Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 17: Hà Bổng minh oan cho Nguyễn Bằng

Đang nói chuyện Trần Khánh Dư đêm ngày tơ tưởng hình bóng Thiên Thụy công chúa mà không sao gặp được, sinh ốm tương tư chẳng thuốc thang nào chữa khỏi, hình vóc hao gầy tiều tụy. Thầy thuốc trong phủ bảo cần phải ra ngoài tìm nơi thoáng mát chơi cho khuây khoả. Gia nhân mới đóng kiệu đưa chàng lên chơi Tây Hồ. ở đây phong cảnh đẹp đẽ, cây cối tốt tươi, mặt nước mênh mông, sóng vỗ lô xô, gió hiu hiu thổi mang theo hơi nước mát rượi, xa xa rất nhiều phượng thuyền của các vương hầu, công chúa, ưng thuyền của các tướng lĩnh dạo chơi và vô số nhạn thuyền của binh lính hộ vệ. Khánh Dư không xuống thuyền, chàng đi lững thững trên bờ, ngắm cảnh. Bỗng thấy phía trước có đám thị nữ hộ tống một vị công nương, nói cười huyên náo. Khánh Dư bước lên xem ai, chàng không tin ở mắt mình nữa; người đang bước tới trước mặt chính là công chúa Thiên Thuỵ. Nàng không mang bộ đồ của một công chúa mà chỉ khoác trên mình tấm áo lụa mỏng bất cứ con gái nhà bình dân nào cũng có thể có. Chính vì vậy mà nàng trở nên huy hoàng trác tuyệt như một giọt sương mai phản chiếu những tia nắng hồng trong buổi bình minh. Khánh Dư đứng lặng im, dường như không dám thở, chàng sợ mỗi cử động nhẹ của mình có thể làm tổn thương đến cái kì quan tuyệt vời của tạo hoá kia và nó sẽ biến tan đi mất.

- Ừ ừ! Thịt cầy không có món dồi, ra cái chó gì. Ông nói cho mà biết nhé! Các anh trai trẻ được cái mạnh ăn mạnh nói chứ nghề chơi ở đời cứ gọi là còn non nước lắm. Đã là thịt cầy phải đủ bảy món tiết canh, thôn bộ, chả, hầm, rang chứ lại.

Một anh trai đinh nói:

- Cụ ơi! Như thế mới có năm món. Cụ bảo bảy món cơ mà?

Vĩ Thố cười hề hề, bảo:

- Thì bảy chứ sao. Dồi, xáo nữa chả là bảy à. Mà dồi chính là đầu bảng đấy. Sống trên đời ăn miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ biết có hay không! Thế mà có món dồi các anh làm hỏng cha nó hết.

Mấy tay đàn em cười cầu tài. Trương tuần Vũ Văn Dư bảo:

- Dồi ngon nhưng mà ít. Cậu cứ thịt mông cậu chén có sướng hơn không?

Vĩ Thố lắc đầu bảo:

- Hỏng! Hỏng bét. Các anh nghĩ thế làm việc dân sao được. Ít nhưng nó quý. Ví như cả châu Hồng này mới có một vị tri châu, cả huyện Trường Tân này có một mình ta là huyện lệnh thế mới là quý nhân.

Một cô đào hát gõ dùi vào tang trống cắc cắc, nói:

- Quan anh say rồi! Đang nói chuyện thịt chó chứ có nói chuyện châu chuyện huyện đâu?

Vĩ Thố véo vào đùi cô đào, nói:

- Say à! Chưa say! Cứ ví cái huyện này như mâm cỗ, các quan trên huyện phải có được những miếng dồi. Bốn tổng là bốn cái đùi bày ra bốn đĩa lớn, việc ban phát cho các hào mục là quyền ở quan, xương xẩu nấu nhừ, ninh kĩ gặm hết thịt, quẳng ra ngoài cho đám lính tráng. Hừ béo đây! Mông thế này mới là mông. Tao đã say đâu. Say để con đào Tuyết nó nỡm à! Hì hì. Tuyết! Ngồi nhích lại đây anh bảo.

- Gâu gâu! Gâu gâu...gâu.

Tiệc rượu ngoài đình đã tàn, cô đào Tuyết cùng mấy trai đinh dìu quan huyện Vĩ Thố về nghỉ nơi tư thất. Đàn chó cứ chẫu ra sủa váng lên như làng có cướp. Buổi chiều, Vĩ Thố hỏi Vĩ Thử:

- Mảnh vườn nhà con Điệp anh làm xong chửa?

Vĩ Thử thưa:

- Con đã làm như thầy dặn nhưng tay Nguyễn Bằng nó chống lại. Nó bảo vườn nhà vắng chủ không được động tới, phải đợi chủ về, nợ nần thanh toán đâu có đó. Dân làng xem ra nhiều người theo nó.

Vĩ Thố cau mày, nói:

- Tưởng ai chứ Nguyễn Bằng mà anh lý cũng sợ à? Như thế thì làm việc dân việc nước thế nào được. Hắn là kẻ có tội, ta còn chưa sờ đến đấy. Anh cho tuần đinh gọi nó đến đây.

Vĩ Thố ngồi chĩnh chệ trên kỉ, có bốn người lính đứng hộ vệ. Lát sau Nguyễn Bằng đến, không quỳ lạy mà chỉ khoanh tay chào. Vĩ Thố mặt lạnh như tiền, vuốt râu hỏi:

- Người vừa đến kia là kẻ nào.

Nguyễn Bằng biết Vĩ Thố giở trò với mình, không nói gì. Một người lính quát:

- Ông già kia! Quan lớn hỏi, sao không nói?

Nguyễn Bằng vẫn không nói. Vĩ Thố quát:

- Tên dân đen kia, gặp quan sao không quỳ?

Nguyễn Bằng cười khinh bỉ, nói:

- Ta tưởng vì tình bạn cũ, chỗ đồng môn mà ông mời ta đến đây, hoá ra là quan lớn gọi Bằng này đến hầu ư?

Vĩ Thố đập bàn, quát:

- Ai bạn bè với ngươi. Ngươi là kẻ có tội, được triều đình tạm tha, từ ngày về quê không chịu đi phu dịch lại còn có hành vi chống đối. Ngươi thì coi thường pháp luật rồi. Nhưng coi thường vương pháp chỉ có thiệt vào thân. Lính đâu! Nọc cổ nó ra đánh cho ta.

- Ta có tội gì mà đánh.

- Tội gì ư? Ta nói có tội là có tội. Ngươi thiếu gì tội. Một là trốn tránh phu dịch, hai là kết bè kết đảng xúi giục dân chúng làm loạn, chống lại nhà chức trách, ba là bênh vực kẻ tiện dân hòng quỵt nợ của người cho vay làm phúc, bốn là vô lễ với quan trên không tuân vương pháp, năm là...ừ...ừ...nhà ngươi còn nhiều tội lắm, tội nào cũng có thể chém cả, không tha được. Lính! Đánh!

Bốn người lính xúm lại vật Nguyễn Bằng ra đánh. Vợ con Nguyễn Bằng biết tin chạy đến kêu khóc xin quan huyện tha cho. Cha con Phạm Hữu, Phạm Anh cũng kéo đến. Lũ chó trong làng sủa rống lên như loạn. Vĩ Thố sai gia nhân cài cổng không cho ai vào, lại bảo lính đóng gông giải Nguyễn Bằng lên huyện tống vào nhà lao. Lý Thử gọi trương tuần cho thêm trai đinh giúp mấy người lính. Đám người nhà Nguyễn Bằng không biết làm sao, đành về làm giấy trình lên quan phủ. Lý Thử bảo:

- Thầy thế mà ghê thật. Con nghĩ mãi chưa ra cách gì. Thầy chỉ ho một tiếng là có đứa mọt gông.

Vĩ Thố vuốt râu bảo:

- Chẳng thế làm quan sao được.

- Nhưng thầy làm thế nào mà nghĩ ra lắm tội của hắn thế?

Vĩ Thố bảo:

- Thế mới gọi là có năng lực. Các anh chỉ có cái máu hăng nhưng xem ra độ tinh nhạy còn kém lắm. Muốn trị đứa nào; nó không có tội phải nghĩ tội ra cho nó chứ. Đã là dân mấy thằng tránh khỏi tội. Đấy! Xem bây giờ đứa nào dám lên huyện mà kêu?

Vĩ Thử hỏi:

- Như thế là dựng chuyện lên à?

Vĩ Thố bảo:

- Chứ còn sao nữa. Anh khờ bỏ mẹ. Không thế sao có câu muốn nói gian làm quan mà nói. Đang lúc thái bình thịnh trị, làm ăn như các anh chả trách dân nó khinh.

Bấy giờ nhà Nguyên đang có nội loạn. Vua Nguyên phong cho Nậu Lạt Đinh chức đạt lỗ hoa xích (Chức quan coi việc hành chính ở các địa phương), cử đi sứ sang Đại Việt để duy trì mối bang giao hai nước. Nhà Trần cử đoàn sứ bộ gồm viên ngoại lang Dương An Dưỡng, nội lệnh Vũ Phục Hoàn, thư xá Nguyễn Cầu, trung thư lang Nguyễn Cử đi cùng Nậu Lạt Đinh theo đường Vân Nam sang Nguyên đáp lễ. Khi đi qua ải Quy Hoá, Hà Bổng nhân nói chuyện hỏi thăm Nguyễn Bằng mới biết Bằng bị oan, liền viết sớ dâng lên triều đình minh oan cho Nguyễn Bằng, lại gửi theo cả bức thư của Vương Lâm mà Nguyễn Bằng bỏ quên ở Quy Hoá.

Quan đại hành khiển Nguyễn Giới Huân nhận được sớ liền vào triều tâu với Thánh Tông. Nhà vua nói:

- Chiến tranh qua lâu rồi, người có công như vậy lại không được trọng thưởng. Trẫm e trong thiên hạ còn nhiều người như Giới Tử Thôi.

(Giới Tử Thôi người nước Tấn, theo phò công tử Trùng Nhĩ đi lánh nạn suốt 19 năm. Có những lúc không kiếm được cái ăn, Giới Tử Thôu cắt thịt đùi mình nấu canh dâng Trùng Nhĩ. Khi về nước, Trùng Nhĩ lên ngôi vua (Tấn Văn Công), quên không phong thưởng cho Giới Tử Thôi. Sau có người nhắc, Tấn Văn Công nhớ ra cho người đi tìm. Hai mẹ con Giới Tử Thôi thà chết cháy trong rừng chứ không chịu về)

Nói xong cho sứ giả mang sắc chỉ về huyện Trường Tân tìm Nguyễn Bằng thì Bằng đã bị đưa đến nhà lao của quan phủ. Huyện lệnh Nguyễn Vĩ Thố sợ tội, muốn hại Nguyễn Bằng, mới nói với sứ giả:

- Nguyễn Bằng từ khi về quê, oán trách triều đình, không tuân vương pháp, xui dân làm loạn nên bị quan phủ bắt giam rồi.

Sứ giả nói:

- Sự việc nghiêm trọng đến thế ư? Vậy bắt được đồng đảng của nó có bao nhiêu đứa?

- Bẩm thưa quan lớn, hiện nay mới bắt một mình Nguyễn Bằng thôi.

- Đã gọi là làm loạn phải có nhiều người, lẽ nào một mình Nguyễn Bằng mà làm loạn được? Ngươi có bằng chứng gì không?

- Dạ! Bằng chứng và đồng đảng của nó là con Thị Điệp mười tám tuổi đã trốn đi rồi.

Sứ giả nói:

- Nghĩa là hiện nay trong tay các ngươi không có bằng chứng gì? Hừ! Đồng đảng của kẻ làm loạn là một cô gái ư? Sự thật về việc này thế nào ngươi phải khai rõ ra.

Vĩ Thố xun xoe nói:

- Việc này phức tạp lắm. Bây giờ trưa rồi, xin quan lớn hãy đi dùng bữa. Chiều nay hạ chức cho đòi các nhân chứng, sáng mai xin tường trình tại công đường để thượng quan được rõ ạ.

Chiều hôm ấy sứ giả nghỉ lại ở huyện đường, có lính bảo vệ và đào hát hầu hạ. Vĩ Thố sai thắng xe ruổi thẳng lên bàn với quan tri châu. Quan tri châu vuốt bộ ria rất đẹp, điềm đạm nói:

- Thường nhật ta nghe nói quan huyện Trường Tân là người đa mưu túc trí, giảo hoạt lắm cơ mà, sao hôm nay việc mới có vậy đã cuống lên thế?

Vĩ Thố khẩn khoản:

- Thưa đại nhân! Nhưng vị sứ giả đại nhân này...

Tri châu cướp lời:

- Sứ giả nào mà chả thế! Cái luật chung ở đời là nén bạc đâm toạc tờ giấy. Ông không biết à?

- Thưa! Nhưng vị này có vẻ sắc sảo liêm chính lắm, chưa chắc đã mua được đâu ạ.

Quan châu gõ gõ cái quạt ngà vào lòng bàn tay, nói:

- Phải nặng nặng vào. Tiền thập vạn quan khả dĩ thông thần hiểu chửa?

(Tiền thập vạn quan khả dĩ thông thần: Có mười vạn quan tiền thì có thể đi lại với thần thánh. Lấy tích Trương Diên Thưởng xử án. Trương Diễn Thưởng nổi tiếng là quan thanh liêm, được mọi người coi như thần thánh. Một bận trên công đường, Diển Thưởng sai đánh tội nhân. Kẻ ấy đưa biếu một nghìn quan tiền. Diễn Thưởng càng sai đánh mạnh. Kẻ tội nhân đau quá, dâng lên một vạn quan. Diễn Thưởng quát lính đánh mạnh hơn. Kẻ kia vội dâng lên mười vạn quan. Diễn Thưởng bảo thôi không đánh nữa)

Vĩ Thố vững dạ về mang rất nhiều vàng bạc biếu quan sứ giả. Sứ giả cảm ơn lòng ưu hậu của huyện quan, về tâu lại với triều đình việc Nguyễn Bằng phản loạn. Quan thẩm hình viện Đặng Ma La bước ra tâu:

- Phản loạn là một tội đại hình vậy sao quan tri châu không báo lên triều đình. Đây là việc có quan hệ đến mạng người, không thể không xét kĩ xem có bằng chứng gì không?

Thánh Tông phán:

- Đặng thám hoa nói rất đúng. Trẫm giao cho khanh đặc trách tra xét vụ này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro