Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 19: Nịnh Quan trên, Hà Phương chịu cắm sừng

Đang nói chuyện Khánh Dư vì sợ mất công chúa Thiên Thụy, định dâng bản tấu không đi tuần biển, có gia thần là Hiếu Ngân đến xin hiến kế. Khánh Dư mừng lắm bảo:

- Ngươi nói rõ mưu kế ta nghe.

Hiếu Ngân nói:

- Đi tuần biển là việc hệ trọng của quốc gia. Hoàng thượng giao cho tướng quân là người rất đề cao ngài. Đó là cơ hội lập công danh, nếu tướng quân không nhận không những làm cho hoàng thượng thất vọng mà còn bỏ mất trách nhiệm của người làm tướng, sao gọi là quân tử. Vả lại tướng quân đã cáo ốm, đâu còn đi gặp công chúa được nữa, có phải hai việc đều nhỡ nhàng không?

- Vậy làm sao bây giờ?

- Hôn lễ của công chúa mãi mùa Đông mới tiến hành, còn năm sáu tháng nữa. Tướng quân đi tuần biển nhanh thì mất ba tháng, chậm cũng chỉ ba tháng rưỡi, bốn tháng là cùng. Lúc bấy giờ về thế nào hoàng thượng chả ban khen, tướng quân nhân đấy tìm công chúa mà tỏ bày tấc dạ, việc sao không thành. Như thế chẳng phải đôi đường lưỡng lợi ư?

- Ta e ít thời gian quá, sợ khó xoay chuyển được tình thế.

Hiếu Ngân cười, nói:

- Tướng quân không nhớ chuyện Hưng Đạo vương với công chúa Thiên Thành khi xưa hay sao. Chỉ trong có một đêm mà Hưng Đạo vương giành lại được người mình yêu. Tướng quân và công chúa Thiên Thụy đã nặng tình như thế còn lo gì nữa. Vả lại đi chuyến này kiểm tra các cửa biển, quan sở tại những nơi ấy thường buôn bán với người nước ngoài rất giàu có, nhiều san hô ngọc trai, hổ phách và bao nhiêu của quý khác, thấy người của triều đình đến sao không mang ra biếu.

Khánh Dư như tỉnh ra, bảo:

- Ừ nhỉ!

Nói rồi vào triều lĩnh binh đi thừa hành công vụ, mang Hiếu Ngân theo làm mưu sĩ.

Trần Khánh Dư vốn có tài quân sự nên chưa đầy ba tháng đã tuần du khắp các vùng cửa biển, cho củng cố lại những nơi bố phòng còn lỏng lẻo, lại dặn tướng sĩ phải canh giữ nghiêm mật không để kẻ gian ngoại bang vào do thám. Quan lại các nơi ấy muốn lấy lòng Khánh Dư, mang vàng bạc châu ngọc đến biếu rất nhiều đúng như lời dự đoán của Hiếu Ngân nhưng Khánh Dư lòng tham không đáy bắt phải tìm nhiều san hô, mã não, ngọc trai để mang về kinh thành. Dân chúng phải kiếm tìm cực khổ oán giận lắm, về sau nhiều người làm sớ dâng lên triều đình kể tội Khánh Dư tham lam. Tháng tám đến châu Vĩnh Yên (Thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Tên châu Vĩnh Yên có từ thời Lý - Theo Phương Đình dư địa chí), bấy giờ thương khách các nước Qua Oa, Lộc Lạc, Tiêm La và xứ Bắc đến buôn bán ở Vân Đồn đông lắm. Quan tri châu Vĩnh Yên đánh thuế rất nặng các mặt hàng ngoại nhập. Những thứ như xe, rượu ngoại, thuốc Bắc, tơ lụa và nhiều thứ khác tiền thuế nhiều hơn tiền mua. Một chiếc xe đơn mã nhập vào chỉ hết tám quan tiền tỉnh bách nhưng phải nộp thuế tới mười quan tiền thượng cung. Khách buôn phải bán ra với giá trên hai mươi quan tỉnh bách mới có lãi. Một chai rượu hồng mao hay Khổng Phủ nhập vào hai đồng phải đóng thuế hai đồng sáu, vị chi là bốn đồng sáu cộng thêm công vận chuyển, khi đến tay người tiêu dùng lên đến sáu bảy đồng, đại loại là như vậy. Khách buôn không chịu được, tìm trăm phương ngàn kế trốn thuế hoặc đút lót cho bọn lính hải khẩu để đi thoát hàng lậu. Nhiều khách buôn cất cả hàng cũ đến bán. Quan tri châu ra lệnh những hàng chất lượng còn được tám phần thì cho nhập, dưới tám phần tịch thu huỷ bỏ. Bọn lính hải khẩu và lính kiểm hàng nhân đấy bắt chẹt khách buôn, nộp tiền cho chúng hàng có xấu đến đâu cũng đánh cho trên tám phần. Ai không chịu, dù hàng còn tốt như mới chúng vẫn đánh giá chỉ có bảy phần chín trở xuống, thế là phải tịch thu, mất cả vốn lẫn lời. Vì thế bọn lính hải khẩu và kiểm hàng làm giàu nhanh chóng không biết chừng nào, xây nhà cao cửa rộng toà ngang dãy dọc, chiều chiều rủ nhau lũ lượt đến các tửu điếm, kỹ viện thượng hạng để hưởng niềm hoan lạc Bồng Lai nơi trần thế hoặc túm tụm đánh bạc thâu đêm suốt sáng. Khách buôn ai có ý kêu ca hoặc nói năng sơ hở là bị chúng chụp luôn cho cái mũ coi thường pháp luật, gian lận thương mại, hoặc một tội danh rất cha vơ chú váo nào đó. Lúc ấy trời có muốn cứu cũng đành bó tay. Nếu chỉ riêng có thế thì thói quan vơ lính vét cũng là chuyện dễ hiểu, lính hải khẩu còn móc nối với bọn lưu manh vô lại trong chợ và các cảng thuyền, nửa ăn trộm, nửa ăn cướp của khách hàng, rồi tệ cò mồi gây bao điều phiền phức khiến khách buôn đứng đắn tử tế nhiều người ngán ngẩm, làm ăn thua lỗ phải bỏ nghề. Chỉ còn hạng anh chị biết móc nối chặt chẽ với lính hải khẩu để đi hàng lậu mới sống được.

Khánh Dư thấy dân tình làm ăn tấp nập, mức thuế đóng cao mà sổ thuế dâng lên triều đình chẳng đáng bao nhiêu, mới hỏi quan tri châu làm sao lại như vậy. Quan tri châu nói:

- Dân ở đây từ cổ đến giờ rất khó kiềm toả. Họ toàn buôn bán trốn chui trốn lủi không sao thu được thuế. Họ sống dưới thuyền là chính chứ có nhà cửa như người trên cạn đâu mà tróc nã được.

Khánh Dư cười gằn bảo:

- Ông ngu lắm! Đánh thuế cao thế này thì cướp của người ta không bằng, họ không trốn mới là lạ. Ông tưởng làm thế mà thu được nhiều tiền à? Tôi tính thử thế này, ông đánh mười đồng cho một người buôn thì một trăm người chỉ có mười người đóng thuế còn chín mươi người trốn. Vị chi ông thu được một trăm đồng. Nếu ông đánh có hai đồng thôi, ai người ta dại gì chả đóng thuế để bán hàng công khai cho nó được giá, vị chi ông thu được hai trăm đồng, như thế có phải gấp đôi không, mà vẫn được tiếng là nhẹ thuế. Giá hàng giảm xuống đỡ khổ cho người tiêu dùng. Ông thu được nhiều tiền. Người buôn dễ chịu, họ không lẩn lủi buôn lậu nữa. Quan binh đỡ phải nhọc sức lùng bắt, dồn tâm trí vào việc canh phòng giặc cướp chẳng lợi hơn ư?

Quan tri châu bị mắng không dám ngẩng mặt lên, khấu đầu nói:

- Dạ! Dạ! Đại quan dạy rất phải.

Lúc sau Hiếu Ngân nói riêng với Khánh Dư:

- Tướng quân thật thà quá. Làm như tướng quân quan binh còn ăn vào chỗ nào. Người ta muốn cho có nhiều người buôn lậu trốn thuế để còn săn bắt. Tên nào bị bắt tất phải cởi hầu bao xì tiền ra mà hối lộ quan binh mới có thu nhập. Quan tri châu mới có phần quà biếu chứ. Vụ nào bị phanh phui lanh tanh bành ra rồi không thể giấu giếm được nữa mới bắt thật, báo cáo lên trên lấy công chống gian thương. Ai cũng làm việc ngay thẳng như tướng quân cả thì làm sao mỗi chân lính hải khẩu phải mua đến một trăm hai mươi quan tiền?

Khánh Dư bặm môi bảo:

- Thế ư? Bọn này ăn lộc vua mà chẳng chịu nghĩ gì cho dân cho nước.

- Ở đây mà nói đến dân đến nước người ta cho là bị thần kinh đấy tướng quân ạ. Phải nghe trong hầu bao xủng xoảng thật nhiều tiền đồng mới là khôn ngoan.

Khánh Dư tức quá chém tay vào không khí, quát:

- Rõ thật là quá nhiều kẻ lưu manh vô sỉ. Ngươi mang lính bắt hết những tên đó về đây.

Hiếu Ngân gãi đầu, nói:

- Nhưng thưa tướng quân! Xưa nay lưu manh làm quan, quan là lưu manh nhiều không kể xiết, bắt thế nào hết được đây?

Lại nói Hà Phương được Trần Khánh Dư và Đỗ Khắc Chung giúp cho, không những thoát tội chết mà còn được làm quan huyện Đông Triều, cảm ơn lắm, vội mang vợ con đi nhậm chức. Đông Triều bấy giờ là một huyện thuộc phủ Kinh Môn (Theo Phương Đình dư địa chí), núi non trùng điệp, rừng già âm u xen lẫn với sông nước chằng chịt, dân tình không thuần phác lại thường có bọn lục lâm thảo khấu và thuỷ tặc tụ tập chẹn đường chắn sông cướp bóc đánh giết các thuyền buôn. Huyện quan nhiều lần phải thân cầm quân đi tiễu trừ rất vất vả mà vẫn chưa yên. Nhân biết có Trần Khánh Dư đi tuần biển về qua, Hà Phương ra tận bến sông đón mời lên phủ huyện nghỉ ngơi và nhờ Khánh Dư xin cho mình đổi về huyện Trường Tân. Trong bữa tiệc, Hà Phương gọi vợ bé là Bùi Thị ra chào khách. Khánh Dư bản tính hiếu sắc, thấy Bùi Thị còn trẻ lại xinh đẹp, vừa ý lắm mới cầm tay nàng kéo xuống ngồi cạnh mình, ép uống rượu. Hà Phương thấy vậy cũng không dám nói sao. Bùi Thị cố giãy ra không uống. Khánh Dư phật ý bỏ đứng dậy đi ra, nói:

- Các ngươi coi thường ta cũng không sao.

Nói xong cười nhạt bỏ về thuyền, định nhổ neo đi ngay. Hiếu Ngân bảo:

- Tướng quân quả thích Bùi Thị thì đừng đi vội. Tôi chắc chiều nay Hà Phương thế nào cũng mang vợ tới mời tướng quân.

Khánh Dư hỏi:

- Sao ngươi biết?

- Nói trước không hay. Tướng quân cứ ở lại đây đến sáng mai, nếu không đúng như lời, tôi xin chịu tội.

Khánh Dư nghe lời, cho thuyền đỗ lại. Quả nhiên buổi chiều thấy vợ chồng quan huyện Hà Phương đi kiệu đến. Hà Phương xin lỗi về việc vợ mình đã thất lễ với quan trên. Khánh Dư vẫn còn làm ra vẻ mặt giận. Hà Phương nói:

- Hôm nay xin để nàng lại đây đại nhân sai bảo, mong đại nhân chiếu cố.

Nói xong, để vợ ở lại, lủi thủi ra về. Đêm ấy Khánh Dư ái ân với Bùi Thị. Trong khi làm chuyện mây mưa, Khánh Dư hỏi:

- Ta so với Hà Phương thế nào?

Bùi Thị thưa:

- Phu quân thiếp là bạch diện thư sinh yếu ớt sao so được với quan lớn là một hổ tướng. Đời thiếp được một lần hầu hạ tướng quân thật là diễm phúc.

Khánh Dư cười ha hả bảo:

- Biết ăn nói lắm! Biết ăn nói lắm. Nếu nàng ưng lòng thì ta đưa về kinh thành, như thế sẽ luôn được ở gần ta.

- Tướng quân đã có lòng thương thì còn gì thiếp không ưng.

Hôm sau Khánh Dư nói với Hiếu Ngân. Hiếu Ngân xua tay nói:

- Không nên! Không nên! Nơi kinh thành thiếu gì gái đẹp. Tướng quân định ăn đời ở kiếp với ả này hay sao. Vả lại mang ả về vừa chịu tiếng là ép người đoạt vợ vừa phải nuôi thêm một miệng ăn mà sau này chắc gì đã dùng đến nữa. Tốt nhất tướng quân cứ cắm thuyền lại đây chơi mấy ngày, bao giờ chán mang trả lại cho vợ chồng họ đoàn tụ với nhau. Khi nào buồn buồn có thể quay lại đây mượn chơi, như vậy có đỡ rắc rối không?

Khánh Dư nghe theo, dừng thuyền mấy ngày, cho quân lính chơi bời ăn uống, còn mình hú hí với Bùi Thị. Mấy hôm sau no xôi chán chè, Khánh Dư bảo Bùi Thị:

- Hôm nay ta phải về kinh thành, nàng hãy ở lại đây với huyện quan. Có dịp thuận lợi ta lại về thăm nàng.

Bùi Thị chẳng biết làm sao, đôi hàng lệ nhỏ, chào từ biệt bước lên bờ. Khánh Dư sai Hiếu Ngân cùng mấy anh lính tốt đưa Bùi Thị về phủ huyện, lại dặn Hiếu Ngân bảo Hà Phương cứ yên lòng, việc đổi về Trường Tân không có gì khó cả. Giữa tháng chín, Khánh Dư về tới kinh thành Thăng Long, vào triều tấu trình công việc. Nhà vua khen Khánh Dư là người chu đáo. Khánh Dư nhân đấy xin cho Hà Phương được đổi về huyện Trường Tân. Nhà vua cũng chuẩn cho. Khánh Dư đi chuyến này, về việc công hoàn thành tốt đẹp, về việc riêng thì gom được vô số vàng bạc, châu ngọc, san hô, mã não, hổ phách, đồi mồi, thật là món lời lớn, ban thưởng rất hậu cho Hiếu Ngân. Khi qua Vân Đồn, Hiếu Ngân lại tiến cử một người tên là Quây Xẻn. Quây Xẻn người Tống, thạo nghề buôn bán nhưng mắc tội buôn hàng lậu, bị bắt nên mất sạch vốn liếng, đành đi làm thuê ở bến thuyền, Hiếu Ngân biết là người có nghề đem về nuôi cho ăn trong thuyền rồi tiến cử lên. Khánh Dư nói chuyện thấy rất hợp ý mới giữ làm gia thần. Khánh Dư tuy được lợi lớn nhưng khi nghĩ đến công chúa Thiên Thụy lại buồn, không biết tìm cách nào để gặp mặt nàng, đang suy nghĩ nung nấu, có chỉ của nhà vua đòi vào gặp trong buổi chầu sớm ngày mai. Hôm sau trên điện, nhà vua hỏi:

- Khanh đi chuyến vừa rồi thu được nhiều bạc vàng châu báu lắm phải không?

Khánh Dư cãi:

- Muôn tâu hoàng thượng! Thần không dám ạ.

Thánh tông nghiêm nét mặt, ném những tấu biểu các nơi vừa gửi lên cho Dư xem, phán:

- Khanh còn cãi ư? Xem đây là những cái gì? Khắp nơi từ dân đến lính người ta gọi khanh là con cọp đói mồi.

Khánh Dư không chối cãi được nữa mới nói liều rằng:

- Tâu hoàng thượng! Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ.

(Câu này lấy nguyên văn trong ĐVsktt nhưng ghi ở thời Trần Anh Tông)

Nhà vua rất không hài lòng nhưng tiếc Dư là người có tài không nỡ trách phạt, chỉ đuổi ra. Dư sợ vua trị tội, vội bái tạ lui ra rồi chuồn luôn về hương ấp ở huyện Bàng Hà, không dám ở lại kinh thành.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro