Chương 20: Chiêu Văn vương một mình đến sơn động Đà Giang (2)
Lại nói bọn Sài Thung về Nguyên, đi đến Ung châu, Thung nói với đoàn sứ của Trịnh Đình Toản:
- Ngày nay nhà Tống mới bị diệt trừ, dư đảng của chúng còn nhiều, sợ đi đường có điều sơ sảy. Các ngươi ở lại đây đợi lệnh, để ta về trước tâu với thiên tử đã.
Sài Thung nói xong liền về Đại Đô (Bắc Kinh) tâu trình kết quả đi sứ. Hốt Tất Liệt giận dữ đập án thét:
- Thế này ra bọn người Nam không coi ta ra gì. Ta muốn khởi binh chinh phạt An Nam.
Các quan ở khu mật viện đều can:
- An Nam tuy nhỏ nhưng không phải là nơi dễ đánh. Muốn bình định xứ ấy phải chuẩn bị chu đáo lắm mới được. Xin hoàng thượng đánh Phù Tang trước. Khi Phù Tang đã về ta thì Việt, Chiêm hai xứ ấy còn có gì đáng kể.
(Phù Tang: Nhật Bản. Quan niệm Trung Quốc cổ cho rằng ở phía biển Đông có cây dâu nổi)
Hốt Tất Liệt nghe theo kế ấy, bèn cử A Thích Hãn làm chánh tướng, Phạm Văn Hổ làm phó tướng đem mười vạn quân, hơn một nghìn thuyền chiến đi đánh Phù Tang. Lại lệnh cho các tướng đóng ở thuộc quốc Cao Ly đem năm vạn quân trợ giúp. Tháng tám năm ấy (1281) mười vạn quân Thát của A Thích Hãn và Phạm Văn Hổ đổ bộ lên đất Phù Tang, tiến vào Ngũ Long sơn, chưa gặp sự kháng cự của quân địa phương đã bị ngay một trận bão lớn, thuyền bè xô va vào nhau vỡ tan tành. Bọn tướng lĩnh tranh lấy thuyền còn tốt trốn về đất liền, bỏ mặc mười vạn quân trên đất Phù Tang bị người bản địa tiêu diệt hoàn toàn.
Trong khi cử quân đội đi đánh Phù Tang, Hốt Tất Liệt cho đưa sứ thần Đại Việt là Trịnh Đình Toản và Đỗ Quốc Kế đến Đại Đô quở trách nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua gì, liền nổi giận đùng đùng, sai đặt vạc dầu để luộc sứ An Nam. Trịnh Đình Toản cùng Đỗ Quốc Kế không hề sợ hãi, cởi tuột quần áo, nói:
- Chẳng mấy khi được vua Nguyên tắm cho chúng ta.
Hốt Tất Liệt càng bực tức, thét:
- Người Nam các ngươi là giống mọi rợ, chẳng lẽ không biết sợ chết ư?
Trịnh Đình Toản vẫn điềm nhiên nói:
- Chết là cái tai hoạ lớn nhất đối với con người, ai chả sợ nhưng sợ đến vong gia nhục quốc thì không.
Hốt Tất Liệt gầm lên:
- Đã thế ta cho quân đến san phẳng thành Đại La xem vua tôi nhà ngươi làm thế nào.
Đỗ Quốc Kế nói:
- Đất nước của kẻ ngoại thần này vốn nhỏ, không ưa chuyện chiến chinh nhưng nếu một khi thiên tử đem quân đến thì đâu dám trái ý mà không đưa người ra nghênh tiếp.
Hốt Tất Liệt quát:
- Vua tôi các ngươi dám đem một dúm quân châu chấu chống với đại binh thiên triều sao?
Quốc Kế nói:
- Chống lại thiên triều, người Việt chúng thần đâu dám nhưng vạn bất đắc dĩ thì việc năm Bảo Hựu diễn lại chưa biết thế nào. Chỉ tiếc những kẻ ngoại thần này không còn sống đến ngày ấy để xem mà thôi.
(Năm Bảo Hựu thứ sáu (Nhà Tống) - 1258, quân Nguyên thua to trên đất Đại Việt)
Hốt Tất Liệt đập án, nói:
- Được! Ta cho các ngươi sống đến ngày ấy mà xem.
Nói xong truyền cho cất vạc dầu đi, lại lệnh cho quần thần bàn việc đánh phương Nam. Các quan tâu rằng quân ta đang đánh Phù Tang chưa biết được thua thế nào, không nên chinh phạt phương Nam vội. Xin hoàng thượng hãy cử một đoàn sứ sang dụ, bắt bằng được vua An Nam sang chầu, nếu nhà Trần kháng chỉ thì sang năm ta chỉnh đốn lại binh mã rồi hẵng ra quân cũng chưa muộn. Hốt Tất Liệt nghe theo, liền bắt Trịnh Đình Toản ở lại còn Đỗ Quốc Kế cho về, cử một sứ bộ do Lương Tằng dẫn đầu sang Đại Việt.
Mùa Đông năm ấy bọn Lương Tằng sang đến Thăng Long đưa thư của vua Nguyên. Trong thư toàn những lời đe doạ và vẫn những yêu sách cũ, đòi vua Trần phải vào chầu, cống nộp người và vật phẩm quý. Có đoạn như sau: Nếu quả không thể tự thân tới được thì phải lấy vàng thay người, hai hạt trân châu thay mắt và lấy thêm hiền sĩ, phương sĩ, con trai, con gái, thợ nghề mỗi loại hai người để thay cho thổ dân. Nếu không, hãy tu sửa thành trì để đợi phán xét.
Vua Trần Nhân Tông họp triều thần bàn việc bang giao với nhà Nguyên. Thượng thư Nguyễn Hiền nói:
- Nhà Nguyên xưa nay vẫn ỷ thế nước lớn đòi dâng nộp cống phẩm và buông lời hăm doạ, thủ đoạn không có gì mới. Chi bằng ta cứ kệ họ rồi cử một đoàn sứ bộ sang chối cả đi là xong.
Quan đại phu Trần Phụng Công nói:
- Nhà Nguyên đòi ta dâng cống phẩm chỉ là cái cớ để gây sự, nếu ta không theo, ắt họ cất quân ngay.
Quần thần còn đang bàn bạc, có tin của Lê Khắc Phục và Đào Thế Quang cùng báo về: "Người Nguyên đang ráo riết tập trung quân ở vùng Kinh Hồ, mượn tiếng đi đánh Chiêm Thành nhưng thực ra là muốn xâm phạm nước ta".
(Kinh Hồ (Hồ Quảng):Gồm các tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông Trung Quốc - Theo ĐVsktt)
Thái phó trình quốc công Phạm Văn Tuấn nói:
- Nhà Nguyên ngày nay vừa đánh Phù Tang thất lợi, muốn đánh ta cũng chưa thể cất quân ngay được. Các đạo quân Kinh Hồ đều là quân tân phụ của nhà Tống cũ, muốn dùng được cũng phải ổn định mất vài năm. Xin hoàng thượng kíp cho luyện tập quân mã, đóng thêm thuyền chiến, phòng bị các cửa biển nghiêm ngặt, quân Nguyên há dễ làm gì ta nổi.
(Quân tân phụ: Quân mới được thu phục)
Trần Nhân Tông nghe theo liền viết biểu văn từ chối, sai Trần Di Ái (Trần Ải), Lê Mục, Lê Tuân sang sứ Nguyên. Bọn Trần Di Ái đến Đại Đô, vào chầu vua Nguyên, khúm núm quỳ lạy xưng thần và dâng biểu văn. Hốt Tất Liệt sai người đọc xong, đập án thét:
- Vua An Nam năm lần bảy lượt thoái thác chiếu mệnh, thật chẳng thể dung tha. Ta nay trước chém bọn Trần Di Ái, sau đem binh đánh An Nam, quyết bắt sống vua tôi họ Trần về trị tội mới nghe.
Trần Di Ái nghe vậy sợ hết hồn, lạy van rối rít xin tha mạng. Bỗng có một người bước ra tâu:
- Nay nước ta vừa mất hơn chục vạn quân ở Phù Tang mà bọn dân Tống cũng nổi lên khắp nơi. Xin thánh thượng hãy khoan dùng binh. Thần có một kế này, đất phương Nam dẫu không đánh cũng thuộc về ta. Vua tôi nhà Trần chỉ còn cách bó tay chịu trói mà thôi.
Thật là:
Quân ngoài biển rộng vừa chết nghỉm
Tướng trong cung cấm lại dâng mưu
Chưa biết người vừa nói là ai, mưu kế ra sao. Chương sau xin nói rõ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro