Chương 10: Ngăn binh thù viện tướng hi sinh
Lê Tần cùng Trần Khuê Kình bảo vệ Thái Tông đi chưa lâu thì quân Thát đuổi tới. Chỗ này đồi thấp lúp xúp, cây cối rậm rạp, cỏ lau chằng chịt. Mấy viên thị vệ xin Thái Tông dừng lại lập trại đánh giặc. Lê Tần gạt đi, nói:
- Nơi này thế đất thiên la không thể trú quân. Tướng quân Khuê Kình hộ giá đi cho nhanh để tôi cản giặc.
(Binh pháp của Tôn Tử trong thiên Hành binh có nói: Gặp thế đất thiên la cây cối rậm rạp, cỏ lau chằng chịt như mây khói thì phải tránh xa)
Nói xong, Lê Tần lấy một trăm kị sĩ mang cung nỏ nấp trong các lùm cây hai bên, một mình hoành giáo đứng cản giữa đường, đợi tiền quân giặc vừa tới, chẳng nói chẳng rằng xông thẳng lên đâm chết mấy tên. Lính Thát lùi cả lại. Lê Tần quay ngựa lững thững bỏ đi. Quân Thát liền đuổi theo. Lê Tần vẫy ngọn giáo một cái, một trăm cây nỏ cùng bắn ra. Mấy chục lính Thát trúng tên. Tiên phong Ngạc Cáp Đan cũng bị một mũi tên xuyên vào cánh tay hữu. Quân Thát tưởng có đông phục binh, không dám đuổi. Lê Tần mang một trăm kị sĩ theo kịp Thái Tông, không mất người nào. Nhà vua bảo:
- Khanh đúng là Triệu Tử Long của trẫm.
Cốt Đãi Ngột Lang đến nơi, nghe Ngạc Cáp Đan báo có phục binh liền lên chỗ cao đứng ngắm, nói:
- Các ngươi chỉ thần hồn nát thần tính, làm gì có phục binh. Chỗ này là đất thiên la, ai dám cho quân vào đấy mà ẩn bao giờ. Mau đuổi gấp đi.
Ngạc Cáp Đan bị thương không đánh nhau được. Cốt Đãi Ngột Lang gọi A Truật lên làm tiên phong.
Vua Trần về gần đến sách Cụ Bạn, quân Thát cũng sắp đuổi tới. Phía trước lại thấy bụi bay mù mịt, một đội quân đang tiến đến nhanh như gió lốc. Thái Tông bảo:
- Phía sau có giặc đuổi, phía trước có quân đến, ta phải cố mà đánh không chết cả.
Trần Khuê Kình nói:
- Bệ hạ cứ yên lòng, để thần ra xem phía trước là quân nào.
Nói xong, Khuê Kình phi ngựa lên. Tướng kia đến gần hoá ra là Phạm Cụ Chích. Số là Trần Quốc Tuấn đã cho thuyền chiến về đến bến Lãnh Canh nhưng chưa thấy Thái Tông, mới bảo các tướng:
- Hoàng Thượng đi đường bộ, ta e giặc có thể đuổi kịp, Lê Tần và Khuê Kình tuy khoẻ nhưng ít quân lại mệt cả, sợ không cản nổi giặc. Ai có thể đem quân đi tiếp viện?
Phạm Cụ Chích bước ra, nói
- Tôi là người vùng này, thông hiểu đường lối. Xin để tôi đi.
Quốc Tuấn liền cho Phạm Cụ Chích năm trăm kị binh tức tốc đi ngay. Lúc ấy gặp Trần Khuê Kình, Phạm Cụ Chích hỏi:
- Hoàng thượng đâu?
- Bệ hạ còn ở phía sau kia.
Cụ Chích đến bái kiến nhà vua, nói:
- Xin hoàng thượng cứ đi, bến Lãnh Canh không còn xa. Tiết chế đang đợi bệ hạ ở đó. Để thần chặn giặc lại.
Nói xong đem năm trăm tráng sĩ chặn ngang đường chờ quân Thát đến.
A Truật đi tiên phong. Được một lúc gặp Phạm Cụ Chích chặn mất đường. A Truật quát:
- Ngươi là tên nào? Tài đảm được bao nhiêu mà dám cản đường ta? Biết điều xuống ngựa hàng đi. Phụ thân ta sẽ dùng làm quan hướng đạo.
Cụ Chích biết đó là A Truật, con của Cốt Đãi Ngột Lang, bảo:
- Hướng đạo hử? Ta sẽ hướng cho cha con nhà ngươi vào đường địa phủ.
A Truật tức quá xông vào đánh Cụ Chích. Đoàn Hưng Trí đánh trống thúc đội kị binh Bắc Thoán ào cả lên vây bọc năm trăm chiến binh Đại Việt. Hai bên xô vào nhau hỗn chiến. Phạm Cụ Chích đang đánh với A Truật, bị Tín Thư Phúc chém một nhát, không kịp đỡ, lăn xuống chết. Mấy chục tráng sĩ Đại Việt xông đến cướp xác đưa lên ngựa chạy vào rừng.
(Bắc Thoán có nhiều đồng cỏ nên cũng rất đông kị binh)
Trần Thái Tông về đến bến Lãnh Canh, đoàn thuyền của Trần Quốc Tuấn đã chờ sẵn ở đấy, liền đón tất cả quân sĩ lên thuyền, đang nhổ neo, quân Thát đuổi tới. Cốt Đãi Ngột Lang cho quân cung thủ nhắm cả vào thuyền long phụng của nhà vua mà bắn. Tên bay như vãi trấu. Lê Tần đứng cạnh cầm mộc che cho vua từ từ rút về sông Cà Lồ để đến Phủ Lỗ là nơi có trận địa của hầu tướng Vương Lâm. Đường bộ dần dần tách xa đường sông nên quân Thát không theo được nữa. Khi đến sông Cà Lồ, Vương Lâm mang thuyền nhẹ ra đón lên quân doanh. Lê Tần sai quân Phá cầu Phù Lỗ để quân giặc không sang được. Trung Thành Vương nói:
- Ngày xưa Dực Đức phá cầu Tràng Bản mà Tào Tháo dám sang sông. Huyền Đức chê Dực Đức là kém mưu. Sao tướng quân còn phá cầu đi?
Lê Tần nói:
- Ngày xưa ở trận Tràng Bản, Lưu bị dùng kì binh để chống Tào Tháo nên mới làm như vậy. Ngày nay ta lấy chính binh mà đánh không thể áp dụng như thế được.
Trần Quốc Tuấn nói:
- Lê tướng quân nói rất phải. Nơi đây cũng không thể giữ lâu dài được. Xin hoàng thượng lui về Thiên Mạc hội quân với thái sư. Cho dân trong thành Đại La lánh ra ngoài, chôn giấu hết lương thực. Hoàng gia cũng lánh cả về Thiên Trường. Bỏ thành không cho giặc vào. Đấy chính là tử địa của chúng. Lúc ấy thần khắc có kế hay, chỉ cần đánh một trận là quét sạch bọn chúng.
(Thiên Mạc: Khúc sông Hồng chảy qua xã Tân Châu, huyện Văn Giang, Hưng Yên ngày nay)
Bỗng có một tướng bước ra nói lớn:
- Việc ấy quyết không thể được. Kinh thành là nơi tôn miếu xã tắc, trăm họ trông về, không thể để giặc Thát vào giày xéo. Tôi thà chết chứ không dám tuân lệnh ấy.
Thế mới là:
Muốn giăng lưới rộng lừa cá lớn
Còn ngại kình ngao cắn dây rường.
Chưa biết tướng ấy là ai, chương sau xin nói rõ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro