Dap an cau hoi nhac vien he trung cap 4 nam
CÂU HỎI ÔN TẬP
VẤN ĐÁP TUYỂN SINH VỀ NHẠC LÝ CƠ BẢN
BẬC TRUNG HỌC 4 NĂM TẠI NHẠC VIỆN TP.HCM
CÂU SỐ 1: Những âm thanh sử dụng trong âm nhạc khác với những âm thanh có trong thiên nhiên bởi những đặc tính gì? Hãy kể những đặc tính đó và giải thích.
CÂU SỐ 2: Trong hệ thống âm nhạc, hàng âm có bao nhiêu bậc cơ bản? Có mấy cách gọi tên, hãy kể ra. Muốn biết đổi những bậc cơ bản đó( bằng cách nâng cao hoặc hạ thấp nữa cung hoặc 1 cung) người ta dùng ký hiệu gì?
CÂU SỐ 3: Hãy giải thích ý nghĩa khóa sol dòng 2 và khóa Fa dòng 4. Hãy kể thứ tự các dấu thăng và giáng.
CÂU SỐ 4: Hai con số ( trên và dưới) chỉ loại nhịp trong tác phẩm âm nhạc( viết cạnh khóa), số trên chỉ gì? Số dưới chỉ gi? Thế nào là nhịp lấy đà? Nhịp lấy đà ở vị trí nào trong giai điệu?
CÂU SỐ 5: Tiết tấu là gì? Trọng âm là gì? Đảo phách là gì?
CÂU SỐ 6: Nhịp đơn là gì? Hãy kể ra. Nhịp kép là gì? Hãy kể ra.
CÂU SỐ 7: Nhịp độ là gì? Trong âm nhạc nhịp độ đc ký hiệu bằng gì? Có bao nhiêu nhóm cơ bản? Kể tên từng nhóm nhịp độ mà bạn biết.
CÂU SỐ 8: Trong âm nhạc quãng là gì? Hãy phân biệt sự khác nhau giữa quãng giai điệu và quãng hòa âm.
CÂU SỐ 9: Đảo quãng là gì? Trùng quãng là gì? Hãy giải thích cách thành lập quãng tăng, quãng giảm cho ví dụ.
CÂU SỐ 10: Hợp âm là gì? Hợp âm ba là gì? Nó có mấy loại? Nói cấu trúc của từng loại.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Đây cũng là thắc mắc của 1 số bạn muốn thi vào" trường nhạc" nên tui xin trả lời đáp án những câu hỏi trên
ĐÁP ÁN
1.Những âm thanh sử dụng trong âm nhạc khác với những âm thanh có trong thiên nhiên bởi 4 đặc tính là: cao độ, vang độ, trường độ và màu âm ( hay còn gọi là âm sắc).
Cao độ là độ cao( thấp) của âm thanh. Nó phụ thuộc vào tần số sao động của vật thể rung. Dao động càng nhanh thì âm thanh càng cao và ngược lại.
Vang độ ( cường độ) là độ to( nhỏ) cảu âm thanh . Nó phụ thuộc vào biên độ dao động của vật thể rung. Biên độ dao động càng rộng thì âm thanh càng to và ngược lại.
Trường độ là độ dài(ngắn) của âm thanh. Nó phụ thuộc vào thời gian dao động của vật thể rung. Những vật thể rung nào lúc mới bắt đầu rung có tầm cữ dao động càng rộng thì thời gian tắt dần của nó càng dài ( ngân đc lâu).
Màu âm hay là âm sắc của âm thanh phụ thuộc vào dao động của vật thể tạo ra âm thanh. Ví dụ các nhạc cụ khác nhau khi đánh cùng 1 cao độ sẽ cho những âm sắc khác nhau. Hoặc màu âm của nhạc cụ sẽ khác với giọng hát của con người, giọng nam sẽ khác giọng nữ...
2.Trong hệ thống âm nhạc, hàng âm có 7 bậc cơ bản. Người ta có thể dùng tên gọi hoặc ký hiệu chữ cái để thể hiện những bậc cơ bản đó:
Tên gọi= vần: Đồ rê mi pha son la si
Tên gọi= chữ cái: C D E F G A B( H)
Muốn thay đổi những bậc cơ bản đó( bằng cách nâng cao hoặc hạ thấp cữa cung hoặc một cung) người ta dùng ký hiệu dấu như sau:
Dấu thăng # : Nâng cao ½ cung
Dấu giáng b: Hạ thấp ½ cung
Dấu thăng kép x: Nâng cao một cung
Dấu giáng kép bb: hạ thấp 1 cung
3.Khóa son dòng 2 chỉ ra nốt son thuộc tầng quãng tám thứ nhất nằm trên dòng kẻ thứ hai, từ đó mà suy ra các nốt khác.
Khóa pha dòng 4 chỉ ra nốt pha thuộc tầng quãng tám bé( hoặc thứ hoặc trung) nằm trên dòng kẻ thứ 4, từ đó mà suy ra các nốt khác.
Thứ tự 7 dấu thăng và 7 dấu giáng là:
- Dấu thăng: Pha-đô-son-rê-la-mi-si
- Dấu giáng: si-mi-la-rê-son-đô-pha
4.Trong tác phẩm âm nhạc có hai con số( trên và dưới) đc viết cạnh khóa nhạc để chỉ loại nhịp của tác phẩm đó. Số trên chỉ số phách có trong mỗi ô nhịp. Số dưới chỉ ra độ dài của mỗi phách bằng nốt tròn chia ra làm mấy?
VD: nhịp 2/4 :
Số 2: có 2 phách trong 1 ô nhịp
Số 4: Mỗi phách bằng nốt tròn chia 4=1 đen
Nhịp lấy đà là ô nhịp không đủ số phách quy định. Nhịp lấy đà thường ở đầu bản nhạc. Một tác phẩm có nhịp lấy đà thì ô nhịp cuối cùng của nó là ô nhịp thiếu, sao cho khi cộng độ dài của nhịp lấy đà và ô nhịp kết thúc ta sẽ có 1 ô nhịp đủ.
5.Tiết tấu là sự nối tiếp có tổ chức những âm có trường độ giống nhau hoặc khác nhau.
Để chỉ trường độ các âm người ta dùng một số loại nốt sau:
Nốt tròn; nốt trắng; nốt đen; nốt đơn; nốt kép; nốt tam; nốt tứ..
Trọng âm là nhấn dùng chỉ để tổ chức tiết nhịp, trọng âm thường diễn ra theo một chu kỳ đều đặn, nó có thể lặp lại sau 1,2 hoặc 3 phách,...
Đảo phách ( Syncope) là nốt bắt đầu ở phách nhẹ và kéo dài sang phách mạnh hơn nó sau đó. Âm đầu của đảo phách luôn luôn nhấn mạnh, do đó trọng âm của đảo phách mâu thuẫn với trọng âmcu3a tiết nhịp. Hình thức quan trọng nhất của đảo phách là tương quan 1:1 hoặc 1:2
6.Nhịp đơn là loại nhịp có một trọng âm trong 2 hoặc 3 phách.
-Loại nhịp đơn có 2 phách gồm: 2/1, 2/2, 2/4 , 2/8, 2/16
-Loại nhịp đơn có 3 phách gồm: 3/1, 3/2, 3/4, 3/8, 3/16
Nhịp kép: Loại nhịp đc hình thành do hợp nhất các tiết nhịp đơn giống nhau, vì vậy nó có ít nhất 2 trọng âm. Số trọng âm của nó bằng số trọng âm của các tiết nhịp đơn hợp vào.
Trọng âm của nhịp đơn thứ nhất mạnh hơn trọng âm của các nhịp đơn sau, phách thứ nhất của loại nhịp kép gọi là phách mạnh, còn phách thứ nhất của loại nhịp đơn thêm vào làm thành loại nhịp kép gọi là phách mạnh vừa.
Các loại nhịp kép thường dùng:
Loại 4 phách: 4/2, 4/4, 4/8
Loại 6 phách: 6/4, 6/8, 6/16
Loại 9 phách3+3+3) : 9/4 , 9/8, 9/16
Loại có 12 phách (3+3+3+3) 12/4, 12/8, 12/16
7.Nhịp độ là tốc độ chuyển động của các phách trong tiết nhịp.
Trong âm nhạc nhịp độ đc ký hiệu bằng chữ viết trên khuông nhạc ở đầu tác phẩm hoặc ở từng phần của tác phẩm. Người ta dùng nhiều nhất là tiếng Ý để biểu hiện
Có 3 nhóm nhịp độ cơ bản:
Nhịp độ chậm:
Largo : cực chậm
Larghetto: Rất chậm
Lento : Chậm chạp, thong thả
Adagio : Chậm
Grave: nặng nề
Nhóm nhịp độ vừa( Trung bình)
Andante: Chậm vừa, ko vội vã
Andantino: Hơi chậm
Moderato: Vừa phải
Sostenuto: Kìm nhịp
Comodo : Dễ dàng, yên tỉnh
Allegretto: Hơi nhanh, đầy sức sống
Nhóm nhịp độ nhanh:
Allegro: Nhanh, sôi nổi
Vivo: Sôi nổi, nhộn nhịp
Vivace: Rất nhộn nhịp
.......
8.Trong âm nhạc, quãng là sự kết hợp hai âm đồng thời hoặc kế tiếp nhau.
Âm dưới của quãng gọi là âm gốc
Âm trên của quãng gọi là âm ngọn
- Quãng giai điệu là quãng kết hợp hai âm nối tiếp nhau. Quãng giai điệu có thể đi lên( đọc từ âm gốc đến âm ngọn) hoặc đi xuống ( ......ngọn......gốc)
- Quãng hòa âm là quãng kết hợp hai âm cùng một lúc. Quãng hòa âm đc đọc từ âm gốc đến âm ngọn.
9.Đảo quãng là sự chuyển đảo âm ngọn xuống một quãng tám hoặc chuyển âm gốc lên một quãng tám. Do kết quả đảo quãng sinh ra một quãng mới. Tổng cộng quãng mới và quãng ban đầu ( khi chưa đảo quãng) là một quãng tám.
Trùng quãng là quãng nghe như nhau nhưng ý nghĩa và viết khác nhau. Trùng quãng hình thành trên cơ sở trùng âm nằm trong đó.
Cách thành lập quãng tăng và giảm:
Quãng tăng là quãng mà số bậc ( giá trị số lương) như quãng đúng hoặc trưởng nhưng nó rộng hơn nữa cung Chromatique( giá trị chất lượng lớn hơn quãng đúng hoặc trưởng nữa cung Chromatique.
Do đó các quãng tăng có thể đc thành lập từ các quãng đúng hoặc trưởng.
VD : Quãng 2T--> q 2+
q 5 Đ → q 5+
Quãng giảm là quãng mà số bậc( giá trị số lượng) như quãng đúng hoặc thứ nhưng nó hẹp hơn nữa cung Chromatique( giá trị chất lương hẹp hơn quãng đúng hoặc thứ nữa cung Chromatique). Do đó các quãng giảm có thể thành lập từ các quãng đúng và thứ.
VD: q 3t--> q 3-
q 4 Đ--> q 4-
10. Hợp âm là sự kết hợp cùng lúc 3 âm hay nhiều âm hơn nữa, sắp xếp theo quãng 3
- hợp âm ba là hợp âm gồm 3 âm đc sắp xếp theo quãng 3.
Hợp âm 3 có 4 loại:
Hợp âm ba trưởng: Gồm quãng 3 trưởng ở dưới, quãng 3 thứ ở trên, ngoài cùng là quãng 5 đúng.
Hợp âm ba thứ: Gồm quãng 3 thứ ở dưới, quãng 3 trưởng ở trên, ngoài cùng là quãng 5 đúng.
Hợp âm ba tăng: Gồm 2 quãng 3 trưởng chồng lên nhau, ngoài cùng là quãng 5 tăng.
Hợp âm ba giảm: Gồm 2 quãng 3 thứ chồng lên nhau, ngoài cùng là quãng 5 giảm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro