
nhị
Cậu Ba mới về có biết chi đâu.
Cậu Ba đứng ngóc ở ngoài cảng, trời thì hãy còn nắng chang chang. Nắng Sài Gòn phải nói là mù mắt vỡ đầu thì mới hình dung ra. Cậu Ba thuyền tàu mấy nay rồi, đầu thì nhức ong ong, mắt mờ cả, phía sau thì đồ lớn đồ nhỏ, cậu Ba Thạc lủi thủi có một mình. Thấy không chờ nổi nữa, đứng nắng thế này có mà cậu ngất luôn. Đi Pháp mấy năm, trông cậu Tây quá! Nên có lẽ chạm lại nắng Sài Gòn chưa quen. Cậu Ba thấy không ổn, đành lòng ngoắc vội hai chiếc xích lô, tống đồ đạc lên một chiếc, cậu ngồi một chiếc thẳng về nhà.
Thế, lúc mà ông bà lớn đến thì cậu Ba Thạc nhà ta đã cùng hai chiếc xích lô đi xa cả cây về nhà rồi. Ông bà lớn cũng hãi nắng Sài Gòn, mà lo cậu Ba về đi lạc ở đâu mất, dáo dát tìm. Mãi không thấy cậu, hỏi ra thì tàu cậu Ba cập bến mấy bận rồi.
- Nó học bên Pháp, không lẽ đần đến độ không biết gọi xe về. Bà này, chớ có lo. Giờ vợ chồng mình về đã, thằng Thạc nó chẳng lạc đi đâu xa đâu. Cái Sài Gòn có chút xíu chứ bao.
Ông lớn an ủi bà, trong khi ông cũng nhộn nhạo trong lòng không biết thằng con mình chạy lòng vòng đi đâu rồi. Sài Gòn bé xíu ấy mà, nhưng người thì đông như kiến, chớp mắt một cái đã lạc nhau rồi, huống chi Thạc nó mới đi xa về vừa mệt vừa lạ đủ thứ kiểu.
Mà nói, cậu Ba về đến nhà ngon ơ. Hai chiếc xích lô bon bon qua đường Sài Gòn giữa trưa nắng đội đầu, ù té. Cậu Ba ngồi có dù che nên nom cũng nhởn nhơ lắm. Nói chứ, cậu Ba năm nay mới được hăm tư chứ mấy, dân Sài Gòn có bao giờ già đâu. Cậu Ba ngân trong miệng điệu Kim Vân Kiều, rồi bĩu môi nghĩ thơ đã buồn, soạn ra tuồng còn nẫu ruột hơn thế này, đương lúc này thì xích lô dựng trước căn nhà đường Nguyễn Du rồi.
Trả tiền xong, cậu Ba gọi cửa, thấy cửa không khoá. Mà quái lạ, sao nhà cửa xập xình người vô ra quá, dòm ai cũng lạ quắc. Ba má thì không thấy đâu cả. Nghĩ đoạn, chắc ổng bả đi rước mình hụt nên chưa về nhà kịp, thế là cậu Ba Thạc mình cứ ngang nhiên đẩy cửa vào nhà. Người trong nhà được một phen hồn vía hoả tiễn lên trời, trố mắt nhìn cậu Ba tự nhiên ở đâu rơi xuống đi vào kho vải.
- Cậu Ba về, sao cậu đến đây?
Chú Tám da sạm, bóng lưỡng, vắt cái áo tả tơi lên vai đến kế cậu Ba hỏi nhỏ. Chú này làm cho nhà cậu mình mấy chục năm trời, nhìn mặt cậu Ba là biết ngay. Cậu Ba mình có cái nốt ruồi nhỏ ở môi trên bên phải, ổng nhìn muốn lờn con mắt. Cậu Ba có đi Tây đến già rồi về, ổng mà còn sống ổng cũng nhìn ra cậu.
- Đi Tây rồi về nhà chứ sao chú. Mà ba má con đâu chú Tám?
Chú Tám gãi gãi đầu, nheo mắt nhìn cậu.
- Cậu Ba mới về không biết. Chứ tầm nửa năm nay ông bà lớn chuyển nhà ra mặt tiền cho sang rồi. Để cái nhà trong hẻm này làm kho chứa vải cho nhiều, mà tụi tui còn có chỗ ăn chỗ ngủ.
Cậu nhỏ nào đi từ trong nhà ra, trán còn lấm tấm mồ hôi, chống nạnh (thật phong cách) đi đến đứng sau chú Tám còn lớ ngớ chưa nghĩ ra giải thích sao cho cậu.
- Mà chú Tám thiệt ngộ. Cậu Ba đi Pháp học chứ có phải đổi đầu đâu mà khó khăn giải thích. Dòm cậu Ba khác miếng nào là người Sài Gòn này hả? Thôi, cậu Ba vô ngồi cho mát. Trưa Sài Gòn, đứng say nắng chết!
Cậu nhỏ ăn nói nhẹ nhàng, mà câu nào câu nấy từ ngữ cũng hung dữ, nghe vào lệch hết cả ra. Mà cậu Ba hình như say nắng, tự nhiên nghe câu nào câu nấy hệt như tuồng cải lương. Dòm cậu nhỏ gầy còm, được cái cao cao, nom vào lại càng ốm. Hỏi nhỏ chú Tám mới rõ cậu nhỏ là con thím Bảy xưởng may, theo má vô đây xếp vải cho nhà.
Cậu nhỏ này tên cũng ngộ như cậu vậy, tên Hưởng, lót là Tại. Hình như ba cậu người hoa, nên họ nghe cũng lạ quắc.
Cậu Ba vừa mới đặt chân lên đất Sài Gòn mới có bao lâu đâu, mà vồ vập vô cậu biết bao là chuyện rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro