Chương 1: Lão Dương ra tù
Chỉ vài chữ ngắn gọn lại thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi.
【Cá ở chỗ tôi.】
Cá gì? Chẳng lẽ là Xà mi đồng ngư?
Theo hình vẽ khắc trên đá trong cổ mộ, ba con Đồng ngư kỳ lạ này có đầu đuôi nối liền với nhau, hiện giờ trong tay tôi đã có hai con, hẳn là còn một con Đồng ngư nữa đồng bộ với hai con này. Ý nghĩa của câu nói khó hiểu trên là gì? Không phải là muốn ám chỉ con cá cuối cùng đang nằm trong tay hắn đấy chứ?
Người đưa ra thông tin đã có tấm hình này, lại biết cả chuyện về Đồng ngư, liệu có phải là một trong số những người mất tích vào năm đó hay không?
Tôi cẩn thận xem qua trang web một lượt, thời gian đăng tin là hai năm trước. May mà trang web này chưa bị đóng cửa, không thì thông tin này chắc chắn đã sớm biến mất trên mạng rồi. Nhưng thông tin này ngoài một câu đó ra thì không có bất cứ chữ ký hay phương thức liên lạc nào khác.
Tôi cảm thấy có phần khó hiểu, nếu là tìm người sao lại không để lại cách thức liên lạc, thế này chẳng phải là phí công sao?
Tôi chuyển sang lục lọi trên Google, hy vọng có thể tìm được nhiều thông tin hơn, nhưng lục đi lục lại một hồi cũng chỉ tìm được duy nhất một tin ấy.
Tôi không khỏi chán nản, song đây đã là phát hiện lớn lắm rồi, ít ra có thể chứng tỏ vẫn có người biết đến chuyện của 20 năm trước, vậy thì người này rốt cuộc là ai?
Không lâu sau, cơn bão chết tiệt kia cuối cùng cũng chịu tan. Ngày hôm sau, có tàu Quỳnh Sa xuất phát từ Thanh Lan thuộc Văn Xương ghé qua, chúng tôi thấy không thể chờ mãi ở đây, bèn thu dọn hành lý chuẩn bị trở về.
Trước lúc rời đi chúng tôi có đến quân y viện tìm A Ninh nhưng không thấy, hỏi bác sĩ mới biết mấy ngày trước, lúc cơn bão vẫn chưa dứt, có một người nước ngoài đội mưa bão đột ngột xuất hiện đón cô ấy đi rồi, ông ấy còn tưởng người đó đi cùng chúng tôi. Hơn nữa gió lớn làm đứt dây điện thoại, mà chỗ bọn họ thì không ai rảnh rỗi đi làm việc tốt nên cũng không thông báo cho chúng tôi.
Trong lòng tôi hiểu rõ, hẳn là người tiếp ứng của A Ninh trên đảo đã đưa cô ấy đi. Mấy ngày qua hòn đảo nhỏ này bị bão cô lập, dù chúng tôi có muốn ngăn cản cũng đành chịu.
Bàn Tử bực tức mắng mỏ, nói thế là quá dễ dàng cho cô ả rồi. Tôi thì không khỏi thở phào nhẹ nhõm, vì tôi vốn không biết nên xử trí cô ấy như thế nào cho phải, giết thì dĩ nhiên không được, cũng không thể nghiêm hình bức cung. Chuyện xảy ra thế này chính ra lại hợp ý tôi, đi thì đi đi, dù sao cô ta cũng đâu có làm gì được chúng tôi.
Có điều, hình như công ty của họ vào hải đấu không chỉ đơn giản là đi cứu người, rốt cuộc bọn họ có mục đích gì? Giữa chú Ba và bọn họ đã xảy ra chuyện gì? Những người còn lại hiện giờ ở đâu? Những bí mật còn bị che giấu không biết đến khi nào mới lộ ra khỏi mặt biển Tây Sa tĩnh mịch xanh thẳm.
Nói tóm lại, chúng tôi theo tàu Quỳnh Sa vòng về đại lục. Hai ngày sau, tại sân bay ở hải cảng, tôi chia tay với Muộn Du Bình và Bàn Tử, lên máy bay đi Hàng Châu. Cuộc sống hiện đại thật là thuận tiện, bốn tiếng đồng hồ sau tôi đã về đến nhà.
Hoạt động mạnh liên tục trong thời gian dài đã khiến tôi kiệt sức, mấy ngày sau đó tôi ngủ mê man, mỗi ngày chỉ thức dậy có một lần, đều là bị cơn đói đánh thức, sau đó vớ đại thứ gì đó trong tủ lạnh để bỏ bụng, ăn xong lại lăn ra ngủ, thấm thoắt đã qua hai tuần. Có người bạn còn tưởng tôi đã chết dí trong nhà bèn tìm đến, tôi mới chợt nhận ra mình đã nghỉ ngơi đủ rồi.
Ngủ quá nhiều nên cả người tôi đều khó chịu. Đầu tiên tôi gọi điện thoại cho Vương Minh hỏi về tình hình làm ăn của cửa hàng, ngoại trừ buôn bán ế ẩm ra thì tất cả bình thường. Thật ra thì buôn bán ế ẩm cũng là chuyện dễ hiểu, ông chủ đi vắng mà buôn may bán đắt mới là lạ. Sau đó tôi lại gọi cho cô Ba, bà Sáu, dượng Bảy, hễ là người thân thích có lui tới với chú Ba tôi đều hỏi qua một lượt, xem thử họ có biết hiện giờ chú Ba đang ở đâu không, nhưng đều không có kết quả. Cuối cùng tôi gọi đến cửa hàng của chú Ba, một cậu nhân viên của chú nhận điện thoại, tôi hỏi: "Chú Ba tôi đã trở lại chưa?"
Cậu ta chần chừ một chút mới đáp lời: "Tam Gia vẫn chưa trở lại, nhưng có một quái nhân tự xưng là anh em với cậu, hỏi chúng tôi cậu đang sống ở đâu. Tôi không biết lai lịch hắn như thế nào, nhưng trông hắn có vẻ gian gian, không giống người tốt nên tôi đã thay cậu đuổi hắn đi rồi. Trước khi hắn đi có để lại một số điện thoại, hay là cậu cứ gọi thử xem sao?"
Tôi ngẩn ra một chút, trong lòng cảm thấy kỳ lạ, tôi có rất nhiều bạn bè sơ giao ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng biết tìm đến chỗ chú Ba để hỏi tin tôi thì cũng không được mấy người, suy nghĩ một chút bèn hỏi hắn: "Người đó bao nhiêu tuổi?"
"Tôi không nói chính xác được, đại khái chắc cũng tầm tầm tuổi cậu, nhìn qua có vẻ từng trải hơn cậu một chút, đầu tóc húi cua, mắt tam giác, mũi rất cao, có đeo kính, còn đeo một chiếc hoa tai, nhìn qua chẳng biết là Trung hay Tây, chẳng ra làm sao cả."
"Chẳng ra làm sao cả?", tôi lặp lại câu nói của cậu ta, thầm hỏi rốt cuộc đó là ai mới được chứ. Đang ngẫm nghĩ trong lòng bỗng dưng giật thót, bèn hỏi cậu nhân viên kia: "Người đó nói chuyện không được lưu loát lắm phải không?"
"Đúng, đúng, đúng..., chỉ mỗi một câu mà tên kia cà lăm đến mấy chục lần mới nói cho xong."
Tôi đã biết đó là ai, trong lòng không khỏi vui sướng, vội ghi lại số điện thoại rồi gọi sang. Chỉ chốc lát sau đã nối máy được, từ đầu dây bên kia truyền lại một giọng nói nửa thân quen nửa xa lạ: "Ai... ai... ai đó?"
Tôi cười ha ha: "Tôi đập chết cậu bây giờ! Đến cả giọng tôi mà cũng không nhận ra là sao?"
Hắn lặng đi mất một lúc, sau đó phấn chấn hú lên vài tiếng, kêu to: "Ba... ba... ba năm không nghe cậu nói chuyện, tất nhiên là nghe... nghe không ra, cậu xem giọng của cậu đi, đúng là trưởng thành cả rồi."
Sống mũi tôi cay cay, thật muốn rơi nước mắt, liền mắng: "Cậu còn mặt mũi nào mà nói tôi, mấy năm qua không thèm liên lạc thư từ với tôi lấy một lần, tôi còn tưởng cậu đã chết mất xác ở đâu rồi chứ!"
Ở đầu dây bên kia chính là lão Dương, tên thật của hắn là gì tôi đã quên mất rồi. Tôi với hắn là bạn nối khố cùng nhau lớn lên, chuyện gì cũng cùng nhau trải qua, có một thời gian còn thân thiết gắn bó với nhau như với chính bản thân mình vậy. Nhà hắn tương đối khó khăn, sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm thì đến làm công trong cửa hàng của tôi. Đừng nghĩ hắn nói năng không lưu loát, thực ra miệng lưỡi lừa tình ngoại hạng, hai người ngưu tầm ngưu mã tầm mã, kinh doanh bát nháo cũng tự do tự tại sống qua ngày.
Không ngờ ba năm trước, tên nhóc này lại học thói xấu, theo một người anh họ ở Giang Tây đi Tần Lĩnh đổ đấu cho biết, kết quả là bị bắt. Ông anh họ trực tiếp lãnh án chung thân, còn hắn dựa vào miệng lưỡi dẻo quẹo của mình, tự biến mình thành một anh thanh niên lương thiện bị đám bất lương trong xã hội lừa bịp dụ dỗ, cuối cùng vớt vát chỉ phải ở tù có ba năm. Thời gian đầu tôi còn đi thăm hắn, nhưng tên nhóc này sĩ diện ngất trời, không thèm ra gặp tôi. Sau này tôi lại dọn nhà, cứ thế mà mất luôn liên lạc, không ngờ giờ hắn đã được ra tù.
Lại nói đến chuyện hắn đi đổ đấu, tôi cũng có trách nhiệm rất lớn. Từ nhỏ tôi vẫn luôn khoác lác trước mặt hắn rằng ông nội tôi lợi hại như thế nào, còn đem bảo bối của ông nội ra khoe với hắn, xem ra từ lúc đó hắn đã có ấn tượng rất sâu sắc về nghề này. Tên nhóc này gan to cùng mình, hồi còn nhỏ luôn là tôi gợi ý cho hắn gây chuyện rồi gặp rắc rối, nhưng tôi hoàn toàn không ngờ chuyện nguy hiểm chết người như thế mà hắn cũng dám đâm đầu vào làm.
Những điều tôi muốn nói với hắn suốt ba năm qua, đã bắt đầu thì không thể dừng lại được! Tôi nói cực kỳ khí thế, nói đến mỏi miệng, di động cũng đã nóng lên mà vẫn chưa thỏa lòng, mãi mới bảo hắn: "Mẹ nó, buổi tối cậu rảnh không, thằng bạn chí cốt này muốn mời cậu dùng cơm, chúng ta đi ra ngoài nhậu một trận cho thoải mái."
Lão Dương cũng đang hào hứng, liền đáp: "Đương... đương nhiên rồi, ba năm qua ông đây chưa được đụng tới miếng thịt nào, lần này phải ăn cho thỏa thích!"
Chuyện này quyết định như vậy, tôi cũng hưng phấn đến ngủ không yên giấc, tắm rửa qua loa rồi dọn dẹp một vòng trong nhà, sau đó đến quán ăn trước chờ tên nhóc kia. Tôi nhìn một lượt thực đơn, món thịt nào cũng gọi lên một phần. Trời chưa kịp tối tên nhóc đó đã đến, tôi vừa nhìn, ơ hay, tên nhóc này cũng giỏi thật, ngồi tù ba năm mà còn mập ra cho được.
Hai người bạn cũ chúng tôi gặp lại, không nói hai lời đã thủ tiêu cả nửa bình rượu ngũ lương. Nhớ lại cuộc sống trước kia, lại nghĩ đến tình cảnh bây giờ đều không khỏi sụt sùi. Cứ uống đến lúc cơm no rượu say, chén dĩa trên bàn chất thành chồng cao ngất mới phát hiện những điều cần nói cũng đã nói hết cả rồi.
Khi đó tôi đã ngà ngà say, đầu óc trở nên lộn xộn, nghĩ đến chuyện hắn phạm tội năm đó, tôi ợ một tiếng, hỏi hắn: "Cậu nói thật cho tôi biết, mẹ nó chứ năm đó mấy người các cậu đổ được cái quái gì vậy? Ông anh họ ở Giang Tây của cậu sao lại phải lãnh án chung thân?"
Lời vừa thốt ra tôi lập tức hối hận, thầm nhủ sao lại hỏi chuyện này làm gì, lỡ như gợi lại chuyện buồn của hắn thì thật chẳng biết phải xử lý thế nào.
Không ngờ vừa nghe tôi hỏi vậy, mặt hắn đã lộ ra vẻ đắc ý, nghiến răng mà nói: "Thứ tớ đổ ra, hà hà, rất là ma quái, không... không phải là tôi không muốn nói cho cậu biết, mà cho dù tôi có nói thì cậu cũng không biết được."
Tôi thấy hắn khinh thường mình liền nổi giận: "Cậu có thôi đi không, ông đây cũng không còn là thằng nhóc chẳng biết gì của ba năm trước nữa. Đường Tống Nguyên Minh Thanh, chỉ cần cậu nói ra hình dạng thì tôi sẽ biết ngay nó là thứ gì."
Lão Dương thấy tôi nghiêm túc như thế, chỉ cười nói: "Nhìn... nhìn bộ dạng cậu kìa, còn nói cái gì mà Đường Tống Nguyên Minh Thanh nữa chứ!", nói rồi hắn nhúng đầu đũa vào rượu, vẽ lên bàn một thứ có hình dạng kỳ lạ, "Cậu... cậu đã từng thấy thứ này chưa?"
Tôi say đến mắt mũi lờ đờ, nhìn mấy lần cũng không rõ, chỉ cảm thấy nó giống một thân cây, lại giống như một cây cột, liền mắng: "Cậu là con lừa chết tiệt, ngồi ba năm trong kỹ viện mà vẽ vời không đỡ hơn được tí nào, hình cậu vẽ nên gọi là gì cho phải? Là một cái chày gỗ á!"
Lão Dương nói: "Cậu... cậu... cậu nhìn lại cho kỹ đi! Mắt... mắt mũi như cậu cũng chỉ xứng xem loại hình vẽ cỡ này thôi!"
Tôi cẩn thận xem lại, thật sự là không nhìn ra nổi hình này vẽ cái quái gì, bèn vặc lại: "Có quỷ mới biết cậu vẽ thứ gì! Cậu nhìn mấy cái nhánh này đi, ý cậu là hoa văn ấy hả? Tôi trông cứ như cái chạc cây ấy, tóm lại cái hình vẽ cùi bắp này tôi nhìn không nhìn ra được!"
Lão Dương đắc ý cười, hạ giọng ra vẻ thần bí nói với tôi: "Cậu dám...dám nói, đây là một cái chạc cây, chạc cây bằng thanh đồng to cỡ cổ tay?"
Tôi vừa nghe liền ớ ra, hóa ra tên này dám đổ ra một một món đồ bằng thanh đồng, đúng là chán sống rồi mà, cho hắn lãnh án 3 năm đã là quá hời cho hắn rồi, tôi bèn nói: "Thứ này nặng lắm đó nha, những món nhỏ nhỏ cậu không đổ, lại đi đổ một món vừa to vừa quý như vậy, không phải là tự gọi người ta đến bắt mình sao?"
Hắn vỗ vỗ vai tôi, lột một củ khoai sọ nướng bỏ vào miệng, nói: "Cậu không ở đó nên không biết, chỗ kia không giống như tưởng tượng của cậu đâu, chuyện dài lắm."
Tôi cũng có nghiên cứu chút ít về đồ đồng, cân nhắc hình vẽ thứ kia của hắn, chợt nhớ trước đó không lâu ở gò Tam Tinh có đào ra rất nhiều cây thanh đồng, cũng khá giống món này.
Gò Tam Tinh là di tích của nước Thục cổ, nghiêm túc mà nói đó không phải là phạm vi mà giới mua bán đồ cổ chúng tôi có thể rớ tới, vì niên đại quá xa, giá trị quá lớn, có hét giá bao nhiêu cũng không bị xem là đắt. Nếu chỗ lão Dương từng đến có thứ này cũng không biết đối với hắn là may hay rủi nữa.
Tôi liền nổi lên hứng thú với thứ đó, bèn hỏi hắn chuyện lúc ấy diễn ra như thế nào. Hắn uống cũng nhiều nên không thèm giấu diếm gì cả, kể hết từ đầu tới cuối cho tôi nghe.
Khi đó, bọn họ đi vào Tần Lĩnh đã hơn mười ngày, ngoại trừ rừng rậm ngút tầm mắt ra thì chẳng có thứ gì khác, coi như sắp rơi vào hoàn cảnh hết đạn cạn lương.
Lão Dương và anh họ hắn thật ra đều không có kiến thức cơ bản về trộm mộ, chỉ có nhiệt huyết tràn đầy. Lúc đó anh họ hắn đã nản chí ngã lòng muốn thoái lui, còn lão Dương thì vẫn kiên trì không chịu quay về.
Một ngày nọ, bọn họ lặn lội vào một khe núi khuất giữa núi non trùng điệp. Mấy ngày vừa qua họ không biết đã gặp được bao nhiêu khe núi như vậy, nhưng lúc ấy lão Dương lại phát hiện khe núi này có điểm khác biệt.
Nơi này không cao lắm so với mặt nước biển, nhiệt độ lại khá cao, cảnh vật lại vô cùng kỳ lạ. Ở trung tâm khe núi có một rừng đa già cỗi rộng kênh mông, chà, trong khu rừng đó không biết có đến bao nhiêu cây đa lớn hơn mười người ôm che khuất mặt trời, rễ đa bò đầy trên mặt đất, hầu như không còn chỗ trống để bước đi.
Anh họ lão Dương vừa nhìn cảnh đó liền cảm thấy có điểm không hợp lý, rừng đa quy mô lớn đến thế này không giống như được hình thành tự nhiên.
Nói về đất có câu châm ngôn, gọi là: "Hàm địa bất trường cao, nhật thượng cửu bát kiều, ngốc sơn bất mạo lâm, tất hữu sa nê đào", tức là, cỏ cây sinh trưởng ở nơi không bình thường, dưới lòng đất hoặc bốn phía xung quanh ắt có vấn đề, thường là có cổ mộ.
Bộ rễ đa như rắn quấn vào nhau, cánh rừng này rậm rạp hơn rất nhiều so với rừng cây bình thường, chỉ sợ muốn vào cũng không dễ dàng gì. Nhưng ngẫm lại, đã đến được đây, chịu biết bao nhiêu khổ sở mà may mắn vẫn chưa thấy đâu anh họ lão Dương cũng không cam tâm, liền hạ quyết tâm dẫn lão Dương cùng tiến vào.
Bọn họ cứ đi thẳng vào bên trong, đi mãi đến khi trời ngả về chiều mới đến gần khoảng giữa khu rừng. Ở đó bốn phía văng vẳng tiếng cú đêm kêu liên tiếp không ngừng, bốn bề tối tăm u ám. Cả đám bật đèn pin, giảm tốc độ di chuyển để khỏi lạc đường.
Đúng lúc đó, anh họ lão Dương vấp phải cái gì đó, suýt nữa ngã nhào. Lão Dương vội đỡ lấy anh, xoay người nhìn lại mới thấy dưới gốc cây đa có thứ gì đó bị đám rễ quấn lấy thành một khối lồi lên khỏi mặt đất.
Bọn họ dùng rìu nhỏ gạt sạch mớ rễ đa bao phủ làm lộ ra thứ bên trong, rọi đèn pin thì thấy đó là một tượng người đá phủ đầy rêu xanh, nhìn quần áo và trang sức thì dường như là phong cách trước thời Lưỡng Hán, hoa văn Totem chạm nổi cực kỳ sắc nét.
Tượng người đá này xuất hiện khiến bọn họ lập tức hiểu ra, trong cánh rừng này thực sự có thứ gì đó tồn tại, lời cổ nhân nói quả không sai...
Bọn họ kiểm tra xung quanh tượng người đá, rất nhanh liền phát hiện dưới tầng lá đa rụng dày trên mặt đất là rất nhiều phiến đá lớn, dường như ẩn giấu di tích một con đường cổ. Tượng người đá được đặt ở bên rìa di tích thạch đạo cổ, giống như những kẻ canh giữ cho thạch đạo này.
Kết cấu như vậy có phải là thần đạo của hoàng lăng hay không? Lão Dương nhớ lại: lúc còn ở thôn nhỏ cách đây mấy chục dặm, có một ông già nói trong ngọn núi này chôn cất rất nhiều nhân vật thời Tây Tấn, lẽ nào sau bao nhiêu ngày khổ cực bọn họ đã thực sự gặp được?
Nếu đúng là như vậy, mấy ngày khổ sở vừa qua cũng thật đáng giá.
Hai anh em bàn bạc với nhau một chút, quyết định trước tiên cứ thử tìm kiếm dọc theo cổ đạo, nếu có cổ mộ gần đây, tất nhiên sẽ để lại dấu vết gì đó.
Bọn họ lặn lội theo cổ đạo thêm mấy giờ nữa, đi vào giải đất trung tâm khu rừng. Hai bên thạch đạo, bọn họ lại phát hiện được không ít di tích tượng người đá, cái thì nằm ngang trên thạch đạo, cái thì bị rễ cây quấn lấy, tất cả đều phủ đầy rêu xanh, dấu vết của thần đạo càng lúc càng rõ ràng.
Bọn lão Dương mừng thầm trong dạ, chân bước nhanh hơn. Chỉ kỳ lạ một nỗi, càng đi sâu vào cổ đạo, đám rễ cây lại càng dày đặc; cuối cùng bọn họ buộc phải chặt đứt rễ cây mới có thể vượt qua được, cứ như đám cây cối ở đây không muốn có người lạ vượt qua con đường này vậy.
Họ cứ miệt mài đi như thế đến quá nửa đêm, sức cùng lực kiệt mới thấy ánh trăng xuyên qua khe hở mấy tán cây trước mặt, dựa vào đó lão Dương ước chừng họ đã sắp đến cuối thạch đạo. Bọn họ leo qua một đống đá lớn, lại chặt đứt đám rễ cây cuối cùng, cuối cùng đã vượt qua khỏi rừng đa.
Dưới ánh trăng lấp loáng, một hố đá trông như kim tự tháp lật ngược xuất hiện ngay trước tầm mắt họ, rộng cỡ một sân bóng lớn, hình dạng giống như một cái đấu khổng lồ. Hố nằm chính giữa rừng rậm, bốn phía thành hố được tạo hình bậc thang, chừng một trăm bậc, hướng thẳng xuống đáy.
Lão Dương nhìn cảnh ấy mà choáng váng, hắn không sao tưởng tượng nổi nơi cuối thạch đạo lại là một di tích kiến trúc đồ sộ đến thế, chỉ cảm thấy tim đập rộn ràng, hai chân nhũn ra như muốn quỳ phục xuống lạy cái hố.
Nhưng tất nhiên đây không phải là cổ mộ, vậy rốt cuộc đây là đâu? Từ thời đại nào lưu lại?
Anh họ lão Dương dù có chút bản lĩnh thì nhìn thấy cảnh này cũng vô cùng khiếp sợ, nói với lão Dương: "Chỗ này chắc chắn có liên quan đến một loại nghi thức cúng tế nào đó, nhìn qua giống như là một đàn tế, chúng ta mau xuống xem thử trong hố cúng tế có món minh khí nào không."
Lúc này trăng đã lên, ánh trăng u ám lạ kỳ. Bọn họ mở đèn pin để khỏi bị vấp vào đám rễ ngổn ngang như rắn bò, mang theo tâm trạng lo lắng bất an bước xuống bậc thềm đá, tiến vào đáy hố.
Bốn phía xung quanh hố đều có rễ đa che phủ, nếu không lần theo cổ đạo thì dù có đi ngang qua ngay bên cạnh cũng không thể phát hiện ra nơi này. Những phiến đá ở mặt trong của hố đã nứt vỡ gần hết như những mảnh rời của bộ đồ chơi ghép hình, rất nhiều rễ cây chen ra từ trong đá rồi lại biến mất trong khe hở bên cạnh, cả di tích gần như đã bị phá hỏng thành một bộ mặt hoàn toàn khác hẳn.
Đáy hố cũng bị che phủ bởi một tầng cỏ dại thật dày, chỉ một vài chỗ mới lộ ra dấu vết của những phiến đá xanh.
Cỏ dại cao đến cả nửa thân người, bọn họ vừa dùng dao phát vừa tiến tới, không bao lâu đã đến trung tâm của tế đàn.
Giữa tế đàn là một giếng đất có vòng đá xếp xung quanh, giếng sâu chừng hơn mười mét, soi đèn xuống dưới cũng chỉ thấy toàn cỏ là cỏ. Bọn họ hạ dây thừng xuống đáy giếng, trước tiên là tìm kiếm xung quanh, không tìm được gì liền trực tiếp hạ xẻng Lạc Dương.
Xẻng thứ nhất hạ sâu đến mười lăm mét vẫn không chạm được gì, lão Dương rút ra, kiểm tra bùn đất trên xẻng thì thấy trong đó còn hòa lẫn tro than, giống như có một lượng lớn vật chất bị thiêu hủy, hơn nữa bên trong tro than còn có mảnh vụn của gốm sứ và ngọc.
Than đất trong bùn nhão là những gì còn sót lại sau khi thiêu hủy tế phẩm, trong những thứ bị thiêu hủy còn có đồ gốm và ngọc. Xem ra giếng đất này là nơi thiêu hủy tế phẩm cúng bái dành cho người chết vào thời đó, và không chỉ được sử dụng một hai lần.
Lão Dương đã bắt đầu không kiềm chế nổi sự hưng phấn của mình. Trong lịch sử, khi cúng bái người ta thường thiêu hủy một lượng lớn đồ đồng tinh xảo cùng với đồ ngọc; nếu có thể đào ra được một hai cái thì bọn họ sẽ thật sự phát tài.
Bọn họ bắt đầu dùng xẻng thay phiên nhau đào không biết mệt mỏi, chỉ chốc lát sau, ở độ sâu bảy mét so với đáy giếng, họ đào được một lượng lớn mảnh vỡ của đồ ngọc và đồ gốm, không sao đếm hết. Nào là ngọc miếng, ngọc viên, bình gốm, hũ gốm, hầu như thứ gì cũng có, nhanh chóng chất thành một đống.
Đáng tiếc là đa số đồ ngọc và đồ gốm đều đã bị hư hại, giá trị không cao, điều này khiến cho anh em lão Dương vô cùng thất vọng, mà thất vọng nhất là không tìm được đồ thanh đồng như họ nghĩ.
Họ vẫn chưa từ bỏ ý định, lại tiếp tục đào, rất nhanh đã đào sâu đến mười mét nhưng vẫn không tìm được thứ gì tốt. Mà hố đất đào thẳng xuống hơn mười mét là đã đến giới hạn, nếu còn đào xuống tiếp nữa, có nguy cơ cả đạo động sẽ sụp xuống, bọn họ không thể không ngừng lại.
Anh họ hắn khá là thận trọng, mới nói ta đào mãi vẫn không tìm được gì, chỉ sợ thời có cái đàn tế này người ta không dùng tế phẩm bằng thanh đồng, đừng đào nữa, hốt mớ đổ nát này về bán đi cũng đủ gỡ vốn, coi như chúng ta đi chuyến này xui xẻo vậy.
Nhưng lão Dương không cam lòng, mặc kệ ông anh họ nói gì, hắn vẫn muốn tiếp tục đào. Lão Dương để cho anh họ leo lên, còn mình thì đào thêm gần hai giờ nữa, sâu đến khoảng mười bốn mét, bỗng nhiên nghe keng một tiếng, xẻng của hắn đụng phải một khối kim loại.
Hai anh em liếc mắt nhìn nhau rồi đồng loạt nhìn xuống, phát hiện ngay giữa hố đất lộ ra một khối màu xanh thẫm.
Quả nhiên là có đồ thanh đồng. Lão Dương bỗng thấy hồi hộp, đến tay cũng run rẩy. Anh họ hắn reo lên vui sướng, vội quẳng xẻng đi rồi nhảy vào trong hố, hai người bắt đầu dùng tay đào thứ đó lên.
Rất nhanh, một thứ kỳ lạ xuất hiện ngay trước mắt hai người. Trông nó giống như một cây gậy bằng đồng, nhưng không biết cụ thể là gì. Bọn họ phải phủi sạch lớp than và đất bám bên ngoài mới nhìn ra nó là một nhánh cây tinh xảo được đúc bằng thanh đồng.
Hai anh em vui mừng khôn xiết, họ chưa từng được thấy qua thứ này, chắc chắn là rất đáng tiền. Hai người vội dùng tay đào vòng xung quanh để lấy thứ đó lên, nhưng đào xuống mấy mét vẫn không rút nó ra nổi. Tiếp đó họ đành dùng xẻng để đào, đào tiếp sáu bảy mét nữa vẫn chưa thấy được phần gốc của nhánh cây.
Lão Dương bắt đầu cảm thấy kỳ quái, hắn từng buôn bán đồ cổ một thời gian nên cũng biết rất hiếm có món đồ thanh đồng nào dài quá ba mét. Nhưng thứ ngay trước mắt hắn thì thật dị thường, ước chừng phải cao đến hai mươi mét, không biết còn chôn bao sâu dưới lớp bùn đất này.
Đạo động đã sâu gần hai mươi mét, còn cố đào sâu nữa chắc chắn sẽ sập, nhưng tay không trở về thật sự chẳng phải là chuyện dễ chịu gì. Hai người mờ mịt đứng ngây ra đó, không biết nên làm gì cho phải.
Cuối cùng, anh họ hắn nghĩ ra được một cách. Tại phần đất cách gốc của cây đồng khoảng hơn một mét, anh ta hạ xẻng Lạc Dương hướng xiên về phía cây đồng, sau đó tiếp tục nối thêm ống thép hạ xiên xuống, hạ một hơi đến gần mười mét, tiếng gõ ống bắt đầu trở nên nặng nề rồi không gõ thêm được nữa.
Lão Dương nói đến đó, nét mặt trở nên khó xử, bèn châm điếu thuốc hít vào một hơi dài, nói: "Vậy có nghĩa là phần chôn dưới đất của nhánh cây kia còn sâu trên mười mét, suy ra cả cây ít nhất phải cao đến ba mươi mét; một vật lớn như vậy, dù có đào ra được thì cũng không vác về nổi."
Tôi nghe xong líu cả lưỡi, cảm thấy tên này cũng có khoa trương thêm ít nhiều. Ti Mẫu Mậu Đỉnh khai quật được ở Hầu gia trang thôn Võ Quan, An Dương, Hà Nam là món đồ đồng lớn nhất cả nước, cũng chỉ cao hơn một mét. Thời đó muốn đúc một thứ lớn như vậy đã cần đến sức lực của gần hai ba trăm người, vậy cần đúc một cây thanh đồng cao hơn ba mươi mét chẳng phải là cần huy động đến hàng vạn người sao?
Nhưng thấy hắn nói nhiều như vậy tôi cũng không nỡ bẻ lại, bèn hỏi: "Vậy sau đó thì sao? Có tiếp tục đào xuống nữa không?"
Lão Dương nói: "Không, tôi còn định đào nữa, nhưng anh họ tôi lại đột nhiên nói thứ này có thể là thần vật, không chừng là mọc ra từ trong lòng đất, không thể đào được. Sau đó tôi lại nghĩ có tiếp tục đào nữa cũng không an toàn nên thôi... cậu thấy có lạ không? Tôi đoán gốc cây đó chỉ là phần trên của một món đồ thanh đồng cực lớn, phần bên dưới có lẽ còn lớn hơn nữa, nếu đào hết ra, có lẽ sẽ chấn động cả thế giới."
Tôi cảm thấy khó hiểu: "Vậy là cậu không mang được cây thanh đồng kia ra, thế sao lại bị tóm?"
Hắn đáp: "Chuyện này nói tiếp lại thấy kỳ lạ, khi ấy chúng tôi không cam lòng, đào tiếp mấy hố nữa ở chỗ khác, cuối cùng đào ra được một mớ bát gáo nồi chậu nguyên vẹn, sau khi ra khỏi Tần Lĩnh thì kiếm chỗ để tẩu tán. Nhưng anh họ tôi sau khi thấy vật kia thì thần kinh bắt đầu có vấn đề, vừa vào nội thành anh ấy đã nói oang oang cho người ta biết chuyện về nhánh cây thanh đồng. Dân vùng Tần Lĩnh xưa nay vốn có ác cảm đối với đám đào trộm mộ, tin đồn cũng lan truyền rất nhanh. Lúc chúng tôi vừa ra khỏi một tiệm đồ cổ, có mấy người nghe anh họ tôi nói lung tung, nhìn ra thân phận của hai anh em liền chạy đi tố giác! May mà anh công an đi bắt người là đồng hương của chúng tôi, thấy tôi còn trẻ nên bày vẽ cho tôi nói là "bị người ta lừa" mới gỡ được thành án ba năm. Còn anh họ tớ vốn cũng chỉ chịu án bốn năm năm thôi, ai ngờ ổng tự dưng nổi cơn điên, bao nhiêu chuyện đổ đấu từ trước đến giờ đều phun ra hết, cuối cùng lãnh án chung thân, thiếu chút nữa là dựa cột rồi."
Tôi "Ồ" một tiếng: "Cậu làm nghề này bao lâu sao chẳng có tí kinh nghiệm nào, thế mà tôi còn tưởng cậu đem mấy món đồ đó về đến tận nhà chứ. Tôi đã nói với cậu không biết bao nhiêu lần rồi, đừng có tẩu tán minh khí ngay gần đó. Đã làm nghề không đàng hoàng rồi, lại còn nhằm ngay vào dân bản xứ, cái này gọi là quả báo nhãn tiền đó."
Lão Dương thần bí cười: "Cũng... cũng không thể nói là tôi không vớ được... được gì, cậu xem thứ này đi... thế nào?", nói rồi chỉ vào khuyên tai mình đang đeo!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro