Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 14: Phạm Hữu, Nguyễn Bằng trở về quê cũ (2)

Nguyễn Bằng từ hôm bị giam, trong lòng buồn bực, nghĩ mình tận trung, không làm gì nên tội mà phải giam cầm, mới đưa ít bạc lẻ cho người lính coi ngục nhờ mua chút rượu về cùng uống. Cũng may được anh lính coi ngục mới vào nghề nên hiền lành tử tế, biết Nguyễn Bằng là người đàng hoàng có học thì coi trọng. Nguyễn Bằng xin giấy mực viết bức thư cho Phạm Hữu. Phạm Hữu biết chuyện liền đến nhà ngục đút tiền cho lính canh để vào thăm. Hai người ôm nhau khóc, kể lể sự tình. Nguyễn Bằng nói:

- Anh em mình hết lòng vì nước từ lúc tóc còn xanh, luôn tự nhủ phải lo tròn phận sự, đã hơn ba mươi năm, tuổi ngoại ngũ tuần, tóc bạc trắng cả, ngờ đâu bây giờ đều mắc vào vòng oan nghiệt thế này mà chẳng biết kêu ai!

Phạm Hữu bảo:

- Thôi! Chú cứ yên tâm. Tôi sẽ tìm mọi cách cứu chú ra rồi ta cùng về quê mà di dưỡng tuổi già.

Phạm Hữu về bán đồ đạc trong nhà đem tiền bạc đến đút cho viên đô úy ở binh trạm xin cho Nguyễn Bằng ra. Viên đô uý nói:

- Cũng may mà tôi chưa đưa lên thượng cấp. Ông cứ về đi, ngày Canh Dần đến mà đón ông ấy.

Phạm Hữu nghe nói vậy khấp khởi mừng, đến ngày Canh Dần tới cổng nhà lao chầu chực sớm, không ngờ mãi lúc mặt trời đứng bóng, nắng như thiêu như đốt vẫn chưa thấy Nguyễn Bằng được tha ra. Bọn lính gác ngục đã thay phiên ra ngoài ăn cơm trưa. Phạm Hữu đến gần một người hỏi:

- Chú lính ơi! Làm ơn cho tôi hỏi thăm ông Nguyễn Bằng đã được ra chưa?

Người ngục tốt mặt lạnh như thoi bạc, nói:

- Ai được tha hôm nay đã tha hết rồi còn gì.

- Tôi ở đây từ sáng sớm đã thấy ai ra đâu?

- Thế thì cũng sắp ra đấy.

Phạm Hữu vừa đói vừa khát nhưng không dám đi ăn uống gì vì sợ Nguyễn Bằng ra lại không gặp nhau, đành đứng chờ đến khi mặt trời xuống sát luỹ tre. Năm sáu thân nhân những kẻ có "tội" hôm nay được tha cũng đứng chầu chực nhưng chẳng ai đón được người nhà. Quá đói khát mệt mỏi, Phạm Hữu đành ra một ngôi quán gần đấy uống nước, ăn bánh. Bà chủ quán hỏi:

- Ông đi đón người nhà trong lao hay sao?

- Vâng! Tôi đi đón suốt từ sáng đến giờ vẫn chưa thấy đâu.

- Trời ơi! Ông cứ đứng đấy mà đón thì phải đến cuối giờ Hợi mới được tha.

(Cuối giờ Hợi là vào khoảng sát nửa đêm)

Phạm Hữu ngạc nhiên hỏi:

- Sao vậy bà? Trong giấy nói rõ ràng tha vào ngày Canh Dần mà?

- Thì giờ Hợi cũng còn là ngày Canh Dần chứ đã sang ngày Tân Mão đâu. Ông muốn người nhà ra sớm phải đút cho lính gác cổng kia một ít, nếu không, thuê tôi làm cho.

Phạm Hữu cám ơn người chủ quán, rồi đi về phía cổng nhà lao. Người chủ quán dặn với:

- Này ông! Nó có bảo xin chai rượu đừng có thực thà mua rượu vào mà hỏng việc đấy.

Phạm Hữu hiểu ý, bước đi. Anh lính gác cổng còn trẻ, tươi cười hỏi:

- Bác có chuyện gì?

Phạm Hữu nói:

- Này chú lính. Tớ cũng là lính có việc này chú mày giúp cho được không? Tớ có ông em bị giam trong đó, hôm nay được tha mà sao giờ chưa thấy ra?

Anh lính gác cổng cười nói:

- Việc này nó tế nhị lắm bác ạ

- Lính tráng cả với nhau; cái tế nhị lắm ấy nó thế nào cứ nói cho tớ biết.

- Bác cho chai rượu để cháu bảo các anh ấy kí giấy cho là ra ngay không đợi đến đêm.

Phạm Hữu đã được bà chủ quán mách nước mới đưa cho anh lính bốn đồng tiền hào, bảo:

- Tớ không biết các vị uống rượu gì, trăm sự nhờ cậu giúp cho.

Tuy số tiền có thể mua được năm chai rượu ngon cùng với đồ nhắm nhưng người lính vẫn có vẻ ngần ngừ. Phạm Hữu hỏi:

- Như thế liệu đã đủ chưa?

Anh lính cười, nói:

- Kể ra hơi ít.

Phạm Hữu dúi thêm cho một hào nữa, hỏi:

- Thế đã được chưa?

Anh lính tươi cười nói:

- Tốt quá rồi. Bác cứ ra ngoài ấy đứng đợi, một tí là ra ngay đấy.

Phạm Hữu ra gốc cây gần đấy đứng đợi, chừng nhai giập miếng trầu, thấy người lính gác cổng gọi:

- Này người nhà bác ra rồi đây này.

Mấy người đi đón thân nhân ồn lên hỏi:

- Ơ! Sao người nhà chúng tôi chẳng thấy đâu cả nhỉ?

- Sao bây giờ mới có một người ra là thế nào?

- Quái! Sao đến tối mới tha người ta thì làm sao mà lần mò về nhà được.

Anh lính gác bảo mọi người:

- Tất cả đứng ra ngoài kia đợi, biết điều sẽ được ra sớm không đến đêm, nghe chửa.

Phạm Hữu nói nhỏ với đám người nhà phạm nhân câu gì đó. Tất cả chạy dồn lại phía anh lính gác. Trên đường về Phạm Hữu hỏi Nguyễn Bằng:

- Tôi đã xin nghỉ việc, định ngày mai đem cả nhà về quê, chú có về một thể không?

Nguyễn Bằng nói:

- Em muốn về lắm nhưng nghĩ cũng tức. Mình công khó công nhọc bao nhiêu năm chả lẽ bây giờ về tay trắng. Có lẽ em phải tìm đến phủ thái sư.

- Thôi chú ơi! Thái sư bây giờ già về Thiên Trường nghỉ rồi. Chú tìm đến thì thái sư biết chú là ai. Có khi còn mang vạ. Tôi cũng có hơn gì đâu, suýt nữa bị nó hại cho mất mạng ấy chứ. Qua cơn binh lửa được nguyên tuyền về với vợ con là may rồi.

Nguyễn Bằng buột mồm chửi:

- Mẹ cha những thằng quan đểu, không biết lúc chống giặc chúng ở đâu mà bây giờ chui ra lắm thế. Thôi về quách nhà quê vậy.

Phạm Hữu cười bảo:

- Này! Nhưng đừng tưởng về quê mà không có quan đểu đâu nhé.

Tháng bảy mưa ngâu, từng đợt mưa sùi sụt lê thê như nỗi buồn chia li, tưởng không bao giờ dứt. Người ta bảo đó là nước mắt của đôi vợ chồng phải xa nhau, mỗi năm chỉ được gặp một lần. Đôi vợ chồng ấy thật là bất hạnh, nhưng dù sao họ cũng còn có hạn có kì để mà hẹn gặp. Còn những người vợ có chồng nằm lại nơi này...

Trời về chiều mưa tầm tã, từng đoàn người đi tìm mộ thân nhân ngày càng kéo đến đông, vợ mọn con thơ, ông già bà lão đội mưa lội lóp bóp trong bùn, tiếng than khóc kêu gào ướt nhoè trong hơi gió, vô cùng thảm đạm thê lương. Chị tư Phúc tìm thấy mộ chồng ngay từ hôm vừa đến, khóc lăn khóc lộn làm lý tể Vũ Tình vất vả lắm mới đỡ cho đứng lên được. Sự tận tâm của Vũ Tình với chị tư Phúc làm mẹ con bà cụ Hải và anh cả Thìn yên lòng đi tìm mộ chú Sơn. Mấy nghìn ngôi mộ lính được chia làm hai khu vực. Một khu có ghi tên tuổi quê quán từng người, khu kia là những ngôi mộ vô danh. Tất cả các bia mộ đã được đọc kĩ càng, nhẩm đi nhẩm lại nhưng vẫn không tìm thấy mộ chú Sơn. Bà cụ Hải hỏi anh cả Thìn:

- Có còn ở đâu nữa không anh?

Cả Thìn trả lời:

- Sát bìa rừng đằng kia còn một khu nữa. Bà con mình lại đằng ấy xem sao.

Ba người đi lại phía bìa rừng. Vũ Tình vẫn đỡ cho tư Phúc khỏi lăn xuống đám nước bùn, trong khi nâng đỡ ấy thầy lý đã nhỡ tay đụng phải cái chỗ nhạy cảm nhất của người đàn bà. Không ngờ cái nhỡ tay được tính toán chu đáo và chờ đúng thời điểm ấy lại có tác dụng như một liều linh đơn thần dược. Chị tư Phúc không gào khóc nữa chỉ còn ấm ức trong cổ, nhẹ nhàng nép mình nhận sức nóng từ khuôn ngực thầy lý. Những nén hương trên mộ anh tư Phúc đã tắt hết, bột hương cũng rã ra trôi theo nước, trơ lại những cọng xương tăm run rẩy trong sự dập vùi thô bạo của gió mưa. Lý tể Vũ Tình vuốt mặt, mỉm cười, sau khuôn mặt bảnh bao dễ coi của y là bao nhiêu ý nghĩ bậy bạ đang đú đởn quay cuồng.

Anh cả Thìn cùng mẹ con bà cụ Hải tìm hết các bia mộ bên bìa rừng nhưng cũng không có tấm nào đề tên chú Sơn. Cả Thìn bảo:

- Thế này nhất định chú Sơn nằm trong khu mộ vô danh kia rồi. Không thể nào tìm được nữa.

Ba bà con tần ngần đến trước khu mộ vô danh nhưng chỉ có bạt ngàn nấm đất. Không hi vọng tìm ra ngôi mộ của Sơn. Bà cụ Hải bảo cả Thìn và cô con gái che áo tơi lá, châm lên một bó hương lớn, bà cầm nắm hương nói:

- Sơn ơi! Mẹ không tìm thấy con nhưng tất cả các con nằm đây đều là con của mẹ. Tất cả các con đều là con của mẹ!

Nói xong, bà cụ cắm nắm hương nơi đầu gió, mưa ngớt dần, khói hương lan toả khắp khu mộ những người lính chiến vô danh. Dáng người mẹ cao vời giữa khoảng đồng không đầy gió mây vần vũ.

Con ngựa già gõ móng kéo chiếc xe trên mặt đường lầm bụi. Vầng kim ô xuống dần, hoàng hôn thu lại chút nắng vàng cuối cùng còn rơi rớt trên những ruộng mạ non. Không gian vắng lặng. Tít phía xa có bóng vài người nông phu cùng mấy chú mục đồng thong thả dắt trâu về làng, đôi ba cánh cò lấp lánh trên khoảng trời trong veo. Những chú dơi nhào lộn trên không như nghệ nhân biểu diễn trò tạp kỹ.

Đã gần năm năm Nguyễn Bằng mới được trở về, ông say sưa ngắm nhìn phong cảnh quê hương, bỗng tiếng chuông vọng lại từ một ngôi chùa cổ phía xa làm Nguyễn Bằng dứt ra khỏi trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, ông nói:

- Bác Hữu ạ! Em chưa bao giờ thấy quê mình đẹp đến thế này. Hồi ở bên Đại Lý, có những lúc nhớ nhà đến cồn cào gan ruột. Giờ gần về đến làng rồi cứ nghĩ như ngày còn trẻ chúng mình vẫn đi học qua cánh đồng này.

Phạm Hữu bảo:

- Chú thật là người đa cảm... Đường về làng không còn xa nhưng cũng chẳng ít ổ gà đâu. Đúng là ngôn ngữ của anh chàng tha hương, ai đi xa trở về mà chả yêu quý gốc vối nhà mình.

Nguyễn Bằng nói:

- Vẫn biết là thế nhưng nghĩ đến lúc đặt chân trên mảnh vườn nhà sao em thấy nao nao trong lòng thế nào ấy.

Chử thị vợ Phạm Hữu bảo:

- Cũng phải coi chừng khối bọ nẹt đấy, nó lại chả đốt cho sưng mặt lên ấy.

Nguyễn Bằng nói:

- Sâu bọ ở đâu chả có hả chị, cứ sợ nó làm sao mà sống được.

Phạm Hữu cười lớn, khen:

- Khá lắm! Thế mới đáng là trang nam tử. Hết giặc rồi ta về dọn sạch vườn nhà, có lẽ đâu lại sợ loài sâu bọ.

Chử thị thấy chồng hào hứng quá, cũng cười bảo:

- Thôi! Lạy các ngài. Các ngài cứ liệu mà sống yên cho chị em tôi nhờ, bắt sâu bắt bọ ở đâu chẳng thấy nó lại cho mỗi thầy một miếng có mà kêu giời cũng xa.

Mải vui chuyện, giời đã sập tối. Người đánh xe cho ngựa ngoặt vào cổng làng. Bỗng phía trước có người thét:

- Nó đây rồi! Bắt lấy nó.

Theo tiếng thét, mấy người tuần đinh cầm mồi lửa, tay thước xồng xộc kéo đến. Con ngựa già sợ hãi chùn lại. Nguyễn Bằng, Phạm Hữu cùng nhảy xuống xe. Tiếng la hét dội lên càng dữ dằn hơn trước, có cả tiếng xích sắt loảng xoảng. Một người nói:

- Xích cổ nó lại cho ông chứ chúng mày sợ à?

Thật là:

Vừa qua nạn nước cơn binh lửa

Lại thấy quê hương cảnh xích xiềng

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem tráng đinh đang đuổi người nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro