5. Nhân Quả
Anh đồ gác bút lên nghiên mực, trầm ngâm ngắm nghía lại bức tranh chữ vừa hoàn tác. Đường nét có nhu có cương, thanh thoát mà dứt khoát, tôi thầm đánh giá một tiếng: "Đẹp!"
Song nhìn hai chữ Nhân Quả đề to trên giấy, tôi lại không khỏi thắc mắc mà hỏi anh ta:
- Hai chữ này ý làm sao?
Anh đồ nhướng mày nhìn tôi:
- Ý ngay trên mặt chữ, chẳng rõ quá còn gì? Chả lẽ chú tiểu lại không hiểu được hai chữ quen thuộc này?
- Tôi không phải chú tiểu.
- À, ừ nhỉ! Tôi quên mất chú không tu Phật. Thế đạo mà chú đang tu không nói về Nhân Quả à?
- Có. Nhưng ý tôi là vì sao anh lại viết ra hai chữ này.
Anh đồ chớp mắt cười lửng:
- Viết vu vơ thôi. Mà... hình như con người ta hễ đặt bút viết vu vơ thì thường là những thứ ám ảnh trong lòng.
- Anh ám ảnh về Nhân Quả?
- Gần như thế.
Tôi hỏi tò mò hỏi kỹ hơn. Anh ta đáp rằng có lẽ bản thân đã chứng được Nhân Quả một cách yên bình nhất, nhưng cũng đủ để nể sợ hóa công.
Chúng sinh thường được rao giảng về nhân quả luân hồi, về tiền sinh hậu kiếp. Có người tin, có kẻ không. Song trong những người tin, được bao người thật sự hiểu. Phải chăng trong tâm thức họ nhân quả là ẩn thân của Thiện - Ác, là kiếp trước kiếp này, là trời đày trời phạt? Họ được cho biết rằng Nhân Quả luôn hiển hiện quanh mình, ấy nhưng họ hiểu thế nào là "luôn hiển hiện"? Một con mắt thần linh từ trên cao vọng xuống thế nhân, thầm ghi nhớ công tội rồi phân xử đúng sai, đen trắng? Họ thấy được quả đắng của người, vậy có bao giờ tự nhận ra nghiệp báo của chính mình?
- Hai tiếng Nhân Quả nghe có chiều nặng nề, đáng sợ, làm người ta cứ liên tưởng đến những thứ kinh động, khiếp vía. Nhưng chú biết gì không? Bỗng có một ngày tôi nhận ra Nhân Quả chẳng qua chỉ là những bài học – rất thường, nhưng quý, và không phải lúc nào cũng quá khắc nghiệt theo cách hiểu thông thường.
Tôi khẽ gật gù tán thành, đoạn nói thêm vào:
– Thầy tôi dạy, quả cũng có quả độc quả lành, riêng quả độc cũng có độc nhiều độc ít... Tùy vào nhân anh trồng cả.
– Vâng. – Anh đồ đáp, giọng bỗng nhẹ bẫng đi – Tạm không bàn về quả lành, nếu chỉ nói riêng về quả xấu, chú nghĩ liệu người ta có dễ dàng nhận biết được nhân quả tự thân trước mắt nếu nó không đủ "mạnh" theo cách hiểu của thế tục hay không? Ý tôi là, chú đã tạo nghiệp không tốt nhưng nó chưa quá nặng, và rồi nghiệp báo kết thành cũng chưa đến độ tàn khốc để làm chú giật mình nhận ra hiện thân của Nhân Quả...
– Tôi hiểu ý anh. Việc đó chắc còn tùy vào ngộ tính của mỗi người vậy. Nếu ngộ sớm ngay từ những thứ còn nhẹ nhàng thì sẽ đỡ phải ngu dại mà mắc sai lầm sâu hơn, rồi phải chịu những quả nặng hơn. – Nói đoạn, tôi chợt quay sang hỏi anh ta – Thế quả của bản thân mà anh nhận thấy là gì?
Anh ta phì cười, cúi đầu nhấp một ngụm chè tươi rồi thong thả đáp:
– Nhân Quả là thứ phức tạp, chồng chéo từ vô thỉ kiếp trước đến đời hiện tại, tôi chưa rèn được tuệ nhãn để nhìn thấu tất cả. Thứ tôi nhìn thấy chỉ là Nhân Quả tức thì ở hiện kiếp, trồng đó rồi gặt đó, không phải đợi đời sau.
Chắc chú không biết cái mộng ngày xưa của tôi đâu nhỉ! Đó là cái chí đạp gió cưỡi mây, sống một đời phi thường. Làm quan trên chính trường, phải dự vào hàng trụ cột triều đình; làm tướng nơi trận mạc, phải tạc ngàn chiến công hiển hách; ngay cả làm một văn sĩ nhàn cư cũng phải có tuyệt tác truyền lại đời đời. Đối với một kẻ có thực tài, ấy không phải những mơ tưởng hão. Nhưng kẻ có tài cũng dễ sinh kiêu mạn, và chính cái kiêu mạn đó sẽ giết dần giết mòn gã... cho đến khi gã hiểu được cảm giác của một "người tầm thường" qua những lần chiến bại.
Ở làng này tôi cũng được xếp vào hạng chức sắc, được người làng trọng vọng. Nếu an phận sống đời thanh nhàn, ngày gõ đầu trẻ, đêm về ngẫm sách, có lẽ cuộc sống của tôi cũng được xem là dễ chịu. Song khổ đau thật sự là từ tâm sinh. Tâm của một kẻ tự cho mình có tài, một kẻ cố chấp và cái sỉ cao, gã xem việc không đỗ đầu ngay lần thi thứ nhất là một sự sỉ nhục – mặc dù gã vẫn còn cơ hội để "phục thù". Nhưng ai hiểu được đây? Gã trước giờ luôn cảm thấy mình hơn người, làm gì được đó, đánh đâu thắng đó. Rồi bỗng một ngày gã thua thảm hại bởi những kẻ hơn mình, gã nhận ra núi cao còn có núi cao hơn, và gã mặc định ấy là một vết ố trong đời gã, gã quằn quại vì lòng tự tôn bị chà đạp - bởi chính mình. Thế là gã sụp vào cái hố do bản thân đào ra, ngày ngày quanh quẩn trong bóng tối, chữ nghĩa cũng dần méo mó, bầm giập do lòng gã loạn động, điên cuồng và rối rắm. Rồi gã lại tiếp tục hụt bước trên hoạn lộ, gần hơn một chút với những kẻ mà ngày trước bị gã cho là tầm thường. Có trời mới biết nỗi khổ nực cười và gàn dở này đã hủy hoại hồn hắn ra sao.
Đấy, cần gì khố rách áo ôm, cần gì dầm sương dãi nắng, cần gì nghiệt ngã trái ngang thì mới khổ. Con người ta có thể khổ ngay trên nhung lụa, ngay trên cảnh sống nhàn hạ. Hễ lòng chưa thấy đủ, cầu bất đắc, chấp niệm sâu... đã thành khổ.
Thế cái khổ được đem tới do mông muội, sai lầm từ quá khứ có được xem là quả không. Tôi cho là có đấy, bất kể nó hiện thân ra sao. Ấy là bài học mà tôi vừa là thầy vừa là trò, một bài học tôi cần học để bớt đi thói ngạo đời. Chỉ khi tôi nhận ra đó chính là Nhân Quả, tôi mới có thể thoát khỏi vũng lầy tự tạo, lưng thẳng mà đi.
– Anh đã ngộ ra được điều này, nghĩa là anh đã tìm lại được hướng ánh sáng. Anh còn trẻ, vẫn chưa quá lỡ làng đâu. Đừng suốt ngày sầu muộn quá thế! Tôi cũng tin là anh chẳng phải hạng tầm thường. – Tôi nói, ngay khi anh ta dứt lời.
Lần này khóe môi anh đồ trẻ không còn cái điệu cười lờ lững thường trực nữa. Mặt anh nghiêm hẳn lại, mắt hướng ra xa xăm nắng, đáp nhẹ một tiếng:
– Ừ...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro