Chương 2: Đàm thái hậu hờn ghen muốn giết nàng dâu (1)
Hãy tạm gác chuyện thái tử Sảm. Xin lược lại việc Quách Bốc, Lê Khải làm loạn năm trước. Sau khi vua Cao Tông bỏ chạy, bọn Quách Bốc vào thành, thu nhặt thi hài cha con Phạm Bỉnh Di đưa vào bệ đá ở chỗ mát, lấy chiếu của vua để bọc thây, lấy xe của vua để chở xác, mang đi mai táng. (Theo ĐVsktt) Bỉnh Di tuy là kẻ ngu trung nhưng đối với dân cũng không tàn ác tham lam nên dân chúng trong thành thương xót, theo đi đưa đám đông chật mặt đường. Xong việc, bọn Quách Bốc, Lê Khải lập Lý Thầm (em ruột Cao Tông) lên làm vua. Bọn Đàm Dĩ Mông, Nguyễn Chích Lại đều ra nhận chức. Khi anh em Trần Tự Khánh hộ giá Cao Tông trở về, Lê Khải chết trận, Lý Thầm, Quách Bốc bị bắt.
Mấy hôm sau, vua Cao Tông thiết triều, các quan đều đến sụp lạy, Đàm Dĩ Mông cũng có trong đó. Đỗ Anh Triệt nhổ vào mặt Đàm Dĩ Mông mà mắng :
- Ngươi thân làm đại thần mà ôm lòng vô quân, nhận tước phong của giặc, nay lại đứng ngang hàng với ta. Ta tuy bất tài nhưng cũng không thể nhìn mặt ngươi.
Đàm Dĩ Mông vừa sợ vừa thẹn, lui ra ngoài.
Mùa xuân, tháng ba năm Trị Bình Long ứng thứ sáu (Canh Ngọ-1210), vua sai Thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng đem quân đến nhà Tô Trung Từ đón thái tử. Lúc ấy Tô Trung Từ nghe báo, vội ra xem, xe của Đỗ Quảng đã vào tới cổng. Ngay hôm sau thái tử theo Đỗ Quảng về Thăng Long, lưu Trần Thị Dung ở lại nhà họ Trần với mẹ và anh là Trần Thừa đang chịu tang cha.
Vua Cao Tông từ khi đi chạy nạn Quách Bốc, ở nơi lam sơn chướng khí nên mắc bệnh kiết lị, thường đi ngoài ra nhiều máu tươi. Quan thái y bốc thuốc, bệnh đã gần khỏi nhưng nhà vua quá ham mê tình ái vì vậy bệnh phát nặng, năm ấy mới ba mươi tám tuổi mà thân hình suy kiệt như người ngoại lục tuần. Mùa đông, tháng mười vua mệt lắm, truyền gọi Đỗ Kính Tu vào cung. Vua cầm tay Đỗ Kính Tu, nói:
- Ta xem trong mình không còn bao hơi sức, chắc không sống được mấy ngày nữa. Những lời khanh nói trước đây, ngẫm kĩ thật chẳng sai câu nào. Tiếc rằng ta đã không coi làm trọng; rường mối bại hoại cả. Nay ta sắp về cõi Phật. Thái tử hãy còn trẻ tuổi, chưa trải việc đời, mong ngươi hết lòng giúp rập, may ra khôi phục được triều chính thì ta ở nơi chín suối cũng ngậm cười.
Đỗ Kính Tu khóc lạy, nhận lời kí thác. Ngày hai mươi tám tháng mười, vua băng tại cung Thánh Thọ, ở ngôi ba mươi nhăm năm, hưởng thọ ba mươi tám tuổi, táng ở Thọ lăng.
Thái tử Lý Sảm lên ngôi, mới mười sáu tuổi, tôn mẹ là Đàm Thị làm Hoàng thái hậu, cùng dự việc triều chính, sai sứ sang cáo phó với nhà Tống. Nhà Tống cử sứ giả sang viếng tang.
Mùa xuân, tháng giêng năm Tân Mùi (1211), đổi niên hiệu là Kiến Gia năm thứ nhất. Sang tháng hai vua sai quan phụng ngự là Phạm Bố đi đón Trần Thị Dung vào cung, phong làm nguyên phi, phong cho Thuận Lưu bá Trần Tự Khánh tước Chương Thành hầu, phong điện tiền chỉ huy sứ Tô Trung Từ làm thái uý phụ chính. Lúc bấy giờ dân tình đói khổ đã lâu, giặc cướp hoành hành, không ngăn cấm được. Vua lại dùng Đàm Dĩ Mông làm thái uý, giao cho giữ việc nước. Đàm Dĩ Mông là kẻ ít học không có mưu lược, chỉ chuyên về xảo thuật và kĩ nghệ, mà tham lam nhu nhược, chẳng dám quyết đoán việc gì nên chính sự ngày thêm đổ nát.
Trần Thị Dung từ khi vào cung được phong làm nguyên phi nhưng trong lòng buồn bực ủ rũ, vì trước kia đã cùng Thủ Độ sớm bước vào đường tình ái nên rất tinh tường trong chuyện gối chăn, được nhà vua vừa lòng lắm. Có điều Huệ Tông không khoẻ mạnh như Thủ Độ, do vậy chỉ khi nào Trần Thủ Độ lén lút vào thăm mới tươi tỉnh lên được. Đàm thái hậu biết chuyện, nói với Huệ Tông. Nhà vua bảo:
- Chị em thăm nhau có gì là lạ.
Đàm thái hậu nói:
- Ai gia chỉ sợ có chuyện nàng Văn Khương nước Tề ngày trước mà thôi.
(Nàng Văn Khương khi còn ở nước Tề thường tư thông với anh trai mình là thế tử Chư Nhi, sau được gả cho vua nước Lỗ. Đến khi Chư Nhi làm vua nước Tề, thường tìm cách cho Văn Khương về nước để anh em được ân ái với nhau)
Việc này có người nói lại với nguyên phi, thành ra mẹ chồng nàng dâu sinh nhiều điều xích mích. Lại thêm anh em họ Trần ngày càng được tin dùng, mà người họ Đàm bị khinh bạc, khiến Hoàng thái hậu càng ghét Trần nguyên phi nhiều lắm, thường mắng nhiếc nguyên phi là con gã thuyền chài, xuất thân hèn hạ. Vào dịp tết nguyên đán năm Kiến Gia thứ ba (Quý Dậu-1213), thái hậu cho đủ tam cung lục viện treo đèn kết hoa nhưng không cấp cho cung nguyên phi. Nhà vua thấy vậy hỏi, thái hậu bảo:
- Con nhà thuyền chài thì cần gì phải trưng bày cho lắm.
Nhân việc ấy, Trần Thủ Độ nói với Trần Tự Khánh:
- Nhà Lý nhờ họ Trần ta mà giữ được giang sơn, nay lại khinh thường chúng ta quá vậy.
Trần Tự Khánh bảo:
- Đã thế, ta vào cung đón nguyên phi rồi bỏ quan, cùng về quê tất triều đình thành cái thuyền không lái xem sao.
Trần Thủ Độ nói:
- Xin anh chớ làm như vậy, việc nước sẽ hỏng hết, mà công lao nhà ta vất vả bấy nay cũng thành ra uổng phí cả. Thái hậu tuy ghét chúng ta nhưng thế chưa thể làm gì được. Tốt nhất ta nên tạm nhẫn nhịn thì hơn. Khi đại bàng đủ lông đủ cánh, lo gì không bay vút lên chín tầng mây.
Trần Tự Khánh bảo:
- Chú nói rất phải nhưng để cho nguyên phi khổ sở với thái hậu thì ta chẳng cam lòng.
Trần Thủ Độ nói:
- Việc đó em chẳng đau lòng bằng anh sao? Hay là ngày mai em mở cửa cung. Anh dẫn quân vào, vờ đón nguyên phi đi, may ra vì thế nhà vua phải ra mặt bênh vực, thái hậu mới nhụt bớt đi được.
Sớm hôm sau, Trần Tự Khánh đem quân xông vào cửa cung, nói là đón xa giá nhà vua. Lính canh ngăn lại, hai bên xô xát kịch liệt. Nhà vua phải cùng thái hậu và nguyên phi lánh ra ngoài, hiệu triệu quân các lộ đến hộ giá và đi bắt Tự Khánh. Thái hậu nói:
- Việc đến nước này mà hoàng nhi còn muốn dựa vào họ Trần mãi ư? Sao không mau cách chức anh em nhà nó đi cho rồi.
Nhà vua cực chẳng đã, xuống chiếu giáng nguyên phi làm ngự nữ. Mùa xuân năm sau, quân các lộ đóng trại bên bờ Nhị Hà. Quân Trần Tự Khánh đóng trên bến Triều Đông (Triều Đông: Bến sông ở phía Đông thành Thăng Long, giáp với Nhị hà (ĐVsktt). Trần Tự Khánh nói với các tướng:
- Ta thật chẳng có ý làm nhọc sức nhà vua, chỉ vì thái hậu làm khổ nguyên phi quá nên mới bất đắc dĩ phạm vào cửa khuyết, ngờ đâu sự thể lại đến nỗi này. Các ngươi coi giữ doanh trại, để ta sang tạ tội với hoàng thượng.
Tự Khánh nói xong, một mình, một ngựa, không mang binh khí, không mặc áo giáp, tiến thẳng vào quân doanh của nhà vua. Hai tướng Đinh Khả và Bùi Đô nghe báo, tưởng Trần Tự Khánh có mưu kế gì, vội cho thúc trống báo động liên hồi. Quân sĩ bất ngờ, hoảng loạn, xô va vào nhau mà tự tan vỡ. Nhà vua hốt hoảng, cùng thái hậu và ngự nữ chạy ngược về Trĩ sơn ở châu Lạng.
Trần Tự Khánh thấy tình hình thay đổi theo hướng bất ngờ như vậy, bứt tóc giậm chân, than rằng:
- Không ngờ ta ngày càng đắc tội thế này. Xa giá long đong mãi mà ngự nữ ngày càng thêm khổ.
Nói xong, Tự Khánh một mặt phái sứ giả đến nói với nhà vua thiện ý của mình và xin đón xa giá về cung, mặt khác cho quân nhổ trại, ngày đêm hành quân để theo cho kịp nhà vua. Huệ Tông thấy thế lại càng nghi ngờ, vội đem thái hậu và ngự nữ chạy sang huyện Binh Hợp. Mùa hè năm ấy Tự Khánh đang đem quân kíp theo nhà vua, đi đến cánh đồng thuộc châu Đại Hoàng (Đại Hoàng: Nay thuộc huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình (ĐVsktt).), trời vừa tối, liền cho quân dừng lại nấu ăn, cắm trại nghỉ qua đêm. Canh ba bỗng thấy lửa sáng rực trời, tiếng trống, tù và vang lên inh ỏi, quân bốn mặt không biết từ đâu đến, tràn vào trại. Trần Tự Khánh vội vã lên ngựa ra xem, quân sĩ đã hoảng loạn cả lên. Trong ánh lửa, Tự Khánh huơ ngọn giáo nói to với quân sĩ:
- Các ngươi chớ sợ. Hãy ra xem ta giết giặc đây.
Nói xong, Tự Khánh xông ra cửa trại. Vừa lúc một tướng bên kia cưỡi ngựa lướt tới. Tự Khánh chẳng nói chẳng rằng, đâm một giáo. Tướng kia ngã lăn xuống đất. Đám quân theo sau tướng ấy cũng bị Tự Khánh đánh dạt ra. Quân sĩ của Tự Khánh thấy vậy, nhất tề xông lên đánh lui quân giặc. Khi trời sáng mới biết viên tướng bị Tự Khánh giết lúc đêm chẳng phải ai xa lạ mà chính là Bùi Đô. Hoá ra Huệ Tông trên đường bỏ chạy, dặn Đinh Khả và Bùi Đô đem quân ngăn Tự Khánh. Hai tướng vâng mệnh, phục quân nhằm tiêu diệt cánh quân của Khánh, chẳng ngờ Tự Khánh quá kiêu dũng nên Bùi Đô bị giết, còn Đinh Khả quân sĩ tan tác, vội vã rút đi. Tự Khánh lệnh cho lính nhổ trại, hành quân. Tướng Vương Lê can:
- Quân kia tuy đã chạy nhưng Đinh Khả là tay vũ dũng, quân lính vẫn còn đông. Tôi nghĩ thế nào chúng cũng quay lại. Nếu chúng ta đang đi mà bị chặn đánh thì nguy lắm. Chi bằng tướng quân cho một nửa quân sĩ nhằm các bụi rậm mai phục, một nửa nấu cơm phân phát cho mọi người. Quân kia quay lại, ta đổ phục binh ra đánh, chắc thế nào cũng được.
Tự Khánh nghe theo kế ấy, cho Vương Lê và Nguyễn Chi mang quân đi mai phục, lại dặn khi nào thấy lá cờ đỏ ở giữa trại hạ xuống thì đổ quân ra mà đánh, còn mình tự đốc thúc quân lính canh phòng, giữ trại. Quả nhiên đến gần trưa thấy một đạo quân kéo đến. Tướng đi đầu chính là Đinh Khả. Theo sau là bọn Đỗ Kì Hưng, Đàm Bính, Đinh Lâm, ào ạt kéo tới. Trần Tự Khánh đem quân ra ngoài trại bày trận, đợi Đinh Khả tới. Tự Khánh cầm ngược ngọn giáo, cúi đầu chào, nói:
- Tôi thật có lòng phò tá hoàng thượng mà bị nghi oan, nay đem quân đến đây cũng chỉ muốn cùng tướng quân đón xa giá về triều để xã tắc yên định mà thôi. Xin tướng quân hợp binh cùng tôi đi đón nhà vua cho trăm họ được nhờ.
Đinh Khả cầm cái dùi sắt chỉ vào mặt Tự Khánh, mắng:
- Thằng thuyền chài kia, sao dám nói những điều càn rỡ như vậy. Các ngươi ai ra bắt nó cho ta.
Đàm Bính, cháu Đàm thái hậu, vốn ghét anh em họ Trần, múa cây đại đao xông vào. Tự Khánh đưa ngọn giáo đón đỡ. Hai tướng đang đánh nhau quyết liệt. Bỗng thấy phía sau quân của Tự Khánh bỏ hàng ngũ rút dần về trại. Tự Khánh cũng vừa đánh vừa lui vào trong, sai quân đóng chặt cửa trại lại. Lúc ấy đang là tháng năm, trời nắng như lửa cháy. Quân của Tự Khánh ở trong trại râm mát no đủ. Quân của Đinh Khả ở ngoài trời phơi nắng mệt mỏi. Cuối giờ Ngọ là lúc ánh nắng gay gắt nhất. Quân Đinh Khả nhiều người tản đi tìm nước uống. Tự Khánh ra lệnh hạ cây cờ đỏ ở giữa trại xuống. Đinh Khả bảo các tướng:
- Bọn này chắc muốn tháo chạy đây. Các ngươi bắt sống Trần Tự Khánh cho ta.
Nói rồi Khả cứ việc thúc quân đánh trại, không để ý đến xung quanh. Đàm Bính thấy Tự Khánh không hơn gì mình, hung hăng xông vào cửa trại. Vừa lúc Tự Khánh kéo ra, quát to lên rằng:
- Chúng bay không biết mắc mưu ta hay sao? Sắp về chầu ông bà, ông vải cả mà còn hí hửng thế ư ?
Đinh Khả ngớ người ra, đã thấy quân phục của Tự Khánh rầm rập kéo đến. Đàm Bính luống cuống, bị Tự Khánh đâm một giáo, ngã ngựa, chết. Vương Lê, Nguyễn Chi xua quân xông vào chém giết quân Khả ngổn ngang đầy đồng. Đinh Lâm thấy Nguyễn Chi là tay lợi hại, mới bắn một phát tên, trúng ngay giữa ngực, Nguyễn Chi ngã nhào xuống ngựa, quân sĩ vội đến cứu về trại. Đỗ Kì Hưng đánh nhau với Vương Lê, bị Lê vụt một roi, vỡ đầu chết. Đinh Lâm Thu nhặt tàn quân bảo vệ Đinh Khả chạy trốn.
Tự Khánh thu quân về trại mới biết Nguyễn Chi bị thương, vội vã vào thăm. Nguyễn Chi nói với Tự Khánh:
- Tôi không thể theo hầu tướng quân được nữa, có lời này xin tướng quân minh xét. Tướng quân cứ theo xa giá mãi; nhà vua lại càng nghi, chi bằng rút quân về Triều Đông, giao kết với các tướng lĩnh quanh vùng để làm phên giậu, rồi sai sứ mang biểu đến tâu với nhà vua thì việc mới có thể xong được.
Đêm ấy, Nguyễn Chi vì vết thương quá nặng, máu ra nhiều, chết trong trại, mới có hai mươi sáu tuổi. Tự Khánh thương Chi là người trẻ tuổi mà anh dũng, khóc mãi không thôi. Hôm sau tự Khánh theo kế của Nguyễn Chi, đem quân về đóng bên bờ Nhị Hà, cho người đến giao kết với tướng quân Lê Mịch ở Yên Duyên và tướng lĩnh các vùng lân cận, một mặt viết biểu sai người đến chỗ Huệ Tông, kể rõ sự tình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro