảo:
- Nếu con không có nơi nào nương tựa, cứ ở đây với già. Đời già cũng nhiều cay đắng lắm. Bây giờ chỉ có một mình, có con bầu bạn cũng tốt. Mẹ con ta giúp nhau khi tắt lửa tối đèn.
Từ hôm ấy Mai Thị ở lại nhà bà lão, ngày ngày xay bột, tráng bánh cho bà mang đi chợ bán. Được hơn một tháng, Mai Thị sinh ra đứa con trai khôi ngô, khoẻ mạnh. Bà lão bán bánh đa bảo:
- Đặt tên là Bà Liệt để ngày sau nó biết lối mà tìm về quê.
Năm sau bà lão bán bánh đa ốm mất. Mai Thị nối nghiệp, vẫn làm bánh đa đem ra chợ bán nuôi con. Bánh đa Mai Thị làm ngon, lại dày dặn nên bán được giá mà đắt khách, vì thế sung túc dần lên. Một hôm Mai Thị ra chợ bán bánh, thấy Trần Thừa đang mặc cả mua tấm lưới, liền chạy lại ôm lấy Thừa, khóc nói:
- Ôi anh Thừa ơi! Thế là tôi đã tìm được anh. Con anh hai tuổi rồi đây.
Nói xong, Mai Thị chỉ đứa bé ngồi bên sọt bánh đa. Cô sung sướng trào nước mắt, nghĩ thế nào Thừa cũng chạy lại ôm con nhưng Trần Thừa nói:
- Ô! Cô này nói gì lạ vậy, tôi làm sao có con với cô được.
Nói xong Trần Thừa bỏ đi, mặc cho Mai Thị đứng khóc ngay giữa chợ. Có người biết nhà ông Trần Lý ở Lưu Gia, mách đường cho Mai Thị tìm đến nhưng Trần Thừa nhất định không nhận Bà Liệt là con mình. Ông Trần Lý không biết làm thế nào, đành cho đứa bé một số tiền, bảo mẹ con bế nhau về. Mai Thị không nhận tiền, nói:
- Anh Thừa đã có con với tôi, nay dù anh quên lời nói cũ mà không nhận con, tôi cũng không biết làm thế nào nhưng trước sau gì thằng bé này cũng vẫn là con của anh. Từ nay dù anh có đi đến đâu, tôi cũng mang nó đi theo. Tôi không cần anh nuôi nó, chỉ cần đừng để nó không có bố là được.
Sau này Trần Thừa lấy vợ họ Lê, có con, có công hộ giá được phong làm nội thị phán thủ, mang gia quyến lên kinh thành ở. Mai Thị cũng đem Bà Liệt lên thành Đại La, hai mẹ con vẫn sinh sống bằng nghề bán bánh đa. Bà Liệt càng lớn càng khoẻ mạnh, vạm vỡ, thường cùng bạn bè rủ nhau đi học võ, đánh vật, bắn cung môn nào cũng tỏ ra xuất sắc. Khi Trần Tự Khánh chết, Trần Thừa được phong làm phụ quốc thái uý, tiếng tăm lừng lẫy. Thừa cho tuyển trong dân những trai tráng có sức khoẻ, giỏi võ nghệ, lập một đội võ vật. Bà Liệt về nói với mẹ xin được đi tòng quân.
Mai Thị nói:
- Con muốn đầu quân, mẹ không giữ nhưng phải gắng sức lập công đừng để mang tiếng xấu cho cha đấy nhé.
Bà Liệt nói với viên hiệu uý, xin vào đội võ vật. Viên hiệu uý thấy Bà Liệt rất giống Trần Thừa, buột miệng hỏi:
- Nhà ngươi có họ hàng gì với quan thái uý hay không?
Bà Liệt nói:
- Thái uý là cha tôi.
Viên hiệu uý đem lời ấy về bẩm lại với Trần Thừa. Thừa bảo:
- Chỉ nói tào lao. Chẳng lẽ thằng Liễu nhà ta lại xin vào đội võ vật.
Viên hiệu uý bẩm:
- Bẩm thái uý! Không phải là công tử Liễu đâu ạ. Người này nói tên là Bà Liệt, quê ở Hải ấp lại rất giống thái uý nên hạ chức mới dám vào bẩm ạ.
Trần Thừa biết đích xác là con mình đã đến nhưng mẹ Bà Liệt chỉ là một hạ dân làm nghề quạt bánh đa hèn mọn nên quyết không nhận, nói:
- Sao ngươi nói lẩn thẩn mãi thế? Ta làm gì có con nào như vậy nhưng nó muốn vào đội thì cứ cho nó vào, cấm được nói năng quàng bậy, ăn đòn đấy.
Hôm sau, viên hiệu uý nói với Bà Liệt:
- Mẹ ngươi là người quạt bánh đa, sao ngươi là con của thái uý được.
Sau buổi tập hôm ấy, đám tân binh nhao nhao chế giễu Bà Liệt:
- Ê cái đồ thấy người sang bắt quàng làm họ kìa. Mẹ quạt bánh đa mà đòi là con thái uý.
- Anh em xem thằng nhận vơ xấu chưa kìa.
- Tớ cứ tưởng đằng ấy vào phủ thái uý ở rồi cơ đấy.
Bà Liệt tủi thân nhưng không dám nói gì, chỉ lủi thủi tìm chỗ ngồi một mình. Viên hiệu uý là người đã đứng tuổi, tính điềm đạm, có ý thương, hỏi:
- Ngươi nói là con thái uý, có gì làm bằng không?
Bà Liệt mới đem hết chuyện nhà tâm sự với viên hiệu uý. Viên hiệu uý hiểu rõ sự tình càng thương Bà Liệt, an ủi:
- Thôi cháu ạ! Ta chưa rõ chuyện của cháu thực giả đến đâu nhưng cuộc đời lắm nỗi éo le, không biết thế nào mà lường. Cháu cứ chịu khó tập tành, sau này có dịp lập công chẳng sợ gì không giàu sang phú quí.
Bị cha ruồng bỏ như vậy nhưng Bà Liệt vẫn giữ lòng trung trinh, gắng công rèn tập, võ nghệ làu thông, không hề tỏ ra một lời trách oán. Một hôm Trần Thừa dẫn lính đi săn trong rừng bỗng có một con hổ vằn xông ra định vồ. Con ngựa sợ hãi chồm lên, hất Trần Thừa xuống đất. Các tướng ai cũng hoảng cả lên. Bà Liệt cầm cây roi sắt tiến đến vụt con hổ một nhát thật mạnh, làm nó đau quá rống lên chạy biến vào rừng. Bà Liệt vội đỡ Trần Thừa dậy. Lúc về thành, Trần Thừa cũng chỉ thưởng cho Bà Liệt một chiếc áo. Hôm sau được nghỉ, Bà Liệt về khoe với mẹ. Mai Thị bảo:
- Con cứu được cha, thật không phụ công mẹ nuôi con bấy nay.
Đến khi Trần Thừa được tôn làm Thượng hoàng, càng ra sức luyện tập quân lính, chú trọng việc võ bị. Một hôm đội lính vật đá cầu. Bà Liệt mải tranh quả cầu với người trong đội, hai bên xô xát. Người kia khoẻ hơn, vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt suýt nghẹt thở (Theo ĐVsktt). Thượng hoàng Trần Thừa lúc ấy đang xem, quên mất phải giữ danh giá của đấng thượng hoàng chí tôn chí kính, ngài thét lên:
- Con ta đấy!
(Câu này lấy nguyên văn trong ĐVsktt)
Người lính vừa vật ngã Bà Liệt sợ hãi lạy tạ. Còn Bà Liệt đứng ngây ra. Trước đây bị hắt hủi ruồng bỏ, chưa bao giờ chàng khóc. Hôm nay nghe câu nói đó phát ra một cách tự nhiên từ miệng thượng hoàng, chàng thấy như tim mình thắt lại. Niềm sung sướng hạnh phúc tột đỉnh hoà với nỗi tủi cực ê chề làm những giọt nước mắt trào ra lăn dài trên hai gò má của chàng.
Ngay hôm sau, thượng hoàng sai mang kiệu, cùng với Bà Liệt đến đón Mai Thị vào cung để phong làm hoàng phi. Mai Thị nói:
- Tôi có bao giờ mong được làm hoàng phi đâu. Với tôi, ông cũng chả là thượng hoàng gì cả. Tôi phải lòng là phải lòng anh Trần Thừa đánh cá năm xưa. Trải bao năm tháng sóng gió dập vùi, tôi không còn trong sạch để thờ ông; đó là lỗi ở tôi. Tôi còn sống đến ngày hôm nay là mong có lúc trả lại đứa con của ông cho ông. Giờ ông đã nhận nó rồi, con tôi đã có cha rồi, tôi không còn gì phải ân hận nữa, cũng không mong muốn gì nữa. Tôi giao nó lại cho ông từ đây đấy.
Nói xong, Mai Thị bỏ vào nhà trong, lúc lâu cũng chẳng thấy ra. Trần Thừa cho thị nữ vào mời. Người thị nữ chạy ra kêu lên:
- Hoàng phi treo cổ tự vẫn rồi.
Bà Liệt thét lên:
- Mẹ ơi! Mẹ chết rồi, con sống làm gì nữa đây.
Nói xong, rút gươm ra tự sát.
Thế mới là:
Nhận cha chưa kịp vui sum họp
Mất mẹ đã mang hận chia lìa
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem tính mạng Bà Liệt ra sao.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro