Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 20: Trần Bình Trọng đẹp duyên cùng công chúa Thụy Bảo

Trên kia đang nói công chúa Thiên Thụy được tin Trần Khánh Dư đã chết, vô cùng đau đớn, nhảy xuống hồ tự vẫn. Bọn thị nữ theo hầu sợ hãi kêu ầm lên. Mấy chiếc thuyền đang bơi cùng xúm lại cứu, may vớt được nàng lên bờ. Các vương hầu công tử đang du chơi cũng đến an ủi, bọn thị nữ khóc nhễ nhại lúc lâu công chúa mới chịu về cung. Khi nhỏ, công chúa Thiên Thụy rất được thượng hoàng Trần Cảnh cưng chiều, ông cháu thường tỉ tê trò chuyện, công chúa nói những câu ngộ nghĩnh, thượng hoàng thích lắm. Lúc ấy được tin công chúa quyên sinh nhưng không chết, thượng hoàng bảo người hầu đưa đến thăm. Thiên Thụy ôm lấy ông, khóc nói:

- Thượng hoàng ơi! Chú Dư chết rồi, cháu cũng chẳng muốn sống nữa.

Thượng hoàng bảo:

- Chỉ nói nhảm thôi nào. Khánh Dư chưa chết đâu, chỉ có tháng tư sang năm ông chết.

Thiên Thụy cho là thượng hoàng nói đùa, nũng nịu nói:

- Ứ! Cháu không cho ông chết! Cháu không cho ông chết.

Tháng hai năm Bảo Phù thứ năm (Đinh Sửu-1277) tin từ phương Nam báo về, người nam ở động Nẫm Ba La làm loạn, Thánh Tông thân chinh mang quân đi đánh. Ngự sử trung tướng Trần Chu Phổ tâu:

- Phương Nam là nơi xa xôi, dân chúng ít được sự giáo hoá của triều đình, hoàng thượng đi chuyến này xin lấy ân trạch mà thu phục dân man để họ theo về, làm phên giậu cõi Nam, đó chính là cái phúc dài lâu của nhà Trần ta.

Nhà vua nói:

- Khanh nói rất phải, ta cũng chỉ mong có như vậy. Nhưng nơi ấy là miền tân thổ, dân man hung bạo nếu không đánh nhụt nhuệ khí của chúng đi, khó mà dẫn dụ được.

Thông thị đại phu Trần Phụng Công tâu:

- Thần nghe nói quân man chỉ dựa vào một viên tướng là Trương Xích Hoa, nếu dụ được người này, chúng ắt theo cả.

Nhà vua nói:

- Trương Xích Hoa sức khoẻ muôn người khó địch, nếu không có người tài đâu dễ dụ hắn. Các tướng ai dám lĩnh ấn tiên phong.

Thánh tông vừa nói xong, có một tướng đứng ở cuối võ ban bước ra nói:

- Thần tuy bất tài nhưng xin làm tiên phong. Quyết bắt sống Trương Xích Hoa dâng hoàng thượng.

Các quan nhìn ra, thấy tướng ấy tuổi còn trẻ, mặt mũi đẹp đẽ, đầu đội mũ bịt bạc, khôi giáp gọn ghẽ, phong thái đường hoàng như một vị thiên sứ. Trong đám các quan có người nói:

- Tiểu tướng này kiêu dũng chẳng kém gì Trần Khuê Kình ngày trước.

- Con trai Lê Đại tướng quân chứ ai.

- Đúng là hổ phụ sinh hổ tử chẳng có sai.

Thánh Tông cười, nói:

- Ta biết Bình Trọng tài giỏi hơn người nhưng chỉ e ngươi chưa phải là đối thủ của Trương Xích Hoa.

Bình Trọng tâu:

- Nếu không bắt được tướng giặc, thần xin chịu tội theo quân luật.

Nhà vua thấy Bình Trọng quyết chí như vậy mới chuẩn cho đi tiên phong, chọn ngày hoàng đạo xuất quân.

Bình Trọng là con trai Bảo Văn hầu Lê Tần và công chúa Chiêu Thánh nhà Lý, sinh ra đã khoẻ mạnh khôi ngô, lớn lên được cha truyền dạy võ nghệ, phàm các môn bắn cung cưỡi ngựa đánh giáo đi quyền không môn nào không xuất sắc. Mọi người đều gọi là Cương Thiết tiên đồng.

Lúc bấy giờ đang là mùa Xuân còn gió mùa Đông Bắc nên thuyền đi nhanh, không đầy mười ngày đã vào đến đất phương nam nhưng mưa gió dầm dề, quân nam dựa vào các hang động trên núi thủ thế không đánh. Bình Trọng nghĩ ra một kế, gọi Nguyễn Trình và Phạm Sĩ Viêm đến bàn:

- Trời mưa thế này quân man cố thủ trong động không ra, ta là tướng tiên phong mà không đánh được giặc, còn dám nhìn mặt hoàng thượng nữa ư? Ta đã có mẹo hay, các ngươi phải gắng sức giúp vào mới được.

Hai tướng Nguyễn, Phạm cùng nói:

- Chúng tôi xin nghe lời sai bảo của tướng quân, dẫu nát thịt tan xương nơi sa trường cũng không quản ngại.

- Tốt! Quân man đóng làm hai động, động trước là chính chống với quân ta, động sau tích chứa lương thảo. Nguyễn Trình mang ba trăm quân, giờ Dậu tối nay đốt cho nhiều đuốc tiến đánh. Quân man ra thì lui, khi chúng trở vào lại tiến. Phạm Sĩ Viêm đem năm trăm quân vòng qua con đường phía Bắc vào động sau đánh chiếm lương thảo của chúng nhưng không được đốt phá chỉ giữ lấy hang, không cho quân man có đường quay về là được.

Nói về Trương Xích Hoa suốt đêm phải chống nhau với quan binh, không ngủ được, gần sáng lại có tin động trong đã mất, lương thực hết cả, liền gọi các tướng đến bàn. Người nói phải quyết một trận tử chiến, người bảo nên bỏ động chạy sâu vào rừng, cũng có người nói nên hàng triều đình. Đang chưa biết theo ai, có quân do thám về báo quan quân chở rất nhiều lương thảo lên bờ đóng ở phía Bắc núi Mẫu Hầu. Trương Xích Hoa vỗ tay nói:

- Tốt rồi, tốt rồi. Phía Bắc núi Mẫu Hầu là nơi tận địa, trên là núi cao dưới là đầm lầy chỉ có một lối vào, chúng đem lương thảo đến đấy chẳng phải để biếu không cho ta ư. Bây giờ ta đem quân vượt qua núi Bạch Tượng chặn ngang đường của chúng. Khi nào thấy lửa cháy, khói bốc lên dưới núi, tù và thổi vang các ngươi tràn xuống cướp hết lúa gạo đưa về động, không còn lo gì thiếu lương thực nữa.

Trương Xích Hoa nói xong chia quân cho các tướng theo kế thi hành, còn mình đem quân vượt núi Bạch Tượng, đến trưa sang hết bên kia núi chặn ngang con đường độc đạo dẫn vào nơi chứa lương thảo của quân triều đình, cho quân đốt lửa, thổi tù và làm hiệu. Quân nam thấy có hiệu lệnh liền theo đường núi tràn xuống cướp xe lương. Lính triều đình bỏ chạy. Quân nam kẻ vác người bưng chuyển hết lương thực về động chính nhưng vừa về tới nơi đã thấy khắp trong ngoài động toàn là quan binh, lúc ấy mới biết bị lừa. Người nào người nấy rụng rời hết vía vứt cả gạo nước tìm đường tháo chạy. Bỗng một tiếng pháo nổ, cờ quạt gươm giáo dựng lên sáng khắp rừng. Quân nam hết đường đành quỳ xuống xin hàng cả. Nguyễn Trình ra lệnh thu hết binh khí nhưng không được giết hại ai.

Trương Xích Hoa đang hí hửng cho rằng diệu kế đã thành bỗng có tên tiểu tốt chạy về báo động chính đã bị cướp mất rồi, nam phụ lão ấu trăm nhà đều bị bắt cả, vội vã truyền lệnh rút đi. Bỗng trong rừng trống thúc liên hồi rồi quan binh đổ ra chặn mất đường về. Trương Xích Hoa xông lên trước, trông thấy một tướng cưỡi ngựa kim sa, tay cầm ngọn giáo tam lăng chặn mất đường, liền bảo:

- Tiểu tướng kia tên họ là chi? Mau tránh đường cho ta đi kẻo lại sơi một búa bây giờ.

Tướng kia cười lớn, nói:

- Ta là tiên phong Lê Bình Trọng đây. Nếu ngươi đánh với ta được mười hiệp thì ta tránh đường cho mà đi.

- Triều đình hết người rồi hay sao mà đem cái đồ nhãi ranh ra làm tiên phong. Cho mày nếm thử một búa này.

Nói xong, vung búa xông vào đánh Bình Trọng. Bình Trọng đưa giáo đón đỡ, mới được ba hiệp quay ngựa chạy. Trương Xích Hoa đuổi theo. Hai ngựa sát nhau, Xích Hoa giơ búa chém xuống. Bình Trọng nâng đốc thương gạt một nhát, cây búa văng ra. Xích Hoa chới với, vừa kịp định thần, mũi giáo của Bình Trọng đã tì vào cằm. Xích Hoa vội kêu lớn:

- Tướng quân tha mạng. Tôi xin theo hàng triều đình.

Bình Trọng nói với đám quân man:

- Chủ tướng các ngươi đã theo hàng, các ngươi chớ sợ. Ai muốn theo ta thì theo, ai không muốn hàng cũng về cả động, ta cấp cơm gạo cho rồi muốn đi đâu hẵng đi.

Quân nam thấy tướng triều đình là người có đức liền quỳ mọp xin theo cả. Bình Trọng liền cho đánh chiêng thu quân về thuyền, vừa lúc đoàn thuyền của nhà vua cũng tới. Bình Trọng đến yết kiến Thánh Tông, tâu trình mọi việc, dâng nộp hơn nghìn tù binh. Thánh Tông tươi cười phán:

- Bình Trọng còn trẻ mà đã tỏ ra là tướng chí nhân chí dũng chí mưu. Các tướng ai cũng như khanh, trẫm chỉ việc kê cao gối mà ngủ chứ còn lo gì.

Nhà vua nói xong liền truyền chỉ cho mở tiệc khao quân, hôm sau phủ dụ dân nam rồi rút quân về kinh thành, để lại toàn bộ lương thực cho dân chúng, chỉ đem một số tù binh về thưởng cho các vương hầu làm nô bộc còn tha hết. Trương Xích Hoa được theo Bình Trọng làm gia tướng. Từ đấy dân nam ở đất Nẫm Bà La yên định. Mấy hôm sau về đến Thăng Long, nhà vua thiết triều, phán:

- Việc bình man lần này công lao đều thuộc về tướng quân Lê Bình Trọng, trẫm không phải khó nhọc gì. Nay xét thấy họ Lê đã ba đời tận trung báo quốc, trẫm đặc cách ban cho Bình Trọng được mang quốc tính, kể từ hôm nay gọi là Trần Bình Trọng xem như người trong hoàng tộc, phong tước Bảo Nghĩa hầu, cho kết duyên cùng công chúa Thụy Bảo.

Công chúa Thụy Bảo là em cùng cha khác mẹ với công chúa Thiên Thụy, hai năm trước đã gả cho Uy Văn vương Trần Toại. Trần Toại thông minh có tiếng, thường làm thơ lấy bút danh là Sầm Lâu, khi còn ít tuổi đã cho ra đời Sầm Lâu tập được lưu hành, người thời bấy giờ rất ái mộ. Tuy vậy ông không có chí hướng làm quan, chỉ thích giao du sơn thuỷ, trong thơ từng viết:

Pha lạp ngũ hồ vinh bội ấn

Tang ma tế dã thắng phong hầu

Tức là:

Đội nón lá, khoác áo tơi dạo chơi năm hồ còn hơn giữ ấn làm quan

Mặc áo dâu gai dong duổi ngoài đồng nội còn hơn được phong hầu

Hoặc là:

Cổ lai hà vật bất thành thổ

Tử hậu duy thi khả thắng kim

Xin tạm dịch:

Muôn vật trước giờ ra đất cả

Duy chỉ có thơ mới hơn vàng

Có lần nhà vua hỏi ông hai chữ Quan gia. Ông đáp:

- Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) nên gọi là quan gia.

Vua khen kiến thức ông rộng (Đoạn này lấy nguyên văn trong ĐVsktt). Kết duyên cùng Thụy Bảo chưa đầy một năm thì Trần Toại mất. Thật đáng tiếc cho con người tài hoa mà bạc mệnh. Thụy Bảo mới mười sáu tuổi đã thành goá phụ nên nhà vua mới đem gả cho Bình Trọng, hẹn đến tháng năm làm lễ thành hôn.

Thượng hoàng Trần Cảnh nghe tin ấy, sai người đến nói với nhà vua: "Hãy cho Thụy Bảo cưới ngay đi, sang tháng tư ta chết". Hôm sau Thượng hoàng thấy con rết bò trên áo ngự, lấy tay phủi xuống, nghe đánh keng, hoá ra là cái đinh sắt, liền sai minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nội quan nghiệm xem điềm lành hay dữ. Mặc Lão tính toán một hồi, tâu:

- Thần thấy một chiếc hòm vuông, bốn mặt đều viết chữ nguyệt, trên hòm có cái kim và chiếc lược.

Thượng hoàng đoán:

- Cái đinh là năm Đinh, chiếc hòm là cái quan tài, bốn chữ nguyệt là tháng tư, cái kim là chui vào, chiếc lược là chữ sơ cũng đọc là xa tức là chia tay với các ngươi. Bây giờ là cuối tháng ba, cứ theo điềm này thì ta không còn sống được mấy ngày nữa.

Nói xong sai nội nhân gọi phường múa rối vào diễn. Phường múa rối có câu hát: "Mau đến ngày mùng một thay phiên". Thượng hoàng bảo:

- Thế này thì đúng ngày mùng một ta chết đây.

Quả nhiên đúng ngày mùng một tháng tư, thượng hoàng kêu nhức đầu đi nằm, chừng một canh giờ sau đòi ăn cháo. Nội nhân dâng cháo. Thượng hoàng ăn xong thì băng ở cung Vạn Thọ, hưởng dương sáu mươi tuổi.

Lúc ấy công chúa Thiều Dương (con gái thứ của thượng hoàng), vợ của Văn Hưng thượng vị hầu đang ở cữ, nghe tiếng chuông liên hồi, bảo:

- Có thể nào không phải là tin dữ chăng?

Người hầu nói dối là thượng hoàng đã bình phục nhưng công chúa không nghe, cứ vật vã khóc rồi mất. Người trong nước biết chuyện, ai cũng thương công chúa có hiếu.

Ngày mùng bốn tháng mười, táng thượng hoàng ở Chiêu Lăng, miếu hiệu là Thái Tông, tên thụy là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mậu Đức Hiền Hoà Hựu Thuận Thần Văn Thánh Võ Nguyên Hiếu hoàng đế.

Tháng ba năm sau công chúa Chiêu Thánh nhà Lý mất, thọ sáu mươi mốt tuổi. Thánh Tông hoàng đế đến viếng, cảm khái nói:

- Đúng là đời người như bóng ngựa qua song. Thái Tông và Chiêu Thánh là đôi bạn từ hồi thơ ấu thế mà nay cả hai đã ra người thiên cổ rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro