Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 7: Về quê ăn Tết


Ngày mồng một đầu năm, từ tờ mờ sáng, xe ngựa đã được chuẩn bị sẵn sàng, đợi ngoài đại môn Lâm phủ. Các vị tiểu thư hôm qua thức khuya, mới sáng sớm đã bị đánh thức nên tinh thần uể oải, không thoải mái. Lâm Thanh Nhiễm dựa vào người Nhị tỷ nàng, ngáp một cái rồi lại lầm bầm vài tiếng, cựa cựa người rồi lại nhắm mắt định ngủ tiếp.

Lâm Văn Tích cùng Lục thị bế tiểu nhi nữ lên xe ngựa cùng mình. Còn lại mấy tỷ muội Lâm Thanh Nhiễm chia nhau, cứ ba người ngồi một xe. Ngoài ra còn có các mụ mụ và nha hoàn, cùng các lễ vật mang đi chúc Tết. Lần này xuất phủ hoành tráng, tổng cộng phải khoảng năm sáu chiếc xe ngựa.

Lộ trình từ kinh thành Lạc Đô về thị trấn mất khoảng ba canh giờ, từ thị trấn còn phải mất hơn một canh giờ để về đến thôn nhỏ. Lúc Lâm Thanh Nhiễm lần nữa ngủ dậy, xe ngựa vẫn đang chuyển bánh, thậm chí còn chưa đến được thị trấn.

Nàng khẽ vén rèm lên nhìn đường xá, một cơn gió lạnh liền ập vào chính diện, làm cho cả người nàng tỉnh táo hẳn lên. Nhị tiểu thư Lâm Thanh Nghiên ngăn nàng lại, bế nàng sang chỗ khác, lo lắng: "Làm như vậy sẽ bị phong hàn mất."

Lâm Thanh Nhiễm rúc vào trong người tỷ tỷ, Tam tiểu thư đưa tay kiểm tra trán nàng, hỏi han: "Ngủ dậy khó chịu sao?"

"Không phải, ngồi trên xe lâu nên khó chịu" – Lâm Thanh Nhiễm rầu rĩ đáp. Nàng đã ngủ một giấc dài rồi mà còn chưa đến nơi, rốt cuộc là đường xa đến mức nào nữa chứ.

"Làm gì mà ngồi xe lâu khó chịu, ngươi rõ ràng là ngủ lâu nên khó chịu" – Nhị tiểu thư trêu chọc nàng, xốc nàng ngồi dậy – "Rất nhanh sẽ đến thị trấn, có lẽ đoàn xe sẽ tạm ngừng để ăn uống một chút rồi mới về thôn."

Vừa nghe sẽ được dừng xe một chút, Lâm Thanh Nhiễm cảm thấy vui vẻ hơn không ít. Nàng lại đưa tay vén rèm lên, nhìn Nhị tiểu thư, hỏi: "Nhị tỷ, mấy năm trước tỷ tỷ về quê cùng phụ thân và mẫu thân cũng đi đường dài vậy sao?"

"Đúng vậy. Trước kia tổ mẫu ở cùng nhà Đại bá bá, mỗi năm nhà ta đều phải về quê chúc Tết. Còn nhớ hai năm trước khi muội ra đời, năm đó tuyết rơi rất lớn, đến nỗi đường về thôn vỡ sập. Tối mồng một cả nhà đành ngủ lại ở trấn trên, chờ sáng hôm sau mới có đường để đi."

Mấy năm qua từ khi Lâm Thanh Nhiễm chào đời, Lưu thị vì chuyện nạp thiếp cho nhi tử mà ở lại Lâm phủ, cho nên các nàng mới không cần về quê ăn Tết.

Lúc các nàng đang trò chuyện, đoàn xe ngựa ngừng lại trước một hàng ăn ở thị trấn. Mồng một đầu năm mới, ai nấy đều đi chơi Tết cả, cả thị trấn cũng chỉ có lác đác vài cửa hàng còn mở cửa buôn bán. Gia nhân (*) xuống xe đi mua bánh màn thầu về, tuy rằng bánh được làm đơn giản nhưng rất chất lượng, nóng hầm hập, hương vị ăn vào cũng không tồi, khá tương tự món ăn do Lý mụ mụ làm.

(*) Gia nhân: Người làm (hầu) trong nhà

Thời gian nghỉ ngơi mất khoảng một nén nhang, sau đó đoàn xe lại bắt đầu lăn bánh.

Đường về thôn gập ghềnh khó đi, xe ngựa xốc nảy cả đoạn đường. Lâm Thanh Nhiễm vốn không phải bị mệt do ngồi xe lâu, cuối cùng cũng bị xốc đến nỗi say xe.

Cả người nàng uể oải tựa vào ngực Nhị tỷ tỷ. Mành cửa sổ được kéo ra một chút, chừa ra một khe hở đủ cho gió lạnh thổi vào, giúp nàng nhuận khí.

Vất vả giày vò cả hành trình, cuối cùng cũng đến được thôn. Lâm Thanh Nhiễm mặt mày tái nhợt, chỉ có thể ngoan ngoãn cho Nhị tiểu thư bế xuống xe. Lý mụ mụ từ xe sau đi tới, xót xa bế nàng ôm trong lồng ngực, sờ sờ trán và mặt nàng, lo lắng không thôi.

Vừa xuống xe nàng đã thấy đỡ hơn rất nhiều rồi. Lâm Thanh Nhiễm xuống đất đứng, hít sâu vài lần, cảm nhận không khí mát lành, cả người thoải mái hẳn lên. Lục thị bồng tiểu Thất đi tới xem nàng, nói: "Cảm thấy khó chịu thì nhớ nói với ta, để ta thỉnh đại phu đến xem sao, cũng đừng đứng ngoài này lâu quá kẻo phong hàn."

"Mẫu thân, nữ nhi không sao" – Lâm Thanh Nhiễm cười trấn an rồi bắt đầu quan sát cảnh vật chung quanh, cả thôn xóm bình dân được tuyết trắng bao phủ phau phau. Xe ngựa dừng lại trước một đại trạch, so với các nhà còn lại thì lớn hơn rất nhiều, chỉ nhìn tường ngói và cửa lớn đã thấy cao hơn người ta không ít. Trên cửa lớn có treo biển hiệu viết rõ hai chữ "Lâm gia".

Một đoàn xe ngựa dừng lại thu hút không ít sự chú ý. Không đợi người đến gõ cửa, mấy người hàng xóm nhiệt tình hét to: "Lâm đại nương, nhi tử của bà đã về rồi này."

Rất nhanh đã có người ra mở cửa. Lưu thị nhìn người nhà đứng đầy bên ngoài, vội ra gọi bọn họ vào trong.

Lúc này đã là chạng vạng, đang mùa tuyết rơi nên sắc trời hơi ảm đạm. Người đến chúc Tết đều lựa lúc sáng sớm mà đi nên bây giờ ở Lâm trạch chỉ có người nhà Lâm Đại bá.

Lưu thị kéo áo nhi tử, nhìn qua nhìn lại, chau mày hỏi: "Sao lại gầy đi rồi?"

Lâm Thanh Nhiễm đang đứng phía sau, nghe vậy liếc nhìn phụ thân một cái. Dạo này được nghỉ Tết, mấy ngày nay phụ thân nàng đều phải ra ngoài dự tiệc xã giao, rõ ràng là béo lên vậy mà tổ mẫu lại bảo gầy.

Lưu thị ân cần hỏi han Lâm Văn Tích hồi lâu, mới chỉ chuyển đi hơn hai tháng mà nhìn như xa cách thiên thu được hội ngộ.

Lục thị dắt các nàng về hậu trạch, bắt đầu sắp xếp chỗ ở. Lâm Thanh Nhiễm cùng Nhị tỷ và Tam tỷ ở chung một phòng. Phòng ốc ở đây có giường đất (*), Lâm Thanh Nhiễm cảm thấy thú vị, tò mò sờ thử chăn nệm, rất ấm áp.

(*) Giường đất: Lúc xây nhà thì xây luôn giường, bên dưới giường có bếp lửa hoặc có ống liên kết với nhà bếp để tận dụng hơi nóng làm ấm giường 

Nhị tiểu thư Lâm Thanh Nghiên thấy nàng hứng thú, cười nói: "Thấy lạ đúng không? Lần đầu tiên ta về đây cũng cảm thấy thú vị. Ở Lâm phủ thì phải có chậu than để giữ ấm, còn giường đất này tiện hơn, một công đôi việc (*)".

(*) Chắc giường đất này là loại có ống thông với nhà bếp, dùng lửa nấu ăn làm lửa sưởi ấm luôn nên nói "một công đôi việc"

Lâm Thanh Nhiễm còn chưa kịp trèo lên ngồi thử thì nha hoàn bên người tổ mẫu đã đến báo đã chuẩn bị xong cơm nước, thỉnh các nàng sang dùng thiện (*).

(*) thiện: bữa ăn

Mới vừa nãy khi các nàng vừa tới chỉ thấy mỗi nhà Đại bá phụ, còn bây giờ tại thính đường, trước mặt Lâm Thanh Nhiễm là sáu bảy bàn ăn toàn người là người. Tỷ muội các nàng vừa đi đến cửa, mọi người liền quay sang nhìn các nàng. Lâm Thanh Nhiễm quan sát, ngoài các nàng ra còn khá nhiều tiểu hài tử khác, ít nhất cũng ngồi đủ hai bàn.

Đợi mọi người đến đủ cũng không mất nhiều thời gian, rất nhanh liền khai thiện. Bữa cơm ở quê chính là như vậy, đông người náo nhiệt. Hôm nay còn là mồng một đầu năm, Lưu thị mời hết những người quen của Lâm gia đến dùng bữa. Mọi người đến đây đều biết danh tiếng của Nhị nhi tử Lâm gia, muốn nhân bữa cơm này bắt chuyện làm quen, để cho mình được dính chút phúc khí. Đặc biệt là đám tiểu hài tử kia, nếu có đứa may mắn lọt vào mắt xanh của Lâm Đại học sĩ, được ông nhận làm đệ tử môn sinh thì tiền đồ tương lai chẳng còn vấn đề gì nữa.

Có người chỉ hấp hé tâm tư ở trong lòng, nhưng có người mạnh dạn hành động thực tế. Ăn cơm chung tất nhiên phải trò chuyện qua lại, cho nên có người tranh thủ gọi tiểu hài tử nhà mình đến trước mặt Lâm Văn Tích, để sắp nhỏ hành lễ với ông. Đứa lớn thì đọc vài câu thể hiện những gì mình đã học được, đứa nhỏ thì bày trò phô diễn đáng yêu.

Có người suy nghĩ đơn giản hơn. Vì Lâm Văn Tích là người đi lên từ thôn nhỏ này, cho nên họ cảm thấy chỉ cần bái ông một cái, nhận được vài câu khích lệ của ông là hài tử của mình cũng sẽ được như ông.

Người lớn đang nói chuyện không có chỗ cho Lâm Thanh Nhiễm các nàng xen vào. Chuyến hành trình ban ngày đã rút kiệt sức người, các nàng nhanh chóng thỉnh an tổ mẫu rồi lui về phòng ngủ.

Ngày hôm sau, khách đến Lâm trạch vào ra như nước, không chỉ bà con hàng xóm gần đây mà còn có người quen từ trấn trên đến nữa. Tất nhiên không phải ai đến cũng là người có tâm tư sâu xa, Tết nhất mà, tới thăm hỏi vài câu cho vui... 

Liên tục từ mồng hai đến mồng bốn Tết, cửa lớn của Lâm trạch giống như sắp bị đạp vỡ. Lâm Thanh Nhiễm lần đầu đón Tết ở đây nên giật mình kinh ngạc, còn mấy tỷ tỷ của nàng đã sớm nhìn quen sự đời.

Khỏi cần nói cũng biết tổ mẫu các nàng hưởng thụ cảm giác thổ khí dương mi (*) này như thế nào. Nhi tử của bà có tiền đồ, cả nhà bà được thơm lây. Toà Lâm trạch này, rồi cả cửa hàng của Lâm gia ở thị trấn đều lànhờ Nhị nhi tử mà có được. Nửa đời trước sống quá cơ cực, hiện giờ đã là lúc khổtận cam lai (**), ngồi mát hưởng phước.

(*) Thổ khí dương mi: nở mày nở mặt

(**) Khổ tận cam lai: chịu khổ đến cuối thì được sung sướng

Sáng mồng năm, Lâm Văn Tích chuẩn bị cùng thê nhi trở về kinh thành. Bốn năm ngày Tết đều ở lại dưới quê, bây giờ cũng nên hồi phủ mở tiệc chiêu đãi khách nhân thôi.

Lưu thị chuẩn bị đồ ăn cho họ lên đường. Lúc tiễn đến cổng lớn, bà giương mắt chờ nhi tử mở lời, thật ra bà luôn trông mong nhi tử mời bà trở về Lạc Đô.

Có điều trời không chiều lòng người. Lâm Văn Tích trước nhờ huynh trưởng chăm sóc tốt mẫu thân, sau khuyên bảo mẫu thân bảo trọng thân thể. Lúc mọi người đang định lên xe ngựa, cách đó không xa có người đội tuyết chạy đến, miệng còn hô bọn họ chờ một chút.

Lâm Thanh Nhiễm chưa lên xe ngựa, nàng đưa mắt nhìn qua hướng giọng nói truyền đến. Đó là hai người thôn dân mặc áo bông giản dị dắt tay một nam hài khoảng bảy tám tuổi chạy đến đây.

Ba người hổn hển chạy đến đối diện với Lâm Văn Tích. Nam nhân thúc giục nam hài vài câu, hài tử liền hiểu chuyện quỳ mạnh xuống nền đất thình thịch một tiếng, trẻ con chưa vỡ giọng, non nớt nói: "Khẩn cầu Lâm đại nhân nhận ta làm đệ tử. Mạnh Hiền luôn ngưỡng mộ tài trí của Lâm đại nhân, hi vọng có thể theo sau Lâm đại nhân học tập."

Hắn nói rồi dập đầu xuống nền đất rất thành khẩn. Nam nhân cùng phụ nhân cũng quỳ thụp xuống, chân thành khẩn cầu: "Bẩm Lâm đại nhân, Mạnh Hiền nhà chúng ta từ nhỏ hiếu học. Cầu đại nhân thu hắn làm đệ tử."

Đây là lần đầu tiên Lâm Văn Tích gặp trường hợp thẳng thắn quỳ xuống bái sư như thế. Không ít người vây xung quanh hóng chuyện, Lâm Văn Tích đỡ bọn họ đứng dậy, hỏi nam hài: "Ngươi bao nhiêu tuổi? Đã đi học được mấy năm rồi?"

"Bẩm đại nhân, Mạnh Hiền năm nay chín tuổi, đã đến học đường được bốn năm. Sang năm ta sẽ tham gia thi Đồng sinh."

Nhìn phục trang của đôi phu phụ kia liền biết gia cảnh cũng không khá giả gì. Sinh sống ở vùng nông thôn, lại một lòng cố gắng cho hài tử được đọc sách thật là không dễ dàng. Ngặt nỗi không phải cứ đập nồi bán sắt (*) đi học là sẽ có tiền đồ, đa số người không đậu nổi Đồng sinh, sau mấy năm đọc sách lại bỏ cuộc về nhà làm ruộng.

(*) Đập nồi bán sắt: dốc hết của cải, có bao nhiêu dốc hết bấy nhiêu

"Nếu các ngươi đã đến đây cầu Lâm mỗ ta thu nhận đệ tử, hẳn cũng có tìm hiểu qua và biết Lâm mỗ không nhận tiểu hài tử". Không quan tâm kẻ đến thông minh đến mực nào, hiện tại hai môn sinh của ông đều là người đã vượt qua kỳ thi Đình mới được nhận. Ông nhận đệ tử không phải để dạy đọc sách học chữ, mà là dạy làm quan, để đào tạo ra vị quan thanh liêm vì nước vì dân.

"Bẩm Lâm đại nhân, chúng ta nhà nghèo con đông, may mắn có một đứa nhỏ này có chí hiếu học, cả nhà đều dốc sức cố gắng để hắn được đến nơi đến chốn. Cầu xin đại nhân ngài nể tình là người đồng hương, người cùng thôn mà thu nhận hắn làm đệ tử".

Vị phụ nhân kia lại quỳ xuống, gia nhân đứng cạnh Lâm Văn Tích vội bước lên đỡ bà. Lâm Văn Tích quan sát hài tử này, nói: "Mạnh Hiền phải không? Nếu ngươi muốn theo Lâm mỗ ta làm môn sinh, không phải chỉ đỗ đạt Đồng sinh là đủ. Ít nhất ngươi phải đỗ đến bậc Cử nhân thì lúc đó mới có tư cách đến tìm ta bái sư. Còn việc nhận hay không nhận, ta sẽ cân nhắc chứ không hứa hẹn gì."

Nam hài tử tên gọi Mạnh Hiền là người có chí khí, nghiêm túc gật đầu, mạnh dạn hỏi lại: "Sau khi có danh tại kỳ thi Đình, ta liền có thể đến tìm Lâm đại nhân bái sư thật sao?"

Nếu từ trong thôn nhỏ này xuất ra được một nhân tài như vậy, Lâm Văn Tích sẽ rất vui lòng giúp đỡ. Ông đưa mắt nhìn phụ mẫu của tiểu nam hài này, giống như thấy được năm xưa mẫu thân cùng đại ca đã trả giá thế nào để ông được đi học. Sinh ra phận con nhà nghèo, cái nghèo thật sự có thể biến thành vật cản lớn nhất trên con đường bước tiếp. Lâm Văn Tích hỏi nhỏ Lục thị, bà giao cho ông một thỏi bạc, ông đưa cho phụ thân đứa trẻ, nói: "Ta chỉ có thể giúp đến đây."

Lâm Thanh Nhiễm khẽ nhìn nam hài tử hiếu học quật cường kia, không hiểu sao lại giống như được diện kiến một vị kiệt ngạo danh nhân. Tỷ tỷ kéo nàng lên xe ngựa, nàng muốn kéo rèm ra nhìn tiếp nhưng tầm mắt đã bị chắn, không hóng hớt được gì.

Ở ngoài đường, một nhà ba người được Lâm Văn Tích cho bạc, cảm động cảm tạ không ngớt.

Lâm Văn Tích cười gật đầu, nhìn qua tiểu hài tử lần cuối rồi xoay người lên xe ngựa, mẫu tử Lục thị đã đợi ông lâu rồi.

Xe ngựa rời khỏi thôn, Lâm Thanh Nhiễm vén rèm nhìn lại đằng sau. Tại khúc ngoặt, ngoài tổ mẫu và nhà Đại bá phụ còn có một nhà ba người ấy đứng trông theo. Xe ngựa càng đi càng xa, bóng người dần dần mơ hồ đến khi chỉ còn là chấm nhỏ...

HẾT CHƯƠNG 7

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro