Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đất nước đứng lên

Phần thứ nhất

I

- Ơ! mai Du ơi, suốt lúa nhiều có đau tay không? Ngó lên trời kia kìa, cái nắng nó cũng bay với lũ con chim phí đẹp chưa? Lũ con chim phí đang ăn lúa trên bẫy, không ai đuổi cả, tự nhiên không hiểu nghe cái gì, cả lũ ngẩng mấy cái đầu nhỏ xíu lên nhìn ngang nhìn ngửa ngơ ngác, rồi bay vụt lên một loạt, nắng trên cánh đỏ đỏ nâu nâu. Mai Du nghe mai Liêu gọi, tay vẫn suốt lúa, ngẩng lên nhìn chim:

- Ơ! mai Liêu ơi, suốt lúa chưa nhiều, không đau tay đâu. Phải suốt cho mau chớ. Suốt lâu mai mốt thằng Pháp tới rẫy nó lấy hết hột lúa, không có mà ăn, bụng đói đi vào rừng đào cái củ mài, khổ lắm đấy! Hai chị em vừa suốt lúa vừa hát:

Lúa ta đã chín vàng

Chim ơi chim hãy bay đi!

Này con chim phí, chim kơ-tía

Chờ khi ta cúng giàng xong rồi

Chim hãy về đây ăn hạt lúa rơi

Lúa đó là của lũ chim

Còn lúa này là của ta

Vợ chồng ta mai chiều mang gùi ra rẫy

Khổ nhọc làm nên hạt lúa này...

Gùi lúa của hai người mang sau lưng mỗi lúc một đầy. Liêu quay lại nhìn Du hai ba lần, ngập ngừng, rồi đi sát lại gần Du, hỏi:

- Du ơi, khi mai đi ra rẫy, Du có ghé múc nước ở suối Thi-om không?

- Có múc ba trái bầu, bốn trái bầu đó, để trong nhà rẫy đó. Liêu có uống vào lấy mà uống. Liêu lắc đầu, đưa một ngón tay vén tóc phủ xuống trán:

- Không uống, không khát nước đâu... Nè, Du đi ra nước suối Thi-om, thế Du có thấy anh Núp lưng đeo gùi, tay cầm cái rựa, đi xuống phía suối Đất-hoa không?

- Có thấy. Anh Núp đi Đê-pô mua muối cho mẹ đấy. Liêu không suốt nữa, cứ vân vê bông lúa miết, sau mới nói nhỏ:

- Không phải đâu, Du à. Anh Núp đi An-khê đó. Đôi lông mày Liêu nhíu lên:

- Làng Kông-hoa mình không theo Pháp, nó kêu đi xâu, không đi, nó kêu đi thuế, không đi. Nó đánh, mình bỏ chạy trong núi, thế mình đi An-khê gặp nó, nó có bỏ tù không hở Du? Du cũng không biết:

- Nó biết chắc nó bỏ tù đó... nhưng mà anh Núp không đi An-khê đâu, mẹ anh Núp nói với tôi anh đi Đê-pô mà.

- Anh Núp nói với mẹ không thiệt cái miệng đâu. Cái bụng anh muốn đi An-khê, cái chân anh đi An-khê, mà cái miệng anh nói với mẹ là anh đi Đê-pô thôi... Du ạ, anh Núp nói với tôi là anh đi An-khê mà...

- Đi An-khê làm gì hè?

- Anh Núp muốn đi coi thằng Pháp thử.

- Coi thằng Pháp à, coi sao được nó, nó bỏ tù làm sao?... Liêu hỏi Du để đỡ lo lắng. Nhưng hỏi rồi lại càng lo lắng hơn. Buổi sáng nay, Liêu mang gùi ra rẫy, đến nước suối Thi-om thì gặp anh Núp. Anh Núp đứng trên hòn đá, nước chảy dưới chân. Nước chảy gặp hòn đá, nó tức quá, sôi bọt lên trắng xoá. Anh Núp lấy tay làm cái chén, đang uống nước suối. Anh đưa cho chị Liêu một cái "chum" rất đẹp.

- Cho em đấy. Liêu cầm cái chum, hai má đỏ, buộc thử ngang bụng, cúi xuống giấu hai con mắt đen láy, nói:

- Khi hôm Liêu nghe anh thổi kèn đing-nam, hay quá... Bây giờ, anh đi đâu?

- Anh đi An-khê. Liêu mở tròn hai con mắt lớn:

- Đi An-khê làm chi? Anh không sợ thằng Pháp à? Tháng trước lũ làng Ba-lang không chịu đi xâu, nó tới bỏ bom chết ba mươi người. Ngày bữa kia, nó bắn làng Đê-tùng trong nhà rông chết mười bảy người. Nó ghét người Ba-na mình lắm, anh đi coi nó làm chi? Núp lấy ngón chân tẩy một cái rêu trên hòn đá:

- Nó làm chết người Ba-na mình nhiều quá, Liêu ạ. Anh đi coi thử đánh có được không... Thôi, ông trời lên cao rồi, anh đi cho kịp.

Liêu không hiểu gì cả, đứng nhìn theo, thấy cái tóc của Núp gió thổi bay bay, rồi mất vào trong lá cây màu xanh. Liêu tháo cái chum ra, nhúng xuống nước cho dẻo sợi giang, quấn tròn lại, giấu thật kỹ vào đáy gùi, rồi leo lên đường, đi ra rẫy. Đi ngang qua rẫy của anh Núp. Liêu dừng lại ngó vô. Lúa của Núp chín rồi, bà mẹ anh đang suốt, cái lưng cong xuống. Cái rẫy của anh Núp tốt quá, to quá, to nhất làng Kông-hoa. Bề dài nhiều sải tay lắm, đếm lộn nhiều lần, đếm không hết. Bề ngang cũng nhiều sải tay lắm, đếm cũng không hết. Trước kia ở đây có nhiều cây to, ba bốn người nối tay nhau ôm không hết cái bụng cây, có nhiều hòn đá to, bằng con heo cũng có, bằng con trâu cũng có. Anh Núp không có cha từ năm lên hai tuổi, chỉ còn mẹ già, em nhỏ, thế mà giỏi quá. Một mình chặt miết cũng ngả được cây to, đẩy được hòn đá, cho lửa ăn cái rừng, tỉa lúa, tỉa bắp xuống, làm ăn no đủ nhất làng. Lũ già làng như bok Pa, bok Sung thương anh Núp, tối ngồi ở nhà rông, gõ ống điếu xuống cối gạo, khen:

- Núp con người tốt, biết làm ăn, thanh niên trong làng làm rẫy không ai bằng Núp. Lũ làng có ai đau, Núp trước tiên đi vô rừng hái cái lá tốt về cho uống mau lành; lũ làng có ai chết, Núp trước tiên đi vô núi tìm cái cây to về làm hòm. Con người có cái tay giỏi, đan cái gùi cũng được, đan cái rổ cũng được. Già làng nói biết nghe lời, tốt lắm!... Liêu nghĩ mãi quên cả suốt lúa. Du quay lại, thấy Liêu đứng lặng một chỗ, tay cầm cái bông lúa, mắt ngó chăm chăm. Buổi mai này, lục trong gùi của

Liêu thấy cái chum giấu kỹ trong đó, biết là chum của anh Núp cho, tự nhiên Du cũng hơi buồn, ngực hồi hộp, từ mai giờ ít muốn nói chuyện. Nhưng bây giờ thấy Liêu lo, trong bụng Du chỉ thấy thương Liêu hơn. Du rón rén đi tới sau lưng Liêu, hù một cái. Liêu giật mình, suýt đổ cả gùi lúa. Hai chị em ôm nhau cười giòn tan. Du chỉ vào mặt Liêu.

- A, bắt được rồi, bắt được rồi, con mắt mày ngó cái bông lúa mà cái bụng mày nghĩ tới anh Núp, phải không? Liêu nắm chặt lấy hai tay Du, hai má đỏ lên, tóc đổ xuống trán, lắc đầu chối:

- Không phải đâu! Không phải đâu!

Núp lội qua suối Thi-om, đi một đoạn đường rừng, tới con suối lớn Đất-hoa. Bên này suối Đất-hoa là làng Kông-hoa của Núp, bên kia suối Đất-hoa là làng Ba-lang. Hai làng ở gần nhau, ngày cúng lúa mới, ăn cơm mới, thường qua lại đánh chiêng với nhau nên quen. Hôm nay lũ người Ba-lang đi bắt cá ở suối Đất-hoa nhiều. Ba-lang trước nay cũng không chịu đi xâu, nộp thuế cho Pháp, Pháp đem máy bay đi tìm. Lũ người nhỏ không biết, chạy ra coi. Nó thả bom xuống. Bom nổ ra lửa. Lửa ăn cả rừng, cả người. Mẹ bồng con, tay con còn chỉ cái máy bay, cả mẹ cả con thành cục than. ạng già chết không còn râu, không còn tóc, nằm queo trên hòn đá. Ba mươi người không biết sống nữa rồi. Lũ người còn lại rúc trong hốc đá không dám đi ra rẫy, ăn trái cây như con thú trong rừng. Pháp cho người theo nó tới nói:

- Về đầu Pháp đi, Pháp còn trái bom có thứ lửa ăn được cả hòn đá nữa, mai mốt Pháp còn đi thả tất cả núi rừng. Ba-lang phải về đi xâu, đi thuế. Còn một số người chưa chịu về, trốn ở hai bên bờ suối Đất-hoa, nghe máy bay kêu thì xuống nước trốn lửa. Không có gì ăn, chỉ còn da, không còn thịt. Từ đời ông đời cha, người Ba-na đã khổ như thế này rồi. Đi xâu đi thuế cho Pháp hai tháng, ba tháng, bỏ rẫy, chết người, nhớ núi, nhớ suối. Không chịu nổi, phải chạy vô núi trốn. Trốn trong núi một tháng, hai tháng. Pháp đi tìm ra, lại phải về đi xâu, đi thuế. Miết miết như thế, không biết khi nào hết... Qua suối Đất-hoa, Núp gặp một ông già cõng một đứa con nít. ạng già không có áo, không có khố mặc, áo khố Pháp đốt cháy hết rồi, chỉ có một miếng vỏ cây đập dẹp đeo trước bụng. Núp nắm tay thằng bé, hỏi:

- Tên nó là gì?

- Tên nó là Xá đấy.

- Cha mẹ đâu?

- Cha mẹ đi xâu cho Pháp chết mất rồi. Em ruột Núp cũng tên là Xá. Em Xá và mẹ rồi cũng như thế này. Núp cắn môi, bỏ đi, quên chào ông già.

° ° °

Núp đi suốt ngày mới tới Đê-pô. Hỏi Đê-pô không có muối, nhờ người Đê-pô dẫn đi An-khê, Đê-pô là làng ở gần An-khê, từ đời ông bà đã có đánh Pháp, sau đánh không nổi, phải về ở đây. Người làng Đê-pô nhận Núp là bà con, dẫn đi An-khê, Pháp sẽ không hỏi gì... Đi càng tới gần An-khê, rừng càng thưa dần. Từ nhỏ quen đi trong rừng rậm, bây giờ ngó lên thấy ông trời đất rộng, núi bốn phía thấp xuống, tự nhiên Núp nghe lành lạnh. Núp đi chậm lại, nghĩ:

- Mẹ biết mình đi An-khê, chắc mẹ muốn khóc lắm. Pháp bắt mình, chắc mẹ chết quá. Có khi đang đi, Núp đứng lại, quay ngó phía sau lưng, phía hòn núi Chư-lây. Người Đê-pô dẫn đường hỏi:

- Sao đó, không đi nữa à?

- Không phải đâu... đi chớ, con kiến cắn cái chân gãi một chút... Phải đi chớ, thế nào cũng phải đi! Cứ nhớ tới đêm qua nói chuyện ở nhà rông, thì Núp lại nhất định phải đi, đi cho tới An-khê. Đêm hôm qua, Núp gùi củi ở rẫy về trễ, ăn cơm xong lên nhà rông, thanh niên đã họp đông đủ. Ghíp đánh đờn tơ-rưng. Mai Du hát bài hát nói cái đất nước Ba-na tốt đẹp:

Ta luyến ta thương

Đất nước ông bà

Cái nơi làm rẫy,

Cái bến nước ăn

Cái làng cũ, cái nhà xưa

Nơi bãi cỏ xanh xanh

Có con trâu con bò gặm cỏ.

Ta luyến ta thương

Dòng suối nước trong

Và rừng ta đi về lấy cây suốt cá

Rừng ta đẹp chim bay về làm tổ

Nước ta trong bờ suối nở hoa rừng...

Bok Sung gõ ống điếu xuống nhà sàn cho lửa ăn thêm nhiều củi nữa, ngọn nó cháy to lên, rồi như thường lệ mọi đêm, bok bắt đầu kể chuyện cho lũ thanh niên nghe. Đêm nay bok Sung kể chuyện gươm ông Tú. Chuyện này xảy ra đã lâu lắm rồi. Ngày nay, ông Tú đã chết, nhưng sông, núi ông Tú vẫn còn. Bok Sung đưa một ngón tay ra hiệu cho mọi người im lặng, lắng tai nghe. Trong đêm núi rừng thanh vắng, xen lẫn tiếng lửa tí tách, nghe rõ ràng có tiếng nước suối chảy rì rào. Bok Sung chậm rãi nói:

- Có nghe rõ không?... Đó là tiếng nước suối Thi-om. Nước suối Thi-om chảy về nước suối Đất-hoa. Nước suối Đất-hoa chảy về nước con sông Ba. Nước con sông Ba chảy qua làng ông Tú, rồi còn chảy xa nữa chảy miết xuống đến chỗ rẫy của người Kinh, rồi chảy ra một con sông rất lớn, không có bờ, người Kinh gọi là biển...

Lũ thanh niên ngồi nghe bok Sung kể chuyện, tưởng như thấy rõ ràng ông Tú trước mắt rồi. ạng Tú người to lớn, râu lưa thưa, con mắt ướt mà ngó thẳng, trên khố giắt một cái gươm dài. Đất nước mình, Ba-na, ‰-đê, Kinh, M' nông, Xơ-đăng... không ai có cái gươm như gươm ông Tú. Cái gươm đó không phải là gươm thường, đó là một cái gươm giàng. Có cái gươm đó, không ai dám tới lấy đất nước mình, bắt người mình đi xâu, nộp thuế. Tự do đi làm rẫy, tự do đi bắt cá dưới suối, đi săn con thú trên rừng, ăn no, mặc đẹp, đánh chiêng, thổi kèn, bao nhiêu tre lồ ô trong núi đốn về làm đờn tơ-rưng, mùa lúa mới đánh đờn vui chơi cho hết một ông trăng... Cũng có một lần Pháp tới kêu người Ba-na đi xâu. ạng Tú đem gươm ra đánh, Pháp thua chạy hết cả...

Nhưng có một bữa, trời mưa to gió lớn, sấm sét. Nước sông Ba to lên, chút nữa ngập hết rẫy làng. ạng Tú đem gươm ra múa, đánh mưa gió, cứu dân. Mưa gió phải chịu thua. Nhưng ông Tú múa mạnh quá, rớt mất cái lưỡi xuống sông Ba, chỉ còn cái cán cầm trong tay. Nước sông Ba chảy, trôi lưỡi gươm về dưới xuôi, người Kinh lấy được. Người Kinh giữ cái lưỡi, người Thượng giữ cái cán, hai người ở xa nhau, Pháp tới không có cái gì đánh nên phải thua. Pháp lấy được đất nước mình, bắt mình phải đi xâu, nộp thuế... Lũ thanh niên ngồi nhìn chăm chăm vào đôi mắt sâu và đen của bok Sung: chính đôi mắt ấy của bok đã nhìn thấy ông Tú đấy! Bok Sung thong thả vo một viên thuốc, nhét vào ống điếu, bẻ một cái nẹp ở sàn nhà, bắt lửa châm thuốc hút phà khói dày đặc. Cả cặp mắt sâu, cả hai gò má cao và nhăn, cả chòm râu dài và bạc của bok chìm mất trong khói. Bok Sung đợi cho khói tan dần, lũ thanh niên hết bàn tán xôn xao mới nói tiếp:

- Bok Thiêng là ông nội tôi, bok Klăng là cha tôi dặn con cháu: muốn đánh Pháp phải đi tìm người Kinh, chắp lại cái gươm thì mới đánh thắng... Bok Sung kể hết chuyện, đêm đã khuya. Con chim chao-ao bay ngoài trời kêu "Chao ao! Chao ao!" Con cọp "bép" trên núi Chư-lây. Lũ già làng về đi ngủ cả. Chỉ còn thanh niên ở lại nhà rông, hơn mười người, ngồi lặng quanh bếp lửa. Nước suối Thi-om cứ chảy rì rào, rì rào trong đêm tối. Nước suối đó đi miết một đêm nay, sáng mai thì tới con sông Ba, trưa mai chắc tới ngang làng ông Tú... ạng Tú chết đã bao nhiêu năm nay rồi?

Tại sao người Ba-na không ai biết đi tìm người Kinh để chắp lại cái gươm? Cái lưỡi gươm đó bây giờ lạc đi đâu rồi? Những lần đi làm xâu ở An-khê, người Kông-hoa như Núp, như Ghíp, như bok Pa... đều đã gặp người Kinh. Người Kinh cũng phải đi xâu, đi thuế cho Pháp, cũng khổ thế, có ai biết lưỡi gươm họ để đâu? Không có gươm ông Tú, đất nước khổ đến khi nào mới thôi? Cách đây mười năm, 1925, có người M' nông tên là Ma-trang-Lơn nổi lên đánh Pháp ở Lấc: Nhưng rồi sau cũng phải thua, cũng phải đi xâu, đi thuế. Chắc bok Ma-trang-Lơn cũng không tìm được gươm ông Tú... Lửa cũng suy nghĩ, nó thấp ngọn xuống. Cả nhà rông im lặng. Gia nói trước tiên:

- Lúa trên rẫy chín hết rồi, chắc thằng Pháp sắp đi lùng. Câu nói đột ngột làm cho mọi người lo lắng. Xíp ngồi trong bóng tối, đập một con muỗi, nói như nói một mình:

- Làng Ba-lang như cái cửa, làng Kông-hoa như cái nhà. Tháng trước Pháp thả bom Ba-lang, Ba-lang thua nó rồi. Chắc tháng này nó đánh đến Kông-hoa mình. Ghíp, người thanh niên thổi kèn hay nhất trong làng, cũng ngồi trong bóng tối, trùm chăn kín đến cổ, không thấy mặt, chỉ thấy đầu tóc quăn. Ghíp thở dài:

- Sắp mất cái nhà, cái rẫy rồi, sắp đi vô rừng đào củ mài ăn rồi, khổ quá. Lúa ngoài rẫy đó không biết có ăn được không. Giàng bắt thằng Pháp đi, ác lắm! Một người đứng dậy, giọng nói ồ ồ:

- Năm nay không chạy nữa, phải đánh nó đi, đánh nó chết mình mới có lúa ăn. ạng bà trước đánh Pháp, sao bây giờ mình không đánh. Chạy miết không sống nổi đâu. Chết hết người Ba-na còn gì. Người vừa nói câu đó là một thanh niên vạm vỡ, quấn chăn, ngậm ống điếu, đứng che cả bếp lửa. Lửa cháy bập bùng soi bóng anh lúc to lúc nhỏ lên tường nhà rông. Anh thanh niên có cặp mắt ướt, râu lún phún từ mang tai đến cằm. Ghíp thở dài, trả lời anh:

- Đê Núp ơi, đánh Pháp không được đâu. Phải chạy nữa thôi. ạng bà ngày trước cũng đánh không nổi, thua rồi đó. Núp rút cả cái ống điếu ra khỏi miệng, quay lại hỏi:

- Tại sao đánh không được? Gặp mắt sáng của Núp nhìn chọc thẳng vào bóng tối. Ghíp đã ngồi chỗ tối rồi, còn tụt lui vào bóng tối sâu hơn nữa. Ngồi xa lửa nghe hơi lạnh dưới sàn nhà thổi lên, thấm vào trong chăn, Ghíp càng rụt cổ lại, không trả lời. Nhong, anh thanh niên lớn tuổi nhất, xếp lại mấy cây củi, chậm rãi nói:

- Pháp có xe, có máy bay, có súng nhỏ, súng lớn, ông bà đánh không được vì bắn nó không chảy máu đâu. Không khí nhà rông trở nên ồn ào. Kẻ nói Pháp cũng là người, bắn nó cũng phải chảy máu. Người nói nó như hòn đá, như cái cây, nó là Giàng. Trên trời nó đi cũng được, dưới nước nó đi cũng được, đánh trúng nó, nó không có máu. Ngày trước bok Klăng đánh, nó đem máy bay tới bay trên làng, bok Klăng lấy ná bắn trúng máy bay, cũng không thấy chảy máu, không thấy chết. Cãi nhau mãi tới lúc con chim chèo bẻo kêu. Ghíp vẫn thở dài, lắc đầu. Lũ thanh niên đều nghe theo Ghíp và Nhong. Chỉ còn một mình Núp chưa tin. Bàn tay to và đen nắm trùm cả đầu ống điếu còn nóng, Núp nhìn lửa, nói như nói với chính mình.

- Để coi thử đã...

Đêm đó, chị Liêu nằm nghe nhiều tiếng đờn kơ-si réo rắt như tiếng gió thổi qua rừng sim. Nhưng Liêu cố chong tai lắng nghe không thấy có tiếng đờn của Núp. Liêu quen tiếng đờn đó lắm. Nghe tiếng đờn đó, tự nhiên trong bụng muốn trở dậy đi ra tỉa lúa cho mau xanh, muốn đi lên núi tìm con nai, tay muốn siêng dệt cái vải, đan cái rổ, cái gùi, và muốn thương nhau... Núp không ngủ được. Sáng hôm sau, anh dậy sớm mang gùi, cầm rựa nói với mẹ:

- Ghè muối nhà mình hết rồi. Con đi Đê-pô mua muối. Pháp có đi lùng cũng có muối ăn với rau, khỏi đói. Mẹ dặn Núp:

- Pháp không thương người mình đâu, con ạ. Con đi phải để cái lỗ tai nghe tiếng chân nó, nó muốn giết người Ba-na mình lắm. Núp thương mẹ quá, anh muốn nói thật:

- Mẹ ơi, con đi An-khê đây. Nhưng nghĩ: mẹ biết mình đi An-khê chắc mẹ khóc lắm. Mẹ khóc, chân mình đi không được. Nên lại thôi. Đi qua rẫy, thấy lúa tốt, tức trong bụng quá:

- Giàng bắt thằng Pháp đi, mày làm khổ mẹ tao. Tao đi coi mày cho kỹ, mai mốt phải đánh mày chảy máu mới được!

II

Xíp nói đúng. Pháp đánh Ba-lang như mở được cửa rồi. Pháp bắt người Ba-lang dẫn đi đánh Kông-hoa. Người Ba-lang trước không chịu đi, sau phải chịu đi. Pháp đánh Kông-hoa vừa khi mới suốt lúa xong, nhà rẫy nào cũng đầy lúa tới mái. Buổi sáng đi rẫy, bỗng nghe tiếng súng nổ. Thôi! Khổ rồi! Pháp đánh tới rồi! Súng nổ xa, rồi súng nổ gàn. Súng nổ nhỏ, rồi súng nổ to. Không kịp dọn cái nhà, không kịp bắt con heo, con trâu, không kịp lấy cái áo, cái khố. Mỗi bếp chỉ kịp mang một cái gùi gạo, một cái nồi, chạy lên núi Chư-lây. Mẹ Núp cõng em Núp trên lưng, lưng mẹ đã còng, thêm cái lưng em lên trên, lại còng hơn nữa. Mẹ sợ quá, không biết cầm cái gì, chỉ cầm cái bình đựng vôi ăn trầu. Mẹ kêu:

- Núp ơi, con cõng gùi gạo này đi. Gấp gấp, gấp gấp! Lần này chắc cháy cái nhà, chết con heo, mất hột lúa rồi! Giàng ơi! Núp ở nhà rông vừa về, tay cầm cái ná, lưng đeo bó tên. Núp mang gùi gạo, bước xuống thang đi tìm Xíp:

- Xíp mang giùm cái này vô trong núi cho mẹ tôi ăn. Xíp hỏi:

- Sao Núp không mang?

- Tôi mắc ở lại đánh Pháp đã. Xíp kêu:

- Ố, anh Núp, không được đâu! Nhưng Núp đã kề lưng, sang gùi gạo cho Xíp, Xíp nhìn cặp mắt Núp màu hung sẫm. Xíp biết nói gì Núp cũng không nghe nữa đâu. Xíp mang gùi gạo chạy theo lũ làng. Mẹ Núp ra tới đầu làng, quay lại không thấy Núp đâu, vừa kêu vừa khóc:

- Ớ Núp ơi, Núp ơi! Núp chạy đến:

- Mẹ đi đi, con gởi gùi gạo cho Xíp mang vô núi trước rồi. Con không đi đâu, con ở lại đánh Pháp thử đã. Mẹ đi trước, đánh Pháp chảy máu rồi, con đi theo sau. Bà mẹ già suốt từ ngày Núp đi An-khê về đến nay đêm nào cũng khóc. Mẹ nói:

- Núp ơi, sao con không thương mẹ, sao con nói với mẹ không thiệt. Con đi An-khê làm chi. Ai người theo Pháp đi An-khê Pháp cho đi, ai người không theo Pháp đi An-khê Pháp bỏ tù. Con có theo Pháp đâu mà con đi An-khê. Núp nhăn mặt:

- Mẹ ơi, con không theo Pháp đâu. Con đi coi Pháp cho biết, bữa sau đánh Pháp! Con coi nó kỹ rồi, cái súng nó, cái xe nó, cái tàu bay nó giỏi thật, nhưng con người nó cũng giống con người mình thôi, không phải ông trời. Mai mốt con bắn thử xem có chảy máu không. Mẹ Núp kinh ngạc:

- Ố, ố, một mình con đánh nó không được đâu!

- Được, mẹ ạ. Con đánh thử trước, lũ làng bắt chước sau... Bây giờ Pháp tới rồi đó. Núp muốn đánh thử rồi. Bà mẹ nhìn Núp. Núp đã lớn, đã cao hơn mẹ một cái đầu rồi. Mẹ biết cái miệng người già nói không được cái bụng thanh niên đâu. Mẹ biết cái trán Núp bây giờ lớn lên đã nhô ra giống y hệt cái trán cha hồi trước, ương ngạnh lắm. Mẹ chùi nước mắt đi theo lũ làng, vừa đi vừa dặn với lại:

- Đánh phải coi con đường trước, phải coi con đường sau!

Núp ngồi trong nhà rông chờ. Mặt trời vàng ngọn cây xoài trước làng, rồi vàng dần đến thân, đến gốc cây. Súng nổ ít. Hay Pháp đi đường khác rồi? Núp đi ra suối Thi-om coi thử. Đang đi, dừng lại, nghe có mùi khét. Con cọp? Nghe hòn đá nhỏ kêu lắc cắc. Lạnh trong lưng. Không phải con cọp. Thằng Pháp rồi! Mùi thằng Pháp cũng khét như mùi con cọp, khi đi An-khê Núp biết một lần rồi. Núp lùi lại một bước. Tự nhiên Núp muốn chạy. Ngó quanh ngó quất, không có cái bụi, không có cây to. Bốn phía toàn tranh. Phải có cái cây, cái bụi, hòn đá của mình nó giúp mình mới đánh được. Núp vụt chạy một mạch về làng. Ra sau cây xoài, ngồi xuống, lên ná, sẵn sàng. Pháp tới một đứa, hai đứa, ba bốn đứa, một chục đứa. Núp ngó kỹ. Chúng nó không thấy Núp. Con mắt nó ngó nhà, ngó cửa, ngó cây, ngó rừng, lấc láo, cái gì cũng lạ, nó sợ... Núp định bắn. Nhưng tự nhiên, tay Núp hạ ná xuống. Sực nhớ lời Ghíp: nó có chảy máu không? Bắn nó không chết, mình làm sao chạy được? Chúng nó đi vào nhà rông hết rồi. Một chặp lâu, nghe loảng choảng, loảng choảng trong nhà rông. Nó đập ghè rượu. Nó đập cái gì nữa, đổ lung tung, rầm rầm. Núp muốn chạy ngay vào nhà rông. Nhưng, một thằng Pháp đã thò đầu ra cửa nhà rông, nhìn qua nhìn lại. Nó bước ra. Nó đi lại cây xoài, thẳng tới chỗ Núp. Gần rồi. Núp nhìn nó chăm chăm. Hai bên mang tai nóng lên từ khi nào. Thằng Pháp không thấy gì. Nó đi nghênh ngang, ngực nó có lông, một túm đen, dày. Mắt nó màu xanh lét. Tóc hung. Nó như một con thú. Núp sực nhớ khi đi bắn con cọp, thằng Pháp giống y con cọp. Con cọp tới gần rồi. Một bước nữa thì nó thấy Núp. Cái mũi súng của nó hỉnh lên, đánh hơi. Núp chỉ còn thấy cái bụng nó. Pựt!

Núp bắn rồi! Mũi tên trúng phập vào giữa bụng thằng Pháp. Nó đứng sững lại. Khẩu súng rớt. Nó ngã ngửa ra. Nó kêu, giống ý con trâu bị đâm. Bọn Pháp trong nhà chạy ra đông quá, đếm không hết. Núp muốn chạy rồi. Nhưng con mắt còn muốn coi. Có máu không? Núp dòm một cái: thằng Pháp nằm ngửa, mũi tên cắm giữa bụng. Bụng nó trắng như một con ếch. Không có máu. Sao he? Sao không có máu? Một thằng khác tới, cầm mũi tên rút ra. A! Từ cái bụng trắng, một dòng máu đỏ chảy ra, rồi nhiều máu, nhiều máu nữa chảy ra, rất mạnh, chảy tràn hết cái bụng, chảy thấm xuống đất làng Kông-hoa. Núp vụt chạy, Pháp hô:

- Văn xê! Văn xê

Moóc-chi-ê đuổi theo. Nổ bên trái, đùng! Nổ bên phải, đùng! Nổ sau lưng. Đạn muốn chạy theo Núp, kêu chít chít. Nhưng Núp chạy vô trong rừng rồi. Núp chạy luồn qua luồn lại trong rừng. Đạn không biết luồn, chỉ chạy thẳng, bị cây chắn lại hết. Đạn nổ trên cành cây, lá đổ rào rào trên lưng Núp. ... Nhưng, súng im dần, rồi không nổ nữa. Trời tối xuống rồi. Con chim đi ngủ, thằng Pháp còn ở trong làng. Núp đi vô núi, tìm lũ làng. Đi miết không gặp. Đi phía tay phải, không có. Đi phía tay trái, cũng không có. Có khi nghe "sột"... tưởng lũ làng, nhưng lại nghe "béo... éo!" biết con cọp. Có khi mệt quá, gục đầu vào gốc cây, để cho lá cỏ lạnh nó xoa vào mặt, ngủ thiếp đi. Nhưng lại giật mình, tỉnh dậy. Không được. Ngủ ở đây, con cọp ăn mất. Con cọp ăn không ai nói cho Ghíp, Nhong, cho lũ làng biết thằng Pháp cũng chảy máu, cũng chết, không phải ông trời. Đi suốt một đêm trong rừng. Khi mừng thằng Pháp cũng chảy máu, khi tức nó lấy hết lúa rồi, khi thương mẹ chắc khóc nhiều lắm, khi nghĩ mai Liêu không biết chạy đi đâu rồi... Đến sáng còn đi, hết sương còn đi. Đi tới chỗ nước suối không biết tên. Bỗng thấy cái lá trên ngọn suối lắc qua lắc lại. Có người! Có bốn, năm đứa con nít. Thôi, đúng lũ làng rồi! Lũ làng thấy Núp, bỏ chạy. Núp bắc tay lên miệng kêu:

- Không chạy nữa, không chạy nữa! Núp đây mà, không phải Pháp đâu! Bốn năm người chạy ra:

- Ạ! Anh Núp, anh Núp thiệt! Lũ làng ơi, thiệt anh Núp về rồi đây nè!

- Bà mí ơi! Bà mí ơi! Thôi, không khóc nữa! Anh Núp về rồi, đây nè!

- Ạ, anh Núp ơi, nghe súng nổ nhiều sợ không còn anh Núp nữa, khóc Núp sưng con mắt rồi đấy! Lũ làng xúm lại vây quanh. Núp cười nhìn mọi người, nhìn mẹ:

- Mẹ ạ, lũ làng ạ, tôi bắn chảy máu một thằng Pháp rồi. Pháp không phải ông trời. Pháp đánh cũng được. Lũ thanh niên nhao nhao lại hỏi. Chỉ có Ghíp đứng sau thở dài:

- Miệng anh Núp nói có thiệt không? Lũ thanh niên quay lại nhìn Ghíp. Bok Pa già, cái đầu sói, bok lấy hai tay đẩy thanh niên ra hai bên, đi đến gần Núp, để tay lên vai nói:

- Anh Núp xưa nay không biết nói sai. Bây giờ im lặng để anh Núp nói nghe.

Ghíp lẩn ra sau một cây to, đứng một mình. Ghíp nghe ồn ào rất lâu, rồi sau cùng bok Pa nói:

- Núp làm như thế trúng cái bụng tôi lắm. Nhưng bây giờ Pháp chết người, Pháp thù Kông-hoa hung rồi, phải đi, đi xa nữa lũ làng ạ. Núp nói:

- Tôi không muốn đi, tôi muốn cứ về ở Kông-hoa, Pháp tới, tôi, lũ thanh niên đánh nữa. Ghíp mở tròn con mắt trắng dờn. Không, Ghíp cũng không muốn đi. Ghíp muốn trở về làng Kông-hoa, ở đó có thứ tre lồ ô mỏng vỏ làm đờn tơ-rưng rất tốt, ở đó Ghíp hay thổi kèn đing-nam bên bờ suối Thi-om, Ghíp muốn như anh Núp...

Cả làng kéo nhau đi năm ngày trong núi. Ban ngày đi, ban đêm Núp rủ lũ thanh niên lên ngồi trên hòn đá, coi chừng con cọp, con voi cho bà già, ông già, con nít, phụ nữ ngủ. Bok Pa đêm nào cũng tới chỗ Núp. Bây giờ Núp phải nghe lời bok rồi. Trở về Kông-hoa không được, mình còn yếu, Pháp trả thù thì chết cả làng. Núp hỏi:

- Phải đi xa, đi đâu bây giờ hở bok?

- Núp ạ. Ba-lang, Kông-ma, Đê-ta, Nga-gió, Hà-ro... bây giờ chịu về đi xâu cho Pháp hết rồi. Quanh hòn núi Chư-lây này, chỉ còn Kông-ka, Hà-nừng, Kông-lê xưa nay Pháp chưa tới. Kông-hoa mình phải lên làm làng ở gần đó, dựa vào ba làng đó mới sống được. Bok Pa mới chết vợ, còn một đứa con nhỏ, phải cõng trên lưng. Bok nói:

- Núp à, bây giờ bụng tôi đúng như bụng Núp, tới chỗ mới tôi cũng làm ná, Pháp tới nữa thì phải bắn. Nhưng con tôi nhỏ quá, chắc tôi bắn không được. Núp muốn tôi làm gì. Núp nói tôi biết, tôi đi làm ngay.

- Bây giờ phải nói cho lũ thanh niên chịu làm ná. Bok già chắc nói lỗ tai người nào cũng muốn nghe theo. Bok Pa cõng con đi nói ngay. Núp đứng một mình, suy nghĩ liên miên. Nhất định phải đánh Pháp, đánh được... Con suối chảy rì rào dưới chân Núp, chỗ tối đen, chỗ loang loáng sáng. Trong bụng Núp bây giờ cũng như thế. Núp đứng nhìn suối suốt đêm không ngủ... Làng mới làm lên bên bờ một con suối, cách làng Kông-ka nửa ngày đường, ở yên ổn được một năm.

III

Núp đứng dưới nhà sàn, trong bóng tối, tiếng con nít khóc nghe vừa buồn, vừa đau trong ruột, vừa bực tức. Núp nhớ tới đứa con bok Pa. Nó tên là Tun. Không có sữa mẹ, bok Pa phải nhai bắp non mớm cho nó. Bok để nó nằm ngửa giữa sàn nhà, cúi xuống, nước bắp non chảy dài trên má thằng bé, chảy xuống sàn. Hai cánh tay bok Pa giang ra, chống xuống sàn, giống như hai cánh con gà trống che cho gà con mất mẹ, to quá mà lại che không kín. Thằng bé không lớn được. Nó giống cha, nó chỉ có hai con mắt lớn, sáng, màu nâu.

- Bok Pa ơi, bây giờ bok ở chỗ nào rồi. Thằng Tun chắc tối nay nó khóc lắm. Bok dỗ, nó kêu mẹ miết, nó không chịu nín. Khổ quá! Thù thằng Pháp quá!... Bok Pa bị Pháp bắt buổi sáng này rồi. Nó bắt cả Tun nữa. Tháng trước nó tới làng Kông-lê. Kông-lê chạy hai lần rồi cũng phải về đầu nó, chịu đi xâu. Sáng nay, nó tới rẫy làng Kông-hoa. Núp đi Kông-ka đổi muối chưa về. Thanh niên cũng có bắn ná. Nhưng Pháp bắn súng nhiều, thanh niên phải chạy cả. Nó bắt bok Pa, Tun, mai On, Gung, Gia, dẫn về đồn. Sẩm tối nó cho một người Kông-lê lên nói với Kông-hoa:

- Pháp bỏ tù năm người Kông-hoa rồi. Dân làng Kông-hoa chịu về đầu hàng hết, Pháp tha năm người. Không chịu, Pháp giết năm người. Bây giờ Núp đứng đây, ông già Sung, Xíp, Ghíp, Du... đứng chung quanh. ạng già Sung nói:

- Núp ơi, tôi không muốn bok Pa chết, tôi không muốn Tun chết... thôi, phải về đầu Pháp, đầu phép thôi, Núp ạ. Núp cầm cái ná, muốn bóp dẹp cái ná:

- Tôi không biết về đầu nó đâu!

- Thế Núp có muốn bok Pa, Tun, On, Gung, Gia chết không? Núp cũng không trả lời được. Anh cắn cái răng, con mắt cay như có ớt. Cái ngực tức quá. Tại sao? Tại sao he? Tại sao cứ thua Pháp miết thế này? Làng Kông-lê cũng thua rồi. Mai mốt làng Kông-ka, Hà-nừng thua nữa, Kông-hoa chạy đi đâu? Còn đất nước đâu người Ba-na ở?... Người Kinh có gươm ông Tú không? Sao không thấy người Kinh đánh Pháp?... Núp đứng đó tới nửa đêm. Sao rua đứng trên đầu, Núp mới chịu bằng lòng với bok Sung. Thôi, để bok Sung dẫn một nửa dân làng mười bếp về đầu ghép với Pháp cứu bok Pa và bốn người. Còn mười bếp phải chạy, theo Núp, tới gần Kông-ka hơn nữa, làm làng mới, cắm thử chông. Trong số mười bếp chạy theo Núp, có bếp của Liêu, của Du, của Xíp, của Ghíp...

ở gần Kông-ka một năm, Pháp lại đi đánh Kông-ka, Hà-nừng. Kông-ka, Hà- nừng phải kéo về đi xâu ở đồn Pơ-le-bông. Bây giờ Pháp đi đánh Kông-hoa nữa. Kông-hoa như hòn đá giữa suối, bốn phía toàn là nước, như con mang chạy lạc vào làng, bốn phía toàn là người. Núp muốn chạy nữa. Xíp nói:

- Hết đường rồi. Chạy đi đâu, rừng núi ở đâu Pháp cũng lấy hết rồi. ở đâu cũng không có người chống Pháp với mình nữa. Mười bếp Kông-hoa, mười bếp cuối cùng trong toàn vùng, bây giờ cũng phải chịu về đi xâu, đi thuế cho Pháp.

Họ đi thành một hàng dài trong núi. Người địu con, người cõng cháu, người ôm cái mền, người dắt con heo. Buồn thúi cả ruột, không muốn nói chuyện nữa. Họ đi về sống tập trung với Pháp. Qua khỏi suối Thi-om, cả đoàn dừng lại nghỉ. Núp đi sau cùng. Anh đứng trên một hòn đá giữa suối, để cho nước suối lanh tanh leo lên chân, lên gần tới đầu gối. Lũ con nít cũng bắt chước, chạy ra nhúng hai chân xuống nước và cười. Nó không biết gì cả, nó chưa biết buồn. Mai mốt ở với Pháp, nó khổ nhiều lắm. Núp nhìn lũ con nít, thương quá mà không biết nói sao. Trong núi vang ra có tiếng đàn tơ-rưng. Nghe như tiếng gió thổi qua rẫy lúa chín, gặp mấy cây le non, kêu lên vu vu! Nghe như tiếng người con gái thổi lửa nấu cơm trong nhà rẫy và kêu lũ thanh niên đi suốt lúa về vào ăn. Đi sống tập trung với Pháp, tai không được nghe tiếng đờn tơ-rưng nữa rồi. Pháp không cho đốt rẫy to, làm nhà lớn, đi ra suối bắt cá, đi lên rừng bẻ rau. Pháp bắt đi xâu làm đường cho Pháp đi đánh lũ người Ba-na, ‰-đê, Kinh, Gia-rai khác nữa, bỏ cái rẫy không ai làm cỏ, cỏ ăn hết lúa. Đến mùa, người mình ăn cỏ, thằng Pháp ăn lúa. Đói, Pháp không cho đi tìm củ mài. Đi lấy được mật con ong, đứa nhỏ không được ăn, Pháp lấy ăn hết... Núp đứng nhìn bốn mươi người Kông-hoa ngồi bên suối. Mẹ Núp cũng ngồi trong đó. Tóc mẹ bạc rồi. Núp nóng trong cổ quá, uống nước hai, ba lần cũng chưa hết. ạng trời lên cao chói xuống nước loà con mắt. Núp kêu lớn:

- Thôi, đi thôi, lũ làng ơi!... Trước khi đi tôi nói cái này: ai có cái ché tốt, ghè tốt, nồi, coong tốt bây giờ đem giấu hết trong rừng đi. Đừng đem về làng Pháp nữa, Pháp ưng lắm, Pháp cướp hết... Cứ để trong này, mai mốt khi nào mình chạy làng chống Pháp nữa, mình trở lại đây lấy. Xíp hỏi:

- Khi nào mình chạy nữa? Núp nói:

- Cũng chưa biết khi nào. Nhưng thế nào cũng phải chạy. ở với nó, mình không sống nổi đâu...

Phần thứ hai

I

Cách mạng như một cơn gió lớn, thổi tới tấp, tràn lan khắp cả miền Tây Nguyên bao la. Qua bao nhiêu ngọn núi, qua bao nhiêu con sông, hàng chục dân tộc đang không có con đường đi, đứng dậy một loạt, tưng bừng chào đón cách mạng như chào đón mặt trời. Làng Kông-hoa biết tin cách mạng một buổi sáng tốt trời.

Lúa vừa chín. Theo phong tục Ba-na, thanh niên, phụ nữ đi đốn tre, chẻ lạt, nối thành sợi dây dài, cột từ rẫy về tới làng để cho lúa biết đường đi về nhà. Hai vợ chồng Núp mới mùa đầu đi làm rẫy chung với nhau, đang cột dây lạt, thì nghe có tiếng chân người chạy sau lưng. Quay lại thấy Khưu, người làng Ba-lang.

- Chắc có Nhật đi bắt xâu rồi, phải không? Chạy làng nữa rồi, bỏ lúa rồi... Từ tháng ba, thằng Nhật tới đánh thằng Pháp ở An-khê. Lúc đầu, người Ba-na tưởng Nhật tốt thật. Kông-hoa bỏ làng Pháp, chạy về chỗ cũ. Pháp chạy trốn tới làng Kông-hoa. Núp xuống An-khê kêu Nhật lên đánh Pháp. Pháp chạy Núp lấy được năm súng, nhiều thùng đạn chưa nổ. Mừng quá nhưng trong bụng còn nghi, nên đem giấu hết. Sau làng Đê-tùng nói Nhật biết lên đòi lại, phải trả năm súng, còn nói láo cái miệng với Nhật:

- Không có đạn. Núp, bok Pa, bok Sung, Xíp đi một đêm vô rừng, giấu thùng đạn trong đó, gửi cho cái cây to, hòn đá nó giữ giùm. Lâu lâu người làng đi coi thử Nhật có tốt thật không. Núp coi kỹ về nói:

- Nó không tốt thật, lũ làng ạ. Nhật không phải người đất nước mình, ở đất nước nào xa lắm. Nhật không bị Pháp bắt xâu, không nộp thuế cho Pháp, không đi làm rẫy mà ăn gạo của mình. Nhật ở lâu chắc cũng như Pháp. Người Kông-hoa rất lo. Bữa nay thấy đê Khưu chạy lên, thở bằng cái miệng, kêu:

- ›, Núp ơi, Núp ơi! Núp nghĩ: Nhật muốn như Pháp rồi... Đê Khưu dừng lại trước mặt Núp và Liêu, tay nắm cái cây bên đường, mồ hôi chảy ròng ròng miệng nói một nửa, thở một nửa:

- Không phải Nhật, không phải Nhật! Nghe tin... nghe tin có người đất nước mình... Đánh Pháp đánh Nhật hơn rồi... lấy Kon-tum, Pleiku, An-khê rồi... Núp trố mắt, hỏi:

- Có thiệt không? Rồi không đợi trả lời, bỏ gùi, bỏ rựa giữa đường chạy đi báo tin cho bok Pa:

- ố! ố! Pháp thua rồi, Nhật thua rồi! Có người đánh Pháp đánh Nhật thua rồi! Người làng bỏ cả cột dây dẫn lúa, chạy vây quanh Núp hỏi ríu rít:

- Có trúng không?

- Có thiệt không?

- Miệng ai nói đó? Bok Pa hỏi:

- Người đánh Pháp, Nhật tên chi? Bok Sung hỏi:

- Có cái gươm không? Đê Khưu cũng không biết. Chỉ nghe người làng Đê-tùng nói lại vậy thôi.

- Nghe nói người đánh hơn Pháp, Nhật cũng già rồi, có râu...

Làng Kông-hoa kẻ nghi người tin bàn tán xôn xao. Núp đêm nằm, tắt lửa, nhắm mắt là thấy một người già, có râu. Người này ở đâu? Làm sao đánh hơn được Pháp, Nhật hè? Sao giỏi thế? Trước chắc cũng phải đi xâu cho Pháp, Nhật, bây giờ có cái gì mà đánh hơn được Pháp, Nhật? Núp muốn hỏi quá, mà không biết hỏi ai. Năm ngày sau có người Ba-lang lên nói:

- Người đánh Pháp, Nhật bây giờ ở An-khê. Kêu mỗi làng năm người xuống An-khê nói chuyện. Đường núi xa quá, người đó đi các làng nói không hết. Làng Kông-hoa bàn tán:

- Chắc đi xuống gặp ông già có râu rồi đấy. Và nói bok Pa cử người đi. Bok Pa đứng ra kêu tên năm người:

- Bok Sring... Núp len trong đám đông, nhìn chăm chăm vào miệng bok Pa. Sợi râu mọc trên hột nốt ruồi ở cằm bok, gió thổi bay lất phất.

- Bok Sring đâu?

- Có, tôi đi đây!

- Mik Na, Mai Khon, Đê Nhung. Núp bước tới một bước, cố nhón chân lên, đằng hắng. Nhưng bok Pa vẫn không ngó Núp. Bok vẫn vê sợi râu, cười:

- Bốn người rồi... và tôi. Đủ năm người. Núp đỏ con mắt, lách đám đông, đi tìm bok Pa, hỏi:

- Sao không cho tôi đi? Bok Pa hạ thấp giọng xuống:

- Chưa biết sao, Núp ạ. Núp chưa đi được đâu. Biết có phải người tốt thật không. Nó bắt Núp làm sao?

- Thế sao bok đi? ạng già cười, nheo con mắt:

- à, tôi khác, tôi già rồi, phải đi coi trước. Nó có bắt lũ già, còn Núp coi làng... Đi hai ngày, năm người đều về. Lũ làng xúm lại hỏi:

- Thấy ông già chưa?

- Chưa thấy ông già. Chỉ thấy người Kinh có, người Thượng có, đông lắm. Nói nhiều, chưa nghe rõ. Coi bộ chắc tốt. Mười ngày nữa mỗi làng cho hai người đi An-khê làm lễ. Thế là Núp vẫn chưa biết gì cả. Nóng trong bụng quá. Mười ngày sau, làng cử Núp và bok Pa đi. Đi một ngày, ở một đêm, về một ngày. Lần này biết rõ rồi. Núp leo lên trước sàn nhà rông, nói cho lũ làng nghe. Anh ở trần. Chị Liêu chen trong đám đông, thấy nắng chiếu từng lằn đậm trên ngực chồng. Nắng chói trong cặp mắt Núp, cặp lông mày đậm hơn, miệng cười. Núp to lớn và đẹp. Núp nói:

- Lúc trước chỉ có Kông-hoa đánh Pháp, phải thua miết. Bây giờ người này biết nói tất cả đất nước, Ba-na, ‰-đê, Gia-rai, Kinh, M'nông... ai cũng đánh Pháp hết. Pháp thua rồi. Người đất nước mình lấy lại hết cả đất nước mình rồi. Độc lập rồi. Lũ làng hỏi:

- Độc lập là sao? Nắng lại cháy trong mắt Núp. Anh cười:

- Độc lập: không đi xâu, không nộp thuế cho Pháp, muốn làm rẫy, cứ làm, muốn đi săn, cứ đi, đi lấy mật lấy sáp con ong trong rừng, cứ đi. Đem xuống Kinh đổi lấy muối, vải, rìu rựa, được hết. Không phải đi lén trong rừng như trước nữa.

- ạ... sướng quá! Sướng quá! Núp nói:

- Trước người Ba-na không có ai giúp đỡ đánh Pháp. Nay có Bok Hồ, có Chính phủ giúp đỡ. Lũ làng hỏi:

- Còn ông già có râu gặp chưa?

- à, chưa gặp, ông già có râu là Bok Hồ đó! Lũ làng lại hỏi:

- Bok Hồ người đất nước mình hay đất nước khác?

- Người đất nước mình.

- Chà tốt quá... Bok Hồ làm gì mà đánh giặc giỏi thế? Núp và bok Pa đều không biết. Chỉ biết Bok Hồ người giỏi lắm, làm cái rẫy cũng giỏi, biết thương yêu người già, người trẻ, biết thương yêu đất nước.

- Bok Hồ ở An-khê hay ở đâu?

- Không ở An-khê. ở xa lắm. Nghe nói ở Hà Nội. Không ai biết Hà Nội ở đâu cả, nhưng tất cả đều chặc lưỡi.

- ồ! Xa quá, tiếc quá, không ở gần coi cái mặt thử.

- Còn bok Chính phủ nữa. Bok Chính phủ ở đâu? Có già không? Bok Pa nói:

- Chính phủ không phải bok, không phải người đâu. Chính phủ to lắm. Lũ làng vẫn không biết Chính phủ là gì. Núp nói:

- Chính phủ là nhiều người đất nước mình, Ba-na, ‰-đê, Kinh, M'nông, Sê-đâng... đứng ra coi chung đất nước mình, không cho thằng Pháp, thằng Nhật coi nữa. Đồng bào cười ồ:

- Thế thì tốt quá! Độc lập thiệt rồi! Núp nói lũ làng đi vào trong núi lấy hết các đồ quý giấu ở hòn đá, ở gốc cây về. Ghíp lấy về một cái kèn đing-nam thổi "e... è... e... uập! Uập! Uập!... " Làng vui hơn ngày ăn cơm lúa mới, hơn năm được mùa to. Núp không sao quên được bữa đi An-khê. Hôm đó có một người Kinh đứng ra nói, rồi có một người Thượng đứng ra nói. Sau lưng hai người có một lá cờ đỏ vẽ ông sao vàng... Dưới phố An-khê đường nào người cũng đổ về chật ních. Núp chỉ thấy toàn đầu tóc đen lố nhố và cờ đỏ. Người Kinh cũng đông, người Thượng cũng đông, lần đầu tiên Núp thấy người Kinh người Thượng đi chung với nhau, nắm tay nhau, ào ào như nước sông Ba ở đoạn chảy qua thác. Người nào cũng nói, tiếng Ba-na, tiếng ‰-đê, tiếng Kinh, tiếng Sê-đâng... nghe không hiểu gì cả, nhưng vui lắm, thích lắm... Núp cố nghĩ mãi: Bok Hồ là người thế nào? Sao Bok Hồ giỏi thế. Trước nay làng Núp chống Pháp cũng như con suối nhỏ chảy giữa rừng già, chảy mãi không tới đâu. Núp tưởng càng ngày càng khô. Bữa nay nhờ có Bok Hồ mới biết đất nước mình rộng quá, có nhiều con suối quá, nhiều con suối nhỏ, có Bok Hồ khơi dòng cho, bây giờ đã chảy chung lại thành con suối lớn, càng ngày càng lớn. Pháp có như một trăm hòn đá lớn giữa dòng, sông cũng cứ chảy qua hết. Núp không hình dung ra Bok Hồ được. Chắc, Bok Hồ cũng như ông Tú vậy.

Nửa tháng sau, làng Kông-hoa được thấy Bok Hồ, nhưng không thấy người thiệt, chỉ thấy người trên tờ giấy. Được thấy cả người của Bok Hồ cho lên nói chuyện với đồng bào nữa. Đồng bào gọi anh là đê cán bộ. Đê cán bộ người Kinh, nói ít tiếng Ba-na lắm, nhưng anh nói bằng cái miệng, còn nói bằng cái tay, cái đầu, con mắt, hai cái chân nữa, nên người làng đều hiểu và cười rất nhiều. Núp muốn đi theo đê cán bộ lắm. Đê cán bộ nói gì, Núp hiểu trước, Núp nói lại tiếng Ba-na cho lũ làng nghe. Bữa đó đê cán bộ nói chuyện bầu một chủ tịch, một người chỉ huy đánh giặc. Mai mốt Pháp còn ưng lấy đất nước mình nữa, Pháp chưa muốn đi luôn đâu. Cũng như con cọp vô trong làng, đánh nó chạy rồi, sau nó còn tới nữa. Đồng bào không chịu:

- ạ, đánh giặc, đánh hết, làm rẫy, làm rẫy hết. Pháp đặt chủ làng để bắt xâu, bắt thuế cho Pháp, mình không ai bắt xâu, thuế đặt chủ tịch làm chi. Đê cán bộ nói nhiều lắm, cũng không ai nghe. Núp cũng lắc đầu:

- Tôi cũng không cử đâu, anh cán bộ ạ. Người Kông-hoa bây giờ biết đánh hơn Pháp hơn Nhật là do mọi người đánh rồi, không ai muốn làm ông quan đâu. Tối hôm đó, đê cán bộ nói riêng với Núp và bok Pa. Anh vấn điếu thuốc, thấm nước miếng, rồi cầm trên tay, nói miết, quên hút:

- Đánh Pháp, đánh hết, đúng. Làm rẫy, làm hết, đúng. Nhưng cũng phải có người coi nhiều người khác làm thì mới tốt, anh Núp ạ. Người mình đông, ai cũng ghét Pháp hết, nhưng không có người coi chung, tay người này đánh khác, tay người kia đánh khác, cũng thua Pháp đấy. Đặt ra người coi, không phải ông quan đâu. ạng quan không làm chi, chỉ sai, chỉ đánh. Cán bộ cũng làm, làm giỏi hơn, làm trước hơn, không đánh ai, chỉ nói cái miệng thôi... Núp nghe đến khuya, hiểu rồi. Anh đi nói hết thảy lũ làng. Tất cả đều đồng ý bầu bok Pa làm chủ tịch. Còn Núp biết ghét Pháp, đánh Pháp được rồi, bầu làm chỉ huy đánh giặc. Đê cán bộ bày Núp thêm được nhiều lắm. Núp biết muốn đánh Pháp bụng đã giận Pháp rồi, nhưng còn phải biết nói cho mọi người cùng đánh Pháp nữa, phải có cán bộ đi nói. Núp muốn đi theo đê cán bộ nữa. Nhưng đê cán bộ về Kinh, nói "Bộ đội Bok Hồ sắp lên". Đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy bộ đội đâu cả. Đê cán bộ cũng không thấy nữa. Sao he?... Cho tới một bữa, nghe súng nổ phía Kon-tum, nổ tới Pleiku, rồi nổ tới Mang-giang. Núp, Xíp, Sríp đi ra đường 19 coi thử. Thấy Pháp đánh nhau với người mình rất đông. Chiều có người mình đi qua làng. Hỏi, biết là bộ đội Bok Hồ đó. Có khiêng người bị trúng đạn. Người đó không nói được, nhưng không khóc. Chỉ có các bà mẹ Kông-hoa khóc, sợ người đó đau. Gặp lúc lúa cũng chưa chín, không có chi ăn cả. Núp đem cho bộ đội một rổ bắp. Lũ làng bắt chước đem cho cũng nhiều. Bộ đội không ai biết nói tiếng Ba-na. Chỉ chào rồi đi ngay... Ngày sau, súng nổ ít. Nghe nói Pháp lấy được An-khê rồi... Từ đó không nghe tiếng súng nữa. Pháp ở An-khê, rồi Pháp đóng đồn Hà-tam, Mang-giang, Tô- nang, Pơ-le-bông... bốn phía, phía nào cũng có Pháp, Pháp kêu đi xâu. Dần dần Đê-pô, Đê-mô, Đê-ta, Ba-lang, Kông-mi, Kông-giàng, Kông-ma... chịu đi xâu hết... Chỉ còn Kông-hoa không chịu đi. Bok Pa hỏi:

- Sao trước bốn chung quanh chịu đi xâu hết. Núp như hòn đá giữa suối nước, cũng phải chịu đi xâu. Bây giờ bốn chung quanh cũng chịu đi xâu. Núp lại không chịu đi? Núp nói:

- Khi trước chưa biết. Bây giờ biết rồi: biết có Bok Hồ ở Hà Nội chỉ huy hết, biết không phải Kông-hoa đánh Pháp một mình, biết làm cán bộ đi nói lũ làng nghe theo rồi. Bok làm chủ tịch, tôi làm chỉ huy đánh giặc, làng Kông-hoa phải đánh Pháp, đánh được bok ạ. Đánh không lâu đâu... Đánh rồi đợi người Bok Hồ lên... Đợi một, hai, ba, bốn tháng cũng không thấy gì. Núp bàn với già làng ở rẫy có chông chống heo rừng, bây giờ cắm thêm nhiều hơn nữa chống Pháp, Pháp nó cũng như con heo rừng phá rẫy thôi.

Chờ hết một mùa lúa mới có người của Bok Hồ lên. Đê cán bộ lần này khác đê cán bộ lần trước. Anh mặc áo quần xám, người nhỏ, nói tiếng Kinh, tên là Cầm. Cầm nói Bok Hồ hiện giờ cũng đang đánh Pháp ở gần Hà Nội. ở Sài Gòn cũng có đánh Pháp. ở khắp đất nước đâu đâu cũng có đánh Pháp. Cầm về ở nhà Núp. Đêm đó Cầm ngủ chung với Núp. Trời lạnh, gió thổi qua khe vách vi vu vi vút. Bà mẹ Núp lâu lâu lại trở dậy, ném thêm củi khô vào lửa, ngồi hơ hai bàn tay già. Bà nghe Núp và anh Cầm nói chuyện lầm rầm mãi đến con gà đầu tiên gáy mới thôi. Bà mẹ không biết anh Cầm người ở đâu, có cha mẹ không, nhà có rẫy, có con suối không, có phải con Bok Hồ không. Núp cũng không ngủ được. Lần đầu tiên Núp nằm bên một người Kinh. Núp nghe anh Cầm thở, áo anh hơi chật, ngực anh căng ra. Núp nghĩ: người Kinh chắc đều được gặp Bok Hồ cả rồi, được Bok Hồ dạy nên tốt như thế này... Anh Cầm trước nay ở đâu? Sao biết nói tiếng Ba-na rõ thế. Núp hỏi:

- Anh Cầm à, người Kinh cũng có nói tiếng Ba-na sao? Cầm cười:

- Không phải đâu, tôi học tiếng Ba-na ở Kon-tum đấy.

- Anh cũng có ở Kon-tum à?

- Có ở gần bốn năm. Trước tôi theo anh em làm chuyện chống Pháp, Pháp bắt tôi bỏ tù ở Kon-tum.

- Thế người Kinh trước cũng có chống Pháp sao?

- Có chứ, người Kinh nghèo chống Pháp mãi, lâu lắm. Người nghèo ở đâu, Kinh, Thượng cũng đều có chống Pháp cả. Nhưng khi đó chưa có Bok Hồ nên chống không nổi. Có Bok Hồ mới thắng Pháp đấy...

Núp mở mắt nhìn trong bóng tối. Lửa trong bếp âm ỉ, như đã tàn rụi hết cả. Tự nhiên một que củi khô cháy đến một cái mắt, nổ lên rẹt rẹt, một loạt tàn lửa đỏ bay lên loạn xạ, rồi thong thả rơi xuống từng cái một, tắt ngấm đi. Nhưng Núp vẫn thấy như vô số tàn lửa đỏ bay lên rộn ràng. Núp hỏi:

- Bok Hồ ở đâu thế, anh Cầm?

- Bok Hồ chống Pháp từ khi còn nhỏ, cũng bị Pháp bỏ tù. Sau trốn ra được, đi khắp đất nước, bày đất nước đứng lên chống Pháp, chống Nhật. Núp nằm im rất lâu. Nghe anh Cầm thở đều, chắc anh ngủ rồi. Nhưng Núp không giữ được nữa. Núp lại hỏi:

- Anh ngủ chưa, anh Cầm? Anh Cầm này, anh lên đây Bok Hồ có nhắn gì người Ba-na không? Cầm nói rất thong thả:

- Có chứ. Bok Hồ nhắn thăm người Ba-na. Nói người Ba-na biết thằng Pháp bây giờ muốn lấy hết cả đất nước mình như ngày trước. Nhưng bây giờ khác ngày trước rồi. Nhất định nó không lấy được đâu. Đất nước mình nhất định đứng lên hết, đánh chết nó. Nhưng, anh Núp ạ, đánh nó không phải dễ đâu. Bây giờ nó còn mạnh hơn, mình còn yếu hơn. Mình phải đánh lâu ngày, lâu tháng, lâu năm nữa. Nước mình ở đây, mình đánh lâu năm thì cái đất, cái nước của mình nó giúp mình càng mạnh. Nước của thằng Pháp ở xa, nó đánh lâu năm thì nó yếu dần, rồi nó thua. Đánh lâu năm thì chắc khổ nhiều. Pháp quen sướng, chịu khổ không nổi, mình phải chịu khổ, mình chịu được, mình nhất định hơn... Anh Cầm dừng lại. Anh ngồi dậy. Núp cũng ngồi dậy. Một con gà gáy te te. Cầm nói tiếp:

- Anh Núp ạ, muốn đánh Pháp lâu năm thì phải thương yêu, không ghét nhau. Phải làm rẫy nhiều, lúa tốt, ăn no. Phải biết tổ chức lũ làng lại. Nhất định mình lấy độc lập lại được. Hai anh em nói chuyện đến sáng. Đêm nay, Núp nhớ suốt đời...

° ° °

Từ ngày anh Cầm lên, Núp đi với anh mãi. Có ngày trưa không về, có ngày tối không về. Bà mẹ để phần cơm cho hai anh em, ngồi chờ. Núp và Cầm về. Cả hai đều mệt. †n cơm xong, chờ cho anh Cầm ngủ rồi, mẹ hỏi Núp:

- Con đi đâu?

- Đi Ba-lang, Ta-lung, Kông-ma, Đê-pu, Kông-giàng...

- Đi làm chi?

- Đi nói chuyện đánh Pháp. Mẹ lo lắng:

- Con đánh Pháp trong làng, được. Con đi nói nhiều làng, cái miệng con còn nhỏ, nói chưa được đâu. Núp cười nhìn mẹ:

- Có anh Cầm bày con, mẹ ạ. Con nói một lần, hai lần, bây giờ nói được nhiều rồi. Núp nói được nhiều thật. Trong làng Kông-hoa thanh niên, phụ nữ đồng ý họp thành hàng ngũ thanh niên đánh Pháp. Núp được cử coi chung hết năm mươi người. Tất cả họp ở nhà rông, chia từng tổ mười người một người coi chín người. Núp coi chung năm mươi người. Xong đâu đấy cả làng kéo đi làm chông, làm mang cung. Núp lại nói được các bếp làm chung một cái rẫy to nhất, lấy lúa để dành nuôi thanh niên ăn những ngày đánh Pháp. Anh Cầm cũng đóng khố, cầm rựa đi chặt cây, đốt rẫy, tỉa bắp. Vừa làm vừa hát, Ghíp thổi kèn. Anh Cầm cũng tập thổi kèn. Ghíp bày cho anh Cầm, anh Cầm lại bày cho Ghíp hát bài Kinh. Ghíp ưng đi theo anh Cầm lắm... Tối về, mẹ Núp dọn cơm, ngồi nhìn anh Cầm ăn. Mẹ hỏi:

- Con có cái nhà không? Cầm cười:

- Có chớ.

- Có cha, mẹ không?

- Có chớ.

- Cha có phải Bok Hồ không?

- ở dưới Kinh, người già người trẻ, ai cũng gọi Bok Hồ bằng cha. Còn cha mẹ đẻ của con cũng là người Kinh, cũng già rồi. Bà mẹ lại ngồi nhìn anh. Gió thổi tóc bạc bay lơ thơ trước lửa. Con mắt ướt.

- Tội nghiệp con người tốt, ở nhà tới đây chắc xa lắm, leo nhiều hòn núi cao, chắc đi qua con sông Ba có cá sấu, lên ở với người thượng du, làm cái rẫy cũng được, làm cái rổ cũng được, ăn cơm người Thượng cũng được. Con đi có nhớ cái rẫy, cái suối, có nhớ cha mẹ ở nhà không? Cầm nhìn bà mẹ, vừa thương, vừa cảm động:

- Nhớ lắm! Nhưng nghe Bok Hồ dạy phải đi đánh Pháp, trong bụng muốn đi quá. Cha mẹ cũng nhớ lắm, nhưng nghe Bok Hồ dạy, cũng muốn cho đi. Thằng Tây ác lắm, không đánh nó đồng bào mình sống sao được. Mẹ nhìn lại Núp. Con của mẹ bây giờ lớn hung rồi. Con mắt sáng hơn trước. Bàn tay gân guốc khi nói, cả khi nói với mẹ, đưa lên đưa xuống chắc chắn, mạnh như hòn đá sắc ném xuống mặt nước.

- "Núp muốn như anh Cầm, chắc nghe tiếng Bok Hồ kêu rồi". Mẹ vừa mừng vừa lo. Mẹ đi tìm Liêu... và càng thương Liêu hơn. Mẹ giận Núp hai ngày. Chỉ vì một chuyện nhỏ. Bộ đội ông Dũng lên đông lắm, Núp dẫn bộ đội đi coi đồn Pơ-le-bông, rồi dẫn một lần nữa đi đánh hơn được cái đồn Pơ-le-bông. Núp mừng quá, chạy về, nói với mẹ:

- Mẹ ơi, Pháp chết mười lăm đứa... Thế là mẹ giận:

- Mày thương Pháp lắm sao. Mẹ có hỏi mày Pháp chết mấy đứa đâu. Chết mấy đứa kệ Pháp, nó chết hết cũng được. Sao bộ đội chết mấy người mày không nói, mày thương Pháp hơn bộ đội rồi... Núp nói gì mẹ cũng không nghe. Hết hai ngày, bộ đội ông Dũng kéo về làng, mẹ mới hết giận...

Ngày bộ đội về làng là ngày vui nhất của Kông-hoa. Khi đầu còn ngại, nhớ khi trước lính Pháp cũng có cái súng thế này, bắn người Ba-na. Trừ Núp, bok Pa, chưa ai dám tới gần. Sau có thằng bé Tun, con bok Pa, mon men tới coi cái súng. Năm nay nó gần mười hai tuổi, nó nghịch nhất trong làng. Con mắt nó giống mắt cha, màu nâu, hơi xếch, mũi hơi vênh lên. Bộ đội thấy nó rờ súng, kéo nó tới chơi, chỉ cho nó coi cái chỗ bắn, cái chỗ bỏ đạn. Nó quen anh bộ đội ngay. Lũ làng đứng ở xa nhìn nó, rồi dần dần cũng tới gần. Thằng Tun chạy đi đếm bộ đội, nó đếm chỉ được tới số mười. Nó tới cầm tay bok Pa:

- Cha à, bộ đội mười người. Mọi người đều cười ồ. Bộ đội cũng cười. Thế là hết ngại bộ đội. Bộ đội ở trong làng, đi giã gạo, cho heo ăn, nấu nồi cơm, làm cái rổ, cái mủng cho đồng bào. Rồi bộ đội đi đánh Dak-pơ, Mang-giang, A-dưng. Đánh được đồn vui quá. Thanh niên đi theo bộ đội, tập ngắm cái súng. Ghíp, Xíp đi vô trong núi, lấy thùng đạn giấu từ khi thằng Nhật đánh thằng Pháp đem về cho bộ đội. Con nít đi với bộ đội, bốn, năm ngày biết hát bài "Hồ Chí Minh". Đồng bào bỏ đi làm rẫy bảy ngày, vô núi xa, chặt cây to, cắt tranh về làm năm cái nhà dài cho bộ đội ở, năm cái nhà kín cho bộ đội làm kho. Cũng như hồi nhỏ trong làng có việc gì, Núp khi nào cũng đi trước. Lũ làng theo sau, làm rất vui.

- ạ, ô... làm một chục ngày, hai chục ngày cũng được mà! Núp muốn sao bộ đội ở đây miết, đất nước mình mạnh thế này, tốt thế này, vui sướng quá! ... Nhưng ngày vui qua như nước chảy dưới suối Đất-hoa, mau lắm. Cuối năm 48, bộ đội rút về. Đồng bào đi ra núi, thấy năm cái nhà, không thấy bộ đội, thấy nhiều cái bếp, không thấy lửa, buồn lắm. Bok Sung nhận ông Dũng làm con nuôi. Bây giờ ông Dũng cũng về, bok Sung già thêm nữa. Lũ phụ nữ giã gạo, cứ đứng buông chày nhìn cái cối: anh bộ đội trước giã gạo cho đồng bào mòn tới chỗ cái vân tròn trong cối bằng gỗ. Bây giờ thấy vân gỗ, muốn chảy nước mắt. Núp ngủ nửa đêm dậy sờ tay không thấy anh Cầm bên mình, lạnh quá, phải dậy đốt lửa hơ hai bàn tay. Ngó hai bàn tay, càng nhớ anh Cầm. Bữa đưa anh Cầm ra suối, anh nắm cái tay này đây, dặn:

- Anh Núp là cán bộ ở lại phải coi đồng bào đánh Pháp. Bok Hồ dạy rồi: làm rẫy nhiều, đoàn kết giỏi, đánh giặc lâu, thế nào bộ đội cũng trở lên, thế nào cũng thắng Pháp. Đất nước mình phải được độc lập... Sáng bữa sau, như thường lệ, đồng bào họp ở nhà rông trước khi đi ra rẫy. Núp đứng ra nói:

- Càng anh Cầm về, càng bộ đội về, càng phải chuẩn bị đánh Pháp. Pháp nghe bộ đội về, chắc Pháp đi đánh mình đó. Từ nay, buổi sáng thanh niên có ná đi rẫy trước coi có Pháp không đã, lũ làng ra sau. Thế nào bộ đội cũng lên nữa. Muốn chờ bộ đội, phải cắm chông nhiều nữa... Mọi người đi rồi, chỉ còn thằng bé Tun ở nhà. Nó ngồi trước nhà rông, giữa nắng. Con bồ hong bay qua bay lại trước mắt, Tun cũng không buồn đuổi. Nó nhớ bài hát có tên Bok Hồ.

II

Nắng như cầm lửa mà đổ xuống trên rừng núi Chư-lây. Dưới suối, nước đi trốn gần hết, dân làng phải dỡ từng hòn đá ra mới tìm được nước. Rẫy muốn cháy. Cây lúa cứ thấp lè tè, hột cứng ít, hột lép nhiều. Thêm cái đói muối. Hũ muối nhà nào cũng ăn tới hột cuối cùng rồi. Hết muối phải đổ nước ngâm cái hũ một đêm rồi dốc ra lấy nước mặn mặn đó ăn với cơm. Bây giờ cái hũ cũng hết mặn. Con nít khóc, kêu mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ ơi, cho con cái mặn. Mẹ cũng phải khóc. Nước da người nào cũng tái lét, bủng rẹt. Má con gái không còn màu đỏ. Hai ông già không có muối ăn, thở không nổi, ăn vào bao nhiêu, nôn ra bấy nhiêu, rồi chết...

Núp ngồi trên hòn đá, ba bốn lần muốn đứng dậy mà hai cái chân không chịu đứng dậy. Hai con mắt ngó nắng lâu, nhìn cái chi cũng vàng. Rồi thì mờ, không thấy gì nữa, muốn té nhào xuống. Núp cố hết sức, mở mắt ra. Nhưng tưởng là mở được rồi, kỳ thật vẫn chưa mở được. Chỉ thấy toàn màu đỏ, rồi màu trắng. Núp lại cố hết sức đứng dậy, nhưng hai chân nó đi đâu rồi, không phải là chân của Núp nữa. Cơn đói muối có khi nguôi đi, quên đi được một chút, bây giờ lại đến, dằn vặt, khổ sở, không biết làm sao cho hết được. Núp đã ăn no rồi, thế mà trong bụng vẫn đói, vẫn thấy thiếu, cồn cào. Chết rồi! Có ai lấy một cái dao tre cạo trong ruột Núp thế này! Đau quá, đau như rách mất ruột rồi. Giàng ơi! Thế này thì con nít, ông già, bà già, phụ nữ còn khổ bao nhiêu nữa! Khi còn nhỏ, bok Thiêng đánh Pháp, làng Kông-hoa chạy trong núi một năm không có muối. Núp cũng đã bị đói muối một lần rồi. Con người như con ma, đi như cái bóng lộn với lá cây, với cỏ ở rẫy bỏ cao lút đầu người. Từ đó đến nay lâu hung rồi. Mấy chục năm không có đói muối. Trước Pháp cấm, nhưng lén lút đi đường trong núi, xuống mua người Kinh cũng được. Lần này từ khi bộ đội ông Dũng và anh Cầm về, Pháp đánh lung tung, đường nào cũng có Pháp đi, không còn đường đi mua muối được nữa. Tất cả các làng Ba-lang, Đê-ta, Kông-mi, Kông-ma, Kông-giàng, Hà-ro... đã chịu đi làm xâu cho Pháp lấy muối ăn rồi. Pháp bắt đặt chủ làng, bắt nộp thuế. Rồi Pháp cho thằng Chu Rú, chánh tổng ở làng Đê-ô đi nói tất cả các làng:

- Người Kông-hoa cứng đầu lắm. Tất cả các làng không ai được cho Kông-hoa muối ăn. Tôi thấy ai cho, nói Pháp giết hết. Để coi không có muối ăn, đầu người Kông-hoa có mềm bớt đi không. Lời nói của thằng Chu Rú như gáo nước lạnh đổ trên đầu. Kông-hoa xôn xao. Giữa lúc đó, Pháp đi lùng, thanh niên đói muối phải chạy, Pháp bắt Nhinh và Công, bỏ tù ở Hà-tam, rồi cho người đi kêu Kông-hoa đầu hàng...

Núp nằm đêm không sao ngủ được. Con muỗi kêu vo vo, con trâu dưới nhà sàn đập cái đuôi. Nhắm mắt, thấy Nhinh và Công. Mở mắt ra muốn khóc. Nhinh và Công là hai thanh niên làm rẫy khá nhất trong làng. Tức quá, làm sao cứu Nhinh, cứu Công? Lũ làng cứ thúc Núp, thúc bok Pa:

- Nè, người chủ tịch, người chỉ huy, để mất Nhinh, mất Công sao? Mẹ Nhinh, mẹ Công khóc mãi. Núp thương Nhinh và Công quá, nhưng biết làm sao? Chịu về đi xâu để cứu? Không được đâu. Càng về 99 100 làm xâu, càng chết nữa. Thôi, chắc phải chịu mất hai người rồi. Tức Pháp quá, muốn cầm cái ná đi bắn Pháp ngay... Núp nhớ anh Cầm. Sao bộ đội, cán bộ không thấy lên. Bok Hồ còn ở Hà Nội không? Bok Hồ có biết làng Kông-hoa còn đánh Pháp không? Con trâu lại quất cái đuôi, đuổi con muỗi bay kêu vo vo. Con nít đói muối, mẹ nó không có muối ăn cũng không có sữa cho nó bú, nửa đêm nó còn khóc... Ngủ không được nữa rồi. Núp trở dậy, đi ra cửa. Ngó lên trời, thấy nhiều ông sao lấp lánh, không có mặt trăng.

- Con đi đâu đó, Núp?

- Mẹ cũng chưa ngủ à? Con đi tìm bok Pa nói việc cứu Nhinh, cứu Công. Bok Pa cũng chưa ngủ. Bok nói:

- Chắc phải về làm xâu phép, Núp ạ.

- Không được đâu. Về càng chết... Thà chết thôi. Pháp biết Kông-hoa nuôi bộ đội, làm cái kho, đánh Pháp rồi, về làm xâu Pháp bỏ tù, giết hết. Nhưng năm người gia đình Nhinh và Công không chịu nghe Núp trốn về đầu Pháp. Đi được ba ngày, ngày thứ tư, ba người trở về, khóc to. Cả làng nghe cũng khóc theo:

- Pháp lấy dao cắt lỗ mũi, cắt lỗ tai, chặt tay, chết hết bốn người rồi, ba người sợ quá trốn về đây. Núp nhắm mắt lại cho khỏi khóc, nhưng nước mắt cứ trào ra, ướt hết hai gò má:

- Tôi nói rồi, càng đầu Pháp càng chết. ... Bây giờ Núp ngồi trên hòn đá, nhớ Nhinh, nhớ Công, nhớ On, nhớ Ngai. Chết chôn ở đâu rồi? Chết không còn cái mũi, cái tai! Tức quá. Cầm ná, đứng dậy, chân không run nữa, bứt cái lá ăn cho đắng miệng. Đi tìm lũ làng. Phải đánh thằng Pháp. Nhớ lời anh Cầm nói rồi:

"Pháp tới đây cầm súng đánh mình để lấy đất nước mình, mình cũng phải cầm giáo, mác, cung, tên đánh lại nó mới lấy lại đất nước được. Không còn con đường nào khác." Núp đi tìm lũ làng. Thằng Pháp, đất nước mày ở đâu, sao mày tới đây lấy đất nước Ba-na giết người Ba-na, không cho người Ba-na muối ăn, áo mặc, rẫy làm?

-Bỏ làng Kông-hoa à?

- Bỏ làng Kông-hoa.

- Chạy đi đâu?

- Chạy vô trong núi Chư-lây. Núi Chư-lây có nhiều dốc, nhiều đá, nhiều cái hang, nhiều cây to. Làm làng ở đó. Pháp tới, đánh Pháp... Núp chưa nói hết câu, từ hàng trăm cái miệng đã ba tháng nay không hề biết một hột muối, vang lên những lời phản đối hỗn độn, ồn ào, không còn rõ là tiếng người:

- Bỏ đất ông bà à? Đi đâu?

- Không có muối ăn, làm sao? Chân Núp thanh niên khoẻ, Núp leo núi được. Chân tôi không có muối, không biết leo núi đâu.

- ở đây thôi, không đi đâu cả! Con nít khóc lên the thé.

- Đấy, con nít đấy, đem nó lên núi, chết trên đó, chôn nó trên đó à?

- Muối! muối!... Không có muối!... Đi đâu? Một giọng nói ồm ồm:

- Về làm xâu đi, Pháp cho muối ăn. Tức thì, tất cả im bặt. Rồi một loạt lại nổi lên ồn ào không thể nghe ra cái gì cả:

- Cái gì? Ai nói đó?

- Đi xâu à?

- Đứa nào? Cũng không biết ai nói nữa. Người vừa nói đã lẩn mất trong đám đông sôi nổi, ồn ào... Núp đưa mắt nhìn bok Pa. Buổi sáng nay bok Pa đã bằng lòng với Núp: Phải chạy lên núi Chư-lây, làm làng mới. Bây giờ, cái đầu sói của ông già cũng lắc đi, lắc lại.

- Không được, không được... Muối!... Không có muối, Núp à? Bok Sung cũng lắc đầu:

- Giàng không cho đi...

Bây giờ trừ Xíp, không còn ai đồng ý với Núp. Xíp lách đám đông tới đứng gần bên Núp. Con mắt hằm hằm. Núp để tay lên vai Xíp. Anh biết đứa nào đã nói đòi về làm xâu cho Pháp lúc nãy rồi: thằng Ung. Cha nó chết, để lại cho nó gần bảy mươi cái nồi đồng, mười bốn con trâu. Bây giờ nhất định nó không dám đi lên núi, đánh Pháp. Lên núi thì mất hết các thứ đó. Ai khiêng nồi đi, dắt trâu cho... Bốn phía, tiếng con nít đòi muối khóc ồn ào, tiếng bà già ông già chửi người xui bậy, tiếng thanh niên phản đối Núp nói to. Giải tán hết. Mỗi người đi một ngả. Mẹ Núp, vợ Núp leo lên nhà sàn. Nắng rọi vô trong bếp. Mái nhà lòi từng miếng trời xanh to bằng hai, ba bàn tay. Mẹ Núp rút thêm một nhúm tranh trên mái nhà, thở dài:

- †n hết mái nhà. Chị Liêu cầm nhúm tranh đốt cháy, bỏ vào một cái bát bể. Tranh cháy mau, cuộn tròn lại, rồi tan thành một thứ tro màu bạc đục, nhớp. Ba mẹ con xúm quanh, cầm củ mài chấm tro tranh, ăn. Hàng tháng nay, dân Kông-hoa phải ăn tro tranh thay muối. Tro tranh có một vị chát, hơi đắng, nồng nặc, khó chịu. Nuốt vào, từng hột tro mắc nghẽn ở cổ; nhưng có chút vị chát chát cũng đỡ nhớ muối. Lúc đầu đốt tro tranh ngoài rẫy ăn. Sau tìm ra tranh mái nhà ăn ngon hơn.

Khắp làng Kông-hoa nhà nào cũng lũng mái. †n lần ăn hồi chắc hết cả mái nhà. †n chưa hết bữa, Núp đã lầm lì bỏ đi. Mẹ nhìn theo, rồi nhìn Liêu. Núp đi đến tối cũng chưa về. Anh đi từng nhà, từng bếp. Tới đâu, Núp cũng chỉ nói một câu:

- †n tro tranh, khổ lắm. Tôi cũng biết khổ. Nhưng ăn tro tranh khổ một đời mình thôi. Còn ăn muối Pháp khổ hết đời mình, đời con mình khổ nữa, đời cháu mình khổ nữa... Bây giờ đi lẻ tẻ từng bếp, không ai phản đối. Núp nói rồi, mọi người vẫn ngồi im, ráng nuốt một bụm tro tranh, nuốt không đi hết, phải nín hơi, nuốt nữa, mặt đỏ, gân ở cổ nổi lên... Núp đi nói ba ngày. Ngày thứ hai có thêm bok Pa và Xíp đi. Ngày thứ ba có thêm bok Sung đi. Ngày thứ tư, cả làng họp. Bok Pa đứng ra hỏi:

- Nhà ai Núp cũng nói nhiều rồi. Bây giờ có người muốn theo Núp, theo tôi, đốt cái làng này, chạy vô núi Chư-lây, tìm chỗ khác, đất cao hơn, tốt hơn, có đá, làm làng, đánh Pháp, chờ muối Bok Hồ. Có người muốn phân tán về các làng Ba-lang, Kông-mi, Đê-ta, Ta-lung đi làm xâu cho Pháp. Ai muốn đi vô núi Chư-lây?

Im lặng. Con chim phí đậu trên mái nhà rông ngơ ngác nhìn, rồi sợ hãi cất cánh bay vụt. Một bàn tay già cằn cỗi, năm ngón xương xẩu, dài và gầy như một que củi khô, từ từ đưa lên: bok Sung. Hai người giơ tay: Xíp, bàn tay đen, gân guốc. Tiếng bok Sung nói, chậm rãi, lề rề:

- Tôi biết như anh Núp nói đấy: đi vô núi khổ lắm, nhưng cái bụng còn sướng. Đi làm xâu à? Không được. Làm xâu thì không khi nào gặp ông Dũng, anh Cầm, bộ đội Bok Hồ nữa... Kông-hoa không đi làm xâu đâu... Ba, bốn, năm, sáu... người lần lượt giơ tay: mai Diêu, mai Du, em bé Tun, bok Sring, đê Hang... Tay đưa lên mỗi lúc một đông. Những bàn tay trắng và thon, những bàn tay đen và to. Đặc biệt có một bàn tay nhỏ xíu cố đưa lên thật cao, nhưng vẫn lút giữa đám tay mỗi lúc một đông, càng đông càng chắc chắn. Bàn tay nhỏ đó là của Tun. Một loạt nói lên:

- Chúng tôi đi theo anh Núp. Núp đếm: chín mươi người. Còn bốn mươi người không đưa tay, từ ngày mai sẽ phân tán vào các làng, chịu đi xâu cho Pháp. Chín mươi người. Đi đầu là bok Pa. Họ mang rìu, rựa, gạo, một ít quần áo. Lên một dốc cao của dãy núi Chư-lây, tất cả dừng lại, nhìn xuống. Dưới chân núi, làng Kông-hoa đang bốc cháy. Chính họ đã tự đốt làng trước khi ra đi.

- Lửa ơi, mày ăn hết cái làng đi, đừng cho thằng Pháp tới ở đây... Chiều sẩm, đi tới một con suối. Các ông già làng nói:

- Suối này tên là suối Bông-pra. Chỗ này tốt, giàng cho làm làng được, có chỗ coi Pháp, đi xa cũng thấy, đánh được Pháp. Tất cả đặt gùi xuống. Núp đứng nhìn về phía làng cũ.

Gió buổi chiều thổi lên mùi thơm của cây rau ban-lo trộn lẫn mùi đất ướt của những rẫy ven suối lớn Đất-hoa. Không hiểu sao, Núp nghe trong hai mí mắt ướt rồi hai dòng nước mắt khe khẽ len ra đuôi con mắt, chảy dài xuống, vòng quanh trên hai gò má đen sạm vì nắng, nhọn lên vì đói muối. Núp biết từ hôm nay làng Kông-hoa mới thật là bắt đầu chống Pháp, khó khăn, khổ sở đây. Chín mươi người đã theo Núp đốt làng leo núi lên tới chỗ này. Trước nay Núp thương lũ làng chưa nhiều, Núp làm việc chưa nhiều, bây giờ Núp phải thương lũ làng nhiều nữa, làm việc nhiều nữa...

III

Những đêm mưa to gió lớn, đốt lửa ngồi trong nhà rông, bok Sung thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện về núi, rừng, trời, đất, sông, nước. Tất cả những thứ đó, bok Sung kể, không phải là vô tri vô giác đâu. Khi bình thường nó hiền lành. Núi rừng thì có mật ong, có cây gỗ làm nhà, sông suối thì đem nước cho người uống, đem cá cho người ăn, và nước khi chảy mệt dừng lại nghỉ chân ở các bến có cây to thì trong lắm, chỉ ngồi trên hòn đá nhúng hai chân xuống cũng đủ mát lạnh cả người. Gió thì như anh chàng suốt lúa ăn no rồi cầm ná đi săn trong núi, khi thì chạy mau khi thì đi rón rén, rình mò từng gốc cây, nói thì thầm, sợ con thú rừng nghe nó chạy mất. Đá thì lười biếng, quanh năm nằm ì một chỗ, không muốn đi đâu...

Nhưng cũng có khi trời đất tức giận, không biết giận cái gì. Nước to lên, chảy ào ào dưới suối, có khi chạy tuốt lên rẫy, lôi cả cây, cả lúa, cả người ném xuống sông Ba. Gió gầm như con cọp chạy ầm ầm, gặp cái gì cũng xô ngã, bẻ gãy cây to bốn, năm người ôm, xô cả nhà, cả người ta. Nhưng khủng khiếp nhất là đá giận. Đá giận thì đá chạy! Khi nhỏ, bảy tám tuổi, Núp thấy đá chạy một lần rồi. Thật là ghê gớm. Suốt đêm đó, gió và nước nổi giận trước. Tảng sáng hôm sau, hơi đỡ một chút. Gió mệt chạy chậm. Mưa nhỏ dần. Tự nhiên trên đỉnh núi Chư-lây tảng đá to nhất nổi giận. Trước tiên, nó xô mấy miếng đất dưới chân nó ra. Nó chuyển mình, rồi bất thình lình nó lật ngược và vụt chạy xuống núi. Nó chạy mau không thể cái gì chạy theo kịp. Nó bẻ gãy hết cây nào cản đường nó. Gặp con thú, nó đấm một cái, con thú chết bẹp ngay. Đến giữa đường, gặp đá bạn, đá con, nó thúc mỗi đứa một cái, tất cả đá ùa nhau chạy theo nó. Thôi thì cả núi rừng rung lên ào ào, đất thành khói đỏ bay mù mịt. Đồng bào sợ quá, rú lên, chạy vô trốn trong nhà. Các ông già làng nhiều kinh nghiệm, kêu lên:

- Đá chạy! Đá chạy! ố! ố! Trốn trong nhà không được đâu. Chạy ra suối hết, mau lên!

Đồng bào núp hai bên bờ suối, sợ run cả người lên. Các em bé có đứa chết ngất đi. Tới chân núi, đá không chạy nữa, nó nhảy lung tung vào trong làng. Có hòn nhảy ào ngay vào nhà rông, phá bể hết hàng chục ché rượu một loạt, có hòn nhảy vào trong nhà rẫy, bắn lúa văng lung tung ra ngoài. Những hòn cuối cùng nhảy phùm xuống suối, bắn nước lên tung toé, rồi từ đó... nằm ì đó, không chịu đi đâu nữa, để cho lũ rêu tới đóng xanh rì... May thay, lần đó đá không trúng người nào, chỉ chết năm con trâu, tám con heo, bốn con gà... Làm làng ở Bông-pra được một tháng, phát rẫy xong rồi, Núp đi coi kỹ lại cái núi, tìm chỗ đánh Pháp cho tốt. Anh leo lên một cái dốc cao có nhiều đá cheo leo. Không có muối ăn, leo dốc mệt đứt hơi, hai đầu gối muốn rụng mất. Núp gắng hết sức, leo lên được một hòn đá mát, ngồi nghỉ, nhìn xuống. Anh nhớ câu chuyện đá của bok Sung.

- Đúng rồi, đá của đất nước mình, mình phải nói cho đá tức Pháp, đánh Pháp mới được. Núp cố đi bê một hòn đá to lên đầu dốc, rồi mệt lả, hai con mắt xanh lét, Núp thả cả hai tay cho hòn đá chạy xuống chân núi. Đá chạy đúng theo đường mòn, vừa chạy, vừa nhảy.

- Tốt quá rồi, chắc chết thằng Pháp rồi.

Bữa đó Núp leo dốc thấy mạnh hơn, vui hơn. †n cơm, anh nuốt tro tranh không nghẹn cổ. Anh đi tìm Xip, hai anh em ra đứng ở đầu làng nhìn xuống. Bông-pra ở trên một khoảng đất bằng giữa núi cao. Phía dưới rừng xanh thẳm hẳn xuống, xa quá, ngó không thấy tới đâu hết. Núp nói:

- Để đá cho đông ở chỗ này. Pháp dưới đó đi lên. Mình xô đá một cái, đá chạy xuống, chắc thế nào cũng bể đầu Pháp. Tối đem ý kiến hỏi già làng, già làng đồng ý. Hỏi thanh niên, thanh niên cũng đồng ý. Ngày sau Núp dẫn một số thanh niên vô núi đốn tre, đan một tấm mê thật to, thật chắc. Đánh dây rừng làm bốn dây treo thật tốt. Rồi đi khiêng đá to bằng cái đầu, bằng con heo bỏ vào mê, treo lên một cây cao đầu dốc Bông-pra. Đầu tấm mê cột một sợi dây dài. Núp ngồi trong bụi, cầm dây giật mạnh. Cả mê đá nghiêng hẳn về một bên, đá xô nhau nhảy ra, chạy ào ào xuống dốc. Cả làng kéo ra xem thử, thấy tốt quá reo lên:

- úi dà! Lần này chắc Pháp chết không thấy cha, thấy mẹ rồi. Chắc người Ba-na chờ muối Bok Hồ được rồi. Làm được bẫy đá đầu tiên, lũ làng làm chông, làm mang cung càng hăng hơn. Đường mòn chừa cho đá chạy, hai bên đường toàn cắm chông. Chín mươi người Kông-hoa người nào người nấy con mắt xanh, cái má hóp, nhưng cứ đi theo Núp, rào cái làng Bông-pra lại. Phải làm như thế mới chờ được muối Bok Hồ.

Tháng tư ở Bông-pra chị Liêu đẻ đứa con đầu lòng. Anh Núp đang đi tìm cá ngoài suối, nghe người làng nói tin, bỏ quên cái rựa trên hòn đá, chạy ngay về nhà, coi mặt con thử.

- Có giống cha, giống mẹ không? Hai cái chân cứ muốn đi mau, về tới nhà chưa kịp leo lên thang, nghe tiếng con khóc rồi, mừng quá muốn chảy nước mắt. Núp nắm tay con, bàn tay của cha đen, to, bàn tay của con nhỏ, trắng. Ngó bàn tay con, Núp cười miết:

- ạ! Nhỏ quá, nhỏ quá! Anh thấy nó giống anh, nhưng không biết nó giống chỗ nào. Tốt quá, tốt quá, con lớn lên chắc đất nước vui hơn bây giờ rồi, có muối cho con ăn rồi... Núp bỏ làm rẫy một buổi, ở nhà với con. Chiều ra rẫy, chặt miết đến tối đen, ngó lại tưởng có hai người nữa cùng chặt với mình, sao hôm nay mình chặt mau thế, nhiều thế... Tất cả rẫy trong làng cũng đang đốt, chuẩn bị tỉa lúa. Trời nắng tốt lắm. Đốt rẫy xong, nguội tro, cuối tháng tư tỉa lúa xuống, tháng năm trời mưa thì vừa. Lúa được mưa đầu sẽ cao và chắc hạt. Tháng chín có lúa ăn và nghỉ, đi săn, đi chơi cho đến tháng ba sang năm mới đi làm lại. Nhưng đêm đó, mới đầu tháng tư, trời mưa to. Con ếch kêu inh ỏi. Nước suối lớn lút hết đá hai bên bờ. Con chim không đi ăn được. Người Kông-hoa ngồi trong nhà nhìn trời, thúng giống để sẵn một bên đó, con mắt lo, có màu vàng:

- Trời làm đói rồi! Hết năm ngày mưa, đi coi lại cái rẫy. Thôi rồi. Rẫy mới đốt, gặp mưa sớm, chồi non mọc lên lung tung, chiếm hết đất, không còn chỗ tỉa một hột lúa. Rẫy nhiều đá, chồi non ít mọc, còn tỉa được ít lúa bắp. Rẫy ít đá, không còn chỗ trống. Chồi non màu xanh, mạnh như những cây đinh, đâm ngược lên đầy rẫy. Phải bỏ thôi. Cả làng hai mươi bếp, làm ba chục cái rẫy, phải bỏ hết hai chục cái, chỉ còn mười cái xấu xấu. Rẫy trồng bông cũng không ra trái, trụi lá rồi khô. Tháng chín Kông-hoa bắt đầu đói. Nhà Ghíp đói trước tiên. Ghíp làm biếng nhất trong làng. Lũ làng nói:

- Ghíp làm biếng như hòn đá. Trong làng có ai làm biếng quá thì nói:

- Mày làm biếng như Ghíp. Tháng mười một, mười hai, tháng giêng, hai lũ làng đi bắt cá, đi săn nai. Ghíp ưng đi theo lắm, mang cái kèn theo thổi. Đến tháng ba, tư, năm, sáu, bảy, tám, chín lũ làng đi làm rẫy, Ghíp cũng lẩn vẩn mãi ngoài suối bắt cá, đi lên núi tìm con nai. Mẹ la quá, Ghíp cũng phải đi ra rẫy, nhưng ra chỉ ngồi coi, nói chuyện với lũ con gái, thổi kèn ò e. Mẹ Ghíp la:

- Mày là cái kèn hay sao, Ghíp? Ghíp nhe răng cười. Ghíp hát cũng hay, đờn cũng hay. Nhưng lớn hung rồi vẫn chưa có vợ. Lũ phụ nữ nói:

- Lấy Ghíp đói chết cả hai vợ chồng. Có con chết cả con! Bây giờ Ghíp đói trước rồi. Ngồi buồn thiu. Cũng không muốn đi vô núi đào củ mài, kiếm rau ăn đỡ. Cũng không muốn đi mượn lũ làng, mắc cỡ lắm. Núp hỏi:

- Đói chưa? Ghíp nói:

- Chưa đói, mệt thôi.

- Làm gì mệt? Ghíp thở dài:

- Không biết! Hai con mắt Ghíp hơi lồi ra, bây giờ lồi hung. Bốn phía sâu xuống. Đầu tóc quăn to ra, ngó cái tóc to hơn cái mặt. Hỏi hai ba lần cũng nói:

- Chưa đói... không biết!... Trong làng chỉ còn nhà Núp, nhà bok Pa, mai Du, bok Sung làm rẫy giỏi, còn lúa khá, đủ ăn chừng một hai tháng nữa. Núp nói với mẹ:

- Phải cho Ghíp ăn, đói hung rồi. Mẹ ngó chị Liêu:

- Còn sáu tháng nữa mới có bắp. Cho nó, lấy gì Liêu ăn, lấy gì con mày ăn?

Núp ngồi nhìn con, buồn lắm. Bok Hồ dạy làm rẫy tốt, ăn no mới đánh thắng được Pháp. Sao mình làm rẫy không tốt, không đúng lời Bok Hồ. Bok Hồ nghe lũ làng đói, chắc Bok buồn lắm. Bụng Núp muốn nghe lời Bok Hồ lắm chớ. Năm nay Núp đã làm bốn cái rẫy to. Nhưng ông trời mưa sớm thế, biết làm sao. Muốn làm sớm hơn để tránh mưa cũng không được đâu, người già làng không cho đâu. Làm sớm sợ giàng bắt đau chết, giàng bắt đói, biết làm sao? Núp ăn toàn rau rừng, măng le, nhường gạo nấu cháo cho Liêu và mẹ ăn với tro tranh. Núp không sợ mình đói đâu. Nhưng Núp sợ Liêu đói, mẹ đói, thằng Hờ Ru mới đẻ nó cũng đói. Núp nói:

- Thôi, cũng phải cho Ghíp ăn. Bây giờ đang đánh Pháp, để người chết đói không được đâu. Mai mốt tôi đi vô trong rừng đào củ mài, bẻ rau ăn cũng được. Mẹ hỏi:

- Sao không nói cho Ghíp đi đào củ mài, bẻ rau mà ăn.

- Bây giờ nó đói quá, đi chưa được đâu. Phải cho nó ăn, mai mốt nó khá, nó đi được, chỉ cho nó đi đào củ mài.

Núp đem cho Ghíp bốn lon gạo... Đói càng ngày càng nặng. Cả ngày không còn ai trong làng. Ba bốn người từng tốp đi lang thang trong rừng, tìm củ mài, tìm rau, tìm lá cây ăn. Mấy năm trước, đói còn chịu được. Năm nay không có muối, rau ăn nuốt cũng không đi. Củ mài ở gần đào hết rồi. Rau gần cũng bẻ hết rồi. Phải ăn lá cây, phải đi vô trong rừng xa, ăn cả tre lồ ô non. Gạo nhà Núp đáng lẽ ăn hai tháng mới hết, nhưng cho Ghíp, cho lũ làng đói, cho con nít, mới một tháng đã gần hết rồi. Mẹ Núp đói ăn rau có bữa say muốn chết. Liêu đói, cõng con không nổi. Con khóc miết... Nhưng lo nhất là lũ thanh niên đói bỏ đi tìm ăn hết, chòi gác trên đầu núi không còn ai coi nữa. Còn ít gạo, Núp, bok Pa phải đem cho thanh niên ăn, đi coi mang cung, chông, bẫy đá. Suốt ngày Núp leo lên ngồi trên chòi gác, coi chừng Pháp. Thằng bé Tun rất thương Núp. Nó cũng leo núi, lên ngồi bên Núp. Cả hai ngồi nhìn xuống phía chân núi, thấy con suối Đất-hoa lấp loáng chảy quanh co. Núp đưa một ngón tay chỉ cho Tun:

- Làng mình trước ở chỗ có cái chòm tranh màu xanh lợt đó. Tun hỏi:

- Khi nào mình mới về đó?

- Khi nào mình mạnh hơn bây giờ nhiều. Còn lâu lắm, Tun ạ.

Tháng 12 mưa to gió lớn. Cây ngả trong rừng không có con đường đi. Con suối chảy lạc bậy bạ trong núi. Trời lạnh quá. Cái khố con trai, cái váy con gái rách nhiều rồi. Con trai phải lấy sợi mây buộc cái khố lại cho gió khỏi thổi mất. Con gái phải lấy sợi mây cột túm mấy chỗ váy rách lại, đi phải che tay trước tay sau. Con gái thương con trai, con trai thương con gái không dám gặp nhau, sợ cái khố, cái váy rách, mắc cỡ lắm. Không có cây kim, không biết lấy gì vá. Cây kim trước kia phải đi mua dưới Kinh, bây giờ đi không được nữa, không tìm đâu ra. Trời cứ mưa, cứ gió. Cái lạnh ở đâu đến, làm tím cả mặt mày. Con nít có khi lạnh quá thở không nổi, phải đốt lửa lên hơ. Núp thấy thương quá. Anh đi tìm bok Sung:

- Bok ơi, ngày trước, lâu rồi, lâu rồi, người Ba-na có áo quần không he?

- Có chớ.

- Lấy cái gì may được áo quần? Bok Sung nghĩ ghê lắm. Rồi bok đứng dậy, đi vô trong góc nhà, tìm mãi, lấy ra một đoạn dây thép bằng gang tay. Bok soi đoạn dây thép lên lửa.

- Người Ba-na ngày trước lấy cái này mài trên hòn đá cho nhọn một đầu, đục lỗ một đầu, xâu sợi chỉ qua may áo quần.

- Thế lấy cái gì đục được lỗ? Bok Sung lại lim dim con mắt suy nghĩ:

- Đục lỗ à... à... Bok lại đi tới bếp, đào tro lên, xới đi xới lại, sau cũng tìm ra được một cái dùi thật nhỏ.

- Nhưng Núp à, ngày xưa trong làng chỉ có một người biết làm cây kim thôi. Làm cái lỗ nó khó lắm. Người đó bây giờ chết rồi.

- Thế làm sao? Núp nghĩ mãi. Sau cùng. Núp nắm tay bok Sung, nói:

- Thôi cứ làm bok ạ.

- Ai làm?

- Tôi làm đấy. Làm thử mà. Ngày mai bok làm thử với tôi nhé. Bok Sung ngần ngừ:

- à... à... ừ, Núp làm thử, tôi cũng coi. Nhưng tôi nói: không dễ đâu, không dễ đâu.

Ngày sau, bok Sung và Núp cặm cụi đục suốt ngày. Khúc dây thép dài bằng sải tay, cứ đục hư miết, chỉ còn bằng ngón tay út. Nhưng đến chiều, làm được một cây kim. Cây kim của Núp chuyền tay tất cả phụ nữ trong làng. Mấy ngày sau, con gái thương con trai, con trai thương con gái, lại đi đào củ mài, bẻ rau chung với nhau, không sợ mắc cỡ nữa. Con nít có áo vá lành mặc, cái môi tím bây giờ đỏ lại... Nhưng đói, đói vẫn như đám mây đen to phủ kín núi rừng. Và Pháp đã đi dò, súng đã nổ dưới chân núi. Tháng giêng đói càng nặng hơn. Con người ta chỉ còn hai con mắt, phải leo lên núi cao lắm mới còn củ mài măng le, lá cây ăn được. Người mạnh đi được xa. Người yếu nằm chờ chết. Làng vắng tanh, chỉ có nắng với con bồ hong bay mãi. Thằng bé Ngứt, con anh On bị Pháp giết năm ngoái, mẹ nó cũng đau chết rồi. Bây giờ nó đói lắm, chân đi kiếm lá không nổi, nó nằm dài gặm cả cỏ xanh dưới đất như con trâu, con bò rồi nó mửa ra hết, xanh cả miệng. Nó muốn chết luôn rồi. Lũ làng thương nó quá nhưng không ai dám nuôi nó: nhà mình cũng đói, nuôi nó sao nổi. Bữa tối, chị Liêu đang ẵm con ngồi gục trong góc nhà, thấy anh Núp cõng thằng Ngứt về. Chị nhắm hai mắt lại cho nước mắt chảy xuống ròng ròng. Núp cười tái nhợt:

- Liêu nuôi con đó, tôi nuôi con này. Mai mốt tôi đi tìm củ mài cho nó ăn. Chị Liêu, mẹ Núp đều khóc, lắc đầu. Bà mẹ lụm cụm đi vác một bó củi. Vác về đến cửa, mẹ đặt xuống, ngồi lên trên, thở dài, nhìn Núp, nhăn:

- Mày có nuôi được Liêu với con mày khỏi chết không đã chớ...

Núp ngồi vuốt đi vuốt lại mấy sợi tóc trên trán Ngứt:

- Mẹ ạ, cha Ngứt bị Pháp giết, không để cho nó chết được đâu. Ngày sau ngày sau nữa, nghe làng Ta-lung cũng chạy Pháp ở bên kia sườn núi Chư-lây, bây giờ cũng đang đói, không biết làm chông, Núp lại bỏ đi tìm Ta-lung.

- Phải đi bày nó làm chông, không thì mai mốt Pháp đánh lên, nó thua phải về đầu mất. Có làng nó, có làng mình cùng đánh Pháp mới mạnh được. Khi Núp đi về, anh đứng miết trước cửa, không muốn vô nhà. Sao anh không nuôi được mẹ, không nuôi được Liêu, còn làm khổ mẹ, khổ Liêu thế này? Nhưng mẹ thấy rồi, mẹ kêu:

- Núp, về ăn rau... Núp ngồi nắm tay con rồi hỏi mẹ:

- Ngứt khá chưa? Bà già im lặng. Chị Liêu trả lời:

- Nó khá rồi, nó chịu ăn rau rồi. Thằng Ngứt nằm ngủ trong một góc nhà. Bà mẹ Núp lấy cái chăn của mình đắp cho nó. Còn bà già thì ngồi, hơ hai bàn tay xương lên ngọn lửa, lạnh quá, có khi lửa bén xém cả tay mà không biết. Hai con mắt bà già nhìn sửng cái gì trong lửa. Bà hỏi như nói một mình:

- Lũ Ta-lung, con nói nó chịu làm chông chưa?

- Nó chịu rồi, mẹ ạ. Đến khi đi ngủ, tự nhiên bà mẹ hỏi:

- Núp à, mấy bữa nay con có thấy thằng Lu không, nó có sống nổi không? Thằng Lu là con anh Nhinh, cũng bị Pháp giết một lần với cha thằng Ngứt. Núp đã nằm xuống rồi, anh trở dậy đến ngồi bên lửa, kể:

- Con đã nói bok Pa nhận nuôi nó rồi. Còn con Tuy con anh Công nữa, con cũng nói bok Sring nhận nuôi... Chưa bao giờ Núp thương mẹ hơn hôm nay.

° ° °

Giữa lúc đang đói nặng, Pháp đánh lên Bông-pra. Núp chia người mạnh đi lên núi cao tìm rau về cho người yếu, chỉ còn một chục thanh niên ở lại làng, Pháp tới bắn súng ở rẫy mới biết. Chỉ kịp dìu nhau chạy tán loạn vô trong rừng. Liêu và Núp ôm con trốn dưới suối. Khi Núp chạy không kịp cầm cái ná theo... Đến trưa, nghe tiếng nổ nữa, tưởng là tiếng súng. Mẹ con mai Liêu chạy vô hốc đá. Núp leo lên một hòn đá cao đứng coi. Tự nhiên. Núp nhảy xuống, nắm lấy cái rựa, không nói không rằng một tiếng, bỏ mẹ con mai Liêu đó nhảy phóc lên bờ suối, chạy về làng. Chị Liêu kêu:

- Pháp đang bắn đó, không có ná, đi đâu, anh Núp? Nhưng Núp đã chạy xa rồi. Liêu nước mắt ròng ròng cõng con leo lên bờ suối, ngó theo chồng. Khói đỏ bay lên mù mịt, tàn lửa loạn xạ trên trời:

- Pháp đốt làng Bông-pra mất rồi!

Chín mươi người, lại đi trong núi, thành một hàng dài. Gió đổ lá vàng khô xuống trên gùi của họ. Con chim pơ-rơ-tơk, con chim của quê hương, đất nước, núi rừng đó, sao nó cứ kêu mãi. Mày kêu gì mãi thế, con chim ơi! Lần này khổ lắm rồi nhé! Khổ hung rồi nhé! Lần này phải lấy cái tay mà chặt cái cây to làm rẫy rồi! Phải lấy cái ngón tay mà đào cái củ mài sâu dưới đất rồi! Phải lấy cái răng mà cắn miếng da con trâu rồi. Bụng tức thằng Pháp vô cùng. Bụng nó như lửa, nó ác lắm. Lần này nó tới đốt làng, nó không lấy gì cả, nó chỉ lục hết các nhà, lấy tất cả rìu, rựa, giáo mác. Riêng nhà anh Núp cũng mất mười chín cái rìu rựa. Nó biết người Ba-na quý cái sắt lắm; cái sắt này chỉ có xuống dưới Kinh mới mua được. Nó biết không có cái sắt, không sống được đâu. Lấy gì làm rẫy, lấy gì chặt con nai, con mang? Nó muốn cho người Ba-na chết hết!... Bok Pa đi đầu đoàn người tay cầm chông, lưng còng xuống. Bok mệt lắm, nhưng cứ hát, hát cho khỏi buồn cái miệng, cho khỏi nóng cái bụng quá. Bok hát theo điệu Pe trong Luai:

- Không phải đâu, thằng Pháp ơi! Mày lầm rồi! Mày lầm rồi! Mày lấy hết lúa của tao,. Mày lấy hết bắp của tao, Mày lấy hết cái sắt của tao, Mày muốn tao chết trước mày. Không phải đâu, thằng Pháp ơi! Mày lầm rồi! Mày lầm rồi! Coi thử tao chết trước hay mày chết trước nhé!...

Câu hát của bok Pa trầm trầm, thong thả, nhưng nó đốt lửa trong chín mươi tấm lòng, Núp cũng thấy hừng hực. Chín mươi người đi, lầm lì, leo đá, lội suối, người già cũng đi, con nít cũng đi, người có mang cũng đi. Con vắt cắn chảy máu, không cần. Con mòng chích đau, không kêu. Đi thôi, đi theo anh Núp... Thật ra buổi sáng nay, Núp lo vô cùng. Đói nặng, không có muối, áo quần rách cả rồi, không có cả rìu rựa nữa. Thằng Pháp đốt làng Bông-pra, kéo về rồi nó cho người theo nó lên nói với lũ làng Kông-hoa.

- Người Kông-hoa về theo Pháp hết, Pháp cho lại tất cả rìu rựa. Pháp còn cho thêm mỗi người một bát muối, một cái rựa nữa. Người Kông-hoa ngó lại mà coi: làng theo Pháp như Ba-lang, Kông-mi, Kônggi àng, Hà-ro đó... có làng nào đói không? Không, no hết cả. Năm nay Pháp làm đồn, làm đường xong hết rồi. Pháp không kêu đi xâu nữa đâu. Tại sao Kông-hoa cứ chạy mãi. Chạy mãi, rìu rựa đâu làm rẫy? †n cái gì? †n đá à? Hay là ăn hai bàn tay? Người Kông-hoa nghe, cúi đầu, suy nghĩ, không ai nói gì cả. Buổi sáng nay, Núp leo lên hòn đá cao giữa làng Bông-pra vừa cháy, nhìn chín mươi người đói xơ xác đang đứng quanh anh. Núp nói:

- Thằng Pháp đốt cái làng này rồi. Bây giờ nó biết chỗ mình ở rồi. Phải đi nữa thôi, phải lên trên núi Chư-lây cao nữa, tìm cái chỗ tốt hơn nữa, làm cái làng mới, làm cái rẫy tốt, làm nhiều bẫy đá hơn nữa, đánh Pháp chờ muối Bok Hồ... Pháp lấy gần hết rìu rựa của mình rồi. Tôi còn mấy cái, bok Pa còn mấy cái, bok Sring cũng còn mấy cái giấu được, lũ làng chúng mình chia nhau, mỗi người làm một bữa, cho nhau mượn cái rìu, cái rựa... Thiếu cái rìu rựa, đi lấy hòn đá đập cho nhọn, cho bén, chặt đỡ cũng được, lũ làng ạ... Mai mốt, đánh hơn Pháp, sẽ có rìu rựa của Bok Hồ, của người Kinh gởi cho... Chín mươi người đứng im lặng. Núp nhìn quanh, rồi hỏi:

- Ai đi theo với tôi, với bok Pa? Không ai trả lời Núp cả. Tất cả đều cúi xuống, rồi dần dần ngẩng lên nhìn Núp như muốn hỏi:

- Anh còn định dẫn chúng tôi đi đâu nữa? Chín mươi cặp mắt đói muối gần hai năm nay rồi, từ bữa cháy làng Bông-pra đến nay đêm nào cũng chui bờ rúc bụi không ngủ được, bây giờ trắng phờ, trắng dại ra, ngó không biết ngó đi đâu. Họ thở dài... Nhưng khi bok Pa lưng còng xuống, nắm tay Tun, hai cha con chậm rãi đi lên phía núi Chư-lây, vừa đi vừa hỏi:

- Bây giờ tôi đi trước đây. Ai đi theo Núp thì đi với tôi...

Thì từng người, từng người họ đi lại chỗ cái nhà mình vừa bị đốt cháy, ngồi xuống, hốt đầy một gùi tro tranh. Núp nhìn những bàn tay hốt tro đó: đầy một gùi tro này là có thể ăn thay muối được hai năm đấy. Núp nhớ anh Cầm dặn: mình là cán bộ, Bok Hồ giao cho mình đồng bào giao cho mình việc đó rồi, mình phải làm sao cho tròn... Lũ làng hốt tro xong, lặng lẽ, lần lượt đi theo bok Pa. Tảng đá lớn đứng ở đầu làng sừng sững nhìn từng người đi qua, như chào từng người, như đếm từng người: một... hai... ba... bốn... đủ cả chín mươi người. Họ đi lên núi Chư-lây, cheo leo hơn nữa, cực khổ hơn nữa... "Không phải đâu, thằng Pháp ơi! Mày lầm rồi, mày lầm rồi, Coi thử tao chết trước hay mày chết trước nhé!..."

Núp cũng cất tiếng hát. Mười mấy năm về trước, chị Liêu rất thích nghe tiếng hát của người thanh niên ngồi tẩn mẩn, tần mần hàng nửa tháng trời vót cái "chum" tặng cho chị. Nó thanh thoát, khoẻ mạnh như con chim phí vỗ cánh bay trong nắng buổi sáng sớm. Bây giờ thì khác rồi, tiếng hát vẫn còn khoẻ mạnh, nhưng nó rắn chắc hơn, đằm xuống hơn, chín chắn hơn, mà lại có vẻ thách thức kẻ thù:

"Coi thử tao chết trước hay mày chết trước nhé!"

IV

-Anh Ghíp ơi, hòn đá chạy rồi đó à? Ghíp cười híp cả cặp mắt lồi:

- Không phải hòn đá nữa đâu, các chị à. Bây giờ tôi là cái gió rồi đấy. Đi đâu cũng đi trước mà, làm gì cũng làm trước mà. Làm lúa sớm đấy. Ghíp vừa đi vừa hát, hai chân cứ múa lên, mái tóc quăn phất phơ bay theo gió, anh ta đeo một cái đờn gông trước bụng, năm ngón tay búng lia búng lịa: tưng từng tưng, tứng từng tưng... Ai thấy Ghíp cũng cười. Năm nay Ghíp no rồi. Ghíp no được là nhờ làm lúa sớm đấy. Từ ngày bị mưa sớm tháng tư và đói nặng ở Bông-pra, Núp nghĩ miết: hàng trăm năm nay, đời ông, đời cha kể lại, rồi đến đời Núp nữa, bao nhiêu trận đói, có khi chết hàng trăm người, có khi quét sạch cả một làng, phần lớn đều do mưa sớm hư rẫy mà ra cả. Nhưng cũng từ đời ông, đời cha đến nay, người Ba-na không bao giờ dám làm rẫy sớm trước tháng ba, tháng tư. Làm rẫy sớm giàng không cho, giàng bắt phải chết hết. Thà chịu đói còn hơn trái ý giàng. Núp nằm đêm không ngủ được.

- Giàng, sao giàng ghét người Ba-na thế? Sao giàng không ghét thằng Pháp? Thằng Pháp ác lắm kia mà? Nghĩ mãi không ra. Một hôm Núp đi tìm bok Pa:

- Bok Pa, năm nay tôi muốn làm rẫy tháng giêng đấy. Bok Pa mở to mắt nhìn Núp từ đầu đến chân:

- Thật không?... Núp nói sao? ... ạ... Núp muốn giàng bắt chết à? Không được đâu, không được đâu! Giàng bắt Núp mất, ai coi chuyện đánh Pháp, Núp đừng làm bậy thế. Núp biết không xong rồi, Bok Pa là người khá nhất trong làng, nói cái gì cũng tốt. Bok không chịu thì không ai chịu nữa đâu. Năm nay đói nữa rồi! Trên trời mây cứ bay. Sao ông mây cứ mưa sớm tháng tư, ác thế. Đói nữa, đói nữa thì làm sao đánh được Pháp? Núp đốt lửa ngồi suốt đêm. Chị Liêu trằn trọc:

- Anh Núp không muốn đi ngủ à?

- Không đâu, đói nữa rồi, ngủ đi! Chị Liêu nhìn chồng không hiểu gì cả. Không biết nói sao, Liêu ôm con vào lòng, cũng không thể nào ngủ được. Núp khêu lửa lên. Tàn bay lả tả. Nhìn ra bên ngoài trời tối om. Mây cứ ùn lên, che kín tất cả các ông sao.

- Không được, không được! Liêu giật mình, hoảng hốt:

- Anh nói gì thế, anh Núp?... Anh nói với ai thế?

Núp không trả lời. Anh nói như ra lệnh cho vợ:

- Liêu ngủ đi. Sáng mai dậy sớm nấu cơm tôi ăn. Tôi đi chặt rẫy...

- Mới tháng giêng, anh... Núp gạt đi:

- Liêu đừng nói nữa, mai tôi đi đấy... Sáng hôm sau, Núp đi làm rẫy thật. Mẹ khóc, nhưng chị Liêu thì đi theo chồng. Gặp bok Pa, bok cười hỏi:

- Đi đâu đấy? Không đi săn con nai à? Tháng giêng đi săn con nai tốt lắm đấy. Lá vàng này, con nai thích đi ăn trong rừng nhiều lắm đấy. Núp dừng lại:

- Đi chặt cây làm rẫy thôi, bok Pa ạ. Không đi làm rẫy đói mãi, chắc có ngày cả Kông-hoa này kéo về theo Pháp hết thôi. Tôi đi làm trước, giàng có bắt, bắt tôi chết trước. Giàng cho sống thì sang năm cả làng làm rẫy sớm hết. Bok Pa về bàn với bok Sung:

- Núp dại quá, chưa biết giàng chi cả, chắc bok phải cúng giàng cho nó, không thì nó chết mất. Bok Sung lắc đầu, buồn rầu:

- Xin giàng cũng không cho đâu. Xưa nay không ai làm thế. Sao nó dại thế! Bok Pa ngồi yên mãi, rồi nước mắt từ từ lăn trên hai gò má nhăn nheo, hai giọt nước mắt, bok không muốn chùi nữa:

- Núp thương lũ làng quá nên nó làm bậy thế... Núp ơi, tiếc mày quá!

Cả làng ai cũng tiếc Núp. Chỉ có Ghíp, cái thằng bướng đó, xưa nay có biết sợ giàng là gì đâu. Anh Núp cho nó gạo ăn, một tay nó cầm rựa, một tay nó cầm cái kèn đi theo anh Núp làm rẫy tháng giêng! Nhưng Núp, Ghíp, Liêu, không ai chết cả. Năm đó mới cuối tháng ba, trời tệ quá, đổ mưa to lắm. Cả làng phải bỏ rẫy gần hết. Chỉ còn rẫy của Núp và Ghíp làm lúa sớm gặp mưa, tốt lắm, thu được hơn năm trăm gùi lúa . Bữa cơm bữa cháo, cả làng ăn chung với Núp và Ghíp qua những ngày đói. Năm sau, Núp lại đi làm rẫy sớm. Bok Sung lại khóc.

- Giàng tha một lần, hai lần giàng không tha đâu. Nhưng bok phải khóc cho cả làng, vì ai nấy đều đi theo Núp, làm rẫy tháng giêng cả rồi! Năm nay làng no. Ghíp lại đánh đờn gông "tứng từng tưng, tứng từng tứng", và đi theo anh Núp miết. Mẹ Ghíp nói:

- Mày muốn làm cái đuôi anh Núp phải không? Ghíp cười:

- Thế mẹ không ưng no à?

- Sao lại không.

- œng no phải đi theo anh Núp, mẹ ạ. Làng no... Ngọn gió buổi chiều thổi qua các cây rừng, thổi từ dưới rẫy lên ngọn núi cao, có mang theo cái mùi thơm của lúa chín. Cái mùi thơm đó, con heo rừng biết được. Cái mũi nó nhúc nhích. Đã ba, bốn mùa nay rồi, con heo rừng không xuống rẫy làng Kông-hoa nữa. Lần cuối cùng nó xuống rẫy Kông-hoa, cách đây đã không biết mấy chục lần ông trăng sáng, nó không thấy có bóng người, cũng không nghe có tiếng đàn tơ-rưng nước! Nó chắc giống người Kông-hoa không còn nữa. Nó dùng hai cái nanh dài húc đổ một khoảng rào cao, nhảy vào trong rẫy. Nó tìm đi, tìm lại, nó "khịt! khịt!", nó chạy quanh: rẫy không có một hột lúa nào nữa... từ đó nó bỏ đi, hết rừng này qua rừng khác, nó đói. Nhưng bữa nay, nghe ngọn gió buổi chiều có hơi lúa thơm, nó đợi cho bóng tối từ trong các gốc cây to lan dần ra, trùm hết cả núi rừng, các ông sao trên trời cao sống dậy, nó lại mò xuống rẫy làng Kông-hoa... Ghíp biết trước năm nay được mùa thế nào con heo rừng cũng xuống ăn lúa. Ghíp nói với anh Núp:

- Phải làm đờn tơ-rưng nước đuổi con heo rừng, anh Núp ạ. Núp nói:

- Phải đấy, Ghíp có cái tay tốt, Ghíp làm nhé. Bày cho lũ thanh niên làm nữa. Làm cho nhiều cho vui thêm cái làng mình...

Đờn tơ-rưng nước cũng giống như đờn tơ-rưng thường, làm bằng nhiều ống tre lồ ô, cái dài, cái ngắn, khoét móp đi rất khéo, cột với nhau bằng dây rừng. Làm xong cái đờn, đem cột trên một hòn đá ngoài suối. Đầu cái đờn cột vào một hòn đá giữa suối, đuôi cái đờn cũng cột vào một hòn đá giữa suối, ngay chỗ nước suối đổ đứng thẳng xuống. Tất cả các ống tre dài, ngắn nằm theo chiều nước. Nước từ trên đổ xuống bồng cái đờn lên, cái ống tre dài bị nước đánh kêu "ung!... ung..." Nước đổ xuống gặp hòn đá ở dưới, lại nhảy lên, đập vào các ống tre ngắn, kêu hay hơn tay người đánh đờn tơ-rưng. Nước đánh đờn tơ-rưng như thế suốt ngày đêm. Các con nước suối đều như Ghíp thế, đánh đờn không bao giờ biết mệt. Ghíp có khi bỏ ăn, ra ngồi bên suối, nghe con nước giỏi đánh đờn... Hễ có rẫy lúa chín là có đờn tơ-rưng nước. Con heo rừng sợ tiếng đờn đó. Suối nước vừa đánh đờn chơi, vừa giữ rẫy giùm cho mình. Ba, bốn mùa nay, lúa không mọc trên rẫy, con heo rừng không thèm đến, Ghíp đói, thanh niên đói cũng không đi coi cái đờn nữa. Nước bứt hết dây đờn, kéo mấy ống tre trôi lềnh bềnh về đến con sông Ba. Kông-hoa không có tiếng đờn tơ-rưng nữa... Nhưng mùa này... tối hôm đó, con heo rừng mò xuống núi Chư-lây, bốn chân nó đi không đạp gãy một ngọn cỏ. Nó rình mò. Đến đầu ngọn suối, nó bỗng dừng lại. Trong đêm núi rừng thanh vắng, hai tai nó vểnh lên: nó nghe có tiếng suối đánh đờn. Cặp mắt đỏ như lửa của nó tự nhiên dịu xuống, nó ngơ ngác. Tiếng đờn mỗi lúc một dồn dập, mỗi lúc một cao. Tự nhiên im bặt. Rồi lại nổi lên, trầm trầm. Rồi nhanh. Rồi giục giã. Con heo rừng hoảng hốt: không, giống người Kông-hoa không chết, giống người Kông-hoa còn sống, còn đánh cái đờn giữ cái rẫy suốt đêm ngày, không cho nó vào phá cái rào ăn hột lúa chín. Nó quay lại, cặp mắt nó đột ngột xanh lè, nó phóc một cái, ù té chạy lên núi cao. Nó sợ người... Con heo rừng đói bỏ chạy trong đêm đó gặp Ghíp giữa đường. Ghíp đang theo anh Núp vô núi tìm trái lôpang. Trái lôpang trong núi nhiều như cỏ, thế mà lâu nay không ai biết. Anh Núp thấy người Kông-hoa ăn tro tranh lâu quá, người cứ teo lại.

Anh đi mãi trong núi tìm thử có thứ gì ăn khá hơn không. Gặp lá gì cũng ăn thử. Có lần ăn trúng lá độc, mửa gần chết. Chị Liêu ôm đầu chồng, đổ nước cháo, khóc mãi. Tỉnh dậy, ít bữa, Núp lại đi tìm nữa. Sau cùng tìm được trái lôpang, ăn hơi mặn, chan chát, đỡ hơn tro tranh nhiều. Núp tìm cây lôpang về nuôi ở rẫy. Nó lớn lên, leo lên cột nhà rẫy. Buổi sáng nào đi ra rẫy, Núp cũng tới đứng xem nó lớn, múc nước suối mát đổ vào gốc cho nó uống. Bụng anh vui sướng quá! Trái lôpang, có nó làng vui hơn nhiều lắm. Có khi tưởng ăn còn ngon hơn muối... Ghíp lại theo anh Núp đi đánh giặc, một lần ở Lanh-lanh, một lần ở Xê-nga. Lần thứ nhất thanh niên giết được mười lăm thằng bằng ná và bẫy đá. Nhưng làng Lanh-lanh ở cao quá, xa rẫy quá, phải bỏ làng chạy tới núi Xê-nga. Lần thứ hai ở Xê-nga, Pháp thấy bù nhìn rơm của Núp làm tưởng người thật, nó "văn-xê" lên bắt, bị trúng chông chết tám đứa nữa. Nhưng Xê-nga đất cũng xấu quá. Lũ làng lại muốn đi chỗ khác nữa rồi. Con chim pơ-rơ-tơk lại kêu. Nghe tiếng nó, nhớ con suối Kông-hoa 159 160 hiền lành chảy quanh co dưới chân núi, nhớ cái đất ở đó màu mỡ quá, nắm lên một nắm, bỏ xuống còn dính trong tay; nhớ bóng mát của cây xoài có con chim mẹ đút mồi cho chim con ăn buổi sáng. Trong bụng nảy lên ý muốn: đi về dưới đó. Núp ra đứng ở đầu làng, nghe gió từ dưới chân núi thổi lên. Anh cũng muốn đi về dưới đó. Bây giờ đi về được rồi. Biết làm nhiều chông rồi, chông ngắn chông dài, chông trên cây, "chông mưa", biết làm mang cung bắn một lượt năm phát, biết làm bẫy đá không cần người giật, biết làm cả nhà giấu lúa, giấu người già, yếu. Bây giờ cần đất tốt hơn, ăn no hơn. Núp hỏi bok Pa, rồi hỏi lũ làng. Bằng lòng cả. Ba năm lên núi cao, bây giờ chín mươi người Kông-hoa lại kéo trở xuống, về trên mảnh đất ông bà, làm lại làng, đánh giặc ngay ở đấy. Pháp đẩy Kông-hoa lên núi, Kông-hoa không chết trên đó. Bây giờ Kông-hoa trở về, đã mạnh hơn trước nhiều.

Bàn tay bà cụ già nắm cái rựa cùn đẩy đi đẩy lại trên thanh tre lồ ô, chậm rãi, kiên nhẫn, lầm lì. Ngoài trời gió và mưa lất phất. Và đói muối, và giặc Pháp nữa luôn luôn uy hiếp. Nhưng nhất định, chắc chắn không có gì có thể ngăn cản nổi bàn tay già này chậm rãi, vót miết thanh tre lồ ô này thành cây chông nhọn được... Những cây chông chuốt sạch xong rồi, bà cụ xếp lại thành một đống bên chân. Bà cụ đặt thêm một cây vừa vót xong nữa vào đống chông đó, lấy bàn tay già vỗ vỗ lại cho đều, thở dài, rồi tay trái sờ soạng dưới sàn nhà, lấy lên một thanh tre lồ ô nữa, tay phải nắm chặt cái rựa cùn, lại kiên nhẫn đẩy đi, đẩy lại. Cây chông thứ bao nhiêu rồi, không còn nhớ nữa... Cái rựa cùn kì kà kì kèo như là mài trên miếng lồ ô. Mỗi khi bà cụ dừng lại, gian nhà im lặng, thì ở nhà bên cạnh, ở nhà bên cạnh nữa, vang lại cùng một thứ tiếng kì kà kì kèo nhẫn nại, âm thầm, chắc chắn đó. Nghe lời Núp, đêm nay cả làng ngồi vót chông. ạng già, bà già, trẻ con đều vót chông. Nửa đêm, Tun dẫn Ghíp và Xíp, vào từng nhà, thu tất cả chông đã vót xong, mang ra một gốc cây giữa rừng. Mưa đã tạnh. ở gốc cây có một cái hũ đậy kín. Tun đứng đấy hồi lâu, nghe ngóng hướng gió thật kỹ rồi ba anh em ngồi về phía đầu gió, Tun giở nắp hũ ra. Trong ánh sáng mờ mờ, ba người lấy từng cây chông, cẩn thận đút vào trong hũ, nhúng vào nước mủ cây tang-nang. Những cây chông tẩm thuốc độc xong, Tun bỏ cả vào gùi, cẩn thận lắm. Anh Núp dặn đi dặn lại mãi. Anh chỉ vẽ cho Tun từ cách ngồi tránh hướng gió, cách cầm cây chông thế nào để tránh thuốc độc. Chỉ cần hơi mủ tang-nang tạt vào mặt là đã sưng cả mặt lên ít ngày rồi chết. Già làng ngăn mãi nhiều lần không được, anh Núp tức Pháp lắm, liều chết lắm, mới đi vô rừng lấy được mủ cây tang-nang về đây...

Con gà khuya ngủ dậy nhớ mặt trời nó kêu: ò ó o! Nhưng mặt trời còn ngủ mê lắm. Đêm còn tối om. Ba anh em đi về. Tun đi đầu. Năm nay Tun đã lớn rồi: từ khi đẻ nó ra đến nay, bok Pa tính đã làm được mười sáu cái rẫy. Nó nhanh nhẹn, tay chân rất khoẻ, cái cằm giống cha, hơi vuông, rắn rỏi. Nó đi theo anh Núp miết... Ghíp đi sau cùng, trong bụng buồn lắm. Vụ này do Ghíp mà gây ra cả. Từ khi làng trở về Kông-hoa, đánh hơn Pháp hai lần, làm ăn no, Pháp không lấy được lúa, không bắt được con heo, con trâu. Thanh niên chủ quan, không lo Pháp nữa. Nhất là Ghíp. Ghíp hay nói:

- Con cọp trong rừng đánh nó chảy máu bốn năm lần, nó cũng phải sợ. Thằng Pháp nhất định không dám tới Kông-hoa nữa đâu. Có bữa đang nói bô bô như thế, thoáng thấy anh Núp tới, Ghíp hoảng, bỏ đi. Nhưng anh Núp đi rồi, Ghíp lại khoa tay, múa chân nói như cũ. Cho đến cách đây mười ngày, Ghíp dẫn năm thanh niên đi gác. Ghíp cũng nói:

- Con cọp ở trong rừng đánh nó chảy máu bốn, năm lần...

Rồi dẫn cả năm người lên núi hái trái thiên tuế về nấu ăn. Không ngờ Pháp tới. Nó không dám vô làng, chỉ đi phá rẫy, bị trúng chông cũng nhiều, nhưng nó bắt được tám người: bà Hu mẹ Ghíp, chị Lã em vợ Núp, anh Dinh, anh An và bốn người già. Nó dẫn về đồn đánh nhiều lắm, bỏ tù, rồi kêu Kông-hoa về đầu hàng không thì nó giết cả tám. Lũ làng đòi về đầu Pháp để cứu tám người. Núp nói thế nào cũng không được. Sau cùng, phải để cho sáu bếp ba mươi người già, yếu, con nít, phụ nữ đi. Pháp bắt làm nhà ở chung với làng Hà-ro, rào dây thép gai bốn phía, cho lính của nó gác. Bây giờ Ghíp đi trong đêm tối, phần nhớ mẹ, phần buồn vì lỗi của mình, hai con mắt đỏ ngầu. Mẹ ơi làm sao cứu mẹ ra? Mẹ có khóc không? Mẹ bây giờ ở chỗ nào rồi?

- Thôi mai mốt tôi không đi hái trái thiên tuế nữa đâu. Tôi đập bể cái đờn gông, tôi bứt dây cái đờn kơ-xi rồi. Mai mốt tôi đi gác miết, không cho Pháp tới làng nữa đâu... Nhưng bây giờ mẹ ở trong đồn Pháp rồi, ba mươi tám người Kông-hoa ở trong đồn Pháp rồi. Ghíp muốn khóc quá, nhưng cứ nhớ con mắt anh Núp nhìn thì không dám khóc. Anh Núp không nói gì Ghíp cả. Sau bữa đó, anh nói chung với tất cả lũ thanh niên:

- Khi đánh giặc, họp tất cả lũ làng lại, lũ làng tin anh em thanh niên, lũ làng mới chịu đánh giặc. Anh em thanh niên hứa với lũ làng sao? Bây giờ làm sao? Tất cả thanh niên cúi đầu xuống không nói gì. Ghíp tránh anh Núp mãi, không dám gặp mặt. Nhưng Núp lại đi tìm Ghíp. Anh không ngủ, con mắt đỏ kè. Anh nói:

- Đêm nay Ghíp đi với Tun, làm như Tun.

Như mấy bữa trước mà nói thế thì Ghíp đã đỏ lỗ tai lên rồi:

"Sao lại đi theo Tun? Lớn thế này, đi theo con nít à?" Hôm nay Ghíp im lặng, chỉ nói:

- Anh Núp, tôi có lỗi... Nhưng Núp đã gạt:

- Thôi, thôi... tôi đi ngay đây mà.

- Anh đi đâu?

- Đi tới đồn Hà-ro.

- Anh... Nhưng Núp đã đi rồi. Sao anh Núp lại đi tới đồn Hà-ro? Giàng ơi, Pháp bắt anh Núp nữa thì Ghíp có tội vô cùng.

° ° °

Buổi chiều ba mươi người Kông-hoa bỏ đi về Hà-ro chịu sống tập trung với Pháp, Núp đứng ở đầu làng nhìn theo cho đến sẩm tối, không nói được một tiếng nào. Tối bữa đó, lần đầu tiên chị Liêu để ý thấy những nếp nhăn trên trán chồng. Chị ngồi vò đầu con, thằng Hờ Ru vân vê cái khố của nó. Sáng hôm sau, Núp dậy thật sớm, cầm ná ra đi. Bok Pa hỏi:

- Đi đâu? Núp nói:

- Mình cán bộ, đồng bào đi một bước mình cũng phải đi theo, bok ạ. Tôi nghĩ đêm khi hôm nhiều rồi. Tôi phải đi tới làng Hà-ro tìm cách lấy cho được lũ làng về. Tôi khoẻ, đi xa được. Bok già, bok ở lại coi lũ làng... Từ Kông-hoa đi Hà-ro một ngày đường. Tới Hà-ro Núp phải trốn ngoài núi. Thằng lính Pháp lâu lâu nó đi ra, đứng ngó, rồi đi vô đồn. Núp muốn nhảy tới, đánh chết nó. Nhưng thôi.

- Tao lấy hết được ba mươi tám người về rồi tao mới bắn mày.

Đêm xuống. Phải ngủ trong rừng. Đêm trong rừng có trăm, nghìn con mắt sáng ở dưới đất, ở trên cây. Nó nhìn Núp. Núp biết đó là những cái lá khô ban đêm nó thức dậy nhìn trời. Bok Sung nói thế. Nhưng có lúc, nhìn kỹ ngó như mắt con cọp. Lạnh từ ngôi sao trên trời chạy vô lỗ tai, rồi chạy ra sau lưng. Núp lùi lại sau một gốc cây to, đề phòng con cọp nhảy tới thì bắn ngay một phát. Nhưng con cọp nhìn mãi, đứng yên một chỗ. Một ngọn gió đi qua. Mắt cọp liếc qua liếc lại... Không phải con cọp, cái lá khô đấy thôi! Nhưng khuya, có con cọp thiệt. Nó tanh quá. Núp lạnh cả mình. Thoáng một cái, Núp nghĩ tới khi nhỏ, một lần thấy người bị cọp vồ. Định chạy, nhưng chạy thì chết ngay. Bây giờ Núp không thể chết được. Trong người Núp tự nhiên dần dần nóng ran lên. Nhất định không chết. Núp ngồi im, nín thở. Con cọp chưa biết mình đâu... Tiếng lá sột soạt, sột soạt. Một cành cây khô gãy kêu "rắc". Mùi tanh bớt đi. Lâu lắm. Con cọp đi chưa? Núp cúi xuống, lượm một hòn đá ném thử vào trong đêm. Không có tiếng động gì trả lời: con cọp đi rồi... Suốt đêm, đầu óc cứ phải căng thẳng, sẵn sàng chống lại bao nhiêu nguy hiểm có thể tới bất cứ lúc nào. Đến khi mệt quá gục xuống gốc cây, ngủ thiếp đi thì sao bắt đầu tắt từng cái một, gió lạnh buốt buổi sáng quấn quýt các gốc cây, xào xạc trong đám tranh. Trời hửng sáng. Mừng quá. Buổi sáng người Thượng du thường đi ra núi. Thế nào cũng gặp người làng. Nhưng chờ mãi, vẫn không thấy. Đói quá, phải nhổ rau ăn. Trưa, Núp mò vào sát làng Hà-ro, nằm trong bụi. Cả làng im lặng. Hàng chục mái tranh say nắng đứng sững. Không thấy một người. Đến chiều đành phải ra núi ngủ một đêm nữa. Ngày thứ hai có một người trong làng đi ra rẫy. Núp ngồi trong bụi, nhìn rõ mặt, không phải người Kông-hoa.

Đúng là người Hà-ro rồi. Năm năm nay, lần đầu tiên Núp thấy một người ở trong làng tập trung của Pháp. Người này còn trẻ, mặc khố rách, áo cũng rách, cổ đeo cái gì xanh xanh đỏ đỏ, nước da vàng tái, mắt nhìn xuống. Đi ở với Pháp năm năm, chỉ được cái đeo trên cổ, còn áo quần, con người thì như thế đó. Núp định ra chặn lại hỏi. Nhưng... có được không?... Nó có bắt mình nộp cho Pháp không?... Chắc không đâu, Pháp làm nó khổ thế này, bụng nó chắc không thương Pháp đâu. Núp bước ra. Người Hà-ro giật mình quay lại nhìn Núp từ đầu đến chân, rồi quay gót, định chạy. Núp nói:

- Đừng chạy, tôi đây... người Kông-hoa mà... ở trên núi mới xuống, định gặp anh...

Không ngờ người thanh niên nghe nói "Kông-hoa", mặt tái mét, nhìn Núp sừng sững, lẩm bẩm:

- ở trên núi xuống à?...

Thấy cái ná của Núp. Cặp mắt hoảng hốt. Anh vụt chạy. Nguy rồi! Nó chạy về báo làng thì lộ hết. Núp phóc theo, cố sức đuổi. Hai ngày không ăn cơm, hai chân đuối, bốn năm lần muốn ngã chúi, đâm đầu vào đá. Cây hai bên đường cứ như lao vào trước mặt. Núp không còn thấy gì nữa. Nhưng cứ cắn răng chạy. Tới một con suối nhỏ, loạng choạng thấy cái áo của người thanh niên Hà-ro vụt qua, Núp nhảy ào xuống, chụp một cái, và nắm được cái khố.

- Tại sao chạy? Tại sao chạy? Hai người đều thở, hổn hển, không ai nghe thấy tiếng của ai. Một hồi lâu, bớt ù tai, bớt hoa mắt, Núp mới thấy rõ người thanh niên nhìn Núp, van lơn, nói bấp búng trong miệng:

- Anh... anh đừng giết tôi... Pháp nó bắt tôi dẫn nó đi... cái bụng tôi có muốn đâu... anh... anh đừng giết... Núp hiểu rồi. Một lằn gân tím nổi lên gần bên thái dương. Núp nắm chặt cổ tay anh thanh niên Hà-ro, nghẹn lên đến cổ:

- Thằng Pháp, mày ác đến thế đấy. Mày bắt người Hà-ro dẫn đường cho mày đi đánh làng Kông-hoa, rồi mày nói với người Hà-ro rằng người Kông-hoa thù người Hà-ro lắm, ghét người Hà-ro theo Pháp, muốn giết chết người Hà-ro ngay. Năm ngoái đã một lần người Hà-ro muốn cầm giáo lên đánh người Kông-hoa, cũng do miệng mày xui cả. Bây giờ gặp người Kông-hoa người Hà-ro sợ hơn gặp mày. Sao miệng mày như con rắn độc xanh đầu thế? Núp phải nói đến chiều, anh thanh niên Hà-ro mới hết sợ. Anh hứa về nói với ông chủ tịch cũ làng Hà-ro sáng mai ra gặp Núp ở rẫy. Người Hà-ro đi rồi. Núp định trở về Kông-hoa nhưng sợ sáng mai trở lại không kịp, không gặp được ông chủ tịch nên phải ở lại một đêm nữa trong rừng. Nửa đêm, nghe con voi đi ăn cả một bầy. Nó nhổ cây răng rắc, nó kêu ghê quá. Đêm trước Núp leo lên cây, đêm nay không dám nữa, phải rúc vào một hốc đá. Hơi đá lạnh thấm tới đốt xương trong lưng, tới chỗ sâu nhất trong ruột. Núp đút hai chân vào trong lá khô, nằm suy nghĩ. Cách đây hơn ba năm, Núp đã một lần để cho năm người Kông-hoa về đầu Pháp ở đồn Hà-ro. Lần đó Pháp giết mất bốn người. Lần này Núp lại để cho ba mươi người Kông-hoa về đầu Pháp nữa ở đồn này. Nhưng lần này không phải liều như lần trước. Lần này, Núp nhất định không để cho một thanh niên nào đi, ba mươi người toàn người già, phụ nữ. Lần này Núp nhất định phải bám theo sát ba mươi người, tìm hết cách lấy cho được ba mươi người này, và cả tám người bị bắt trước nữa, lấy về hết cho làng Kông-hoa. Làm sao lấy? Núp cũng chưa biết rõ. Nhưng nhất định là phải lấy cho được...

Mong trời mau sáng nhưng sao đêm cứ dài. Gió thổi, rụng sương xuống lộp độp trên lá khô. Núp ngồi dậy, dựa lưng vào đá, đợi mãi. Nhưng cũng như hai đêm trước, khi trời rạng sáng thì Núp đã gục đầu lên đá ngủ thiếp đi. Một con chim bay sà xuống kêu lanh lảnh đánh thức Núp dậy. Mặt trời buổi sáng chói lọi... Gần trưa, gặp ông chủ tịch cũ làng Hà-ro, trước đây có quen Núp. Thấy Núp ông dừng lại, bước tới hai bước, ba bước, rồi oà lên khóc:

- Khổ lắm, Núp ạ... khổ lắm. Người Hà-ro không muốn ở đây nữa... Khổ lắm, sao Núp còn cho ba mươi người Kông-hoa về đây làm chi?... Núp cắn môi đến chảy máu, cố không khóc:

- Không phải tôi cho đâu, bok ạ... ba mươi người Kông-hoa hôm nay thế nào rồi, bok nói cho tôi biết. Tôi ở trên núi xuống đây, đường xa, đi hỏi tin đây... Hai người ngồi sau một lùm cây sim, ở một góc rẫy xa đường đi. Núp chống tay lên gò má, ngồi nghe ông già kể chuyện làng Hà-ro, kể chuyện ba mươi tám người Kông-hoa mới bị tập trung. Giọng nói của ông già trầm trầm, đứt quãng. Ngón chân cái của Núp đạp mãi một hòn sỏi, móng chân ấn mạnh vào hòn sỏi cứng, muốn bật ra, rớm máu, Núp vẫn không biết đau. Mặt Núp màu tro xám. Nước mắt chảy vòng quanh trên gò má.

- Bok!... Bok đừng kể nữa. Giọng nói của Núp run lên. Núp chùi nước mắt:

- Không, bok cứ kể nữa đi, tôi muốn nghe nữa, bok cứ nói đi.

ạng già lại chậm rãi kể nữa, kể mãi... Năm năm nay bây giờ Núp mới biết nỗi khổ của người Ba-na ở trong làng tập trung của Pháp rõ ràng như thế. Khi ở trên núi, nghe tin ở với Pháp có muối ăn, có áo mặc... Bây giờ thì rõ rồi. Có muối, có áo đúng. Nhưng ai có? Cả làng Hà-ro bốn trăm người, chỉ gia đình người chủ làng có. Còn lũ làng đông thì sao? Muối cũng không có ăn, áo cũng không có mặc, Pháp không cho đi ra khỏi làng tập trung. Buổi sáng, cái đồng hồ của Pháp kêu tám tiếng, Pháp mới mở cửa làng cho đi ra rẫy, buổi chiều, đồng hồ của Pháp kêu năm tiếng, phải về hết, đóng cửa lại. Như con heo, như con trâu. Quanh năm, bất cứ lúc nào cũng bị kêu đi xâu. Pháp bỏ lên xe, chở đi tới đồn điền của Pháp ở Pơ-le-cu, Biển-hồ, Đất-hoa. Đi một tháng, hai tháng về đau nằm xuống, cỏ ngoài rẫy cao hơn lúa, đói. Con gái trong làng, lính Pháp lấy gần hết. Đến khi thả về, đau quặt quẹo. Có người xé váy thắt cổ lên cây xoài trong làng, tự tử. Thanh niên Pháp bắt đi lính, đưa đi Ban-mêthuột, Kon-tum, Lâm-viên... Tháng trước nó nghi một người làng ra núi gặp "ông Minh", nó bắt về, đánh gần chết rồi chặt đứt một bàn tay. Nó nói:

- Đứt một bàn tay cho nhớ, đừng theo ông Minh nữa... ạng già không biết gì về tin tức ba mươi người Kông-hoa và tám người bị bắt. Chỉ thấy Pháp đang bắt làm nhà, ở chung với người Hà-ro. Pháp có cho một ít muối, nhưng không ai chịu lấy. Núp hỏi:

- Bây giờ tôi muốn gặp người Kông-hoa, bok có giúp tôi được không? ạng già suy nghĩ lâu lắm. Sau cùng ông nắm tay Núp, nói:

- Được đấy. Chiều nay, gặp chỗ rẫy này nhé... Suốt buổi trưa, Núp định tìm chỗ bóng cây kín ngủ một chút, nhưng không sao ngủ được. Núp lại bò vào sát làng Hà-ro. Nắng nổi màng màng trên làng xơ xác, nghèo nàn. Núp đứng dựa vào gốc cây, nhìn mãi. Nước mắt lại trào lên, nhoà hết hai con ngươi. Buổi chiều, Núp đợi chỗ xa hơn, trèo lên một cây cao nhìn xuống rẫy. Thấy một người đi ra, đứng ở rẫy, ngó quanh quất, kêu:

- Núp ơi! Núp ơi!... ơ... Núp đâu? Núp ơi!... Đúng là tiếng bà Hu rồi. Trong người Núp như lửa cháy. Núp tụt xuống cây, vỏ cây cà vào bụng, chảy máu ra mà không biết. Bà Hu ôm chặt lấy Núp.

- Thôi đừng khóc nữa, mí ạ... tôi muốn hỏi chuyện. Nhưng bà Hu đã hỏi trước:

- Thằng Ghíp đâu rồi. Nó có bị Pháp bắn không? Hôm Pháp bắt tôi, nó chạy đuổi Pháp mãi. Sao nó không đi với anh?

- Không đâu, không đâu, nó mạnh lắm, tốt lắm, nó ở nhà coi lũ thanh niên làm chông đấy...

Bà Hu kể cho Núp biết tám người bị bắt, Pháp mới thả hai người. Pháp bắt ba mươi người Kông-hoa làm nhà ở chung với người Hà-ro. Nó phát gạo, muối. Người Kông-hoa lắc đầu, không lấy. Chỉ muốn chạy về Kông-hoa thôi.

- Còn Lã... Bà Hu lại oà lên khóc nữa:

- Chị Lã bị Pháp hiếp, bây giờ nó còn giam trong đồn. Núp đứng im rất lâu, nghẹn trong cổ không nói được gì cả. Bà Hu ngồi xuống một hòn đá:

- Anh Núp ơi, muốn đi về ngay thôi, không ai muốn ở đây nữa hết. Mai mốt chắc thế nào cũng phải trốn đi. ở trên núi không có muối ăn cũng chịu được. ở đây... như Lã đấy... Núp đứng một bên, đặt tay lên vai bà mẹ già. Núp nói chậm rãi:

- Chưa được, mí ạ. Bây giờ phải nói lũ làng cứ làm nhà, cứ lấy muối, lấy gạo của Pháp ăn đi. Để cho nó không biết gì cả. Khoan chạy đã. Khi nào chạy được tôi sẽ xuống dẫn chạy.

Đêm đó Núp trở về Kông-hoa, hẹn sáng ngày kia gặp nữa. Núp đi một đêm. Có khi nghe con cọp đuổi con mang chạy trong rừng. Nhưng Núp quên cả sợ, hai chân không biết mỏi, đi thật nhanh, thật nhanh. Núp nghĩ ra rồi. Phải nói ba mươi người kiên nhẫn chịu ở với Pháp ít lâu nữa. Pháp sẽ thả hết tám người. Núp sẽ tổ chức chạy hết... ý nghĩ dồn dập tới trong đầu. Pháp đuổi theo thì sao?... Phải đánh, phải cắm chông...

Về tới làng vừa sáng. Núp đi tìm bok Pa, bok Sung, Xíp ngay họp nhau bàn suốt buổi mai. Núp nói:

- Bây giờ tôi giao làng lại cho bok Pa, bok Sung coi giùm. Phải nói lũ làng làm cho thật nhiều chông, chông thuốc độc nữa, chuẩn bị kỹ. Còn tôi phải xuống ở sát làng Hà-ro nữa. Miệng Pháp còn nói nhiều cái độc lắm. Tôi phải ở đó ngày nào cũng bày cho lũ làng chống lại Pháp mới được. ... Chị Liêu chỉ kịp đổ vào gùi cho Núp năm bát bắp khô, một ít tro tranh và trái lô-pang, rồi ra đứng trên ngưỡng cửa nhìn theo chồng đi khuất vào trong lá cây xanh. Anh Núp đi quên nói cho Liêu biết bao giờ thì tỉa lúa được. Thôi, bữa nay chị tự đi hỏi bok Pa lấy thôi. Chị nói với mẹ:

- Con đi ra rẫy, mẹ ạ. Bà mẹ ái ngại:

- Con không đợi Núp về à?

- Thôi, anh Núp còn đi lo việc đất nước nhiều, con đi làm trước cũng được... Núp trở lại Hà-ro. Lần này bà Hu ra dẫn thêm chị Lã nữa, Pháp đã thả Lã và ba người nữa rồi, chỉ còn bỏ tù hai người. Lã gục đầu vào gốc cây, khóc. Núp đặt một bàn tay lên tóc Lã. Năm nay Lã mới mười tám tuổi. Núp muốn nói với Lã nhiều, nhưng không hiểu sao không nói được gì cả. Núp chỉ nghẹn ngào:

- Mắt Lã đừng khóc nữa, Lã ạ... Thế nào cũng đi thoát khỏi chỗ này.

Trong làng Hà-ro. Trời mưa lâm râm. Đêm tối đen và có gió. Sáu người Hà-ro ngồi quanh một bếp lửa than. Không dám thổi to ngọn lên. Pháp trên đồn cấm đốt lửa. Thấy lửa nó bắn chết ngay. Mới ban ngày nóng, ban đêm sao lạnh ghê người. Chị Lã quấn chăn tới cổ, ngồi khui tàn than mãi. ạng già Sring thở dài:

- Rẫy trên núi Chư-lây, người trên núi Chư-lây chắc quên người dưới này rồi. ạng già lại gục đầu xuống đầu gối, mái tóc bạc phơ. Lại thở dài nữa:

- Núi Chư-lây quên mình rồi... quên rồi... đúng đấy... nó nhớ mình làm gì nữa... Mình bỏ nó mình đi, bụng mình dại quá... Núp nó nói miết, bốn lần, năm lần không biết nghe... Đáng lắm rồi... Nó quên mình là phải đấy... Những người ngồi xung quanh im lặng như không ai biết nói cả. Nhưng rồi sụt sùi, sụt sùi, ai khóc thế? Cả sáu người ngẩng lên nhìn nhau. Sáu người đều khóc. Chị Lã muốn nói quá, cứ ức lên cổ. Nhưng, không biết có nên nói không?... Anh Núp không dặn phải giữ bí mật... Hay là anh Núp quên. Nói ra, có chuyện gì không? Không giữ được nữa rồi. Lã khơi đi khơi lại một hòn than, nhìn chăm chăm trong lửa, rồi vén tóc lên, chị nói:

- Núi Chư-lây, suối Kông-hoa không quên mình đâu lũ làng ạ... Tôi nói... Không quên mình đâu... Năm người đều quay lại nhìn Lã. Lã vẫn nói, như nói một mình:

- Không quên mình đâu... bây giờ đây... mưa này, gió này... vẫn ở ngoài rừng đấy... chờ mình đấy. Thương mình lắm. Năm người cùng hỏi:

- Ai?... Ai ở ngoài rừng?

- Người trên núi Chư-lây xuống.

- Ai? Sao Lã không nói?... Lã nói ai thế? Lã không giữ nổi nữa rồi. Chị oà lên khóc:

- Tôi nói... anh Núp đấy, lũ làng ạ... Từ bữa ba mươi người về đây, anh Núp đi theo miết, trốn ở ngoài rẫy ngoài rừng Hà-ro... hỏi tin mình, tìm cách cứu mình đấy.

- Lã gặp ở đâu? Lã kể hết câu chuyên gặp Núp, những lời Núp dặn. Rồi tất cả sáu người giụi hết lửa đi, ngồi nói chuyện rì rầm trong bóng tối. Tối đen, nhưng cả sáu người đều biết mắt người nào cũng giàn giụa nước mắt. ạng già Sring nói đi nói lại mãi:

- Lũ làng ạ, chúng ta có lỗi với Núp lắm... bây giờ phải nghe lời Núp dặn đấy... phải làm như bằng lòng ở với Pháp hết rồi đấy... mà không được nói với ai nữa cả. Pháp biết thì tôi... giết hết lũ làng. Mấy ngày sau Pháp thả luôn hai người Kông-hoa bị bỏ tù. Thằng Chu Rú, chánh tổng ở đồn Pháp, nói:

- Lũ ba mươi tám người này cũng như con chuột chạy tới cùng cây sào rồi, không đi đâu nữa mà lo.

° ° °

Hai ngày hai đêm liền, tất cả người Kông-hoa còn lại ở làng đều làm chông. Bây giờ năm mươi người đã tập họp trước nhà rông. Bok Pa đứng lên nhìn quanh một lượt. Năm mươi người, năm mươi gùi, mỗi gùi bốn trăm cây chông thuốc độc. Bok Pa nói:

- Lũ làng đã nghe Núp nói chuyện người mình khổ ở làng Hà-ro đấy. Bây giờ phải đi cứu ba mươi tám người Kông-hoa về. Núp đi trước rồi. Mình phải đi cho mau tới nơi cho kịp, cắm chông cho giỏi đi thôi. Bok chỉ nói chừng đó, rồi quay lưng đi ngay, năm mươi người đi theo. Họ đi thành một hàng dài nên người đi sau không thấy người đi trước. Chỉ thấy cái đầu lơ thơ mấy sợi tóc bạc của ông già Pa đi đầu.

° ° °

Trong bóng tối đen của làng Hà-ro có nhiều người đi đi lại lại, lăng xăng, rối rít lắm. Nhưng vẫn im lặng. Lâu lâu một người nào đánh rơi một cái nồi, một cái cuốc, kêu "keng"... Tất cả dừng lại, nín thở. Ba mươi mấy cặp mắt thao láo nhìn trong đêm tối. Trên đồn, thằng lính Pháp kéo cái súng lắc cắc, lắc cắc, hô "Ta-la!" Nhưng rồi, không có gì. Con chim ăn đêm không trông thấy vỗ cánh bay qua sát đầu. Người Hà-ro vẫn ngủ mê, chưa hay biết gì cả. Bà Hu, chị Lã dẫn Núp đi khắp làng. Tới đâu cũng có những tiếng hỏi thì thầm:

- Anh Núp đấy à... Giàng ơi, anh Núp! Anh không quên người Kông-hoa bao giờ, anh Núp ơi, bụng anh tốt quá. Rồi hai cánh tay ôm chầm lấy Núp. Và khóc. Núp gỡ hai cánh tay ra, nghe hơi thở, anh nhận ra được từng người: bok Sring, em Song, chị Hanh, chị Lê, chị Tung... Núp nói nhỏ:

- Thôi, đừng khóc nữa. Khóc người Hà-ro nghe thức dậy, Pháp biết thì lộ hết đấy... Tôi chưa tốt đâu, làm cán bộ để mất ba mươi tám người, tốt gì. Bây giờ phải im lặng, đi về được hết tới làng đủ cả ba mươi tám mới tốt... Mọi người đã mang gùi đứng cả ở sân làng. Núp đếm một lần: ba mươi tư người. Đếm lại, cũng ba mươi tư người. Lần thứ ba, vẫn ba mươi tư người.

- Còn bốn người, ở đâu? Trong bóng tối, lại xôn xao. Gọi nhau thật nhỏ:

- Song, mày có đó chưa?

- Hanh, mày có đó chưa?

- Lê. Đâu! Đâu! Đưa tay đây tao nắm thử nào... Đúng rồi, thiếu bốn người: bốn cha con bok ại. ạng già đó có bà con ở làng Hà-ro. Bây giờ không muốn về, sợ Pháp đuổi theo bắn chết. ạng già ngồi trong góc nhà với ba đứa con. Núp nói thì thầm:

- Bok ại, mai mốt bok có muốn đi đánh làng Kông-hoa không? Trong bếp còn một chút lửa than. Nó chiếu vào hai con mắt bok ại, hai con mắt như hai chấm lửa đỏ trong bóng tối.

- Núp nói gì? Núp bảo tôi muốn đi đánh người Kông-hoa. Ai nói với Núp thế. Tôi muốn giết chết người đó... Tôi đi đánh con tôi, cháu tôi à...

- Thế thì bok phải về đi thôi. Bok có nhớ mấy lần trước ai dẫn Pháp đi đánh làng Kông-hoa không? Người làng Hà-ro đấy. Có phải người làng Hà-ro muốn dẫn đi không? Không phải đâu, Pháp nó để cái súng sau lưng nên phải làm thế đấy. Bok là người làng Kông-hoa, biết đường, biết núi Kông-hoa, Pháp nó cũng để súng sau lưng, bok làm sao?... Một người con bok ại đứng dậy nói:

- Cha... anh Núp nói... con muốn đi... Tay bok ại nắm cái quai gùi, rồi thả ra, rồi nắm lại, rồi lại thả ra. Núp nhìn vào trong gùi: cuốc, xẻng, rìu, rựa, áo quần, đủ cả... Núp vừa bước xuống bậc thang cuối cùng thì trong nhà nghe cọt kẹt, cọt kẹt, rồi bok ại gọi:

- Anh Núp ơi... anh Núp... tôi đi đây... cả bốn người đây... Nhưng... Pháp nó đuổi theo không? Núp cười nhìn ông già:

- Bok đưa tôi mang bớt cái gùi này cho... Không sợ đâu, bok ạ, có bok Pa dẫn người làng đi cắm chông ngăn đường nó rồi. ...

Ba mươi tám người đã đi ra khỏi làng Hà-ro rồi. Hàng rào của Pháp, Núp đã cắt từ khi nào. Họ nhìn lên trời cao. Một cái ngôi sao ở xa lắm đang tụt dần xuống một đỉnh núi: đó là đỉnh núi Chư-lây. ở chân núi đó có con suối Kông-hoa, có tiếng con nít mới đẻ khóc oe oe. ở đó có làng Kông-hoa nghèo khổ, đốt đi làm lại không biết mấy lần rồi; nhưng cũng ở đó mới có vui, mới có tiếng đờn tơ-rưng của Ghíp, tiếng kèn đing-nam hoà lẫn với tiếng phụ nữ hát ở rẫy. ở đó người làng biết thương yêu nhau, đùm bọc nhau; ở đó có rẫy lúa chín do anh Núp bày làm trước mùa bây giờ tươi tốt không biết bao nhiêu. ở đó bây giờ kham khổ, nhưng nhất định rồi anh Cầm, bộ đội sẽ lên, sẽ sung sướng hơn bây giờ nhiều lắm. Năm năm chịu khổ đánh giặc. Kông-hoa mới được như vậy đó. Có đi sống tập trung gần một tháng ở Hà-ro, mới so sánh được như thế, mới thấy được như thế... Bok ại tự nhiên khóc. Muốn đi về Kông-hoa quá, đi mau lên, mau lên, mau cho tới con suối, cho tới cái làng. Dại quá, sao lúc nãy bok lại không muốn đi. Giàng ơi, nếu không có anh Núp nói thì bok không còn bao giờ được ăn trái xoài dưới gốc cây ở đầu làng Kông-hoa, cây xoài vẫn che bóng mát trên mái nhà của bok lâu nay...

Tảng sáng hôm sau, gặp năm mươi người của bok Pa dẫn ra đón. Mừng quá, chỉ biết ôm nhau, rồi thả ra, giục nhau:

- Thôi, đi mau lên, đi mau lên, về tới làng hãy nói chuyện... Bok Sring và Xíp dẫn lũ làng đi về trước. Bok Pa, Núp, Ghíp, một số thanh niên ở lại sau, cắm chông đầy tất cả các đường đi về làng Kông-hoa. Đến trưa, súng nổ, Pháp đuổi theo, sáu thằng bị chông. Chúng phải kéo nhau về... Làng Kông-hoa lại đủ mặt chín mươi người. Đêm nay Núp bàn với bok Pa phải chuyển làng lần nữa. Chống với Pháp còn lâu còn dài. Xíp hỏi:

- Đánh Pháp đến khi nào mới thôi? Núp nói:

- Đánh đến khi hơn Pháp, hết Pháp ở đất nước mình mới thôi. Đánh đời mình chưa xong, thì đánh đến đời con, đời cháu mình nữa.

Phần thứ ba

I

ở chính giữa rẫy, một nhúm lửa đốt lên từ bao giờ cháy bập bùng suốt đêm, không bắt lan rộng ra mà cũng không tắt. Núp ngồi hơ hai bàn tay lên lửa đó. Đến năm nay, nhớ cho kỹ từ ngày cha mẹ sinh ra, Núp đã làm hơn ba mươi cái rẫy, tức là gần bốn mươi tuổi rồi. Nhưng chưa khi nào Núp gặp một mùa rẫy khó, khổ như thế này... Lửa vẫn cháy bập bùng. Núp nhìn hai bàn tay mình. Hai bàn tay đều bê bết máu, máu quyện với mủ cây, với đất, với mồ hôi đen xạm từng mảng. Bây giờ không còn thấy đau nữa. Hai cánh tay mỏi rã rời, đến nỗi không biết là tay của mình nữa, tay của mình như rụng đi từ khi nào rồi. Núp nhắm mắt lại. Anh thấy lửa cháy như trong một giấc mơ. Rồi hai lỗ tai tự nhiên nghe từ bốn phía trong rừng sâu và tối đen mù mịt vọng lại một thứ tiếng chan chát, đều đều, kiên nhẫn, như không bao giờ hết. Không phải tiếng chặt cây đâu. Tiếng rựa, tiếng rìu bổ vào gỗ nghe còn trong hơn sắc hơn. Tiếng này thì cành cạch tức tối. Tiếng gì thế? Hay là rừng đêm nó kêu như vậy?... Nhưng Núp mở mắt choàng dậy. Suýt nữa thì gục đầu vào trong lửa.

° ° °

Anh nhìn lại hòn đá nhọn, to bằng cái đầu người để bên chân, vấy máu. Không, rừng khuya nó không kêu lên như thế đâu. Đó là tiếng lũ làng chặt cây bằng đá đấy... Cách đây hai năm, từ khi bỏ làng Bông-pra lên núi cao hơn nữa, trong chín mươi gùi của người Kông-hoa chỉ còn vẻn vẹn mười hai cái rựa, tám cái rìu. Với chừng ấy rìu rựa, người Kông-hoa đã chặt biết bao nhiêu cây để phá sáu mươi cái rẫy trong hai năm trời. Rìu rựa mòn dần. Chạy làng mấy lượt cũng làm mất hết một số. Bây giờ chỉ còn có sáu cái rựa, năm cái rìu, đã đem làm của chung cả làng. Lũ làng phải chuyền tay nhau luân phiên từ bếp nhà này qua bếp nhà khác mà chặt. Chặt ban ngày không kịp, phải chặt cả ban đêm. Suốt đêm, suốt ngày, rìu rựa không nghỉ một chút nào. Người này chưa thả xuống đất, người khác đã giật lấy. Cầm được trong tay là ra sức mà chặt, chặt lấy, chặt để. Rồi giành nhau, cãi nhau, đánh nhau. Mỗi lần như thế lại phải đi tìm Núp đến hoà giải. Ghíp cãi nhau với bok Srip, Hanh cãi nhau với Cung, bok ại đánh thằng Song. Chỉ có Tun là không giành rìu rựa, không cãi nhau, đánh nhau với ai. Một bữa, nó đi vào trong núi, tìm được một hòn đá bằng con gà mái, đầu nhọn. Nó bê tới rẫy, rồi cứ ôm cả hòn đá, quay cái đầu nhọn mà bửa vào gốc cây. Vỏ cây bể tung toé ra. Cây chảy máu ròng ròng, móp dần, móp dần vào. Tối nó bê hòn đá về nhà, ném kềnh ra giữa sàn, nằm lủi xuống, không ăn, không uống, không nói nữa. Hai bàn tay nó lúc đầu chảy máu, sau bầm tím, sưng vù lên. Nó cắn răng, nước mắt chảy ròng ròng, nhưng nó không kêu một tiếng nào. Lũ làng vẫn thường nói:

- Thằng bé đó... gan nó là gan con cóc tía... Ba ngày sau, hai tay hơi khá, nó lại bê hòn đá đi ra rẫy, chặt nữa, kỳ ngã cái cây to mới thôi. Gặp thanh niên, nó đạp một chân lên hòn đá, ngước mặt lên, hỏi:

- Các anh có muốn theo anh Núp không? Thanh niên không hiểu, hỏi lại:

- Tun nói gì thế? Nó nhìn thanh niên, mắt long lanh sáng, giống y như mắt cha nó:

- Muốn theo anh Núp phải cầm đá đi làm rẫy, rìu rựa phải để cho lũ người già. Thanh niên cười bỏ đi. Nhưng ít ngày sau, rẫy nào cũng bắt đầu chặt cây bằng đá. Chặt ngày, chặt đêm... Ban ngày Núp đi chặt cây ở rẫy mình. Ban đêm Núp đi chặt giúp rẫy cho người già, cho các bếp có người bị Pháp giết chết, có người góa, mồ côi. Đêm nay Núp chặt rẫy cho bà mẹ Thanh. Liêu đi chặt rẫy nhà thay Núp, Núp lắng tai nghe; phía suối Thi-om, phía rẫy của Núp, cũng vang một thứ tiếng đều đều, mỏi mệt, nhưng kéo dài kiên nhẫn. "Liêu chặt đến bây giờ vẫn chưa đi ngủ". Núp đứng thẳng dậy, nghe trong người dần dần nóng. Lũ làng chưa ai nghỉ cả, Liêu cũng chưa nghỉ, sao Núp lại nghỉ sớm thế này?... Nhưng lũ làng, Liêu ban ngày có chặt đâu, người chặt ban ngày thì ban đêm nghỉ, người chặt ban đêm thì ban ngày nghỉ... Không, Núp phải khác, Núp là cán bộ "phải làm nhiều, làm giỏi hơn và nói lũ làng làm theo". Đêm nay Núp phải ngả cho được cây này...

Núp lại ôm hòn đá, lấy hết sức bửa vào gốc cây, hai cái, ba cái... làm mãi, làm mãi, không nghỉ. Cho đến khi con gà thức giấc kêu ò ó o. Núp leo lên ngọn cây, cột một sợi dây rừng dài. Chờ mãi, được một cơn gió mạnh đi qua, Núp la to:

- Gió đẩy với tôi một tay nhé! Rồi ra sức kéo. Cây gãy răng rắc, đổ ào xuống, ngọn cây phủ trùm lên đầu Núp, Núp đứng thở. Hàng trăm hàng ngàn cái lá tròn như không biết bao nhiêu bàn tay vỗ lên vai, lên lưng Núp, và nói rì rào rất thân mật:

"Thôi, anh Núp về nghỉ đi, ngủ đi một chút. Trời sắp sáng rồi. Ngày mai còn đi làm rẫy nhà nữa chớ... Anh tốt lắm, anh Núp ạ..." Khi Núp về tới nhà, Liêu đã ngủ rồi. Núp không đốt lửa chỉ se sẽ đến nằm bên vợ. Anh ôm thằng Hờ Ru vào lòng. Rồi anh nắm tay Liêu. Bàn tay của Liêu nhám sì, máu khô quặn lại. Núp kéo tấm vỏ cây đắp cho Liêu. Từ một năm nay Liêu không còn áo quần mặc phải quấn vỏ cây. Còn một cái áo rách vá trăm miếng. Liêu mặc cho con rồi. Núp vuốt tóc trên mặt liêu. Máu ở tay anh làm ướt cả trán Liêu... Núp có ngủ gì được đâu. Anh nằm thao thức mãi. Anh nghĩ tới chín mươi người đi theo anh từ ba năm nay, trèo lên núi Chư-lây rồi trèo xuống núi Chư-lây, mặc áo rách rồi mặc vỏ cây. Từ khi xuống núi Chư-lây, tưởng ở được yên ổn hơn, nhưng sau vụ Hà-ro lại phải chạy nữa, hai lần nữa rồi... Chín mươi người trong đó có cả mẹ anh, Liêu và Hờ Ru... Ba năm chờ bộ đội Bok Hồ, chờ anh Cầm, dài không biết bao nhiêu. Hòn đá dưới suối Đất-hoa trước kia nhọn, bây giờ nước đã mài tròn cả đầu nó rồi. Chín mươi người vẫn lầm lì đi theo Núp. Họ lấy cái bàn tay chảy máu mà chặt cây, tỉa bắp, mà cắm chông, đánh Pháp. Có khi khổ quá, Núp sợ người làng không chịu nổi được nữa. Chính Núp cũng như người mất sức nhiều lắm rồi, loạng choạng, muốn gục xuống. Những lúc đó, Núp đi hỏi dò từng người, người khá nhất, người kém nhất, người vừa vừa trong làng. Có khi Núp hỏi Liêu. Không ai trả lời thẳng với Núp cả. Đến Liêu cũng thế. Nhưng tất cả chỉ lặng lẽ đi làm và một bữa trên rãy, khi lúa bắt đầu xanh, Núp nghe thấy tiếng lũ làng hát, tiếng Liêu hát. Những lúc đó, không có gì lay chuyển được Núp nữa. Núp vừa mừng vừa thương đến nghẹn ngào muốn khóc. Núp chặt một ngày gần hết một nửa rẫy, gấp đôi ngày thường. Núp nắm chặt bàn tay Liêu rất lâu:

- Liêu ạ, tôi thương lũ làng như thương Liêu, thương mẹ, thương Hờ Ru. Tôi cũng thương mẹ, thương Liêu, thương Hờ Ru như thương lũ làng...

Trong đêm, bỗng nghe văng vẳng rồi mỗi lúc một rõ, có tiếng đờn kơ-xí thứ đờn nhị réo rắt của Tây Nguyên. Tiếng đờn tình tứ, nhởn nhơ như cánh con bướm đó, Núp biết rõ là tiếng đờn của Ghíp. Đã ba năm nay, mùa xuân không có đờn Kơ-xí. Ba năm phải bứt hết dây đờn mài nhọn, đục lỗ làm kim may. Cho đến cách đây nửa tháng, Núp đi coi Pháp ở đường mười chín, thấy Pháp cột rất nhiều dây. Hỏi thăm lũ người trước đã bị Pháp bắt về Hà-ro, biết Pháp "a lô" vào dây đó, gọi nhau đi đánh mình. Núp ghét lắm, về dẫn năm thanh niên đi cắt năm gánh nặng, ném bốn gánh xuống hố, còn một gánh đem về làm kim. Ghíp thích quá, chạy theo Núp, xin một đoạn dài.

- Cho tôi làm cái đờn kơ-xi, anh Núp ạ. Núp cười:

- Lấy bao nhiêu cũng được. Làm cho nhiều đờn. Ai cũng có hết, cho vui cái làng Kông-hoa... Mùa xuân năm nay lại nghe tiếng đờn Kơ-xi của Ghíp, các chị cười, nói:

- Anh Ghíp kéo đờn, con nai, con mang trong rừng nó cũng ra nghe đó... Nghe tiếng đờn, không hiểu vì sao, trong bụng Núp nóng lên bừng bừng. Thương làng, thương Ghíp, thương Liêu... Núp quay sát vào Liêu, nước mắt của Núp chảy qua má Liêu, giàn giụa. Liêu vẫn thở đều. Giấc ngủ ngon như giấc ngủ trẻ con.

° ° °

Những buổi trưa nắng cháy, làng xóm vắng tanh, thường nổi lên những cơn gió rất lạ. Gió cứ quay tròn rất mạnh, bao nhiêu rác rưởi, bao nhiêu lá khô, có khi cả những vật lớn như cái gùi, cái thúng cũng đều bị gió cuốn vào, xoay tròn cuống quít và tung lên trời cao. Bok Sung gọi là "ma gió". Tin của bok ại đưa về thật như là ma gió, xoáy cả làng Kông-hoa. Hơn ba năm nay, khổ bao nhiêu cực bao nhiêu, Pháp đánh bao nhiêu lần, ăn tro, ăn măng le,... cũng không sao cả. Người Kông-hoa vẫn cắn răng chịu, nhất định thế nào cũng đến ngày bộ đội, cán bộ lên. Thế nhưng lần này cả làng mất bình tĩnh: bok ại đi làm cá ở suối Đất-hoa chạy về hớt hơ hớt hải, kêu:

- Núp ơi... Núp đâu rồi? Anh Núp đâu rồi?

- Cái gì?

- Núp đâu rồi? Tôi hỏi Núp.

- Núp đi Kông-ka chưa về. Hỏi Núp làm gì? Có cái gì, cứ nói đi?

- Pháp...

- Pháp sao? Pháp đến à?

- Không, Pháp không đến... Pháp nói người Ba-lang, người Ba-lang nói lại tôi...

- Nói sao?

- Pháp nói... nói... khắp nơi đất nước mình, ai người đánh Pháp, ai người theo Bok Hồ, ở Hà Nội, ở Sài Gòn, bây giờ thua hết rồi... Bộ đội, cán bộ bị Pháp giết chết hết rồi... Bok Hồ cũng không còn nữa... Tin của bok ại như một ông mây đen che phủ mặt trời. Đêm lũ thanh niên không họp ở nhà rông nữa. Trái bầu hết nước, lũ phụ nữ làm biếng đi ra suối lấy nước. Các ông già hai người, ba người ngồi nói chuyện rì rầm. Thanh niên đi tới, đứng sau lưng, lắng tai nghe. Bok ại sờ soạng cầm một que củi, nói:

- Lần này chắc hết người đất nước mình. Không bao giờ có muối, có rìu rựa nữa. Giàng ơi, chắc phải sống như người Hà-ro rồi. Sao đất nước mình khổ thế này!

Hai vai ông già rung lên, ông khóc như một đứa trẻ. Bok Sung ngồi nhìn lửa chăm chăm. Bao nhiêu câu chuyện về núi sông, đất nước Ba-na, đất nước mình khắp nơi, Kinh , Thượng, như một dòng suối rì rào chảy qua trong đầu bok. Không, đất nước mình từ xưa cũng đã có người như ông Tú, như bok Ma-Trang-Lơn, như người thần ở núi Đê-lê-da. Nhưng chưa thấy có ai như Bok Hồ, tốt như thế, thương nước như thế, nói được tất cả đất nước đứng lên đánh Pháp... Bok Sung lắc đầu, nói với mọi người:

- Không, không đâu! Người tốt như Bok Hồ, như bộ đội, như cán bộ, giàng không làm chết bao giờ đâu. Đừng nghe miệng Pháp. Tun ngồi bên cạnh cha. Nó đốt lửa cháy to lên, rồi nó nói một mình:

- Tôi chờ anh Núp, phải hỏi anh Núp mới biết. Cả làng đều thấy Tun nói đúng. Sáng hôm sau, bok Pa dậy thật sớm, cho thanh niên đi gác hết các ngả đường, sợ Pháp thế nào cũng đi lùng. Phải đi gác, chờ anh Núp về. Ngày sau, Núp về. Nghe tin, Núp lẳng lặng đi vào ngồi bên bếp lửa lạnh, và thấy mồ hôi chảy ướt mèm cả trán. Tun lo lắng đến ngồi bên Núp, Nó hỏi:

- Sao, anh Núp? Núp để tay lên vai Tun:

- Không sao cả. Em chạy đi nói lũ làng chiều nay tới nhà rông nói chuyện. Buổi chiều tất cả lũ làng đến đông đủ, trừ mấy người đi gác. Núp hỏi:

- Ai nói tin đó?

- Người Ba-lang nói.

- Sao người Ba-lang biết?

- Đi xâu ở Hà-ro, nghe Pháp nói. Núp đỏ ngầu con mắt, hỏi:

- Ai tin miệng Pháp. Sao hôm nay Núp giống con beo thế. Lưng anh khoác một tấm vỏ cây kơ-đôn thay áo, vằn vện như da con thú dữ. Không ai nói gì cả. Tun thở dài, nhẹ nhõm đi một phần. Nó ngồi nhìn vào mắt anh Núp: ai đốt lửa trong đôi mắt ấy? Núp nói chậm rãi:

- Việc tốt, Pháp nói xấu. Việc xấu, Pháp nói tốt. Người Ba-na lâu nay biết rồi. Bok Hồ còn ở Hà Nội đánh Pháp, Bok Hồ không đi đâu xa. Bok Hồ còn, đất nước còn, bộ đội anh Cầm cũng còn. Lũ làng mình ở đây, Pháp đánh miết không nổi. Pháp làm sao đánh nổi Bok Hồ... Những lời nói của Núp như một ngọn lửa cháy bập bùng, không lớn ngọn lắm, nhưng không có cách gì dập tắt nổi. Những lời đó, Núp nói với lũ làng, mà cũng là nói với chính mình. Núp im lặng rất lâu, rồi nhìn bok ại, hỏi:

- Bok ại à, bok tin miệng Pháp hay tin miệng Bok Hồ hơn? Bok ại lúng túng, hoảng hốt nhìn Núp rồi nhìn lũ làng. Thấy ai cũng nhìn mình, bok càng luống cuống:

- Không!... Anh Núp... sao anh nói thế... Tôi có nói gì đâu... miệng Bok Hồ người Ba-na nào không tin... Núp nói:

- Ai dạy làm rẫy tốt, ai dạy đánh Pháp lâu, ai nói cán bộ người Kinh lên thương người Thượng như thế? Đều là Bok Hồ dạy cả. Có đúng không? Đều là đúng cả! Bok Hồ không nói bộ đội, cán bộ chết, sao lại nghe miệng Pháp mà sợ?... Tất cả ngồi im. Cơn "ma gió" trong đầu đã dịu dần xuống, nhưng chưa phải đã tắt hẳn. Núp suy nghĩ mãi. Sau cùng, Núp nói nhỏ. Mọi người xúm xít lại gần nghe:

- Tôi đi Kông-ka về, gặp đê Khưu, người tốt ở Ba-lang, nghe nói... có người Kinh lên tới Ba-lang rồi, hỏi thăm làng Kông-hoa mình. Lửa tàn xuống, chỉ còn cháy hoe hoe. Nhưng bao nhiêu cặp mắt màu hung sẫm còn sáng hơn lửa.

- Người Kinh đó bây giờ ở đâu?

- Có phải anh Cầm không?

- Phải đi gặp, anh Núp ạ...

- Tên gì?

- Có phải người Bok Hồ không?

- Có nghe tin gì nữa không?... Tin Bok Hồ... Núp nói:

- Tôi nghĩ rồi, chưa đi gặp ngay được đâu. Không biết chừng Pháp cho một người Kinh theo nó giả làm cán bộ lên phỉnh mình ra rồi bắt... Chưa biết có phải là người Bok Hồ thiệt không... Bok Pa bàn:

- Anh Núp ạ, Pháp như con cọp trong rừng, nó biết ngửi hơi người, nó rình kỹ lắm. Anh chưa nên đi đâu. Pháp bắt anh thì không ai coi làng... Đêm đã khuya. Núp về nhà nằm xuống rồi, còn nghe bên nhà rông tiếng bok Sung nói chuyện. Không hiểu nghĩ thế nào, đêm nay bok Sung lại ngồi kể chuyện gươm ông Tú cho thanh niên nghe. Câu chuyện đã kể bao nhiêu lần rồi. Thế nhưng khi bok Sung đưa một ngón tay lên, hơi nghiêng đầu, bảo tất cả:

"Im lặng... im lặng... nghe rõ không... đó là tiếng nước suối Thi-om... chảy qua làng ông Tú rồi chảy tới một con sông rất lớn không có bờ, người Kinh gọi là biển..." thì tất cả đều im lặng, mắt nhìn chăm chăm và trong đêm khuya nghe rõ ràng tiếng suối dạt dào, ngạc nhiên như mới nghe lần đầu.

Núp nghĩ liên miên. Người Kinh... người Kinh lên rồi sao? Ai thế he? Anh Cầm, ông Dũng?... có phải thật là người Bok Hồ không? Hơn ba năm nay, càng ngày Núp càng hiểu chuyện gươm ông Tú. Mong mãi lưỡi gươm ông Tú, mong mãi người Kinh, người của Bok Hồ lên. Bây giờ người Kinh đã lên ngoài núi. Ai he? Bok Pa nói cũng đúng, Núp chưa nên đi gặp người lạ này... Nhưng, Núp không đi thì ai đi? Có phải Bok Hồ cho người lên kêu Núp đây không? Bok Hồ kêu sao Núp không đi... Chắc Núp phải đi rồi. Đồng bào trông gặp người Kinh lắm. Núp là cán bộ, Núp phải đi trước. Sáng hôm sau, Núp đi tới rừng Ba-lang. Có bốn thanh niên đi theo, trong đó có Ghíp, mang tên thuốc độc, ná tốt. Gặp Pháp muốn giả cán bộ bắt người Kông-hoa nhất định đánh.

Núp đi gặp người Kinh ở Ba-lang đã về. Ghíp nói nhiều lắm. Ghíp tả người Kinh cho lũ làng nghe:

- ạ... người Kinh này tốt lắm. Cái mặt à? Cái mặt cũng hơi giống người Ba-na, khác có cái sẹo ở gần lỗ mũi, nghe nói bị thương đâu lâu rồi. Con mắt hiền lành, đen lắm. ít nói... †n mặc à? Cái áo màu đen, thường thôi, không đẹp đâu. Đi dép làm bằng bánh xe lấy được của Pháp. Tóc ngắn lắm, chưa có râu. Lũ làng hỏi người Kinh nói gì, Ghíp không trả lời:

- Cái đó để anh Núp nói. Bok Pa hỏi:

- Tên là gì? Núp nói:

- Tên là Thế. Đúng như Ghíp kể.

Ghíp sướng lắm:

- Đúng như tôi kể đấy. Bok Pa lại hỏi:

- Có tin gì Bok Hồ không? Tun hỏi:

- Bok Hồ còn ở Hà Nội chớ? Núp lắc đầu, hơi cười:

- Không, Bok Hồ hết ở Hà Nội lâu rồi. Năm năm rồi... Mọi người nhìn Núp sửng sốt. Sao? Bok Hồ không ở Hà Nội nữa sao? Pháp chiếm Hà Nội rồi sao?... Núp thong thả nói tiếp:

- Bok Hồ đánh Pháp ở Hà Nội ít tháng, rồi Bok Hồ đi chỗ khác. Bây giờ Bok Hồ ở... Việt Bắc.

- Việt Bắc?... Việt Bắc à... Việt Bắc ở đất nước nào thế?

- Nghe anh Thế nói cũng ở đất nước mình. Có rừng, có núi cao, cao hơn núi Chư-lây nhiều. Đứng trên núi Việt Bắc, thấy toàn hết đất nước mình, Kinh, Thượng đều thấy rõ. Bok Hồ đứng trên hòn núi đó, chỉ huy cả nước đánh giặc. ..

- Thế à... ạ, tốt quá... Thế Việt Bắc ở phía nào? Núp nhìn quanh, suy nghĩ, rồi đứng dậy đi ra cửa, quay về phía ông sao giống cái bánh lái của người Kinh, đưa tay chỉ vào trong đêm tối mờ mịt:

- ở phía này... Tất cả đều ra cửa nhìn. Gió từ phía đó thổi về. ạng sao bảy cái nhấp nhánh và rất sáng.

- Bok Hồ ở phía này. "Phía này" có một ông sao quanh năm không bao giờ thay đổi chỗ ở. Sáu ông sao lớn chạy quanh ông sao đó. ạng sao đó đã mọc lên và không bao giờ lặn nữa trong lòng đồng bào Kông-hoa. Gió thổi phần phật trên mặt mọi người. Núp nhớ một câu anh nói với lũ làng, mà cũng là nói với chính bụng anh cách đây mấy hôm:

"Pháp không thắng nổi người Kông-hoa, làm sao thắng nổi Bok Hồ". Đúng rồi, Bok Hồ chỉ huy cả nước, có biết bao nhiêu người như người Kông-hoa nữa, cũng đông như ông sao trên trời. Bok Hồ mạnh vô cùng... Khi trở vào ngồi quanh bếp lửa, lũ làng hỏi:

- Còn tin gì nữa không? Còn nhiều tin lắm. Anh Thế kể cho Núp nghe nhiều tin lắm, không nhớ hết. Nhớ bao nhiêu, kể lại bấy nhiêu. Tin ở phía nam đường 19, người Ba-na bị Pháp tập trung ở Đất-bớt nổi dậy đốt làng của Pháp, chạy lên núi, làm làng mới, đánh Pháp như làng Kông-hoa ở đây. Tin ở phía bắc Tây Nguyên bộ đội Bok Hồ đánh lấy được đồn Kôm-pơ-lông rồi, bắt người Pháp rất nhiều, lấy nhiều súng lớn, súng nhỏ. Tin ở dưới Kinh có bốn tỉnh Pháp không chiếm được, người Kinh dưới đó làm rìu rựa, muối, lúa nhiều gởi đi tất cả các nơi cho bộ đội đánh Pháp.

- ạ, tốt quá, tốt quá, sướng lắm rồi...

- Còn tin chỗ Việt Bắc, chỗ Bok Hồ sao?

- à, tin chỗ Việt Bắc, anh Thế kể bộ đội mình đánh Pháp thắng to nhất từ trước đến nay, có ba tỉnh trước bị Pháp lấy, bây giờ mình lấy lại hết, bắt một ngàn thằng Pháp, có hai thằng quan năm. Càng nói, trong bụng Núp càng dạt dào sung sướng. Thế là hơn thằng Pháp rồi. Làng Kông-hoa hơn thằng Pháp, không phải chỉ hơn ở đây, mà còn ở khắp nơi nữa, ở Việt Bắc, ở Đất-bớt, ở dưới Kinh, ở Kông-pơ-lông... Mãi đến khuya lắm mới tắt lửa. Núp ra về tới cầu thang, thì nghe tiếng mẹ hỏi:

- Sao anh Thế không về Kông-hoa cho người làng thấy mặt? Núp dừng lại. Anh nói:

- Con chưa cho về.

- Sao thế? Vì cũng chưa biết chắc có phải người Bok Hồ thiệt không. Mới coi một lần chưa rõ. Để mai mốt phải đi coi lại kỹ nữa.

Mọi người đều thấy Núp nói đúng. Nhưng ai cũng muốn mau thấy mặt anh Thế. Đêm nay bà mẹ Núp lại không ngủ được nữa rồi. Núp cũng không ngủ, Núp nằm nghĩ tới anh Thế bây giờ ở ngoài rừng. Làng Ba-lang chỉ có Xá và Khưu tốt nhiều, còn lũ làng nhiều người nghe theo Pháp lâu rồi, Núp không dám để cho anh Thế ở Ba-lang. Nhưng Núp cũng không thể cho anh Thế về Kông-hoa ngay được. Từ khi Kông-hoa phá tập trung của Pháp ở Hà-ro chạy về làm làng mới, Pháp càng đi lùng riết. Có khi năm trăm, có khi một ngàn tên, súng lớn, máy bay. Lần nào thanh niên Kông-hoa cũng đánh chết được Pháp nhưng rồi cũng phải đốt làng chạy nữa. Khi trước đã ra khỏi chân núi Chư-lây khá xa, bây giờ càng ngày càng phải lùi dần trở vào sát chân núi. Làng Kông-hoa từ đó có một kỷ luật giữ bí mật rất cao. Chung quanh làng cắm chông như dao mọc, đi một ngày đường cũng chưa hết chông. Dưới suối cũng có chông, trên cây cũng có chông. Chỉ có người Kông-hoa biết những con đường ra vào bí mật. Người ngoài làng muốn đến Kông-hoa phải có Núp coi đi coi lại năm lần, mười lượt, biết là người thiệt tốt, muốn đánh Pháp, Pháp đánh không khai, Pháp bắt dẫn đi tìm Kông-hoa không đi, bấy giờ mới tự tay Núp dẫn vào. Đi không có Núp dẫn thế nào cũng bị trúng chông. Hôm qua, ngồi nói chuyện với anh Thế xong, anh Thế nói:

- Anh đi về Kông-hoa cho tôi đi theo. Tôi muốn thấy mặt người Kông-hoa, thăm cho biết. Núp nói:

- Anh đi theo tôi không được đâu. Con đường tôi đi xấu lắm. Hòn đá to, cái dốc cao, con cọp nhiều, con voi nhiều, con vắt cắn chảy máu. Mai mốt người Kông-hoa làm đường tốt, anh tới biết mặt người Kông-hoa sau cũng được. Thế nhìn cặp mắt to màu nâu sẫm của Núp, nhớ lại những điều Núp đã nói với anh từ sáng đến giờ, rất tha thiết, nhưng không tài nào khơi được một chút bí mật gì về đặc điểm, dân số, vũ khí của Kông-hoa. Thế biết rõ con người đó rồi, anh không nài thêm nữa...

Không ngủ được nửa đêm Núp trở dậy, ngồi dựa lưng vào tường, hai mắt mở thao láo, nhìn trong bóng tối. Những điều anh Thế nói với Núp buổi sáng nay cứ chờn vờn trong óc mãi. Núp nhớ anh Cầm. Anh Cầm khi đi về dưới Kinh chắc còn rất nhiều điều chưa nói được với Núp. Nếu trong hơn ba năm qua có anh Cầm ở đây, giúp đỡ thêm thì chắc Kông-hoa còn khá hơn nhiều. Bây giờ có anh Thế lên rồi. Chắc anh Thế còn nói cho Núp biết thêm nhiều cái hay, cái tốt nữa, biết thêm cách đánh Pháp thế nào cho hơn nhiều nữa. Núp nhớ lại ngày khởi nghĩa đi An-khê làm lễ, bữa đó lần đầu tiên Núp biết làng Kông-hoa như dòng suối nhỏ, khắp đất nước mình có bao nhiêu dòng suối nữa chảy chung về con sông lớn. Hơn ba năm nay, con suối Kông-hoa bị đứt riêng ra mất. Bây giờ có anh Thế lên, Núp lại được biết tất cả các con suối trên đất nước mình ở Đất-bớt, ở Kông-pơ-lông, ở Việt Bắc, ở Kinh, ở đâu đâu cũng chảy đều, chảy mạnh. Con suối Kông-hoa bây giờ bắt được dòng rồi, đêm nay hình như cũng chảy dạt dào hơn. Trong bụng Núp bây giờ cũng như con suối đó... Núp đứng dậy, đi ra cửa, nhìn trên trời. Ngó ông sao phía Bok Hồ, rồi ngó xuống phía Kinh, mây ùn lên che mất nhiều ông sao. Rồi mưa lác đác. Nghe có tiếng chân người sau lưng, quay lại, thấy mẹ:

- Mẹ chưa ngủ à?

- Chưa... Núp ạ, chắc anh Thế ướt hết. Núp cũng vừa nghĩ thế, mẹ nói:

- Con đem anh Thế về đi... sao con không thương người Kinh. Núp nhìn mẹ, lắc đầu:

- Chưa được đâu, mẹ ạ... Để mai con tới rừng Ba-lang, làm một cái nhà nhỏ cho anh Thế ở đó tạm.

Núp ngồi trong chòi anh Thế, giữa rừng Ba-lang, bên cạnh Xá. Núp nhớ lại hơn mười năm trước đây, đi qua con suối Đất-hoa, xuống coi Pháp ở An-khê, Núp gặp một ông già áo khố bị Pháp thả bom cháy cả, phải đeo một miếng vỏ cây trước bụng. ạng già cõng một đứa bé; cha mẹ vừa bị Pháp đánh, về đau rồi chết... Từ đó đến nay đã mười lăm năm. Đứa bé đó bây giờ đã lớn lên rồi. Nó đen như một hòn than, tóc bù xù không làm tối được đôi mắt rất sáng. Khi nó nói chuyện Pháp nó như một con beo con, gầm gừ, dữ tợn. Đứa bé đó trùng tên với em Núp. Nó là Xá ngày nay đấy. Xá lớn lên ở Ba-lang. Năm mười tuổi, Xá theo lũ làng đi làm xâu cho Pháp. Pháp đánh, Xá chửi lại rồi bỏ chạy trốn vào núi. Năm mười hai tuổi, nghe ở làng Kông-hoa có anh Núp đánh Pháp, Xá muốn đi tìm mà không biết ở đâu. Xá hỏi anh Khưu là người khá nhất trong làng Ba-lang. Anh Khưu nói:

- Làng Kông-hoa có đê Núp đánh Pháp tốt lắm. Xá hỏi:

- Thế sao anh Khưu không theo anh Núp đánh Pháp. Khưu vò đầu đứa con gái nhỏ của anh, nói:

- Tôi còn cha, còn mẹ, còn đứa con gái này, cái chân còn nặng lắm, không bỏ làng đi được. Đi theo anh Núp thì phải khổ. Con tôi chịu khổ lắm không nổi...

Từ khi có anh Thế lên ở ngoài rừng, bắt liên lạc với anh Khưu, Xá theo anh Khưu ra rừng gặp anh Thế, rồi theo miết anh Thế, không muốn rời. Năm nay Xá mười tám tuổi rồi. Xá làm liên lạc giữa anh Núp và anh Thế từ một tháng nay. Cả làng Ba-lang chỉ có một mình Xá được anh Núp chỉ cho biết con đường bí mật vào làng Kông-hoa. Xá không được nói lại với ai, cả với anh Thế nữa. Anh Thế ở một cái chòi ngoài rừng, có gì cần gặp anh Núp thì Xá đi kêu, có gì cần nói anh Núp thì Xá đi nói giùm... Buổi sáng nay, anh Thế nhờ Xá đi kêu anh Núp. Xá đi rất nhanh, bây giờ dẫn anh Núp về đến chòi anh Thế ở đây. Anh Núp ngồi bên cạnh Xá. Xá mở một quyển sổ nhỏ, tay cầm cây viết chì tô theo các nét chữ anh Thế mới phóng cho chiều hôm qua. Núp chống tay lên cằm, ngồi nhìn tay Xá chăm chú. Đợi Xá run run tô xong một vòng tròn trên giấy, Núp hỏi:

- Xá à, anh Thế bày lâu chưa mà Xá làm được cái chữ đấy. Xá ngước lên cười:

- Bày năm ngày rồi, tôi biết chậm quá mà. Anh Thế đang cúi tìm cái gì trong một cái túi vải, không ngẩng lên, nói:

- Không chậm đâu. Xá học thế nhanh đấy. Học hai tháng nữa đọc được cái giấy đấy... Núp lại ngồi nhìn Xá. Anh nhớ lại những ngày tuổi trẻ của mình. Trong bụng vừa mừng, vừa thương Xá, thương anh Thế. Anh Thế nói:

- Mai mốt anh Núp cũng học chữ nhé. Núp cười:

- Tôi già rồi, không học chữ được đâu, học đánh Pháp thôi.

Từ một tháng nay, cứ ba ngày, năm ngày Núp lại đi đến rừng Ba-lang gặp anh Thế một lần. Càng ngày Núp càng thấy anh Thế giống anh Cầm ngày trước, càng thấy trong bụng mến anh Thế hơn. Mỗi ngày Núp nói cho anh Thế biết thêm một ít tình hình làng Kông-hoa. Mỗi lần gặp nhau nói chuyện, anh Thế cũng bày cho Núp thêm được nhiều điều mới. Núp nghe lời anh Thế, đã nói được lũ làng chịu làm rẫy chung. Mấy năm trước chưa biết, chỉ người nào cặm cụi làm rẫy người nấy, người mạnh thì đủ ăn no, người già, yếu, goá, mồ côi, một mình không làm nổi, cuối năm đói, lũ làng phải chung gạo, chung bắp lại giúp. Bây giờ biết tập trung lại hết, chia ra từng tốp làm chung, tốp nào cũng có người mạnh người yếu. Hôm nay kéo hết tới chặt cây đốt rẫy cho bếp này, ngày mai lại kéo hết tới chặt cây đốt rẫy cho bếp khác. Làm rất mau, rẫy nào cũng tốt, cuối năm nay chắc bếp nào cũng dư ăn. Trong làng có việc chi khó, Núp đi tìm hỏi, anh Thế đều bày cho làm được tốt hết cả. Núp vẫn ngồi im nhìn Xá cặm cụi viết, rồi quay lại nhìn anh Thế. Xá bây giờ quấn quít lấy anh Thế, ban đêm cũng ở ngoài rừng ngủ chung, ban ngày đi tìm được con ốc, con cua, con cá dưới suối cũng đem cho anh Thế. Núp nghĩ tới lũ làng cứ thúc Núp:

"Dẫn anh Thế về đi, sao Núp để lâu thế". Thôi, lần này, tỉa lúa xong, làng hết cữ, anh Thế được về Kông-hoa cho lũ làng thấy mặt rồi đấy. Trong bụng nghĩ vậy, nhưng chưa nói gì cho anh Thế biết cả. Anh Thế rủ Núp ra ngồi dưới một gốc cây kơ-pông rất lớn. Cành cây to và dài, lá chùm gửi mọc dày, ngó như cánh tay một con vượn rất lớn đưa sà xuống, muốn nhúng hẳn vào dòng suối nhỏ, nước trong chảy lanh tanh phía dưới. Hôm nay anh Thế nói chuyện không nên chạy làng nữa. Núp mở to mắt, nhìn cành cây Pơ-pông:

- Không được, anh Thế ạ, không phải người Kông-hoa muốn chạy mãi đâu. Nhưng ở một chỗ thì đánh không nổi Pháp, nhất định Pháp đánh mình phải thua. Đánh bẫy đá, đánh chông được một lần, lần sau nó biết chỗ, đánh không được nữa. Nó đem máy bay tới thả bom, không có con đường chạy. Người Kông-hoa bây giờ phải như con thú trong rừng, bữa nay ở bụi này, ngày mai ở bụi khác... Thế hỏi:

- Còn rẫy thì làm sao? Núp thở dài:

- Cũng phải chịu thôi. Chạy được gần thì làm rẫy cũ. Khi phải chạy xa thì bỏ luôn thôi. Khắp quanh núi Chư-lây này bây giờ rẫy người Kông-hoa bỏ chỗ nào cũng có đấy... Không phải người Ba-na bụng không biết thương cái rẫy mình làm ra đâu. Đất cái rẫy đó thấm máu cái bàn tay người Kông-hoa, thấm mồ hôi người Kông-hoa... Tiếc lắm, nhưng làm sao! Thế bứt một cái lá, chậm rãi xé làm đôi, làm tư, làm tám, rồi vò nát, ném xuống đất, phủi tay Thế nói:

- Bok Hồ dạy: phải làm rẫy ăn no thì mới đánh Pháp lâu được. Chạy mãi bỏ rẫy mãi thì không no được, không đánh lâu được. Bây giờ phải tìm cách ở một chỗ, đánh Pháp, làm rẫy, không chạy nữa...

- Cách gì?

- Phải tổ chức làng lại, anh Núp ạ.

- Tổ chức sao? Suốt ngày hôm đó, anh Thế bàn với Núp cách tổ chức lại làng Kông-hoa thành làng kháng chiến, không chạy nữa. Phải tổ chức dân quân, phải làm thêm nhà bí mật, làng bí mật trong rừng, giấu bớt lúa, phải làm đường bí mật cho người già, phụ nữ, con nít rút lui khi Pháp tới, phải làm chông nhiều hơn nữa, canh gác kỹ hơn nữa. Đến chiều, khi ra về, Núp lấy trong gùi ra một trái bầu khô đưa cho Thế.

- Cái gì đây? Núp để trái bầu xuống bên hòn đá, nói:

- Bầu đựng mật con ong đấy. Khi trước anh Cầm lên ở đây cũng có ăn mật con ong này rồi. Lũ làng tôi biết người Kinh thích ăn mật, gởi tôi đem cho anh đấy. Thế biết phong tục người Ba-na, không từ chối được, Thế nói:

- Tôi gởi anh cái lời bằng miệng thăm tất cả lũ làng, anh Núp nhé!

Trời không có trăng nhưng rất sáng. Các ông sao màu đỏ, màu xanh li ti, li ti như không đứng yên một chỗ, cứ có gió thổi qua là lao xao như rừng. Núp và Thế nằm ngửa, ngẩng lên nhìn trời. Đêm nay là đêm đầu tiên Núp ngủ lại giữa rừng với Thế. Núp kể cho Thế biết làng có những ai vào dân quân rồi, nhà bí mật đã làm được năm cái rồi, v.v... Hai anh em nói chuyện rì rầm mãi, không ngủ. Gió nó cũng nói chuyện rì rầm với lá cây trên đầu hai người. Nói hết các chuyện trong làng rồi. Bây giờ Núp nằm im. Núp nhớ lại đêm nằm ngủ chung với anh Cầm cách đây gần bốn năm. Núp trăn trở hai, ba lần, rồi quay lại nhìn Thế, hỏi:

- Anh Thế à, anh có ở Kon-tum không? Thế cũng quay lại:

- Không. Sao anh Núp hỏi thế?

- Anh Cầm trước có ở Kon-tum đấy, anh Thế ạ...

Nằm im một hồi lâu, rồi Núp lại hỏi:

- Anh Thế à, vậy anh có ở chỗ Việt Bắc, chỗ Bok Hồ không?

- Không, Việt Bắc xa lắm. Nhưng cũng có người ở chỗ đó vào trong này luôn, biết tin đấy.

- Thế à. Thế sao anh không ở gần Bok Hồ mà anh biết nhiều chuyện đánh Pháp tốt vậy. Không có Bok Hồ ở gần, ai bày cho? Thế nói:

- Đảng dạy cho, anh Núp ạ.

- Đảng gì? Tôi không biết.

- Anh có muốn biết Đảng không, tôi nói anh biết nhé. Thế ngồi dậy, dựa lưng vào gốc cây, bắt đầu nói. Núp cũng ngồi trước mặt Thế. Đêm nay Núp biết Đảng là gì rồi. Núp biết đất nước mình rộng lắm, có nhiều núi, nhiều sông, có cả chỗ không có núi, có nhiều biển. Con chim bay cũng không hết được, ngọn gió bay cũng không hết được. ở đâu cũng tốt, đất làm rẫy một năm hai mùa, ba mùa. Hột lúa to và tròn. Con người đẹp và tốt. Nhưng người tốt thì nghèo hết, người xấu thì lại giàu hết. Người xấu đi lấy đất nước người tốt, bắt người tốt phải làm xâu làm thuế. Thằng Pháp xấu ở đất nước khác cũng tới lấy đất nước mình. Người khổ tức quá từ ngày xưa đã đứng dậy chống lại. Nhưng cứ phải thua mãi, thua mãi. Cho đến khi có Đảng chỉ huy mới thắng được tới bây giờ. Đánh Pháp ngày nay là do Đảng chỉ cho đấy.

- ạ... thế Đảng là Bok Hồ phải không?

- Bok Hồ cũng là người Đảng đấy. Nhưng còn nhiều người Đảng khác nữa. Bok Hồ là người chỉ huy Đảng ở nước mình.

- Bok Hồ người Đảng, còn ai nữa?

- Còn đông lắm. Ai người nghèo khổ, căm thù Pháp, căm thù người bóc lột, làm ăn tốt, không sợ chết, đánh giặc đánh trước, làm rẫy làm trước, khó khăn, gian khổ chịu được, người đó người Đảng... Anh Núp ạ, đánh giặc không có Đảng nhất định không hơn được. Người Đảng không phải chỉ làm một mình mình giỏi. Người Đảng biết làm sao cho đúng, cho tốt, người Đảng làm trước rồi còn nói mọi người làm theo nữa. Không có Đảng thì trong bụng có thù Pháp mấy đi nữa, cũng không làm trúng được hết, cũng không đánh nổi Pháp. Núp nằm mở mắt nhìn lên trời và nghĩ không biết bao nhiêu chuyện. Đúng rồi, bây giờ Núp mới hiểu vì sao anh Cầm, bộ đội, anh Thế, người Kinh ở xa như vậy, leo núi khổ như vậy mà lên tới đây, qua con sông Ba có cá sấu không sợ, ở ngoài rừng hai tháng nay không biết mệt, không biết nản, thương người thượng du như thế. Núp hiểu vì sao người Kinh dưới xa kia lại làm rìu, rựa gởi lên cho người Thượng trên này. Đúng rồi, đều là do có Đảng chỉ cho cả. Núp nghĩ đến nỗi khổ của đời Núp, của mẹ, của Liêu, của người Kông-hoa, cũng đông, cũng nhiều như các ông sao trên trời vậy. Bây giờ có Đảng chỉ huy người khổ, Núp muốn đi theo Đảng. Núp hỏi anh Thế:

- Vậy tôi... anh Thế ạ, tôi... có được người Đảng không. Thế nhìn Núp:

- Anh cố gắng, mai mốt cũng được người Đảng đấy.

- Tôi cố gắng nữa. Anh Thế ạ.

Suốt đêm đó, Núp không ngủ. Chung quanh, thấy toàn là sao. Trăn trở mãi, Núp lại hỏi anh Thế:

- Anh Thế à, anh cũng khổ lắm phải không? Đến gần sáng, Thế còn kể cho Núp nghe đời mình: khi nhỏ đi ở cho người giàu bị nó đánh, không có cơm ăn. Lớn lên, tức quá đi theo Đảng làm cách mạng cho tới bây giờ, chưa có vợ, chưa có con... Sáng hôm sau trở dậy đi về làng, Núp nắm tay anh Thế nói:

- Đường tới làng tôi bữa nay tốt rồi. Mai tôi dẫn anh đi thăm người Kông-hoa nhé. Thế cười, hỏi lại:

- Thế hôm nay đường hết đá to, hết con vắt rồi à? Núp cũng cười, lắc đầu:

- Không, chưa hết đâu. Nhưng tôi biết anh người Đảng rồi, con đường khó mà đi tới chỗ tốt, anh cũng cứ đi được... Tôi cũng làm theo anh đấy!.. Thế siết chặt tay Núp. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Thế, chưa bao giờ anh thấy sung sướng bằng hôm nay.

II

Mấy ngày nay, đi đâu vắng thì thôi chứ về nhà là thế nào bok Sung cũng đi khắp làng, gặp chỗ nào đó người tụ tập đông là xen vào, gạt mọi người ra, múa hai tay, cười hà hà, nói mãi một câu này:

- Nè, có phải không, Bok Hồ, người Kinh gởi cho người Kông-hoa mỗi người hai cái tay đấy. Mọi người đều cười. Nhưng bok Sung lại làm như người ta chống lại ý đó của bok, bok trợn tròn hai con mắt lên hỏi:

- Chớ không phải cho người Kông-hoa hai cái tay đấy à?... Này, tôi nói thế này nhé: ngày không có cái rìu, cái rựa, có phải ai cũng nói:

"Thiệt như cụt mất cái tay rồi" không?... Bây giờ Bok Hồ gởi anh Thế mang lên cho bốn cái rựa, năm cái rìu... ạ, cái nào cũng mới tinh cả, sáng như là ông trăng, như thế thì cũng bằng cho người Kông-hoa... mấy cái? Hai cái à... cũng chưa phải đâu... ba, bốn, năm, sáu bảy... một trăm cái tay đấy... hà hà hà hà... Bok cười với mọi người. Trong bụng mỗi người Kông-hoa không bao giờ quên được cái ngày anh Thế đưa rìu rựa của Bok Hồ về làng. Anh Thế giao cho Núp, chia cho các nhóm làm rẫy chung. Buổi sáng, nắng sơn vàng chóp nhà rông, lũ làng họp lại hết ở sân. Núp đứng trên hòn đá giữa làng, nhìn khắp mọi người. Chín mươi khuôn mặt Ba-na thân yêu đều quay lại nhìn anh. Bao nhiêu con mắt long lanh, chờ đợi Núp nói. Tự nhiên Núp lúng túng, không biết bắt đầu thế nào. Anh nhìn lại khắp lũ làng một lượt nữa: gần bốn năm nay sương mặn của núi Chư-lây đã làm đen sạm hết chín mươi khuôn mặt đó. Gần bốn năm nay, chưa một ngày nào chín mươi người đó được ăn đủ no, đủ mặn. Thịt trong người teo lại. Má hóp xuống. Mặt trở nên xương xẩu, rắn chắc. Núp nói gì với anh em, với bà con, với lũ làng bây giờ? Núp cầm tất cả chín cái rìu rựa đưa lên cao, rồi chậm rãi bắt đầu:

- Lũ làng ạ, khi lũ làng mình bỏ cái làng ở Bông-pra đi lên núi Chư-lây kham khổ, thằng Pháp nó cố lấy hết cái sắt của mình, nó chắc thế nào mình cũng chết đấy. Thế nhưng mình không chết, mình sống được tới bây giờ, mình trở về chỗ làng cũ này rồi. Bây giờ có anh Thế mang rìu rựa của người Kinh, của Bok Hồ gởi cho mình đây, mình càng làm rẫy giỏi hơn nữa, ăn no nữa, nhất định thằng Pháp phải chết trước mình, lũ làng ạ... Trên chín mươi khuôn mặt tự nhiên nở bao nhiêu nụ cười, có nụ cười của chị phụ nữ như một cái hoa trắng của cây kơ-pông, có nụ cười của ông cụ già mất hết cả răng rồi, có nụ cười của thằng con nít, nó vừa cười vừa đưa tay lên vẫy Núp. Anh Thế đứng phía sau cũng cười và chớp chớp mắt...

Chín mươi người chia ra làm chín tốp làm rẫy chung. Mỗi tốp có một người coi chung chín người, gọi là "đầu tốp". Chín người đầu tốp lần lượt tách ra khỏi đám đông, đi tới chỗ Núp, đưa tay lên, nhận một cái rìu hay một cái rựa. Người đầu tốp cuối cùng, tốp của phụ nữ, là chị Liêu. Chị Liêu năm nay con đã lớn, chị lại khoẻ mạnh, leo lên cây chặt cành làm rẫy nhanh như con sóc. Chị lại hay cười và ít nói, chỉ chăm làm như khi còn trẻ. Liêu được lũ phụ nữ bầu làm đầu tốp. Núp đưa cái rựa cuối cùng cho Liêu. Cả hai vợ chồng cùng cười. Cả làng ai cũng cười. Nắng buổi sáng cũng cười trên lá cây màu xanh mùa xuân. Tiếng kèn của Ghíp rộn rịp. Và lũ thanh niên hát lại một bài hát đã cũ lắm rồi: Mày lầm rồi, thằng Pháp ơi!

Thằng bé Ngứt ngồi trên ngưỡng cửa nhà sàn, nắng rọi vào trong mắt nó. Năm nay nó mười hai tuổi rồi. Từ khi anh Núp mang nó về nuôi năm đói nặng đến nay, nó ở với mẹ Núp và Liêu mãi. Nó theo chị Liêu ra rẫy, cũng bắt chước đi chặt cây. Anh Núp đi đâu cũng mang về hai củ mài, một củ cho nó, một củ cho Hờ Ru. Từ bữa anh Thế lên, nó theo anh Thế, và nói được bập bẹ mấy tiếng Kinh "ăn cơm, uống nước, đi chơi, hột lúa..." Bữa nay anh Thế về huyện. Nó ngồi trông mãi. Tay nó cầm một sợi dây có cột nhiều gút. Anh Thế hẹn đi về huyện năm ngày thì trở lên. Mỗi ngày thằng Ngứt thắt một gút trên sợi dây. Sáng nay ngủ dậy, nó đem dây ra đếm, thấy đã đủ năm gút, nó ra ngồi chờ mãi, sao không thấy anh Thế lên? Nó ngồi trên ngưỡng cửa, ai hỏi gì cũng không nói, chị Liêu đi ra rẫy cũng không đi theo, con mắt cứ ngó chăm chăm phía suối Đất-hoa. Không phải chỉ có một mình Ngứt trông anh Thế. Cả làng đều trông. Anh Thế lên ở Kông-hoa mới được một tháng bây giờ đã thành như người trong làng. Miệng ai cũng ưng kể chuyện anh Thế thương lũ làng, kể mấy lần nghe cũng còn thích. Nhất là chuyện cái ống muối. Hôm đó anh Thế tới làng lần đầu. Anh mở ống muối chia cho mỗi bếp một ít. Chia xong, chỉ còn ống tre không.

Mấy ngày sau, một đêm Thế đi đâu về mệt quá nằm lăn ra ngủ. Bà mẹ Núp tới ngồi một bên, tẩn mẩn tần mần rờ từ đôi dép, cái mũ, cái áo của anh. Mẹ mở đến ống muối của anh, thấy ống đầy tro tranh và trái lô-pang: anh Thế đã nhịn muốn cho mẹ, cho lũ làng ăn... anh Thế ở trong nhà việc gì cũng làm: nấu cơm, quét nhà, đan cái rá, cái rổ, cho con heo ăn, múc nước đầy các trái bầu. Làm ở nhà Núp xong, anh lại đến làm ở các nhà khác trong làng nữa. Buổi chiều anh Thế đi ra suối. Lũ con nít chạy theo vây quanh. Anh tắm cho từng đứa. Buổi tối anh kể chuyện dưới Kinh cho lũ làng nghe. Con nít đứa ngồi trong lòng anh, đứa bám trên lưng anh, đứa trèo lên vai anh. Anh Thế thuộc tên từng đứa. Anh bảo chúng nó ngồi dậy cả, rồi anh dạy hát... Thằng Ngứt lẩm nhẩm hát một bài anh Thế mới bày. Bỗng, hai con mắt nó nhấp nháy sáng, nó đứng dậy, thả rơi cái dây có cột gút. Nó nhìn chăm chăm phía lùm tranh cao trước làng. Trên các ngọn tranh cao lố nhố, màu vàng, nó mới thấy một chấm đen. Cái chấm đen to dần, to dần. Nó đợi nhô dần lên cái mũ rộng vành màu tím sẫm, cái trán rộng và đen, cái mũi hơi bè ra, rồi cái đầu súng có con ruồi... đúng rồi! Nó nhảy phóc một cái từ trên sàn nhà xuống đất, reo lên:

- Anh Thế, anh Thế lên rồi! Lũ phụ nữ đang giã gạo, dừng tay, buông thõng chày trong cối, ngẩng lên nhìn, rồi tất cả đều cười:

- Đúng anh Thế lên rồi. Con mắt thằng Ngứt giỏi thật! Lũ làng chạy đến vây quanh. Anh Thế mang một cái gùi nặng trên lưng.

- Gùi gì đây, anh Thế?

- Có tin gì, anh Thế?

- Anh đi đường tốt hết phải không, anh Thế? Thế không biết trả lời ai trước cả. Về huyện năm ngày, trong bụng cũng nhớ làng Kông-hoa lắm. Bây giờ trở lên gặp lũ làng, thật như trở về quê vậy. Thế đặt gùi xuống đất, giở miếng lá đậy ở trên ra.

- ố! Muối! Muối! Thế gạt mồ hôi:

- Muốn của Bok Hồ gởi cho lũ làng Kông-hoa đấy... Thế nói ít tin đánh Pháp ở các nơi, rồi Ngứt dẫn ra rẫy tìm anh Núp... Hai anh em ngồi ở rẫy. Ngứt cầm trái bầu đi xuống suối lấy nước. Núp hỏi:

- Lần này huyện nhắn gì Kông-hoa, anh Thế? Thế không trả lời ngay. Anh ngồi im một lát rồi hỏi lại Núp:

- Anh Núp à, những con nước nào chảy về suối lớn Đất-hoa. Núp nói:

- Nhiều lắm. Mỗi con nước chảy về suối lớn Đất-hoa đều chảy qua một làng. Anh chưa biết à? Muốn tìm người Ba-na, cứ đi tìm chỗ nào có con nước chảy ngang là có người ở đấy. Con nước chảy qua làng Ba-lang, con nước chảy qua làng Kông-lê, con nước chảy qua làng Kông-giàng, Đê-mô, Đê-ô, Đê-lanh... mấy con nước đó đều chảy về suối lớn Đất-hoa. Suối lớn Đất-hoa chảy ra gặp đường mười chín, rúc qua một cái cầu. Trên cầu đó có đồn Đất-lung của Pháp. Thế vấn một điếu thuốc bằng lá chuối non của lũ làng phơi khô để dành cho:

- Anh Núp ạ, thằng Pháp ở đồn Đất-lung đang muốn đi ngược lên các con nước nhỏ đấy. Núp hỏi:

- Anh nói sao? Tôi về huyện họp, huyện nói thế này: Pháp nó đã phát súng cho lũ làng Đê-ô, Đê-mô, Đê-lanh từ đầu năm nay. Nó nói lũ làng đó cầm súng đó chống lại cán bộ. Việc này do thằng chánh tổng Chu Rú làm đấy. Những làng nó phát súng đều ở trên các con đường từ dưới Kinh lên đây cả. Nó muốn người các làng đó cầm súng bịt dường không cho tôi lên đây nữa, không cho bộ đội mai mốt lên đây nữa. Bây giờ thằng Chu Rú lại đi phát súng cho lũ làng Kông-giàng, Kông-châu, Nga-gió, Leng-tu... ở trên các con suối nhỏ. Nó định phát súng dần dần ngược theo mấy con suối đó. Mai mốt nó còn phát tới Ba-lang, Đê-ta, Kông-ma, Ta-lung đây. Nó đang định vây rồi diệt làng Kông-hoa này. Núp chống cái rìu xuống đất, rút ống điếu đang ngậm ở miệng ra, hai mắt dần dần đỏ. Không phải bây giờ Núp mới biết chuyện này. Từ ngày nghe Pháp bảo thằng Chu Rú đi phát súng cho lũ Đê-ô ở gần con nước lớn sát đường mười chín, nói là cho người Ba-na bắn con nai, con heo rừng, Núp đã biết là nó muốn người Đê-ô bắn lại cán bộ, bắn lại người Ba-na rồi. Nhưng Núp chưa nghĩ kỹ đến như thế này. Bây giờ huyện chỉ cho Núp thấy rõ rồi đó, Núp phải làm sao? Núp nói:

- Phải giữ cho được hòn núi Chư-lây này, anh Thế ạ. Thế vấn điếu thuốc rồi lại ném đi không hút:

- Đúng đấy, trước tiên là phải giữ cho được hòn núi Chư-lây. Quanh hòn núi Chư-lây này có năm làng: Kông-hoa, Kông-ma, Ta-lung, Đê-ta, Ba-lang. Muốn giữ được núi này phải làm sao cho năm làng này biết đánh Pháp hết. Núp suy nghĩ lâu. Rồi nói:

- Kông-hoa biết đánh Pháp khá rồi. Ta-lung thì chưa đi làm xâu cho Pháp, nhưng làm chông còn ít lắm, chưa biết làm dân quân. Còn Ba-lang, Kông-ma, Đê-ta thì đang đi xâu cho Pháp, phải đi nói cho nó nghe cho được cái tai, cái bụng... Nói nó khó lắm, nhưng cũng phải nói được, anh Thế ạ. Thế đứng dậy:

- Tôi cũng định nói anh như vậy đấy. Đánh Pháp không phải đánh một người, một làng. Đánh Pháp phải đánh hết cả đất nước mới thắng được. Muốn hơn Pháp phải làm sao cho người mình mỗi ngày một nhiều hơn, người Pháp mỗi ngày một ít đi... ... Đêm đó, Núp và Thế bàn nên đi nói làng nào trước. Núp nói:

- Làng Kông-ma có thằng chủ làng đang muốn theo Chu Rú, bụng nó xấu lắm, chưa nói được ngay đâu. Làng Ba-lang thì ở gần đường Nga-gió quá, chắc nó còn sợ Pháp nhiều. Phải đi nói làng Đê-ta trước. Tôi biết đường trong núi nhiều, tôi đi xa được, để tôi đi nói lũ làng Đê-ta. Anh còn biết đường ít, anh đi nói lũ làng Ta-lung gần hơn, anh Thế nhé... Một con chim chèo bẻo kêu lanh lảnh trong đêm. Thế nắm tay Núp:

- Thôi, ngủ đi đã, khuya rồi. Hai người nằm sát vào nhau. Cả hai đều đóng khố. Cái chăn của Thế đem đắp cho mấy đứa con bà Hu bị sốt rồi. Muỗi đốt như kim châm, không ngủ được. Núp nằm nghĩ mãi. Anh nhắm mắt lại và thấy một ngọn núi cao, có nhiều đá to: ngọn núi Việt Bắc, ngọn núi Bok Hồ. Bok Hồ khi nào cũng dạy đoàn kết. Bốn năm nay Núp nghe lời Bok, nhưng mới chỉ biết đoàn kết trong vài bếp, trong làng, chưa biết đoàn kết các làng khác. Người làng khác cũng khổ, cũng ghét Pháp, sao mình không biết đi nói nó đánh giặc, để nó khổ mãi. Do bụng mình chưa biết thương nó thật. Bây giờ có Đảng chỉ con đường, Đảng cho anh Thế lên bày cho biết, đường của Đảng đi rất khó nhưng tốt thế. Núp nhất định đi theo. Núp buột miệng nói:

- Mai tôi đi, nhất định, anh Thế ạ. Thế cũng nói:

- Đúng đấy, mai tôi cũng đi Ta-lung. Thằng Hờ Ru cựa mình nói ú ớ. Thế ngồi dậy quạt muỗi, kéo cái chăn lại cho nó. Thế hỏi nhỏ:

- Anh Núp này, anh đi làm việc nhiều, bỏ làm rẫy nhiều, chị Liêu có nói gì không? Núp nằm nghiêng lại, đặt bàn tay to lớn của Núp lên vai thằng Hờ Ru, xoa xoa nhè nhẹ:

- Không, bây giờ Liêu biết nhiều rồi, anh Thế ạ. Thế nói:

- Mùa này tôi cũng đi làm rẫy với anh nhé, để một mình chị Liêu làm, chị ấy khổ lắm... Núp nhắm mắt. Giấc ngủ đến khi nào không biết.

Nhà sàn làng Đê-ta ngắn bằng hai sải tay, thấp lè tè, đầu to, chân ngắn và nóng bức. Một con heo nái ở đó ngứa quá, đến kề cái lưng vào cột cây kì qua kì lại, làm cho tất cả bếp núc và xâu thịt nai khô treo trong nhà đều rung rinh. Bok Ung lấy cái gậy đuổi, nó éc éc chạy được vài bước, rồi lại ụt ịt thong thả bỏ đi rất là biếng, đến uống nước cơm lem lép và khịt khịt vào trong một cái chậu bể. Làng Đê-ta ngày trước hơn ba mươi nóc nhà to, trâu nhiều, chó nhiều, trên nhà rông lúc nào cũng có chiếc diều có sáo vi vu. Bây giờ chỉ còn hai mươi nóc nhà thấp lè tè như thế. Con gái mặc vải của Pháp bán, đeo vòng của Pháp màu xanh, màu đỏ, mỗi chiếc Pháp đổi một gùi lúa. Nhưng con mắt người nào cũng trắng dại ra vì đói. Con nít bụng to, đi giỡn với con heo, cả hai nhớp như nhau. Núp vừa nói chuyện với lũ già làng Đê-ta vừa nhìn tất cả những cái đó. Bốn năm đi làm xâu cho Pháp, làng Đê-ta như thế đó... Lũ già làng Đê-ta ngồi vây kín quanh ché rượu. Nghe nói Núp ở Kông-hoa tới thăm, già làng Đê-ta trước nay đã biết tiếng Núp là người ăn nói tốt, thương lũ làng nhiều, làm rẫy giỏi, ai cũng mừng, đem cột rượu mời Núp uống. Nhưng khi Núp nói tới chuyện làng Đê-ta cũng phải đánh Pháp thì không ai nghe cả. Bok Ung hồi khởi nghĩa làm chủ tịch làng bây giờ già lắm rồi, đến cái lông mày cũng bạc, hai má hóp sâu, miệng móm mém. Bok nói:

- Không được, Núp à. Bụng người Đê-ta xưa nay không xấu với người đánh Pháp, không xấu với cán bộ, với Chính phủ. Nhưng bụng người Đê-ta không biết ăn tro tranh... Bốn, năm ông già khác buông cần rượu, nói một lượt:

- Chạy làng à, chạy đi đâu?... Chạy không nổi đâu. Người Kông-hoa chạy được, người làng tôi, giàng không cho chạy.

- Chạy làng ăn gì, vót chông miết, bỏ làm rẫy, đói chết. Không được đâu, anh Núp à...

- Anh Núp, anh làm sao giàng cho phép người làng Đê-ta chạy được, làm sao người làng Đê-ta đánh Pháp có muối ăn, có áo mặc, thì người làng Đê-ta đồng ý. Không có, khó lắm... khổ quá, chịu sao nổi. Đi làm xâu cho Pháp cũng khổ, nhưng còn có muốn cho con nít ăn. Đi chạy làng sợ con nít chết hết...

Núp không nói được gì nữa. Nắng rọi vào giữa nhà, bụi bay trong nắng không biết bao nhiêu hột... Trưa rồi. Lũ già làng về cả, chỉ còn một mình Núp ở nhà bok Ung. Núp nằm ngửa, con mọt ăn cái xà nhà kì cà kì kèo, rồi nó thả bụi tre trắng xuống trên ngực Núp. Núp nghĩ tới thằng Pháp. Nó đang sai thằng Chu Rú đi ngược lên những con nước của đất Ba-na, nó đang phát súng cho người Ba-na ở quanh ngọn núi Chư-lây, chỉ lên núi đây, nói rằng:

"Người theo Việt Minh như con heo rừng, xuống phá rẫy. Gặp nó, xa phải bắn chết, gần phải bắt cắt mũi, cắt tai, xâu lại, đem nộp cho Pháp đổi muối ăn..." Nó nói xấu thế, sao người Ba-na cũng có người nghe theo nó. Mình nói tốt thế này, sao người Ba-na không nghe theo mình... Không, không phải đâu. Bụng Pháp muốn xấu mà miệng nó trả lời tốt, bây giờ người Ba-na mau nghe, nhưng rồi cũng mau quên lời nó. Bụng mình muốn chuyện tốt, nhưng làm theo mình phải khó khăn, lũ làng lâu nghe được. Nhưng nói miết nói miết rồi cũng nghe được. Mà nghe được rồi thì không bao giờ quên đâu... Núp nhớ lại trước đây năm năm, có lần Núp đói muối mờ cả hai con mắt, trèo lên một hòn đá cao, đứng hỏi một trăm ba mươi người Kông-hoa:

"Ai chịu đói muốn đi đánh Pháp, ai không chịu nổi, muốn về đi xâu cho Pháp?" Có chín mươi người đưa tay đi lên núi, chín mươi người nghèo nhất trong làng, bụng thù thằng Pháp nhiều nhất. Người làng Đê-ta có thù Pháp không? Tháng trước, đêm hôm làm lễ Núp vào Đảng, anh Thế nói:

"Ai người nghèo, ai người bị Pháp bóc lột, người đó căm thù Pháp, người đó mình nói họ biết thù, sức họ mạnh lắm, làm gì cũng được, bụng họ đều có thể tốt, sau này họ thành đồng chí được hết". Người Đê-ta nghèo lắm, đi làm xâu cho Pháp đời ông, đời cha, đời mình, người Đê-ta sao lại không biết thù Pháp, không thương đất nước? Chỉ tại miệng mình chưa nói cho họ rõ, mình chưa chịu khó khăn... Buổi chiều Núp đi thăm hết trong làng. Hỏi thăm Pháp bắt xâu một ông trăng mấy lần, đi xâu Pháp bảo làm gì, miệng Pháp nói sao, tay Pháp làm sao? Hỏi thăm thằng con nít tại sao nó gầy thế? Hỏi thăm con trâu mất đi đâu rồi, ai lấy? Hỏi thăm vì sao rẫy nhiều cỏ thế?... Tối, người làng họp ở nhà rông. Núp xin phép bok Ung ngồi kể chuyện cho lũ làng nghe. Lũ làng tưởng nghe chuyện Kông-hoa, chuyện đánh Pháp. Nhưng Núp chỉ kể toàn chuyện làng Đê-ta, chuyện từng nhà, từng bếp. Chuyện bếp này bếp kia không biết, chuyện bếp kia bếp này không biết, nên nghe chuyện nào cũng thấy lạ. Núp kể vì sao cái rẫy của mí Lê bỏ cỏ nhiều thế, mí Lê xưa nay làm rẫy giỏi, ai cũng biết. Chỉ vì mỗi ông trăng là ba mươi ngày, mí Lê phải đi làm xâu hết mười lăm ngày rồi, cái rẫy sao tốt được. Kể vì sao bok Sra không làm lại cái nhà mà ở, để gió xô miết cái lều lụp xụp, có ngày ngã đè chết người; vì con trai của bok, Pháp bắt đi xâu, rồi nói là theo Việt Minh, lấy dao cắt đứt cánh tay, máu chảy một ngày phải chết. Kể vì sao đê Hiu mất con trâu, ai lấy; vì sao mai Lam bị Pháp bắt làm vợ rồi thả về, bây giờ suốt đời đau bệnh, không có chồng con...

Đến khuya, lửa tắt dần chỉ còn một ít than hồng. Bok Sra ôm hai đầu gối, cắn mãi hai hàm răng lại, nhưng không được nữa rồi, bok oà lên khóc. Mai Lam cũng khóc theo. Anh Hiu, anh Khíp, chị Hoa, chị Vu... đều khóc. Tiếng khóc ấm ức. Lửa hết cháy rồi. Bóng tối trùm lên cả tiếng khóc, làm cho nó nghẹt lại, đau ruột quá... Núp chùi nước mắt, đứng dậy đi tìm một bó củi khô, cho lửa ăn, lửa sống lại phừng phừng. Anh ngồi nhìn lửa mãi. Im lặng. Khíp đang ngồi phía sau xa, tự nhiên Khíp đứng dậy, đi tới gần bên đống lửa, đưa một bàn tay soi lên lửa nói:

- Anh Núp, sao anh chưa nói chuyện tôi. Bây giờ tôi nói cho lũ làng nghe. Bàn tay tôi đây, mất hết hai ngón. Thằng Pháp bắt tôi đi xâu, tôi đau quá, tôi không làm được nhiều, nó bỏ tù tôi, rồi nó lấy dao chặt hai ngón tay này của tôi đây... Khíp không khóc. Cặp mắt Khíp đỏ ngầu. Núp nhìn Khíp. Năm nay Khíp hai mươi tuổi. Trước Khíp cũng là người Kông-hoa. Năm đói muối chín mươi người chạy lên Bông-pra đánh giặc, cha mẹ Khíp không chịu chạy, bỏ theo làng Đê-ta, đi làm xâu năm năm nay. Lúc đó Khíp còn nhỏ. Bây giờ đã thành người lớn rồi, tóc xoăn lên, trán cao, nước da đen, cánh tay to như chân con cọp...

Sáng hôm sau, Núp trở về Kông-hoa. Người làng Đê-ta hẹn:

- Mai mốt anh tới chơi nữa nghe. Ra tới đầu suối, nghe tiếng chân người chạy theo. Quay lại thấy Khíp. Khíp cầm tay Núp:

- Tôi trước ông bà uống nước suối Kông-hoa, ăn lúa đất Kông-hoa. Bây giờ tôi muốn theo người Kông-hoa đánh Pháp, anh cho tôi về Kông-hoa. Khổ tôi chịu được, đói muối tôi chịu được... Tôi không ở làng Đê-ta nữa. Núp dẫn Khíp tới bờ suối. Hai anh em ngồi xuống trên một hòn đá, để cho nước suối leo lên trên bàn chân lanh tanh. Núp bảo Khíp nên ở lại làng Đê-ta. Không phải người Kông-hoa không muốn nhận Khíp nữa đâu. Nhưng Khíp tốt rồi, phải ở lại, phải nói cho lũ làng Đê-ta ai cũng tốt được như Khíp cả, sao cho làng Đê-ta cũng được như làng Kông-hoa. Sao cho đất nước mình ngày nay mới tốt một làng, ngày mai còn tốt nhiều làng nữa. Núp lấy tay bụm nước lên rửa mặt, rồi nói:

- Khíp ạ, đất nước mình, nước con suối nào cũng tốt. Suối nước Kông-hoa, suối nước Đê-ta, suối nước Ba-lang... suối nước nào uống vào cũng biết thương yêu đất nước, căm thù thắng Pháp cả. Mình biết trước, mình phải nói cho lũ làng ai cũng đều biết thế...

Núp bàn với Thế:

- Nói năm lần rồi, người Đê-ta chưa nghe. Bây giờ phải đi nói người Ba-lang nữa. Vừa nói người Ba-lang, vừa nói người Đê-ta. Núp dẫn Thế tới cho Khíp ở làng Đê-ta biết mặt, Khíp đưa anh Thế đi nói chuyện với lũ làng Đê-ta. Còn Núp thì đi Ba-lang. Núp đi nhiều lắm. Đi về, sợ cỏ ăn mất cái rẫy, ra coi thử. Thấy mai Liêu cõng con trên lưng đang nhổ cỏ. Núp thương Liêu quá. Liêu vừa nhổ cỏ vừa hát: Kìa những đàn chim trắng Trên rẫy lúa đòng đòng, Chim lượn chim bay quanh Bắp trỗ cờ đỏ chói Buổi mai mặt trời mọc Buổi chiều mặt trời lặn Người cõng lúa về buông Chim cũng theo về tổ... Núp tự nhiên thấy hai bàn tay, các ngón đều xao xuyến lên. Muốn đi tìm cái đờn tơ-rưng, đánh một bài nói cái rẫy lúa tốt, người vợ đẹp, làm ăn giỏi, đất nước có Bok Hồ tốt quá, mai mốt thắng giặc còn tốt hơn nữa, Nhưng bây giờ phải đi thôi. Muốn mai mốt thắng giặc, bây giờ phải đi, cái chân không biết mỏi, cái ngực không biết mệt. Núp đi làng Ba-lang. ở Ba-lang Pháp đặt một chủ làng. Người này con đông, ốm yếu, hình như lúc nào cũng bị lạnh nên rụt cổ lại. Sợ Pháp, sợ cả bộ đội. Lũ làng Ba-lang đưa ra làm chủ làng "phép" để nói chuyện với Pháp thôi. Xá còn nhỏ, nhưng ăn nói đúng, chủ làng lại nghe Xá hay đi Kông-hoa nên cũng sợ Xá. Núp dặn Xá phải nắm cho được chủ làng. Xá về nói chủ làng:

- Anh làm chủ làng "phép", bụng không thương Pháp, không ai ghét đâu. Nhưng làm chủ làng "phép" thì phải giúp lũ làng. Chủ làng co cổ lại, hỏi:

- Giúp sao, Xá bày tôi:

- Giúp: Pháp muốn làm gì, về nói có lũ làng, cho tôi biết trước. Từ đó Pháp muốn bắt xâu, muốn lấy thuế, muốn lấy con trâu, lấy mật, muốn bán vải, Xá đều biết trước cả. Xá đi tìm anh Núp và anh Thế trong rừng, ba người nói chuyện. Xá về nói lại chủ làng. Pháp muốn bắt xâu ba mươi người, cho đi mười lăm người thôi. Nói Pháp người làng Ba-lang làm khổ quá, ốm hết rồi, lần sau sẽ đi nhiều hơn... Núp tới nói chuyện làng Ba-lang phải chạy làng đã bốn, năm lần nhưng lũ già cũng chưa ai nghe. Núp phải bày Xá đi nói từng người một, được năm thanh niên. Lâu lâu ra rừng một bữa, Núp tới nói chuyện... Một hôm Xá đi tìm Núp, kéo ra rừng, kề miệng vào tai, nói nhỏ:

- Tôi sắp có cái súng rồi, anh Núp ạ.

- ở đâu mà có, anh Thế cho à?

- Không đâu... Pháp cho đấy. Xá cười, lấy một cái que dài, kề vào vai, giả làm súng, bắn "đùng!" Xá kể: chủ làng nói cho Xá biết Pháp định cho lũ làng Ba-lang sáu cái súng để bắn con heo rừng. Xá biết rồi, nó muốn người Ba-lang bắn lại cán bộ đấy thôi. Nhưng được cứ để nó cho, Xá sẽ lấy hết. Núp muốn đi tìm anh Thế ngay, nhưng anh Thế về huyện chưa lên. Núp đốt lửa ngồi suốt đêm. Thằng Pháp đi ngược các con suối đã lên tới Ba-lang rồi. Mà mình chưa nói được làng nào hết. Nó muốn vây núi tới Chư-lây rồi. Ngày mai nhất định Núp phải đi Ba-lang. Để Pháp giao được một khẩu súng cho người Ba-lang thì sau này còn khó khăn không biết bao nhiêu nữa. Lần này, thế nào Ba-lang cũng phải đánh Pháp, nhất định...

° ° °

Lũ làng Ba-lang đã tập trung đông đủ ở nhà rông. Đống lửa cháy nổ lép bép. Người chủ làng vẫn co rụt cổ lại, ba đứa con nhỏ, không biết đứa nào là anh đứa nào là em, ngồi co ro như cha chúng nó, mắt thao láo. Chủ làng bắt đầu nói, tiếng nói rè rè, trầm trầm, nhưng có lúc tự nhiên lại cao lên the thé:

- Cái này không phải tự miệng tôi nói. Cái này tôi nghe Pháp nói, tôi nói lại: Pháp thấy người Ba-lang ở trong núi, có nhiều con heo rừng, con cọp xuống phá rẫy, phá làng, Pháp muốn cho người Ba-lang cái súng bắn con heo con cọp... Chuyện Pháp muốn cho súng xôn xao trong thanh niên Ba-lang luôn mấy ngày nay. Ai cũng muốn lấy. Phải rồi, người Ba-lang ba năm nay đói, vì sao? Vì con heo rừng xuống phá hết cái rẫy. Có cái súng, có cái súng, ô... thanh niên nằm đêm, hễ nhắm mắt là thấy cái súng. Có cái súng sướng biết bao nhiêu. Sẽ làm một cái chòi. Ban đêm, không cần ngủ ở nhà rông, ra ngủ ở chòi. Đến khuya, nhất định con heo rừng tới, con mắt nó như hai đốm lửa trong đêm tối. Giơ cái súng lên, nhắm cho kỹ, bóp cò:

"Đoàng!"... Cái chấm lửa đỏ biến mất ngay. Con heo rống lên. Nó chạy, nhưng nó không chạy thẳng được nữa rồi. Nó nghiêng chúi hẳn về một bên. Rồi ngã lăn quay ra. Máu chảy ộc ộc, thấm xuống đất rẫy... ạ, sướng biết bao nhiêu... Pháp cho cái súng à?... Lấy đi!... Lấy cho nhiều đạn... Bốn, năm thanh niên nhìn chủ làng chằm chằm:

- Cho mấy cái?

- Sáu cái.

- Có nhiều đạn không?

- Bây giờ còn ít đạn, sau này nhiều đạn.

- Lấy đi, tôi giữ một cái.

- Tôi cũng giữ một cái. Xá cũng muốn nói:

- Tôi cũng giữ một cái. Nhưng liếc qua, thấy Núp vẫn ngồi im nhìn lũ thanh niên, Xá không dám nói nữa. Chỉ có hai con mắt Xá lóng lánh như hai cái đầu ruồi súng chùi sạch. Chủ làng cũng liếc nhìn Núp, rồi nói:

- Pháp dặn ai muốn giữ súng phải nói tên tôi biết, tôi nói Pháp viết tên trong sổ rồi Pháp phát súng cho. Lần này, Pháp phát một khẩu, sau này phát nữa. Lũ thanh niên im lặng hết. Bây giờ Núp mới nói:

- Có ai muốn ghi tên lấy súng không? Không ai trả lời cả. Núp nói chậm rãi, chắc chắn, hai tay không động đậy, con mắt ngó một chỗ. Lũ thanh niên càng nghe càng cúi đầu xuống và tụt lui vào bóng tối. Lâu nay Núp ít đến Ba-lang, nhưng người Ba-lang nghe tên Núp nhiều lần, không ai không biết. Mấy hôm trước Núp nói chuyện thù Pháp, phải chạy làng, thanh niên nghe đỏ kè con mắt, phụ nữ, già làng thì khóc. Chưa ai chịu nghe theo Núp chạy làng, nhưng trong bụng ai cũng biết Núp nói tốt, nói phải, ai cũng suy nghĩ... Hôm nay Núp nói vì sao Pháp muốn cho súng người Ba-lang. Có phải nó mới cho súng người Ba-lang thôi không? Không phải, nó đã cho súng Đê-ô, Đê-mô, Kông-giàng, Đê-lanh... rồi đấy. Súng Pháp người Đê-ô, Đê-mô, Kông-giàng, Đê-lanh... đem làm gì, người Ba-lang có ai biết không? Một ông già gầy gò, ở trần, mặt toàn xương, hai gò má sâu hoắm, đứng dậy đưa một nắm tay, nắm tay cũng toàn xương, ông già hỏi:

- Sao anh Núp nói lũ làng Kông-giàng làm gì. Lũ làng Kông-giàng tôi biết rồi. Nó không phải là người Ba-na đâu. Nó là đồ chó. Bụng nó bây giờ thành bụng Pháp hết rồi. Nó tự lên đồn xin Pháp cái súng, về đi đánh lại lũ làng Đê-mô, Đê-ô, rồi đi bắn cán bộ... Nói nó làm gì? ạng già thở hổn hển, ngồi xuống. Lại im lặng. Núp lại nói, chậm rãi:

- Làng Kông-giàng là người đất nước nào? ... Không phải đâu, bok ạ, nó không phải là người đất nước Pháp đâu. Nó cũng là người đất nước mình đấy. Nó cũng nói tiếng Ba-na, uống nước suối Đất-hoa. Không phải Kông-giàng muốn đi xin cái súng Pháp trước để bắn Đê-mô, Đê-ô đâu. Khi đầu, thằng Pháp đem cái súng cho làng Đê-mô, Đê-ô trước. Pháp nói: để bắn con heo rừng, con mang. Không có ai nói cho Đê-ô, Đê-mô biết. Đến khi bắn được con heo, con mang rồi, ưng cái súng quá rồi, Pháp mới không cho đạn nữa. Muốn xin được đạn nó, miệng nó nói gì phải làm theo cái ấy. Khi đó nó mới xúi Đê-ô, Đê-mô đi đánh Kông-giàng. Kông-giàng sợ quá, phải chạy lên đồn Pháp xin súng để chống lại Đê-ô, Đê-mô... Bây giờ thì miệng nó nói "bắn cán bộ" cũng phải nghe theo nó rồi. Lũ làng ạ, Pháp cho Ba-lang súng bây giờ cũng như vậy đó. Ba-lang muốn giữ súng nó, một ngày, hai ngày, lâu ngày, nhất định rồi Ba-lang cũng phải bắn lại người Kông-hoa, cũng phải bắt tôi, cắt tai, cắt mũi nộp Pháp để lấy đạn đấy... Cả nhà rông im phăng phắc. ạng già lúc nãy bây giờ ôm mặt khóc không ra tiếng. Lũ thanh niên cúi xuống, rồi ngẩng lên nhìn Núp. Hai mắt anh Núp nhìn lửa, hiền từ, mệt mỏi. Họ thấy anh Núp như người anh. Họ muốn từ nay làm việc gì cũng hỏi Núp trước cả... Núp nói:

- Nhưng thằng Pháp đã muốn cho súng, không lấy cũng không được...

Bao nhiêu cặp mắt mở tròn, nhìn Núp. Núp nói tiếp:

- Mình không lấy, mai mốt đi xâu, tới đồn, nó nói mình theo cán bộ, nhất định nó bắt, bỏ tù... Im lặng nặng nề.

- Làm sao?

- Phải bỏ đi xâu. Đi xâu miết cũng không được đâu. Pháp kêu mình cho súng tức là Pháp muốn mình một là theo nó đánh lại cán bộ, đánh lại Kông-hoa, một là theo cán bộ, theo Kông-hoa đánh lại nó... Mình không theo nó, chỉ còn một cách: phải đánh nó.

- Bây giờ phải đi lên núi sao?

- Không, không cần, cứ ở đây, làm chông, mang cung cho khá, làm dân quân cho khá, người Kông-hoa biết trước bày cho... Đến nửa đêm, Núp còn ngồi nói cách đánh Pháp thế nào, hẹn ngày mốt cho tám dân quân Kông-hoa xuống giúp Ba-lang làm bẫy đá, nhà bí mật. Khi Núp ở Ba-lang ra về, ngọn gió lạnh buổi sáng vừa thổi tắt mấy cái sao cuối cùng trên nền trời xanh nhạt. Đi được một đoạn đường, mệt quá. Núp ngồi xuống, gục đầu vào gốc cây, ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, thấy Xá ngồi một bên. Núp đứng lên:

- Thôi Xá về làm rẫy đi. Xá muốn có cái súng bắn con heo, con nai, phải nói người Ba-lang đánh giặc giỏi. Còn đi xâu cho Pháp thì cái súng nó không bắn được Pháp đâu. Súng đó nó bắn cán bộ mình thôi. Xá đứng yên, không biết nói gì để tỏ với Núp rằng mình đã biết sai lầm rồi... Một tháng sau, Xá làm chỉ huy dân quân Ba-lang đánh một trận, chết được bốn Pháp. Ba-lang là làng gần đồn Pháp đã đánh được Pháp rồi, nửa tháng sau làng Đê-ta cũng bỏ đi xâu, dời làng vào sát núi, làm chông, làm bẫy đá. Khíp không đòi về Kông-hoa nữa. Khíp ở lại làm chỉ huy dân quân làng Đê-ta.

Anh Thế đi nói làng Kông-ma. Chủ làng Kông-ma nghe thằng Chu Rú bày, dẫn tám người núp ở suối đầu làng, định bắt anh Thế, cắt tai đem cho Pháp. Thế chạy thoát được về Kông-hoa. Núp bàn với Thế:

- Thôi để tôi đi. Thế nói:

- Bây giờ để nghĩ cách đã. Anh đi nó cũng giết. Chưa đi được đâu. Núp gõ cái ống điếu xuống sàn:

- Tôi phải đi, anh Thế ạ. Bây giờ nó xấu, nhưng còn xấu ít. Mình chậm không đi nói, để mai mốt nó xấu nhiều nữa càng khó nói hơn. Thế không biết nói gì nữa. Núp ôm con vào lòng, nói:

- Chỗ này khó, Đảng kêu tôi đi đấy. Tôi không sợ chết đâu, anh Thế ạ. Tôi biết làng Kông-ma. ở đó có lũ giàu, bụng xấu. Còn lũ người khổ phải đi làm cho Pháp, nó không phải sướng đâu. Nó theo Pháp sướng thì nó cần gì bắt cán bộ, cắt cái lỗ tai, đổi muối cho Pháp. Pháp không cho nó muối, nó mới phải làm thế. Tôi nói cho nó biết, chắc nó phải nghe được. Người cực khổ lỗ tai ai cũng tốt. Thế nắm tay thằng Hờ Ru:

- Tôi đi với anh... Núp lắc đầu...

- Để tôi đi trước, tìm được người tốt, bữa sau anh hãy đi. Nó bắt tôi, còn anh... Ngày sau Núp đi, không nói cho mẹ, cho Liêu biết là đi đâu như những lần trước. Hai tháng sau, bốn mươi người khổ ở làng Kông-ma đòi bắt thằng chủ làng, cắt tai: nó theo Pháp, ác lắm. Chủ làng sợ quá, bỏ cả nhà cửa, vợ con chạy theo Pháp ở đồn Hà-tam. Làng Kông-ma một trăm hai mươi người chạy vào chân núi Chư-lây.

III

Nửa đêm làng Kông-hoa còn bốc cháy. Lần này là lần thứ năm người Hà-ro dẫn Pháp lên đánh Kông-hoa. Lần này cũng là lần nặng nhất. Kông-hoa mất bốn trăm gùi lúa . Dân quân Kông-hoa đi họp với dân quân Ba-lang, Đê-ta, Ta-lung, Kông-ma, khi trở về đến làng thì Pháp đã rút tới đồn nó rồi. Dân quân đi họp, giao làng cho lũ thiếu nhi gác. Pháp tới bất ngờ, Tun chỉ huy thiếu nhi, ở trên cây tụt xuống chỉ kịp ném một quả lựu đạn của anh Thế mới cho hôm trước. Lựu đạn không biết đập nên không nổ, Tun ném trúng ngay vào giữa mặt thằng Pháp. Bọn kia hoảng quá, chạy lui bị trúng chông hai đứa. Chúng nó "văn xê" tới, nắm được cái khố của thằng Ngứt. Ngứt cầm rựa quay lại chặt một nhát. Thằng Pháp phải thả ra. Ngứt cầm cái rựa chảy máu ròng ròng chạy về làng, cùng với Tun dẫn lũ người già, người phụ nữ, con nít trốn hết vào làng bí mật. Khi yên tiếng súng trở ra, nhà, lúa đã cháy ngùn ngụt...

Bây giờ Kông-hoa phải đào tro làng cũ lên, làm lại cái làng mới. Hôm nay Núp đi làng Đê-ta. Lũ làng ngồi vót chông. Nắng nóng rực cái rựa, trong bụng cũng nóng rực. Bok Pa ngồi trên một hòn đá nhỏ giữa nắng. Bok đặt cái rựa xuống hòn đá, không biết mấy lần định nói, rồi lại thôi. Hai con mắt đỏ kè. Bok vót mười cái chông, cái nào cũng hư cả. Sau cùng bok ném cái rựa xuống đất, đứng dậy. Bok không giữ được nữa rồi. Phải nói, nói cái ấm ức từ khi cháy làng đến giờ:

- Lũ làng này, tôi nói đây... Lần này nhất định phải đi đánh lũ Hà-ro. Không đi không được. Người Kông-hoa muốn sống hay muốn chết? Muốn sống thì phải đi đánh lũ Hà-ro một trận... Lần này là lần thứ mấy rồi. Không chịu được nữa. Tay ai đốt bốn trăm gùi lúa đây? Tay Hà-ro. Tay ai chỉ Pháp tới đốt làng Kông-hoa đây? Tay Hà-ro..., tức lắm. Lũ nó không phải là người Ba-na nữa. Lũ nó ăn muối Pháp, mặc áo Pháp, bây giờ thành người đất nước khác rồi. Bok thở hổn hển, nói không ra hơi nữa. Những lời nói của bok như một cơn gió, nó thổi bốc ngọn lửa âm ỉ trong bụng bao lâu nay, Ghíp cũng thả rựa xuống, đứng dậy, khua tay, nói:

- Muốn theo Bok Hồ, muốn độc lập, không đi đánh người Hà-ro không được! Không đánh người Hà-ro mai mốt cái làng này cũng cháy, cái suối này cũng mất. Đất nước Ba-na không còn chỗ ở nữa. Trước một mình Kông-hoa, không đi đánh nó được. Bây giờ có Ba-lang, Ta-lung, Đê-ta, Kông-ma, người Kông-hoa phải trước tiên đi đánh nó. Giết hết nó đi, đánh thằng Pháp sau được ngay. Pháp không có Hà-ro, Pháp cũng chết đói. Mớ tóc xoăn của Ghíp bây giờ như cứng ngắt lại. Ghíp đi lấy một cái ná, ra đứng giữa làng, đưa lên cao:

- Người Kông-hoa bụng ai thù người Hà-ro, theo bok Pa, theo tôi đi đánh! Đám thanh niên hơn năm mươi người đều đứng dậy. Bok Pa leo lên nhà rông. ạng già bây giờ quắc thước lạ. Râu mép vểnh lên, con mắt như lưỡi mác mới mài, cái ná cầm trong tay, ống tên đeo trên lưng, giọng nói như con cọp già:

- Bây giờ chưa đi ngay được. Phải làm thêm tên. Có bốn mươi cái mác của anh Thế mới mang lên, đem mài hết đi. Ghíp đi vô núi lấy tên thuốc độc, phát cho mỗi người một trăm cái. Tối nay giết gà cúng Giàng. Sáng mai đi sớm. Suốt buổi chiều, Kông-hoa bỏ làm chông. Thanh niên đi mài mác, làm tên. Ban đêm con nít, phụ nữ khóc. Các bà già nhớ lại ngày xưa người Ba-na đánh người Gia-rai, người Gia-rai đánh người ‰-đê, chồng chết, con chết, con cọp trong rừng ra ăn xác người, nước suối đỏ máu, không uống được. Các bà không dám nói gì, sợ cái miệng đàn bà làm cho giàng của đàn ông nổi giận, chỉ ôm con gái khóc. Bok Pa đi khắp các nhà tìm:

- Thằng Tun đi đâu rồi? Ai lấy chông thuốc độc! Thằng Tun đi đâu mất, tìm không ra. Trong làng lửa cháy suốt đêm.

° ° °

Núp đứng giữa. Bốn xung quanh, năm chục thanh niên, mười ông già ở trần, cầm ná, đeo tên. Năm mươi lưỡi mác dài mọc lên lởm chởm, sáu mươi cái khiên màu đỏ chót. Trời nắng chang chang. Đêm hôm qua đang ở làng Đê-ta, nghe Tun chạy lên báo tin bok Pa dẫn đám thanh niên đi đánh Hà-ro, Núp đi suốt một đêm về tới đây. Một thứ mệt không biết vì sao, không biết từ đâu đến chẹn ngang ngực Núp. Tưởng không thở được, không nói ra tiếng nữa. Mồ hôi trên trán, trên ngực chảy xuống, ướt đẫm. Núp lừ đừ đưa mắt nhìn chung quanh. Mệt mỏi đè nặng trên hai mí mắt đến gần nhắm hẳn lại. Bok Pa đứng lên đầu. Bok quay lại nhìn tất cả lũ thanh niên, rồi ngẩng lên nhìn Núp, hỏi:

- Anh Núp, anh có đi đánh làng Hà-ro với người Kông-hoa không? Anh không đi, sáu mươi người này cũng đi. Sáu mươi cái chân này không biết sợ đâu, sáu mươi cái tay này phải biết bắn chết người Hà-ro bụng mới hết tức... Anh không đi à? Bây giờ không đi thì mai một, không bao giờ đánh thắng được Pháp đâu! Núp vẫn không nói gì cả. Trong đám người nổi dậy một loạt tiếng rào rào, Tun len qua đám đông tới đứng bên cạnh Núp. Bok Pa hỏi lại nữa:

- Anh có đi không?... Sáu mươi người này đi đây. Bok quay lại kêu lũ thanh niên:

- Lũ thanh niên đeo tên vào! Các ông già đi trước, lũ thanh niên đi sau. Bắt đầu đi! Tun kéo tay Núp, ngước lên nhìn Núp. Cặp mắt Núp mệt mỏi, từ từ sáng lên. Núp đưa một cánh tay lên nói lớn:

- Bok Pa, tôi cũng đi... Bỗng nhiên tất cả im lặng, Cái lưỡi cuốc đốt nó đỏ rực lên, ném xuống nước, sủi lên một ít bọt rồi tắt ngấm ngay. Lời nói của Núp bây giờ cũng như thế. Núp nói tiếp:

- Lũ làng đi đâu, tôi làm cán bộ tôi phải đi theo đó. Tôi phải đi theo với lũ làng... Bây giờ trước khi đi, lũ làng phải để tôi nói đã. Bok Pa:

- Anh nói đi. Núp đưa tay chỉ thẳng về phía trước. Sáu mươi người đều quay lại nhìn: phía trước, bên máng nước, phụ nữ, bà già, con nít đứng ôm nhau khóc. Núp hỏi:

- Tại sao lũ ấy khóc? Bok Pa nói:

- Lũ ấy à... Lũ ấy không đáng làm mẹ, làm vợ, làm con người Kông-hoa đâu, lũ ấy sợ đi đánh chết người Kông-hoa. Núp lắc đầu:

- Không phải lũ nó sợ đâu. Không đúng đâu. Sao lũ dân quân mấy bữa đi đánh Pháp, không ai khóc. Bok Pa không trả lời. Ai nấy im lặng. Núp nhìn quanh một lượt nữa. Anh thả tay Tun ra. Tất cả mệt nhọc, tất cả cồn cào trong người bây giờ tiêu tan hết. Núp đã khoẻ hẳn lại rồi. Núp biết rõ việc này không phải nói dễ. Chính Núp khi chỉ huy du kích đánh Pháp, thấy người Hà-ro theo Pháp vào cầm roi quất rụng hết lúa ở rẫy, Núp cũng đã giơ ná lên định bắn chết. Nhưng Núp đã nghĩ, đã hạ ná xuống. Anh Thế đã nói với Núp rồi: bắn trúng người Hà-ro, đó cũng không phải là bắn trúng giặc đâu. Núp đã cấm không cho dân quân được bắn chết người Hà-ro. Núp dẫn dân quân đi quanh ngõ khác tìm Pháp... Núp bắt đầu nói:

- Đánh Pháp, cha mẹ không khóc, vợ, con không khóc. Đúng, khóc gì. Pháp tới lấy đất nước mình, phải đánh nó đi. Mình có liều chết, cha mẹ vợ con mới sống được. Còn đánh người Hà-ro... Người Hà-ro đất nước nào? Cũng đất nước mình. Người Hà-ro cũng khổ như mình, cũng bị Pháp áp bức, bóc lột như mình, còn khổ hơn mình nữa. Khi tập trung làng ở Hà-ro năm kia, lũ làng thấy cả rồi đó. Sao mình đi đánh nó? Người Hà-ro cũng có người phải đánh chết. Người đó là cái người ác đi theo Pháp làm to, người đó giống như thằng Chu Rú ở Đê-ô. Người đó lũ làng Hà-ro cũng thù nó. Còn đánh tất cả người Hà-ro, người nghèo, người khổ, thì không đúng đâu... Núp gặp cặp mắt của Ghíp. Ghíp lẩn ra phía sau, đi xuống suối. Bok Pa vẫn đứng ở hàng đầu. Bok nói:

- Không đi đánh Hà-ro không khi nào thắng nổi Pháp. Làng này ở đâu, mấy người, Hà-ro đều biết rõ hết... Núp nói:

- Không phải đâu bok ạ. Càng đi đánh người Hà-ro thì càng không thắng được Pháp. Người Hà-ro càng theo Pháp, Pháp càng ngày càng đông, mình càng ngày càng ít. Khi nào không thù người Hà-ro nữa, biết thương, biết nói người Hà-ro nghe. Người Hà-ro cũng biết thương người Kông-hoa, khi đó nhất định Pháp chết. Bây giờ im lặng, không ai nói gì nữa, Núp kêu bà An:

- Mai An, con của mai đâu? Bà An bước tới, lau nước mắt, nói:

- Con tôi lấy vợ ở Hà-ro, bây giờ đi đánh Hà-ro... Rồi bà oà lên khóc... Lũ làng dần dần giải tán hết. Nhưng một đống lửa tàn. Núp biết nó còn âm ỉ, nó chưa tắt hẳn đâu. Lũ già làng về nhà, ngồi ôm hai đầu gối, gục đầu, không nói. Núp về nhà. Tun đi theo. Liêu dọn cơm. Núp bỏ đi, Liêu đứng nhìn theo, kêu:

- Anh Núp, miệng anh không biết ăn nữa à? Núp không trả lời. Anh đứng lại, nhìn Liêu hồi lâu:

- Bụng tôi chưa biết đói... Liêu ạ, năm nay làng mình cháy bốn trăm gùi lúa, chắc đói nữa. Người làng đói ít. Nhà mình tôi đi miết, một mình em ở nhà, mẹ già, con nhỏ, chắc đói nhiều... Liêu ít nói, mắt lúc nào cũng hơi buồn, chị nhìn chồng:

- Anh làm "đồng chí". Em vợ người "đồng chí", em coi tốp làm rẫy chung, em không để mẹ đói đâu. Mẹ đói, em mắc cỡ lắm... Bok Pa vẫn ngồi ôm hai đầu gối, gục đầu xuống. Núp tới ngồi một bên, Tun ngồi sau lưng. Núp nói:

- Anh Thế đã nói đấy, bok ạ, đánh Pháp còn khổ lâu, là vì còn có những người chưa giác ngộ. Khi nào ai cũng giác ngộ hết thì Pháp phải thua, khi đó mới hết khổ. Muốn cho nó giác ngộ, phải nói nó, nói lâu, nói nhiều. Đánh nó, nó không giác ngộ đâu. Bok Pa ngẩng đầu lên nhìn Núp, nhìn Tun. Bây giờ bok không nói gì được nữa. Mệt mỏi thấm vào trong xương, trong tủy. Bok cầm tay Tun:

- Anh Núp, tôi biết bụng tôi già mà nghĩ không đúng rồi. Anh người trẻ, biết nói đúng, nói tốt hơn tôi nhiều. Núp nói:

- Tôi nói đó là do Đảng bày cho đấy bok ạ. Lửa trong làng tắt dần. Tiếng rựa vót chông kì kà kì kèo vẫn còn nghe mãi. Làng Kông-hoa mới, chông nhiều gấp ba làng Kông-hoa cũ. Cả chông vót định đi đánh Hà-ro bây giờ cũng đem cắm rào làng. Núi Chư-lây thành một núi chông.

Hai tay anh Thế ôm chặt cổ Núp, đầu ngả lên vai Núp, mắt nhắm nghiền lại. Anh Thế mê man, không biết gì hết. Núp cõng anh Thế đi trong rừng. Gặp cái cây to chắn đường phải leo qua. Gặp con suối, phải lội qua, nước sâu tới bụng, phải lấy hết sức đưa hai tay đỡ anh Thế lên cao. Nước suối leo lên ngực Núp. Đi lên bờ, chị Liêu cõng con chạy theo sau, tháo cái chăn của con, trùm lên vai anh Thế. Tiếng súng nổ đùng đùng phía Ba-lang, hòn đá trong núi nổ lại ùng ùng. Chị Liêu hai con mắt ướt mèm:

- Anh Núp ơi, đi mau lên. Pháp đuổi tới rồi đó... Anh Thế không biết chạy nó bắt mất thì sao? Núp nạt:

- Cái miệng Liêu sao nói nhiều thế. Có tôi đi đây, không sợ gì cả. Pháp còn xa lắm. Pháp tới, tôi chết trước, anh Thế chết sau... Núp đi đến khi mặt trời đứng đầu mới tới nhà bí mật. Đặt anh Thế xuống rồi, chạy ra suối tìm nước rửa chân cho anh. Rửa xong, nói:

- Liêu ở đây, coi anh Thế, tôi đi tìm trái bắp non.

- Tìm ở đâu?

- ở rẫy ngoài làng.

- Pháp tới rẫy rồi mà.

- Chưa đâu. Phải đi tìm. Anh Thế không muốn ăn bắp già. Cái răng còn yếu lắm, phải lấy trái bắp non. Nói chưa hết câu, Núp đã đi khuất cây to ngoài suối rồi. Liêu ngồi một mình. Anh Thế đối với Liêu như người anh ruột. Ngày giáp mùa, nhà muốn đói, anh Thế dốc ruột nghé đổ gạo vào nồi của Liêu, nhường cơm của anh cho mẹ Núp, cho Liêu và Hờ Ru. Lần đầu được lũ phụ nữ bầu coi tốp làm rẫy chung, Liêu sợ quá chối mãi. Anh Thế phải nói bốn, năm lần Liêu mới nghe. Anh bày cho Liêu cách chia công việc cho phụ nữ thế nào, khi họp phụ nữ nói gì. Liêu có gì khó đều đi tìm anh Thế, nhờ chỉ giùm... Liêu nhớ khi nhỏ, anh ruột Liêu đau, Liêu cũng ngồi một bên như thế này. Nhưng Liêu không thương anh ruột bằng thương anh Thế bây giờ đâu. Anh ruột chỉ nói Liêu biết chuyện đi làm rẫy. Anh Thế còn nói cho Liêu biết đất nước mình tại sao mà khổ, người phụ nữ Ba-na khổ thế nào, người phụ nữ Kinh khổ thế nào. Anh Thế nói Liêu biết anh Núp đi làm việc đất nước, Liêu là vợ người đồng chí phải sao...

Liêu kéo chăn đắp cho anh Thế tới cổ. Anh Thế ốm nặng từ hai tháng nay. Anh đi công tác làng Ba-lang, bị trúng chông ở đầu gối. Khi đầu chỉ chảy máu, còn đi về tới rẫy Núp được. Sau lần lần sưng to lên, cái đầu gối bằng cây cột nhà. Không ăn cơm được, không ăn rau được. Không ăn trái bắp được. Bà mẹ bỏ đi rẫy, ngồi miết với anh Thế. Hai con mắt anh sâu xuống, cái má không có thịt nữa. Nửa đêm anh mê man, anh thét lên. Một bàn tay hoảng hốt nắm tay Thế. Thế mở mắt ra: bà mẹ Núp cúi xuống, nước mắt của mẹ nhỏ trên mặt Thế. Bà mẹ hỏi:

- Đau lắm phải không con, Thế? Thế lắc đầu:

- Không đâu, mẹ ạ... Rồi nhắm mắt. Từ bữa đó, Thế không tỉnh dậy nữa. Núp bỏ đi công tác làng Đê-ta, làng Kông-ma, đi vô núi tìm con ong lấy cái mật. Con ong đốt sưng tay, sưng mặt. Đem mật về, Thế cũng không ăn. Chỉ nuốt một ít nước bắp thật non, hột trắng và mềm như sữa. Núp cõng Thế ra nhà rẫy có bắp non, đặt ở đó để lấy bắp cho Thế ăn. ở được mươi bữa, bắp non hết, lại cõng đi tìm rẫy bắp non khác. Núp giao anh Thế cho mẹ và Liêu trông coi, anh cầm rựa đi lên gần tới đỉnh núi Chư-lây, tìm cái lá cây tốt, đem về rịt đầu gối cho anh Thế. ở nhà bà mẹ già cõng anh Thế đi ỉa, đi đái. Anh Thế vẫn không chịu lành. Con mắt không mở, cái miệng không nói. Bà mẹ Núp gọi:

- Thế ơi! Thế ơi! Bà nắm tay Thế oà lên khóc:

- Núp ơi, chắc anh Thế không sống nổi nữa rồi. Sao con không chịu cúng giàng cho anh Thế. Con không thương anh Thế sao, Núp! Không, Núp thương anh Thế vô cùng. Từ ngày có anh Thế, việc đánh Pháp khá lên bao nhiêu. Khi đi nói các lũ làng xung quanh, khi đốt làng chạy, khi can không cho bok Pa đi đánh Pháp... mỗi khó khăn đều có anh Thế giúp. Có anh Thế ngày nay Liêu mới khá như vậy... Anh Thế chết đi, công việc khó thêm biết chừng nào. Núp lo cho anh Thế đã hết mọi cách rồi. Nghe ai nói lá gì, con gì tốt cũng đi tìm, đi bắt về làm thuốc, xa mấy, khó mấy cũng không kể. Nhưng tới khi bok Sung nói phải cúng giàng, giàng mới tha thì Núp lắc đầu, nhất định không chịu. Anh Thế đã dặn Núp bốn, năm lần:

- Núp à, người đồng chí không có tin giàng. Người đồng chí biết khổ không phải tại giàng đâu, khổ là tại Pháp, tại người giàu thôi. Núp cũng tin như anh Thế. Đó là miệng Đảng nói. Núp bỏ cúng giàng. Bà mẹ thấy con không muốn cúng, cũng ít cúng. Nhưng bây giờ anh Thế thế này, mẹ lại nghĩ tới giàng:

- Thôi, phải rồi, giàng bắt anh Thế rồi. Phải cúng, phải cúng thôi, Núp ạ. Con không nghe. Bà mẹ khóc. Núp nhăn mặt:

- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, lửa nó cũng cháy trong bụng con rồi đây này. 119 120 Núp ôm hai đầu gối, gục đầu cắn môi, không muốn để mẹ thấy anh cũng khóc. Hết cách rồi, chịu để cho anh Thế chết hay sao? Hay là cứ cúng thử, may ra... Núp ngẩng đầu lên:

- Mẹ, mẹ đi bắt con gà. Tối nay con cúng giàng cho anh Thế. Cúng rồi, anh Thế vẫn không bớt. Mẹ bảo cúng nữa. Núp nhất định không chịu. Bây giờ Núp hối hận lắm... Mai mốt anh Thế biết nhất định phê bình. Sợ anh Thế chết quá, phải cúng bậy. Bây giờ, nhất định không cúng nữa. ... Cho tới một bữa, anh Thế mở mắt ra được. Bok Sung nói:

- Nhờ cúng giàng đó. Thế hỏi:

- Ai cúng?

- Núp cúng đấy. Núp chắc anh Thế phê bình rồi. Nhưng Thế chỉ cười, không nói gì cả. Lũ làng mang hột gà tới cho anh Thế để đầy một rổ ở đầu giường. Ban đêm, một thanh niên, một phụ nữ tới ở chung với anh, nói chuyện, hát cho anh Thế khỏi buồn. Liêu cũng hát:

Anh ở trung châu Không phải ở đây Anh là người Kinh Không phải người Thượng Lòng thương anh rộng Nên mới lên đây Chỉ để đánh Tây Cho mình vui sướng Anh tới xứ này Cái núi cũng khác Cái nhà cũng khác †n uống cực khổ Nhưng anh cũng cố Chung giúp đồng bào Nên phải làm theo Cái phép người Thượng Đến mai anh đi Đường có hai dốc Chị em tôi thương Không thấy hình anh Chỉ thấy dấu chân Đồng bào nhớ mong Đợi ngày anh về Để đón thăm anh...

Trong những ngày này, Thế tổ chức được một nhóm phụ nữ du kích. Chi Dụ, chị Mây làm chỉ huy. Núp và Thế lại bắt đầu bàn công tác. Núp lại đi liên miên, ít thấy ở làng nữa. Phải đi tổ chức gấp du kích năm làng, phát lựu đạn của huyện mới gởi cho. Có tin Pháp sắp đi lùng lớn.

Núi Tơ-ngo cách làng Kông-hoa một buổi đường. Sương buổi sáng không chịu tan, giống như một con gấu trắng rất lớn, cứ bò qua bò lại trên núi. Năm người du kích đứng ở dưới ngó lên, chỉ trỏ. Con mắt du kích thấy rất giỏi. Dưới bụng con gấu trắng, có nhiều người đi lại. Chúng nó vác cái bao gì, nặng lắm, chất đống lại, đứng thở, rồi đi vác nữa. Ghíp nói:

- Tôi bắn một thằng nhé! Anh du kích đứng bên cạnh thích lắm:

- Bắn đi! Bắn tên thuốc độc ấy. Nhưng một anh du kích già hơn, có râu hai bên mép, mũi to, nắm tay Ghíp lại:

- Không được, anh Núp dặn không được bắn mà. Coi cho kỹ thôi. Thấy nó đi, chạy về nói. Pháp tới hòn núi này từ bữa qua. Lần này nó đi đông, định ở lâu. Lính của nó mặc áo vàng, đeo súng. Du kích phải lấy hòn sỏi con xếp lại từng đống mà đếm, hơn năm trăm thằng. Nó định đi phá mùa lúa đang chín ở năm làng du kích này. Anh Thế đã về tỉnh hội nghị. Núp chỉ huy đánh. Đêm khi hôm, Núp gọi lũ chỉ huy du kích năm làng tới rừng Kông-hoa, bàn cách đánh Pháp lần này. Du kích Kông-hoa và Ta-lung đánh Pháp đi đường 19 vào, du kích Ba-lang đánh Pháp đi đường Đất-lung lên. Đê-ta, Kông-ma chuẩn bị đánh Pháp đồn Pơ-le-bông xuống. Đánh Pháp ở rẫy trước, đánh Pháp trong làng sau. Pháp đi nhiều quá, đánh không nổi thì bỏ cái làng, không cần, lo giữ cái rẫy trước đã. Lũ làng già yếu phải cho vô nhà bí mật, đi tới đâu cắm chông tới đó. Không được thả chết lũ làng. Lũ du kích cầm chiếc coong của nhau, đưa lên, bóp mạnh, miệng hứa:

- Pháp tới rẫy nào, rẫy đó có máu Pháp. ở Kông-hoa, Núp chỉ huy mười lăm du kích bố trí ở suối Thi-om, Tun chỉ huy mười lăm du kích bố trí ở suối Tơ-lan, Núp nói với du kích:

- Trong rừng Ba-na, cái gì cũng quí. Sợi mây làm nhà, ngọn rau ăn no bụng, cây to làm cột, cây nhỏ làm củi. Trước kia mình chưa có đông người, mình để cho Pháp lấy nhiều. Bây giờ đừng cho Pháp lấy một sợi mây. Lũ du kích có đồng ý không?

- Đồng ý!

- Ai đánh giỏi, không biết sợ Pháp, bắn chết Pháp nhiều, mai mốt Bok Hồ thưởng. Ai đánh xấu, sợ Pháp mai mốt phê bình. Du kích hỏi:

- Đánh Pháp ở đây Bok Hồ có biết không?

- ở đâu Bok Hồ cũng biết. Du kích nói:

- Không ai đánh xấu đâu, nhất định lần này rẫy làng có nhiều máu Pháp... Đêm hôm qua Núp cho du kích ngủ cho khoẻ tay, khoẻ chân, sáng mai đi đánh. Tảng sáng. Núp thức Ghíp và bốn du kích dậy, bảo đi ra núi Tơ-ngo coi Pháp. Núp dặn:

- Không được bắn. Phải có miệng tôi nói, tay Ghíp mới được bắn. Thế mà bây giờ Ghíp quên rồi... Một ngọn gió từ trên núi Chư-lây thổi xuống, đẩy hết sương đi. Nắng sơn vàng đỉnh núi Tơ-ngo. Con mắt Ghíp sáng lên nhấp nhánh:

- Ngó kìa, ngó kìa, thấy không? Pháp kéo xuống núi Tơ-ngo đông lắm, nhiều đường. Một đường về suối Ba-lang, một đường về suối Thi-om, một đường về suối Tơ-lam. Ghíp nói:

- Hai anh về nói anh Núp ngay đi!

- Anh cũng về.

- Tôi về sau. Tôi phải coi nữa đã. Ghíp núp sau một cây to. Thấy Pháp rất rõ ràng: thằng nào cũng có súng. Có ba súng to, một thằng vác súng moóc-chi-ê rất nặng. Ghíp muốn bắn quá. Nhưng sợ anh Núp, không dám. Nó tới gần, cách một trăm sải tay, Ghíp lùi dần. Vừa lùi vừa cắm chông, lùi tới đâu cắm chông tới đó. Núp giao cho Ghíp hai trăm chông thuốc độc, dặn kỹ: cắm chỗ nào phải nhớ rõ, sau Pháp về phải đi nhổ hết, không để đồng bào đạp. Tới chỗ đầu mối đường bí mật, Ghíp vụt chạy: bốn phía toàn là chông, bước lộn một bước là trúng chông ngay. Nhưng Ghíp đã quen, như con sóc nhảy trên cây. Ghíp chạy vùn vụt trong rừng, đầu tóc quăn thoáng qua thoáng lại trong lá cây như cái đuôi một con sóc, Ghíp gặp Núp gần khu hầm chông:

- Pháp tới đầu rồi?

- Nó tới cây kơ-đôn to đấy. Tới đầu cây kơ-đôn là bắt đầu rừng chông của Kông-hoa.

- Nó sắp chảy máu rồi đấy. Ghíp đi mau về suối Thi-om, có năm du kích ở đó, nói nó chuẩn bị "chông trên trời", tôi ở đây coi "chông dưới đất" với năm du kích. "Chông trên trời" là những cây lồ ô dài, vót nhọn, cột lủng lẳng trên cây cao, khắp hàng nửa cây số trong rừng. "Chông dưới đất" tức là hầm chông. Núp còn lựa những cây to, chặt gần đứt gốc, rồi cắm thật nhiều chông vào thân cây. Khi nào Pháp tới, giật dây, cây gãy, ngã xuống, chông trúng vào Pháp ngay...

Ghíp đi được một chặp thì Pháp tới. Nó không nói gì. Núp thấy rất rõ. Một thằng đi đầu lấy súng thổ thổ mặt đất. à mày thổ thử có hầm chông không đấy à? Chưa có đâu, Pháp ạ, tao cho mày cái tên này trước, mày sụp hầm chông sau nhé. Núp ngắm đúng giữa ngực nó, bắn một phát. Trúng rồi! Hóp, du kích đi theo, bắn tiếp một phát nữa. Trúng nữa, Pháp chạy tản ra. Đất dưới chân nó tự nhiên lõm xuống: sụp hầm chông rồi! Núp kêu:

- Cà tầu!

Sáu người chạy thoăn thoắt, nhớ kỹ con đường bí mật. Pháp bắn loạn xạ trong núi. Cái núi cao nó cũng nổ lại. Pháp sợ lắm, dừng lại nghe. Rồi nó bắn nữa:

"Văn xê! Văn xê!" nó đuổi theo. Núp tới nước suối Thi-om rồi.

- Ghíp ơi, có chông trên trời chưa?

- Có hết rồi!

- Du kích chuẩn bị nhé, nó tới đấy! Nó tới rồi. Moóc-chi-ê nổ toé nước suối Thi-om. Hóp nắm tay Núp:

- Có chết không, anh Núp!

- Không chết đâu. Pháp chết. Đất nước mình không chết... Nó tới đấy. Thấy không? Cái mặt nó sợ lắm, thấy chưa? Tôi bắn trước nhé. Hóp bắn theo nữa. Núp bắn một phát. Trúng một thằng. Hóp bắn, Ghíp, Tun, Gia đều bắn một loạt.

- Giật chông trên trời đi! Những cây lồ ô dài, nhọn từ trên trời một loạt lao xuống, cắm trước mặt, cắm sau lưng, cắm trên đầu, trên lưng Pháp! Pháp bắn súng lên trời. Nó càng rớt xuống nữa. Ghíp dẫn mười du kích chạy hết ra rẫy. Núp ở lại, ngồi sau hòn đá suối. Pháp dừng lại, nó lấy vải trắng quấn đầu thằng bị thương. Nó kêu tiếng Pháp, nhiều lắm, Núp nghe không hiểu, đoán chắc là nó kêu đau.

- Đau gì! Sao mày giết người Ba-na không kêu đau... Nó chia ra làm ba. Một số đi thẳng vô làng, một số đi ra rẫy suối Thi-om, một số đi ra rẫy suối Kơ-ko.

Núp muốn chạy về làng trước. Làng không còn gì nữa, con heo, con gà, con trâu, hột lúa, đem vô chỗ bí mật hết rồi. Nhưng Núp không muốn cho nó đốt làng. Từ ngày đánh Pháp đến nay, Núp đã dẫn làng Kông-hoa chạy chín lần, chín lần làm nhà mới, chín lần làng bị cháy. Lần này nó đốt nữa? Không được, không cho nó đốt nữa! Núp chạy thẳng về làng. Nhưng, tới nửa đường, dừng lại. Giữ làng, bỏ rẫy à? Không được, phải giữ rẫy trước. Anh Thế, huyện đã dặn Núp như vậy. Khi Pháp tới đông, cần giữ cái rẫy trước. Còn lúa, ăn no làm mấy cái làng cũng được. Pháp cố phá rẫy, không giữ được rẫy thì thua nó. Núp quay lại, vụt chạy ra rẫy, gặp Ghíp. Cho Ghíp dẫn tám du kích tới suối Kơ-ko đánh Pháp ở đó. Núp chỉ huy bảy du kích đánh ở suối Thi-om. Lúc đó, nghe súng nổ phía suối Tơ-lam, tất cả đứng im. Hình ảnh Tun, khoẻ mạnh, cằm vuông, cầm lựu đạn hiện lên trong đầu Núp:

- Tun đánh rồi! Núp nói:

- Thôi Ghíp đi mau. Tun đánh rồi, Pháp nhất định chết nhiều. Lựu đạn Tun nổ đấy. Ghíp cũng phải đánh Pháp chết nhiều như Tun...

Một lát sau, nghe súng nổ ở suối Kơ-ko. Rồi súng nổ ở suối Thi-om. Núp bắn chết hai Pháp nữa. Nó cũng cứ vào rẫy. Mỗi đứa cầm một cây roi dài, quất bừa lên lúa. Cây lúa gãy gục xuống. Hột lúa bắn tung toé lên. Núp đã nhắm kỹ rồi. "Pựt!" Trúng rồi. Chạy à? Núp bắn liên tiếp hai phát nữa. Hóp nhảy lên trước, bắn theo. Pháp chạy ra bờ rào, định đặt súng, sụp thêm ba hầm chông. Chín thằng phải khiêng ba thằng, khiêng cả bàn chông... Trời nắng gắt. Pháp rút hết về núi Tơ-ngo rồi. Núp nằm ngửa, gối đầu lên một gốc cây, nhắm mắt. Con chim gì màu đỏ rất đẹp đậu ở đầu cành cây gắm, kêu líu la líu lo. Làng Kông-hoa không cháy. Pháp tới đầu làng, sập hai hầm chông, sợ có du kích, chỉ bắn bừa rồi rút lui. Núp ngủ quên đi lúc nào không biết. Một chấm nắng tròn trên mắt, Núp ngủ nụ cười còn nguyên trên miệng. Có ai nắm tay Núp, lay mạnh. Mở mắt, thấy chị Mây.

- Anh Núp, dậy ăn cơm chớ, ngủ không no được đâu! Núp ngồi dậy:

- ạ, lũ phụ nữ, khi mai đi đâu nấu cơm được! Không sợ súng à... giỏi quá. Bok Hồ khen lũ phụ nữ trước đấy. Chị Mây dọn cơm cho Núp và Ghíp ăn. Ghíp bưng chén cơm, đi ra một góc rẫy. Núp biết rồi, anh kêu:

- Ghíp, đi đâu đó? Mọi người cười ồ. Hai má chị Mây đỏ lên. Núp vui trong bụng quá. Anh biết Mây rất thương Ghíp. Thương Ghíp bây giờ biết làm rẫy giỏi, đánh Pháp không sợ chết, miệng biết nói tốt không sai nữa rồi. Nhờ có Đảng, có Bok Hồ, người như Ghíp cũng đứng lên được rồi. Đất nước Ba-na mỗi ngày thêm tốt. Buổi chiều nghe súng nổ phía Ba-lang. Ghíp muốn đi Ba-lang, giúp lũ du kích ở đó đánh nữa, nhưng Núp không cho.

- Ba-lang có Xá chỉ huy rồi. Ghíp còn phải chuẩn bị nữa. Pháp còn đi nữa đấy. Trời tối. ạng trăng nhỏ trên trời. Du kích về họp trong làng. Đuốc đốt lên soi mặt từng người. Lũ chỉ huy Ba-lang, Đê-la, Tu-lung, Kông-ma cũng tới đủ. Ngày nay Pháp chết ở Ba-lang bốn đứa, ở Kông-hoa mười sáu đứa. Không lấy được hột lúa nào. Núp đứng ra nói:

- Mai mốt anh Thế lên tôi nói anh Thế biết về nói lại huyện, huyện nói lại Bok Hồ có Xá, có Tun, có Ghíp bắn chết Pháp nhiều. Giữ được rẫy, bụng không biết sợ... Bây giờ, chưa nghỉ được. Pháp còn, phải đi đánh nữa.

- Đánh ban đêm à?

- Đánh ban đêm. Đêm nay, phải ngủ ở núi Tơ-ngo. Ngày mai nó đi lấy lúa nữa. Người du kích có muốn cho con mắt thằng Pháp ngủ ngon không?

- Không!

- Có muốn cho cái chân nó ngày mai đi lùng rẫy nữa không?

- Không!

- Bây giờ làm thế này: mỗi làng cho mười lăm du kích mang chông thuốc độc lên cắm quanh núi Tơ-ngo. Cắm hết chông, ném lựu đạn, rồi đi về. Núp chỉ huy đi, tất cả bảy mươi người. Núi Tơ-ngo đêm đó thành một núi chông thuốc độc. Nửa đêm, Pháp nghe tiếng lựu đạn nổ bên trại, thấy tên bắn vào tứ phía găm trên lều vải. Nó dậy bắn lung tung. Hòn đạn cháy trên trời đỏ lòm. Ghíp nằm dài cười mãi:

- ạ, Pháp ơi, anh Núp bày du kích làm cho con mắt mày ngày mai buồn ngủ rồi!

Ngày sau, ngày sau nữa, bốn ngày tiếp Pháp không xuống núi Tơ-ngo được. Núp cho du kích các làng tới ngồi dưới chân núi, Pháp ra đứa nào bắn chết đứa nấy. Đi ra thêm, trúng chông thuốc độc, chết ngay, Pháp phải ở miết sau cái bao to, bắn moóc-chi-ê ra, không ăn thua gì. Núp đi coi hết các làng. Làng nào chưa nhiều chông, phải làm thêm. Ban ngày du kích chia nhau đi giữ hết các rẫy, các nhà bí mật. Lũ người già yếu rút lui vô rừng thì vót thêm chông, cho người mang ra cho du kích. Rẫy lúa nào đã chín thì du kích gác cho lũ làng ra gặt gấp. Tối du kích lại đi cắm chông núi Tơ-ngo nữa... Buổi trưa, ai cũng ngủ. Chỉ còn người gác trên chòi cao. Núp đi tìm một cái gùi, ra ngồi, giữ rẫy, lượm những hột lúa bị Pháp lấy cây đánh rụng hôm trước. Lúa đó là của chị Du. Ghíp đang ngủ, thức giấc thấy Núp lượm lúa, cũng đi tìm một cái gùi, lặng lẽ ra ngồi lượm bên Núp... Ngày thứ năm du kích gác trên núi Chư-lây thấy Pháp cất bớt cái bao to. Núp cho đi nói tất cả du kích:

- Pháp sắp đi về rồi. Lũ thanh niên phải làm thêm chông nữa, lũ phụ nữ nấu cơm ăn hai ngày, du kích đuổi theo đánh Pháp, đánh tới đồn.

Sáng ngày thứ sáu, Núp dẫn mười lăm du kích ra núi Tơ-ngo. Thấy Pháp mang súng về thật. Núp giao cho Ghíp chỉ huy năm người đuổi theo sau lưng Pháp, còn Núp dẫn mười người, đi quanh trong núi đón đầu đánh. Pháp mới xuống chân núi, Ghíp đánh ngay, Pháp bắn lại nhiều lắm, dừng lại, lấy vải quấn thằng chết mang đi. Ghíp đuổi theo bắn nữa. Pháp chạy. Ra tới bờ suối nước Kơ-lô, Ghíp treo bẫy đá. Pháp đang đi, nó nghe cái cây nói chuyện. Nó chắc chỗ này hết du kích rồi, con đường không thấy chông nữa. Tự nhiên, nó nghe hòn núi trên đầu nó nổ. Ngó lên. Giàng ơi! Đá chạy xuống, đá chạy xuống! Nó vụt chạy. Đá đuổi theo. Nó chạy chừng nào, đá đuổi chừng nấy. Đá cứ chạy theo đường mòn, nhảy tưng tưng như con cọp. Pháp sợ quá. Nó la um sùm. Nó chạy vô núi. Nó vấp một cái dây. Cái dây đứt "phựt", bốn cái lao dài, nhọn, sáng phóng ra; trúng thằng Pháp ở giữa ngực. Nó trúng mang cung rồi! Nó hoảng quá không dám vô bụi nữa, phải chạy ra đường. Đá đuổi kịp rồi. Đá nhảy tới trên lưng nó. Một thằng Pháp té giúi mũi xuống, đá đấm vào lưng nó. Nó chảy máu ra ở miệng, ở mũi... Ghíp đánh bẫy đá rồi bỏ chạy trong rừng. Pháp chôn thằng chết xong, ngồi ăn cơm. Ghíp leo lên cây coi. Nó ăn cái gì, không phải cơm:

- †n cái thứ đó, hèn gì cái bụng nó xấu. Pháp ăn lâu lắm. Ghíp chờ miết, nóng ruột:

- †n sao lâu thế, không đi về cho rồi. Anh Núp chờ mày trước kia kìa. Một thằng Pháp đứng lên, ngó bốn phía. Bỗng nó thấy Ghíp, Nó chụp cái súng, nói "xí lô xí la", chỉ lên cây. Ghíp chửi to:

- Cha thằng Pháp, đất nước tao, mày chỉ gì? Pháp đưa cái súng lên. Ghíp nhảy ào xuống, kéo năm du kích chạy. Pháp đuổi theo, sụp hai hầm chông nữa. Thôi, nó mệt rồi, nó không đuổi nữa. Nó phải đi về. Trên đường nó đi về, anh Núp cắm chông không còn chừa một chỗ. Thằng Pháp đi đầu thấy bốn cái chông to giữa đường. Nó bắn lung tung rồi chạy lại, định nhổ. Tự nhiên, cái cây to bên đường ngã nhào xuống, đè lên lưng nó. Cái cây toàn chông đen, đâm vào ngực nó năm, sáu mũi. Nó chảy nước miệng, mặt nó tím lại như một con khỉ, hai tay co quắp: nó trúng chông thuốc độc. Nó hết biết thở. Anh Núp đứng trong bụi thấy rõ hết. Đợi cho cả bọn xúm lại kéo thằng chết, anh ném một quả lựu đạn nữa. Du kích bắn ào vào luôn mười phát tên. Rồi bỏ chạy, đi xa nữa, cắm chông nữa, đón đầu, đánh nữa. Trời tối, mưa lớn. Pháp ngủ lại trong rừng. Du kích leo lên cây nằm. Sáng hôm sau lại xuống đánh. Suốt ngày đánh tám lần. Tối đến Pháp mới tới gần đồn. Nó ùa nhau chạy vào đồn. Bỗng nó la lên, dừng cả lại: ngay sát đồn nó, du kích cũng cắm chông từ khi nào. Lại thêm sáu thằng bị chông thuốc độc, tím mặt, chết ngay. Pháp vào trong đồn rồi. Pháp chôn thằng chết, cho thuốc thằng bị thương, rồi bắn moóc-chi-ê ra núi. Nhưng không thấy du kích đâu cả. Chỉ có ông trời mưa và chớp sáng loè, nổ rầm rầm, đánh lại Pháp!

Đồng chí Cận, bí thư huyện An-khê hỏi Núp:

- Huyện định thưởng làng Kông -hoa, bây giờ đồng chí Núp muốn thưởng cái gì? Núp ngồi, suy nghĩ mãi. Anh nói cái gì bây giờ. Cái gì Kông-hoa cũng thiếu. Anh nghĩ tới lũ làng ở nhà. Cái muối, cái vải, cây kim... cái súng. Nếu anh mang về cho Tun một cái súng, Tun sẽ sướng biết mấy. Nhưng súng chắc huyện không cho đâu. Súng quí lắm, làng Kông-hoa còn phải đánh giặc nhiều nữa, giết được nhiều Pháp nữa, mới đáng được thưởng cái súng... Đồng chí bí thư nhắc lại:

- Đồng chí muốn thưởng gì, đây là phần thưởng của Bok Hồ gởi cho làng Kông-hoa đây. Núp nói:

- Tôi muốn thưởng cho lũ làng Kông-hoa... một gùi muối, một ít cái rìu rựa... Đồng chí bí thư cười:

- Thế thôi à? Núp cũng cười, không biết nói sao nữa. Anh ở lại huyện một đêm. Sáng hôm sau, đồng chí Cận đem gởi cho Núp một gùi muối đầy, sáu cái rìu rựa, hai cây súng dài, một ảnh Bok Hồ, một lá cờ và một trăm cây kim... Núp mừng quá, đứng nhìn đồng chí Cận mãi, hai con mắt cứ nhoè dần, rồi nước mắt chảy xuống má ròng ròng. Núp nói:

- Người Kông-hoa cảm ơn Đảng, cảm ơn Bok Hồ.. Hôm nay, ảnh Bok Hồ treo giữa nhà rông, dưới lá cờ. Mỗi buổi sáng, trước khi lên chòi gác, trước khi đi ra rẫy, lũ làng tập trung ở nhà rông chào Bok Hồ.

- Con người ở xa, cái hình ở đây. Bao giờ độc lập, làm con đường to từ An-khê lên đây, tất cả lũ làng đi làm hết, mấy ngày cũng được, rồi thúc chiêng đón cái xe Bok Hồ tới thăm Kông-hoa. Núp mang một cây súng, đứng ra giữa nhà rông, ngó lên ảnh Bok Hồ nói:

- Chúc Bok Hồ sống lâu như cái cây to nhất trong rừng già, tỏa bóng cho tất cả con cháu. Mọi người đều theo Núp, tới giữa nhà rông, lấy một hạt muối, nói một câu chúc Bok Hồ, rồi ăn muối. Hột muối của Bok Hồ gởi cho những người con Kông-hoa đánh giặc giỏi ở giữa rừng núi Tây Nguyên, thấm vào bụng, vào lòng, chạy vào trong máu, trong thịt.

° ° °

ạng trăng mang một cái quầng tròn màu xanh, màu tím, màu gì nữa úa như lá cỏ khô, như da mặt con người đau. Con chim chèo bẻo kêu, lạnh lẽo. Nửa đêm rồi, hai con mắt muốn ngủ quá. Nhưng hai vai ê ẩm, lâu lâu lại đau nhói lên, đau quá, đầu phải tỉnh lại, mắt phải sáng ra. Núp đeo hai vai hai ống nước dài, leo theo đường dốc từ dưới suối Thi-om lên rẫy. Bóng hai người đi theo sau, hai vai cùng mang hai ống nước, lặng lẽ, như không biết nói: Liêu và mẹ Núp. ở phía dưới kia, chỗ gần hòn đá giống cái đầu một con nai, một bóng người cũng chậm rãi, mệt nhọc, leo từ suối lên dốc, lên rẫy: đó là anh Thế. Công việc làm đêm như thế này kéo dài đã hơn một ông trăng nay rồi. Năm nay không biết vì sao trời nắng ghê quá. Một khu rừng suốt từ Kông-hoa ra tới đường mười chín trụi hết cả lá, đi trong rừng cũng nóng rực như đi giữa bãi tranh. Suối Tơ-lam, suối Kơ-lô khô hết. Đá dưới lòng suối quanh năm ở dưới nước, bây giờ nằm trơ ra, cháy hết cả rêu, lỡ bước lên một bước là phồng chân ngay. Chỉ có con suối Thi-om nước còn chảy róc rách. Rẫy trong làng khô cháy hơn một nửa. Còn một nửa, ông trăng có quầng này, nắng không biết khi nào mới thôi, chắc cũng cháy luôn hết. Núp lo hết sức. Cháy rẫy, bụng đói thì không còn tay chân mà đánh giặc nữa. Anh đi hết làng này qua làng khác, hỏi lũ già làng có cách gì cứu lúa. Già làng đều lắc đầu:

- Xưa nay chưa có ông trời nắng thế này...

Núp hỏi anh Thế. Anh Thế cũng không biết làm sao. Chỉ còn một cách làm theo như người Kinh, đi múc nước mà tưới lúa, tưới bắp. Nhưng người Ba-na từ đời ông bà đến nay không tưới lúa khi nào. Bây giờ tưới có được không, đất này có chịu ăn nước suối không? Người già sợ, không biết giàng có cho không. Núp phải làm thử trước một rẫy, thấy khá. Bây giờ suốt đêm cả làng mang mỗi người hai ống tre dài, mò xuống suối Thi-om múc từng hột nước tưới những đám rẫy rộng hàng trăm sải tay, dài hàng trăm sải tay. Đất khát nước lắm, ống nước thì nhỏ, đổ xuống chưa kịp cầm ống lên, đất đã nuốt hết nước rồi. Kiên nhẫn tưới đêm này qua đêm khác, thức trắng cả con mắt. Ban ngày không tưới được, sợ đất nóng quá, chết lúa chết bắp. Núp nói lũ làng phải tưới theo tốp làm rẫy chung:

"Đánh cái nắng cũng phải biết đoàn kết như đánh thằng Pháp thì mới thắng được". Núp còn đi nói Ba-lang, Đê-ta, Tu-lung, Kông-ma cũng đi tưới, cứu lúa... Núp đổ xong hai ống nước, mệt quá, ngồi phịch xuống một gốc cây. Trong đầu nhảy lộn, màu xanh, màu đỏ, rồi đen hết, mờ hết. Núp biết ngồi một chút nữa là ngủ ngay. Cố duỗi cái chân ra, duỗi mãi không nổi. Núp giật mạnh cánh tay, choàng tỉnh dậy. Mồ hôi ướt hết cả trán, cả hai màng tang. Tay cầm hai ống, lấy hết sức đứng dậy. Và tự nhiên nhớ lại câu chuyện anh Thế hỏi Núp từ buổi sáng. Anh Thế về huyện họp, trở lên nói với Núp:

- Bộ đội sắp lên... Núp không nghe được gì nữa. Giàng ơi, bốn năm rồi. Bây giờ bộ đội lại lên. Đợi biết bao nhiêu. Những anh bộ đội ông Dũng, những anh bộ đội đi đánh đồn Dak-pơ, Mang-giang, Pơ-le-bông... Khi nào các anh bộ đội lên? ... Mai phải không?... Mốt phải không?... Lên bao nhiêu? Đông không? Nhiều không? Anh Thế nói:

- Bộ đội này khác bộ đội ông Dũng năm 47, 48. Bộ đội này tên là bộ đội địa phương. ít người hơn, cái súng cũng nhỏ hơn. Đi lên đây, không phải đánh Pháp một mình. Đi lên đây là để bày du kích đánh Pháp chung với du kích... Nhưng bộ đội chưa lên được ngay bây giờ. Phải chuẩn bị nhiều đã; mà ở xã còn thiếu cán bộ. Chỉ mới năm làng ở đây là khá, còn các làng chung quanh chưa có ai đi nói. ủy ban xã cần có một cán bộ người Ba-na nữa... Thế dừng lại, suy nghĩ một tí, rồi nhìn thẳng Núp, nói tiếp:

- Huyện định cử anh Núp làm cán bộ xã. Anh Núp thấy có được không? Thế biết tất cả lo lắng của Núp: Kông-hoa, Ba-lang, Đê-ta, Ta-lung, Kông-ma sắp đói bây giờ. Núp đi, ai coi? Đói thì nhất định năm nay thua Pháp. Không khéo mất cả Ba-lang, Đê-ta, Kông-ma. Nhưng không đi, xã đang cần cán bộ người Ba-na làm sao? Ai đi chuẩn bị cho bộ đội lên?... Anh Thế để một tay lên đầu gối Núp, hơi cười, nói:

- Anh Núp ạ, huyện cũng biết rõ hết tình hình Kông-hoa, Ba-lang, Ta-lung... rồi. Nhưng huyện thấy bây giờ anh đi cũng được. Lũ cán bộ trong làng bây giờ đã khá hơn, làm thay anh được rồi. Núp chưa trả lời anh Thế ngay được. Vẫn còn lo. Đến gần sáng, mới tưới rẫy xong. Núp và Thế tới ngồi dưới một gốc cây. Núp đã nghĩ rồi. Anh nói:

- Bây giờ huyện kêu tôi lên xã, tôi phải đi. Bao giờ đi, anh Thế?

- Tuỳ anh, mai hay mốt cũng được. Núp ngồi im một lát, rồi quay lại:

- Nhưng, tôi nói cái này, anh về hỏi giùm huyện có được không. Cái này tôi định nói lâu rồi, nhưng bây giờ tôi mới nghĩ kỹ, miệng tôi mới nói đây. Tôi nói huyện cho bốn người Kông-hoa: bok Pa, Tun, Ghíp, Xíp làm người Đảng. Làng Kông-hoa có người Đảng thì tôi đi cũng được. Lũ làng đó cũng đi nói các làng quanh núi Chư-lây được nữa đấy... Núp dừng lại một tí, rồi nói tiếp:

- Anh Thế ạ, tôi nói lũ đó làm người Đảng được là thế này: bốn người đều biết làm rẫy giỏi, đánh giặc giỏi, đoàn kết giỏi... Ngày hôm sau Thế về huyện. Một tuần trở lên: huyện đồng ý kết nạp bốn người Kông-hoa và chỉ định Núp làm tổ trưởng Đảng. Mười ngày sau, Núp lên làm uỷ ban xã. Phải đi công tác xa, xuống tới Đê-mô, Nga-gió. Cứ tới trăng sáng, Núp lại về họp đồng chí. Lũ làng cũng tới nghe và nói chỗ nào đồng chí đã tốt, chỗ nào đồng chí còn sai cho biết, mai mốt không làm sai nữa. Bốn đồng chí đều khá: Tun làm chỉ huy du kích, Ghíp làm phó, bok Pa coi việc làm rẫy, Xíp coi việc làm nhà bí mật, lo cho lũ làng già yếu chạy Pháp... Núp đi công tác đâu xa, hai đêm, ba đêm cũng cố về Kông-hoa một lần, đi tưới rẫy với lũ làng. Đến khi sao rua gần lặn mới mang ống tre ra về. Trong rừng khua nghe vang lên tiếng hát của Ghíp, Xíp, Tun, bok Pa cao và chắc chắn...

... Đi lên nào anh em Ta hơn nghìn con chim Chim đrao và chim ling Khắp nơi đồng chí mình...

Chim đrao là con chim to nhất, khoẻ nhất của núi rừng Tây Nguyên, người Ba-na thường tự ví mình như chim đrao. Tiếng hát của những người đồng chí vang trong rừng, làm cho ngực Núp nóng ran lên, tay chân quên cả mệt mỏi. Đất nước Ba-na tốt đẹp, Núp cũng là một con chim đrao. Quanh anh bây giờ càng có nhiều con chim đrao, thành một đàn chim, mỗi ngày một đông. Anh đi làm cán bộ xã, không còn lo nữa.

Tưới rẫy khổ như vậy, tháng mười làng Kông-hoa vẫn đói. Bộ đội địa phương lên đúng vào tháng mười. Bộ đội ăn rau, nhường nửa gạo cho đồng bào, đi phát rẫy thêm cho đồng bào. Cứ hai ba ngày phát rẫy, hai ba ngày dẫn du kích ra đường mười chín, nổ súng, bắn chết Pháp. Huyện gởi cho Kông-hoa, Ba-lang, Kông-ma một trăm gùi gạo của Bok Hồ... Rồi có lệnh: đi khiêng đạn cho bộ đội lớn đánh Pháp. Xôn xao trong làng, giành nhau đi. Núp ở xã về. Anh bảo Tun phải ở nhà chỉ huy du kích. Ghíp dẫn hai mươi thanh niên, tám phụ nữ đi. Xuống quá sông Ba, lũ người của Ghíp đi trong rừng, gặp bộ đội. Không dám đốt lửa lên coi mặt. Chỉ đứng sững trong bóng tối, thấy bộ đội đi qua trước mặt. Cái súng lớn lướt ngang qua, vụt một cái, cái đạn dài như con heo, đen ngòm. Ghíp líu lưỡi, chỉ nói được một câu:

- Anh bộ đội ơi, anh bộ đội mạnh khoẻ nhé. Đánh giết nhiều Pháp cho người Ba-na làm rẫy tốt nhé... Lũ Ghíp đi khiêng đạn hơn một tháng vẫn chưa thấy về. Làng mong mỏi con mắt... Một buổi sáng, bỗng có máy bay Pháp đi thả bom lung tung trong rừng. Nhưng khói bom tan rồi, chỉ có hòn đá bể, còn thì đủ thứ hoa rừng cứ nở. Tiếng bom im. Lỗ tai nghe có tiếng súng khác. Biết không phải súng Pháp. Súng này ít hơn, chắc chắn hơn. Tiếng súng dội vào trong núi đá, cả làng không ai làm việc được, tụm năm, túm ba bàn tán... Đêm đó, Núp dẫn hai trăm dân công lên lấy đạn của bộ đội cất trên núi Kông-chang. Nửa đêm tất cả ra sườn núi, ngó về phía Kinh. Trong đêm mờ mịt, lạnh và rất im lặng, bỗng chớp lên một cái. Rồi nhiều tiếng nổ dữ dội, rung chuyển cả núi rừng. Lũ người dân công nắm lấy tay Núp, hỏi rối rít:

- Bộ đội đánh đồn nào, anh Núp?

- Đánh đồn nào, anh Núp? Huyện đã cho Núp biết từ sáng nay. Núp giữ mãi, không nói ra được. Bây giờ... hai cái pháo sáng, một xanh, một đỏ bay vụt lên trời. Hai cái pháo sáng nữa. Hai cái pháo sáng nữa. Núp nói:

- Lũ dân công ơi, bộ đội lấy ba cái đồn Tú-thuỷ, Cửu-an, Eo-gió rồi đấy. Chỗ có lửa cháy sáng đó... Dân công ào ào mang đạn đi xuống núi. Mấy ngày sau nữa, liên tiếp nghe tin bộ đội lấy đồn Đầu-đèo, Thượng-an, đánh chết Pháp một tiểu đoàn trên đường Hoàng Hoa Thám, đánh xe Pháp trên đường mười chín. Cái súng to nhất ở Thượng-an, bộ đội cũng lấy về rồi... Núp lo việc dân công, việc đi nói các làng có lĩnh súng Pháp nên nộp cho bộ đội, việc cho du kích dẫn đường bộ đội, ngày không ngủ, đêm không ngủ, râu mọc dài, cái cằm nhọn, con mắt sâu xuống. Một bữa, huyện kêu Núp và Thế lên nói chuyện với đồng chí Cận. Đồng chí Cận nói cho biết làng Hà-ro bây giờ muốn chạy làng, chống Pháp. Cán bộ đã vô trong đó, nói chuyện nhiều lần rồi. Nhưng còn khó: Kông-hoa, Ba-lang, Đê-ta, Kông-ma, Ta-lung mới bị đói, chưa khá được mấy. Bộ đội còn đi đánh nữa, gạo dưới Kinh chưa gởi lên được, làng Hà-ro đông đến bốn trăm người, chạy làng lấy gì mà ăn, ai nuôi? Nhưng không chạy làng, sau này khó chạy nữa. Pháp sẽ giữ kỹ hơn. Đồng chí Cận hỏi Núp có cách gì không? Núp nghĩ một đêm. Sáng sớm hôm sau, anh nói với đồng chí Cận:

- Làng Kông-hoa, làng Ba-lang nuôi lũ Hà-ro được một mùa. Rồi lũ nó làm rẫy ăn mùa sau... Cũng khó lắm nhưng Kông-hoa bây giờ có nhiều đồng chí rồi, làm được...

Cận nhìn Núp. Cặp mắt đỏ của Núp nhìn thẳng. Trên má, trên trán, những làn nhăn chín chắn. Cận làm bí thư huyện An-khê đã ba năm nay. Đã nhiều lần, Cận nghe cán bộ báo cáo tỉ mỉ về Núp. Tự trong thâm tâm, anh hết sức mến và kính trọng đồng chí cán bộ thượng du ưu tú đó. Đêm đó, Cận bàn với Núp đến khuya. Sáng hôm sau, Núp ra về. Núp thấy nắng màu vàng màu xanh trên lá cây... Tổ Đảng họp suốt đêm. Càng khuya càng gay. Bốn đồng chí đều đồng ý phải cứu Hà-ro chạy. Lúc đầu Ghíp không chịu, nhưng sau bàn đến khuya, Ghíp cũng thấy đúng. Nhưng còn một chuyện bàn mãi không ra: mùa tới Kông-hoa đang lo đói nữa. Nhất là Hà-ro bao nhiêu? ... Đến bốn trăm người, suốt một mùa, làm sao nuôi nổi? Ba-lang, Kông-ma rẫy gần suối lớn, khá hơn một chút. Nhưng nó có chịu nhịn bớt nuôi Hà-ro không?... Nuôi Hà-ro phải trông vào Kông-hoa là chính, Kông-hoa có cho thì các làng khác mới chịu cho. Kông-hoa phải tính sao?... Câu nói của Núp văng vẳng mãi trong nhà:

- Đoàn kết được thì mình càng ngày càng nhiều. Pháp càng ngày càng ít. Không đoàn kết được thì Pháp càng ngày càng nhiều, mình càng ngày càng ít. Đánh nhau, ai nhiều người, bên đó hơn... Đến khuya, Tun cầm một cái que, bẻ làm đôi làm tư, ném tất cả vào lửa, nói:

- Chỉ còn một cách: Kông-hoa phải làm rẫy gấp đôi, mỗi nhà trước kia làm một rẫy bây giờ làm hai rẫy. Bàn đi, bàn lại, không còn cách nào khác nữa. Đến tảng sáng, bốn đồng chí đồng ý. Ghíp dập tắt lửa, nói thêm:

- Lũ làng mỗi người làm hai rẫy. Người đồng chí phải làm được ba rẫy. Bok Pa nhìn con, hai cha con đều là đồng chí. Trong những buổi họp Đảng, Tun vẫn gọi bok bằng cha. Nhưng bok Pa thì lại gọi Tun là đồng chí. Bok nói:

- Nhà tôi chỉ có hai người. Tôi cũng làm ba rẫy, đồng chí Tun làm ba rẫy. Xíp nói:

- Nhưng còn anh Núp làm cán bộ xã, đi nhiều. Nhà anh Núp làm hai rẫy thôi... Núp cười lắc đầu:

- Không, Ghíp, Tun, Xíp, bok Pa ở làng làm việc cũng nhiều, nhiều hơn tôi nữa. Tôi cũng phải làm ba rẫy đấy... Nhưng tôi nói thế này: người đồng chí phải làm nhiều cho lũ làng làm theo, như vậy đúng. Nhưng cũng phải biết nói nhiều, nói đúng cho lũ làng nghe được, hiểu được thì việc mới tốt. Tôi nói chung tất cả làng, rồi từng đồng chí phải đi nói riêng từng bếp nữa. Tôi còn phải đi nói Ba-lang nữa...

Khi bốn đồng chí ra về, trời đã sáng hẳn, lũ làng đã tới họp đông đủ. Núp sẽ nói chuyện nuôi lũ Hà-ro. Lần này anh tin chắc hơn những lần trước. Làng có đồng chí, việc gì Đảng cần, nhất định đều làm được. Núp ra đứng trước cây xoài đầu làng. Cây xoài này, bok Klăng, cha bok Pa trồng từ khi Núp còn đứng tới lưng mẹ, lanh tanh chạy theo mẹ đi làm rẫy. Bây giờ cành lá nó đã xum xuê, toả rộng mát cả sân làng. Vỏ nó có chỗ đã mục rã hết. Nhưng gốc nó còn vững. Nó đứng đó như một ông già làng. Mười bốn năm qua, nó đã thấy bao nhiêu vui, buồn, lo, khổ của chín mươi người Kông-hoa. Núp đứng dưới bóng cây xoài, bụng anh càng thương làng, thương lũ người đi theo anh từ mười bốn năm nay, khổ biết bao nhiêu, có khi tưởng như chút nữa thì phải chịu về đi xâu cho Pháp mất. Nhưng không, dầu có khổ hơn nữa cũng không lay chuyển nổi đâu. Núp biết rõ con người mình như vậy, lũ làng Kông-hoa cũng như vậy. Anh bắt đầu nói. Hôm nay Núp phải nói một chuyện khó hơn nhiều, gấp bốn, năm lần những chuyện khó lâu nay: lần này Kông-hoa phải nhịn cơm, nhịn muối nuôi bốn trăm người Hà-ro trước đây đã dẫn Pháp đi cướp lúa, đốt làng Kông-hoa...

° ° °

Tất cả đều im lặng. Không ai ngờ tới chuyện đó. Nuôi Hà-ro? Không, không được! Nhất định không được! Nhưng Núp vẫn nói:

- Bok ại nói đúng. Tôi không muốn cho người Hà-ro ở chung làng Kông-hoa đâu. ở chung chưa được. Còn phải nói nhiều nữa cái lỗ tai nó mới biết nghe mình, thôi nghe Pháp. Lũ làng Hà-ro bây giờ phải để ở riêng. Nhưng không để nó ở gần đồn Hà-tam được. Phải đem về gần đây, cho nó ăn, bày cho nó làm chông, đánh Pháp... Bok ại ngồi phịch xuống đất. Bok không muốn nghe nữa. Bok lắc đầu, nói lớn:

- Tôi nói lũ làng biết: anh Núp thương người theo Pháp, muốn đem lúa, gạo, củ mì cho nó thì cho. Bụng tôi không biết thương người theo Pháp, tôi không cho. Chân nó khi trước biết dẫn Pháp đi lấy lúa ở đây, bây giờ sao không dẫn Pháp tới lấy nữa mà ăn? Nó không tới lấy được, anh lại muốn đem cho nó à? Hai con mắt tôi anh nhìn đây này, anh thử để ngón tay vào, lút hết ngón tay, thức mấy tháng đi tưới rẫy đấy. Tôi không cho người theo Pháp ăn được. Lũ làng có cho thì cho. Tôi đi làng khác... Im lặng. Núp biết không phải bok ại nói sai hết. Mấy tháng nay, bok ại đi tưới rẫy nhiều nhất trong lũ già làng, rẫy của bok cứu được nhiều lúa nhất. Bok nói đúng một phần. Nhưng người Đảng phải nói đúng hơn nữa. Phải biết thấy xa hơn nữa và nói cho lũ làng ai cũng biết. Núp nói:

- Trong núi có nhiều con đường. Có con đường tốt đi lên núi cao, có con đường xấu đi xuống hố sâu. Núi cao có mặt trời, hố sâu có con rắn độc. Người Hà-ro lâu nay chưa biết do lỗ tai chỉ nghe theo Pháp, chưa được nghe theo Bok Hồ. Người Hà-ro đi con đường xấu rồi. Bây giờ nó đã thấy con rắn, nó muốn đi lên con đường tốt, mình có cho nó đi không? Bok Pa vân vê sợi râu trên hột nốt ruồi ở cằm:

- Mình cầm tay dẫn nó đi. Núp nói nữa:

- Mình đi một người, leo dốc mệt nhiều. Đi hai người leo dốc mệt vừa. Đi ba người leo dốc mệt ít. Đánh Pháp cũng vậy. Một làng Kông-hoa đánh không nổi phải chạy lên núi cao. Có thêm làng Đê-ta, Ba-lang, Ta-lung, Kông-ma, đánh khá hơn nhiều. Pháp đi lùng bảy ngày cũng không lấy được lúa của mình. Bây giờ... bây giờ có bốn trăm người Hà-ro nữa... Mắt Núp sáng lên, anh cười:

- ... Có bốn trăm người Hà-ro nữa, mai mốt thắng thằng Pháp nhiều nữa, thằng Pháp rồi chỉ còn một mình nó thôi, lũ làng ạ... Hóp thở dài:

- Nhưng nó không nghe mình đâu. Bây giờ nó đói, cái miệng nó nói theo. Mai mốt no, nó về với Pháp. Bà Hu nói:

- Mình làm cho nó ăn, không ai chịu đâu! Núp nói:

- Tôi chắc nói lâu, nói lâu nữa, nó cũng nghe. Pháp nói xấu, mà nói lâu quá nó cũng phải nghe theo. Mình nói tốt, chắc nó mau nghe hơn... Còn làm rẫy khổ, lũ làng Kông-hoa mình lâu nay khổ thật. Khổ là vì mình còn ít quá, còn yếu quá. Bây giờ mình ráng làm một năm nuôi Hà-ro, sang năm Hà-ro khá rồi, người mình đông thêm được bốn trăm người, chắc có khổ cũng ít hơn bây giờ. Mình nuôi Hà-ro là nuôi mình đấy... Bok ại vẫn ngồi giữa sân, rầm rì:

- Núp có, Núp cho. Tôi sợ đói, tôi không cho. Rồi mọi người kéo ra về, đi ra rẫy, không ai nói gì nữa. Núp lại đi Ba-lang. Đến khuya mới về. Chị Liêu đã ngủ, giật mình thức giấc nghe tiếng chân người cọt kẹt đi xuống thang, ra coi, thấy chồng Liêu hỏi:

- Anh đi đâu đó? Mang cái gì thế?

- Mang gạo cho người Hà-ro đây.

- Sao anh không nói cho Liêu biết? Núp không biết trả lời sao. Anh gõ một ngón tay lên thang, đứng yên một lát, rồi nói nhỏ:

- Liêu... nhà mình có ba nhà lúa. Tôi định cho lũ Hà-ro hai nhà lúa. Còn một nhà có đủ cho mẹ, cho Hờ Ru ăn không? Liêu đứng vịn tay vào cầu thang:

- Năm nay em làm ba rẫy, anh làm thêm một rẫy nữa. Em không nấu rượu, bớt cúng. Em ăn củ mài, chắc cũng đủ, anh Núp ạ...

Núp cõng gạo, cùng với Pa, Xíp, Ghíp đi ra rừng. Chưa khi nào bụng anh thương vợ hơn bữa nay. Gần hai tháng nay anh đi miết, con mắt không thấy cái rẫy nữa, bàn tay không chặt cái cây nữa. Gạo anh mang trên lưng đây là do Liêu làm ra cả. Ngày hôm kia, đi họp ở xã, vừa về tới đầu làng, Núp thấy lũ phụ nữ tập trung rất đông dưới gốc cây xoài. Liêu đứng giữa, đang đưa tay lên, nói:

- Tôi xin nói tất cả phụ nữ... Núp vội quay đi sang đường khác. Liêu từ trước giờ ít nói, ra chỗ đông người miệng còn mắc cỡ, hôm nay Liêu được bầu làm chỉ huy phụ nữ làng. Liêu đứng ra nói lần đầu. Núp sợ để Liêu thấy mình, Liêu sẽ mắc cỡ thêm. Núp vui quá. Tự nhiên, anh quay ngó về phía ban đêm sao bánh lái của người Kinh vẫn mọc. Bok Hồ ở xa thế mà dạy được người ở tận đây nên người tốt thế này! Đi một khúc, Núp mới sực nhớ:

- Tun đâu rồi?

Tun ra sau. Một lát sau, Tun cõng gạo ra. Có hai người đi theo: Hóp và bok Sring. Tun đã nói được hai người này. Hai ngày sau cả làng Kông-hoa dần dần có sáu mươi người cõng gạo đi cho Hà-ro. Ba-lang cũng đi, Ta-lung cũng đi.

° ° °

Hai bên con suối lớn Đất-hoa, cây to và xanh. Nước suối chảy dạt dào. Làng Hà-ro mới dựng lên ở đó, có hơn năm mươi nóc nhà. Suốt ngày rất đông người đi lại. Tiếng nói, tiếng cười như một cái ổ chim rất lớn buổi sáng. Du kích Kông-hoa, Ba-lang, Kông-ma cũng có ở đó, bày cho lũ Hà-ro làm chông, cắm dày quanh làng mới. Phụ nữ Kông-hoa dẫn phụ nữ Hà-ro đi phát rẫy. Lúa của các làng gửi cho Hà-ro để đầy sáu nhà dài trong rừng... Nửa tháng sau, Hà-ro làm lễ ăn thề xoá bỏ hiềm thù, từ nay đoàn kết với Kông-hoa đánh Pháp. Con suối Đất-hoa là con suối lớn nhất vùng này. Dầu có nắng to đến bao nhiêu nước vẫn chảy đều, xanh và mát. Núp đứng bên suối, để cho gió đến xoa đầu tóc, thổi bay phất phơ cái khố của anh. Tám năm trước, có chín mươi người cắn răng bỏ con suối tốt này đi lên núi Chư-lây, đánh Pháp. Bây giờ họ trở về với con suối lớn rồi. Không phải là chín mười người nữa. Bây giờ đã đông hơn nghìn người, Kông-hoa, Ba-lang, Ta-lung, Kông-ma, Đê-ta và Hà-ro. Núp cúi xuống, uống nước suối...

Tháng ba, có giấy trên tỉnh về, kêu Núp đi hội nghị. Anh Thế nói:

- Đi hội nghị bầu chiến sĩ thi đua Liên khu đấy. Núp không hiểu gì cả. Thế nói:

- Hội nghị Chiến sĩ thi đua Liên khu là bầu ra người đánh giặc giỏi, làm rẫy giỏi, đoàn kết giỏi nhất. Núp nói:

- Thế thì phải để bok Pa đi. Bok Pa biết rõ hết chuyện lũ làng Kông-hoa đánh giặc. Bok Pa kể được nhiều hơn tôi. Thế cười:

- Không, tỉnh kêu anh đi đấy. Đi học mà!... Hôm Núp đi, lũ phụ nữ đặt vào trong gùi của anh hai chục hột gà, một chai mật. Bà mẹ đưa cho bốn trái bắp non và dặn:

- Con đi phải coi con đường trước, phải coi con đường sau... Ai nghe cũng cười ồ.

° ° °

Một tiếng hú dài, khủng khiếp, trên nền trời tối đen, không một ông sao. Rồi bỗng chớp một cái sáng loà, mọi người đều thấy mặt nhau trắng bạch. Một tiếng nổ rung chuyển cả đá. Trên núi cao đá gầm lên, như một cơn sét.

- Tắt lửa đi! Tắt lửa đi! Xuống hết dưới suối! Mau! Một loạt đại bác nữa rơi loạn xạ trên rẫy. Cây gãy rắc rắc. Rồi im lặng tất cả. Còn có loạt nào nữa không? Sao lâu thế? Núp nói trước tiên:

- Không trúng ai cả. Nó bắn bậy. Nó giận hòn núi, nó giận đá. Ngày nay bẫy đá làm nó chết tám đứa. Bây giờ nó bắn trả thù đấy.

Mọi người lại kéo nhau lên một hòn đá rất lớn ở bờ suối, ngồi vây quanh Núp, tiếp tục nghe kể chuyện. Pháp thua lớn ở phía bắc Tây Nguyên. Bây giờ nó quay lại đánh vùng du kích này. Anh Thế nói là nó đi hai trung đoàn, biết là đông lắm. Pháp đi rất nhiều đường, đồn Tô-mang, Mang-giang xuống, đồn Xà-huồng, Mũi-nhung vào, đồn Hà-tam, Ka-tung lên và đem bảy mươi xe vào đóng ở đường Nga-gió. Pháp có hai mươi súng ca-nông, băn liên miên vào núi Chư-lây, đạn rơi nhiều nhất ở rẫy Kông-hoa. Cuộc càn quét kéo dài hai mươi ngày nay rồi. Tun chỉ huy du kích, đánh tám lần ở rẫy, giết hai mươi Pháp. Pháp chưa lấy được hột lúa nào. Du kích Ba-lang, Ta-lung, Đê-ta, Kông-ma, Hà-ro có bộ đội địa phương 68 phối hợp đánh rất khá. Núp đi Đại hội thi đua Liên khu về vừa đúng giữa lúc Pháp càn quét lớn. Ban ngày Núp đi chỉ huy đánh giặc, ban đêm Núp đi kể chuyện Đại hội thi đua cho các làng nghe. Đêm nay Núp kể cho Kông-hoa. Tất cả lũ làng, trai, gái, già, trẻ, đều ngồi vây quanh. ạng sao rua mọc lên giữa lòng suối như một chùm hạt ngọc của các chị phụ nữ Ba-na. Trong đêm tối đen ở giữa rừng núi Chư-lây này, thấy sao rua sáng là Núp nhớ đến đèn điện ở Đại hội thi đua Liên khu. Trong bụng Núp nóng lên, con mắt như ngó thấy bok chính uỷ Liên khu, lỗ tai như nghe nhiều chiến sĩ, người Kinh, người Thượng, con gái, con trai, người già, người trẻ đang lần lượt kể chuyện đánh Pháp, làm rẫy, đoàn kết. Tay Núp cầm quai súng chặt hơn. Anh nói với lũ làng nhiều điều trong bụng anh đang bừng bừng như lửa cháy. Anh kể: Đảng mình bây giờ mạnh hung rồi. Người đánh Pháp ở đất nước mình bây giờ giỏi lắm, đông lắm. Anh kể chuyện anh Phược lặn xuống biển, lấy tàu của Pháp về làm súng, con cá to bằng cái nhà cũng không sợ, chết cũng không sợ, chết thôi, chết cho Đảng sống, không tiếc gì. Anh kể chuyện anh Lê Nghiệp, con người trẻ, Pháp gài bao nhiêu mìn, đi gỡ hết, Pháp bắt không được, nhanh như con sóc, Đảng bảo đi đâu đi đó ngay, lỗ tai biết nghe lời Đảng như nghe lời cha mẹ...

Núp kể Núp cũng được bầu chiến sĩ thi đua Liên khu, được lên kể chuyện làng Kông-hoa đánh Pháp, làm rẫy và đoàn kết cho tất cả nghe. Kể xong lũ chiến sĩ thi đua chạy lên để Núp trên vai, cõng đi khắp nhà, mừng không biết bao nhiêu. Bok chính ủy Liên khu nói:

- Thằng Pháp đánh một trăm năm cũng không hơn nổi đồng chí Núp và làng Kông-hoa đâu! Lũ làng nghe tới đó vui quá, đứng hết dậy:

- Đúng đấy! Đúng đấy! Bok Pa ôm anh Núp. Ghíp đánh đờn gông. Chị Du hát. Tất cả "ề" theo làm nhịp:

Ta như ngàn con chim Chim đrao và chim ling Khắp nơi đồng chí mình Đi lên nào anh em!...

Tiếng hát dội trong núi. Pháp bắn ca-nông ầm ầm, cũng không át nổi tiếng hát. Kể xong hết, Núp bảo đốt một ngọn lửa nhỏ lên, lấy chăn che bốn phía, ngồi xúm xít lại, rồi Núp mở những thứ Đại hội tặng cho tất cả lũ làng coi: Một cái ảnh Bok Hồ vác cuốc đi làm rẫy, một bộ quần áo bằng lụa của Bok Hồ, một cây cờ có thêu chữ, một cái huân chương kháng chiến hạng nhất cho Núp, một cái huân chương chiến sĩ hạng nhất và một cái bằng tuyên dương công trạng trong toàn thể Quân đội nhân dân Việt Nam cho cả làng Kông-hoa. Còn một khẩu súng các-bin, Núp đeo trên vai. Lũ làng đi rửa tay thật sạch rồi cầm lên từng thứ, coi đi, coi lại, coi Bok Hồ đi làm rẫy, coi cái áo Bok Hồ mặc... Coi đến nửa đêm không ngán. Tun ngồi mân mê mãi cái súng các-bin. Núp cười, đưa súng cho Tun mượn. Ngày sau, súng các-bin bắn chết một Pháp. Liền ba đêm sau, đêm nào Kông-hoa cũng họp. Bây giờ biết chuyện thi đua rồi, lũ làng ai cũng muốn thi đua, họp bàn chuyện thi đua. Tiếp bốn ngày nữa, Pháp đi vào giữa làng Kông-hoa và Ba-lang bị du kích hai làng chặn đánh suốt ngày đêm, đi không được, về cũng không được, phải đói. Xong trận đó, lũ làng bầu Tun thi đua đánh giặc khá nhất.

Tiếng máy bay chìm mất trong tiếng nói chuyện rì rào của ngàn, của vạn cây rừng trên núi Chư-lây. Lửa vẫn bốc cháy một góc trời, ngùn ngụt: đồi tranh bắt bom xăng của Pháp, tiếng súng im hết. Pháp đã chạy hết rồi. Giữa rẫy, Tun nằm ngửa, mắt nhắm lại như một người ngủ say, một tay nắm chặt thân một cây lắp non. Một quả bắp bị gió bẻ quằn xuống, phủ mấy cái râu dài lơ thơ màu nâu lên trán Tun, mới ngó như là tóc của Tun. Trên bụng, ngay chỗ Tun đeo nịt da đạn, một dòng máu rất nhỏ còn ướt. Tun hy sinh giữa rẫy, trong ngày chống càn thứ ba mươi. Đứng quanh Tun có Núp, Ghíp, Xíp, chị Du, chị Mây, chị Lam. Tất cả đều im lặng. Con mắt mới lúc nửa buổi này còn trông thấy Tun bắn chết ba thằng Pháp ở chân rẫy này. Bây giờ Tun nằm đây, Núp đứng nhìn mãi, như nhìn một đứa con, một đứa em nhỏ ngủ yên, Núp không tin Tun đã chết rồi. Môi Núp chảy máu từ lúc nào. Anh ngồi xuống, lấy tay gạt mấy sợi râu bắp trên trán Tun. Không biết vì sao, Núp muốn Tun mở mắt ra, Núp muốn nhìn mắt Tun một lần nữa, đôi mắt màu nâu, như mắt của anh hồi còn thanh niên. Nhưng bây giờ, đôi mắt đó nhắm lại rồi, không khi nào biết mở ra nữa. Núp khóc mất rồi. Anh cầm tay Tun, nước mắt giàn giụa... Ghíp trở bàn tay lau nước mắt, hỏi:

- Vậy đêm nay có làm không, anh Núp?

- Đêm nay vẫn làm.

- Bao giờ chôn Tun?

- Chiều nay. Đêm nay làm lễ kết nạp thêm ba đồng chí của Kông-hoa và Xá ở Ba-lang, Khíp ở Đê-ta. Bỗng tất cả đều đứng giãn ra. Bok Pa đến. ạng già đó đang dẫn lũ làng đi tản cư về, nghe tin con chết, chân không biết đi, miệng không biết nói nữa, ông đứng lại giữa đường, sửng đi một hồi lâu, rồi ngã xuống. Khi tỉnh dậy, lũ du kích dìu ông tới đây. Đầu bok Pa chỉ còn mấy sợi tóc lơ thơ. Hai con mắt sâu và đỏ. Không, bok không khóc. Bok đứng nhìn Tun. Bok Pa tưởng không phải Tun nằm đó, mà chính bok, chính bok đang nằm đó, ngủ say sau một đêm đi tưới rẫy rất nặng nhọc... Đêm đó, trong lễ kết nạp, có mặt chín đồng chí Ba-na, cả mới lẫn cũ. Khi thề, ai cũng nhắc tên Tun. Tun hy sinh rồi, nhưng tổ Đảng của Núp vẫn đông lên gấp đôi, và mạnh lên gấp bốn lần.

° ° °

Sau trận càn Núp lên làm cán bộ huyện. Huyện lại rút Xá ở Ba-lang về trung châu học. Ba-lang có đồng chí mới là The lên thay. ở Kông-hoa, Ghíp làm chỉ huy du kích. Bok Pa lên làm cán bộ xã. Núp ít về làng. Anh phải đi công tác Đê-mô, Đê-ô, Kông-giàng, nói chuyện đem súng Pháp nộp cho bộ đội. Trong hai tháng, Núp tìm được một người tốt ở Đê-ô là Hơ Đô nhờ Hơ Đô lần lần nắm được chủ làng. Đêm nào Núp cũng bò vào làng Đê-ô, bày cho Hơ Đô cách tổ chức du kích bí mật, bày cho chủ làng ném súng Pháp xuống suối, để nước ăn hư hết. Pháp thấy không biết giữ súng, Pháp không phát cho nữa...

Một đêm Núp đi từ Đê-ô về huyện. Tới sông Ba, thấy bên kia sông có đông người. Ai he? Đi đi lại lại, nói chuyện trên bờ rất nhiều. Rồi lội qua. Núp chạy tạt vào một gốc cây, ngồi xuống. Hôm trước họp huyện, biết có bộ đội lớn sắp lên. Có phải đây chưa? Dưới ánh sáng sao, Núp nhìn ra: đúng rồi, bộ đội, bộ đội lên rồi, không phải bộ đội địa phương 68, bộ đội này súng to, đi nhiều lắm. Núp chạy ra. Bộ đội đi qua, ai cũng chào. Núp đứng nhìn từng người. Bỗng có người hỏi:

- Đồng chí Núp phải không?

Một anh bộ đội tách ra khỏi hàng, nắm chặt lấy bàn tay Núp.

- Đồng chí Núp quên tôi rồi à? Hai tay Núp nắm chặt lấy bàn tay nóng của anh bộ đội. Không, không nhớ được.

- Tôi, Nguyên đây mà. Bộ đội ông Dũng đây mà...

- ạ!... Anh bộ đội lắc mạnh tay Núp:

- Thôi, tôi phải đi đã... mai mốt gặp nữa... à này Tun bây giờ lớn chưa, có mạnh giỏi không?... Núp không kịp trả lời. Anh bộ đội đã đi lẫn vào trong hàng bộ đội đi lên ào ào, đông lắm, đông quá, như sao trên trời... Núp đi luôn một mạch về huyện. Sáng hôm sau nhận công tác đi lấy dân công ngay. Khẩu súng các-bin trên vai, đi mãi, rừng nào, núi nào cũng có mặt. Ngày vui sắp tới rồi. Đi bao nhiêu cũng được.

° ° °

Ngày vui đến một buổi sáng mùa Xuân. Chiến thắng Kon-tum trong hai mươi ngày quét sạch hết quân Pháp trên một vùng cao nguyên rộng một vạn bốn nghìn cây số vuông. Vùng giải phóng từ phía bắc lan vào, lan tới đâu hoa mùa xuân nở tới đó. Buổi sáng đó, hoa nở trên núi Chư-lây, đỏ và trắng, chấm phá đây đó trên màu xanh bao la của núi rừng, như những đoá hoa của một chị phụ nữ Ba-na khéo tay dệt trên một tấm váy màu chàm rất lớn. Vùng của Núp biến thành vùng giáp ranh giữa vùng còn bị chiếm và vùng mới giải phóng. Bộ đội đến đóng ở Kông-hoa, Ba-lang, Ta-lung, đầy núi, đầy rừng. Núp chỉ huy du kích đi nhổ chông một ngày một đêm để bộ đội chuẩn bị đánh đường mười chín.

Mẹ Núp coi lũ phụ nữ nuôi anh em bộ đội bị thương. Liêu coi việc làm rẫy ở nhà. Núp không có đêm để ngủ, không có buổi trưa để nghỉ ăn cơm. Gần hết một ông trăng sáng, không gặp Liêu, không gặp mẹ. Chỉ gặp Ghíp nói lại, biết Liêu được bầu thi đua làm rẫy giỏi, mẹ được bầu thi đua nuôi anh em bị thương giỏi. Núp nghe chỉ cười. Anh mong thấy mặt Liêu quá. Nhưng không về được, phải đi nữa... Tháng năm, gần làm lễ Bok Hồ, được tin bộ đội và lũ làng người Kinh, người Thượng ở gần núi Việt Bắc lấy Điện Biên Phủ, bắt sống một vạn thằng Pháp. Chưa kịp làm lễ mừng, tháng sáu, bộ đội lại lấy An-khê, lấy hai trăm hai mươi chín cái xe, mười hai cái súng đại bác... Đêm đó, tiếng súng im hết trên còn đường mười chín. Nửa đêm Núp dẫn dân công ra lấy súng, lấy đạn. Hai trăm hai mươi chín xe, xe nào cũng thắp đèn. Rừng núi sáng choang. Người đi tới đi lui, đường mười chín ở giữa rừng mà đông hơn giữa phố An-khê. Con đường uốn éo như một con rắn đỏ, chạy quanh lên Mang-giang, Xà-huồng. Hai bên đường cây cao vun vút. Núp đi giữa đường, nhìn cây, nhìn xe, hai tai ù lên không nghe thấy tiếng gì nữa hết. Từ khi cha mẹ đẻ đến nay bữa này là bữa đầu tiên Núp được đi giữa đường mười chín tự do thế này... Tự nhiên Núp nghĩ tới chuyện dời làng Kông-hoa ra sát đường mười chín. Đất ở đây màu mỡ, tốt quá. Ra đây làm rẫy, làm thêm ruộng nữa. Tất cả làng trong núi sâu đều ra đây hết. Rẫy xanh chạy dài bên hai con đường này...

- Đồng chí Núp! Đồng chí Núp! Hoan hô đồng chí Núp! Núp đang đứng trên một chiếc xe hơi, quay lại. Ai đó? Nhìn không ra 189 190 ai quen cả. Toàn là bộ đội và dân công người Kinh, người Thượng, như nước suối tràn qua đường mười chín. Tất cả đưa mũ lên vẫy Núp. Núp hỏi lớn:

- Anh Nguyên, đồng chí Nguyên phải không?

- Không phải Nguyên... Gặp đồng chí ở Đại hội thi đua Liên khu đấy mà... Chúc đồng chí Núp khoẻ! Núp vui quá, quên cả trả lời, Không biết nghĩ sao trong bụng, nước mắt Núp chảy ròng ròng... Bộ đội vẫn đi qua đường mười chín suốt đêm. Mai mốt bao vây Pơ-lê-cu, Cheo-reo, Ban-mê-thuột. Rừng núi của Núp hết giặc Pháp rồi. Rừng núi của người Xê-đăng, ‰-đê, Gia-rai ở phía Nam còn giặc Pháp. Bộ đội còn đi đánh nữa. Núp còn phải về chỉ huy dân công theo bộ đội đi qua đường mười chín.

IV

"Đến mai anh đi "Đường có hai dốc "Chị em tôi thương "Chỉ thấy dấu chân "Không thấy hình anh "Đợi ngày anh về "Để đón thăm anh..."

Tiếng hát của các chị phụ nữ trong như tiếng suối róc rách chảy qua khe đá. Các chị vừa hát vừa nghiêng đầu gục lên vai nhau, cười, nhưng con mắt ngó anh Thế, anh Núp cứ nhoè đi, không thấy gì nữa. Ghíp ngồi thổi kèn đing-nam cũng líu lưỡi, lộn ngón tay, nước mắt chảy dài theo má, chảy xuống đến cái kèn... Núp ngồi nghe tiếng kèn của Ghíp, trong bụng anh nghĩ không biết bao nhiêu chuyện. Thằng Hờ Ru đứng bên anh, một tay ngậm vào miệng, một tay vịn lên vai anh. Nó nhìn quanh, thấy mắt ai cũng khóc, cha nó cũng khóc, nó không hiểu gì cả, hai con mắt nó sáng, ngơ ngác. Núp ngồi yên. Bàn tay của Hờ Ru đặt trên vai anh nhỏ xíu và mát, năm ngón bám vào vai anh, rồi nó quàng chặt lấy cổ anh. Núp không giữ được nữa. Hai dòng nước mắt chảy quanh trên má. "Hờ Ru, con ạ, từ bữa nay con không có mẹ nữa rồi. Con còn nhỏ quá, con chưa biết. Mả mẹ con chôn dưới gốc cây tùng ở bờ suối đấy, mẹ con bây giờ ngủ dưới đó rồi. Con lớn lên, con không biết mặt mẹ nữa..." Núp ôm con vào lòng. Hờ Ru không hiểu gì, ấp mặt vào lòng cha, nằm im. Chị Liêu mới chết cách đây sáu ngày. ốm có ba ngày. Anh Thế chạy đủ đường, huyện gởi cho đủ thứ thuốc, cũng không hết. Núp còn lo đi nói lũ làng nộp súng cho Bok Hồ. Khi về Liêu chỉ còn nắm được tay Núp, miệng không biết nói nữa, nước mắt chảy ra, rồi không biết thở nữa...

Mẹ không khóc, nằm luôn hai ngày không dậy. Ai cắt trong ruột Núp thế này? Đau lắm, nói không được. Sao Liêu không biết sống nữa, Liêu ơi! Mặt nước suối Thi-om nó không còn thấy mặt Liêu đi làm rẫy về soi xuống nữa rồi. Con chim trong rừng nó không nghe tiếng Liêu hát nữa rồi. Tháng trước mới hoà bình, anh Thế nói với Núp:

- Núp ạ, Núp coi thử Liêu có thể vào "đồng chí" được chưa? Núp nghĩ được rồi, Núp định ít tháng nữa, Núp nói Liêu biết thêm về Đảng rồi Núp lên báo cáo huyện... Núp biết Liêu người căm thù Pháp nhiều, miệng ít biết nói, nhưng bụng tốt hơn hết lũ phụ nữ trong làng. Núp nhớ Liêu nhanh như con sóc, leo lên cây cao, chặt cành, hạ cây, đến tối về, Núp cầm tay Liêu thấy cả hai bàn tay rìu rựa ăn chảy máu hết, Liêu chỉ cười. Con người vợ đẹp thế, tốt thế, bây giờ ngủ luôn dưới đất rồi... Liêu chết được hai ngày thì anh Thế về đưa cho Núp một miếng giấy. Núp chưa biết đọc, đưa lại cho anh Thế đọc giùm. Anh Thế cầm giấy, phân vân mãi. Núp nói:

- Anh cứ đọc đi, anh Thế ạ. Giấy của Đảng đấy, sao anh không đọc? Thế đọc: giấy ấy nói Đảng kêu Núp đi tập kết ra Bắc, xây dựng bộ đội mạnh, tổng tuyển cử trở về. Mẹ Núp đứng một bên, mẹ nghe rồi. Mẹ nhìn Núp không nói gì cả. Tóc mẹ năm nay đã bạc hết rồi. Mẹ càng ngày càng thấp xuống, lưng càng còng thêm. Từ bữa Liêu chết mẹ phải chống một cây gậy mới đi được. Mẹ mới mất Liêu, hai chân đã không biết đi. Bây giờ Núp đi, Hờ Ru cũng đi theo Núp, mẹ còn biết sống được hay không. Núp đi, rừng đó, núi đó, trước chỉ có thằng Pháp, bây giờ thêm thằng Mỹ, thằng Diệm, ai coi lũ làng đấu tranh? Núp nằm đêm, không tài nào ngủ được. Con chim pơ-rơ-tơk nó kêu ngoài trời đầy sao. Núp trở dậy, đi lấy cái gùi bỏ áo quần của Núp và Hờ Ru vào. Mẹ cũng trở dậy từ lúc nào. Mẹ hỏi:

- Con đi thiệt à Núp?

Núp không biết trả lời sao. Mẹ ngồi xuống trước đống lửa. Từ bữa Liêu chết đến nay, mẹ không hề khóc nữa. Núp tới bên mẹ:

- Mẹ ạ, con có ở nhà cũng không được đâu. Con ở nhà thì mai mốt, thì suốt đời mẹ, đời con, đời Hờ Ru cũng khổ mãi như đời Liêu thế, không hết được đâu. Thằng Diệm, thằng Mỹ còn ác hơn thằng Pháp nhiều. Lũ con không đi ra học Bok Hồ, không mạnh hơn nữa, thì nó còn ở miết nước mình... Bà mẹ vẫn không nói gì cả. Mẹ vẫn ngồi yên, mẹ cũng không khóc, tóc bạc phơ để xuống trán nhăn nheo. Núp xích tới gần mẹ hơn nữa:

- Mẹ ạ, con đi ở nhà có lũ làng lo cho mẹ đấy... Mẹ vẫn ngồi im. Không, mẹ có nói gì đâu mà Núp nói thế. Mấy ngày nay, mẹ chỉ im lặng, mẹ có nói gì đâu. Mãi lâu lắm, mẹ mới cầm lên một cái que, khươi lửa lên nói:

- Con lấy một chai mật mang ra cho Bok Hồ...

... Hôm nay ngồi trong nhà rông, lũ làng vui một bữa tiễn Núp và Thế. Ngày mai sớm hai người đi rồi. Núp muốn nói chuyện nhiều nhưng không biết nói gì. Anh Thế cũng vậy. Núp nhìn Ghíp, bok Pa, Xíp, Du, bok Sung, bok Sring... Xá, Khíp ở Ba-lang, Đê-ta cũng tới tiễn Núp và Thế. Núp nhìn tất cả lũ làng. Lửa cháy bập bùng soi mặt mọi người, khi sáng khi tối. Lửa soi mái tóc quăn của Ghíp, lửa soi cái cằm vuông và cặp mắt sáng bok Pa, lửa soi cánh tay Khíp to chắc và đen, cặp mắt Khíp hiền lành, im lặng... Mười năm qua, những người Ba-na đó ăn tro tranh, mặc áo vỏ cây kơ-đôn, giặc Pháp cố hết sức vùi dập xuống bùn, nhưng không một ai chịu ngã vùi xuống. Ai nấy đều đứng lên cả rồi. Bok Pa lưng không còng xuống. Từ ngày Tun chết, một mình bok vừa làm ba rẫy lúa tốt nhất làng vừa làm cán bộ xã. Bok Sung bây giờ người đồng chí, bok ít cúng nhất trong làng, bok chỉ còn kể chuyện xưa cho lũ thanh niên nghe. Cứ mười ngày, mười lăm ngày, bok lại kể chuyện gươm ông Tú một lần. Lần nào người nghe cũng đông, càng ngày càng đông. Bây giờ kể xong, bok kéo một hơi thuốc dài, phà khói dày đặc, rồi thong thả nói:

"Lũ làng ạ, ngày nay gươm ông Tú đã tìm được lưỡi, gươm đã chắp cán rồi đấy. Gươm ông Tú lũ làng có biết là cái gì không? Gươm ông Tú là đoàn kết đấy, người Kinh đoàn kết với người Thượng, tất cả đất nước đoàn kết lại lại hết. Ngày trước không có ai tìm được cái lưỡi, lắp được cái cán. Bây giờ làm được rồi. Làm được là do Đảng đấy, do Bok Hồ dạy cho đấy..."

Núp lại nhìn Xá. Xá đi học ở dưới Kinh tám tháng về, làm cán bộ, viết được cái chữ, đọc được giấy, bây giờ Xá đang dạy cho lũ thiếu nhi trong xã... Còn bao nhiêu người nữa, tất cả người Ba-na đều đứng lên được hết rồi. Người ‰-đê, Gia-rai, Kinh, M'nông... Khắp nơi cũng đều đứng lên hết. Núp đi, núi rừng Tây Nguyên còn có hàng trăm, hàng ngàn người thay Núp...

- Anh Núp ạ, anh ra Hà Nội chắc gặp Bok Hồ. Anh đừng nói Bok Hồ người Kông-hoa bữa nay khóc nhé. Chỉ thương anh, thương anh Thế quá, cái bụng không muốn khóc mà con mắt nó cứ khóc bậy đấy. Anh nói giùm người Kông-hoa gởi lời thăm Bok Hồ mạnh khoẻ như núi rừng như sông suối, không khi nào hết. Anh nói lũ người Ba-na biết ăn tro tranh trên núi, biết mặc vỏ cây, biết làm cho hòn đá, cho trái núi nó cũng giận Pháp, đánh Pháp; thằng Mỹ, thằng Diệm cũng không làm chi được người Ba-na đâu.

2-12-55

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: