Chương 1: Lý Sảm lánh nạn ra Hải ấp (2)
Hai người liền chia quân đánh thành. Quân sĩ hăng hái hưởng ứng. Tiếng reo hò vang trời dậy đất. Các đội quân tứ sương, quân hổ bôn và quân thánh dực không sao ngăn lại được. Tình thế rất nguy cấp, các quan vội đỡ nhà vua ra xe, mở cửa thành phía Tây chạy lên miền Quy Hoá giang (Quy Hoá Giang: Tức sông Thao - đoạn sông Hồng từ Việt Trì trở lên (ĐVsktt)). Thái tử Lý Sảm lúc ấy đang mải chơi thả diều trong vườn ngự uyển, bỗng nghe tiếng ngựa hí, quân reo, bốn mặt thành mịt mù khói bụi, biết là có biến, cuống quýt, không làm thế nào được. May sao có thị vệ lang là Tô Trung Từ vừa tới. Tô Trung Từ bảo:
- Việc gấp lắm rồi. Xin thái tử hãy đi theo thần.
Nói rồi, Tô Trung Từ cầm kiếm lăm lăm, đi trước mở đường. Mấy người lính hổ bôn theo sau phò tá. Trời gần tối, Tô Trung Từ đưa thái tử Sảm ra bờ sông, tìm được một chiếc thuyền, xuôi dòng mà đi. Thái tử nói:
- Không biết tìm hoàng thượng ở đâu?
Trung Từ bảo:
- Hiện nay quê tôi ở Thiên Trường còn đang yên ổn, hãy tạm về đấy, nghe ngóng xem hoàng thượng đến nơi nào rồi sẽ tìm.
Thái tử chẳng biết làm sao, đành nghe theo. Trung Từ cho thuyền dong buồm thẳng hướng Đông đi suốt đêm. Trăng sáng vằng vặc, thái tử vừa đói, vừa mệt, ngồi tựa vào mạn thuyền ngắm sông nước. Hai bên bờ hoa lau phơ phất như cờ trận. Tiếng gió thổi xạc xào hoà với tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền tạo ra một thứ âm thanh đơn điệu buồn buồn không khác nào tiếng hát ru của người vợ có chồng chinh chiến nơi xa. Từ trên cao, một con vạc vô tình thả vào không gian mấy tiếng vác...vác... Thái tử ngửa mặt lên trời, cảm khái nói:
-Thân ta nay bốn bể không nhà, con vạc kia còn hạnh phúc hơn nhiều lắm.
Trần Lý đang cùng các con đánh cá trên sông, bỗng thấy xa xa có chiếc thuyền lạ lướt tới, khi đến gần mới nhìn rõ người đeo kiếm đứng ở mũi thuyền chính là Tô Trung Từ, em vợ mình. Hai bên chào hỏi xong, Trần Lý sai các con rước thái tử về nhà ở thôn Lưu Gia, trong Hải ấp (Hải ấp: Nay là Lưu Xá, huyện Hưng Hà, Thái Bình (ĐVsktt)), mổ gà, giết lợn thết đãi rất nồng hậu. Trong khi uống rượu, thái tử thấy con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung nhan sắc đậm đà, vừa lòng lắm. Nhưng nghĩ mình đang gặp bước gian nan, đem thân ra ngoài, không biết mai hậu thế nào nên không dám nói gì. Hôm sau về nhà Tô Trung Từ - cũng ở Hải ấp - thái tử đem nỗi lòng thổ lộ hết. Tô Trung Từ nói:
- Chuyện ấy nào có khó gì. Trần Lý là anh rể tôi. Việc con Dung, thái tử cứ để tôi lo liệu nhưng trước mắt phải sai người dò xem hoàng thượng ở đâu.
Thái tử khen phải, lập tức phái người đi tìm Cao Tông. Tô Trung Từ đem chuyện thái tử có tình ý với Trần Thị Dung nói cho Trần Lý biết. Trần Lý bảo:
- Cao Tông không được lòng dân nên cha con giờ phải lưu vong. Ta gả con cho thái tử chẳng phải là đưa nó vào chỗ chết ư?
Tô Trung Từ cười, nói:
- Anh rể nói sai rồi. Nhà Lý có thiên hạ hai trăm năm nay, lấy pháp độ và sự khoan hậu để cai trị nên lòng người quy thuận, nay vì Cao Tông mà loạn. Nếu bác gả con Dung cho thái tử, xin gia phong quyền tước, rồi dấy binh, mộ tướng, khôi phục triều đình, đó chính là công đầu. Ngôi công khanh nào có khó gì. Bác không làm, e rằng cơ hội ngàn năm tuột mất.
Trần Lý bảo:
- Những lời ấy của cậu nghe cũng có lý nhưng tôi chỉ là một kẻ thường dân. Trong triều còn bao nhiêu là văn quan võ tướng, chẳng lẽ không ai vì lòng ái quốc mà đứng lên bên cạnh nhà vua hay sao?
Tô Trung Từ cười ngất, nói:
- Lòng ái quốc! Lòng ái quốc! Thời buổi này mà anh rể lại nói đến cái thứ hàng đắt tiền ấy. Từ khi nhà Lý được nước tới nay trải bảy đời vua những người lương đống như Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu, Lý Đạo Thành, Đào Cam Mộc chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn những phường a tòng nịnh hót thì không sao kể xiết. Ví như Lý Du Đô dâng chim sẻ để được thăng quan, Vũ Xưng hiến ngọc châu cầu mong thoát tội, Lê Văn Thịnh hoá hổ mưu hại quân vương, Tử Khắc dâng con hươu mà được giữ binh quyền, Vũ Đới tha Anh Vũ để lưu hại cho triều đình, Đàm Dĩ Mông xui vua làm bậy mà thành tể tướng, Phạm Du làm loạn tố cáo bừa mà được trọng dụng; còn bao nhiêu kẻ bày chuyện thị phi bắt được con voi cũng dâng tấu biểu, vết mai rùa cũng cho là chữ thánh; đưa Ung Minh về nước Miên không xong, chống một mình Quách Bốc không nổi thế thì lòng ái quốc để ở chỗ nào? (Theo Việt sử tiêu án (Vsta).) Cái lũ người mà bác gọi là văn quan võ tướng ấy chẳng qua là những thằng ăn mày đài các mà thôi. Chúng chỉ muốn chống đỡ cho mái điện Thiên An bằng những cọng rào.
Trần Lý bảo:
- Nếu quả thực như vậy, cậu hãy về nói với thái tử chọn ngày tốt, đem sính lễ sang. Ta cho đón cô dâu.
Trần Thị Dung là em ruột Trần Thừa và Trần Tự Khánh, là chị họ của Trần Thủ Độ, đang tuổi cập kê, mười phần xinh đẹp, đã cùng Trần Thủ Độ hẹn biển thề trăng, nay nghe cha muốn gả cho thái tử, có ý không bằng lòng, suốt ngày sùi sụt khóc thầm. Trần Thủ Độ cũng đau lòng lắm, mới bảo Trần Thị Dung:
- Thôi! Chị cứ về với thái tử đi. Đời người cũng dài, chỉ cần ta còn sống, thế nào rồi sẽ có ngày gặp nhau. Món nợ này nếu không trả được, quyết chẳng phải là thằng con trai.
Nói xong rút dao khía vào ngón tay cho máu nhỏ xuống sông. Trần Thị Dung ôm lấy Trần Thủ Độ, nói:
- Độ ơi! Hãy mau nghĩ cách cứu chị về.
Mấy hôm sau, thái tử Lý Sảm cho người mang sính lễ đến nhà Trần Lý, đón Trần Thị Dung về với mình ở nhà Tô Trung Từ. Thị Dung ngồi trong kiệu hoa, nước mắt hai hàng, chốc chốc lại ngoái đầu nhìn về phía Trần Thủ Độ. Thủ Độ đứng dưới khóm tre, răng cắn bặm môi, nhìn theo chiếc kiệu.
Thái tử Lý Sảm lấy được Trần Thị Dung thì sung sướng không sao tả xiết, liền trao cho Trần Lý tước Minh tự, phong cho Tô Trung Từ chức Điện tiền chỉ huy sứ. Vừa lúc người đi tìm tin tức vua Cao Tông cũng trở về. Thái tử liền sai Trần Lý đem các con, tập hợp hương binh dẹp loạn, đón Cao Tông. Trong khi đi đường xảy ra giao chiến, Trần Lý tử trận. Trần Thừa bảo các em:
- Hộ giá nhà vua và tang cha, hai việc đều trọng, không thể bỏ việc nào. Nay một mình ta đem xác cha về quê chịu tang là đủ, các em kíp đem quân hộ giá hoàng thượng.
Anh em ôm nhau khóc lóc, chia tay. Trần Tự Khánh hộ vệ nhà vua về kinh, dẹp được đảng Lý Thầm, Quách Bốc, vua phong là Thuận Lưu bá. Kinh thành lúc ấy tạm yên ổn nhưng các châu huyện bên ngoài giặc cướp hoành hành, đường bộ và đường thuỷ đều tắc nghẽn nên thái tử Sảm vẫn ở nhà Tô Trung Từ. Hôm ấy nhằm tiết thanh minh, tháng ba, thái tử cho mở tiệc ăn tết. Mọi người đang uống rượu vui vẻ, bỗng lính gác vào báo phía xa có một toán quân đang kéo tới, không biết là quân nào. Xin thái tử và quan điện tiền kíp cho phòng bị. Thái tử Sảm sợ hãi, mặt cắt không còn hột máu. Tô Trung Từ nói:
- Xin thái tử yên lòng, để tôi ra xem sao đã.
Thật là:
Vừa vượt được qua vùng lửa bỏng
Mới ngờ phía trước vạc dầu sôi.
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem đạo quân đang kéo đến là quân nào.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro