Chương 11: Sơ tán dân, công chúa Thiên Cực đốt trang viên (1)
Vương Lâm chết rồi, quân Thát lớp lớp vây bọc quân Việt. Anh lính Vũ Tuấn làng Cao Duệ sau khi giết được hai lính Thát, bị đâm một nhát giáo vào vai, ngã lăn trong đám cỏ. Nguyễn Văn Điền mất một cánh tay. Đoàn Sĩ Hiệp chiếm được một gò cao có đặt giàn lệ chi pháo, các pháo binh đã tử thương cả. Hiệp một mình hì hục xúc đá cho vào máy, bắn chặn quân Thát. Mấy tên lính Thát xông lên định bắt. Hiệp bỏ pháo, cầm thương chống lại, bị đập một chuỳ vào lưng, rơi từ trên gò cao xuống, nằm chết lịm, miệng ứa máu. Đến gần trưa, quân Việt thương vong cả. Những người lính khác của làng Cao Duệ như Mai Văn Lương, Nguyễn Văn Ngô, Vũ Mậu đều trong số ấy.
Cốt Đãi Ngột Lang lệnh cho bọn A Truật, Hoài Đô, Đoàn Hưng Trí đem kỵ binh đuổi gấp, còn mình chỉ huy trung quân. Bố Nhĩ Hải đoạn hậu bảo vệ lương thảo dần dần theo sau, chiều tối đến bến Bồ Đề hạ trại.
Lại nói Phạm Anh cùng hai đồng đội đưa được số bệnh binh về tuyến sau, vội vàng quay lại. Trận địa vắng lặng, chỉ còn la liệt xác lính của hai bên chết và bị thương nằm chồng chéo lên nhau. Phạm Anh tìm được Nguyễn Văn Điền, Vũ Tuấn và Đoàn Sĩ Hiệp, đưa đến chỗ anh em thương binh đang được băng bó. Đến chiều có dân binh ở các làng bên đến chuyển thương binh về tuyến điều trị và chôn cất những người đã chết. Có tên lính Thát bị thương nặng, trông thấy người dân binh, nó nắm tay đưa lên miệng tu ra hiệu xin nước uống. Một anh dân binh cầm cây tre vót nhọn giơ lên định đâm. Tên lính Thát khiếp sợ nhắm mắt chờ chết. Một dân binh khác ngăn lại, nói:
- Đừng giết! Thằng này còn trẻ. Hãy tha cho nó.
Nói xong, anh dân binh rút ống nước đưa vào miệng cho tên lính Thát uống. Tên lính Thát uống một hơi, môi mấp máy như muốn cảm ơn rồi thở dài, nhắm mắt lại. Nó không bao giờ còn được nhìn thấy màu xanh mênh mông của thảo nguyên nữa. Anh dân binh nói:
- Chắc mẹ nó ở nhà cũng mỏi mòn mong, khóc hết nước mắt đấy.
Thành Đại La ồn ã suốt mấy hôm nay. Người ta chôn giấu thóc lúa, mâm, chậu, nồi đồng, lư hương, chân đèn, bát đĩa. Đây đó lổng chổng những chiếc nồi đất vỡ, mảnh văng cả ra ngoài đường. Chị cả Thìn loay hoay xếp đồ đạc vào hai chiếc thúng đã đầy ự, vừa ngó nghiêng gọi con:
- Long ơi! Chạy bố nó đi đâu rồi không biết? Long ơi, về đi thôi không người ta đi hết cả rồi.
Chị nhìn ra sân sau, thấy cu Long tay cầm chiếc đòn gánh vung lên vừa múa võ vừa hô:
- Trung thiên đề đao trảm phản nghinh. Lôi phong tá tẩu quỷ thần kinh. Đề đầu tiền thụ lai quảng tiến. Trảm phạt trung bình mã thiên thanh... Mẹ ơi! Xem con múa bài Mai hoa thần kiếm đây này.
- Giời ơi! Võ mới vẽ gì như bọ chó múa bấc ấy. Về đi đi không các bác ấy đợi.
- Ứ! Mẹ lại nói thế rồi. Hôm nào bố về lại dạy võ cho con. Con theo bố đi đánh Thát cơ.
- Muốn đánh Thát thì bây giờ phải đi nhanh lên đã.
- Ứ! Con đánh thằng Thát một đòn Lão ông thám thuỷ là nó lăn quay.
- Ừ! Ừ! Nó lăn quay, nó lăn quay. Đi đi!
Chị cả Thìn quẩy gánh, dắt con ra đến hồ Lục Thuỷ, có người gọi:
- Này mẹ Thìn! Đưa thằng bé lại đây.
(Hồ Lục Thuỷ: Từ triều hậu Lê gọi là hồ Hoàn Kiếm)
Chị Thìn nhìn lên, hoá ra là bà cụ Hải trong ngõ cùng với mọi người đã đứng cả bên bờ hồ. Chị tư Phúc gánh hai đứa con trong hai chiếc thúng, mỗi đứa ôm một đùm quần áo. Chị Thìn hỏi:
- Ơ! Nhà chị sao bảo có mấy anh lính ở Đông Bộ Đầu vào giúp cơ mà?
- Quan thái sư có cho lính đến giúp những nhà neo đơn chạy giặc nhưng tôi chỉ nhờ các anh ấy chôn hộ ít lương thực, đồ đạc thôi. Mình cố đi được thì tự đi để các anh ấy còn phải ra trận chứ.
Bà cụ Hải bảo:
- Cô nói phải đấy. Nước có giặc, mỗi người cố lên một tí, cứ đuổi được nó ra rồi muốn làm gì thì làm. Thời thái bình có ăn bát cháo cũng sướng.
Một người nói:
- Chẳng biết quan gia nhà ta nghĩ thế nào mà bỏ kinh thành cho giặc vào cơ chứ?
Chị tư Phúc bảo:
- Mấy anh lính nói chuyện, quân ta nhử cho giặc vào trọng địa rồi mới vây chặt. Giặc hết lương thực tất chết đói cả. Nghe đâu tướng quân Trần Khánh Dư đã lấy mất nửa lương thực của chúng rồi.
Một người nói:
- Đánh nhau mà hết lương thì chỉ có nước hàng.
Ông chủ hiệu thịt cầy bảo:
- Không phải! Quốc công tiết chế muốn nhử chúng vào sâu rồi mới chặn đứt phía sau, bao vây mà diệt. Phép đó gọi là nhử chó vào nhà đóng cửa đánh.
Mọi người cùng cười, nói:
- Đắc sách! Đắc sách.
Quan thái sư Trần Thủ Độ bận ở Đông Bộ Đầu nên việc lo cho hoàng gia trong thành Thăng Long và dân thành Đại La tạm lánh giặc phải nhờ Thiên Cực công chúa. Mấy hôm nay phu nhân lúc đi xuống các phố xóm xem dân chúng làm vườn không nhà trống đến đâu, lúc lại vào hoàng thành đôn đốc các gia đình vương hầu chuyển đi. Phủ thái sư bà giao cho đám gia nhân dọn về Thiên Trường. Suốt ngày hôm nay phải lăn lộn cùng các tướng, chỉ huy mấy nghìn lính vận chuyển nốt kho lương thực cuối cùng, từ sáng đến giờ bà mới chỉ kịp ăn một bữa qua loa lúc ban trưa. Đêm mười ba tháng chạp, người lính truyền tin phi ngựa như bay đến báo cho phu nhân biết tiền quân của giặc đã áp đến bến Bồ Đề, Thái sư lệnh cho phu nhân cùng những người còn lại phải ra khỏi thành ngay. Phu nhân khoác áo cùng mấy thị nữ lên lầu thành nhìn ra sông Nhị. Mưa bay mù mịt mặt sông, nơi đó trên bến Đông Bộ Đầu không biết thái sư đã dời đi chưa? Bà ngoảnh lại phía hoàng thành, Thăng Long chìm trong bụi mưa cùng những cơn gió lạnh từ phương Bắc tràn về. Trước lúc ra đi trong lòng vị phu nhân thống quốc thái sư rộn lên bao nỗi xốn xang lo lắng; ngày mai Thăng Long sẽ ra sao? Cung điện, dinh thự sẽ ra sao? Bao giờ quan gia cùng triều đình mới trở lại nơi này? Bà bước xuống lầu, một luồng cảm xúc dâng trào, rưng rưng nghèn nghẹn. Bỗng phu nhân ngẩng lên bước những bước dài, nói với người thị nữ:
- Ta đi thôi.
Cỗ xe song mã vượt màn mưa ra khỏi hoàng thành tiến về phía trang viên bên hồ Lục Thuỷ. Ông lão bộc mở cổng. Người xung quanh đã đi hết nhưng lão vẫn đợi Thiên Cực công chúa. Những ngày bận rộn thái sư và phu nhân ở trong phủ lo việc quân việc nước, hoặc về thái ấp trông nom việc canh điền, còn hầu hết thời gian ngài đến nghỉ ở đây, tự mình chăm sóc những cây cảnh quý và cây ăn quả hiếm lạ. Những hòn giả sơn đều do chính tay thái sư xếp đá tạo nên. Mấy trăm lồng chim, mỗi cái một kiểu cũng do lão bộc cùng thái sư vót nan làm lấy. Phu nhân thì trồng hoa, tỉa lá, chăm chút lũ chim non. Trang viên tuy nhỏ nhưng mấy năm nay thái sư và phu nhân đã dồn bao tâm sức làm cho nó trở nên đẹp đẽ, khó có khu vườn nào sánh kịp.
Từ hôm nhận được lệnh lánh đi, phu nhân không có thời gian đến đây. Bữa trước thái sư có ghé qua bảo mấy anh lính canh theo ngài giúp dân cất giấu tài sản rồi đi luôn. Thái sư dặn lão bộc ở lại cho chim ăn, khi nào phu nhân đến thì cùng đi. Phu nhân xem hết các phòng một lượt, lát sau quay lại bảo lão bộc:
- Lão mở tất cả cửa lồng thả hết chim ra.
Ông lão bộc đã hiểu, làm theo. Những con chim đang ngủ yên bị đuổi ra khỏi lồng, ngoài trời tối đen, vừa mưa vừa rét, chúng không biết bay đi đâu, cứ xáo xác gọi nhau tìm chỗ trú. Thiên Cực công chúa sai mấy thị nữ giúp lão bộc rút rơm khô đưa vào các phòng cùng nhà kho chứa thóc, châm lửa đốt. Trong phút chốc mấy dãy nhà cùng cháy lên. Ngọn lửa mỗi lúc một bốc cao át cả bụi mưa và gió lạnh. ánh lửa soi rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt già nua người lão bộc. Hai giọt nước mắt óng ánh như hai giọt sương lăn trên đôi gò má màu đất nâu của lão. Thiên Cực công chúa bảo:
- Đi thôi! Ngày mai ta còn nhiều việc lắm.
Cỗ xe xuyên màn đêm ra khỏi thành Đại La xuôi về phương Nam.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro