Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1: Lý Sảm lánh nạn ra Hải ấp (1)

Khi trước, đời vua Lý Thánh Tông, niên hiệu Long Thuỵ (1054-1072) đang thời thịnh trị. Thánh Tông có một vị ái phi tên là nàng Yến, tức Nguyên phi Ỷ Lan. Một hôm có ông thầy địa lý nói với Nguyên phi:

- Thiên Trường là nơi có khí tượng phát tích đế vương, nay lại thường thấy mây lành bao phủ. Nguyên phi nên tâu với hoàng thượng tìm cách mà yểm sớm đi, để khỏi lo di hoạ cho con cháu mai sau.

Nguyên phi đem lời ấy tâu với nhà vua. Thánh tông nhà Lý ghét những chuyện trù yểm khuất tất, người phán:

- Đức là ở người, mệnh là ở trời. Ngày xưa Tần Thuỷ Hoàng muốn tìm thuốc tiên để đổi mệnh trời, cuối cùng cũng chỉ là vô ích.

Nói xong, vua không cho trù yểm gì hết. Chuyện ấy về sau các quan cũng không còn ai dám nhắc lại.

Những ngày rét buốt của mùa đông rồi cũng tới, ánh nắng huy hoàng một thời thịnh trị dần tắt trên mái điện Thiên An. Đến đời vua Lý Cao Tông (1176-1210), vua ăn chơi xa xỉ, coi thường triều chính, ngày đêm vui thú với bọn cung phi, mĩ nữ. Dân tình đói khổ, người chết đầy đường. Bốn phương trộm giặc nổi lên như cỏ dại, vua cũng không để ý. Vì thế bọn Đàm Dĩ Mông ngày càng lộng hành bóc lột trăm họ, kỉ cương đổ nát, chính sự rối ren.

Bấy giờ là năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ mười (Ất Mão-1195), tháng hai sét đánh vào gác Ly Minh làm sập mái. Các quan tâu rằng:

- Trong nước dân tình đói khổ mà thánh thượng lại không chăm lo việc triều chính để lòng dân oán vọng thấu tận giời xanh nên mới xảy ra điềm ấy.

Cao Tông phán:

- Các ngươi động tý lại nói đến điềm giời, việc gì cũng bảo là giời phạt nhưng thực ra lại chẳng hiều làm sao như vậy. Trẫm nói cho mà hay, nước Đại Việt ta kể từ Ngô Vương Quyền đòi lại nền độc lập đến nay đã trên hai trăm năm mươi năm, trải qua nhà Đinh, nhà Lê rồi đến nhà Lý ta, vậy mà lâu đài cung thất vẫn tủn mà tủn mủn, lầu gác lụp xụp chẳng ra thể thống gì, làm cho bộ mặt quốc gia rất là nhếch nhác, không xứng mặt con rồng cháu tiên tý nào. Đấy! Giời giận chính là vì lẽ ấy đấy. Các khanh mau tìm phu thợ kiếm gỗ tốt, nung đủ gạch ngói. Trẫm sẽ cho dựng ngay trên nền đất ấy một cung điện cực lớn để đón trăng lên.

Lý Kính Tu tâu rằng:

- Nay muôn dân lầm than, của kho cạn kiệt mà thánh thượng xây dựng cung đài, thật không phải lúc. Xin bệ hạ mở rộng ân đức để bách tính được nhờ.

Đàm Dĩ Mông nói:

- Đế sư nói như vậy hoá ra ngày nay hoàng thượng hẹp đức lắm hay sao?

(Đế sư: Thầy của vua - Năm Nhâm Dần (1182) Lý Kính Tu được phong làm đế sư để dạy nhà vua học, từ đấy ngôi vị của Cao Tông mới được vững vàng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVsktt).)

Phạm Bỉnh Di cũng nói:

- Hoàng thượng là bậc thánh quân. Lời của người là thánh ý. Bề tôi chỉ nên tận tâm mà hoàn thành sứ mệnh, chớ bàn ra tán vào. Chẳng lẽ đế sư không hiểu điều đó?

(Phạm Bỉnh Di là một hoạn quan nhưng trước khi vào cung thì đã có con).

Trong triều khi ấy phần lớn là phường a dua nịnh hót, thành ra những người trung lương bị cô lập. Cao Tông giao cho Đàm Dĩ Mông lo việc đốc thúc bộ công dựng cung ấy. Tháng sáu năm sau xây xong, đặt tên là cung Ngoạn Thiềm. Dân chúng bị vơ vét đến cùng tận, kẻ ăn mày, người chết đói nhiều lắm. Tháng giêng năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ mười ba (Mậu Ngọ-1198) Đàm Dĩ Mông lại tâu rằng:

- Trước đây ai cũng coi giời là hơn cả, hoàng đế là con giời. Từ khi đạo Phật thịnh hành người ta chỉ biết đi kêu cầu cửa phật, coi nhẹ việc thờ phụng giời đất. Như thế chẳng phải là giảm lòng tôn kính với nhà vua hay sao? Vả lại phần lớn những thầy tu chẳng qua là lười biếng ngại việc nên trốn tránh ra ở chùa chứ người thành tâm hành đạo ít lắm. Xin hoàng thượng xuống chỉ đuổi họ về quê tự làm lấy mà ăn, cũng thêm ra được hàng vạn người trồng cấy.

Đế sư Lý Kính Tu tâu rằng:

- Xin hoàng thượng chớ nghe lời nói ấy. Người ta muốn sống được trước phải có đức tin làm gốc. Đạo Phật vào nước ta mấy trăm năm nay đã trở thành đức tin của dân chúng, đạt đến sự ngưỡng mộ thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần của trăm họ, nay tự dưng bắt bỏ đi, người ta không khỏi cảm thấy bơ vơ mà sinh ra tác loạn. Như thế chẳng phải nguy lắm hay sao?

Đàm Dĩ Mông bảo:

- Phật là đức tin thì giời, vua là cái gì? Chẳng lẽ giời và vua không còn đáng để cho trăm họ tin tưởng nữa hay sao? Ông là thầy vua mà toàn nói những lời phương hại đến bậc chí tôn.

Cao Tông phán rằng:

- Đàm Dĩ Mông nói có lý lắm. Việc này trẫm giao cho Phan Lân, Đỗ Quảng, Đỗ Kính Tu lo liệu, nội trong hai tháng phải đuổi hết các tăng đồ về quê làm ruộng.

(Đvsktt chép hai người tên là Kính Tu: Lý Kính Tu là đế sư; Đỗ Kính Tu là võ quan, sau này được thăng đến hàm Thái phó).

Đỗ Kính Tu can rằng:

- Từ khi Thái Tổ dựng nghiệp tới nay, triều ta được sự giúp rập của đạo phật đã nhiều. Việc đuổi tăng đồ thật chẳng nên làm.

Phạm Bỉnh Di nói:

- Người có đức thì giời ban thiên hạ chứ đâu phải do mấy ông thầy chùa giúp rập mà nên. Thiên tử đã truyền thánh chỉ, ông là võ quan sao không lo làm tròn chức nhiệm? Chẳng lẽ muốn kháng chỉ hay sao?

Cao Tông nói:

- Ý trẫm đã quyết. Từ quan đến đến bách tính, kẻ nào trái lời phải khép vào tội khi quân.

Đỗ Kính Tu không dám nói gì nữa, đành đi ra nói với Phan Lân, Đỗ Quảng:

- Đàm Dĩ Mông ngày càng tác yêu tác quái. Nhà Lý rồi đến bại hoại về tay nó mà thôi. Việc này chúng ta không làm thì trái mệnh vua mà làm thì trái lòng dân, biết sao bây giờ?

Phan Lân nói:

- Tôi nghĩ chúng ta cứ làm nhưng làm từ từ cho dân chịu được.

Ba người đồng tình mới đem quân đi đuổi tăng chúng ở các chùa về quê nhưng có kẻ nào chống lại cũng không bắt tội. Tháng Bảy năm ấy Ngô Công Lý làm phản ở Diễn Châu. Đinh Khả xưng là hậu duệ của Đinh Tiên Hoàng, làm loạn ở châu Đại Hoàng, có Bùi Đô giúp sức, thanh thế mỗi ngày một to.

Đàm Dĩ Mông tâu vua rằng:

- Bọn Đỗ Kính Tu, Phan Lân, Đỗ Quảng nhận chỉ đi làm việc mà chẳng hết lòng. Hoàng thượng nên triệu về bắt tội để làm gương cho những kẻ coi thường phép nước.

Phạm Bỉnh Di can rằng:

- Ba người ấy đều là võ quan trụ cột của triều đình. Hoàng thượng hãy sai họ đi dẹp loạn Đinh Khả ở châu Đại Hoàng, nếu thắng thì yên được nước, còn như bại vong nhân đó mà trị tội, không còn kêu vào đâu được nữa.

Cao Tông nghe theo, cho sứ đến truyền chỉ sai ba người đi đánh Đinh Khả. Ba tướng thoát được cái việc dẹp Phật đạo, mừng lắm đem quân đánh Đinh Khả. Quân của Đinh Khả vốn ô hợp, chưa đánh đã tan. Đinh Khả, Bùi Đô đều bị bắt giải về triều. Người nhà của hai tướng ấy mang lễ vật biếu Đàm Dĩ Mông rất hậu, nhờ xin với hoàng thượng cho. Do vậy hai người ấy không những không phải tội mà còn được tin dùng.

***

Năm sau, Thiên Tư Gia Thuỵ thứ mười bốn (Kỷ Mùi-1199), dân tình cơ khổ vì nạn lụt, mất mùa đói kém, mùa Đông lại rét to. Đàm Dĩ Mông tâu:

- Trời lạnh thế này, hoàng thượng nên vào Ái Châu săn voi, tránh rét thì hơn.

Nhà vua nghe theo, trên đường đi bắt dân phục dịch rất là khổ cực, người chết nhiều lắm, tiếng ta oán của bách tính lan đến tận hang cùng ngõ hẻm. Vua lại sai sứ thần sang Chiêm Thành sắc phong cho vua nước ấy. Khi trở về, sứ thần mang theo một khúc nhạc Chiêm nghe rất thê lương, ai oán. Cao Tông thích nghe khúc nhạc ấy lắm. Các quan nhiều người khuyên vua nên bỏ đi. Phạm Bỉnh Di cự lại rằng:

- Ý vua là ý giời. Vua thích là giời thích, việc gì phải bỏ.

Cao Tông cho là phải, ngày nào cũng sai nhạc công tấu bản nhạc ấy vài lần, ai nghe cũng cảm thấy buồn thảm mà sa lệ. Tăng phó là Nguyễn Thường than rằng:

- Bài tựa Kinh Thi nói: "Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán giận hờn". Nay dân loạn nước nguy, chúa thượng rong chơi vô độ, triều chính rối ren, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong.

(Nguyên văn trong ĐVsktt).

Đàm Dĩ Mông lại tâu với nhà vua:

- Bản nhạc này thật là sang trọng, cần có một cung điện hợp với nó, âm thanh mới càng vang động lòng người, lên được tới giời.

Cao Tông cho là phải, liền sai dựng điện Kính Thiên để dâng nhạc lên thiên đình. Bách tính vì thế mà cùng khổ không còn lời nào tả xiết. Điện Kính Thiên làm sắp xong, có con chim khách vào làm tổ trên mái, đẻ một đàn chim con. Đỗ Kính Tu tâu rằng:

- Xưa Nguỵ Minh đế làm gác Lăng Tiêu, có con chim khách đến làm tổ, Cao Đường Long can rằng: "Thần từng nghe câu: Chim khách có tổ, chim cưu đến ở. Nay chim khách đến ở nơi cung khuyết, theo ngu kiến của thần thì gác ấy có làm xong nữa tất có người họ khác đến ở". Xin bệ hạ xét lời của Cao Đường Long, trước cốt sửa đức, sau hãy khởi công mới phải.

Phạm Bỉnh Di nói:

- Vua là con giời. Con chim khách là loài nhỏ bé ti tiểu báo điềm giời thế nào được. Đó chỉ là chuyện huyễn hoặc. Thần cho rằng các quan phải dốc hết lòng trung giúp vua lo công việc, làm cho nhanh để chóng hoàn thành mới là đúng vậy.

Cao Tông cho lời ấy là phải, bắt các quan đốc thúc thợ thuyền đêm ngày làm gấp. Chúng dân vì việc ấy mà không còn đường sống, ly tán rất nhiều. Quan thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng nói với Đỗ Anh Triệt rằng:

- Hoàng thượng việc gì cũng nghe theo Đàm Dĩ Mông, lại được Phạm Bỉnh Di vào hùa. Tôi e vận số nhà Lý nguy đến nơi rồi.

Đỗ Anh Triệt nói:

- Bỉnh Di là một kẻ ngu trung. Người này ắt sẽ chết vì điều ấy.

Năm Trị Bình Long Ứng thứ tư (Mậu Thìn-1208), vua lập hoàng tử Lý Sảm làm hoàng thái tử. Quan coi việc quân ở Hoan, Ái là Phạm Du thu nạp dân lưu tán và bọn trộm cướp, cùng nhau đánh phá các châu huyện. Người Châu Quốc Oai cũng nổi lên đóng ở Tây Kết. Các quan tâu lên. Vua phán:

- Thì các khanh cử người mà dẹp chúng đi, sao việc gì cũng phải hỏi trẫm.

Quan Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di xin đem quân châu Đằng đi đánh. Vua chuẩn cho đi.

***

Mùa xuân, tháng giêng năm Trị Bình Long Ứng thứ năm (Kỉ Tỵ-1209), Phạm Bỉnh Di đem con trai là Phạm Bỉnh Phụ và bọn thuộc tướng Quách Bốc, Lê Khải đi đánh Phạm Du. Quân Phạm Du tuy đông nhưng là quân ô hợp đói khổ, chưa được rèn luyện chinh chiến bao giờ nên thua luôn mấy trận, quân tướng tan nát. Phạm Du chạy sang Hồng châu, dựa vào thế sông nước thủ hiểm. Phạm Bỉnh Di thu hết tài sản của Phạm Du chia cho dân nghèo, khuyên họ về quê cày cấy, không được làm phản. Dân chúng cảm ơn nhiều lắm. Những gì không thể chia được, sai quân lính đốt hết. Bản thân Bỉnh Di không lấy tí gì làm của riêng cho mình. Nghe tin ấy Phạm Du tức lắm, sai người mang vàng bạc vào kinh đô, đút lót cho bọn nội nhân, nhờ bọn này tâu với vua là Bỉnh Di tàn ác, giết người vô tội và bày tỏ tình cảnh của mình. Vua Cao Tông hồ đồ giận dữ, lập tức sai sứ đòi Bỉnh Di về kinh. Tháng bảy năm ấy Phạm Bỉnh Di về đến kinh thành, cho bọn Quách Bốc, Lê Khải đóng quân ở ngoài còn mình và con trai là Phạm Bỉnh Phụ vào triều. Các quan thấy vậy nói với nhau rằng:

- Phạm Bỉnh Di ngày thường a dua a tòng với Đàm Dĩ Mông, phen này chết là đáng.

- Thật ra Bỉnh Di chỉ là kẻ ngu trung nhưng được cái đức liêm chính, không tham lam, để ông ta bị tội cũng là đáng thương. Kẻ đáng ghét là Đàm Dĩ Mông kia.

Mọi người cho lời ấy là phải, sai người ra nói với Bỉnh Di rằng:

- Lời của Phạm Du đã đến tai vua trước rồi. Vua còn chưa nguôi giận. Ông nên trốn đi thì hơn.

(Nguyên văn trong ĐVsktt)

Bỉnh Di thản nhiên nói:

- Ta thờ vua tận trung mà bị gian tặc gièm pha ư? Huống chi lại có lệnh vua đòi, ta còn tránh vào đâu?

(ĐVsktt)

Nói xong, Bỉnh Di dắt con đi thẳng vào triều. Vua Cao Tông thét võ sĩ lôi cha con Bỉnh Di ra chém. Các quan đều quỳ lạy xin tha cho, Đỗ Kính Tu nói:

- Phạm Bỉnh Di là người thân thiết của hoàng thượng. Tuy chính kiến không phải lúc nào cũng đúng nhưng có đức liêm chính, được lòng người, nếu đem giết đi thế nào cũng loạn.

Nhà vua không nghe, phẩy tay áo, quay mặt đi vào. Thương thay, cha con Phạm Bỉnh Di có công mà chịu tội chết chém, phơi thây ngoài nắng. Ai trông thấy cũng gạt nước mắt xót xa.

Người nhà Lê Khải ra ngoài, báo tin dữ và khuyên Lê Khải, Quách Bốc đem quân trốn đi. Quách Bốc bàn với Lê Khải:

- Chúng ta chinh chiến có công, đã không được thưởng lại còn phải tội. Vua chỉ biết chơi bời, nghe lời xiểm nịnh. Trốn đi sao bằng đánh thốc vào trong thành, giết béng hôn quân, lập vua mới, vừa trả thù cho Phạm tướng quân, vừa cho thiên hạ được nhờ có hơn không ?

Lê Khải bảo:

- Ông nói phải lắm!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro